VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Một nhà viết sử Việt thời nay & những sợi chỉ rối rắm của lịch sử

 

                               "Để đạt được mức độ khách quan hợp lý, tôi e rằng phải đợi thế hệ cũ                                     chết đi và một thế hệ mới xuất hiện.” Nguyễn Thế Anh


Sử gia Nguyễn Thế Anh vừa tạ thế tại Toulouse (Pháp) ngày 19.3.2023, hưởng thọ 87 tuổi.

Trên trang mạng Nghiên cứu quốc tế ngày hôm nay

vừa có bài viết giới thiệu về ông

NGUYỄN THẾ ANH:

SỬ GIA ĐI TRÊN LẰN RANH

https://nghiencuuquocte.org/.../nguyen-the-anh-su-gia-di.../

Bài này lại lấy từ nguồn tư liệu Pháp

Louis Raymond, “Nguyễn Thế Anh, l’historien sur le fil”, Les Cahiers du Nem, 19/07/2021. Louis Raymond là một nhà báo người Pháp gốc Việt, hiện sinh sống và làm việc tại Nantes. Biên dịch: Phản Tư

Dưới đây là một số trích đoạn lấy từ bài này trong đó chúng tôi đã mạn phép sửa lại một vài chữ cho hợp lý hơn.

*****

Đây là cuộc đời vừa khổ hạnh vừa biến động, bị giằng xé giữa những đòi hỏi của công việc học thuật và những hậu quả của một chương trong cuốn sử hiện đại đầy hỗn loạn.

Sau 1968, ông làm việc ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Các đồng nghiệp của ông là những trí thức nổi bật nhất thời bấy giờ, trong đó có Nguyễn Văn Trung [1930-2022], người mà ông đánh giá cao trí tuệ nhưng không bao giờ đồng thuận.

Ông thấy sự phát triển của phe “cánh tả” đối lập với quân đội, nhất là với tờ “Đối diện” của linh mục Nguyễn Ngọc Lan [1930-2007] mà ông cho là người “gần giống cộng sản”.

Ông cũng nói chuyện với các ký giả ngoại quốc đưa tin về chiến tranh: Jean-Claude Pomonti [1940-], chủ nhân giải thưởng Albert Londres sau này hay Jean Lartéguy [1920-2011], người ông gặp gỡ ở trụ sở Viện Viễn Đông Bác cổ. Ông đã chỉ cho Pomonti thấy những sách nhiễu của quân đội miền Bắc và cho Lartéguy thấy sự bợ đỡ của miền Nam, đó chính là nguồn cơn của một chế độ thối nát.

 

Hiệp định Paris đã ký, người Mỹ đã rút, thảm cảnh 1975 dần hé lộ. Ở một chừng mực nào đó, Nguyễn Thế Anh hoàn toàn đối lập với điệp viên hai mang nổi tiếng Phạm Xuân Ẩn [1927-2006], cựu ký giả, giám đốc văn phòng tạp chí Time tại Sài Gòn, trước khi tiết lộ mình là gián điệp của miền Bắc:

trong bầu không khí lừa dối khắp nơi, sự hai lòng của người này lại được mọi người đánh giá cao và sự trung thực của người kia lại bị dán một cái nhãn sai lầm.

Ông thường nhấn mạnh “trí tuệ của mỗi người là ở cách tiếp cận lịch sử phù hợp,” đó là một trong vài nguyên tắc mà ông muốn truyền lại cho các học trò và bản thân ông đã thừa hưởng từ những bậc thầy của mình.

Vậy phương pháp tiếp cận này là gì? Đó có phải là hướng tới “tính khách quan” (objectivité), điều mà, trong khoa học xã hội và nhân văn, nghĩa là bước đi trên một ranh giới nguy hiểm như đứng giữa hai làn đạn của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn?

Có thể nào gạt chính trị sang một bên khi nhập cuộc làm một nhà sử học?

“Đó là một mục tiêu mà hiện thời rất khó đạt được. Ký ức chiến tranh vẫn còn dai dẳng. Dù người ta có nói gì đi nữa, thì vẫn còn hai nước Việt Nam, một miền Bắc và một miền Nam từng cùng tồn tại. Để đạt được mức độ khách quan hợp lý, tôi e rằng phải đợi thế hệ cũ chết đi và một thế hệ mới xuất hiện.”

Khó khăn trong việc nhìn thẳng vào mọi thứ cũng cho thấy sự chia rẽ rất sâu sắc tồn tại trong chính miền Nam. Ký ức là một vết bỏng dai dẳng, và chính vì lý do này mà ông không muốn viết tự truyện.

Ông nói thêm: “Vâng, để có một cái nhìn chân thật của sử gia, tức là một cái nhìn tách rời với lập trường, chúng ta sẽ phải đợi rất lâu.”

Nhiệm vụ khó khăn nhất đối với bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử đương đại của Việt Nam là phải phân biệt được thật giả, trong một cuộc chiến đã sản sinh ra vô số “quan điểm”.

Tuy nhiên, Nguyễn Thế Anh nhấn mạnh, nguồn gốc của sự thật biến thiên và liên tục tái cấu trúc này cần được tìm kiếm xa hơn trong lịch sử cận đại, trước rạn nứt năm 1945.

“Tôi rất quan tâm đến cuộc đời của một số vị vua nhà Nguyễn [1802-1945]. Trong những gì mà Hàm Nghi, Duy Tân hay Bảo Đại viết, dù là về mình hay về xung quanh, đều có những điều ngụy tạo theo quan điểm của sử gia.”

Đây là một di sản của truyền thống văn học Trung Quốc: “Có vô số điều sai sự thật về một số nhân vật, vì vậy chúng ta thường đắm chìm trong dã sử.”

Nhà sử học không có nhu cầu thần thánh hóa mà phải dám đánh vào lòng kiêu hãnh yêu nước mong manh nhất. Một nhận định về cổ sử mà ông tin tưởng:

“Chúng ta đã bịa ra truyền thuyết để không thừa nhận rằng giữa người Hoa và người Việt vẫn còn một cộng đồng tổ tiên.”

Vào thế kỷ 20 có một “phát minh” gọi là học thuyết dân tộc kiểu Việt Nam, theo nghĩa như Jules Michelet [1798-1874] đã phát minh ra học thuyết dân tộc Pháp vào thế kỷ 19: theo đó quyền lực chính trị đảm bảo rằng lịch sử phải đáp ứng nhu cầu của hiện tại, nghĩa là, lịch sử phải hợp pháp hóa hiện tại.

[Trong bản dịch trên NCQT, người dịch dùng chữ tiểu thuyết - “tiểu thuyết dân tộc của Việt Nam”, “tiểu thuyết dân tộc Pháp”; dùng như thế dễ gây hiểu lầm, nên tôi mạn phép đổi là “học thuyết” - VTN]

Phát minh này là một phần của quá trình “Marx hóa” (marxisation), đôi khi thô thiển, về quá khứ của đất nước.

Vẫn còn nhiều điều cần làm sáng tỏ trong lịch sử của đất nước này mà các nhà nghiên cứu trẻ, những người muốn nghiêm túc tìm tòi giải quyết, phải làm.

Đó là một cuộc phiêu lưu nguy hiểm, đòi hỏi phải duy trì sự cân bằng

Và hãy cẩn thận để không bị choáng váng, vì dưới chân họ đầy những điều không trung thực và dối trá; đó là cả một vực thẳm.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn