VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký chiến tranh - Binh trạm 12 Tây Quảng Bình 1969 (1)

 17/5.
Sao thời chiến mà cuộc sống của những khu Hàm Rồng, Nam Ngạn tĩnh mịch quá, đến nỗi ta hơi ngạc nhiên, hơi xấu hổ, vì quá quan trọng hóa tình hình trong khi với một vẻ bình thản như thế nó đang phớt lờ tất cả.
Vinh thì không bao giờ  để cho người ta quên quá khứ của mình. Đến bây giờ nhiều người thỉnh thoảng vẫn nhắc lại năm ngoái năm kia…

19/5
Gió Lào hút tất cả sinh lực. Người khá mệt. Con sông, bãi ngô, gánh nước, cam chuối ở Hương Khê. Những cô con gái lái xe, những cô con gái chiếu bóng, những cô con gái văn công.
Cuộc sống nhọc nhằn ở những khu tiền phương sau khi ngừng bắn, tiền phương biến thành hậu phương. Có chút gì đấy ê chề, cả trong những người đi chiến đấu về, cả những người lần đầu mới tới. Nhưng mà nghĩ tới công việc, thì lại cố sức. Nghĩ tới những khắc nghiệt của người làm đường, không có rau, ăn quả vả rừng nấu với thịt hộp, không đủ nước tắm rửa; nghĩ tới mùa mưa sắp tới, những con sông tràn nước, xe cộ rút cả lại, nghĩ thế thì ai nấy lại mải miết.
Nóng đến nỗi da thịt mình mần tịt cả lên.
20/5
Nghe Duật giới thiệu Binh Trạm 12. Những người nào mình sẽ gặp? Bao giờ tôi cũng hơi lo lo. Tôi không tốt được như những người anh hùng, cũng không đểu được như những kẻ cơ hội. Tôi là một kẻ trung bình.
5 năm nay, lứa TNXP thứ hai lại gần hết hạn. 5 năm, trước một số cô gái ấy thích chuyển sang bộ đội, bây giờ lại cứ ở TNXP. Một cái cầu độc mộc mà ai cũng phải qua, trước khi bước vào cuộc đời chăng?

Nghe kể về những chuyến xe vượt khẩu và chuyện thường ngày ở binh trạm. Lính bạ cái gì cũng lấy lưỡi lê chọc thử, xem có gì ngon thì ăn, ăn chán thôi. Lấy thuốc lá sợi chống lầy. Duật gặp mấy cậu khoe em có thứ giấy nào làm phong bì, mịn mặt lắm, chỉ tội hơi cưng cứng. Hỏi ra thì là giấy ảnh. Có ai biết đâu? Ở hai đầu mọi thứ đều quý. Chỉ ở giữa lúc ở trên vai người lính, nó là một cái gì lẫn đi giữa cát bụi .
Công binh C10 phụ trách khu vực Phu - ắc. Đơn vị đã ở Đồng Lộc, ở 448, ở Cửa Rừng. Cứ đâu khó nhất thì đến. Địch đánh không trúng đường, chỉ cần trúng núi cũng ùn đất rồi. Trúng một quả bom, thì sâu bằng cái vực. Ngày dùng tới 3 tấn thuốc nổ. Cây đổ. Mìn vướng, mìn có những sợi dây rất nhỏ, dùng làm chỉ khâu rất tốt.
3 cô gái đi theo, đi suốt đường, để nấu nướng cho đại đội, Các cô ấy gọi là đèo 3 cô.
… Không hiểu tại sao những người ấy lại có thể gặp nhau ở đấy được. Hơn một sự bắt buộc, nó là số phận chăng.
Tư lệnh phó Tuyển, Bí thư phó Can và Phó phòng vận chuyển Chỉ có mặt ở đấy, đêm khoác vai ra với anh em. Ông Tuyển bảo: Thằng Toàn hôm nay mà không bảo đảm xe thông thì cách chức thằng Toàn. Sau lại bảo: Nói thế chứ cách chức các cậu làm gì?
… Năm ngoái thằng địch đánh dai dẳng nhiều nơi để khủng bố tinh thần nhân dân. Năm nay, đánh bằng cách lay từng trọng điểm. Những trọng điểm phải đi đến mấy ngày đường mới hết.
Người phụ nữ trên tuyến lửa. Những cô lái xe. Không ai khóc đâu, rất là hiền không bao giờ to tiếng với người khác cả. Chí có một lần dây điện chập, các cô khóc, các anh bộ đội trên xe nhảy cả xuống, phải múc cát xúc đất hất vào trong xe mới đỡ.
Duật kể: một cô lái xe khác, khi xe mình bị xe khác quệt, xuống rút khoá điện đối phương “Anh chữa cho tôi xong hãy đi."

 Nguyệt TNXP 1965. Mẹ và bố không đồng ý nhưng quyết đi thì cũng không gàn. Bố dồn tiền vào cho mẹ, bề ngoài bố không cho một xu nào cả, bố chỉ cho tờ giấy trắng:
- Con đã muốn đi thì bố mẹ cũng không gàn. Bố mẹ chỉ dặn đi thì cố theo chị em, không được đào ngũ về, gia đình mình bây giờ như tờ giấy này này, nếu con làm xấu việc gì thì cũng như là đổ vào đấy mấy giọt mực.
Chuyển sang bộ đội, không hỏi ý kiến gia đình.
Mẹ bị một mảnh bom vào đầu. Về nhà em gái giận lắm: “Chẳng nhẽ em lại không gọi chị nữa chứ, em gửi bao nhiêu thư vào mà không thấy chị trả lời” Thì ra Ng. có nhận được thư, nhưng ý không rõ, tưởng mẹ ốm xoàng thôi. Lên thăm mẹ, thấy mẹ múa với hát ở ngoài bãi. Có người bảo con Ng nó vể mẹ chỉ tay ra xa, nó đang tận Quảng Bình kìa mà. Rồi mẹ lại múa lại hát.
Mẹ đã qua 108, 103. Người ta bảo: giá đồng chí không ở ngành y cơ, ở ngành y thì chúng tôi cũng nói thật, bà cụ không sống được đâu!
Mà sao Ng vẫn cười kể chuyện, Duật tự hỏi có gì tàn nhẫn quá trong đó nhỉ? Chẳng nhẽ thế nào bây giờ.

Cô bé không đẹp, miệng rộng, trán thô, tóc ngắn, đuôi sam quấn hai mảnh vải đỏ. 
- Cô họ gì?
- Tôi họ Thị
- Sao lại họ Thị?
- Thì họ thị mà. Tên Thị Nguyệt.
Tôi không hiểu được các cô gái ở đội xe, những cô gái trung bình 68kg. Họ có phải là phụ nữ nữa không? Những cô gái thông tin hơi xấu một tí, các cô khu 4 phải tập nói tiếng khu 3 khi trực ở tổng đài (sao qua đài, tiếng người nghe vẫn yêu hơn). Huệ, một cái áo vá, một vẻ gì buồn mà cương nghị. Cô Quý tóc chỉ trùm hết gáy, trông khổ sở và tội nghiệp, vẫn phải cố vui. Chung quanh có người bảo nó mà buồn thì buồn suốt đời.
Ở đây, hay khóc đến mấy rồi vẫn đi làm, đi lấy củi, làm nhà như mọi người.
Những cô gái ở cơ quan Đoàn bộ. Nhuỵ ở 559 ra, mới lấy chồng ở y dược. Trước khi cưới ở vào tâm trạng như Thuý Kiều, sợ nguời khác coi mình không ra gì.
- Thế là cô coi người ta không ra gì đấy.
- Không phải thế, chính vì em rất tôn trọng bạn em. Em rất quý bạn em, em muốn cuộc đời người ấy hạnh phúc. Em sẵn sàng hỏi vợ cho anh ấy ngay bây giờ. Em bảo dứt khoát: tuỳ anh ấy đấy, nếu anh ấy không đồng ý thì em cũng sẵn sàng. Anh ấy bảo bây giờ cô kể tôi nghe ít chuyện 559 nào. Cho người hậu phương cũng được lên tiền phương môt chút. Em đã nói nhiệm vụ ở đâu cũng vậy. Không có người hậu phương thì không có người tiền phương.
Thế nhưng một lúc sau, lại thấy cô kể: em giục anh ấy đi bộ đội rồi. Anh ấy cũng phải rèn luyện đi chứ, khối người ở các trường đại học ra, lúc đi cũng khó khăn ngại ngần đấy.
21/5
Từ Hương Đô sang huyện Minh Hoá. Qua những Khe Tang, Khe Tre. Như là đường núi Tây Bắc, đường vòng vèo, đất đỏ. Trông một cái xe đi ban ngày, cứ thấy trơ trọi, một chiếc xe zin lên dốc cũng khốn khổ như một đứa trẻ bị tội.
Các cô gái Hà Tây TNXP - một tay bên pháo cao xạ lên chờ xe đi nhờ.
- Có muốn về Hà Tây không?
Chiều, ở hang đá. Tiếng bom không hiểu ở đâu, lượn từ núi nọ sang núi kia. Đường lên hang vắt vẻo, lán chính trị ở cao nhất, phía dưới là khu vực tổng đài, một cô gái đang “mách lẻo” đều đều như một con vẹt.

22/5
Gặp Lâm Thao, cô bé ăn ngoong em không ăng cháo đâu, mình bảo một cách ngơ ngẩn: y như tiếng Sài gòong
- Em được nhận thì đi thôi, trong lớp chả có ai đi cả… Vào làm cấp dưỡng rồi làm quản lý, không hụt đồng nào, lại thừa được hai chục.
Mấy lần định kết nạp Đoàn rồi, mà vì ít tuổi quá, không được.
Những ngày làm giao liên ấy - một số người khác kể lại - cô còn cứu được mấy người nằm dưới hầm. Chả biết sợ là gì.
- Em làm y tá, mỗi một mình là phụ nữ. Ngày về đây lấy thuốc không biết đường vòng nào mà đi, cứ đi đường thẳng, lội qua ngầm Lộc Yên ướt hết cả quần áo, người ta cứ cười.
- Hôm nọ được về nhà rồi. 5 ngày, mẹ cho ăn 3 con gà, mua cho chục đồng bạc cá, ở đấy sẵn cá lắm.
Bà mẹ tốt lắm. Bà cụ chăm bao nhiêu bộ đội đấy.

Những buổi nói chuyện với các cô gái ở đây, không đâu vào đâu mà làm cho mình hết sức hào hứng. Con gái là thế. Cô Thu y tá sẵn sàng phá những cuộn băng ra, đưa cho mình những cái kim băng xinh nhỏ, rồi tra thuốc đau mắt, rồi cho đôi giày. Cô Hải cũng vậy, thân ngay đuợc, rửa bát hộ một cách hết sức tự nguyện.
… Cậu Đạt nhà phố Đinh Tiên Hoàng– một kiểu Hà Nội. Người ta ai cũng vội vã cả, mà cậu cứ khoan thai, kể những chuyện ngộ, những không đâu, người ta đen nhẻm, cậu cứ trắng bệch ra, các cô gái gọi là Phật sữa, phật bột. Cuộc chiến đấu có cả những người như thế đấy.Tôi cố học theo mà không được.
Chuyến đi nào cũng thế này: thảng thốt, buồn bã, lo lắng. Hãy sống như mọi người một thời gian, hãy nghe đủ điều, hãy sống đủ chuyện phiền phức, hãy cồn cào nóng ruột về những chuyện không đâu trong một thời gian đã. Sống cái tạm bợ, xô bồ, san đều, không kế hoạch và hỗn loạn sợ hãi của chiến tranh đến khi bình tĩnh vượt ra được, thì mình sẽ là một người từng trải. Ở nhà chẳng cứ phiền muộn chán ngán thảng thốt đó sao? Nếu không có gì thay đổi, ngày mai lên trọng điểm. Chiều nay đã có tin: Một xe dẫn thủ trưởng binh trạm lên, bị bom, một người cùng đi bị thương vào bụng. Nghĩ gì đây khi cuộc chiến tranh hết sức tốn người, tốn của, và hơn nữa tốn cả sức nghĩ của những người còn sống. Những người ở đây tốt quá, họ sẵn sàng đi  vào chỗ chết. Duật đã đi con đường này bao nhiêu lần rồi. Và những đoàn văn công. Gió Lào ghê gớm. Gió lộng cả đầu óc. Nghe nói bên kia biên giới, gió quẩn cát, xe pan-ti-nê không sao đi được.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn