VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Về tính nhân bản và tính chuẩn mực trong giáo dục hai miền

Về sự khác biệt giữa giáo dục miền Nam và giáo dục miền Bắc chúng ta còn phải nói rất nhiều. Sau đây là sự bổ sung của tôi cho một số ý đã trình bày trước đây.


TÍNH CHUẨN MỰC
BĂT ĐẦU TỪ NHỮNG CÁI RẤT NHỎ
Thoạt đầu do nhu cầu của chiến tranh, nền giáo dục kháng chiến 1946- 54 chỉ thu gọn lại trong thời hạn chín năm và đã rút gọn rất nhiều nội dung giáo dục, và điều quan trọng nhất là đã bỏ qua nhiều chuẩn mực tối thiểu của giáo dục. Từ 1954 nền giáo dục miền Bắc được khôi phục trở lại trong thời hạn mười năm rồi mười hai năm, nhưng cái tinh thần vi phạm chuẩn mực thì vẫn tiếp tục. Tuy nói rằng giáo dục con người toàn diện, nhưng thường là bỏ qua các vấn đề giáo dục thẩm mĩ, giáo dục thể lực mà chỉ chú ý giáo dục kiến thức thuần túy. Do điều kiện khó khăn ban đầu, việc học hỏi nhiều môn khoa học tự nhiên tiến hành theo lối học chay và điều đó kéo dài mãi khiến cho việc học của học sinh trở thành một sự nhồi nhét kiến thức mà không chú ý tới quá trình tự tìm tòi tự thể nghiệm. Đại khái đấy mới là ví dụ đơn giản nhất. Còn nói chi đến nhiều vấn đề tư tưởng sai lầm và cổ lỗ mà chúng ta vẫn cố chấp cà cho mình là duy nhất đúng.
Trong một lần nói chuyện với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ở Sài Gòn khoảng năm 2013 – 2014, ông có kể với tôi một chuyện như sau:
Hiện nay, và đã bắt đầu từ mấy chục năm nay, việc thi vào các trường Y – Dược theo kiểu Hà Nội chủ yếu chỉ bao gồm những bài thi về toán hóa sinh, trong khi đó thì hồi trước 75, các bài thi còn bao gồm nhiều câu hỏi tự chọn đòi hỏi rất nhiều kiến thức của người sinh viên tương lai về khoa học xã hội và tình hình thời sự xã hội nói chung. Đại khái người ta có thể đưa ra cho sinh viên những câu hỏi: Tình hình các nạn dịch và các bệnh phổ biến ở Đồng bằng Nam bộ hai chục năm qua? Những gia đình nghèo ở các xóm lao động ngoại ô Sài Gòn thường chi bao nhiêu phần trăm thu nhập của họ cho y tế? Thí sinh có biết gì về chính sách y tế ở các nước Đông Nam Á cạnh ta? Tôi không nhớ thật rõ các câu hỏi, mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã kể, nhưng cái tinh thần của các câu hỏi loại đó thì tôi không nhầm: Đó là buộc người sinh viên trong quá trình học tập và chuẩn bị để làm việc trong ngành học tương lai phải có sự quan tâm đến tình hình xã hội và hiểu rõ tính cách công dân cùng tính cách nhân bản của công tác y tế trong mỗi xã hội.
(Có bạn sẽ bảo trong chương trình thi vào các trường đại học khoa học tự nhiên hiện nay thường vẫn có các đề bài về chính trị. Tôi xin phép không diễn giải cụ thể ở đây, mà chỉ muốn nói tóm tắt, các bài thi đó thực tế là một thứ thần học khô cứng xa lạ hết sức với đời sống và cuộc tập sự làm người của các sinh viên tương lai, cho nên không thể so sánh với các câu hỏi tuy không được dạy chính thức trong chương trình phổ thông, nhưng đã đòi hỏi người sinh viên tương lai phải có ý thức nghề nghiệp cộng với tinh thần công dân như thế nào – điều đã được làm trong các trường đại học Sài Gòn.).


KHÍA CẠNH CHỦ YẾU TRONG TÍNH NHÂN BẢN
LÀ KHÔNG RÚT GỌN CON NGƯỜI
Như đã công khai trình bày trong các tài liệu chính thức, mục đích của giáo dục miền Bắc chỉ là đào tạo những loại chiến sĩ khác nhau: Chiến sĩ trong cuộc chiến đấu giải phóng đất nước, chiến sĩ trong lao động xây dựng đất nước... Mà chiến sĩ nói nôm na ra là những người lính xung kích, những người lấy việc thực hiện những mệnh lệnh của cấp trên làm lẽ sống. Kết quả là ở đây chúng ta không có những con người mà chỉ có những công cụ, và cuộc sống trong cái phần nhân bản của nó ở mỗi con người bị rút gọn, trở thành thứ yếu; rồi đến lúc khi con người đã tỉnh ngộ ra thì họ chỉ còn là những chiến sĩ trong cái phần bề ngoài mà ngấm ngầm biến công việc thành phương tiện để lo liệu hạnh phúc cá nhân thường được hiểu theo nghĩa dung tục nhất.
Theo tôi hiểu, tuy cũng là một xã hội bị huy động toàn lực cho cuộc chiến, nhưng ở miền Nam trước 1975, người ta quan niệm về việc đào tạo con người theo cách khác. Chiến tranh không phải là bao trùm lên xã hội mãi mãi, việc đào tạo người lính phải bắt đầu bằng việc đào tạo những con người theo nghĩa nhân bản từ nhiều đời truyền lại; mà con người theo nghĩa vốn có này nghĩa là con người biết tự suy nghĩ thế nào là đúng thế nào sai thế nào là nên làm thế nào là không nên làm. Người công dân được đào tạo theo giáo dục miền Nam sau khi tham gia chiến tranh có thể vẫn quay về làm đủ các loại công việc khác nghĩa là tham gia vào bộ máy xây dựng xã hội hậu chiến.
Ngược lại người chiến sĩ theo quan niệm giáo dục miền Bắc được đào tạo với mục đích phục vụ cho chiến tranh họ chỉ thích ứng trong chiến tranh ngoài ra sẽ không được việc gì khác, sau chiến tranh trở về sẽ chỉ là những công cụ lỗi thời của công cuộc phát triển đất nước.
Như thế tức là tính nhân bản của giáo dục mâu thuẫn với việc đào tạo chiến sĩ ở nhiều khía cạnh khác nhau. Giáo dục nhân bản nhằm trang bị cho con người khả năng tự suy nghĩ tự đánh giá bản thân cùng hoàn cảnh và trên cái nền tiến bộ của xã hội tìm thấy chỗ đứng thích hợp. Còn việc đào tạo chiến sĩ như đã nói trên chỉ đòi hỏi người thanh niên một khả năng duy nhất là tuân thủ mệnh lệnh, ngoài mệnh lệnh và sự hướng dẫn của cấp trên ra họ không biết phải làm điều gì như một công dân như một con người. Trong một bài viết trên mạng gần đây tôi đọc được thấy nói một ông chủ Nhật Bản đã chê trách những người lao động cấp dưới Việt Nam ở một khía cạnh rất đơn giản: Trong những trường hợp tốt nhất, thường họ luôn luôn chờ đợi xem cấp trên bảo gì thì làm chứ không biết tự mình tìm ra việc để làm. Tính chủ động của họ rất kém, nhất là tính chủ động công dân.
Muốn lý sự thế nào cũng không thể biện hộ khía cạnh phi nhân bản của việc đào tạo “con người thành chiến sĩ” trong giáo dục miền Bắc. Khí giáo dục theo kiểu ấy tức là người ta đã tước bỏ ở con người khả năng tự suy nghĩ và bồi đắp khả năng suy nghĩ trong suốt quá trình làm người của mình. Tức là người ta đã RÚT GỌN con người - biến một thực thể phức tạp nhưng là một hiện tượng có thể hiểu được có thể hoàn thiện được thành một thực thể đơn giản bề ngoài nhưng bên trong chứa đầy những dục vọng tầm thường và đen tối và thực tế là không thể cải tạo được.


VỀ VIỆC ĐÀO TẠO CON NGƯỜI NGHỀ NGHIỆP
Một trong những điều bốn chục năm qua tôi cảm thấy rất rõ là sau chiến tranh, trong khi con người miền Bắc gần như đã quên hết cả những công việc bình thường xây nhà làm đường dạy con cái học hành chăm lo sức khỏe con người – hoặc nói đúng hơn họ làm việc đó rất kém cỏi – thì con người miền Nam trong tìn thế bên thua cuộc lại tỏ ra biết làm những công việc xây dựng và phát triển xã hội với sự thành thạo và trình độ hiện đại hơn nhiều. Đây cũng chính là thành tựu của nền giáo dục mà xã hội miền Nam đã “áp đặt” cho con người trong khoảng thời gian 1955 – 1975.
Mấy năm 2012 – 2016, khi ở Sài Gòn tôi đã có dịp đến nói chuyện nhiều lần với nhà văn Dương Nghiễm Mậu ở khu cư xá một ngõ nhỏ đường Lê Văn Sỹ. Điều trước tiên làm tôi ngạc nhiên là thấy ông sau hơn chục năm đi cải tạo trở về vẫn tiếp tục sống một cuộc sống bình thản của một người lao động (lúc này ông làm công nhân ở một xưởng sơn mài). Có thể là bề ngoài ông tỏ ra như vậy còn bên trong là cả một sự suy nghĩ phức tạp mà ông không nói với tôi, tuy nhiên giữ được một sự bình thản bên ngoài đến như tôi quan sát được cũng đã là cả một công phu tu luyện đáng kính trọng. Và ông giải thích với tôi sở dĩ có được điều đó vì ông đã trải qua nhiều sự thăng trầm và trong hoàn cảnh nào ông cũng cố gắng đạt tới sự quân bình nội tâm để chủ động trong cuộc sống.
Trong cuộc chiến tranh trước 75, Dương Nghiễm Mậu là một người làm nghề viết văn một cách lương thiện và đạt tới trình độ nghề nghiệp hiện đại. Ông không quá để tâm vào những sinh hoạt đôi khi không khỏi có phần phù phiếm của đời sống văn nghệ Sài Gòn. Trong vai một phóng viên chiến tranh, ông có mặt ở cả nhiều điểm nóng lẫn cả những tiền đồn xa xôi vắng vẻ của những người lính và những sĩ quan cấp dưới. Muốn trở lại với không khí chiến tranh trước 75, người ta rất nên trở lại với những trang ghi chép, một thứ phóng sự chiến tranh của ông, đương thời từng đưa trên bán nguyệt san VĂN và nhiều báo khác( tôi đã có dịp nói tới các tác phâm này ỏ bài trên mạng https://vuongtrinhan.blogspot.com/…/mien-nam-truoc-4-1975-q…). Còn bây giờ trong những năm cuối đời ông hay ngồi kể với tôi những chiêm nghiệm của ông về con người đương thời. Ông bảo, anh có thấy không cái chung cư nơi tôi đang ở được hình thành nên từ trước 75, nên nó vuông vắn đàng hoàng, đường đi lối lại thẳng thắn, giữa nhà nọ với nhà kia, có sự hòa hợp tự nhiên. Còn các chung cư mới được dựng nên sau 75 thì chao ôi như một cái làng đường đi lối lại quanh queo, nhà cao nhà thấp lộn xộn mỗi nhà một kiểu. Ông lại bảo anh có nhớ cái hồi mấy năm liền sau 75 khi lương thực khó khăn thành phố không cung cấp được gạo mà chỉ có bột mì cho dân, trong khi dân Hà Nội cũng chỉ viên bột mì thành từng cục nhỏ mà nhá qua ngày thì dân Sài Gòn đã biết chế biến ngay ra thành các thứ mì sợi, ăn uống rất đàng hoàng. Dương Nghiễm Mậu còn kể ra nhiều điều quan sát khác để chứng tỏ đầu óc sáng kiến của con người miền Nam sau chiến tranh,ông thường rất tự hào về trình độ nghề nghiệp mọi mặt và tổng hợp lại là cả trình độ làm người mà xã hội miền Nam trước 75 đã bồi đắp cho con người nơi đây.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn