Nguyên là bài BẢN SAO CỦA NHỮNG BẢN SAO: VỀ BẢO NINH. Đưa lại theo bản ở đường link https://dvan.org/2015/04/ban-sao-cua-nhung-ban-sao-ve-bao-ninh/. Đầu đề ở trên là của VTN
***
diaCRITICS thỉnh thoảng đăng bài của
khách mời. Đăng lần đầu ở Finding the Words, bài văn này của Madeleine Thien nói về nạn nhân chiến
tranh.
Nhưng hơn thế nữa, nó kể về những hồn ma vẫn
còn lang thang dai dằng sau khi lửa đã tắt, mong tìm chỗ đứng trong lịch sử.
Hầu hết chúng ta chăm chăm nhìn vào những tấm
hình và những câu chuyện về những người bị cột chặt vào cuộc chiến mà không
nhận ra một chi tiết quan trọng nhất: Đó là họ từng là những con người.
Bảo Ninh, hiện đang sống tại Hà Nội,
trở thành tiểu thuyết gia khi đã đi qua nửa bên kia của cuộc đời. Tính đến bốn
mươi tuổi thì ông đã phục vụ trong quân đội Nhân dân Việt Nam và chiến đấu với
lính Mỹ được một thập kỷ trên đường mòn Hồ Chí Minh, rồi thêm một thập kỷ nữa
tham gia đội tìm kiếm hài cốt của những người lính trong quân đội Việt Nam.
Giải ngũ vào năm 1987, ông bắt đầu sáng tác. Sau ba năm, Bảo Ninh cho ra đời
quyển tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất, “Nỗi buồn chiến tranh”. Đó là một quyển
sách mỏng và nhỏ, dễ dàng nằm gọn trong túi áo.
Quyển sách mà tôi có được là bản
dịch tiếng Anh mua từ một người bán sách ở Phnom Penh. Các trang sách đều đã
quăn góc và cũ sờn lại còn mỏng đến mức tưởng như có thể nhìn xuyên qua
được.
Quyển sách thực chất là bản photo từ
một bản photo khác. Các dòng chữ “lên bờ xuống ruộng” khắp trang sách. Chữ ở
một số chỗ còn bị nhòe và phai màu vì ẩm ướt. Sách in lậu như thế này rất
phổ biến ở Đông Nam Á. Chúng được bày bán ở các hiệu sách, quầy sách báo vỉa
hè, hay trên tay của những đứa trẻ bán hàng rong. Đọc sách dưới cái nóng
tháng tư của Phnom Penh, tôi như thể quên hết mọi thứ xung quanh. Câu chuyện
trong sách cuốn bay cả thời gian và không gian.
*
Kiên, nhân vật chính trong tác phẩm,
tham gia quân đội Việt Nam ở Hà Nội khi chỉ vừa tròn mười tám. Năm 1975, khi
Sài Gòn đổi ngôi, trung đoàn của anh gồm năm trăm binh sĩ đã hy sinh và hơn
ba triệu người Việt Nam thiệt mạng trong chiến tranh.
Nhiệm vụ cuối cùng của anh là đi dọc
mọi miền đất nước để tìm kiếm và xác định danh tính cho thi thể của các đồng
đội đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đó là cuộc hành trình kéo dài đến mười
một năm. “Nếu không tìm cho ra tên tuổi của họ thì cuộc đời chúng ta sẽ mãi mãi
day dứt về sự hy sinh của họ”, người đội trưởng căn dặn anh.
Trên đường thực hiện nhiệm vụ của
mình, Kiên băng qua cánh đồng bị bỏ hoang, năm xưa nơi đây là chiến trường,
nhưng nay, cỏ cây đầy sức sống đã mọc lên. Anh bắt gặp những linh hồn tự
giải thoát khỏi lòng bùn đất. Họ chơi bài, uống rượu, đắm chìm trong phóng
túng và lạc thú. Thi thể đã chết đi và mục nát, nhưng họ vẫn hát hò và kể
chuyện tục trong khi Kiên cầm chai Brandy, uống cạn hết ly này đến ly khác
theo “kiểu uống man di, như thể phỉ báng cuộc đời”.
Các hồn ma bước ra từ khắp các hang
cùng ngõ hẻm, từ các lối mòn trong rừng, thay nhau tạo ra một cốt chuyện như
cơn sóng đến rồi đi – cứ thế bất tận, cứ thế không lối thoát, khó hơn cả
những mê hồn trận thời Aristote xa xưa.
Nơi đây, người chết này lại nhớ đến
người chết khác, họ gọi hồn của những bóng ma của chính họ, để chúng ta phải
luôn nhớ đến, và sống trong một hành lang vô tận của những con người như thế.
Không tài nào hiểu được cái hiện
thực đang hiển hiện, Kiên liền bắt đầu viết về quá khứ, “hòa trộn thân phận của
chính mình vào thân phận của các nhân vật”. Bị cuốn theo dòng xoáy của ký ức
vốn bất chấp trật tự thời gian và không gian, câu chuyện của Kiên cứ chạy dài
theo “cái lô gíc bí ẩn của trí nhớ và trí tưởng tượng”.
Bảo Ninh viết, sự xuất hiện dồn dập
của vô số những linh hồn, “đã xâm nhập trong tâm trí anh, ăn sâu vào tiềm
thức.” Kiên luôn cố hết sức để dành một chỗ nào đó cho từng vong hồn vô danh
khi viết một cuốn truyện mà “trang nào cũng dường như là trang đầu tiên, trang
nào cũng dường như là trang cuối cùng”.
Anh như một người vô ngã, sống vì
những người đã chết.
Anh không còn là anh mà hòa vào
góc nhìn của người thứ nhất, người thứ hai và cả người thứ ba trong những
hồi ức của kẻ khác.
Những câu chuyện, của một thời khi
mà “tất cả đều còn rất son trẻ, ngây thơ và chân thành”, trở thành hiện thực
duy nhất của anh trong một thế giới được tái hiện.
Dần dần, ngay cả bản thân Kiên cũng
sẽ biến mất và được thay thế bởi một người dẫn truyện khác, cũng có thể là
chính tác giả, hoặc cũng có thể không.
“Có ai khác ngoài con mới có thể
nhìn thấu cuộc đời con đây?” Câu hỏi giản đơn được thốt ra từ cha dượng của
Kiên, nhưng đó lại hoàn toàn là điều Bảo Ninh lột tả.
Ở một mức độ nào đó, người đọc có
thể chiêm nghiệm bao phận đời mà Bảo Ninh truyền tải đến chúng ta thông qua tâm
sự của một nhân vật đơn độc, duy nhất là Kiên, một nhân vật không bao giờ
dừng chân mà luôn rong ruổi hết đêm này sang đêm khác, từ rừng thiêng đến
chốn thị thành, từ hiện hữu đến hư không.
Gần cuối truyện, Bảo Ninh đặt ra câu
hỏi, “Còn bản thân tác giả, mặc dù xưng ‘tôi’ nhưng đích thực anh là ai trong
biệt đội trinh sát đó? Liệu anh có phải có phải một trong số những hồn ma hay
những bộ hài cốt được đào lên từ đáy rừng?”
Tác giả là ai trong số họ, hay tất
cả họ, hay chẳng là ai cả?
Bảo Ninh đã tạo nên một con người
thinh không, một con ốc mượn hồn, sống dậy qua tiếng nói của những người khác.
Kiên sống sót qua chiến tranh, nhưng nhân dạng và bản ngã không còn nữa. Anh
vừa trở thành một ống dẫn đầy ắp vừa là một ống dẫn rỗng không, một nhân vật
biết rằng chỉ có tình người lớn lao hơn, những tiếng nói đầy mâu thuẫn vang lên
như mây như mưa thì mới giữ anh tồn tại được.
“Hãy để những câu chuyện trở thành
cát bụi”, một người phụ nữ trẻ nói với Kiên khi cuộc chiến kết thúc, mong muốn
anh quên đi quá khứ. Nhưng cả anh và cô đều không nhận ra rằng tro bụi sẽ vẫn
còn đó.
Mọi thảm kịch đi qua đều để lại
những tàn tích. “Lẽ dĩ nhiên tôi biết điều đó” nhà thơ Bertolt Brecht đã
viết, “chỉ nhờ may mắn nên tôi mới sống sót lâu hơn những người bạn của mình.
Nhưng trong giấc mơ đêm nay, những người bạn ấy nhận xét về tôi, ‘chỉ có những
kẻ mạnh mới sống sót,’ và tôi thấy căm ghét chính bản thân mình.”
*
Xuất bản lần đầu vào năm 1990, “Nỗi
buồn chiến tranh” chẳng mấy chốc thì bị cấm ban hành tại Việt Nam, quê nhà của
nhà văn Bảo Ninh.
Tuy nhiên, đây lại trở lại thành một
tiểu thuyết về chiến tranh của Việt Nam được yêu thích nhất, một cuốn sách được
tưởng thưởng vì lối miêu tả gay gắt nhưng đầy trắc ẩn về một thế hệ chiến
chinh.
Tại đây, ở Mỹ, tiểu thuyết của Bảo
Ninh bị phê bình là lủng củng, rời rạc, lộn xộn, mất kiểm soát, và không có
được sự sâu sắc hay mạch lạc như quyển The Things They Carried (Những thứ họ đã
mang theo) của Tim O’Brien.
Có lẽ các nhà phê bình đã đúng. Hoặc
giả, tiểu thuyết, cũng như tâm trí con người, linh hoạt hơn nhiều so với suy
nghĩ của chúng ta. Khi xem xét kĩ hơn, “Nỗi buồn chiến tranh” đã đi ngược
lại những chuẩn mực về cấu trúc thông thường, đánh đổi cả sự mạch lạc để
có thể nói ra được những sự thật trong lòng.
Tại Campuchia, tất cả những nghệ sĩ
dám miêu tả lại cuộc chiến ở đây đều bị xử tử, bất kể họ là nhà văn, nhà
thơ, vũ công, nhà làm phim, họa sĩ, nghệ nhân, hay nhạc sĩ.
Trong số hai triệu người dân Campuchia thiệt
mạng trong cuộc nổi dậy của Khơ Me đỏ, khoảng 90% nghệ sĩ của đất nước này đã
chết vì đói khát, bệnh tật hoặc bị sát hại trên các cánh đồng hay trong nhà
giam của chế độ Khơ Me Đỏ. Những người khác bị bịt miệng bằng các bản án lưu
đày và tịch biên. Các thư viện bị dọn sạch, văn sĩ rơi vào tình cảnh như
các thi sĩ bị trục xuất trong lời kể của Brecht, “Không chỉ thể xác mà đến
những tác phẩm của họ cũng bị hủy hoại.”
Hình ảnh, chứ không phải lời lẽ, mới
là thứ đã tố cáo tội ác diệt chủng tại Campuchia. Trong số đó, nổi tiếng
nhất là hàng nghìn bức ảnh được chụp tại Toul Sleng, một ngôi trường bị biến
thành nhà giam và chủ yếu dùng làm nơi thanh trừng “kẻ thù” trong chính nội bộ
quân Khơ Me Đỏ.
Phần lớn nạn nhân của nhà tù Toul
Sleng là các nông dân, cán bộ chức sắc, binh lính, sĩ quan, bộ trưởng và
những người theo phe Pol Pot. Những sinh viên và giáo viên trở về từ ngoại quốc
với mong muốn phục vụ đất nước cũng trở thành nạn nhân. Các nạn nhân còn lại
là những người xuất thân từ mọi thành phần, giai cấp, độ tuổi, và nghề nghiệp
khác nhau.
Trong số 16.000 tù nhân bị đem đến
Toul Sleng, chỉ có 11 trường hợp được biết là sống sót.
Nhem Ein, một cán bộ thuộc chế độ
Khơ me đỏ, người đã chụp hình từng tù nhân, được hỏi về việc ông muốn người
khác phản ứng như thế nào khi nhìn thấy những tấm hình đó.
Ông trả lời, “Trước tiên, họ nên cảm
ơn tôi. Khi thấy những bức hình đẹp đẽ, rõ ràng, họ nên thán phục tài nghệ
người chụp hình. Chẳng có tấm nào bị lỗi kỹ thuật cả. Kế đến, họ nên cảm thấy
thương xót cho những tù nhân.” Tôi đã đến Toul Sleng nhiều lần. Trong những căn
phòng nóng ẩm, cũ kỹ, không khí dường như biến mất. Những viên gạch trên sàn
cáu bẩn, hoen ố. Tiếp theo nỗi xót xa và thương tâm, cái cảm nhận trong tôi là
sự thịnh nộ và lòng quyết tâm phải tìm hiểu cho ra. Các phong trào và lí tưởng
không tự nhiên mà hình thành; ta nuôi dưỡng chúng từ rất lâu, thuyết phục
bản thân nghe theo giá trị của chúng, nghe theo những lời hứa hẹn về miền đất
hứa xa xôi. Những câu chuyện hùng hồn đó, trong truyền thuyết hay văn chương,
chỉ đạt được mục đích khi có thể khơi gợi lên một vùng đất ảo tưởng nào
đó, dẫu chúng có giả tạo hơn cả những hồn ma trong truyện của Bảo Ninh.
Được sao lại từ những bản sao và
dịch lại từ những bản dịch, câu chuyện về những hồn ma của Bảo Ninh đã được
tái sinh và trao tặng một cuộc đời mới kiên cường hơn.
***
“Nỗi Buồn Chiến Tranh” có thể được
tìm thấy trong những nhà khách yên tịnh ở Bắc Lào hay lẫn trên những kệ sách
dài bất tận trong nhà sách Kinokuniya ở San Franscisco.
Tháng 6 năm 2010, tôi đi xe buýt từ
Bucharest đến Biển Chết, nơi mà khoảng 2000 năm trước, nhà thơ La Mã cổ đại
Ovid đã trải qua mười năm cuối đời trong đày ải đơn độc.
Tại một hội thảo chuyên đề của các
nhà văn Romani và quốc tế, tôi từng giới thiệu về “Nỗi buồn chiến tranh.”
Lúc ấy, trong túi áo của tôi vẫn
là bản truyện cũ sờn tôi mua ở Phnom Penh.
Ngồi bên bờ Biển Chết, một lần nữa
tôi lần giở những trang sách và cảm nhận mùi gió biển mằn mặn dần biến
mất, nhường chỗ cho khu rừng xanh thẳm của Kiên vươn lên.
Thế giới tiểu thuyết thật lạ kỳ, đó
là nơi ngôn từ có thể khiến ta sống lại những điều chưa từng trải qua, nơi ký
ức được lưu giữ trên trang giấy. Các trải nghiệm mới vẫn đến với ta sau mỗi lần
được thưởng thức tác phẩm nghệ thuật bất hủ, dù đó là thơ ca, nhạc họa, hay
phim ảnh.
Mỗi lần như thế, ta lại mong có thể
đưa mình đi sâu hơn vào cuộc chinh phục mới. Ta lại mong mang theo mình phần
nào nữa của thế giới này và cả những trải nghiệm bản thân.
Năm 1997, 22 bức ảnh mà Nhem Ein
chụp ở Toul Sleng đã được phóng to và trưng bày tại bảo tàng Nghệ thuật hiện
đại của New York. Trong những dòng chú thích ngắn gọn của buổi triển lãm,
chỉ có vài dòng nhỏ giới thiệu về bối cảnh và gần như không có thông tin gì
về lịch sử.
Những khách tham quan nhìn vào những
gương mặt trẻ em sắp bị xử tử sẽ chẳng thể nào biết được làm thế nào mà các
lãnh đạo Khơ Me Đỏ đã từng học tập trong các nhóm nghiên cứu Mác Xít ở
Paris, làm thế nào mà những trí thức cánh tả phương Tây lại nhún vai phớt lờ
các chỉ trích về phong trào Khơ me đỏ vì cho rằng những câu chuyện của người
tị nạn Campuchia chỉ là hư cấu, hay làm thế nào mà chính quyền lại hậu thuẫn
cho Pol Pot từ năm 1979 cũng như để cho bộ trưởng bộ ngoại giao của Pol Pôt
đại diện cho Campuchia ở Liên Hiệp Quốc mãi cho đến năm 1993.
Người chụp hình được ghi là “Vô
danh” – quả là một sự dối trá – và những nhân vật trong hình được xem là
“không thể xác định danh tánh”.
Tại một đất nước nơi quá nhiều người
dân bị bịt miệng, thật nực cười khi những bức hình chụp bởi người hành quyết
lại được cho là có khả năng kể lại toàn bộ câu chuyện. Có lẽ những người phụ
trách bảo tàng MoMA, cũng giống như Nhem Ein, tin rằng những tấm hình này đủ
hoàn hảo để có thể tồn tại như những đối tượng nghệ thuật độc lập: những hình
ảnh của nỗi thống khổ, những chứng tích của thảm kịch này mạnh mẽ đến mức
chúng chẳng cần sự hỗ trợ của ngôn từ vẫn có thể lay động cả những
người thưởng lãm xa lạ, chẳng có thông tin gì về chúng.
Những tấm ảnh của Nhem Ein đẹp đến
thắt lòng. Hàng ngàn hàng vạn đàn ông, đàn bà và trẻ con nhìn chằm chằm vào ống
kính, tự hỏi trước mặt họ là một đồng minh hay kẻ sẽ cướp đi mang sống của
họ. Không thể hy vọng, mà cũng không hề muốn tuyệt vọng, gương mặt họ mãi mãi
bất động trong sự điềm tĩnh đến tột cùng.
Nhưng ở đây, ngay lúc này, những
linh hồn có quyền được lên tiếng về lịch sử, về quãng thời gian và
không gian mà họ từng sống, đó là một đặc quyền.
Cho và nhận đã là điều quá nhỏ
bé. Thay vào đó, họ trở thành những hình ảnh câm lặng đến từ một cuộc chiến
tranh ngoại bang, bị nhìn nhận bóp méo: về sức chịu đựng, sự ngây thơ, tính tàn
bạo, sự điên loạn, và mâu thuẫn chủng tộc không thể nào hiểu được.
Như nhà báo Nic Dunlop đã viết,
“Những nạn nhân hiện lên như cách mà Khơ Me Đỏ nhìn nhận họ: không tên tuổi,
không gia đình, không nhân dạng hay quê hương.”
Theo Hannah Arendt, “Triết lý của
nghệ thuật vị nghệ thuật sẽ chết nếu nó dám theo đuổi những nguyên lý của nó
đến tận cùng các kết luận logic, để thỏa mãn sự tôn thờ cái đẹp. Nếu chúng ta
cho rằng vẻ đẹp chính là những ngọn đuốc cháy rực rỡ thì chúng ta sẽ
sẵn sàng, như hoàng đế La Mã Nero, thiêu sống những người khác.”
Pol Pot, như cách nhà lý luận chính trị Arendt
mô tả Hitler, “trung thành đến chết với với cái lý tưởng của chính hắn: sẵn
sàng châm ngòi cho một cuộc cách mạng mà hắn tin rằng sẽ củng cố sức mạnh của
Campuchia và thanh lọc giống nòi”.
Cả hai đều “sẵn sàng để hy sinh tất
cả để phục vụ cho lí tưởng này, cho ‘cái đẹp’ bất biến này.”
Vài năm trước, khi tham gia một hội
thảo của các nhà văn ở Boston, Bảo Ninh được một người cựu binh Mỹ phỏng vấn.
Người Mỹ Marc Levy này đã gặp phải một sự im
lặng khi yêu cầu Bảo Ninh mô tả những chiến thuật của quân Việt Nam, chiến
thuật đi rừng, và công tác tư tưởng. Cuối cùng, Levy đành hỏi Bảo Ninh là có
điều nào ông muốn nói thêm, điều nào mà buổi phỏng vấn đã bỏ sót. “Chúng tôi đã
từng là con người,” Bảo Ninh trả lời đơn giản. “Đó là điều mà các anh cần
nói với mọi người. Chúng tôi đã từng là con người.”
Năm 2006, trước tin đồn ông đã viết
xong quyển tiểu thuyết thứ hai, Bảo Ninh thừa nhận rằng sau khi xuất bản quyển
“Nỗi buồn chiến tranh”, ông đã không ngừng viết, nhưng chưa biết mình có còn
xuất bản thêm một tựa sách nào nữa không. “Tôi liên tục ngăn mình lại”,
ông nói. Hiện tại, ở tuổi 58, ông biên tập một tuần san văn chương ở Hà Nội, và
sống cuộc sống của một nhà văn ẩn dật, người đã trở nên nổi tiếng bởi một quyển
sách chứa đầy sự vị tha, một cuốn sách vô ngã nhưng lại nói hộ tiếng lòng
cho cả một thế hệ.
Cũng giống như quyển Tree of Smoke
(tạm dịch Cây khói) của Denis Johnson, câu chuyện không chỉ trải rộng trên
hành trình của nhiều cuộc đời mà nó còn chứa đựng một sự giằng xé nội
tâm sâu sắc. Cựu chiến binh Việt cộng, giờ là một điệp viên hai mang, trong
quyển tiểu thuyết của Johnson đã nói, “Có một lời nói dối được thốt ra.
Tôi đã thốt ra lời ấy. Bây giờ tôi sẽ để sự thật giác ngộ mình.”
Tôi sẽ sớm quay trở lại Campuchia,
một đất nước tôi yêu quí, đất nước tiếp tục trong sự yên bình không dễ dàng.
Ở đó, một thế hệ khác, sinh ra sau khi những người gìn giữ hòa bình của Liên
Hiệp Quốc rút khỏi đất nước từ năm 1993, đang dần dần tìm lại tiếng nói của
riêng mình.
Tôi đã gặp những vũ công, nhà báo,
họa sĩ và nhạc sĩ được thỏa sức sáng tạo. Họ không lý tưởng hóa cái đẹp. Họ
sáng tạo nghệ thuật không vị nghệ thuật, mà từ những gì cần thiết, bình dị, gần
gũi, để nắm lấy những gì đẹp đẽ và những thứ không còn nguyên vẹn, để hấp dẫn,
trốn thoát, và để lại cho nhân thế những tác phẩm có thể sống mãi. Đó sẽ
là những tác phẩm mà mọi người có thể tiếp xúc lại nhiều lần và vẫn
có được những cảm xúc mới mẻ, như những tập sách photo rải rác khắp
Đông Nam Á, như những nỗ lực không ngừng nghỉ, như tất cả chúng ta giờ đã
trưởng thành hơn.
Người dịch:
Lê Thanh Tuấn, Giảng viên thỉnh giảng, Khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐHKHXH-NV,
ĐHQG, TPHCM. Nguyễn Thị Như Ngọc, Thạc sĩ, Trưởng bộ môn Biên – Phiên
dịch, Khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐHKHXH-NV, ĐHQG, TPHCM. Nghiên cứu sinh chuyên
ngành Ngôn ngữ học so sánh – đối chiếu.
Bài gốc
được xuất bản trong Finding the Words, (tạm dịch – Đi Tìm Hình Của
Chữ) biên tập bởi Jared Bland. Bản quyền © 2011thuộc về Madeleine Thien
Madeleine Thien là tác giả của ba tác phẩm tiểu thuyết: cuốn Simple Recipes (tạm dịch – Các Công Thức Đơn
Giản), một tuyển tập truyện ngắn, và cuốn Certainty,
(tạm dịch – Chắc Chắn).
Những câu chuyện và bài viết của cô
đã được đăng trên các tạp chí như Granta, Five Dials, Brick, PEN America,
Warscapes, và tạp chí văn chương Asia Literary Review.
Những tác phẩm của cô đã được dịch
ra 17 ngôn ngữ. Năm 2010, cô được nhận giải thưởng thường niên dành cho các
cây bút triển vọng – Ovid. Quyển sách mới nhất, Dogs at the Perimeter, (Những Chú Chó và Đường Vành Đai), được Granta Books
xuất bản năm 2012. Sinh ra ở Vancouver, cô hiện sống và làm việc ở cả hai
thành phố Montreal và Berlin.
Nguồn: http://diacritics.org/?p=25813