VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chung quanh một số tác phẩm viết về chiến tranh ra đời trước sau 1975

 Bài in trong tập "Chiến trường sống và viết"

nhxb TÁC PHẨM MỚI khoảng 1983.

Trong văn học Việt Nam từ sau 1945 tới nay, những tác phẩm viết về chiến tranh của các nhà văn chúng ta vừa dồi dào về số lượng, vừa đạt tới nhiều đỉnh cao về chất lượng. Phân tích đánh giá các tác phẩm đó về nội dung tư tưởng cũng như trình độ nghệ thuật là việc của nhiều bài viết, nhiều cuốn tiểu luận phê bình khác. Riêng tôi được giao nhiệm vụ là tìm đọc một số sách báo hoặc trực tiếp hỏi chuyện một số anh em viết văn để tìm hiểu các tác phẩm đó đã ra đời như thế nào, đồng thời cũng tìm hiểu xem qua việc làm những tập sách đó, các nhà văn đã phải giải quyết vấn đề gì, bao gồm từ quan niệm chung về việc viết văn, đến các khâu bếp núc nghề nghiệp cụ thể. Dĩ nhiên, do nền văn học viết về chiến tranh của ta khá phong phú, ngay việc đi hỏi và ghi chép lại đầy đủ một trong những điểm nói trên thôi, cũng đã cần nhiều công phu, không thể một người một lúc mà làm được. Huống chi, điều kiện của tôi lại có hạn, trong thời gian ngắn chỉ gặp được một ít người, và biết được một ít việc.


Bởi vậy, tôi chỉ xin phép biết đâu kể đấy, có khi nói về khâu đi thực tế và quan niệm của nhà văn, có khi đi sâu vào chuyện người ngồi viết trước trang giấy. Người khía cạnh này, người khía cạnh khác, dẫu biết rằng bài viết có phần không nhất quán, vẫn cứ tìm cách chắp nhặt và trình bày cả ra đây, để bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo.

I

Nói tới chiến tranh, đối với nhà văn là nói tới chuyện đi và viết. Điều kiện làm việc thật gian khổ. Nhưng yêu cầu sáng tác vẫn được đặt ra rất cao. Bởi vậy, người viết nào cũng phải tính tới và người nào giải quyết được hai chuyện cụ thể này, người đó sẽ thành công.

Thử ghi lại những chặng đường mà Trần Đăng đã đi trong ba năm đầu kháng chiến.

Cuối 47 - Yên Thế Thượng - La Hiên

Đầu 48 - Chung quanh Hà Nội

Đầu 49 - Đường số Bốn

Giữa 49 - Yên Bái, rồi Bắc Kạn

Cuối 49 - Đông Bắc

Lấy ra một tấm bản đồ và dùng bút nối các địa điểm trên lại với nhau, chúng ta sẽ thấy những đường gạch ngang gạch chéo. Một người thật khó lòng đi được hơn thế!

Những địa điểm Nguyễn Tuân có nói tới trong Tuỳ bút kháng chiến cũng tức là những nơi ông đã đi qua, cũng nhiều vô kể, ghi lại rất dễ lộ xộn. Đại khái là đang theo các đơn vị chiến đấu ở Tây Nguyên, ông lại có dịp về Hà Nội, sống cái không khí của thủ đô, sau đêm 19 tháng chạp. Rồi tiếp tục vào khu Bốn. Rồi ra Việt Bắc, "cắm" khá sâu ở Việt Bắc, và có những lần xuống các vùng đồng bằng khu Ba, kể cả vào tuyên truyền trong các làng tề.

Đi như thế nào? Nguyễn Tuân kể .

- Trên những lối dẫn vào Suối Sen, lần đầu tiên tôi được biết đến cảm xúc tham gia chiến đấu bên cạnh bộ đội... Lần đầu tiên trong đời tôi, tôi cầm quả lựu đạn.

Giữa hai xuân

- Tôi ngóng giờ khai hoả. Nắm cơm chiều qua dắt theo thắt lưng, suốt một đêm hành quân, giờ đã thiu. Nhưng thôi, cứ bỏ nó vào mồm... Tôi gối lên đàn kiến càng, cố nhắm mắt. Tai áp sát đất, càng nghe rõ cái tiếng dội của thuổng đào công sự.

Lửa sinh nhật

Ở những hoàn cảnh khác việc đi có thể không đặt ra bức thiết như vậy. Nhưng trong những năm đầu kháng chiến, đi chính là động tác nghề nghiệp quan trọng bậc nhất với các nhà văn.

Đi làm nên nội dung các trang sách: chỉ cần kể lại ấn tượng sau những chuyến đi ấy, phác hoạ nên vài chân dung các "đội viên" chiến đấu, cũng đã thấy quý lắm rồi.

Đi làm nên hình thức tác phẩm. Ở mỗi người, Thép Mới và Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Lộc và Tô Hoài, nó có mang màu sắc khác đi, và có một tên gọi ước lệ: tuỳ bút, bút ký, phóng sự... nhưng về căn bản "cái giọng" của những tác phẩm ấy rất gần gũi nhau. Thể loại không bị những ràng buộc quá chặt như cũ.

Trong rất nhiều ví dụ, hãy lấy trường hợp cụ thể của một nhà văn lúc đó còn trẻ là Vũ Tú Nam. Chiến dịch đường 12, chiến dịch Trung du, Chiến dịch đường 18. Chiến dịch Hoà Bình.... Những chuyến đi nối tiếp và tác phẩm của anh cũng ra đời nối tiếp: Bên đường 12, Sau trận Núi Đanh, Nhân dân tiến lên... Mỗi quyển gần trăm trang. Vừa có chất ghi chép, vừa pha chất truyện, tường thuật lẫn với cảm xúc, suy nghĩ. Tác giả cũng không để công sắp xếp lại và gọi đó là gì nữa. Nhưng đó chính là một ví dụ về thứ văn xuôi chiến tranh xuất hiện trong những năm đầu kháng chiến và còn để lại dấu ấn trong cách viết của chúng ta nhiều năm về sau nữa.

 

*

Bây giờ chúng ta dừng lại ở một số trường hợp cụ thể. Trước hết là ở cuốn Xung kích của Nguyễn Đình Thi.

Ở bìa bốn một cuốn sách mỏng in trên giấy dó, mang tên Vĩnh Yên tường thuật, có chua mấy dòng:

Sách này in 5.000 cuốn

Xong ngày 31-1-1951, tại nhà in TCCT trong dịp thi đua chuyển mạnh sang tổng phản công.

Vĩnh Yên tường thuật là tiền thân của Xung kích. Đọc nó, ta có thể hiểu thêm khi viết Xung kích, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã làm việc thế nào.

Ngay từ trang ba, hình ảnh của tác giả đã xuất hiện.

- Tôi theo một đơn vị bộ đội về tới Vĩnh Yên hồi cuối tháng chạp.

Sự việc được ghi khá tỉ mỉ. Đoạn II mang tên Trận đánh bắt đầu ở Bản Chúc mở đầu như sau:

- Quá nửa đêm 13, rạng ngày 14-1, tiếng địa bác nổ ở đồn Bản Chúc bên Chợ Me.

Và các đoạn sau:

- Ngày 15, trận đánh mở rộng gay go

- Ngày 16, ác chiến...

Với Vĩnh Yên tường thuật, giữa tác giả và sự việc chiến tranh đã thấy có một sự thi đua trong tốc độ .

Trận đánh chính kết thúc ngày 16. Bản thảo viết xong ngày 25. Và sách in xong ngày 31 cùng tháng.

Với Xung kích nhịp độ làm việc của Nguyễn Đình Thi cũng vậy.  Theo như nhà phê bình văn học Nhị Ca cho biết, Xung kích ra đời ở Đại Từ, nơi một bộ phận văn công Tổng Cục Chính trị  đóng quân. Đi chiến dịch về, tác giả ghé vào đấy ngồi viết. Hình như mọi chuyện đã được nghĩ xong, ngay từ trên đường, nên khi ngồi bên bàn, tác giả chỉ còn có việc chép ra nữa thôi.

Anh làm việc đều đặn hàng ngày, khoảng 18 ngày thì xong. Đến nay, cuốn sách, tác giả còn ghi chú một dòng ngắn 20 tháng tư - 6 tháng năm,1951.

Trên nguyên tắc, tác phẩm đứng được, là do tác giả mang vào đó bao nhiêu suy nghĩ và những "vốn liếng tinh thần" anh ôm ấp trong những năm đầu kháng chiến. Nhưng nếu không có trận Trung du, tức giữa thôi thúc nội tâm và thôi thúc của hoàn cảnh không có sự gặp gỡ, có thể chúng ta vẫn chưa có tác phẩm

 

*

- Thì ở khu Năm chúng mình cũng vậy. Đi rất ghê và bám cơ sở rất ghê.

Ăn khoai cũng viết. Bản thân Nguyễn Văn Bổng viết Con trâu cũng là ngay trong một chiến dịch. Đêm không có đèn, trong khi các cán bộ khác ngồi họp, đến ghé đèn nhờ. Ngày ra suối ngồi trên bàn đá để viết.

Trên đây là lời của nhà văn Nguyễn Thành Long khi tôi yêu cầu anh giới thiệu mấy câu vắn tắt về phong trào sáng tác ở miền Trung Trung bộ trong những năm đầu kháng chiến, Bản thân Nguyễn Văn Bổng kể về trường hợp ra đời của tác phẩm Con trâu như sau:

Về mặt nghề nghiệp đối với tôi. Con trâu là bước thử. Thử viết tiểu thuyết. Nguyên trước đó trong văn học mình, ký đã có nhiều rồi nhưng tiểu thuyết thì chưa. Cả các bậc đàn anh như Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng cũng chưa viết nên tôi lại càng háo hức muốn thử sức. Cũng như sau này, vào Cà Mau, tôi muốn thử sức ở loại tiểu thuyết trường giang như Les Thibault của R. Martin du Gard (1881-1958)  nên viết Rừng U Minh.

- Còn như  đặt vấn đề “viết về chiến tranh toàn dân, toàn diện” như người ta nói -- liệu lúc viết Con trâu anh đã có ý thức đầy đủ?

- Làm sao mà có ý thức như bây giờ được! Nhưng do ở Khu Năm, địch phá kinh tế rất mạnh, nên tự nhiên vấn đề bảo vệ kinh tế, vấn đề con trâu cũng đã nổi nên rõ rệt, có trực giác tinh nhạy một chút, có thể thấy ngay. Lúc làm cụ thể, tôi chỉ còn lo lâu nay mình quen viết tiểu tư sản, nay quay qua viết về nông dân có được không. Tôi gắng mang những kinh nghiệm từng có vào trang sách. Kết quả như các anh đã thấy, ví như, bên cạnh phần cần cù bám ruộng, còn có cái hóm hỉnh, yêu đời của người  nông dân... Đúng hồi kháng chiến là thế thật. Viết xong tôi thấy tự tin hơn, có hướng hơn.

 

Cũng đi chiến dịch, nhưng không chỉ bó gọn vào chuyện đánh nhau, mà thông qua chiến dịch, tìm hiểu một mảng đời sống nào đó, rồi lấy ra những vấn đề quan trọng nhất và hợp với cách làm việc của mình nhất - những ý nghĩ chỉ đạo Nguyễn Văn Bổng có lẽ cũng là những ý nghĩ đã đến với Tô Hoài, khi đi chiến dịch Tây Bắc.

Nhà văn đã kể tỉ mỉ chuyện này dưới góc độ một bài kinh nghiệm sáng tác.

Năm 1952, tôi theo bộ đội chủ lực, tiến quân vào miền Tây

Nhưng nói thế, đối với người viết, còn gần như là chưa nói gì cả. Bởi lẽ:

Bước vào chiến trường, bao nhiêu việc trước mắt, việc nào cũng quan trọng, đáng ham mê, đáng làm và đều có thể viết được, vì tất cả đều nằm trong nhiệm vụ chung về sáng tác của tôi. Nào các đơn vị chủ lực đang đầy khí thế chiến thắng, nào các đội dân công khắp các tỉnh Việt Bắc, từ các miền địch tạm chiếm ở Vính Phúc, kéo ra, nào nhân dân các vùng mới giải phóng vui mừng và các vùng sắp giải phóng đương hết sức hồi hộp mong chờ...

Đằng nào tôi cũng muốn đi sâu, nhiều phía quá, chưa biết ngả phía nào.

Tác phẩm chỉ phần nào định hướng, khi tác giả dứt khoát.

Cuối cùng, tôi quyết định vào vùng mới giải phóng mà trọng tâm là đến với các khu du kích.

Từ đó về sau, xuống các châu gặp đồng bào, lấy tài liệu viết báo mặt trận, học tiếng dân tộc và sưu tầm thơ ca, mọi việc cứ thế mạch lạc đâu vào đấy.

Qua cách làm việc của Tô Hoài và Nguyễn Văn Bổng, thấy đặt ra một số vấn đề.

Một là, viết về chiến tranh, không chỉ có việc đánh nhau - tuy đó là quan trọng bậc nhất - mà cần viết một cách toàn diện về đời sống dân tộc trong những năm chiến tranh; không chỉ cần viết về bộ đội chủ lực mà còn phải viết về bộ đội địa phương, du kích, dân công và tất cả những người dân thường khác.

Hai là, muốn làm thế, người viết phải có vốn sống, không chỉ  tư liệu chung quanh một chiến dịch, vài ba trận đánh, mà là vốn liếng về mọi mặt đời sống nói chung. Kinh nghiệm cho thấy khi được chứng kiến, có thể nói là được giáp mặt với một trận đánh có ý nghĩa to lớn, nhiều người viết văn thường bị choáng ngợp, sinh ra lúng túng, chỉ biết có trận đánh đó mà không vượt thoát ra ngoài để nhìn vào đó một cách chủ động hơn. Nhưng tất cả những trường hợp thành công đều chỉ rõ trong khi đi sâu vào sự kiện chính, nhà văn không được quên yêu cầu khái quát vốn đặt ra rất cao đối với văn học, và tinh thần đó phải thấm nhuần ngay trong khâu làm việc, huy động tài liệu.

Nói như  Tô Hoài:

Dựng lên những nhân vật Tây Bắc chẳng phải tôi chỉ riêng nhớ lại nhiều lần tôi đã đi Tây Bắc mà tôi còn phảng phất đến những năm đầu tiên tôi lên ở Bắc Cạn, Cao Bằng đến các chuyến đi nhiều nơi khác, các dân tộc khác, trên miền núi Việt Bắc và cả Tây Nguyên mà năm 1945 tôi cũng có dịp biết. Những hình ảnh này là những tấm gương xa gương gần cần thiết soi lên mọi mặt để đối chiếu trong lúc sáng tạo.

 

 

II

Đã thành thông lệ, ở rất nhiều nước, những tác phẩm viết về chiến tranh bao giờ cũng được chia thành hai cụm riêng biệt: viết trong chiến tranh và viết sau chiến tranh. Lý do ở đây không phải chỉ là thời gian và điều kiện viết. Lý do là cả nội dung lẫn hình thức tác phẩm ở mỗi giai đoạn lại có những cái khác.

Mất đi tính thời sự theo nghĩ phản ánh sự kiện một cách cấp bách,  tác phẩm ra đời sau chiến tranh có những trọng trách mới: nó phải cố gắng làm được những việc mà lúc đang có tiếng súng người ta không có điều kiện làm. Nó phải triển khai văn học ở cả hai phía chiều sâu và chiều rộng.

Tất cả những điều đó cũng rất đúng với bộ phận viết về kháng chiến ở ta, sau hoà bình 1954.

- Chín năm kháng chiến, chúng ta đi khắp mọi nơi, biết đủ mọi việc, tiếp xúc đủ mọi người, nếm trải đủ gian nan, đương đầu với mọi sự hiểm nghèo. Cái lo nhất từng biết, cái buồn nhất cũng từng biết, cái vui nhất cũng từng biết.

Nguyễn Khải

Có thể mượn những lời lẽ ấy để chỉ tâm sự của nhiều nhà văn sau kháng chiến. Mỗi người cảm thấy có rất nhiều điều để viết, và mỗi dòng chữ, mỗi trang sách, có một phần vui buồn của cuộc đời mình. Chẳng hạn như trường hợp Bùi Hiển. Từ 1951, anh đã viết Đánh trận giặc lúa, và 1954, có tập Gặp gỡ. Nhưng đến khoảng 1959-1960, tác giả Nằm vạ còn viết được những truyện rất cảm động, như Ánh mắt, như Một câu chuyện trong chiến tranh, ở đó, mọi sinh hoạt kháng chiến hiện lên với nhiều nét tinh tế, như đã nhuyễn vào thành đời sống bình thường của dân tộc.

Chu Văn nói tới những "cô lái đò sông Ninh" hiền lành và quyết liệt. Nguyễn Quang Sáng không thể quên những "người quê hương" như "ông năm Hạng". Nguyễn Kiên kể về những chuyện xảy ra ở "trong làng". Chỉ qua một số ví dụ như thế, đã có thể thấy được những khía cạnh chung nhất của sáng tác viết về kháng chiến ra đời trong giai đoạn này. Chủ đề căn bản vẫn là chủ đề ân nghĩa ân tình. Nhưng khi viết, mỗi người không còn lo chạy theo sự kiện mà đã gắng sống hết cái dư âm của hiện thực trong tâm trí mình, từ đó, đẩy câu chuyện vượt lên trên cái mức thông thường.

 Ví dụ như trường hợp Những đứa con của Nguyễn Kiên.

Từ chỗ cảm phục cuộc đời hy sinh của những người mẹ, người vợ hậu địch cho tới khi thêm vào đó chi tiết một cô giáo chuyển dạ đẻ để làm thế tương phản và tôn sự kiện trên lên một bước - đây là một động tác nghề nghiệp nhiều người vẫn làm, nhưng suy cho cùng nó là cái lối viết mà chỉ trong những ngày hoà bình, khi nghĩ về chiến tranh bình thản hơn và sâu sắc hơn, người ta mới làm nổi.

 

*

Đứng về chủ quan của người viết, mỗi tác phẩm thành công là một sự vượt lên, hoá thân, thoát xác. Viết về đề tài gì cũng vậy. Viết về những từng trải đã đến với mỗi người trong chiến tranh lại càng như vậy.

Nhưng sự vượt thoát ấy, ở mỗi tác giả mỗi tác phẩm lại hiện ra theo một cách khác.

Có khi như Đất nước đứng lên. Ra đời ngay từ cuối 1955, tác phẩm là một thành công trọn vẹn. Gạo biến thành rượu. Tất cả đều như là tư liệu ghi chép, tất cả lại thuần nhất và quyện chặt với nhau, như chỉ Nguyên Ngọc mới viết như vậy. Được viết liền mạch trong vài tháng, đây là loại tác phẩm ở những giờ phút ngòi bút xuất hiện.

Thanh công của Bên kia biên giớiTrước giờ nổ súng ở Lê Khâm đến theo hướng khác: Tác phẩm phải nhiều lần lột xác. Và tác giả đã từng đánh vật với ngòi bút trên từng trang sách.

Bùi Đức Ái chỉ ghi gọn ở cuối Một truyện chép ở bệnh viện một dòng ngắn ngủi: "Hà Nội mùa đông 1957". Nhưng những người có kinh nghiệm nghề nghiệp đọc vào đều bảo phần vốn liếng tác giả huy động vào đây không phải là nhỏ.

Sau đây là một đoạn trong cuộc nói chuyện giữa tôi với nhà văn Hữu Mai, thời gian gần đây:

- Sao anh bắt tay vào viết Cao điểm cuối cùng muộn vậy?

- Đúng, thời gian viết tác phẩm chỉ có sáu tháng, và hoàn thành vào 4-1961. Thật ra, tôi định viết ngay sau hoà bình lập lại. Nhưng cứ loay hoay mãi, vì ôm không xuể tài liệu. Sau mới nghĩ ra là phải tập trung vào riêng cái A1 thôi.

- Nói một trận quan trọng để nói cả chiến dịch?

- Mà cả nhân vật cũng vậy. Nhân vật tư lệnh trưởng trong đó của tôi, đúc kết từ vài ba đồng chí chỉ huy sư đoàn năm đó tôi được biết. Song đối chiếu với cách viết của tôi bây giờ, Cao điểm cuối cùng có phần hơi lạc. Tôi đang tính viết lại về cả cuộc kháng chiến chống Pháp sao để có thể khỏi rơi vào vấn đề nhỏ, tức làm sao để người viết có thể nhìn chiến tranh toàn cục hơn.

Nói cho đúng, cái cách viết qua một trận đánh nói cả chiến dịch lớn, dồn cả kinh nghiệm kháng chiến để miêu tả một đơn vị, một làng xóm... đâu phải chỉ là cái cách riêng, Hữu Mai làm trong Cao điểm cuối cùng, mà là "ngữ pháp" chung của nhiều cuốn sách viết về chiến tranh ở ta, bao gồm từ Xung kích, Con trâu, Trận Thanh Hương, Đất nước đứng lên, Một truyện chép ở bệnh viện... vừa nhắc ở trên, cũng như niều tác phẩm khác mà bài này không có dịp nhắc tới như Bông hường bông cúc của Hoàng Văn Bổn, Những người cùng làng của Vũ Cao, Đất lửa của Nguyễn Quang Sáng, Goòng của Văn Linh v.v. và v.v....

Những nguyên tắc của "ngữ pháp" đó đại khái là cô gọn, chặt chẽ, không vụ tài liệu, không triển khai tài liệu theo chiều rộng, mà gói gọn câu chuyện xảy ra với vài ba nhân vật chính trong một thời gian không gian hạn chế. Bề dày của các tác phẩm này cũng đại khái khoảng hai-ba trăm trang in.

Nhưng trong thời gian 1960-1964, cũng đã xuất hiện những tác phẩm viết về chiến tranh trong đó, nhà văn làm việc thoe một cách khác đi một chút và "ngữ pháp" cũng khác so với đa số vẫn làm, đó là trường hợp Sống mãi với Thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng.

Đây đúng là một cuốn sách được viết ra trong thời bình, người viết hết sức tỉ mỉ, chi tiết trong việc tổ chức tài liệu. Tuy đã được thai nghén từ lâu, đặc biệt là hồi viết Những người ở lại, nhưng chỉ từ sau 1954, việc xây dựng tác phẩm được đẩy mạnh. Những loại tài liệu được Nguyễn Huy Tưởng khai thác gồm có: những trang nhật ký cũ nát, bản tin chiến sự, bản đồ Hà Nội, những tấm ảnh thủ đô hồi kháng chiến, thủ đô thời xưa, báo ta báo địch. Riêng về phần nhân vật, có tới hàng trăm tên người, mỗi người thành một bản ghi chép riêng. Theo như nhà văn Kim Lân cho biết khi xếp cả lại, tất cả chỗ tài liệu đó làm thành một bó lù lù, trông như cuộn chăn của một anh cán bộ sửa soạn đi công tác.

Dường như Nguyễn Huy Tưởng muốn nói với chúng ta: viết về chiến tranh là một việc rất nghiêm túc. Để nhìn cho rõ những diễn biến của mặt trận trong tâm lý một vài người thôi, nhà văn đã phải bỏ ra rất nhiều công sức. Viết về chiến tranh lại đòi hỏi phải thật bình thản, như ngồi tháo gỡ một bộ máy tinh vi.

Cái bình thản ấy vốn có ở Nguyễn Huy Tưởng: ông từng là tác giả của nhiều tiểu thuyết, vở kịch lịch sử nổi tiếng.

Với cái bình thản ấy, Sống mãi với thủ đô có một cốt cách khác hẳn, so với nhiều tác phẩm khác cùng viết đương thời. Cố nhiên, cả những tác phẩm sôi nổi, như vừa thu băng không khí ở mặt trận về, lẫn những tác phẩm viết về chiến tranh chậm rãi, khúc chiết như cuốn sách Nguyễn Huy Tưởng, chúng ta đều cần. Chúng ta yêu mến mọi cách viết, miễn nó tạo nên tác phẩm thành công. Nhưng theo tôi hiểu, đối với chúng ta lối làm việc như Nguyễn Huy Tưởng trong Sống mãi với thủ đô cần được "nhân lên" để nhiều người cùng làm, dư luận nên khuyến khích các nhà văn làm. Bởi lẽ chỉ nhờ thế, chúng ta mới có được những tác phẩm bề thế hiện nay vẫn còn rất nhiều.

 

III

Lại ra đời gắn liền với những chuyến đi, đó là một đặc điểm lớn, đặc điểm quán xuyến của nhiều tác phẩm ra đời ở miền Bắc trong những năm chống Mỹ. Tài năng của nhà văn gần như thể hiện ở chỗ giải quyết tốt mối quan hệ giữa đi và viết. Biết đi vào hướng xã hội yêu cầu, lại hợp với sở trường của mình, đó là động tác nghề nghiệp cần có đầu tiên. Tiếp đó, biết khai thác tốt chuyến đi, mang hết vào tác phẩm những gì mình đã sống, đã thể nghiệm - ở những nhà văn có nghề, việc viết về chiến tranh lúc này có thể hiện, ra thành một công việc tiếp nối đều đặn.

Vào lửa Mặt trận trên cao của Nguyễn Đình Thi ra đời ngay sau những chuyến đi vào các đơn vị phòng không quân.

Bùi Hiển đi rất đều, đi về bao giờ cũng viết.

Xuân Thiều, Mai Ngữ, Đỗ Chu, Bùi Bình Thi v.v... cũng đi đến đâu viết đến đó, đậm hơn một tí về sự kiện thì gọi là ký sự, nhỉnh hơn một tí về nhân vật thì gọi là tiểu thuyết.

Nhưng đi đều, viết đều nhất, có lẽ không ai bằng Nguyễn Khải.

Năm 1965, đi Cồn Cỏ. Cuối năm đó, tập ký sự in làm nhiều kỳ trên Văn nghệ quân đội, sau đó năm 1966 thì thành sách mang tên Họ sống và chiến đấu.

1966, lấy tài liệu viết về Hoà Vang.

1967, đi một đơn vị công binh ở chiến trường miền Tây, về có Đường trong mây.

1969, đi Vĩnh Linh viết Ra đảo.

1971, chiến địch Đường 9 - Nam Lào, để chuẩn bị tập Chiến sĩ.

3-1975, đi chiến dịch Hồ Chí Minh tết Bính Thìn (đầu 1976) hoàn thành Tháng Ba ở Tây Nguyên.

Trong mười năm trời, sáu chuyến đi, sáu cuốn sách.

Tôi nhớ cái ý Nguyễn Khải thường nhắc đi nhắc lại trong những lần nói chuyện riêng:

- Một số anh em quen biết thường có ý khuyên tôi làm cái gì  cho có tầm cỡ một chút. Tôi rất cám ơn những lời khuyên đó, nhưng thấy cứ viết từng quyển như thế này là vừa, cái tạng của mình thế, cốt sao mỗi lần viết từ chuyện của cái nơi mình đến tìm ra những vấn đề có liên quan đến cái chung là được. Ví dụ ư? Ví dụ, trong chiến đấu cũng vậy, mà nói chung là trong đời sống cũng vậy, việc dự tính một đằng, lúc xảy đến lại ra một nẻo, người có bản lĩnh là người vừa giỏi dự kiến, vừa biết chèo chống trước mọi biến động của thực tiễn. Tôi đã thử nói điều đó trong Ra đảo. Chiến sĩ đả động tới nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề bản lĩnh cá nhân vốn là rất cần với con người trong chiến tranh... Mỗi tập tôi thử nói một ít. Và khi tìm ra được điều định nói rồi, sẽ viết rất nhanh, không bị ràng buộc bởi qui định của một thể loại nào hết, cốt sao có thể chuyện trò thoải mái với người đọc là được.

- Rồi cuối cùng, đến Tháng Ba ở Tây Nguyên, anh bước đến ngưỡng cửa của  văn xuôi tư liệu?

- Cái đó thì tuỳ giới phê bình gọi thôi. Phần tôi, làm đuợc cái gì, tôi làm tất cả.

Khi nhà văn đã không muốn nói về tác phẩm của mình, thì người môi giới còn biết nói sao nữa?  Nhưng tìm đọc lại Tháng Ba ở Tây Nguyên, tôi phải công nhận rằng đáng ra không nên hỏi thêm vì Nguyễn Khải đã bộc lộ cách làm của mình rất rõ trong những trang viết. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến nhiều cách nói khác nhau đến thế tồn tại trong một tác phẩm. Văn báo cáo có, mà lại loại báo cáo quân sự, đúng đến từng giờ từng phút. Văn kể chuyện có, lối kể chuyện dân gian đặt bên cạnh những đoạn chính luận sắc sảo. Nhiều thứ quá. Nhiều đến mức đôi lúc chúng ta cảm thấy người viết như một kẻ lắm lời, biết cái gì đưa ra hết cái đó. Nhưng trong đời sống cũng vậy, có phải đôi lúc chúng ta thích nghe một người ba hoa kể đủ thứ chuyện hơn là một ngưòi chỉ biết vài ba điều lặt vặt nhưng lúc nào cũng làm ra vẻ quan trọng, kín kín hở hở. Mở rộng ra, có thể nói: viết về chiến tranh có bao nhiêu cách khác nhau, hôm nay chúng ta còn biết rất ít.

 

*

Trong một bài viết về Trần Đăng, nhà văn Tô Hoài từng kể:

Đăng muốn bắt đầu dựng một cuốn tiẻu thuyết trường giang một nghìn trang giấy viết mà Đăng sẽ cho vào chương thứ nhất có thể là từng đoàn kỵ binh, từng đoàn sĩ quan đeo kiếm dài và những cỗ đại bác lù lù xuất hiện ở cuối cánh đồng ngoại thành Hà Nội.

Nội dung các tác phẩm không nói làm gì. Có thể còn sống, Trần Đăng sẽ viết khác những gì anh đã định viết.

Nhưng độ dày tác phẩm một nghìn trang giấy thì đúng là ao ước của nhiều người viết tiểu thuyết mấy chục năm nay.

Gần đây nhất, tôi biết có nhà văn Phan Tứ-Lê Khâm. Anh đã có đề cương dựng một bộ tiểu thuyết bốn tập, giúp cho người ta hiểu toàn diện về lịch sử thời gian 1945-1975.

Và có một người đã làm xong làm ngay trong những năm miền Bắc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại và đến 1980 này thì hoàn thành, đó là trường hợp Hữu Mai và bộ tiểu thuyết Vùng trời.

Trong khi Nguyễn Khải đi khá nhiều nơi, viết về các khu vực chiến sự khác nhau, thì ngoài chuyến đi vào Trị Thiên (viết Dải đất hẹp, ký tên Trần Mai Nam), Hữu Mai chỉ tập trung đi vào không quân. Nhưng đi thật sâu, trở đi trở lại với một số đơn vị, làm quen với anh em ở đây, và tìm hiểu cuộc chiến đấu thật kỹ càng, như một người làm công tác quân sự thực thụ. Rút cục, Hữu Mai đã cho chúng ta một tác phẩm quy mô, bao gồm từ ngày miền Bắc bắn rơi những chiếc máy bay Mỹ đầu tiên (5-8-1964) cho tới khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tác giả tập sách đã làm việc như thế nào? Sau rất nhiều rào đón, nhà văn Hữu Mai kể với người viết bài này.

- Theo tôi, nhà văn Việt Nam không phải viết về chiến tranh nói chung, mà viết về con người Việt Nam đã đánh thắng trong cuộc chiến tranh hôm nay ra sao. Chiến tranh là không bình thường, con người trong chiến tranh cũng không bình thường. Nhưng tôi tin trong những khía cạnh tâm lý mà chiến tranh để lại trong mõi người có những cái tốt của nó. Suốt từ Cao điểm cuối cùng tới nay, tôi theo đuổi một chủ đề chung như vậy.

- Chủ đề về sự hình thành cái đẹp, những giá trị tinh thần của con người trong chiến tranh?

- Phải, tôi bị chinh phục bởi cái đẹp đó, ngay từ hồi Điện Biên Phủ, khi có điều kiện theo dõi chiến dịch từ đầu đến cuối.

Nhưng thôi, xin nói về khía cạnh mà anh quan tâm nhất: tôi đã làm việc như thế nào?

Trong khi dựng "toàn cảnh" như các anh vẫn nói, tôi lại không thể yên tâm bắt tay vào viết nếu không nghiên cứu một cách kỹ càng về nhân vật, cũng như tìm hiểu các chi tiết chiến sự đến nơi đến chốn. Có những yêu cầu riêng tôi đặt ra cho mình, sau khi sách in ra, bạn đọc cũng nhận biết được ngay, chẳng hạn: các trận đánh của không quân ta với máy bay địch được miêu tả rất nhiều, nhưng không phải lần nào cũng giống lần nào. Viết về không quân hiện đại, có nhiều chuyện kỹ thuật rất phức tạp, tôi không được phép lầm lẫn. Nói chung, tôi không muốn để ai chê trách mình về chỗ này hết cả.

Nói một cách tóm tắt, nghĩa là Hữu Mai làm việc khá công phu. Đặt sự nghiệp cả cuộc đời vào việc viết về chiến tranh, anh nghiên cứu đủ loại luận văn quân sự, kể từ Clao-dơ-vit (Karl Von Clausewitz, 1780-1831) trở đi. Nghiên cứu các tài liệu quân sự cơ bản: thế nào là đại đội, thế nào là tiểu đoàn. Với cuộc kháng chiến chống Pháp mà anh đang định viết lại trong một bộ tiểu thuyết dài mang tên Đất nước, anh vừa đọc kỹ hồ sơ của ta, vừa thường xuyên theo dõi hồi ký của bọn tướng tá thực đân và nói chung là các tài liệu lịch sử viết về cuộc chiến tranh Đông Dương xuất bản ở Pháp mấy chục năm nay. Tôi tin đây cũng là một hướng viết về chiến tranh có hiệu quả, nó đáp ứng một nhu cầu cấp bách của bạn đọc là hiểu về chiến tranh một cách toàn diện, trong khi các tác giả khác đi sâu vào những mảng cụ thể, những vấn đề cụ thể.

 

*

Có một khu vực mà các nhà văn Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hồ Phương, Xuân Thiều v.v... thỉnh thoảng mới nói tới bởi chỉ coi như bình diện thứ hai, làm nên cho tiền tuyến, nhưng thực tế cũng là một khu vực mà bất cứ ai khi bàn viết về chiến tranh cũng phải đề cập tới, đó là khu vực hậu phương.

Do hoàn cảnh đặc biệt của nước ta, từ 1965 trở đi, đồng thời với cuộc chiến tranh giải phóng ở các tỉnh phía nam, các tỉnh phía bắc vừa phải sản xuất, vừa phải chiến đấu chống chiến tranh p;há hoại, khái niệm hậu phương tiền tuyến có lúc bị đảo lộn, tiếng súng nổ ở kháp mọi nơi.

Hình thế đặc biệt đó đã làm nên cảm hứng của nhiều tác phẩm như Cửa sông, Người cửa sông...

Nhưng trên nguyên tắc phải thấy: dù thiếu đi tiếng súng nổ đi nữa, thì những làng quê, xưởng máy, trường học ở miền Bắc vẫn là một bộ phận của cuộc chiến đấu của dân tộc.

Nói cách khác, chiến tranh len vào trong mọi mối quan hệ xã hội, mọi gia đình, chiến tranh trở thành một thứ khí hậu chung nó chi phối mọi mặt sống, làm việc, yêu đương, dạy dỗ con cái của người ta. Đôi khi, viết về những khu vực rất tĩnh này, nhà văn lại cho độc giả hiểu thêm về cái "động của chiến tranh không kém gì lối mô tả trực tiếp cái " động trên kia đã nói.

Từ kháng chiến chống Pháp và những ngày hoà bình ở miền Bắc, chúng ta đã làm quen với những tác phẩm loại  này. Làng của Kim Lân. Một câu chuyện trong chiến tranh của Bùi Hiển.

Với cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta lại có Ngày và đêm hậu phươngVùng quê yên tĩnh của Nguyễn Kiên, Đất làng của Nguyễn Thị Ngọc Tú, Người ở nhà của Nguyễn Địch Dũng, các tập truyện ngắn của Vũ Thị Thường...

Nhưng những quyển sách nói trên chắc chắn chưa thể nói hết các vấn đề hậu phương của ta, cũng như chưa cho được hết những suy nghĩ của các nhà văn về vấn đề này. Tôi nói như vậy bởi nhớ tới những đoạn phát biểu rất hay của các anh các chị trong cuộc thảo luận trên tạp chí Tác phẩm mới năm 1972: thảo luận về đề tài nông thôn.

Một hậu phương, "hết mình" với chiến tranh, đã thấp thoáng hiện ra trong câu chuyện của nhà văn Bùi Hiển:

Tôi định về một cái xã ở ven sông Nhật Lệ... Nó đánh lúc mười hai giờ, một giờ sáng đến lúc bảy giờ sáng tôi đến nơi... Các cái việc chôn cất, gánh người bị thương đi bệnh viện, sửa sang tạm lại nhà cửa đã làm gọn ngay trong đêm.

Sáng sớm bà con lại kéo ra đồng...

Cái đêm bắt đầu ngừng ném bom, không ai ngủ được. Tự dưng nó yên ắng đột ngột, lại thêm trăng sáng quá, lâu nay nằm hầm tôi quen rồi. Sáng hôm sau mọi người lại kéo ra đồng. Một ông cụ tay vác cày, tay cầm nén nhang... ông ghé chỗ mộ bà vợ bị ném bom, thắp mấy que nhang, xong đi thẳng ra ruộng, cày.

Xuân Trình gợi ra những cảnh tượng hùng vĩ:

Tôi đã gặp trên đường quốc lộ số 1, những đoàn quân đi ra tiền tuyến. Bên cạnh đoàn quân là cả một đoàn người dài nào mẹ, nào em, nào vợ, nào bạn bè kéo bộ tiễn chân trên một chặng đường dài mấy chục cây số. Kẻ cứng cỏi, người ngậm ngùi... Không mấy cuộc tiễn đưa mà không có nước mắt, nhưng rồi cũng chẳng ai mủi lòng, chẳng ai thối chí.

Đào Vũ, Nguyễn Địch Dũng, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thế Phương... mỗi người phát biểu nhấn mạnh một điểm, nhựng phương hướng chung đều nhất trí. Trong khi bàn làm sao viết về nông thôn cho hiện thực, các anh các chị đã phác hoạ ra viễn cảnh của một mảng quan trọng trong văn học viết về chiến tranh.

 

*

Tiếp đây, tôi xin kể cụ thể quá trình ra đời của một vài tác phẩm mà tôi được biết, cùng là giới thiệu những suy nghĩ của tác giả khi viết về tác phẩm đó.

Thoạt nhìn Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu cũng là tãc phẩm gắn với một chuyến đi. So với mọi người, Nguyễn Minh Châu chỉ chậm tay hơn một chút. Có những người ở mặt trrận đã viết, người về đến nhà, bài gộp lại đã đủ làm một tập sách. Tác giả Dấu chân người lính  không làm theo lối ấy. Lúc đi, anh chỉ mải mê đón nhận. Nhà phê bình Ngô Thảo có biết cách Nguyễn Minh Châu đi mặt trận và viết Dấu chân người lính thể nào đã kể lại trong một bài phê bình.

Một năm anh làm việc ở đó: đi với các đơn vị chủ lực, xuống tận đại đội chiến đấu; nghe chuyện của các dũng sĩ, các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Dự tổng kết chiến dịch v.v... Cuốn sổ tay bằng giấy mỏng của anh giữa những trang kín dày ghi thành tích chiến đấu, số liệu về ta và địch, có xen cả những đề cương vài ba truyện dài và ngắn, nhiều phác thảo chân dung, tính cách, lý lịch nhân vật. Có những trang sau này gần như được đưa nguyên xi vào tác phẩm.

Đi đã kỹ, trở về lại nghiền ngẫm mãi, thử một vài cách viết, nên gần hai năm sau, Nguyễn Minh Châu mới cho đăng những chương sách đầu tiên trên báo. Tính tổng cộng, từ lúc đi đến lúc có sách thời gian là bốn năm; trong thời gian ấy, bao nhiêu sự kiện xảy tới. Nguyễn Minh Châu hiểu và bạn đọc cũng sớm hiểu: tác phẩm của anh phục vụ thời sự theo một cách khác.

Sau này trong một bài tiểu luận đăng trên Văn nghệ quân đội tháng 9-1973 nhân nói về Phạm Tiến Duật, anh sẽ cắt nghĩa về cách làm việc của chính mình:

Chúng ta thuộc về một lớp người viết văn viết về một cuộc chiến tranh lớn mà không có một quãng lùi lại trong thời gian. Thi ca, hơn nữa cả tiểu thuyết, đều ra đời cúng lúc với những bản tin chiến sự do Thông tấn xã phát đi, những lời kêu gọi, những trang báo hàng ngày. Để bù vào cái chỗ thiệt thòi, chúng ta phải tìm một chỗ lùi lại trong không gian và môi trường sống. Không biết có thể gọi là một kinh nghiệm nhỏ được không, tôi nghiệm thấy rằng trong những năm quà qua, tôi không thể nào viết nổi một cái gì nếu không thoát mình ra khỏi cái hiện tượng thực tế mà tôi  đã lấy tài liệu. Từ cái môi trường mới, ta có thể nhìn mọi người và mọi việc ở nơi cũ sáng tỏ và bao quát hơn, gợi cho ta nhiều điều suy nghĩ sâu xa và rộng lớn hơn.

Về nhân vật, xét đại thể, các nhân vật ở Nguyễn Minh Châu đều có nguyên mẫu. Nhưng theo tôi hiểu, anh không lấy việc tả cho giống nguyên mẫu làm mục đích, mà căn bản, gửi gắm vào đây mọi từng trải, mọi hiểu biết của mình. Trong một lần vui chuyện với người viết bài này, Nguyễn Minh Châu tự nhận.

Nhân vật chính kể ra chỉ được Lữ... Ngồi viết mấy đoạn về tay chính trị viên văn công và nói chung là các hoạt động của văn công xong, tôi tự hỏi: "Không biết mình viết những đoạn này làm gì nhỉ?". Nhưng sau tôi nghĩ ra: đó chính là một phần quan niệm của Lữ...

Màu sắc  thẩm mỹ của tác phẩm khá đa dạng dúng ra phải nói thuộc loại đa dạng bậc nhất trong những tác phẩm viết về chiến tranh của ta. Tác giả không quan niệm mình chỉ viết về Khe Sanh mà muốn viết về người chiến sĩ Việt Nam, con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến tranh nói chung. Nhìn chung, anh không viết về chiến tranh theo cái cách anh đã trải qua nó như thế nào, ngược trở lại, trong tác phẩm, chiến tranh hiện ra như một cái gì ở phía trước anh cần hiểu và giúp mọi người hiểu.

Viết Dấu chân người lính chính là một quá trình trong đó tôi tự khám phá ra hiểu biết của tôi về người lính. Viết cái gì bao giờ cũng là một sự nhận thức về cái đó thật.

Cũng bởi thế, mọi người đều công nhận chất văn học ở cuốn tiểu thuyết này của Nguyễn Minh Châu khá dày, đậm...

Suy cho cùng, gần như các tác phẩm viết về chiến trranh thành công đều giống nhau ở một điểm là tìm ra cách lý giải mới về con người trong cái hoàn cảnh khắc nghiệt này. Đó cũng là kinh nghiệm của Triệu Bôn sau khi viết Mầm sống. Khi vào chiến trường Quảng Trị, một lần đi công tác với tổ trinh sát trung đoàn X, anh nghe một cậu bảo "Một thằng lính đơn vị Mêkông  đã sống ở trong cái cổng này suốt bốn mươi lăm ngày đây"... Liên hệ với nhiều chuyện khác, được nghe trong những dịp khác, Triệu Bôn thấy tụ lại một điểm tâm đắc nhất.

- Hình như ở chiến truờng, người lính sống bằng một sức sống khác, vô cùng kỳ diệu?

Chính đó là cái hạt nhân giúp anh hình thành nên thiên truyện.

Rồi đến khi được nghe một mẩu chuyện tương tự như chuyện nhân vật Hà trong Mầm sống, Triệu Bôn bắt lấy rất nhanh. Có những chi tiết anh rút ra, từ cuộc đời riêng của mình, ví như, phần người lính tự học, đó chính là hình ảnh của Triệu Bôn trong cuộc đời thực.

Bài học của Mầm sống: trong chiến tranh không điều gì những mẫu chuyện cảm động về những nhân vật dũng cảm. Vấn đề là ở chỗ nhà văn sống cái chủ đề đó sâu sắc đến đâu và làm sao để mang được vào đó kinh nghiệm từng trải vui buồn của mình. Vấn đề là cái ánh sáng nhà văn dọi vào để con người và sự kiện ánh lên một sắc thái mới, khiến cho bạn đọc vừa thấy thú vị vừa có ý nghĩa.

Nhưng đó cũng là bài học rút ra ở nhiều sáng tác khác gần đây, ví dụ các sáng tác của một tác giả trẻ là Thái Bá Lợi. Theo một đơn vị chiến dịch từ đã lâu, anh mới có một ít tài liệu, nhưng chưa định viết, bởi thực tình cũng chưa tính viết ra sao. Chợt một lần, đi cùng với một đồng chí trung đoàn trưởng qua thung lũng đó (nơi đã xảy ra cuộc chiến đấu, anh thấy ông ngồi khóc. Anh hỏi, ông kể lại một số chuyện. Một chủ đề hình thành trong tâm trí. Thái Bá Lợi. "Người lính đã qua nhiều thử thách, nhưng thử thách lớn nhất vẫn là làm một con người trung thực". Từ đó, Thung lũng thử thách ra đời.

Còn như xung quanh Hai người trở lại trung đoàn, cũng có một câu chuyện có thực: một cô gái có nhiều chiến công, khi ra Bắc nghỉ, bị lãng quên. Nghe kể về cô ta. Thái Bá Lợi nghĩ:  phải viết một cái gì đây, mang tên đại khái Ân nhân của trung đoàn. Nhưng truyện chỉ hoàn thành và có cái dạng như hiện nay vào một thời gian sau, khi nhân đọc một tài liệu bàn việc viết về chiến tranh. Thái Bá Lợi nảy ra cái chủ đề khái quát hơn. Theo tôi, Hai người trở lại trung đoàn là một gợi ý để chúng ta thấy nhà văn có thể viết rất ít về tiếng súng, mà tác phẩm vẫn mô tả rất rõ không khí chiến tranh. Đó là khi anh biết thể hiện các nhân vật sao cho người ta cảm thấy chiến tranh đã ăn vào nếp cảm nếp nghĩ của họ. Khi ấy, tác phẩm có thể có sức chứa rất lớn, mà vẫn thanh thoát.

Thái Bá Lợi thuộc về lớp nhà văn trẻ hơn, bắt đầu viết từ cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ và từ 1975 đến nay, đang viết khoẻ. Cùng với anh, người ta còn hay nói tới Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang thuỵ... Sức làm việc của các anh thể hiện rất rõ qua những bài viết trong đợt chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và chống quan xâm lược Trung quốc. Các anh chính là con đẻ của sinh hoạt văn học chúng ta đang sống.

Người ta thường bảo cách làm việc của một nhà văn là những chuyện riêng tư, người nào có cách người nấy, không có điều gì đáng bàn. Nhưng cách làm việc quy cho cùng là gì, nếu không phải do quan niệm văn học của tác giả, quan niệm văn học của thời đại qui định. Trong khi mang lại cho văn học một số nội dung mới, thời đại chúng ta cũng tạo nên những hình thức văn học mới và cách nhà văn đi đến tác phẩm cũng không giống cách làm của các nhà văn ở xã hội trước 1945. Từ trong công việc thầm lặng của từng người, một cách sống cách nghĩ chung đã hình thành, nó bám chắc vào tiềm thức của chúng ta, nó lây truyền từ lớp người này sang lớp người khác.

Có thể căn cứ một phần vào cách làm việc này để đoán định giá trị của từng tác phẩm cũng như đánh giá văn học hôm nay nói chung.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn