VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Trường hợp tiểu thuyết “Phá vây” của Phù Thăng - một tai nạn do chệch hướng

 

Khuynh hướng chủ yếu trong nghiên cứu và tổng kết về văn học viết về chiến tranh hiện nay thường là giới hạn ở việc phân tích và biểu dương những thành tựu.

Phần lịch sử vấn đề, không được chú ý, nhất là những phần lịch sử có nhiều ngóc ngách không thuận.

Ví dụ, có cả một lịch sử không mấy vui vẻ về sự khác biệt giữa những quan niệm nhân bản về chiến tranh và lối suy nghĩ vụ lợi một chiều khi khai thác đề tài này, kết quả là sự áp đặt lối suy nghĩ vụ lợi cứng nhắc cho toàn bộ đời sống văn học.

 

 Nó đã ngăn cản nhiều nhà văn làm việc theo hướng vừa viết vừa thể nghiệm.

  Nó lại còn gây ra những tai nạn nghề nghiệp không đáng có.

 

Trường hợp ”Nỗi buồn chiến tranh” là khá hy hữu, phần vì độ chín của tác phẩm khiến nó được công chúng yêu mến, phần vì nó ra đời trong thời buổi giao lưu quốc tế rộng rãi.

 

 Phá vây của Phù Thăng là một trường hợp ngược lại.

 

Ngày 9-2-2023 trên Fb cá nhân tôi đã đưa lại một bài viết trên TT&VH số 55 ngày 24/2/2008

 

 

***

 

PHÙ THĂNG, MỘT CÂU NÓI, MỘT CUỘC ĐỜI


Nguyễn Quang Thân

 

--

  

 Nhà văn Phù Thăng đã mất vào trưa hôm 21 tháng Hai 2008 tại quê nhà, thọ tám mươi mốt tuổi.

Cuộc chơi nào rồi cũng đến phút chót. Nhưng cuộc đời của Phù Thăng không phải là một cuộc chơi. Như ông sinh ra là để chịu đựng vì những chuyện trái khoáy, lãng nhách. Rất may cho tôi là do kết hợp công chuyện, tôi đã về quê thăm vợ chồng ông vài tháng trước đây. Lúc đó ông chỉ nhìn, bắt tay chặt nhưng không nói gì nhiều vài cái ừ à hay một câu chào hỏi. Chị Phù Thăng là người tiếp chuyện. Cái gì cũng “ông ấy bảo…”, “ông ấy bảo” thế này, thế kia. Như là người phiên dịch vậy.

Ông là một người lính. Năm 1963, Phù Thăng đã là trung đội trưởng trinh sát trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1963 ông được độc giả biết nhiều nhờ cuốn tiểu thuyết “Con nuôi trung đoàn” rồi sau đó là “Phá Vây”.

  Cuốn sau chính là cuốn khiến ông “giữa đường đứt gánh”.

Cuốn sách có trên 500 trang viết về chiến tranh thời chống Pháp, về người lính, có một câu như thế này: “đời lính là đời quá nhọc nhằn”. Câu văn ấy được một người có uy lực phán ở đâu đó: “Cả cuốn sách thì được. Nhưng sao tác giả lại viết một câu: “Đời lính là đời quá nhọc nhằn?” Đang chống Mỹ Nguỵ, giải phóng miền Nam, viết thế ai còn muốn đi lính nữa?”

 Gậy nhạc trưởng đã giơ lên. Tiếp sau là một dàn đồng ca lên bổng xuống trầm. Một bản nhạc khá quen thuộc thường cất lên khi một nhà văn vì lý do gì đó mà ngã ngựa.

Từ đó không ai được đọc tiểu thuyết, thơ hay truyện ngắn của Phù Thăng nữa. Nhà văn Phù Thăng biến mất sau một câu nói. Chỉ còn một Phù Thăng phóng viên, biên kịch và một ông nông dân thực thụ sau khi về hưu.

Ông lặng lẽ rời quân đội, nơi ông gắn bó từ năm 1947, vì lý do ai cũng biết, sang làm phóng viên Báo Thể dục Thể thao. Rồi năm 1964, ông chuyển về làm biên kịch thuộc Xưởng phim truyện Việt Nam cho đến năm 1988 nghỉ hưu tại quê nhà. Cuối cùng thì cũng được về hưu, may mà không việc gì. Ai cũng mừng cho ông.

 

Phù Thăng từng là một hiện tượng. Hồi đó tiểu thuyết còn hiếm. Trong khi Nguyễn Khải viết Xung Đột, mô tả “cuộc đấu tranh chính trị” thì Phù Thăng viết về con người. Ông viết về những người lính.

 

Như Hữu Loan từ năm 1947 đã từng viết về cuộc chiến trên Đèo Cả “suối mang bóng người trôi những về đâu?”, Phù Thăng đã sớm nhìn ra con người lính nhọc nhằn.

Mà văn chương không cho người ta nhìn thấy con người thì là thứ văn chương gì?

 

 

Hữu Loan cũng đã từng bị chất vấn: “Sao lại khóc một người chết trôi (dù người đó là vợ mình) một cách bi lụy thế trong Màu Tím Hoa Sim? Sao lại nhìn thấy bóng lính “trôi những về đâu?” khi cuộc chiến còn khốc liệt?

Và Phù Thăng thì khốn đốn vì đã viết “đời lính là nhọc nhằn”.

Bây giờ thì mọi sự đã qua. Chắc người viết và người phán đã gặp nhau, không còn cấp bậc. Có lẽ họ sẽ bắt tay nhau vui vẻ, cùng nói: “Gặp thời thế, thế thời phải thế!” 




Sau đó bài viết đã nhận được một số còm-mèn bổ sung

·        Vương Thừa Bình

Nguyên đoạn văn của Phá Vây trong trí nhớ của tui: “Chiến tranh không có gì đáng ca ngợi cả, và cuộc đời người lính cũng chỉ là một cuộc đời nhọc nhằn mà thôi. Nếu như trong chiến đấu có giành được cái vinh quang chân chính của nó, thì cũng phải trả một giá quá đắt”.

 

Phung Hoai Ngoc

- Năm 1963 Phù Thăng là trung đội trưởng (?)

- Sau khi rời quân đội "lặng lẽ" ông làm phóng viên, biên kịch... (kém hơn nhà văn qđ hay sao ạ ?) P/v và biên kịch vẫn là nhà văn chứ bác.

 

 

Nguyễn Đình Đông

Số phận giống như nhà thơ Phạm Tiến Duật với bài thơ " Nhớ bà mẹ ở Nam Hoành"

Lại Nguyên Ân

Thời học sinh mình đọc “Phá vây” rất thích. Năm 1964 vô đại học, đi tập quân sự, thấy chính trị viên lên lớp đã trích câu “ Chiến tranh không có gì đáng ca ngợi cả, và đời lính chỉ là cuộc đời nhọc nhằn mà thôi!” Thì ra sau nghị quyết 9 chống xét lại, lại có các bài bình luận của đài Perking in chữ Việt phát không, đã xuất hiện những phê phán, chọn ra mỗi lần vài tên sách tên người mà đay nghiến! Tập trung trong bài của Tố Hữu.

Vương Thừa Bình

Lại Nguyên Ân “Chiến tranh không có gì đáng ca ngợi cả…” lại là suy nghĩ của nhân vật tên Nghĩa, cán bộ cấp đại đội! Em nhớ rứa

 

Lại Nguyên Ân

thời ấy mình đọc thích mê đoạn tả cảnh bắt vịt trời bằng dọc khoai hơ mềm, vắt lên cổ những con vịt, chúng xuôi cánh như bị rắn quấn, nằm yên... Tất nhiên là tưởng tượng của tác giả.

 

Lại Nguyên Ân

"Vì thiếu cảnh giác chính trị, mấy năm gần đây, chúng ta đã để dịch và xuất bản một số sách, nhập một số phim, bản nhạc trái với quan điểm của Đảng, gieo rắc tâm lý hòa bình chủ nghĩa trong nhân dân ta.

Mặt khác, chúng ta không kịp thời phê phán những biểu hiện sai trái ấy trong những tác phẩm của một số anh em chúng ta.

Trong tiểu thuyết "Phá vây" của Phù Thăng có đoạn tác giả oán giận chiến tranh một cách chung chung và chỉ nhận thấy khổ cực và mất mát. ".... Chiến tranh đã gây nên và sẽ gây ra bao nhiêu nỗi đau khổ, vất vả, tủi nhục, căm giận khác nữa.... Chiến tranh không có gì đáng ca ngợi cả và đời lính chỉ là một cuộc đời nhục nhằn mà thôi. Nếu như trong chiến đấu có thu được cái vinh quang chân chính của nó, thì cũng đã phải trả bằng một giá quá đắt. Phải sớm kết thúc cuộc đổ máu cùng với những thảm họa của nó".

 Trong truyện "Đôi mắt", Hữu Mai nói cảm giác của mình trước người thương binh mù: "Trước mắt tôi đang bày ra hình ảnh rất độc ác của chiến tranh. Có lẽ điều bất hạnh nhất với những chiến sĩ bị thương là hai con mắt. Với người mất một cánh tay, một cẳng chân,, trong sinh hoạt hàng ngày nhiều lúc ta có thể quên là anh đã chạm phải lưỡi rìu tàn ac của chiến tranh. Nhưng với người mù, điều tai ương đó hiện ra từng giờ từng phút. Một bước đi, một động tác cũng nói lên anh là người mù... Chiến tranh đã dồn một núi đau thương xuống hai vai bé nhỏ của một người đàn bà trẻ tuổi này" (vợ anh thương binh).

 

Trong tập "Thơ tình yêu" của Nxb. Thanh niên có bài "Hạnh phúc chưa tròn" sau đây: "Ôm em vào lòng / Anh hôn lên đôi má chín hồng / Bỗng đài khuya / Truyền đi tin dữ dội nhất: / "Mỹ thử lại bom hạt nhân dưới đất!" / Hai đứa ngập ngừng / Chiếc hôn hôn giở nửa chừng / Hạnh phúc, em ơi / Chưa trọn đấu đầy thưng." Tôi chỉ nêu lên một số ví dụ. Những tư tưởng ốm yếu lạc lõng trên đây rải rác trong một số tác phẩm khác. Văn nghệ của chúng ta không thể chứa chấp những loại ý nghĩ sợ sệt, buồn tủi như thế được." –

Nguồn

Tố Hữu, "Bài nói tại hội nghị BCH Hội LH VHNT VN, ngày 16.6.1964"

In trong cuốn sách: Tố Hữu, "Về văn học nghệ thuật",

(Văn phòng Bộ Văn hóa xb., 1972, tr. 246-247)

 

3

 

 

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn