VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Con người tự do mới là yếu tố thứ nhất


Tôi xin mạn phép tác giả Nguyễn Đức Tùng đưa lại bài MỘT NGƯỜI BẠN HONGKONG này lấy từ trang FB của Nam Dao N M Hung ngày 13-6-2019
Ở đoạn cuối tôi sẽ nói rõ tại sao tôi thích bài này

1/
Thời đi học, tôi ở chung phòng với hai đứa bạn khá thân. Yang từ Hongkong, thích ăn mì gói Đại Hàn, Li từ Đại Hàn thích ăn mì gói Thái Lan, còn tôi không ăn mì gói Thái Lan vì ghét hải tặc, nên chỉ ăn mì Hongkong. Chúng tôi cùng học chương trình PreMed, dự bị y khoa. Yang sinh ra và lớn lên ở Hongkong, học trung học ở đó, du học ở Anh, lấy bằng cử nhân rồi đến Canada, chuẩn bị thi vào trường. Sau này anh không đủ điểm TOEFL, hồi đó đòi rất cao, hình như 600, theo hệ thống điểm cũ, nên chuyển qua học tiến sĩ hoá sinh, rồi trở về Hongkong dạy đại học. Anh là một người thông minh và tốt bụng, học rất giỏi.
Chúng tôi thường cãi lộn về chính trị, Li từng biểu tình chống Mỹ can thiệp vào Nam Hàn, đòi Mỹ rút quân, anh không biết rằng chỉ cần Mỹ rút quân thì Bình Nhưỡng sẽ xua quân chiếm Seoul trong hai ngày và bọn sinh viên biểu tình sẽ bị bắt nhốt hết. Yang không chống Mỹ cũng không chống Anh nhưng hô hào việc Hongkong trao trả lại cho đất mẹ Trung hoa. Đất mẹ Trung hoa đối với anh không phải là Trung hoa dân quốc Đài Loan mà là Trung hoa lục địa của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, người đàn áp đẫm máu sinh viên Thiên An Môn trước đó vài năm. Anh yêu nước đến nỗi coi việc Hongkong là thuộc địa của Anh là một nỗi nhục, và thà chịu hy sinh tự do hạnh phúc của người dân Hongkong để giữ cái sĩ diện của một nước độc lập.
Cả Li và tôi đều không đồng ý với quan điểm ấy. Thế là cả ba cãi nhau mỗi ngày văng cả nước bọt, trừ lúc cặm cụi học thi, nhưng trong bụng thì vẫn quý nhau lắm. Khi Hongkong được trao trả cho Trung Quốc ngày 1 tháng 7 năm 1997, Yang bay về ngay và hào hứng tham dự vào phong trào ủng hộ chính quyền mới. Ba năm sau, anh thất vọng, nhận ra rằng, như trong cách nói của chính anh, độc lập chẳng có nghĩa cái fucking con mẹ gì cả so với tự do, không sợ hãi. Tự do, chúng mày nghe chưa. Anh hét lên trong điện thoại với tôi. Đó là lần cuối chúng tôi nói chuyện với nhau. Sau đó mất liên lạc. Gần đây nhìn những đoàn người biểu tình chống luật dẫn độ ở Hongkong, hàng trăm ngàn người, có lúc lên đến hơn một triệu người, tôi nhớ lại người bạn cũ. Tôi cố tìm trong hình ảnh đám đông khuôn mặt tươi cười điển trai của Yang, hơi xanh vì thiếu ăn, vì suốt hai năm chúng tôi chỉ ăn mì gói, mà anh lại khoái mì Đại Hàn, thứ cay và mặn nhưng theo tôi ít dinh dưỡng hơn mì Hongkong, nhưng nhìn mỏi mắt không thấy anh đâu. Tất nhiên là không thấy, nhưng tôi vẫn hy vọng như thế. Bây giờ thì tôi tin anh đang đi giữa đám đông ấy. Yang, cố lên đi, bạn.
2/
Từ những năm đi học tiểu học cho tới suốt thời lớn lên, tôi được giáo dục theo tư tưởng chỉ có độc lập của Tổ quốc là quan trọng nhất và bất cứ cái gì có lợi cho tổ quốc thì đều được phép làm, thậm chí phải theo ai để làm cũng phải theo. Lớn lên một chút tôi cũng thoáng thắc mắc chẳng hạn nếu vì tổ quốc mà phải nói dối và làm bậy thì việc đó có đáng không. Khái quát hơn tức là tôi băt đầu cảm thấy có những thứ giá trị còn lớn hơn độc lập của Tổ Quốc chẳng hạn như tự do hiểu biết và suy nghĩ của con người cái đó cần cho mỗi công dân của một xã hội tốt đẹp và nó sẽ là cơ sở để có những tổ quốc hùng mạnh .
Tôi nghĩ như vậy và tôi phân vân không biết cách giải quyết thế nào.
Càng những ngày gần đây về già biết thêm nhiều chuyện và đọc thêm sách, càng thấy sự suy xét lại của mình là CÓ VẺ có lý, từ đó tôi đã viết mấy bài nhỏ trên mạng đặt vấn đề nếu giữa nhân dân và tổ quốc phải có một sự lựa chọn thì bao giờ người ta cũng phải chọn nhân dân chứ không phải chọn tổ quốc vì nếu có tổ quốc mà nhân dân hư hỏng thì tổ quốc đó trước sau cũng không tồn tại.
Còn nếu như có nhân dân và đó là một nhân dân tự do hiểu biết và sáng tạo thì bao giờ nhân dân đó cũng biết cách làm việc để làm nên tổ quốc xứng đáng của mình.
Tôi đi tới ý tưởng này sau khi tìm hiểu lại cuộc chiến tranh 45- 75 và thấy rằng chiến tranh đã làm hỏng nhân dân miền Bắc mình nhiều quá, đó là một mất mát không thể cứu vãn, nền độc lập thu được sau chiến tranh nói theo giáo sư Trần Đại Nghĩa cũng là độc lập hờ, thứ độc lập mong manh rất dễ mất . Còn phải tìm hiểu nhiều về sự phá hoại mà chiến tranh đã mang lại cho nền kinh tế xã hội cũng như nhân cách của con người - trên thực tế chiến tranh đã làm tha hóa nhân dân.
Hôm  nay tôi lại tìm thấy điều đó trong bài viết trên đây của Nguyễn Đức Tùng. Anh bạn Hồng Kông mà N Đ T nói trước đây cũng có ý nghĩ là tổ quốc mới quan trọng còn nhân dân sống trong chế độ thế nào cũng được, tự do suy nghĩ và hành động có bị áp đặt thế nào cũng được.
Qua thời gian sống ở Hồng Kông trực thuộc lục địa người ta mới thấy rằng hóa ra không phải như vậy.
Tôi muốn in đậm đoạn sau
"Khi Hongkong được trao trả cho Trung Quốc ngày 1 tháng 7 năm 1997, Yang bay về ngay và hào hứng tham dự vào phong trào ủng hộ chính quyền mới.
Ba năm sau, anh thất vọng, nhận ra rằng, như trong cách nói của chính anh, độc lập chẳng có nghĩa cái fucking con mẹ gì cả so với tự do, không sợ hãi. Tự do, chúng mày nghe chưa. Anh hét lên trong điện thoại với tôi."

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn