4/1
Doạ mãi, tạp chí Văn học nước ngoài của ông Đào Xuân Quý vẫn không
chuyển thành in ti - pô được, trong khi những nơi khác (như Sân khấu nước ngoài)
đã ra rồi. Nguyên Ngọc kể: một thứ trưởng Bộ Văn hoá (có lẽ là ông Xuân Trường)
còn doạ mang ra triển lãm tất cả những tạp chí không có giấy phép (trong đó có
Văn học nước ngoài). Thật là ác với nhau không thể tưởng.
Ánh sáng và trang viết chào mừng đại hội Đảng, giá 16 đồng, không
hiểu sẽ ai mua, hay chỉ để tặng? Trong khi ấy Tu viện thành Parme, Nếu phố
Bin biết nói...in toàn bằng thứ giấy rất xấu, kiểu giấy nứa. Thực là một sự
trớ trêu ghê gớm.
19/1
Họp Ban văn hoá - văn nghệ, do ông Trần Độ, ông Hạnh chủ trì. Cộng tác viên
đông một cách đáng sợ, từ Hoàng Xuân Nhị, Lưu Trọng Lư, Tôn Gia Ngân, Phan Cự
Đệ, Hữu Mai... tới Tạ Văn Thành, cô Thu Linh, Thiếu Mai. Đông đến mức .. chắc chẳng ai làm được trò gì.
Chỉ toàn nghe người ta kêu.
Nguyễn Quân: Di tích văn hoá đang bị dỡ bỏ, chùa Trầm sạt một bên mái, một
bia đá nổi tiếng ở Thái Bình bị phá bỏ. Nhưng không bao giờ một làng XHCN của
chúng ta làm được một công trình đẹp, như những cái đình ở các làng ngày trước.
Văn Ký: Trên nói tất cả ca khúc quần chúng gọi là ca khúc chính trị thì
nghe sao được. Nhưng chúng tôi vẫn phải ủng hộ, khổ quá.
Hà Văn Cầu: Ngày xưa, mỗi làng trọng một thứ, có làng trọng văn, làng trọng
lê, làng trọng tước... Bây giờ không rõ các làng xã của chúng ta trọng cái gì,
mỗi chúng ta trọng cái gì.
Nguyễn Văn Tỵ: Năm 1958, sơn mài của ta đi triển lãm ở các nước XHCN, gây
chấn động ở nhiều nước. Nhưng từ bấy giờ đến nay, thì tình hình sáng tác trở
lại kiểu dân gian, không có hoạ sĩ.
Một hôm, nhân bàn về Văn nghệ quân đội, Ngô Thảo bảo: ông Châu đang
là một lão địa chủ, ngồi đấy. Hay đầu hàng lắm. Đấy, ông Châu viết bỏ khối ra.
Còn lão Khải, dẫu sao lão cũng viết đăng được.
Nhưng lại thấy ông Châu kể Khải bi quan lắm, viết một lá thư ra kể viết đâu
muốn viết một cuốn sách gọi là có hồn nhưng nghĩ không in được lại thôi.
Phạm Tiến Duật đi Tây Nguyên về kể nhiều người kêu Khải. Toàn mượn tình hình Tây
Nguyên để nói dưới này.
Một hôm, tôi bảo ông Vũ Ngọc Phan viết hồi ký. Cụ Vũ Ngọc Phan kể nhà văn
Việt Nam vớ vẩn lắm. Như ông Lưu Trọng Lư, hồi tôi làm một Nxb, bảo ông ấy viết
một cái, ông ấy lấy một cái bán dở cho một Nxb khác, dúi cho mình, không ra sao
cả.
Nhưng Tô Hoài lại kể: Ai lại như cụ Vũ Ngọc Phan, viết hồi ký kể rằng có
tìm tài liệu dịch cuốn Anna Karenin cũng bị đế quốc Pháp ngăn cản. Chính
tôi (Tô Hoài bảo) chính tôi vào mượn cả Mười ngày rung chuyển thế giới
của J. Read để đọc, có làm sao đâu.
Nguyễn Tuân: Người ta nói dối cái gì cho cam, ông Phan này trong hồi ký,
cũng nói dối là mình cô đầu nhà thổ đủ thứ. Thực ra có bao giờ ông ta đi thế
đâu. Ông ta chỉ sợ mang tiếng công chức.
1/2
Nguyễn Minh Châu: Nguyễn Khải kỳ này cũng bệt thật. Vào trong kia, con bị
đuổi việc rồi. Thu Bồn nói là Nguyễn Khải rất buồn, mà sự tiêu pha cũng chỉ có
hạn.
TheoChâu một người như Khải, đáng lẽ lúc này phải cắn răng lại mà chịu
đựng thì vò đầu bứt tai kêu khóc, không ốm cũng bảo rằng ốm, rồi kêu ầm cả lên.
Quỳ mọp dưới chân Hồ Phương rồi (thư “Kính gửi anh Hồ Phương”)
Nhàn: Vì trước kia, Khải ủng hộ bọn Oánh đánh Hồ Phương mà.
Châu: Tính Khải nó vẫn có cái lối ấy, thích dùng thằng nào thật vớ vẩn để
sai được, chẳng hạn đưa Chí Trung lên, nó chạy vé máy bay cho, đưa Xuân Thiều
lên, có cân thịt nó cầm về hộ... Nhưng việc gì phải làm thế. Muốn đánh Khải, bọn nó còn phải nể mặt bọn tôi chứ.
Bên Văn nghệ quân đội, bộ khung mới làm việc từ tháng 1/1982: Dũng
Hà, Hồ Phương, Xuân Thiều...
Gặp mặt nhau nhân dịp 25 năm, ông Xuân Sách cho một đôi câu đối, tôi không
nhớ hết chỉ nhớ mấy mẩu cuối:
... Nào tuyển văn, nào tuyển thơ
nào lịch tờ, nào lịch treo, tíu tít
mừng xuân gà cục tác
nào Đất trắng, nọ Sao mai, nọ Đôi vai
nọ Biển gọi, ồn ào đầu tết chó gâu gâu
Mọi sự vẫn loạn cả lên.
Nguyễn Đức Mậu thì kêu chuyện đẩy anh em xuống đơn vị, cả Duy Khán
cũng phải đi, vì ở nhà không được việc
gì cả. Thu Bồn bực tức vì sinh hoạt trong quân đội gò bó. Trong khi đó, vào Sài
Gòn, đi làm báo thuê, cứ gọi là hái ra tiền. Nguyễn Minh Châu cũng không khỏi
ảo tưởng: đề nghị tôi – VTN - làm phần
văn học nước ngoài một chỉ trực thuộc Hồ Phương. Hồ Phương cũng ào lên: sẽ có
trang riêng, sẽ in chữ riêng. Ngày xưa Nguyên Ngọc dịch in Ổ gà còn được
cơ mà, sao bây giờ ta không dịch in một số vấn đề ở ngoài. Và tôi cũng ảo
tưởng, tôi ngồi nghĩ rất lâu về cái chuyện đó. Nhưng mang ra cơ quan thảo luận,
rút cục bác hết.
Bà Lê Minh nháo nhác cả lên vì cải tiến trang văn nghệ báo Nhân Dân,
vì lấy người, giờ đây lại khổ vì cánh khác.
Có tin Giang Nam, Nguyễn Thụ và Xuân
Trường sẽ được đưa vào Trung ương kỳ này.
Đến ông Xuân Trường, bà Lê Minh cũng chả coi mùi gì. Cả với tôi, cả với
Bằng Việt, bà đều đặt câu hỏi: Em nhận xét xem, ông Xuân Trường là người thế
nào.
Tôi trả lời. Bà gật gù:
- Đúng rồi, người thế đấy, thế đấy.
Chợt nảy ra ý nghĩ chính bà này thèm vào Trung ương không biết chừng. Trong
việc vào Trung ương này, người đau nhất có lẽ là ông Ngọc, việc trong tầm tay
mà đánh nuốt hận, không bao giờ với tới.
Thu Bồn từ Sài Gòn kể chuyện đại khái cả bọn đi làm thuê cho Quận 5. Đấy
vẫn là căn cứ của bọn Tàu, nên chúng tung tiền ra nhiều vô kể. Những người bán
tên cho họ rất nhiều, Vũ Hạnh, Thu Bồn, Mai Liên, Huy Anh v.v.. vài chục người.
Lê Ngọc Trà từ đó viết thư ra, cảm thấy như mình ở tỉnh lẻ, không hiểu gì
tình hình chung của văn nghệ cả.
22/2
Những ý kiến gửi đến báo Nhân Dân về bài thơ Đêm cuối năm của
Tố Hữu (do Chính Yên kể)
- Một số: buồn quá. Không nên đăng.
- Một số khác: tại sao đồng chí đó kênh kiệu thế, làm như tự mình thâu tóm
các vấn để của toàn Đảng không bằng. Tự phụ tự mãn.
Một số khác: nhiều chỗ khó hiểu.
Vẫn lời Chính Yên: mười mấy năm nay, bài nào của Tố Hữu cũng là thông điệp
cả. Phương Lựu: làm thế, đến Bộ Chính
trị cũng không dám làm. Nguyễn Tài Cẩn: Lão này thừa khôn để... không biến thơ
thành nơi tâm sự đâu. Đây là chỗ xì ra thôi. Cả đám bảo nhau cho nó xì - vì có
những điểm, ngay đến nghị quyết cũng không xì được. Ví dụ, đi với Liên Xô nhục
nhã vậy. Chỗ ấy xì ra trong thơ là tốt nhất.
Đấy, thơ ở xã hội ta còn phải như thế đấy, chấp nhận sao nổi.
Nguyễn Thành Long hôm tết, thấy Xuân Diệu đi từ ngoài vào cho một câu: Nhà
thơ quốc tế đấy. Nhà hoạt động văn học cỡ quốc tế đấy.
Nhưng tôi đến nhà Xuân Diệu 6 giờ tối, vẫn thấy ông làm việc. Bàn với ông
về việc dịch cái gì đó của N. Guiden. Ông lấy tài liệu ra ngay. Rất nhanh, ông
bảo tôi ngồi chờ, để đọc bài S. Dovzhinski. Đọc xong, bảo không dịch được. Lại
đọc bài Asturiát, bài Néruda. Rồi đánh dấu vào đó, hẹn cuối tuần đến lấy.
Còn Ng Tuân, một hôm cụ gặp tôi, báo tin:
- Này, nó cho cả ông Lê Duẩn lẫn ông
Trường Chinh huân chương Lê nin là nó có ý ghê lắm đấy nhớ.
Tôi im, không chia sẻ được với cụ về những quan tâm chính trị như vậy. Có cảm tưởng thà cứ sống xa xa với cụ như thế còn hơn sống gần quá.
Năm 1981, Tác phẩm mới in xong Từ gác Khuê văn. Thì cũng lại thấy
bên Văn học in cho ông Chế quyển Nghĩ cạnh đường thơ, có 5 bài
trùng với những bài ở tập bên này.Tôi nghĩ, Chế Lan Viên hóa ra cũng nghèo
thật.
Về mối giao tình giữa ông Chế và ông Tố Hữu, Ng Tuân kể: Hồi đó là khoảng
65. Hai Đảng thân yêu cắt đứt với nhau đâu đã 5 năm, nhưng nghĩ thế nào, người
ta lại thấy nên có quan hệ văn hoá. Bên kia mời một đoàn nhà văn, mời đích danh
(Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu), bên này bằng lòng. Trước lúc đi, cả
bọn lên nghe ông Tố Hữu phủ dụ. Và ông Tố Hữu
kết luận:
- Làm thế nào để Chế Lan Viên đi một chuyến về phương tây thì hay quá nhỉ.
Nói đến đây, ông Tuân đang ngồi liền co đầu gồi lên, thái độ như một hàng
binh, đầu lắc lắc ra ý không hiểu, mà mắt trợn tròn lại rất hiểu.
Có lần tôi hỏi ông Quất lái xe cho Hội:
- Ông Tuân có cảm tình với Ng Ngọc không?
- Có vẻ tuyên huấn quá.
- Thế ông Kiên.
- Được đấy.
- Còn ông Thi? (có lần Cư bảo tôi: cụ Tuân ghét Thi từ hồi chống Nhân văn)
- Ông ấy vẫn nói đùa: kiếp trước ông này làm gì mà nặng mình thế. Nghĩa là
ông ấy không khen đâu.
12/3
Bằng Việt kể hôm đón đoàn nhà văn
Liên xô do E. Isaev dẫn đầu. Các nhà văn nhà thơ mình người nào cũng cố nói lấy
một câu cho thông minh.
Một người như Phạm Tiến Duật lúc nào cũng kể chuyện đi rừng và ra ý đòi hỏi
mình sẽ sang học học viện Gorki, nhưng phải là do Hội Nhà văn Liên xô mời, chứ
không phải do Hội nhà văn Việt Nam cử đi.
Isaev lại trêu đến cả Xuân Diệu.
Xuân Diệu: Chúng tôi bây giờ nhiều chuyện mè nheo của đời sống dầu đèn củi
lửa, không có gì là văn chương cả.
Isaev: Chúng tôi rất thông cảm... Nhưng Liên xô sau chiến tranh cũng vậy.
Xuân Diệu: Nhưng đường này thiếu thốn trăm bề
Isaev: Ngay nước chúng tôi hiện nay, sản xuất đi vào kế hoạch, nhưng không
phải đã hết khó khăn. Có khi do thừa mà khó.
Xuân Diệu: Giữa hai cái cực đó, khi cái cực thừa còn dễ chịu hơn. Dẫu sao
vẫn là con người.
Isaev (giở giọng tuyên huấn) : Dẫu
sao, người trí thức cũng phải đi với nhân dân của mình.
Xuân Diệu (lầm bầm): Ô cái thằng này, nó ở đâu nó đến, nó dạy dỗ mình thế
này?
Đại hội Đảng, báo
Văn nghệ có một bài thơ về Đảng (số dự bị) bài của Duật trong đó câu mở
đầu, dẫn của J. P. Sartre “khi tôi quyết định ly khai với Đảng cộng sản, cũng
là lúc tôi biết mình từ nay sẽ liên minh với cô đơn.” Còn nội dung cụ thể gồm
có phần đầu kêu khổ nhà cửa bề bộn chán chường phần sau lại bốc phét, ca ngợi
chung chung v.v...
Bằng Việt kêu ầm lên là cơ hội, đi
vào con đường không ra sao. Theo Bằng Việt cho biết Duật còn lên gặp ông Lê Đức
Thọ, đọc cho ông ta nghe rồi mới đăng, còn ghi những ý kiến về thơ của ông Thọ
cho báo Văn nghệ.
Nguyễn Đăng Mạnh: Đúng là nhà thơ
muốn xin cấp nhà .
25/4
Sau đại hội Đảng, ông Xuân Trường
được vào dự khuyết Trung ương, bây giờ văn nghệ có đến 3 ông cốp Trần Độ, Văn
Phác, Xuân Trường. Không khí chết lặng đi, chờ xem 3 người này sẽ phân công với
nhau ra sao.
Võ Nguyên Giáp không trúng Uỷ viên
Bộ chính trị, điều đó gây ra một nỗi xôn xao khá lớn. Đến mức một vở kịch của
Tào Mạt nhan đề Nam quốc sơn hà bị ách lại.
Ngày 23-4, ông Trần Độ còn gọi anh
em đến họp và phổ biến nghị quyết đại hội.
Nhưng tối 25/4 sang nhà ông Phương
Lựu, tôi đã nghe tin Xuân Trường đã có quyết định phụ trách văn nghệ rồi. Mọi người nôn nao. Ai cũng thấy
phen này chết rồi. Bà Khánh, hành chính ở cơ quan cũng bảo người ta thích ông
Trần Độ hơn. Việc đó có lý do: Trước đây, theo
Ân kể, ông Trường lúc nào cũng đặt vấn đề xiết về nguyên tắc. Trần Độ vẫn có vẻ thoáng hơn.
Ngày 3/5, có tin Nguyên Hồng chết
trên Yên Thế..
Con người kỳ quái, tiền lão rất
nhiều, nhưng tiêu pha không đâu vào đâu. Có tháng hết ngàn bạc tiền rượu. Rồi
lại đói: có ngày về Hà Nội, chỉ ăn bánh mì trừ bữa, xót ruột quá thì mua mấy mớ
rau về luộc.
Nghe đâu ông ta chết rất ngẫu nhiên.Thấy
trong bếp có cái tổ chuột, ra đằng sau nhà lấy đất lấp lại, ngộ gió mà chết.
Không kịp trối trăng gì cả. Nghĩ mà thảm cho một kiếp người, “ông Gorki ở Việt
Nam” như ai đó vẫn gọi.
Ông Kim Lân (trong buổi trao đổi về
phim Chị Dậu)
- Chị Linh con gái cụ Tố bây giờ
còn khổ hơn cả chị Dậu.
Phim Chị Dậu mang lên miền
núi, người ta phản ứng
- Chị Dậu còn có một con chó mà
bán. Chúng tôi chả có gì cả.
Không dám chiếu phim Chị Dậu
rộng rãi cho mọi người xem.
9/5
Hôm 6/5 họp ở báo Văn nghệ,
bàn chuyện triển khai nghị quyết đại hội Đảng. Nhưng nghe báo cáo mà buồn. Suốt
thời gian vừa qua, chỉ thấy mọi người chán chường chờ đợi. Ai cũng thăm dò,
liệu sắp tới, còn khó khăn nữa chăng. Báo Văn nghệ không được bù lỗ, cho
nên, phải có truyện dịch kha khá thì mới sống được.
Trong khi ấy, lúc nào cũng căng
thẳng, không dám đăng gì cả. Đúng là một con gà vừa bị trói, vừa không được cho
ăn.
Có lần họp ở Nxb, Xuân Diệu đã nói:
- Chả có ai cấm , nhưng không
thấy in ra gì cả. Mấy chục năm đánh nhau, bắt người ta nhịn yêu nhau với đọc
thơ tình rồi, giờ lại bảo tiếp tục nhịn để đi sản xuất thì ai chịu nổi...Có
những việc phải làm mới là bình thường. Không làm là chuyện đáng ngại. Như con
cái mình ở nhà đến tuổi 18-20 mà không thấy nó đi tán gái, phải lạy nó: Con lạy
ông, ông đi ghẹo gái cho con nhờ...Mà nó yêu nhau, phải có cái gì cho nó đọc...Chứ
chẳng nhẽ lại chúng nó lôi nhau ra bờ sông bây giờ thì hay hớm lắm à?
Xuân Trường tức lắm.
- Ai chủ toạ buổi họp này? Các anh
định đến để phê phán đường lối văn nghệ của Đảng hả?
Xuân Diệu: Xuân Diệu không có ý ấy.
Xuân Diệu chỉ phát biểu như một công dân.
Nhưng đấy là trước đại hội Đảng.
Sau đại hội Đảng, Xuân Diệu bảo
Nguyễn Đăng Mạnh
- Này, đừng có họp hành phát biểu
gì nữa, không lôi thôi đấy. Chỉ đến bàn việc hãy đi.
Xuân Trường đến nhà Nguyên Tuân chơi.
Nguyễn Tuân: Anh em bây giờ chỉ muốn làm việc
lãnh đạo nên giúp anh em làm việc.
Xuân Trường: Nhưng mà phải chống li
– be - ral, xa rời sự lãnh đạo của Đảng.
17/6
Tự nhiên không ai bàn tới ai Đảng
Đoàn, ai phụ trách nữa. Cũng không thấy Xuân Trường cho anh em học chính trị, hoặc nói
điều gì ghê gớm. Thế là sao?
Nguyên Ngọc vào dự trại viết ở Vũng Tàu, về
chỉ nêu một nhận xét: Anh em miền Bắc ăng - ga - giê về chính trị lắm, nhưng kỹ
thuật không có vấn đề gì. Trong khi đó, một số anh chị em miền Nam rất mới về
kỹ thuật. Chỉ có điều họ viết y như... thời nào cũng viết như vậy.
Nhân vật được coi như một phát hiện
của cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ quân đội năm nay là Phạm Thị Minh Thư,
lại chủ yếu nổi lên là về mặt cách viết. Nguyễn Minh Châu bảo: Nó mang trong nó
cách nghĩ của lớp thanh niên hiện nay, nghĩa là đầu Ngô mình Sở, chả có đầu có
đuôi, mà lại rất lắm chuyện.
Vậy là cuối cùng, lại thấy các vấn
đề nghề nghiệp đặt ra.
Có những chuyện mỗi người nói một
đàng không biết tin ở ai. Lưu Khánh Thơ kể báo Văn nghệ triệu tập một
cuộc họp trao đổi về các tuyển tập. Ông Nguyễn Tuân đến, nói tưng tửng:
- Các tay gì beo béo nhỉ, à Như
Phong. Như Phong, ngăn cản làm tập này mãi. Bây giờ Nxb mới cho tôi chọn hai anh,
một Vũ Ngọc Phan, hai Nguyễn Đăng Mạnh.Vũ
Ngọc Phan thì cổ hủ, chán lắm rồi, thôi mình chọn Nguyễn Đăng Mạnh vậy... (nghe
đến đây NgĐMạnh chán quá, cứ cúi gằm mặt xuống, sau bỏ ra về, không dự bữa ăn
do Báo Văn nghệ tổ chức).
Nhưng trước đó, Nguyễn Đăng Mạnh
khoe với tôi là Nguyễn Tuân khen cách làm của Mạnh lắm. Có ai đến hỏi, ông
cụ cũng bảo: Đến hỏi Mạnh .
Dư luận khen Nguyễn Đăng Mạnh đến
mức Xuân Diệu cố chèo kéo Mạnh tham gia
việc làm tuyển tập của mình. Họ làm công việc với nhau khi Xuân Diệu vừa đi
Pháp về. Thế là Mạnh đến, thời gian đầu, có cả rượu vang được mang ra tiếp. Còn thời gian
sau, có chè, có thuốc lá thơm. Lúc nào cũng một niềm cung kính
- Đời mình trước chỉ có Huy Cận,
sau có Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, giờ có Mạnh hiểu đấy. Mạnh có quyển
tiểu luận hay lắm. Lẽ ra, mình phải viết về nó. Nhưng mình không thật hiểu các
vấn đề do Mạnh nêu lên trong đó, nên thôi.
NgĐMạnh tự nhủ phải cảnh
giác. Cái ông này làm phép thế, để mình khó cưỡng, mình khó viết về ông này
với tất cả hiểu biết thật. Tóm lại, chỉ lợi dụng mình vậy thôi. Còn thực ra, các ông ấy có coi ai
ra gì? Một người như Hà Minh Đức, các ông
ấy cũng biết là đồ vứt đi, nhưng khi cần, các ông ấy vẫn ve vuốt, khen ngợi để
làm lợi cho các ông ấy, chứ sao.
... Biết thế rồi, ông Mạnh kỳ này
vẫn bị cú sốc.
Tôi nhớ đến những lần định giúp ông
Tuân, ông Xuân Diệu viết hồi ký. Cộng tác làm sao nổi với họ. Và khi chết họ sẽ mang đời họ
đi, như một cái gì cô độc, không ai hiểu nổi.
Có lần, tôi hỏi Mạnh:
- Ông Tuân có thích Nguyên Hồng
không?
- Thích.
- Tại sao?
- Vì căn bản Nguyên Hồng phục
Nguyễn Tuân. Điều đó làm cho ông Tuân bằng lòng. Ông Tuân chỉ yêu ai phục ông
ấy thôi... Người ta vẫn còn có thể làm khổ nhau nhiều lắm.
Bọn tôi, thấy qua cái chết của
Nguyên Hồng, cũng lắm chuyện ngộ. Xuân Quỳnh phát hiện trong bài phát biểu điếu
Nguyên Hồng, Ng Tuân còn khệnh khạng kể chuyện mình viết Lời giới thiệu tập Bỉ
vỏ ở Liên Xô như thế nào một cách bất nhã. Liệu một người như Nguyên Hồng chết là đúng
lúc, hay chết là đáng tiếc, như nhiều người nói – tôi tự hỏi. Và chắc chắn cuốn
tiểu thuyết lịch sử của Nguyên Hồng chẳng hay, lại còn rất tuỳ tiện, ba láp,
chứ không chỉ là một đóng góp về tiểu thuyết lịch sử.
Họ lại cũng bảo Nguyên Hồng đọc rất nhiều, rất trí thức. Tôi tin loại
người như Nguyên Hồng, đọc bao nhiêu nữa, cũng không thể là những nhà văn trí
thức được mà chỉ là những tay thợ viết...Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Tôi
không tin có mối quan hệ máy móc kia được. Không có tài, mọi thứ tâm đều vứt
đi.
Đấy, sơ sơ đã thấy khối chuyện như
vậy; chúng ta còn biết sai về chính mình nhiều lắm.
Nhàn: Ng Khải viết chiến tranh, mà
cứ bốc lên như Cồn Cỏ là không được.
Châu: Chiến tranh thế còn tạm được.
Nhưng phần viết về nông thôn, mà cứ thấy cái gì cũng rành rẽ, mạch lạc, chỗ nào
cũng đầm ấm sáng sủa cả rồi, đấy mới thật là cái phần hỏng của lão ấy.
Ngô Thảo: Trong Sài Gòn, ông Khải
sống một mình, không ai nó dám chơi. Vì đứa nào nó cũng sợ, có lúc, ông mang nó
viết vào trang sách, thì thật khốn. Mà lão Khải viết phải đúng cái lão thấy,
thì mới hết mình được.Trong kịch Cách mạng, ông bố không phải là ông bố
thực à. Mà bố thực, xem đến thế, tưởng có thể uất lên mà chết lắm.
Nhàn: Lão Khải vẫn có nỗi căm thù
ghê gớm đối với cái gia đình của lão ta, và cái giai cấp quý tộc của lão ta.
Nhưng nên nhớ đấy là trong sách vở
của lão cơ. Còn như trước mặt anh thì Khải vẫn hiện lên là một gã quý tộc thực
sự, anh chớ có mà chơi trèo, lão ấy đánh vỡ mày vỡ mặt!
- Đứng về phương diện nào đó, thì
sau 1975, lão Khải lại trở về với chính mình. Cô Phượng trong kịch Cách Mạng chính
là Nguyễn Khải. Ham sống tới mức cơ hội , nhưng lại tìm được cách để mà mình
định hành động của mình. Mang nỗi căm thù cá nhân những người chung quanh bạc
nhược hoà vào xu thế của giai cấp đang lên, do đó, được lợi cả đôi bề: vừa là
người sáng suốt thức thời, vừa thoả mãn được những mưu đồ riêng.
Cố nhiên, phải là người mạnh lắm,
thì mới như thế được. Đúng những con quạ trắng.
Khải (bảo Nguyễn Văn Trung): Lúc
nào lại chơi nhé.
Trung : Nói thật với ông, anh em nó
bảo ông điểm quá, thế nào cũng cân, rồi lại chả trung thành với ai cả, chơi khó
lắm.
Trong
tháng 6 này, cuốn Gặp gỡ cuối năm của ông Khải về Nxb, người đổ xô vào
mua, không thua kém gì các tập sách nước ngoài .
Cuốn Nhứng người thích đùa,
ra đời không khỏi có phần kích thich dư luận.
Lại có tin đưa: sách sẽ bị cấm. May
mà ông trưởng ban tuyên huấn hiện nay là Đào Duy Tùng ông ấy bảo không có chuyện gì, cho
nên thoát thân. Mọi người thở phào, nhưng Vũ Tú Nam bảo: Bận sau, những cuốn
như thế phải hãm phanh lại.
- Có một nhà in, trong Sài Gòn đề
nghị Nxb tôi in lại cuốn Sông Đông êm đềm + Chuông nguyện hồn ai. Nhưng
tuyên huấn không cho, bảo rằng lúc này, hãy lo in lại Đất vỡ hoang hoặc
cuốn Lớp trẻ của Ivanov.
Thật là kỳ cục - trước đó, Nghìn lẻ một đêm, cũng bị
phê bình là câu khách!
- Trước đại hội Đảng, Xuân Trường
tự nhận trách nhiệm về làm trưởng ban lý luận phê bình của Hội. Lời lẽ gay gắt:
phải trở lại lập trường Mác Lê nin.
... Nhưng sau Đại hội Đảng, Xuân
Trường đã vào Trung ương, hình như cái chức trưởng ban lý luận của Hội quá bé,
ông ta chẳng màng tới nữa. Nghe Ân nói, trước ông ta định phối hợp với Hoàng
Trinh (ban lý luận Viện Văn), Vũ Khiêu (bộ phận xã hội học thuộc Uỷ ban khoa
học xã hội) mở hội nghị lý luận toàn quốc.
Vũ Đình Phòng nói ngay trong những
buổi họp của Viện Văn: Phải cẩn thận. Chúng ta đang xa rời chủ nghĩa Mác Lê nin
chân chính.
Phong Lê (trong hội nghị lý luận
văn học) phụ hoạ: Bây giờ đang thấy cả khuynh hướng vọng ngoại, lẫn vọng cổ, cả
hai đều không ra gì. Phải trở lại với đời sống hiện đại.
16/7
Đến nhà Nguyễn Đăng Mạnh chơi, hỏi
ông xem có đúng ông ta bị Ng Tuân làm cho một cú không, thì không phải. Ông
giở cái ảnh ông chụp chung với Nguyễn Tuân ra để khoe. Và theo ông, chính là
hôm đó, Tuân thích quá, nên có phần bốc,
ngoài phần dự kiến của Mạnh .. Còn Mao,
còn Như Phong, thì không thể in cuốn này...In sách thì chớ có in ở nhà in
báo... Phải biết làm sách. Nhưng sách đã ra. Một quyển đã qua Pari. Một quyển
đã qua California. Và một quyển, tôi đã gửi biếu ông Trần Văn Trà, tác giả cuốn
Kết thúc cuộc chiến tranh ba mươi năm (Nhàn: Việc này đúng kiểu Tuân...
mặc dù chả có gì đáng tự hào như thế cả!)
Cũng không có chuyện Nguyễn Đăng
Mạnh bỏ bữa ăn trưa. Ông Mạnh còn nhớ là mình ăn mằn thắn ở phố Huế.
Có lẽ KhánhThơ còn trẻ nên không
hiểu hết mọi chuyện. Và lại bị bà Chu Nga nhiều ám ảnh đồng tình nên nghĩ vậy.
Ông Mạnh tiếp tục nổi tiếng một
cách ghê gớm sau khi làm tập 2 Nguyễn Tuân tuyển tập. Ông bảo: chính
mình gợi ra chuyện in phần phê bình . Vì nếu không, thì tập này sẽ rất tẻ nhạt,
không có gì để mà câu độc giả.
- Có chuyện gì giữa hai bên, tác
giả và người tuyển chọn không?
- Ông Tuân không thích đưa vào bài
viết về Nguyễn Phan Chánh và bài Đốt, nhưng lại đòi đưa bài về Tchekhov. Bỏ thì
được thôi, nhưng mình chỉ không hiểu lý do làm sao. Mãi mới biết là tại ông Đạo.
- Đúng, Nguyễn Tuân rất ghét Lê
Quang Đạo.
- Bài Đốt cũng không phải là bài
hay. Nhưng nó cũng được, hơn bài Tolstoi.
- Đúng, không lấy bài Tolstoi.
Nhưng bài Đốt cũng có ý của nó. Nên mình mới đề nghị giữ, ông Tuân bằng lòng, và sẽ viết thêm ít dòng
tái bút. Còn bài Tchekhov lấy bây giờ thì khiêu khích quá. Cả mình lẫn Nxb đều
không lấy. Lý Hải Châu bảo mình : Ông Tuân ông ấy chủ quan . Chứ khối kẻ nó
tính chuyện nói vào đấy. Ông cứ bỏ bài ấy ra cho tôi. Có thể vì thế mà ông Tuân
không bằng lòng với mình chăng?
- Làm việc với ông Tuân có lúc khó
chịu?
- Khó chứ. Không những mình mà ông
ấy có coi ai ra gì. Hoàng Như Mai kể lại với mình câu chuyện sau đây. Sau khi
viết bài Chân dung một nhà văn cách mạng, HNMai có gửi biếu ông Tuân bài
viết. Rồi ông ra chơi. Vậy mà đến chơi, ông Tuân không nói năng gì. Khi ông Mai
hỏi “Anh có khoẻ không”, Nguyễn Tuân chỉ vào tim, ý nói có đau tí chút.
- Anh có nhận được bài tôi gửi
biếu.
- Gửi bưu điện thì mất làm sao được
(nói trống không)
Im lặng hồi lâu. Rồi Hoàng Như Mai
với mái tóc bạc phơ ra về cùng với một người khách nữa, và Hoàng Như Mai chỉ
biết mang máng đại khái trước đó, ông Tuân đang rất giận vì chuyện ông Sáu Thọ
họp với các nhà văn quan trọng trong văn nghệ (các uỷ viên Đảng Đoàn). Làm việc
với ông ấy phải quan niệm như mình đang nghiên cứu một căn bệnh nào đấy - ví dụ
bệnh đậu mùa - Phải gạt bỏ nhiều chuyện tình cảm. Rất nhiều dịp, ông giơ tay
bảo mình về, tuy trước đó đã mời mọc mình ở lại.
Nhân nói về các nhà văn khác,
Nguyễn Đăng Mạnh tiếp.
- Nhưng ông Xuân Diệu lại ép mình
cách khác. Giờ đây rất khó viết về ông ấy, trái với ý ông ấy muốn.
- Nhưng anh nhớ đây là tập sách của
anh, phải viết để nó ra khuôn mặt của anh đấy.
Và tôi buột miệng nói về cách viết
phê bình của Xuân Diệu:
- Cái cách quỳ mọp dưới chân các vĩ
nhân như thế là không được. Y như các thợ bậc ba đứng ra khen các thợ bậc nhất,
và nhân đấy khoe mình là loại gần thợ bậc nhất hơn ai hết.
Cái cách Nguyễn Tuân viết về Tú
Xương, nghe được hơn.
- Không hiểu sao ông Xuân Diệu cứ
thích lắm sách để làm gì. Cách làm một cuốn như Lượng thông tin chẳng
chứng tỏ gì hơn là ông ấy giỏi độn, ghép bài nọ với bài kia. Đâu có phải cách
hay.
Nhưng tôi vẫn nhớ là Xuân Diệu nói
với chính tôi.
- Dẫu sao, dân tộc cũng chỉ dặn ra
được một bọn như chúng tôi.
Vũ Quần Phương: Các ông (nhà văn
nhà thơ cũ) không bao giờ chơi được với nhau cả. Mỗi người rất cô độc. Chúng
mình phải có cách sống khác !
15/7
Nhàn: Anh xem, vấn đề của văn xuôi
bây giờ là vấn đề gì?
Nguyễn Kiên: Là nó không hay. Sa
vào minh hoạ nhiều quá. Chúng ta mình hoạ rất giỏi, nhưng lại chả được công
việc gì.
Nhàn: Những chuyện ấy lại không
được viết ra.
Nguyễn Kiên: Ấy đấy. Vậy nên mình
phải tìm ra lấy một cách viết nào đó, nói ra, mà có thể khả thủ, nghe được.
Mấy năm trước, phê bình còn có vẻ
động đậy một tí? Mấy năm nay, cũng tịt ngòi rồi.
1/8
Nói với Mạnh, nhân chuyên làm các
tuyển tập.
- Chưa bao giờ sáng tác văn học đương
thời kém như bây giờ. Bởi vậy, cũng chưa bao giờ, nền văn học cũ có sức hấp dẫn
với người ta như bây giờ. Việc lo làm các tuyển tập lúc này là rất chính xác.
(Ông Mạnh đang được nhờ làm lại
cuốn Hợp tuyển văn học 30-45, Nhân nói Lý Hải Châu, Mạnh bảo: Lý Hải Châu có cái quý là rất mê văn học 30-45. Một cái
phúc cho văn học hôm nay!)
Hội nhà văn đang bận rộn vì một
công việc “quốc tế” tổ chức Hội nghị nhà văn Á Phi. Nghe Xuân Tùng kể, có một
chuyện vui mà cũng là cay đắng.
Ông Nguyên Ngọc gọi điện, xin ông
Tố Hữu cho gặp, ông Tố Hữu bỏ máy không tiếp.
Phải ông Thi gặp mới được. Ông Thi
sẽ là người chủ trì toàn bộ công việc. Thi vừa gọi điện, Tố Hữu bằng lòng,
cho 1/2 triệu chi phí (sẽ mang vào thành
phố Hồ Chí Minh làm việc).
Có một chuyện
vui: Lâu nay, Quỳ của Tác phẩm mới, bảo cơ quan buôn mấy vụ - buôn giấy - nhưng
không ai dám làm. Lần này, Quỳ liền bảo cơ quan Hội nhà văn. Kết quả, lãi 100%.
Bỏ ra ba chục ngàn, thu được sáu chục. Chị em ở Hội đang vui vẻ lắm.
Ông Thi đang được mơ nê lại
chăng? Báo Văn nghệ liên tiếp đăng thơ của ông ta, lại đăng kịch Giấc
mơ (dĩ nhiên, tìm được cớ thích đáng)
Có cảm tưởng là một người như ông
Ngọc đang rữa ra, gặp đâu hay đấy, mà lo lắng để kiếm sống cũng là chuyện hàng
ngày.
Có một bài báo cáo về văn học thiếu nhi đăng ở tập Vì tuổi thơ, bà
Khánh gọi ông Ngọc đến lĩnh nhuận bút, Ngọc vui lắm. May quá, đang không có
tiền tiêu. Sau mới vỡ lẽ ra: bài đó, không phải do Nguyên Ngọc viết, mà lại do
Phạm Hổ viết. Con Phạm Hổ đến đòi. Ông Nguyễn Kiên lại phải chi cho Phạm Hổ
150đ khác (vì chẳng nhẽ đòi lại Nguyên Ngọc?)
Nguyễn Khải có lẽ kỳ này ra khỏi
quân đội. Vì nghe đâu, trong một buổi họp, ông Đặng Vũ Hiệp đã phê phán: trung
tá thượng tá gì mà lúc nào cũng viết về tư sản thế?
(Cái ông Hiệp này, đã bị Tào Mạt
chửi một lần. Đến xem một buổi biểu diễn của Tổng cục hậu cần, ông ta bỏ về.
Ông Tào Mạt gọi lại: Anh Hiệp, anh khinh người vừa vừa chứ. Các cháu nó đổ mồ
hôi tập hát tập múa, anh không được coi thường như vậy. Có chửi, anh chửi tôi
đây này)
Gặp gỡ cuối năm của Khải ra khá
lôi cuốn. Tôi có cảm tưởng ông Khải vẫn mạnh ở những cảnh con người cãi lý với
nghu. Ở Cha và con và... các nhân vật có vẻ lúng túng, không rõ làm gì.
Tôi đã tưởng ông ta sẽ hỏng. Nhưng đến cuốn này, lại thấy ông ta tìm được triết lý cho mình:
Dẫu sao vẫn cứ phải sống, và sự sống vẫn là vui, ngày hôm nay càng vui. Xem
mình và mọi người ra sao, thế không hay à, không đáng sống à?
(Còn khá hơn những truyện ngắn
khác, Ví dụ: Viết tiếp về một người bạn (Văn nghệ quân đội 8/1982) chỉ
nói loanh quanh về những khó khăn của con người trong làm việc hiện nay...Ngoài
ta, tôi còn thấy ở Gặp gỡ cuối năm, Khải có vẻ tự hào khi nhắc những
chuyện ăn uống . Giữa thời đói kém này, việc đó giống như một sự khoe
khoang, thật là kinh khủng, mà cũng lại là rất hợp với Khải!)
Bằng Việt: Gặp gỡ cuối năm đến
đoạn cuối hơi dở.
Nhàn: Xưa nay, quyển nào của Nguyễn
Khải mà kết chẳng vứt đi. Chẳng hạn, Cha
và con và... thì đoạn cuối cũng hỏng.
Nguyễn Khải: Ông Tố Lành là ghê
lắm. Tôi là người thế này mà lắm lúc cũng dại, nịnh thối không xong. Hôm Đảng
đoàn lên gặp ông Tố Hữu, tôi mới cho một câu
- Chúng tôi thường bảo nhau giá
người cầm quyền mấy chục năm như anh Tố Lành anh ấy quan liêu thì đã đành, đằng
này Đảng Đoàn chúng mình, mới có độ nửa năm nay mà đã quan liêu, như thế không
được.
Nói xong, thấy tay Chế Lan Viên hù
mình, hơi sợ. Hoá ra ông Tố Lành ông ấy nghiêm mặt lại, như thế là ông ấy không
bằng lòng. Người phản ứng nhạy bén lắm.
Nguyễn Đăng Mạnh: Hôm mình ngồi nói
chuyện với Lê Trí Viễn bỗng ông Tố Hữu
xuất hiện trên ti vi. Ông Viễn nhận xét, trông mắt Tố Hữu dạo này ác
lắm.
Họp bàn về Sống với thời gian
hai chiều. Chính Nguyễn Kiên nói: ông Nam
(17/7) lý tưởng hoá quá khứ quá. Loại người như là Ngàn (?) ở đây có vẻ
tốt quá mà chắc gì đã vậy. Nên miêu tả cho người ta thấy quá khứ sao để họ sốt
ruột với quá khứ đó luôn thể. Bùi Bình Thi, Ngô Thảo: Nông thôn ở đây cũ kỹ, cổ
lỗ, tẻ nhạt. Nhưng người cán bộ cũng chưa bao giờ ở vào cái thế vô duyên như
lần này. Tôi cũng bảo: cái loại nhân vật như ông An ở đây, rồi làm gì cũng thất
bại.
Có quyết định văn nghệ Hà Nội ra
thành bán nguyệt san, nghe ông Nam bảo, quyết nghị lại viết Tô Hoài làm chủ
nhiệm, Vũ Cao làm Tổng biên tập - Như thế thì sao mà làm được.
- Xuân Trường đang làm gì?
- Thì ông cũng đang lo bài binh bố trận (có tin Đình Quang, rồi Trần Bảng
sẽ làm phó ban - nhưng cũng chưa có gì rõ)
Đợt học tập chính trị này của Bộ Văn hoá do Văn Phác phụ trách.
Ở báo Văn nghệ, Nguyễn Văn Bổng bị đánh lui bao nhiêu lần, nhưng rồi
lại trở lại. Nghe nói lão rất hách, mắng cấp dưới sa sả. Bọn ở dưới nịnh lão ra
mặt. Tổ văn ở đấy, những Hoài An, Ngọc Tú... Hoài Dương - bạt đi hết, loại như
Bế Kiến Quốc đang được dùng.
Ngô Vĩnh Viễn ở Tổ văn học nước
ngoài bảo lão Bổng luôn luôn tỏ ra là trí thức, cứ nhâng nhâng nháo nháo, chả cái
gì ra cái gì. Phạm Hổ thì hứa hẹn với
tất cả mọi người, rồi bỏ.
Ở Nxb Văn học, Lý Hải Châu lên, làm lại rất nhiều việc. Như vậy là phủ nhận
Như Phong. Đợt học chính trị này, Như Phong đã về hưu, cũng xin về họp, nhưng
không họp ở Nxb Văn học mà là ở Hội nhà văn. Mất đất hôm qua rồi.
Trong khoảng 15 năm qua, cái ông Như Phong này cũng là một thế lực đáng sợ.
Lão được những Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên đưa lên, sau quay lại trị bọn này,
rất ghê. Lão rất tàn ác, đánh ai là đánh
đến cùng, lại mang cả lý lịch người ta ra để đả. Có lần Nxb văn học đấu đá ghê
quá, trên phải cử phái viên của ông Trường Chính đến. Nhưng ông Lăng này lại
bênh Như Phong, kết quả là Như Phong vẫn đứng vững, cho đến lúc về hưu ( một
chi tiết cho thấy vai trò Trường Chinh trong đời sống văn nghệ!)
Nghe Xuân Quỳnh kể, Nguyễn Khải bảo hồi trước chính Nguyên Ngọc phản ông ta
trước, cho ông những quả rất độc, khiến cho ông ta bắt buộc phải đánh trả.
Đúng là Nguyên Ngọc không phải một nhân vật sáng giá gì. Nhưng ông Thi cũng
có ra sao. Quan chức dở, nghệ sĩ dở, cái gì cũng biết, mà chả cái gì sâu sắc.
Khoảng 4-5 năm nay, sáng tác cũng chẳng phải thành đạt gì? Chế Lan Viên thì tay
tổ cơ hội, giáng những đòn lệch cán cân, khi các bên đánh nhau.
Loại Nguyễn Khải, còn thích nói chuyện với lớp trẻ, chính đó là chỗ mạnh
của lão. Nhiều nhân vật của giới trẻ hiện lên ma quái: Phạm Tiến Duật
như không có xương, cứ rữa ra. Nguyễn Duy đã thành người xoay sở kiếm ăn, chỉ
thỉnh thoảng mới viết vài bài thơ chính trị. Loại như Như Trang, ai đọc bây
giờ. Nguyễn Đức Mậu, rất nhiều tham vọng vượt quá sức mình.
Ngày 5/8 Xuân Trường nói chuyện với các hội
về tình hình văn hoá văn nghệ. Về thời gian vừa qua, công nhận có dao
động (ở một bộ phận lãnh đạo văn nghệ), như xưa nay vẫn có.
Chỉ có điều sau những năm 56-58 khi trung ương có hướng giải quyết, thì
tình hình nhanh chóng ổn định. Lần này, mặc dù đã có ý kiến của bộ phận lãnh
đạo cao nhất của Đảng, tình hình không ổn định vẫn kéo dài. Không còn giữ được
nhiệt tình sáng tạo như cũ nữa.
Ở sân khấu và âm nhạc, có hiện tượng chạy theo thương mại
(Ở phần dao động, nói rõ: Một số đồng chí làm công tác phê bình nghiên cứu
có xu hướng nóng vội, muốn mang cách giải quyết vấn đề ở các nước bạn áp đặt
vào ta, trong khi bạn đã đến bình độ của CNXH phát triển, thì với ta nhiều vấn
đề còn quá mới mẻ; một số tổ chức đi vào những hướng mơ hồ trừu tượng kiểu cao
đạo.)
Về lý luận, Xuân Trường tỏ ra thích
dựa vào quan điểm lý luận mới. Trong một bài viết, thấy có nói tới tính đa nghĩa
trong văn học, tuy thực ra, không hiểu, chỉ đưa ra cho sang. Đi vào cụ thể ,
ông Trường bảo Những người thích đùa là tác phẩm tốt, tác giả tốt không
nên quy hết cả nhũng cái xấu miêu tả trong đó vào ta.
Nguyễn Kiên thì thấy bài Xuân Trường
chính ra rất nặng
- Cho là dao động trong văn nghệ - cả một bộ phận lãnh đạo văn nghệ là
những người chèo lái - mà phạm sai lầm có tính nguyên tắc.
- Nói rõ có thể học ở nước ngoài, nhưng không áp dụng tuỳ tiện. Vì họ là
CNXH phát triển mà ta thì không.
Bộ Văn hoá mở cuộc điều tra về nhuận bút, ông Nguyễn Thành Long khai: 3 năm
1979-1981 lĩnh được 3600 nhuận bút, hơn 5000 lương, trong khi đó chi không biết
bao nhiêu, chỉ đủ 1/3 yêu cầu sống.
Đợt học chính trị 2/8-7/8/1982
Một số ý anh em phát biểu chắc là cấp trên không muốn nghe.
Có người coi thất bại rõ hơn thắng
lợi. Thắng lợi do yêu nước nhưng lãnh đạo bị động. Chiến tranh chống bành
trướng có tất nhiên không hay có thể
tránh được.
Nhiệm vụ khuyết điểm: Đảng chưa chú ý dân, sử dụng kiệt sức - tha hoá đồng
lương dẫn đến tội ác.
Thiếu khoa học. Chắp vá. Tổ chức yếu kém. Các ban chuyên môn bất tài, làm
tê liệt cả bộ máy. Sai lầm kinh tế phải phân tích từ đường lối. Trong văn hoá,
sai lầm cũng phải xem từ đường lối.
Đường lối chung về kinh tế là một thứ mơ hồ không tưởng. Đọc chính sách chỉ
thấy sản xuất, không thấy đời sống. Cải thiện đời sống đặt ra mục tiêu thấp quá mà
anh em vẫn chưa tin có thể thực hiện. Nhân
dân uể oải, sức khoẻ giảm sút.
Đa số cho khoán là cần thiết, khoán
tiếp là phổ biến. Có người nói khoán trắng cũng được. Cốt cho có sản
phẩm. Sau hãy nói quan hệ XHCN
Hợp tác hoá là sai, đời sống dân
khổ. Ta nói là ta hợp tác với Liên Xô nhưng mới là quân sự. Về kinh tế chưa
thực. Ta nói độc lập tự chủ mà chông chênh. Ta đối xử với các nước anh em có gì
mà sao họ cắt viện trợ sớm thế. Tại sao không hợp tác với tư bản. Ta có cứng
cỏi quá đến cô lập (Mỹ, Trung quốc, Sihanúc). Đẩy mạnh khoa học kỹ thuật nhưng
không sử dụng tốt cán bộ. Đảng coi trọng tiết kiệm nhưng cán bộ trên xa hoa.
Về văn hoá xã hôi, theo anh em, Nghị
quyết đánh giá thoả đáng. Khuyết điểm: đời sống văn hoá suy đồi nghiêm trọng,
đảo điên. Các giá trị bị đảo lộn. Lao động bị coi thường. Con người bị tha hoá.
Đảng viên một loạt nói như sách mà làm
bậy. Cái này đáng lo hơn cả kinh tế khó khăn.
Trong suy sụp, lo nhất là thanh niên
hư hỏng, không giáo dục kỹ thì hỏng. Giáo dục thiếu nhi: Ta giáo dục quá
thực dụng. Sách vở ta chỉ dạy căm thù, dạy nói dối. Nạn mê tín dị đoan lan
tràn. Xấu và bất tài thắng. Buông lỏng đấu tranh giữa hai con đường. Để khuynh
hướng thương mại xâm nhập nghệ thuật. Miền Bắc giờ tiêu thụ nhạc vàng không kém
miền Nam. Miền Nam không chỉ tàn dư, mà đang
có cả nền văn hoá mới.
Về lãnh đạo văn nghệ
Vị trí xã hội của văn nghệ sĩ vẫn
bị xem thấp. Văn nghệ sĩ vào trung ương không có. Về địa phương xem thường.
Đảng chưa tin. Khi có lệch lạc, đối xử nặng, như với địch. Không ai phê phán.
Chưa chú ý tầm nhìn, chế độ chính sách
chưa tốt. Nhuận bút quá thấp. Nhà nước chưa đầu tư thoả đáng cho văn hoá. Ta
cần xem xét để tiếp thu nước ngoài cho thoả đáng. Tiếp thu nước ngoài hiện nay quá
thô thiển.
Về xây dựng tổ chức Đảng: Nội bộ
Đảng mất đoàn kết khắp nơi. Cả bộ chính trị. Phải giải quyết. Tình đồng chí suy
giảm. Kết luận Đảng không nghiêm, nhất là với cán bộ cao cấp.
Về xây dựng Đảng: Tổ chức cồng kềnh, chậm sửa - Chồng
chéo giữa nhà nước và Đảng
Phải củng cố các ban tham mưu. Đảng
bộ văn nghệ không nên trực thuộc quận. Bí thư đảng uỷ cơ quan chuyên môn là cán
bộ chính trị, nên hay mâu thuẫn. Yêu cầu trên đừng áp đặt.
Tính chiến đấu ở đảng viên suy sụp.
Tha hoá từ Trung ương. Ta chịu ảnh hưởng chủ nghĩa Mao. Cần nghiên cứu không để
quá.
- Hiện nay người tốt = hâm= bôn sệt
. Làm sao phục hồi giá trị con người. Chủ nghĩa thực dụng là phổ biến. Khó khăn
lớn, nhưng bất công và bất hợp lý làm buồn nản.
Buổi 2 : kiểm điểm ở Tổ Hội Nhà văn
Tế Hanh: Cánh tả hay quy kết; gốc ở chỗ coi thường trí
thức quy kết nó dễ dàng. Vũ Đức Phúc bảo Nguyễn Tuân không thể yêu nước. Tư
tưởng nông dân, không hiểu bíết... là bà con với Mao.
Đào Xuân Quý: Đạo lý sa sút, quan
hệ người người bằng tiền.
Kim Lân: Bây giờ không vui, không
tin như kháng chiến, không phải vì túng thiếu, ở Yên Giã ăn cơm chia xuất,
khoai sọ, ăn dọc, vẫn vui tin. Ta nay không ở trong cuộc. Cái mình thật trong
cuộc là ít.
Năm 45 chết đói, thằng đói mà nhét
mồm cám xong là phải chạy. Ngày nay, người bị ăn cắp sợ kẻ cắp ghê gớm.
Đạo lý thả lỏng đâm ra bừa bãi.
Thanh niên hư, vì người lớn. Đường thanh lịch đâu không biết nhưng gia đình
không dạy con. Đạo lý đảo điên là đó. Anh xích lô nhà có Akai, học tiếng Anh,
tủ máy, két bia. Nhà văn đi vay. Con mình nó hỏi mình: bố hơn cái gì?
NgThành Long: Có con người mới
thật, nhưng không có chế độ nào người ăn bám nhiều như CNXH. Bệnh viện Thuỵ
Điển 57% không có nghề 43% có nghề. Người sáng tác có bao nhiêu mà lắm lý luận
phê bình thế.
Nguyên Ngọc: Đời sống hôm nay không
an toàn về mặt văn hoá. Thành tựu kinh tế, chính trị, đã có
công văn hoá. Những gì gốc gác vẫn phát triển. Từng gia đình, cơ quan người tốt
đông. Trong văn học đội ngũ thật tốt. Cái đáng nói: nhiều giá trị bị đảo lộn -
cái đó ta phải lo. Người lao động không được trả giá đúng, không tin vào tiêu
chuẩn lao động nữa. Nhà trường tan rã . Mối quan hệ cha mẹ, bè bạn không dạy. Đấy là mối lo chung. Bài anh Xuân Trường cũng chỉ chung chung.
Giang Nam: Hiện nay có cuộc đấu
tranh dữ dội ở gia đình và xã hội. Phải bảo vệ những tiêu chuẩn chính đáng. Yếu
tố kinh tế cũng rắc rối lắm. Do yếu tố kinh tế, người ta nhượng bộ rồi mình lại
tự phán mình. Chỗ dựa chỉ còn là sách vở, lý tưởng - nhưng nếu mình sống như
trước, mình sẽ đưa gia đình vợ con vào chỗ khổ. Chỉ đạo chưa kết hợp cả kinh tế
văn hoá. Không thể đạo lý chung chung. Phải chống ăn bám. Trong thâm tâm, người
xấu cũng muốn con cái mình tốt, không muốn đi vào con đường như mình.
Kim Lân: Văn hoá đi đôi với kiến
thức, với học vấn. Nghề làm báo, chính ta không hiểu, không có thông tin. Nghề
xuất bản, nghề văn cũng vậy. Mình là XHCN đã không hiểu, các chủ nghĩa khác
không có, không tiếp xúc với các cái khác của thế giới. Có hiểu cái xấu mới
loại trừ được nó. Muốn đẩy văn minh lên, phải có kiến thức . Tiếp xúc với miền
Nam, thấy nó đọc hơn. Mình chỉ tiếp xúc = hội nghị,
NgThành Long: Bài của Xuân Trường
nói Chủ nghĩa hiện thực XHCN như là áp đặt, đáng lẽ phải nói từ nhà văn. Hiện
thực XHCN từ Goorki đến nay đã đổi luôn luôn nó nảy sinh và nó phong phú vì
hiện thực xã hội cho nó thế.
Nên yên tâm với các nhà văn. Cái
sai thường ở phê bình. Viết văn khó nhưng phải làm cho được. Đảng phải đi sát
con người. Đi sát để giúp đỡ, chứ không nói chung chung. Phong trào đông (4-5
trăm) số được mở rộng tầm mắt được bao nhiêu? Phải cho họ được đi xem được nhìn
thấy. Phải chia nhau mà giúp:mọt nền văn học chỉ cần 15 người giỏi. Ở đây có
vấn đề học, giải quyết kinh tế, giải quyết đi lại. Lương thấp nhuận bút kém.
Thạch Quỳ: Người có tài đều “bị
thương”. Anh em tâm huyết, bối rối, tốt như ông Khải cũng phải lười. Làm sao để
anh em tự tin, tốt hơn.
Duật: Số đông tìm cách yên thân,
con người chỉ sống chung chung, cốt lo an toàn. Sợ sệt từ người viết đến người
biên tập. Giải phóng nhà văn. Giải tán hội địa phương. Lớp trẻ muốn có nơi sinh
hoạt trao đổi.
Nguyễn Duy: Thực tế xã hội của ta
mất tính văn hoá không phải ngẫu nhiên. Đó là hậu quả lịch sử. Đảng tự phê bình
- lãnh đạo kinh tế... nhưng chưa hề nói tới đường lối tư tưởng. Nhận định có
sai không hay chỉ có đúng? Sự lãnh đạo không chú ý văn hoá coi thường văn hoá,
tách văn hoá khỏi kinh tế. Khi con người hư hỏng thì làm gì cũng hỏng. Thanh
niên hỏng, vì chỉ giáo dục làm hành động phi thường không giáo dục làm người;
cái đáng sợ: chỉ nghĩ đạo đức giả. Có một loại cấp trên bảo sao, cứ thế làm. Đảng
ủng hộ ai, ai người lao động, ai lưu manh. Nói thực mà sai, vẫn là có công; nói
dối có tội. Giưã bôi đen bôi hồng, bôi
hồng có tội hơn, vì làm người ta yên.
Một đoạn trong nhật ký Nguyên Hồng,
1948. Nhân nói tới một truyện của ông ta không được đăng, cả Nguyễn Đình Thi,
Nguyễn Tuân, Xuân Diệu không thích (người thông báo là Nguyễn Huy Tưởng)
Hời hợt như Diệu, già cũ và khôn
ngoan như Tuân, ào ạt như Thi thì làm sao mà thích được.
25/8
Nguyễn Minh Châu có cuốn tiểu
thuyết mới Những người từ trong rừng ra. Nguyễn Quân mở một trang gần
cuối đọc lên, rồi bình luận:
- Có khác gì báo Quân đội nhân
dân không.
Tôi bảo Quân rủ ông Châu cùng đi uống
rượu nhưng Quân lắc đầu. “Nói chuyện với cái ông này chán lắm”. Tôi cũng cảm
tưởng văn Nguyễn Minh Châu kỳ này có vẻ xuống, không được như văn ông ta khi
viết Dấu chân người lính.
24/9
Nhàn: Tôi ngờ Xuân Trường không tích thú gì chức trưởng ban
lý luận của Hội. Từ Sơn: Nhầm. Tôi xin nói là người rất thích. Làm công việc
điều khiển được cả dư luận, có cái khoái chứ.
Về Gặp gỡ
cuối năm của Khải :
Ông Trình (cụt): Thấy sắc sảo, hay, nhưng
không trúng những vấn đề cán bộ mình đang đặt ra. Con người chúng ta đang có
bao nhiêu điều phải suy nghĩ. Ở đây, Nguyễn Khải có vẻ cười diễu mọi chuyện:
một bà Hoàng lúc nào cũng doạ sẽ làm một việc gì đó mà rồi chả làm được việc
gì.
Nguyễn Minh Châu: Truyện cứ nát
bươm ra. Mà nhân vật chính - Việt - thì hỏng quá còn gì.Giá chỉ có mấy tay Sài
Gòn cũ không sao. Đằng này lại thêm mấy ông cán bộ nhà mình len vào, nói chuyện
thiền, chắp vá vớ vẩn.
Tôi cũng nhân đó hùa vào: Về căn
bản, đó là một cuốn tiểu thuyết
thoả hiệp. Nhưng có phải chính vì cái tư tưởng thoả hiệp này của cuốn sách mà
những ông như Xuân Trường chấp nhận được nó. Ông Trường đang có xu thế bảo vệ
nền văn nghệ mà ông từng đánh phá không thương tiếc. Vì bây giờ ông là chủ.
Trước đại hội Đảng mấy hôm, tự
nhiên có quyết định Hiến rời khỏi trường viết văn. Trước đó, trong một buổi họp
ở tuyên giáo hình như Hiến có nói phạm : các thần tượng cũ đã đổ rồi, cả Đảng
ta, cả Hồ chủ tịch....
Sự thực ở đâu? - Ông Hiến nghe
chừng dạo này có vẻ thối chí, không tin vào lý luận, không tin vào hệ thống nào
hết. Ông ta đã làm được việc gì , mười mấy năm qua? Và, từ nay, còn làm được gì,
trong sự buồn nản cùng cực thế này.
Dao động, từ bỏ giáo điều của mình
là cần. Nhưng liệu sẽ xây dựng được cái gì của mình.
Đọc những bài viết về Yu. Trifonov thấy
kinh sợ về một cái gì mình đã linh cảm thấy ở Liên xô: sự xem xét lại mọi
chuyện.
Những câu đại loại: “Ban đầu, ra đi
để học ở nhân dân, nhưng sau đó, lại nhận được những điều do lịch sử dạy”,
những câu như thế đánh dấu một nhận thức khác lắm người ta đã muốn đối diện với
ngày hôm nay, chứ không chỉ nhắm mắt ca tụng một chiều.
Hình ảnh cuộc đời thường, hình ảnh
cái nhà, những ngổn ngang, dang dở, cái chết, thảy đều có thể hiểu được, gần
gũi được. Như thế nghĩa là là hoá được chung quanh, nhìn ra được cái khó nhìn
thấy nhất: ngày hôm nay. Trong Trifonov có chất gì đó, của cả Tchekhov lẫn Đốt
Có thể còn phải đọc trực tiếp Trifonov
nhiều. Nhưng ngay trong những gì ông ta trả lời mọi người, viết về người khác
(Heminway), và những điều người khác viết về ông ta, đã thấy ông ta rất gần
gũi.
Nhân đây, càng thấy rõ một nỗi buồn
sẽ ngấm ngầm chung sống với mình: nỗi buồn thấy sự bất lực của những người cùng
cảnh ngộ.
Ngay cả trong lĩnh vực phê bình,
thấy ông này cũng rất gần gũi: cái tên bài viết “sự tự lừa dối của Raskolnikov”
đã là một phát hiện. Và có thể so sánh 2 đóng góp đồng thời: một là sáng tác –
cuốn của Trifonov hai là cuốn sách viết về Đốt của nhà nghiên cứu Kariakin. Việc
họ cũng có thể viết được một cuốn sách, đánh dấu sự trưởng thành của ý thức xã
hội . Nhiều lần, muốn kêu lên Các ông xem, tôi mò ra người Nga một cách rất
chính xác....Và một câu của Dnheprov về Brech - ông không hy vọng đúng tất cả,
nhưng hy vọng đúng trong những cái chủ yếu. ... Sao cái gì cũng gần gũi với tôi
như vậy.
Huy Phương: Anh có biết vấn đề gì là vấn đề chủ yếu của con người ta hiện
nay ở cả miền Nam lẫn miền Bắc không?
Nguyễn Khải: Vấn đề gì vậy?
Huy Phương: Là sự định vị không rõ ràng. Không ai biết bấu víu vào đâu cả.
Không rõ rồi mình sẽ ra sao, mình phải trở thành cái gì. Và ngày mai đây, việc
gì sẽ xảy với mình. Cái phần sở trường của mỗi người không được phát huy. Nghề
nghiệp không rõ ràng, tương lai không sao nắm bắt nổi.
Nguyễn Khải: Hay quá. Giá ông nói trước với tôi tôi cho vào quyển sách ấy,
có phải hay không.
Huy Phương (có vẻ ngẩn ra một lúc)
Nguyễn Khải: Nhưng ông yên chí, những cái này đã ăn vào đầu óc tôi rồi,
không sao có thể tuột khỏi nữa.
Ngô Thảo viết một bài mang tên : Về tính dân tộc hiện đại trong văn nghệ
trên báo Quân đội nhân dân 2/10 lý luận rất cù nhầy, và có những câu cho rằng
ngày xưa Hy Lạp đã phát triển rực rõ vậy, nay không có vai trò gì trong thế
giới hiện đại, là bởi giới lãnh đạo nước đó không có đường lối đúng đắn!
Huy Phương: ông Nguyễn Thành Long là loại người bận gì lúc nào cũng sợ, lúc
nào cũng vân vi, lo cho mọi người, lo cho cả giới, cáu giận bất thường, có bữa
(trong trại Vũng Tàu) không ăn uống gì được nữa, thừ đi mất ít ngày.
Lời Nguyễn Quân: Hôm nọ, tôi với thằng BBThi đi đường bắt gặp ông Tuân ngồi
trên cái xe La da của Hội. Nguyên Ngọc ngồi đó sướng một, thì ông Tuân ngồi đó
sướng mười. Ra vẻ khoan khoái lắm.
... Tôi tự hào là chưa có người nào ở Hà Nội này nói chuyện với Tây mà
thoải mái như tôi. Ông Tuân, ông Thi, cả ông Bằng Việt nữa, phải nghĩ hàng ngày
để dặn ra vài câu, trong khi tôi với chúng nó trò chuyện thoải mái.
Không nên ghét bỏ ai, giận dỗi ai, câu nói ấy tôi ghi tâm khắc cốt trong
ruột. Nhưng sự phản bội thì có thật.
- Họp thơ ở Tác phẩm mới, ông Xuân Diệu đỏ mặt tía tai chửi bọn bất tài,
nịnh bợ và tuyên bố chúng tôi có ngu, chúng tôi mới tin là có lắm nhà thơ như
vậy. Nhưng chợt nghĩ lúc ông ta nịnh Tố Hữu thì lại không thương được.
Vũ Quần Phương kể: có lần Xuân Diệu đã bị Xuân Trường mắng: không có cách
mạng, ai để cho các anh tồn tại lâu vậy? Anh xem, quần chúng bây giờ người ta
có đọc thơ anh không? Thế là lại câm hết
cả một lượt, bản thân ông Xuân Diệu phải xin lỗi ông Xuân Trường mới hết sợ.
Tôi bảo ông này rời khỏi nhóm Tự lực rất nhanh Vũ Quần Phương bảo những lúc
nói chuyện thân mật, ông ấy lại chỉ thấy chỉ có nhóm ấy là giỏi.
Bùi Bình Thi kể đại khái đã có những
lần bỗ bã với Xuân Diệu như sau. Lúc ây ông ta định dạy dỗ Bùi Bình Thi cái gì
đấy. Thế là Thi cho luôn một chùy:
- Anh là thủ trưởng, tôi là nhân viên, anh có duyệt bài hay không, cứ làm
đi. Còn như cần dạy bảo tôi, đã có những người khác, không đến cái thứ anh.
Hoặc một lần, ông ta đang ký tặng một ít sách, thì Thi có việc đến gặp. Ông
Xuân Diệu tưởng hắn vòi xin thơ nên kêu ầm lên rằng không, đây là sách để tặng
một số anh em khác. Thế là Thi đốp luôn:
- Xin lỗi anh, đó là thứ thơ cũng chẳng bao giờ tôi đọc cả. Anh đừng tưởng
tôi định xin. Xin để, làm gì bây giờ ạ, tác giả của những vần thơ này có biết
yêu là gì đâu mà làm thơ yêu đương?
Xuân Diệu lặng người đi, cũng lại một thứ mềm nắn rắn buông rất hèn.
Từ Sơn kể, đi chấm thi ở báo Văn nghệ, ăn xong xuất mình, Xuân Diệu hỏi
chú ăn thêm xuất nữa được không? Được chứ. Thế là thêm xuất nữa. Chấm thi xong,
thôi từ nay hết ăn uống ở báo Văn nghệ, ông bảo vậy. Dù rộng lượng,
người ta cũng không ai yêu được kiểu ấy.
25/10
Hội nhà văn chủ trì cuộc họp các nhà
văn Á Phi tại Sài Gòn. Nguyễn Đình Thi
trở lại làm việc Hội, chủ trì việc này sang trọng, đẹp đẽ, đầy chất nghệ sĩ, cả
tài, cả phong thái bên ngoài hơn hẳn Nguyên Ngọc. Nghĩ cho cùng cái ông này,
vẫn làm chính trị một cách nghệ sĩ chứ không phải nghệ sĩ thật. Bên cạnh đó,
ông ta tuyển mộ được một trợ lý đắc lực là Lại Nguyên Ân. Ân kiểm tra từng dấu
chấm dấu phảy trong các văn kiện. Thày trò trông thật đẹp đôi.
Còn xu thế hội nghị quốc tế ra sao? Nghĩa là nịnh Liên xô một cách rất hèn hạ, đúng là bọn
làm đĩ lấy đồng rúp, chả cái gì ra cái gì. Mỗi đại biểu quốc tế được phát mỗi
200 đ VN tiêu vặt mua được cái gì ở cái xứ sở này.
Chỉ có một nhân vật được mọi người chú ý: Nêxin. Đến cả ông Nguyễn Tuân
cũng xúm đến xin chữ ký, và hãnh diện được làm quen với Nêxin. Trong khi đó thì
cảnh tiệc tùng chơi bời luôn luôn là cảnh mà xưa nay, vẫn bị Nêxin chế giễu.
Thoạt đầu, Nguyễn Minh Châu bảo tôi “Nêxin ra gì đâu!” Nhưng sau khi đi dự
Hội nghị về, Nguyễn Minh Châu chỉ toàn khen Nêxin khá lắm. Ông Châu chỉ thắc
mắc không hiểu Nêxin tham gia vào chuyện Hội nghị Á Phi rơm rác này để làm gì?
Một số người chúng tôi cũng bàn nhau thực ra, loại như ông Nêxin này đâu có ghê
gớm. Có bao nhiêu người đã viết như ông ta trong chế độ tư bản, và chính việc
đó có được coi ra gì? Bây giờ, một số người loại đó, sang làm ăn bên chế độ
XHCN mình là tốt nhất. Tất nhiên đó cũng là một nhà văn trung bình, nhưng bảo
là lớn sao được?
4/11
Nguyễn Trọng Oánh kể:
- Nguyên Ngọc bây giờ bơ vơ lắm. Biết là trên không dùng mình, nhưng không
dám bỏ đi sáng tác. Ông ta bảo mình là cán bộ, đảng viên mình không thể bỏ trận
địa, không thể xin từ chức. Nhưng đằng sau ý nghĩ thật đó là một ám ảnh - sợ
lắm. Quay ra viết, chắc đâu đã được quyển gì. Chi bằng cứ cắn răng làm công
việc hôm nay, thỉnh thoảng còn đi Tây một chuyến lấy mấy đồng.
Sự đổ đốn của cả một lớp người, cũng nhanh quá đi... Chỉ có Nguyễn Khải, là
vượt thoát chăng. Có một lần, tôi đã bảo Nguyễn Trọng Oánh nên tập trung vào mà
viết, nếu viết được, thì mọi đau khổ trong cuộc đời này đều là được rũ sạch.
Gần đây, tuy vẫn nghĩ như tuyên huấn, nhưng Nguyễn Trọng Oánh cũng nghĩ ra được
vài điều. Đại khái cho rằng truyện hay là truyện đọc được, có tính cách nhân
vật, có cá nhân, như người ta vẫn nói. Nhưng đằng sau cá nhân, phải thấy cả xã
hội. Con người xấu đi, vì xã hội đang làm hỏng nó. Vậy cái phải lên án, là cả
xã hội.
Tôi muốn kêu lên: Anh đang làm lại anh đấy. Anh hãy mang những cái đó vào
tác phẩm,
8/11
Hội nhà văn liên hoan mừng thành công hội nghị Á Phi (Tôi biết chuyện đó,
vì thấy Nguyễn Phan Hách bảo là đêm qua, ông Tuân say rượu, nói lảm nhảm đủ
thứ, tuy là vẫn rất tỉnh táo: (“Mình say thế này mình nói, ai bắt tội mình
được”). Nhưng họ lại không mời Ân và Bằng Việt. Bằng Việt nói kích Ân, một thứ
kích rất trẻ con.
- Tôi là phiên dịch, chẳng mời làm gì đã đành, ông Ân thời gian qua như một
thư ký của ông Thi, tả xung hữu đột, mà chả được gì, tôi thấy cũng dở hơi thật
đấy.
Ân đã sớm trở thành nhà chính trị:
- Ngày hôm sau khi đại hội khai mạc, mở tờ báo Nhân Dân ra, tôi đã
biết là không ra gì rồi. Chỉ thấy ảnh bà Đỗ Duy Liên ra đón khách, với ảnh ông
Nguyễn Văn Hiểu, bộ trưởng văn hóa không có ảnh Nguyễn Đình Thi.
Đi họp về, Bằng Việt kể: Nguyễn Đình Thi cứ múa may như đồng thuộc để lên
mặt thôi. Nguyên Ngọc, Giang Nam vô duyên, toàn chạy vặt. Bùi Hiển lợi dụng cơ
hội này để đi chơi, thăm con cái.
Chuyện Anh Thơ:
- Bà ta chỉ chờ có hội nghị để ăn mặc quần áo đẹp đến chơi, sau không thấy
xe đến đón, phải thuê 15 đ. xích lô tới. Tan không thấy ai bảo ở lại ăn cơm,
lại đi 15 đ. xe về, thật khổ. Còn bọn Thu Bồn, không cho nó ăn, nó chửi om cả
lên.
Nhưng cũng nhanh chóng, Bằng Việt trở thành nhà kinh tế
- Ông có biết tại sao hôm ấy đi Hậu Giang không? Tại vì Tỉnh uỷ ở đấy họ
hứa cho 50 ngàn. Và các ông lại được một bữa ăn trưa, không phải chi cho mọi
người (Việt Nam đã khoảng 30đ 1 bữa. Tây lại còn lớn hơn 150-200 đ) Tiền ấy để
vào đâu thì bố ai biết.
Nhân đó, Bằng Việt kể về Nguyễn Khải. Nguyên hôm sang Liên xô, gặp dịch giả
Inna Khải bảo rằng đã gửi tặng bà ấy cuốn
Gặp gỡ cuối năm, Inna mới ngớ ra: Thế à? Đâu có!
Bằng Việt nói với Khải:
- Tôi cũng không rõ tại sao. Hay là trên có chỉ thị rút cuốn sách đó ra
không biết. Chứ bọn này vẫn ca ngợi anh. Phan Hồng Giang cũng hay nói Nguyễn
Khải không chỉ là cỡ quốc gia mà còn cỡ quốc tế.
Nguyễn Khải nói trong nước mắt
- Tôi biết lâu nay nó vẫn dìm tôi. (Nó là ai thì không rõ - Bằng
Việt) ông xem một người như tôi, mà chưa được in một cuốn sách nào ở nước
ngoài.
Cách đây hơn một tháng, Khải được gọi đi Bulgari với Nguyễn Đình Thi, thấy
cáo vợ ốm không đi. Sau mới biết đó là tại ông ta phẫn, chán. Chứ không phải
tại vợ ốm gì cả.
Nguyễn Khải còn bị dìm thế, thì ai ngóc lên được?
16/11
Ở báo Nhân Dân, bà Lê Minh đang ngán ngẩm: Thép Mới quay về, trực tiếp
phụ trách Ban văn nghệ. Thép Mới là một người làm báo có chủ kiến, lại viết
khoẻ. Bà Lê Minh ở đấy, chịu sao nổi, nên đành xin đi.
12, 30 trưa, Lê Minh hẹn Bằng Việt lại chơi. Khi tới, thấy ông Trần Độ cũng
đạp xe tới. Ra lâu nay, người có việc gì đâu. Mang tiếng là uỷ viên trung ương,
nhưng không có chức cụ cụ thể, cả trong Đảng và nhà nước. Nghe nói trên định
sắp xếp về làm Bí thư tỉnh uỷ một tỉnh nào đấy - tỉnh Thái Bình thì phải -
nhưng dưới đó, nó không nhận. Văn nghệ dễ thế mà ông ấy làm không xong, hỏi còn
làm được việc gì? Thế là người chỉ còn một chức vụ hữu danh vô thực: trợ lý của
ông Hoàng Tùng về văn nghệ - nhưng thực tế, vẫn là ngồi
chơi xơi nước thôi.
Than ôi, người đã có một thời oanh liệt ở Nam Bộ, những năm 1948-49, từng
phụ trách báo Vệ quốc quân, nay thất thế và vớ vẩn vậy.
Nhưng nỗi buồn trong cuộc đời này, biết đâu là cùng, còn nhiều nỗi buồn kỳ
cục khác.
Nguyễn Minh Châu nộp bản thảo Người
đàn bà trên chuyến tàu tốc hành. Cái ý thì hay, chúng ta đi trên một con
tàu, chẳng biết chạy về đâu cả. Chúng ta cứ thế mà trở nên thân tàn, ma dại.
Nhưng than ôi, cái ý ấy được lấp vào một câu chuyện gượng gạo, và sự dắt dẫn
lại nhạt nhẽo không thể tưởng.
Nguyễn Kiên: Thôi, kệ ông ta. Một người viết như ông Châu đã có thể tự chịu
trách niệm lấy một phần. Ông ta đã thích, đã coi đây như một thứ kiệt tác của
mình, hãy để cho ông ta in ra xem sao.
Trong một buổi nói chuyện với Xuân Quỳnh, tôi nửa đùa nửa thật:
- Đây bà xem, lúc bà làm thơ hay nhất, chỉ có bạn bè và chính mình biết.
Bây giờ bà làm ít đi, thơ mà không hay bằng, vậy mà cứ to mãi ra.
- Tôi chả bao giờ to cả - Xuân Quỳnh nói chữa.
Nhưng ai nghe thấy Quỳnh nói vậy cũng ái ngại cho ... chính mình. Trừ Nguyễn Khải, mấy
năm nay chả ai viết cái gì nên hồn.
Quỳnh kể: Hồi đi họp ở Sài Gòn tôi với Ngọc Tú ngồi chơi, ông Xuân Trường
ngồi ngay hàng ghế trên mình cũng mặc. Thấy Nguyễn Khải đến, tôi chỉ Xuân
Trường:
- Ngồi một mình, được đấy (nhại lại cái câu của Xuân Trường nói với Nguyễn
Khải. Khi Nguyễn Khải bảo tôi ra họp Đảng đoàn, Xuân Trường trả lời: Họp Đảng
Đoàn à, được”. Thế là Nguyễn Khải quay đi.)
- Tớ đếch chơi với các cậu, Khải bảo. Các cậu chả cần gì. Tớ còn cần leo.
- Leo gì, leo cột mỡ!
21/11
Lê Minh khoái với chuyện chỉnh huấn
trong văn nghệ ở Liên Xô lắm, lấy tài liệu rất kỹ, về kể lại cả cho tôi để viết
cho báo Nhân Dân. Bài không đăng, Lê Minh tức. Thép Mới giải thích:
- Xưa nay, báo mình có ăng- ga- giê vào cái gì bao giờ đâu.
Lê Minh: Tôi sẽ nhớ lấy câu này để sau này đấu với họ.
Báo Văn nghệ ra số đặc biệt về thơ. Ngọc Tú mang ra ngoài phố. Trẻ con chạy theo,
đòi mua. Song nhìn qua, liền trả lại:
- Tưởng là báo CA đăng ảnh tội phạm
nên đòi mua, chứ ảnh các nhà thơ, mua làm gì.
Trước đó, khi báo ra khỏi nhà in, nhân
vên gác cửa đã tròn mắt: Lại sắp đại hội Đảng à? Vì ở ngoài bìa thấy có những
ông Trường Chinh, Lê Đức Thọ, nên người ta tưởng vậy.
Ân định họp một hội nghị bàn về ảnh
hưởng văn học Xô viết với công tác nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Danh sách đưa
lên ông Xuân Trường duyệt. Ông này chỉ lưu ý phải đưa thêm vào những nhân vật
như Như Phong, Hồng Chương, Đông Hoài, Lê Xuân Vũ v.v. “Không nên biệt lập,
không nên biệt lập”- Xuân Trường luôn nói vậy.
24/11
Họp ở Tuyên huấn trung ương, về
công tác phê bình nghiên cứu. Xuân Trường chủ trì. Có Hoàng Tùng dự.
Nhớ ý các ông ấy nói những lần
trước. Ở chỉnh huấn đầu tháng 8/82, Hoàng
Tùng đã từng nói tuột ra mọi việc. Nào là tình hình bây giờ rắc rối, đến chính
ông Lê Đức Thọ cũng bảo “gỡ ra cho hết, còn gì là thân” (Kiều). Tay tổ của chủ
nghĩa cơ hội, lần này HTùng càng trâng tráo: Hồi trước, là bước đi ban đầu,
nay vẫn thế, nhưng chẳng nhẽ vẫn dùng chữ ấy, nên gọi là “chặng đường đầu tiên”.
Nghe ông ta nói nào là mức lương thực ở Pháp, ở Mỹ, mức tiêu thụ điện ở Liên xô
bọn tôi hơi ngạc nhiên. Sau đến đoạn người nói về văn học, nhắc rằng Vũ Ngọc
Phan có cuốn “Thi văn bằng chú” (!) tôi mới tự nhủ chắc những số liệu về kinh
tế nói trên cũng chính xác như vậy.
Đến đoạn nói về đánh giá văn nghệ
sĩ, Hoàng Tùng mới càng hùng hồn. Ông
bảo: chúng tôi có thể đánh giá không chính
xác các anh, nhưng nếu tác phẩm của các anh hay, thì về sau vẫn còn mãi cơ mà.
Điều ông nói ra, đúng đắn, chính xác như một thanh sắt nguội, nhưng ở trong tay
ông ta, nó như một vũ khí, cộp vào đầu mọi người.
Hoàng Tùng vừa có học vừa vô học,
tôi chợt nghĩ.
- Tình hình như là cuộc khủng
hoảng. Cả các nhà văn đã từng viết tốt hồi trước, cũng thấy run tay.
- Vấn đề đặt ra: ai là người anh
hùng của hoàn cảnh hôm nay?
- Trong đội ngũ chúng ta, nhận thức
về hiện thực luôn luôn khác nhau. Cái xấu đang che lấp cái tốt, cái không cách
mạng đang che lấp cách mạng.
- Lịch sử đẫm máu là tất yếu
Ông Xuân Trường, trong một buổi nói
với giới phê bình (sinh hoạt ban Lý luận phê bình) kể chuyện thành phố Hồ Chí
Minh, rồi kết luận:
- Đấy, người ta là lo việc kinh tế, mà còn sáng tạo như thế, chúng ta làm
nghề sáng tạo, phải tiếp tục.
Ấy đấy, không thể không nói sáng tạo. Nhưng ai sáng tạo thực, thì cẩn thận
đấy.
Về Hoàng Tùng tôi mới được nghe kể
câu chuyện. Có lần ông ta tập họp một số anh em trí thức lại, trong đó có loại như
Phan Đình Diệu.... Sau câu nói nở đầu ‘Thưa các vị tổng đốc...” ông ta xỉ
vả ”Vừa rồi một số người trong các vị
định dạy khôn Trung ương Đảng”
Một người bạn bảo: người xưa đi học,
ông ta dốt lắm, mới bỏ đi làm cách mạng. ... Lại nhớ một nhà báo nước ngoài
bảo: đây là người được cụ Hồ rất quý. Ngày nào cũng làm việc với Cụ!
Xuân Trường: Chúng ta phải thảo luận con người mới là gì, ai thắng ai.
Chúng ta phải nói những vấn đề của ngày hôm nay. Làm cái gì nhè nhẹ, tình yêu,
dễ được khen hơn. Nhưng ở điện ảnh, tôi thấy có đồng chí điện ảnh đang xông
thẳng vào các chuyện cụ thể như sự tiêu cực trong Đảng, nhà văn có đồng chí bộ
trưởng, thứ trưởng. Đấy là cái đáng ủng hộ.
Ông Buzhyliov ( nhà xuất bản “Nhà văn xô viết”) , sang thăm VN về khi
chia tay bảo: Tôi cảm thấy đây lần đầu tiên, tôi ra nước ngoài, ở đây ngày
nào tôi cũng gặp những chuyện ngạc nhiên, thực tế ở đây không giống như ở bất
cứ nơi nào khác.
Nhưng lại bảo đồng chí Fonhiakov đã đến đây lần thứ ba, nhưng tôi cảm tưởng chính
đồng chí đến lần đầu, còn chúng tôi, chúng tôi ở đây lâu hơn nhiều.
Tôi nghĩ đó chính là chất Dostoievski trong người lão
20/12
Chú nhóc đen in ra. Tôi đi
đâu cũng bảo: Một bước tiến của văn xuôi mình. Nhưng Nguyễn Quân lại chê hết
lời. Nửa đời nhìn lại của Trifonov ra
mắt, cũng chẳng gì hơn
Cuốn 10 nhà thơ coi nhiều chỗ chưa
được, nhiều người chê bài dịch Pêri của
Ebuard. Bằng Việt: Tôi sợ ông Quân dịch thơ không được nữa. Vì ông ấy chủ quan,
nghênh ngạo quá.
- Xuân Quỳnh được Hà Nội thưởng cho giải thưởng thơ 3000, mua cái áo lông
thú 2600. Quân: Mình không thể nghĩ là thân thể mình lại giá trị đến vậy.
- Hội văn nghệ Hà Nội cho in ra một tập thơ Hồ Xuân Hương, trong đó
rất nhiều bài tục, cốt để lấy tiền (nếu bảo rằng có một ngụ ý gì hay thì lại
không phải)
Triệu Bôn mới ra Hội văn nghệ Hà Nội đã liên kết với Tô Hà, Như Mạo định
lật Bùi Hạnh Cẩn, nhưng không được.
Ngô Thảo nói vung lên, ở mặt trước ngôi nhà 4 Lý Nam Đế: Nhà này có ba
thằng khốn nạn, ông Dũng Hà dốt dặc cán mai, ông Hồ Phương kiếm ăn, xoay xở, còn
ông Xuân Thiều thì mấy tháng nay chơi xỏ tôi đủ thứ.
Chính Hữu ở Cục Tuyên huấn nộp đơn xin nghỉ sáng tác: lâu nay lão giữ
mình không chơi với ai, nhưng rồi bây giờ, không ai chơi với lão nữa. Thế là
lão chán. Nguyễn Đức Mậu bảo: Ngồi nhà lão ấy, chờ lão pha trà, mình cảm thấy
không phải chỉ trà mốc, mà cả cái ấm cũng mốc.
Ông Thu Bồn mất đứa con đầu lòng mang từ trong rừng khu 5 ra đây, thằng
bé ngoan cường, 8 tuổi đã thường xuyên đi từ Hà Nội xuống Thái Bình thăm mẹ,
thằng bé 15 tuổi mà theo Nguyễn Đức Mậu già như một ông già.
Đăng Bảy dẫn một thằng Tây ra sân bay ngồi tán chuyện, đến lúc máy bay cất cánh mới biết
rằng phải vào làm rất nhiều thứ thủ tục mới lên máy bay được.
27/12
Mấy ngày 24-5 /12, họp Đảng bộ cơ quan, kiểm điểm mấy năm vừa qua. Ông Thi
nói “nền văn nghệ chúng ta không nhem nhuốc” Nguyên Ngọc: “Có một thời gian
chúng ta bối rối, và không nhận rõ sự chuyển biến của tình hình và không đặt
văn nghệ vào tình hình đó” ông nói về tình hình nội bộ, giữa anh em với nhau,
có những mối mâu thuẫn lẽ ra không nên
xảy ra. Về sau, Nguyễn Kiên bảo, chúng tôi thấy thế, buồn cười, thấy nhảm,
nhưng sau đó rất buồn.
Khi tổng kết, Xuân Trường nói vài câu lấy lòng. Không phải tôi bênh anh
Nguyên Ngọc đâu, nhưng tình hình lúc ấy - tức hồi Hội nghị đảng viên - khó thật. Xuân Trường đề ra phương án sửa chữa. Phải trở lại nguyên
tắc Đảng lãnh đạo tập thể, chứ đây không phải việc riêng đồng chí bí thư. Và
mọi sự lãnh đạo, đều phải thông qua chính quyền, tức là Hội, mà cao nhất là
đồng chí tổng thư ký.
Mọi việc rồi sẽ ra sao? Xuân Trường nhận định: các đồng chí trong Đảng Đoàn
đều là người tốt cả bây giờ chỉ cần lấy lại nguyên tắc sinh hoạt của Đảng trong
công việc là được.
Nhân nói về đẩy mạnh sáng tác Nguyễn Phan Hách
nói lấy được: Ta cứ in mạnh những cái viết về đề tài do trên chỉ đạo, giá có yếu một tí,
thì cũng cần thiết. Lê Minh bảo lâu nay đã toàn nêu vấn đề đưa anh em đi
thực tế. Giờ đây, trong những buổi họp như thế này, lại thấy nhắc nhau nhà văn
phải bám chặt hơn nữa vào đời sống đất nước. Kiểu nói như thế cũ rồi. Vũ Tú Nam
bổ sung cần đưa anh em đi, những cũng cần giúp anh em đọc sách, tự suy nghĩ. Có
người thế nọ và người thế kia (thậm chí có người đòi đi, mình cũng không nên
cho đi). Nói về đề tài, Nguyễn Kiên nêu một công thức thoả đáng: Cần có sức chỉ đạo về đề tài nhưng quan trọng
hơn là chỉ đạo về chủ đề Tôi đề nghị: cần đầu tư đề tài gì, tăng nhuận bút cho
đề tài đó. Nhưng chất lượng nghệ thuật thì phải bảo đảm.
Lâu nay, đã nghe nói Đại hội cá nhà văn. Đến những ngày cuối năm này, nghe
đâu mới có quyết định chính thức là họp trong năm 1983.
Trong buổi tiễn Buzhyliov, tự nhiên nghe Nguyên Ngọc nói buột ra: người ta
sắp họp để đánh đổ tôi đấy (Nguyên Ngọc xa lạ với Liên xô tới mức, mở đầu buổi
chiêu đãi, một tay LX hỏi đồng chí có
phải giống như đồng chí Versenko ở chỗ
chúng tôi không? Lại phải giải thích, giải thích rằng Nguyên Ngọc là một nhà
văn, đã viết Đất nước đứng lên)
Kỷ niệm Đặng Thai Mai 80 tuổi. Nhà nước ban tặng Huân chương Hồ Chí
Minh, do ông Tố Hữu gắn .
Nhưng một hội nghị khoa học về Đặng Thai Mai - kiểu như hội nghị về Võ
Quảng- cũng không làm nổi hoặc người ta không định làm.
Hoàng Trung Thông viết bài trên báo Văn
nghệ, nói như người say rượu, nào “Đặng Thai Mai không phải là Đông ki sốt,
không phải A Q...” v.v và v.v. Chỉ có đoạn cuối nhắc tới người vợ của cụ Đặng
là hay.
Ông Mạnh kể: Lý Hải Châu giao cho ông ta làm lại Hợp tuyển văn học 30-45.
Có trường hợp phải phân vân là Hồ Dzếnh. Những người biết chuyện nội bộ, đưa ra
một bằng chứng trong một bài viết nào đó, trước ĐTM đã dẫn chứng Hồ Dzếnh,
nay tự nhiên lại xoá đi. Nên người ta mới phân vân (Lý do Hồ Dzếnh là người gốc
Hoa)
Hình như ĐTM cũng là người lựa chiều gió nhanh lắm.
Hoài Thanh, đến những ngày cuối của đời mình, còn khuyên Như Phong đừng in
tuyển tập Nguyễn Tuân.
Trong bài viết cho tuyển tập Nguyễn
Tuân in ở Liên Xô, Marian Tkasev kể ông Tuân kể cho lão nghe năm 1938, Nguyễn
Tuân đã tham gia biểu tình chống Pháp. Đó là dấu ấn không thể quên trong đời Nguyễn
những năm 39-40. Tôi nghĩ: ông Tuân có
đi mít tinh cũng chỉ là chuyện bốc đồng hay ít ra ông cũng không hiểu về mít
tinh giống mọi người. Khó lòng nói về ông một cách đơn giản là có ý thức cách mạng.
Khi tôi kể với Trúc Thông là không nên chỉ chọn Tô Hoài viết về Nam Cao,
Trúc Thông bảo:
- Ông ta vừa viết, vừa muốn kiếm lãi thêm nữa.
Xuân Diệu vào những ngày tết đi kêu rêu đòi từng quyển lịch. Sau khi đòi in thêm từng bài trong
quyển Thanh Ca, ông ta xoay đi đòi nhuận bút: Khi chưa rõ tính nhuận bút
thế nào thì rủ rê Ngô Văn Phú đủ thứ. Thậm chí còn móc ngoặc, bài của Ngô Văn
Phú trong cuộc thi thơ này là có chất lắm, đáng được giải lắm, mình ủng hộ.
Nhưng sau khi đã biết việc xếp nhuận bút rồi thì chửi bới om xòm không ra sao
cả.
Một người trắng trợn nhất ư? Phải nói là Tô Hoài, vì lão biết thế là bẩn,
mà vẫn ăn. Lão chê Xuân Diệu “viết cái gì ra cũng đòi in thành sách” nhưng tự
lão làm vậy. Nhìn ai, lão cũng nhìn bằng nửa con mắt khinh khỉnh, nói với ai
xong là bỏ quay đi, không đợi cho người ta nói gì thêm nữa. Nhưng ai biết lão đá kiếm được những gì chung quanh cuộc đời một cán bộ cách mạng (quốc hội, giải thưởng- cái đó có
cả)
Tôi nói với mọi người: Chính khi lão
đang học nghề với nhà Tân Dân, Tô Hoài lại nên người hơn bây giờ.
Đọc lại những gì đã ghi 1982, cảm tưởng chính vẫn là một sự hỗn loạn, hỗn
loạn kinh khủng.
Những gì chưa ghi vào đấy cũng vậy.
Lâu nay, có tin ông Chính Hữu sẽ sang phụ trách Hội nhà văn, nhưng lại
không phải. Lão chỉ chán chường cái chân cục Phó dù mãi chả bao giờ lên cục
trưởng, tới mức xin về tổ sáng tác cho xong chuyện. Một người ích kỷ như vậy,
bây giờ cũng chán luôn cả sự ích kỷ của mình.
Báo Văn nghệ Hà Nội rình rập mãi, vẫn chưa ra nổi. ông Vũ Cao vẫn lững lờ,
chưa hiểu sẽ làm gì hơn cái chức giám đốc Nxb.
- Trong các tài liệu phổ biến trên
xuống, thường thấy có nhận định như sau: Có những sáng tác có phần hoang mang,
bối rối, lấy xưa nói nay, không ai hiểu ra sao. Người thường cho rằng những nhận định đó là chỉ Nguyễn Đình Thi. Ông này từng viết Nguyễn Trãi ở Đông Quan,
lại có một số bài thơ cho truyền tay rất ghê.
Trong một buổi họp, ông Thi than cái tạng của tôi như vậy. Có nhiều khi, tôi
không nghĩ thế, nhưng kết quả khách quan nó cứ thế.
Một bài thơ của Nguyễn Đình Thi có tên Cách mạng. Theo ông “tự thú”
ý bài thơ như sau: cách mạng không phải là chuyện lật ngược cái cũ, mà phải
được hiểu như là thay cái cũ bằng cái khác, cái này ôm trùm được cả cái cũ vừa
nói.
Trong mắt mọi người, Nguyễn Đình Thi vẫn có vẻ một nhà văn hoá sạch sẽ
nhất, có thể làm bộ trưởng Bộ văn hoá. Nhưng sự thực thì ở ông ta, “nghệ
sĩ không ra nghệ sĩ, quan chức không ra quan chức” (Nguyễn Kiên). Ông ta chẳng
thân với bất cứ một ai ở cái Hội nhà văn này, mặc dù với ai, và cả khi nói
trước đám đông, ông cũng tỏ ra mình là một người rất thân ái với mọi người,
tâm tình êm mát lắm.