VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Những cuộc phỏng vấn trong giả định - kỳ 2 - Tản Đà Nam Cao Xuân Diệu

TỰ NHIÊN, THÀNH THỰC 
CÙNG MỘT CHÚT SAY SƯA…
Với Tản Đà , bên chiếu rượu

Về tài làm văn làm thơ của mình, trong bài Hầu trời --, gợi cho chúng ta hình ảnh của một Táo quân-- Tản Đà đã kể là ông từng đọc nhiều sáng tác cho cả thiên đình nghe và được tưởng thưởng hết mức:
Đọc hết văn vần, sang văn xuôi
Hết văn thuyết lý, lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi

Văn dài hơi tốt ran cung mây
Trời nghe Trời cũng lấy làm hay
Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi
Hằng Nga Chức Nữ chau đôi mày
Song Thành Tiểu Ngọc lắng tai đứng
Đọc xong mỗi bài, cùng vỗ tay.


Còn như về tài làm báo, ông cũng không tiện giấu diếm: Lên trời chơi (trong Giấc mộng con, ông tưởng tượng vậy), vừa nhất kiến gặp cụ Hàn Thuyên, ông đã bị cụ giữ lại để cùng… làm tờ Thiên triều nhật báo. Và trong ít ngày ở đó, ông đã viết bài cho đủ các mục xã thuyết, văn uyển, thời sự, tiểu thuyết. Không thấy nói là ông có được giao viết phỏng vấn không. Nhưng xem những đoạn trò chuyện với Đông Phương Sóc, Hàn Thuyên, Nguyễn Trãi … thì dễ đoán là ông cũng rất thích lối đàm đạo “xuyên thời gian”, xem đấy là một trò chơi thú vị. Có lẽ vì vậy, mà vừa nghe chúng tôi đề nghị, ông đã vui lòng chấp nhận ngay cuộc phỏng vấn.
Đọc tác phẩm của ông, nhất là các tự truyện, thấy ông kể là sống khá ung dung, trừ mấy năm cuối túng quẫn còn trước đó, lúc nào cũng có người giúp tiền để tiêu, có rượu để uống, thức ăn ngon để nhắm. Vậy mà ông vẫn hay kêu, những là "Nôm na phá nghiệp kiếm ăn xoàng” với lại “văn chương hạ giới rẻ như bèo", rồi ông lại được tiếng là nhà thơ đầu tiên sống bằng ngòi bút, tại sao?

-- Từ tôi trở về trước, có hạng nhà nho tài tử, luôn luôn nghĩ rằng mình sinh ra để làm thơ làm văn cho mọi người vui, vậy thiên hạ phải nuôi mình nếu để mình đói mình khổ là thiên hạ có lỗi.
Tôi là loại hậu duệ cuối cùng của dòng nhà nho tài tử đó, nên đúng là có hay kêu, mà cũng đã cố kiềm chế nên mới kêu có thế! (cười).
Nghe nói hình như các anh bây giờ lại cũng giống tôi, ăn phải đũa của tôi, đang được bao cấp, giờ phải tự nuôi lấy thân, nên cũng hay đập chân đập tay than thở! Nên nhớ trước các anh và sau tôi, các ông Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân… vào cái thời các anh gọi là tiền chiến ấy, cũng phải viết để sống, ai ăn chịu với nghề thì làm tiếp, ai ế hàng văn không người mua thì đi buôn, hoặc đi làm thuê làm mướn, chứ có thắc mắc bao giờ.
Học gì thì học, chứ học cái sự than thở của tôi, đâu có nên!

- Ông nghĩ gì về nghề văn, nói nôm na là thấy sướng hay khổ?

- Có thích thì mới làm, chứ có ai buộc mình phải cầm bút? Như tôi tự nghĩ, với người như tôi, viết là một lạc thú, như được ăn ngon mặc đẹp. Nhưng với người đời, chắc họ thấy mình khổ, họ không ao ước những nỗi chua cay mặn chát của mình làm gì. Vậy bảo chả sướng tí nào cũng được. Ai muốn sướng đừng làm thơ.

- Người ta có học để trở thành thi sĩ được không?

- Không. Nhưng phải học thì mới thành được thi sĩ lớn.

- Nếu như cần kể ra một vài nguyên tắc chi phối ông trong sống và viết, thì đó là nguyên tắc gì?

- Chỉ có một: theo tự nhiên. Nhưng phải là cái tự nhiên nồng nàn, thắm thiết chứ không phải cứ nằm ườn ra lười biếng rồi bảo là tự nhiên thì không ai chịu được. Này, tôi bảo thật, học được tự nhiên như tôi còn mệt. Kể cả khi tôi dông dài kể chuyện, khi tôi cầu kỳ tỉ mẩn trong ăn uống và đối xử, người ta vẫn thấy tôi tự nhiên, ấy thế mới khổ.

- Nghề nào, theo ông, là gần với nghề làm thơ hơn cả?

- Nghề cô đầu.

- Xin ông cắt nghĩa rõ hơn?

- Là nghề phải lấy thanh sắc ra mà chiều thiên hạ. Chết nỗi, sự phô diễn thanh sắc ấy cũng là niềm sung sướng của mình, nên mình cứ lao vào như thiêu thân.
- Có phải cô đào nào cũng thông minh tài hoa như nhân vật Vân Anh của ông trong Thề non nước đâu. Nhiều kẻ khác quá tầm thường.

- Thì nghề nào chả gồm rất nhiều chúng sinh mặt trắng nhợt nhạt và chỉ có một số rất ít vượt hẳn lên trên so với đám đông? Chẳng lẽ nghề văn của tôi, của anh… là một ngoại lệ ư?
- “Đôi hàng nước mắt đôi làn sóng – Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan” – Sao trong bài Vịnh Kiều, ông nghiệt vậy?

- Tôi nghiệt với cô ấy, như đôi lúc đã nghiệt với chính mình. Cũng như cô ấy, tôi ham vui, nhẹ dạ, nông nổi, dễ quên.

- Thế cái gì mới là mối đe dọa với nghề văn?

- Thói khệnh khạng của mấy ông quan dở.

- Ngoài thơ, ông còn làm báo, viết văn, viết cả sách cho trẻ con học nữa. Làm việc cật lực như vậy, nhằm chứng minh cái gì?

- Không gì là không làm được. Ví như người ta bảo tôi vốn xuất thân nho học, chỉ giỏi chữ ta, không làm báo như tây được, thì tôi làm cho họ biết.
- Đâu là lý do khiến ông cảm thấy dễ dàng hòa nhập vào nền văn chương đang được Âu hóa lúc ấy?
- Sự thành thực. Thành thực dám là mình, nói to lên những điều mình cảm, mình nghĩ, không cần tính đến chuyện là khôn hay dại. Tôi cho rằng văn chương cả đông lẫn tây đều cần đến sự thành thực ấy.
Ví dụ như những rung động trước một người đẹp. Lại ví dụ như chuyện ăn uống. Trong Giấc mộng lớn, tôi đã kể lần ở Cổ Đẳng “… đương ăn rau đổi ra ăn thịt. Mỗi ngày cũng chỉ có một bữa ăn, mỗi bữa ăn hoặc là cái thủ heo, hoặc con gà con vịt hoặc con cá… Đương lúc ăn rau thời ở trong nhà đi ra sân, có khi phải vịn theo hàng ghế, đến khi ăn thịt thời sao mà khỏe mạnh lạ thường. Nhân nghĩ đến câu thực nhục giả dũng hãn (ăn thịt có sức khỏe) có khi là phải; mà sự ăn quan hệ với người khá nhỏ ru!”.
Ngờ rằng nhiều người thời tôi cũng thích ẩm thực như mình, ăn ngon cũng thấy sướng, nhưng lại ngại nói ra. Họ sợ, tôi thì không.

- Đương thời một học giả có hạng, ông Phạm Quỳnh, đã bỉ bác ông là tha hồ nói theo ý mình, như người “trần truồng mà đi ngoài phố”, hẳn ông giận lắm?

- Đã gọi là người viết thực sự ai chẳng có lối cực đoan, chỉ thấy có việc của mình đáng làm, cái cách của mình hay ho, còn thiên hạ thì hỏng hết… Nghĩ lại thấy nên đánh một chữ đại xá, người nọ đại xá người kia, là xong. Như các anh bây giờ gọi là thông cảm ấy. Tôi không thích người ta cứ buộc tôi phải thù ghét mãi những người đã có lúc cãi cọ với tôi. Nhỡ ở dưới suối vàng, tôi với họ lại thân nhau thì sao?!

- Ông nghĩ thế nào khi viết “Phiêu lưu tên lính đội tiên phong?”. Có phải ông thích làm người dẫn đường?

- Thích cũng chẳng được. Làm gì có ai chọn được thời mình sống, mấy lại cái vai tuồng của mình ở thời ấy, bao giờ.
Chẳng qua, như đã nói, tôi phải cái tính ngược. Ở chỗ mọi người không thích làm, mình lại thích làm, ở chỗ mọi người nghĩ mình không làm được, mình làm cho họ trông thấy. Lại coi thế là sướng. Ấy, tội là tội chỗ ấy.
Tiên phong với ai đâu, chỉ tiên phong với chính mình. Mà thấy ai chăm chăm bắt chước như mình, lại ngán luôn, không muốn nhìn mặt nữa.

- Ông nghĩ sao khi thấy ở nửa cuối thế kỷ XX này, trên trần thế chúng tôi, thơ in ra nhiều vô kể?

- Ối dào, về cái sự lạm phát ấy, tôi cũng đã lãnh đủ rồi. Các anh cứ giở lại Nam phong mà xem số nào cũng vài chục bài thơ, tính lại thơ ngổn ngang cả đống, kém gì thời các anh bây giờ. Nhưng thử hỏi, ngoài thơ tôi với mấy bài của Đông Hồ, Trần Tuấn Khải, thì thơ thời ấy còn lại cái gì?
Khi ai cũng biết làm thơ, nghĩa là thơ bắt đầu hỏng. Như trong đá bóng mà các anh thích ấy, phải có nhà thơ chuyên nghiệp và có “đẳng cấp” cao, cái mà các anh bây giờ bảo là ngoại hạng hay gì gì đó.

- Nhưng như thế, trước sau lại rơi vào cảnh “thơ ca bán phố phường?”

- Khổ thật, cay đắng thật, nhưng thà có sự phân biệt thật giả như thế còn hơn đăng đàn diễn thuyết trong hội nghị hoặc viết sách giáo khoa mà khen nhau, ai cũng đáng khen mà chẳng ai thành nhà thơ cả.

- Khi nào ông cảm thấy bài thơ mình viết đáng gọi là bài thơ hay?

- Tự mình thấy sung sướng, như được bát canh ngon, chén rượu quý.

- Cái sướng ấy, sẽ dẫn đến sự say sưa?

- Say nghĩa là được sống một cuộc sống khác. Vượt lên cái thông thường hàng ngày, không bị nó quấy nhiễu, vậy sướng thì phải say chứ sao.

- Và ông sẽ khuyên mọi người cùng tận hưởng như ngày nào ông cầu chúc cho khắp mọi nhà “Tha hồ rượu sớm trà trưa – Nghiêng chai dốc chén say sưa tối ngày”?

- Không hẳn thế. Mỗi người nên có cái say riêng của mình. Chỉ những người không say cái gì, cứ tỉnh khô ra, tôi mới cho là hỏng.
Lại nói chuyện hưởng thụ. Tôi làm thì tôi phải được hưởng. Tôi chỉ hưởng trên cái phần tôi làm ra, không tranh phần của người khác là được. Các anh còn nhớ là tôi có lúc phải đi làm nghề gieo quẻ Hà Lạc để kiếm sống đó sao?
Vả lại, nói của đáng tội, nhỡ tôi có cách hưởng thụ đẹp, xem tôi hưởng thụ, người ta thấy vui thì sao? Thế thì việc gì phải xấu hổ cho thêm rách việc (cười). Hình như ở chỗ này, tôi cũng theo kịp lối nghĩ hiện sinh của các anh sống ở cuối thế kỷ XX đấy chứ!

- Nếu được sống lại, ông sẽ làm gì?

- Đến lên trời, tôi còn làm báo, nữa là được sống giữa dương gian, nhất định tôi sẽ viết, có phải vừa kêu trời vừa viết cũng chẳng sao.



PHỎNG VẤN TÁC GIẢ CHÍ PHÈO

Năm 1941, kiệt tác Chí Phèo của Nam Cao (dưới cái tên Đôi lứa xứng đôi) được in ra ở Hà Nội. Từ ấy, cái tên Chí Phèo, sánh ngang với những Hoạn Thư, Sở Khanh trước kia, những Xuân tóc đỏ, ông Típ-phờ-nờ… đương thời, trở thành một điển hình bất tử trong lịch sử văn học.
Vào dịp anh Chí đến tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, giá Nam Cao còn sống, chắc các nhà báo đến phỏng vấn ông dài dài.
Nhưng Nam Cao cũng đã mất từ tháng 11-1951, và cuộc phỏng vấn mà bạn đọc chờ đợi đó, chỉ có thể diễn ra trong tưởng tượng.

- Căn cứ vào bản lý lịch ông khai ở Hội nhà văn, nhiều sách vở nói ông sinh 1917. Nhưng một vài nhà nghiên cứu đến gặp gia đình lại bảo thật ra ông sinh 1915, tuổi Mão. Ông nghĩ sao về chuyện này?

Một đồng hương của tôi là Nguyễn Bính sinh vào ngày nào năm 1919 không ai biết. Cô Xuân Quỳnh mới chết, lý lịch ghi sinh năm 1942, cũng là bớt đi mất mấy tuổi. Khối cây bút đang sống sờ sờ, tuổi khai bát nháo chi khươn, mà có ai bắt tội?
Người Việt ta xưa nay vẫn thế, đâu phải chỉ nhà văn. Song các cuốn sách có ghi năm xuất bản, nghĩa là các nhân vật của chúng tôi có lý lịch chính xác, thế là được rồi.

- Hẳn ông cũng biết Chí Phèo sống, sống dai dẳng hơn bao con người có thật khác?

- Thì người sống các anh chả hay bảo nhau rằng phải có một tí A.Q, một tí Chí Phèo trong người mới sống được là gì? Bao đứa con bất trị cũng như bao nhân viên ngang bướng vẫn thường được gọi là Chí Phèo. Xét kỹ, thật nhiều khi oan cho anh Chí của tôi quá.
- Niềm vui của một nhà văn là được hậu thế nhắc nhở nhiều…
- Nhưng nỗi buồn cũng là ở đấy. Người ta còn hay tìm anh để đọc. Tức là người ta thấy cuộc sống vẫn y nguyên như anh đã miêu tả. Thử hỏi còn hay hớm cái nỗi gì?

- Nét chủ yếu trong tính cách Chí Phèo?

- Hành động mù quáng mà lương tâm sáng suốt, lương tâm còn sáng suốt.

- Nghĩa là trong đó có những đốm sáng, những điểm khả thủ?

- Đúng thế. Điều tôi sợ nhất ở con người là ngược lại. Lương tâm chết hẳn. Mà tính toán lại chi ly, kỹ lưỡng. Rồi thông minh, rồi sắc sảo. Tóm lại vẫn phải gọi là sáng suốt, nhưng là sáng suốt trong việc làm bậy, giành giật của người khác. Để tồn tại, họ bất chấp đạo lý. Không cần biết thế nào là lẽ phải. Không hối hận mà cũng không xấu hổ bao giờ.

- Điều ông cầu mong cho con người tương lai?

- Có những nhà văn nói rõ thói xấu của họ. Với một cái nhìn thông cảm, cố nhiên.

- Như ông đã nói về người đương thời, qua Chí Phèo, giáo Thứ và nhiều nhân vật khác?

- Phải, như thế xem ra có ích hơn là cứ xoa dịu, vuốt ve nhau, rồi mặc cho bọn xấu tha hồ hoành hành trong bóng tối.
- Điều kỳ quặc trong số phận của một nhà văn như ông hồi viết Chí Phèo, Sống mòn?

- Chúng tôi phải viết trong khi cũng túng đói, khổ sở, bất lực như chính các nhân vật của mình vậy.
- Và đây là lý do khiến ông toàn viết về những người trong gia đình với hàng xóm làng giềng chung quanh?
- Một nhà văn không biết kỹ về mình, về những người quanh mình thì còn biết được gì khác nữa!

- Kinh nghiệm tồn tại của ông trong văn học?

Giữa sự đánh giá của người đương thời và giá trị thực của nhà văn thường khi có một khoảng cách. Phải dũng cảm là mình. Phải tập sống đơn độc dù đôi khi, đơn độc nghĩa là thiệt thòi.

Câu hỏi cuối cùng:điều gì khiến cho một nhà văn sắc sảo như ông sau khi chết vẫn nhắm mắt chưa yên?

Nói đùa một chút cho vui. Là bị một nhà phê bình nhạt nhẽo đeo đẳng rồi độc chiếm và biến mình thành ra của riêng của anh ta.
Nhưng trên đời này có ai tự nhận là nhạt nhẽo đâu, kể cả các ông giáo sư.
Nên nói vậy chứ nói nữa, họ cũng chẳng động lòng.
Thôi, đành tự an ủi, chắc trời bắt tội, thì mình phải chịu.

Thế còn nói nghiêm chỉnh?

Ở dưới suối vàng này, tôi cùng với các bác Ngô Tất Tố, Khái Hưng, Thạch Lam... thường vẫn bàn với nhau: dạo này trên trần các vị viết ẩu quá, câu cú tùy tiện, chữ nghĩa lung tung hết cả lên. Có nhà văn thuộc thế hệ tôi còn sống, cậy tài cho là mình có quyền bịa ra chữ, đặt ra ngữ pháp, viết phứa phựa không còn ra làm sao. Tiếng Việt cứ bị làm hỏng như thế, thử hỏi chúng tôi nhắm mắt sao yên?





CHƯA AI THÔNG CẢM HẾT
SỰ CÔ ĐỘC CỦA TÔI

Xuân Diệu , một ít tâm sự riêng

-- Với thói bo bo bỏm bỏm chi li nhặt nhạnh những gì đã viết, hẳn ông vui sướng khi thấy Toàn tập 6 cuốn của mình đã được in ?

-- Nhưng nó cũng chỉ mới in một lần, mà tôi thì muốn in đi in lại nhiều lần. Một phần tâm huyết là các bản dịch các bài giới thiệu văn học nước ngoài của tôi còn chưa được sưu tầm và in lại đầy đủ.
Vả chăng, nay là lúc đến các nhà văn nhà thơ hạng nhì hạng ba cũng làm tuyển tập …
-- Ông không muốn lẫn đi giữa họ ?

--- Ai mà chẳng thế, có riêng gì tôi.

-- Còn nhớ hồi làm Tuyển tập tập 1 (1983), ông cố ý cho in cả những bài thơ dở?

-- Thơ hay tự bạn đọc biết tìm cho họ rồi. Nhiệm vụ của nhà thơ lúc làm tuyển tập cuối đời là đưa thêm cho họ thật nhiều, để họ đãi lại, may ra có được gì thêm.

-- Chỗ mạnh chính trong con người ông?

-- Làm việc cật lực, làm việc không ngẩng đầu lên được nữa.

-- Thế còn chỗ yếu?

-- Cũng là làm việc cật lực, bị việc nó lôi đi đến mức không có thì giờ xem xét lại, đánh giá lại bản thân mình. Người ta thích nhắc nhau câu của Goethe: Khởi nguyên là hành động. Nhưng nên nhớ Goethe còn nói: Sự hành động làm tê liệt tư tưởng.

-- Ông có nghĩ rằng trong giới văn nghệ sĩ nước ta thời hiện đại, không thấy có những trí thức cỡ lớn như R.Rolland, A.France…hoặc Sartre, Camus?

-- Thì dân tộc cũng chỉ rặn được ra lũ chúng tôi.

-- Kinh nghiệm tồn tại của ông trong văn học?
-
- Lúc làm thơ, phải thật trong sáng. Nhưng lúc in thơ lại phải thật cơ hội (cười). Cậu xem, trừ Tô Hoài, còn ai lắm đầu sách như mình nào! Mà quá nửa sách của Tô Hoài là sách viết cho thiếu nhi.

-- Phương châm sống của ông?
-
- Vắt kiệt cho đời. Viết hết những điều mà mình muốn viết và có thể viết. Một người như Nguyễn Tuân biết nhiều mà viết quá ít.

-- Vì cụ còn muốn sống cho đẹp?

-- Có lẽ thế. Còn mình mình nghĩ, phần tinh hoa của người nghệ sĩ, mà cũng là phần sống đời của họ, là ở tác phẩm. Theo mốt hiện đại, không ai đếm xỉa đến cuộc sống riêng của anh lắm đâu, mà anh phải quá chăm chút đến mất thì giờ vì nó. Tôi sống chỉ cốt để phục vụ cái tôi viết.

-- Nhiều người cũng muốn như ông, mà không xoay xỏa nổi.

-- Phải. Vì họ còn vợ đẹp con khôn, có người còn quyền cao chức trọng đủ thứ. Phần tôi, không có gia đình, tôi chỉ lấy viết làm vui. Sinh thời, tôi đã tập cho mình thói quen của mấy bà già nông thôn. Cậu có để ý thấy các bà ấy lúc nào cũng phải có việc gì đó để làm, rời tay cấy hái là lại lăn vào chuyện nhà cửa bếp núc nếu không thì cũng khâu vá hết ngày…

-- Lúc sống, có điều gì mà ông cảm thấy chưa được thông cảm?

-- Sự cô độc và những cách thức của con người để sống chung với sự cô độc, mà cũng là để chiến thắng sự cô độc ấy.

-- Tại sao những năm cuối đời, ông không tính chuyện viết hồi ký?

-- Mình không muốn công nhận là mình đã già. Mình mải việc…. Vả chăng, hồi ấy viết hồi ký có cái phiền của nó. Ví dụ chuyện mình có mấy bài thơ tặng Nhất Linh, Hoàng Đạo, rồi chuyện mình chính thức có chân trong nhóm Tự Lực văn đoàn, mình đã phải dẹp mãi, các sách văn học sử nó mới lờ đi cho. Ai hơi đâu mà lạy ông tôi ở bụi này? Còn như, giá được sống đến bây giờ trong hoàn cảnh Tự Lực văn đoàn được đánh giá lại, mình sẽ trình bày chuyện ấy thật đàng hoàng.

-- Giờ đây, ở dưới suối vàng, ông nghĩ thế nào về đời mình?

-- Mãn nguyện. Có thể coi là mãn nguyện được.

-- Nếu mai đây, các nhà văn học sử đánh giá lại về ông thì sao?
-- Đấy là việc của họ. Nhưng vượt được bọn mình, đâu có phải chuyện dễ!

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn