VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhân ngày 30-4 nghĩ lại về chiến tranh và hoà bình

Trên đường tìm hiểu về chiến tranh và hòa bình, tôi đã gặp nhiều tài liệu của các tác giả khác viết khá thuyết phục, dưới đây là hai ví dụ

I/

TƯ DUY PHÁT TRIỂN
PHẢI KHÁC VỚI TƯ DUY CHIẾN TRANH
Ngay trong những năm trước 1975,  quan niệm về chiến tranh của xã hội ta đã chẳng giống một ai.
Quan niệm  kiểu đó vẫn  tiếp tục chi phối xã hội hậu chiến cho đến hôm nay.
Chúng ta đang làm kinh tế theo kiểu đã làm chiến tranh.
Trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị số ra 2-9-2013, một học giả VN tại Pháp là ông Cao Huy Thuần khi trả lời phỏng vấn đã nhận ra điều này.
Ông viết.
"Mỗi ngày anh du kích giết được 3 thằng Tây, vậy 10 ngày anh giết được bao nhiêu thằng?", ấy là bài toán đố lớp tiểu học hồi 1950. Bây giờ không ai ra toán kiểu đó nữa. Tuy vậy, chiến tranh vẫn chưa ra khỏi cái đầu và thực tế chính trị. Như một quán tính, chiến tranh vẫn đè nặng trên tư duy.
....
Đừng áp dụng quy luật của thời chiến vào giai đoạn của thời bình.
Một bên là nước mặn, một bên là nước ngọt.
Chiến tranh là chỉ huy, hòa bình là nghe ý kiến.
Chiến tranh là mệnh lệnh, hòa bình là biện luận.
Chiến tranh là đại bác, hòa bình là cây bút.
Chiến tranh là sắt thép, hòa bình là tơ lụa.
Chiến tranh là thù địch, hòa bình là đối thủ.
Chiến tranh là cưỡng bức, hòa bình là thuyết phục.
Chiến tranh là lý lịch, hòa bình là vua Trần xí xóa.
Chiến tranh là bạo lực, hòa bình là pháp luật.
Chiến tranh là sa trường, hòa bình là nghị trường.
Chiến tranh là lạnh lùng của bộ máy, hòa bình là nồng ấm của hơi thở con người.
Chiến tranh là nhất cực, hòa bình là đối trọng.
Chiến tranh là con ó quắp mũi tên nơi móng, hòa bình là con bồ câu lông trắng, chân son, và mắt ôi là bồ câu.
(Ở đoạn dưới, khi được hỏi thách thức lớn nhất đối với việc phát triển đất nước hiện nay là gì, ông Thuần còn bảo là chưa có tư duy hòa bình, tức tư duy phát triển.)
***
Tôi không thích cách diễn tả hoa mỹ đôi khi đến tối nghĩa, lối ví von với chúng tôi là khó hiểu, và khi hiểu ra thì không chắc đã hoàn toàn tán thành các nhận xét trên,
nhưng cho các ý trên đây của GS Cao Huy Thuần là một cách đặt vấn đề cần thiết về hoàn cảnh hậu chiến
nên ghi lại đây để các bạn cùng tham khảo.

II/

HẬU QUẢ CHIẾN TRANH
Lao Động Cuối tuần số 27 Ngày 06/07/2008 




(LĐCT) - Chiến tranh đã chấm dứt trên đất nước chúng ta hơn (hay gần) ba mươi năm. Những dấu ấn của chiến tranh trên mặt đất không còn mấy, hơn 60% dân số dưới 30 tuổi và số người dưới 35-36 tuổi, những người hầu như không có ký ức gì về chiến tranh, có lẽ không dưới 75% tổng dân số.
Tuy nhiên hậu quả của chiến tranh vẫn còn hiển hiện, không chỉ ở những người nhiễm chất độc màu da cam, không chỉ ở bom mìn còn sót lại và gây ra những hậu quả đau lòng, không chỉ ở những vết thương trong từng gia đình hay sự ly tán, không chỉ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật về chiến tranh..., mà còn ở cả trong nếp tư duy, trong tiềm thức của rất nhiều người kể cả những người còn rất trẻ. Dưới đây chúng tôi chỉ điểm sơ qua loại hậu quả sau cùng này.

Hãy bàn đến cách dùng từ, dùng khái niệm. Trên các phương tiện truyền thông đầy rẫy những từ, những khái niệm gắn với chiến tranh như "hành quân", "ra quân", "chiến dịch", "mặt trận", "tổng tư lệnh", "tư lệnh", "động viên", "xung kích" v.v... được dùng cho những việc, những tình huống thời bình, chẳng dính líu gì đến chiến tranh cả.

Nhiều người sính dùng từ "ra quân", nào là "ra quân tiếp sức mùa thi", và những ngày này người ta nói nhiều về "ra quân xử lý nghiêm xe tự chế", đến "ra quân dẹp hàng rong" v.v.  Hết "ra quân" lại đến các "chiến dịch" chống than lậu, chống tham nhũng, chống hàng giả, chống dịch bệnh, chống ăn cắp bản quyền, chống ăn xin,... Và hầu hết những người "ra quân", tham gia "chiến dịch" này đều là những người dưới 30 tuổi.

Nhiều nhà chính trị được gắn cho (và có khi họ cũng thích được gắn cho) chức "tư lệnh" thậm chí "tổng tư lệnh" cứ như cả bộ máy nhà nước là quân đội. Cách dùng từ, dùng ẩn dụ, dùng hình tượng gắn với chiến tranh là một cách diễn đạt bình thường, có mặt hay của nó, có thể giúp cho người ta dễ hiểu, dễ lĩnh hội. Song có thể khẳng định việc sử dụng này ở nước ta hơi nhiều, hơi lố và khi bàn đến hậu quả chúng ta chỉ bàn sơ đến những mặt tiêu cực của nó.

Thứ nhất, trong thời bình khi lạm dụng các khái niệm gắn với chiến tranh có thể tạo ra những hiểu lầm không đáng có. Việc lập lại trật tự giao thông, trật tự hè phố là việc rất tốt, rất cần, song "ra quân xử lý nghiêm xe tự chế", "ra quân dẹp hàng rong" được nêu ra trong những ngày qua và nhất là từ 1.7.2008 là thế nào? Những người dùng xe tự chế, bà con bán hàng rong đâu phải "kẻ thù" mà phải "ra quân" xử và dẹp họ. Cách dùng từ ở đây rất không ổn, nếu không nói to tát là ngược với chủ trương "của dân, do dân và vì dân".

Thứ hai, với khoảng 75% dân số không hề có ký ức gì về chiến tranh mà các phương tiện truyền thông từ cái đài phường, báo chí đến truyền hình lại dùng quá nhiều từ ngữ gắn với chiến tranh, thì có thể thấy hiệu quả truyền thông chưa chắc đã cao mà lại có thể còn gây cho họ lẫn lộn về khái niệm. Chiến tranh là một trạng thái bất thường mà nhân dân không mong muốn. Trong tình hình yên bình, bình thường mà cứ phải quen với từ ngữ của trạng thái bất thường là hiện tượng không bình thường.

Tai hại hơn, khi việc lạm dụng này làm hằn sâu nếp tư duy thời chiến trong suy nghĩ của chúng ta. Trong chiến tranh, chúng ta phải tập trung mọi nguồn lực để chiến thắng kẻ thù. Trong chiến tranh cần kỷ luật sắt, cần cách tổ chức "nhà binh". Trong hòa bình và xây dựng, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá duy trì tư duy "nhà binh" có thể gây tác hại khôn lường.

Nhà nước không phải là quân đội. Hiện nay nhà nước cũng chẳng còn là nhà nước "bao trùm", gia trưởng, làm mọi thứ, lo mọi thứ nơi việc dùng ẩn dụ quân sự có thể hợp, như ngày xưa. Nhà nước chỉ là một bộ phận của xã hội.

Tư duy theo kiểu quân sự, theo kiểu "chiến tranh" có thể khiến cho nhiều quan chức nhà nước trở nên độc đoán, cứ nghĩ mình là "tư lệnh" thực và "trên bảo" thì "dưới phải nghe" song ngay cả bên trong bộ máy nhà nước có khi dưới cũng không nghe, nên gây bức xúc không cần thiết cho chính họ.

Tư duy theo kiểu chiến tranh có thể khiến người dân quen với mệnh lệnh, quen với sự phục tùng và điều này có thể làm thui chột những sáng kiến, sự mạnh dạn, sự đổi mới rất cần cho sự phát triển đất nước.

Và cuối cùng, tư duy theo kiểu chiến tranh có thể khiến cho chúng ta nhìn đâu cũng thấy toàn "kẻ thù", làm cho tư duy "cùng thắng", nếp nghĩ rất cần trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập, khó đi vào cuộc sống. Nó làm cho ứng xử của các nhà hoạch định chính sách dễ bị méo mó, nó ảnh hưởng đến hành vi của các lãnh đạo doanh nghiệp và của cả những người dân bình thường, nó cản trở sự phát triển.

Bàn sơ về một khía cạnh của hậu quả chiến tranh cho thấy vấn đề không đơn giản. Các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là những người có cương vị cao rất nên cân nhắc đến những hậu quả "chiến tranh" theo nghĩa này. Và cũng cần khắc phục những hậu quả chiến tranh như vậy nữa.

TS Mai Quang Hoà



Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn