VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Những câu chuyện của Nguyễn Đình Nghi


Nguyễn Đình Nghi  là con trai cả của nhà thơ - nhà hoạt động sân khấu Thế Lữ
ông sinh năm 1928 mất ngày 9 tháng 2 năm 2001 tại Hà Nội
 Từng là đạo diễn các vở Hình và bóng của Thùy Linh, Hoàng YếnNguyễn Trãi ở Đông Quan  Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi Hoa cúc xanh trên đầm lầy  Hồn Trương Ba da Hàng Thịt của Lưu Quang Vũ
Và các vở kịch nước ngoài Lôi Vũ Con cáo và chùm nho  (còn gọi là Êdốp) Hecnani ...


Đối với tôi, nhà đạo diễn này không chỉ là một con người của sân khấu mà còn là con người của tri thức nghệ thuật tổng hợp, người của văn hoá. Sau đây tôi xin trích đăng c một ít ghi chép từ những điều đã được ông chia sẻ trong những năm cuối đời.



 NHỮNG NGÀY HỌC NGHỀ Ở VIỆT BẮC

     
Tôi ham đọc sách là do ông bố tôi dạy. Theo Thế Lữ, đọc sách là một cái thú lớn nhất trên đời này (hơn cả tình yêu). Ham biết, cái gì ông ấy cũng muốn biết.
     “Người trẻ tuổi phải biết viết nhật ký, ở Pháp người bình thường cũng viết nhật ký, nó là nơi để người ta nói những điều cần  nói với mình.” – ông bảo vậy.
      Tôi viết nhật ký đều từ 1948-50.
     Ấn tượng mà Tự lực văn đoàn để lại trong xã hội hồi ấy là lớn lắm. Trong kháng chiến chống Pháp tôi biết  vinh quang của họ mờ dần. Qua ông bố, thấy  làm văn nghệ phải có gì nổi hẳn lên mới vinh quang. Còn  làm văn nghệ mà trung bình là khốn nạn.
     Gương học là Lưu Hữu Phước. Lưu Hữu Phước chủ trương đến 30 tuổi học thật rộng, từ 30 tuổi mới đi sâu.
     Đi trên đường, với Phan Khôi, nghe một câu chửi lạ,  hai bác cháu nhỏm dậy mà ghi. Ông bảo, đi cả thôi đường, được câu này cũng bõ.
     Anh có biết tại sao hồi làm Phong hóa, ông bố tôi viết truyện trinh thám không? Đơn giản lắm. Hồi ấy báo bắt đầu giảm số lượng phát hành, chính Nhất Linh nghĩ rằng phải viết trinh thám cho người ta đọc, và ông bố tôi là người có khả năng làm việc đó.
     Người làm báo phải phân biệt những gì mà mình thích, với những gì mà bạn đọc thích, người xem thích công chúng thích.
     Ông bố tôi kể: Lúc soạn các bài lai cảo tới báo, có những bài bố tôi đã loại ra, Nhất Linh còn lấy đăng lại. Sau kiểm tra lại thì thấy bạn đọc thích những bài được lấy lại đó thực.
     Hồi kháng chiến, có lần ông bố tôi đưa tôi một kịch bản và bảo hai bố con cùng làm. Tôi thấy kịch bản không hay nên từ chối.
     Ông bố tôi gọi một người khác cùng làm, và nhiều người xem thích lắm. Sau đó, ông tâm sự:
     - Cậu thấy Nghi chưa phải người làm sân khấu. Người làm sân khấu không chỉ dựng vở theo yêu thích của riêng mình, mà phải đứng về phía bạn đọc. Liệu bạn đọc có thích những cái này không? 
     Thế Lữ hay nói văn nghệ không phải chuyện lên đồng, sân khấu phải có nghề.
     
        Nguyễn Tuân, cái gì cũng biết, lại biết kể ; cũng việc ấy, mình cũng trông thấy, mà kể không hay, còn nếu qua miệng ông ấy kể lại, hay hơn hẳn.
      Đoàn Phú Tứ  từng nói với tôi cả buổi về vấn đề chơi sách đẹp. Cuốn Mấy vần thơ  Đỗ Văn trình bày, ví dụ, ông bảo -- sau mỗi trang soi lên, các chữ số không can vào nhau, là vứt đi luôn. Ông nói từ 7 giờ tối đến 10 giờ đêm.
       Ông nói cả tiếng đồng hồ về giấy dó, tự ông nhận là có một tình yêu sâu sắc với mực.
      Nhờ có các ông, lúc ấy, những người như tôi mới hiểu văn học dân gian. Kháng chiến là thời mà ý thức dân tộc mạnh. Giá trị dân tộc thật lộng lẫy mê người. Xem chèo, ông Thế Lữ, ông Kim Lân, há mồm ra thích, kinh ngạc, cười ha hả. Còn Hoài Thanh thì cắt nghĩa cho tôi  cái hay ấy nó bắt nguồn từ đâu.
     1951, mới bắt tay khai thác văn nghệ dân gian ;1952-53, tôi đi công tác về cơ sở, tổ chức những cuộc liên hoan. Khai thác ở 30 xã ở huyện Đoan Hùng. Tôi  từng dự múa trống cổ ở xã đạo Đoan Hùng.
      Nhớ một đêm tôi trên đường từ bến  đò Tuyên Quang về đơn vị. Đêm trăng, anh em ở đoàn, Phùng Thị Nhạn, cô Dần ra đón, cùng hát Trèo lên trên núi Thiên Thai. Con gái hát quan họ thấy hay lạ lùng.
       Ở tuồng, tiên phong đọc là tiên phuông, tràng đọc là trường; ở Quan họ cũng có hiện  tượng đó : anh chường ơi  - thay cho anh chàng ơi. Tại sao có sự biến cải đó, tôi không cắt nghĩa nổi.
        Ông Nguyễn Xuân Khoát chữa lời một bài hát của Đặng Đình Hưng, từ  ngăn sông xẻ núi thành ngăn sông chuyển núi. Âm xẻ bẹt, khó chịu; âm chuyển ấm hơn; nguyên âm đơn nguyên âm kép âm đầy hơn. Các cụ hồi ấy sẵn sàng hy sinh ý, để đạt đến cái đẹp thẩm âm.
         Lại có bài của Nguyễn Xuân Khoát Thằng Nhai thằng Nha, câu mở đầu Thằng Nha có cái bánh đa cái bánh to tướng bằng ba cái đình Thằng Nha đem tặng thương binh ca la pich, ca la pắc, ca la poong.
        Xuân Diệu phê bình không dân tộc. Tiếng Việt không có âm p, nên đổi thành: ca la kích,ca la cắc, ca la coong.
     Đào Vũ dịch: Thống khổ vô bờ. Theo  Xuân Diệu, phải chữa vô cùng hoặc  không  bờ.
     Xem có Việt Nam không, các ông đòi hỏi vậy, ý thức ấy quan trọng vô cùng, không chịu bắt chước, kể cả bắt chước Tàu. Nhớ cái câu Sương rơi đã ướt tàu cau -- Đồng bào bình nghị mau mau ta về. Câu dưới dở nhưng câu trên hay quá mà Việt Nam quá phải không.
      Xem Chị Tấm anh Điền, Hoàng Quốc Việt bảo chuyện địa chủ nông dân không phải bây giờ mới có.
     Hồi ấy, Hội Văn Nghệ chỉ có sách Pháp.Tôi giữ  thư viện, tha hồ đọc.Từ 1948  có  sách mới, Trận giao chiến đầu tiên của A. Still, Những người cộng sản của Aragon…
   Thế Lữ : Nghệ thuật sân khấu bắt đầu từ căng cánh gà cho  thẳng ( lúc ấy thường nối chiếu để căng mới thẳng ). Đến một đơn vị, ở một đỉnh dốc; sàn diễn làm lưng chừng núi, người xem ở dưới. Thế Lữ không chấp nhận, không diễn. Luôn cảm tưởng sân khấu diễn lộng lẫy. Tôi còn nhớ mãi lần đến một đơn vị. Mùa xuân, hàng hoa gạo ( hồi ấy đôi khi gọi là mộc miên) lừng lững.
     Hội có lớp học, song tôi được nghỉ vì sốt rét. Hai giờ một cơn,  đắp chăn mỏng, không trông thấy người. Việc thường xuyên là học. Học chữ Hán trong 4 tháng. Sách Bắc Kinh gửi sang. Có cả bạch thoại, văn ngôn. Ông Phan Khôi bảo Người Việt Nam không biết chữ Hán, mù chữ một nửa. Tôi hay tra từ điển tứ giác. Phan Khôi không tra được tứ giác.
       Những ngày sống bên các ông là hành trang để vào đời. Những con người mình kính phục dù nhiều nhược điểm ; nghĩ tới họ phải sống trong sáng, lành mạnh.
     Huy Du, Phạm Đình Sáu, Hoàng Vân, Đình Quang, Ngô Y Linh, Thái Ly, Nguyễn Vũ, Đoàn Long đi Trung quốc về, đều làm ăn tử tế.
     Nguyễn Tuân đánh dấu phẩy cực giỏi. Ông bảo từ thời Kháng chiến, đánh dấu phẩy kiểu khác. Tôi cũng thấy đúng.
     Nói chung ông Tô Hoài rất hóm, rất tháo vát, nhất là hồi  ở báo Cứu quốc với ông Nam Cao. Còn như việc viết. Có lần tôi mượn cuốn Những kẻ bất khuất của Gorbatov bằng tiếng Pháp, thấy ông đánh dấu vào đấy, đoạn này cho lên trên; đoạn này cho vào giữa. Thì ra, bố mày xào xáo, làm thành Lão đồng chí.  Có một hồi khai là của mình, sau mới nhận là phóng tác.
     Vì  lúc ấy các ông ấy cũng bí, ta phải thông cảm.
     Khi Tô Hoài viết Núi cứu quốc, Nguyễn Đình Thi có bài đọc sách, đã tả rất đúng Tô Hoài “Tác giả thú nhưng không yêu Việt Bắc’.
     Về  sau, thấy Tô Hoài viết được Truyện Tây Bắc, tôi rất phục.
     Nam Cao đáng quý lắm. Có lần Nam Cao bảo tôi:
     - Viết về nông dân như Tự lực văn đoàn cũng thơ mộng quá, mà như tôi cũng đen tối quá. Viết đúng có lẽ ở giữa.
        Có những người như Nguyễn Đình Thi, thời ấy thơ ông bị ghét cay ghét đắng. Ông Tố Hữu bảo: Đọc thơ anh Thi lúc buồn thấy thích, nhưng lúc bình thường, thấy căm thù.
     Nguyễn Huy Tưởng kể: Thằng Thi đi chiến dịch, lăn ra mà làm đào hầm, khiêng thương binh, đủ cả. Về mới có được cái Xung kích (cũng nhờ Thi nó rất khoẻ). Chứ có ông như ông Sanh đi chỉ chui hầm, về làm mấy bài thơ, đến tạp chí Văn nghệ không thèm đăng.
     Hoài Thanh là người thành tâm, như trong việc đòi hỏi thơ phải hoàn toàn thay đổi cho kịp với điều kiện mới thì quá cực đoan (đến bài Ngò cải đơm hoa của Lưu Trọng Lư cũng bị ông Hoài Thanh chê là cũng buồn cơ mà)
     Hoài Thanh là người mang từ Trung quốc về lối tự mình vỗ tay khi bên dưới vỗ tay - ý  để chứng tỏ mình hoan hô lại những người đã vỗ tay mình. 
     Nguyễn Huy Tưởng là người có công xây dựng Hội - là  thủ trưởng cơ quan Hội văn nghệ. Tôi làm chân  giúp việc cho ông Tưởng. Ông Tưởng viết cái gì đọc cho tôi nghe.
     Nói chung, các ông ấy rất thành tâm trong việc sống một cuộc sống mới. Cơ quan văn nghệ mà vẫn có bích báo, có lửa trại. Tôi đến, bảo ông Thi viết bài, ông ấy bao giờ cũng rất đúng hẹn.
     Ông Nguyễn Xuân Sanh cũng có cái ghê của ông ấy. Tôi giữ sách thư viện thấy mấy bài của Tây viết về Dương Bạch Mai, tôi kể cho mấy anh em trong cơ quan nghe, thế là ông Sanh không cho tôi đọc nữa. Hoặc như chúng tôi giữ thư viện, mỗi lần chạy, tôi cho người phải ưu tiên cho những cuốn của Sartre, của Camus, còn ông ấy, ông ấy toàn ưu tiên cho cuốn của Still với mấy bản dịch truyện ngắn xô viết ra tiếng Pháp. Khác nhau rõ.
     Ông Hoài Thanh thì khổ hạnh lắm. Sống cũng khổ hạnh. Toàn đi chân đất. Anh em phải phê bình là anh không chịu giữ sức khoẻ. Ở cơ quan ông ấy sửa chữa, đi dép; nhưng đi công tác, lại đi chân đất.
     Các ông cứ chê Nguyễn Đình Thi. Nhưng ông Tuân làm thì cũng thế thôi. Cũng lên gân lên cốt vậy thôi. Có lẽ bảo khiếp nhược thì đúng hơn.
         Hồi kháng chiến  thì nhiều ca dao linh tinh lắm
     - Bao giờ kháng chiến thành công
     Trở  về làng cũ thì  không còn nhà
     Ai về nhắn với Cha già
     Phen này con cháu thật là tay không
     Theo Đoàn Phú Tứ, đây là Tú Mỡ làm khi đốt nhà đi kháng chiến, nhưng không rõ có đúng không? Vả chăng chỉ là nói giấm nói giú với nhau, chứ ai nói công khai liền bị người khác phê bình ngay.
     Một cái gì như sự khiếp nhược của cả một thế hệ--Đó là hình ảnh lớp tiền chiến hồi chống Pháp.
     

VÀI CHUYỆN THỜI SỰ VĂN NGHỆ
NHỮNG NĂM TRƯỚC 1986

Về Nguyễn Khải
Tôi đọc lời giới thiệu anh ( V.T.N.) viết cho Tuyển tập Nguyễn Khải lần đầu thấy có vẻ hơi nghiệt. Nhưng lần này, đọc có kèm thêm cả tác phẩm của anh Khải, lại thấy nói như thế là vừa. Anh nên đi sâu thêm vào trường hợp này.
Thứ nhất, ông Khải không phải là người văn hay, hoặc độc đáo, như một Nguyễn Tuân hay Tô Hoài. Cái phong cách riêng trong văn không thật rõ, chỉ thấy một cảm giác sáng sủa mạch lạc, thế thôi. Những chỗ cần nói về những điều thật quan trọng của đời sống thì lại có vẻ nhiều lời, và tán ra quá rộng.
Thứ hai, đúng là hồi trước (1957-85) viết thế đã bạo, nhưng nhìn chung vẫn ngây thơ quá, bây giờ đọc lại thấy buồn cười.
Còn như bây giờ, dám đứng ra mà ca ngợi những kẻ lạc lõng thất bại, kể cũng đã là một cái gì khá hơn trước. Nhưng chỉ đến một thứ văn đọc được thôi, không thể gọi là có tầm triết lý gì cả.
Những thứ văn ấy không đạt đến tầm cỡ khiến nước ngoài người ta thực sự phải quan tâm nên không ai người ta muốn dịch. Cũng như không thể cho thời sau đọc - trừ những người học muốn đọc để hiểu thời này.
Suy cho cùng, Nguyễn Khải vẫn chỉ có thể gọi là người có năng khiếu, có tài. Nói thế là đủ.
Khải không phải là người theo đạo nhưng nói về đạo thấy được lắm ông ấy sống với người có đạo một cách kỹ lưỡng thấm thía như người có đạo thật vậy. Nhưng từ chuyện về đạo để nói về một cái gì khác thì chưa có.
Cũng như vậy, tôi nhớ những lần Khải đến chơi, ông kể những chuyện ông quan sát được, thấy rất hay. Nhưng đấy vẫn chỉ là người nói chuyện hấp dẫn, không thể gọi là sâu sắc, theo nghĩa đúng của chữ ấy.

Nghệ sĩ và thời đại
Những người thông minh quanh chúng ta nhiều chứ.
Nhưng thông minh lắm thì cũng đến như Chế Lan Viên, mang câu hỏi ta là ai, đánh tráo thành câu hỏi ta vì ai, để động viên mọi người chiến đấu.
Qua Nguyễn Khải, Chế Lan Viên -- lại vẫn phải nghĩ về thời đại. Cái thời nó làm cho mọi người làm văn nghệ chỉ có một cách nghĩ như vậy.
Rồi các lãnh tụ văn nghệ cũng không thể nghĩ khác. Ông Tố Hữu thì thấm thía gì so với ông Nguyễn Chí Thanh mà dám nghĩ khác.
Nhưng tôi chỉ lạ là sự chuyển biến những năm đầu cách mạng. Sao cách nghĩ trước 1945 bị từ bỏ nhanh đến thế mà cách nghĩ mới, chỉ một vài năm đã ngự trị khắp nơi rồi. Ông Xuân Diệu, ông Nguyễn Tuân, đến ông Nguyễn Xuân Sanh đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà cũng thế nốt.
Tôi đã đọc bài Nguyễn Đăng Mạnh viết về Nguyễn Đình Thi trong Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của các nhà văn. Tôi thấy anh Mạnh hơi bất công ở chỗ anh không thấy sức ép của thời đại lên mỗi người. Người ở càng cao, thì ép càng mạnh.
Trong các ông giáo sư của ta bây giờ, tôi rất phục ông Trần Đình Hượu. Một lần tôi được nghe ông ấy nói về Đông Kinh Nghĩa Thục thấy ông ta kết luận:
- Về tinh thần yêu nước, thì chúng ta bây giờ chưa chắc đã hơn các cụ. Các cụ hồi ấy ghê lắm, nhiệt huyết lắm.
- Chỗ giống nhau giữa Đông Kinh Nghĩa Thục với ta là các cụ cũng nói đổi mới, cũng muốn làm mới mình, nhưng mới là gì, thì không biết.
    Thế còn Từ Chi? Đọc ông ấy, thấy có duyên lạ. Nhưng một con người uyên bác và hóm hỉnh như thế sống như thế nào. Tôi nghe người ta kể, ông nhận xét về Đào Hùng "cái chết của hắn là ở ngay cơ quan làm cái chuyên môn về sử". "Tức là muốn tồn tại được, anh phải ở cái cơ quan nó làm nghề khác anh". Nghĩ kỹ thì thấy cả xã hội thù ghét người làm chuyên môn, thật buồn cười quá.
Lắm lúc nghĩ ngợi một hồi tôi chỉ còn chốt lại cái ý: cái thời đại này nó mới ghê chứ, nó nghiền nát bao nhiêu người. Đến cả loại như Nguyễn Tuân, nó cũng không tha cơ mà. Mà Nguyễn Khải muốn vượt lên được, muốn khẳng định được mình, thì cũng phải biến dạng đi, thay đổi đi, có khi không còn là mình nữa.
     Chắc anh còn nhớ, hồi 1974, Nguyễn Khải viết một loạt bài trên báo Nhân Dân, rồi bị phê bình. Gặp anh ấy ở nhà Thiết Vũ ra, tôi hỏi thăm vài câu tôi nhớ Nguyễn Khải có nói mấy câu, mà phải nói ta không bao giờ tôi quên nổi:
- Ông xem loại người như tôi, ơn vua lộc nước đầy mình, tôi viết thế tức là tôi nịnh chứ. Vậy mà nịnh không nổi, hoá ra nịnh cũng khó lắm.
Tức là thế nào? Tức là ông Nguyễn Khải ông ấy rất hiểu cái vị thế của ông ấy, ông ấy làm mọi việc trong sự kiểm soát của lý trí.
Cái năm ấy, vụ Trần Việt Phương nổ ra trước, vụ Nguyễn Khải tiếp theo sau, tôi nhớ ông Tố Hữu ông ấy nói ý như thế này, Trần Việt Phương là một thằng điên, còn Nguyễn Khải ông ấy gọi là một thằng xỏ lá (Mà ông Tố Hữu nói, tức là Đảng đã nói)
Nguyễn Khải biết cái khó của Nguyễn Khải lắm!
Tôi nhớ năm ấy ông ấy viết xong Cách mạng, muốn nhờ Trần Phương đạo diễn. Tôi thì cũng chả phải xin việc, nhưng cũng thành thật hỏi sao ông không gọi tôi. Anh biết ông ấy trả lời sao không:
- Thế này ông Nghi ạ, tôi cũng sắc mà ông cũng sắc. Hai thằng sắc sảo cả gặp nhau thì sập tiệm. Tôi phải gọi Trần Phương cho nó nhoè đi, tù đi, may ra mới diễn được.
Qua chuyện này tôi nghĩ với Nguyễn Khải, trước hết viết phải đúng, kịch phải diễn đã.

Thời đại làm cho con người thay đổi nhiều quá.
Vào khoảng những năm 60, có lần tôi đi xe đạp, đâm vào một người khác, tức rõ ràng tôi có lỗi. Nhưng vì tôi ngã, tay đau quá, nên cứ đứng vẩy vẩy cái tay thế này, sau mới đến bên ông ta xem sao. Chưa kịp nói, đã nghe ông ta hỏi luôn: Anh đau lắm à.
Sau đó hai người cùng buộc lại gói hàng của ông ấy.
Lúc ấy, như thế là chuyện bình thường.
Đến những năm 70, đâm vào nhau, chỉ văng ra một câu : mắt mù à?
Bây giờ thì chửi nhau ngay được.
Thế tức là bản chất con người không đổi, họ chỉ bị cuộc sống làm cho hư hỏng.
Về sự cam chịu. Phải thấy nó có giới hạn. Như tôi, lúc đầu tôi chỉ tự dặn thành tâm làm việc và thấy không được hưởng lương xứng đáng thì buồn… Sau tôi bị quên nhiều quá, thấy mình so với mọi người thiệt quá, chịu không nổi, đến mức tôi phải viết thư lên ông Vũ Khắc Liên. Và thế là ít lâu sau, tôi được lên lương, đúng như đáng lẽ phải vậy.

                             CÁC THẾ HỆ -- CÁC TÍNH CÁCH
Lại nói chuyện các ông tiền chiến. Lúc tôi vào nghề, tôi hơi ngợp trước cánh các ông ấy. Rồi tôi chứng kiến sự vớ vẩn của Nguyễn Xuân Sanh, sự đóng vai cán bộ tài ba của Tô Hoài, sự thảm hại của Thanh Tịnh, sự thảm hại hơn nữa của Đoàn Phú Tứ, thì tôi mới bình tĩnh trở lại được.
Những ông văn nghệ trẻ, thì lại có võ riêng; và cái tài riêng.
Đặng Đình Hưng phụ trách văn công, nhân danh một nhạc sĩ. Nhưng Xuân Diệu ghét Đặng Đình Hưng lắm. Nhạc sĩ gì mà chẳng có một giai điệu nào người ta nhớ được. Ấy thế, nhưng cái võ của Đặng Đình Hưng thì thật tài, đánh nhau với Học Phi mãi. Một người như Thái Thị Liên lúc ấy ở Tiệp về, phục Đặng Đình Hưng sát đất.
Còn Thuý Thuý, lúc ấy là diễn viên văn công. Mặc dù biết Lê Đạt đã có vợ rồi (một cố nông), song vẫn mê Lê Đạt như điếu đổ. Dĩ nhiên, loại người được ông Trường Chinh lấy về văn phòng của mình như Lê Đạt là rất thông minh. Lê Đạt có lúc đã nhận Trường Chinh là một nhà chính trị vĩ đại. Thuý Thuý bảo, chỉ có 2 Lê mà em thích đọc, là Lênin và Lê Đạt. Còn Lê Đạt cũng tự nhận là thơ tao hay như thơ Đường.
Lê Đạt là loại người nói về ai xong thì vỗ đít đứng dậy không cho người ta nói lại nữa.
Đoàn Phú Tứ là người blaser (có nghĩa là chai sạn trơ tráo) theo đúng nghĩa của chữ ấy trong tiếng Pháp. Ông Tô Hoài bảo bạc ác, là đúng đấy. Tôi nghe kể, lúc ở phố X, phòng ông ấy cạnh phòng một tay có con chó. Ông Tứ hay đi chơi khuya mà con chó cứ thấy người khuya khoắt còn khua giầy trên cầu thang là nó sủa ầm lên. Tay hàng xóm cự, ông Tứ cãi lại:
- Toa có vợ, toa ở nhà, ngủ với vợ. Moa không có vợ, moa phải đi ngủ với vợ người ta, nên về muộn, không thể vì chiều con chó của toa mà cấm moa đi chơi khuya được.
Trong câu nói ấy, hàm ý xỏ ngầm nên tay kia đành im.
Ông Tứ là loại đi ngủ lang với vợ người ta, bị bắt quả tang, còn bình tĩnh ngồi dậy cài cúc quần, và bắt tay nói chuyện cơ mà.
Một lần, Đoàn Phú Tứ đứng đái, nói với người khác:
- Mình nhìn cái cu của mình, thấy nó còn thông minh hơn mặt khối thằng khác.
Cái lần ông ấy dự đám cưới Trần Du Châu, rồi bị một cái tát, không phải là căm ghét kẻ lãng phí đâu, mà là nói ngang nói bậy gì đấy, nên mới bị người ta trị.
Tuy nhiên, lại cũng phải nhận ông Tứ là người làm cái gì cũng nổi, sáng chói, rực rỡ hơn người.
Tôi nhớ có lần chỉ quanh chuyện chơi sách thôi, ông ấy nói với tôi hai tiếng đồng hồ liền, thú chơi sách có từ bao giờ, chơi sách da thế nào, chơi sách in thế nào, chơi sách cũ ở Tàu, chơi sách cũ ở Tây.
Ông Tứ không thích Phan Khôi, nhưng lại đối xử rất khéo, đến mức Phan Khôi không nhận ra.
Vả chăng, Đoàn Phú Tứ khiến cho nhiều người biết ông không ra sao, nhưng không ghét nổi. Ví như, quanh năm, ông ấy rạc dài không làm gì - trong khi đó, Phan Khôi nghiên cứu rất nghiêm túc. Nhưng đến lúc báo cáo công việc, thì ông ta lại trút ra được một bài viết mà ai cũng thấy là có khía cạnh rất sắc sảo.
Nền văn hoá cũ, dạy người ta rằng người trí thức phải có sự ngượng, chữ Pháp nó gọi là pudeur.
Trong công việc, chữ này có nghĩa là sự liêm khiết. Tức là anh chỉ nói những điều anh suy nghĩ kỹ thôi. Không xoáy của người khác đã đành, cũng không nói những điều ngẫu nhiên, sàm sỡ.
Hồi chỉnh huấn ở Việt Bắc, ông bố tôi dẫn lại một câu của đạo Thiên Chúa.
- Giữ lấy sự khiêm tốn trước Chúa để giấu đi sự kiêu ngạo trước con người.
Theo ông giáo lý của đạo rút lại chỉ dạy người ta như vậy.
Câu đó, không phải ai cũng hiểu ngay được đâu.
Các cụ trước có những ý tưởng thú vị lắm. Ví dụ, cái câu tiếng Pháp mà người ta vẫn dịch: Tôi tư duy vậy tôi tồn tại. Ông Hoài Thanh ông ấy lại cho là dịch thế này mới đúng: Ta tư cảm, vậy thì có ta.

Anh nên nhớ, tôi là dân đạo. Có nhiều từ trong tiếng Việt, đến người đi đạo mới dùng được trọn vẹn. Như là chữ thương khó chẳng hạn, phải có nó mới dịch được đúng chữ passion của Pháp (passion không phải chỉ có nghĩa là dục vọng)
Chữ song le, là do mấy ông cha cố đặt ra?
Chinh phụ ngâm có câu Lòng chàng có cũng như lòng thiếp chăng? chữ hay quá còn gì.
Nhưng thần tình nhất là cái cách người xưa dùng chữ mà. Bao giờ cũng chính xác
(Nhàn: Có lẽ là người Pháp, văn hoá Pháp --và phương Tây-- đã dọi vào tiếng Nôm một thứ ánh sáng khác, mà trước đây, bằng nguồn ánh sáng chữ Hán, ta không thấy.)
Tôi có đọc cái ý cô Phạm Thị Hoài chê tiếng Việt, tôi cho như thế không được. Anh cứ đi vào nghiên cứu tiếng Việt mà xem, anh sẽ rất mê.
Cái này, thì tôi nghiệm ở mình ra. Nghiệm qua những dịp làm việc với người nước ngoài.
Ví dụ, có một thằng Đức, cho nó đi xem trích đoạn chèo, nó không thích lắm đâu. Xem tuồng thích hay không, cũng tùy từng người (có nhiều ngưòi chê tuồng nói nhiều quá, tức là ồn quá. Cùng một lúc bắt người ta phải tiếp nhận nhiều thứ quá. Đến thằng Đức, tôi vừa nói, nó cũng không thích.)
Nhưng trước lúc về, dẫn nó đi xem Kim Nhan, thì nó bàng hoàng. Và về Đức, nó viết rằng, nó cảm thấy có lỗi, khi không biết rằng có một nền nghệ thuật như vậy tồn tại.
Còn đây là lời một người Pháp nói về chèo: đó là một nền sân khấu có nhiều điều để nói (còn nói gì thì tôi không biết)
Như thế, tức là khen chứ gì?
Về một kiểu tư duy. Có những người, như ông Đình Quang đầu óc của dân biên soạn, nhưng óc cán bộ nặng lắm. Điều ông ấy không biết, tức là không có ở trên đời. Điều gì ông ấy không làm, tức là người khác không được làm. Còn điều gì ông ấy không nói, mà người khác nói, tức là sai. Ấy vậy, mà ông ta cứ đi lập thuyết cứ đi giảng giải, và không biết ngượng trong việc nhắc lại những ý của người khác.
Có lần, tôi nghe anh em xuýt xoa khen anh Đình Quang nói hay lắm, anh ấy bảo mỗi người phải có cái kinh phúc âm của mình, tức là điều mình tin, và mình luôn luôn trở lại. Ờ, hay thật, nhưng tôi biết rằng đấy không phải là điều ông ấy nghĩ ra mà là một câu trong sách.
Cũng lạ lắm, là một người như Lưu Quang Vũ, rồi cũng lấy trong sách ra để làm ý của mình. Chẳng hạn, trong vở Thằng cuội, Vũ để cho một cậu tán người yêu, nhưng chỉ đứng đấy thôi. Chính ra là cuội tán hộ.
Đây cũng là chi tiết nước ngoài họ viết rồi.
Tôi có bảo Vũ là bỏ đi nhưng Vũ không chịu.
Tô Ngọc Vân ư, đấy là một nhà văn hoá, viết rất hay, mà nói cũng giỏi (nên nhớ ông từng đi dạy học)
Tôi đang ngồi với ông Tô Ngọc Vân thì nghe Dương Bích Liên lên trả bài. Tô Ngọc Vân ngắm nghĩa một lúc rồi gật đầu. Khá lắm. Phác thảo chì mà trông đã ra màu rồi. Về lên màu đi.
Dương Bích Liên mang về lên màu, rồi lại đưa ông xem. Lần này ông Vân lắc đầu:
- Bây giờ thì chả còn ra màu gì với màu gì. Đơn điệu.
Tôi phải thắc mắc, tại sao hôm qua phác thảo chì thì có màu, mà hôm nay, có màu rồi, thì lại không thấy màu gì. Ông lại ngồi giảng cho tôi một lúc.
Nhân đọc bài Một hồ sơ nhỏ về Đốt của anh, tôi lại nhớ cái lần tôi tiếp xúc với Tội ác và trừng phạt. Đọc trong lúc nào anh có biết không? Lúc tôi vừa ốm dậy. Một đợt ốm kéo dài, cứ hai ngày lại một cơn sốt rét rung cả giường. Ông bố tôi ở với cơ quan cạnh đấy, thấy tôi đọc Đốt, tỏ ý băn khoăn ra mặt.
- Thứ này đọc hại đến tinh thần người ta lắm.
Và ông hỏi thêm.
- Đọc đến đâu rồi.
- Đọc gần hết.
Ông nghĩ một lúc:
- Thế thì phải có thuốc giải độc.
Và ông gửi sang một quyển sách khác. Quyển gì anh có biết không? Không, không một cuốn tiểu thuyết Xô viết nào làm được việc đó, mà phải là Anna Karénina.
Lại nói chuyện Đốt. Có lần, trong kháng chiến, tôi được nghe đám cán bộ con nhà tương đối trong xã hội cũ, kể về những độc ác của họ, nghe xong rùng rợn cả người: may mà mình không đến nỗi như thế.
Nghĩ xong, lại thấy phục ngay ông Đốt. Là vì trong một tiểu thuyết nào đó, ông đã kể cái trường hợp một người bị xe kẹp, mọi người xúm đến xem và trở về ai cũng hoan hỉ, may mình không việc gì.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn