VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Cảm giác đùa chơi trong công việc



CHŨ CHƠI KIA CŨNG CÓ BA BẢY ĐƯỜNG
Trong tiếng Việt, chữ chơi thường mang một ý nghĩa không được hay lắm.
 Người ta lấy chơi để đối lập với sự chăm chỉ (làm chơi ăn thật), sự đứng đắn (nói chơi) và cho rằng hoạt động của con người ở đây chẳng có nguyên tắc, thậm chí cũng chẳng cần đến sự cố gắng nào cả (dễ như chơi).
Hình như chỉ có một lần, người xưa nói rằng chơi là cả một nỗ lực có định hướng - nghề chơi cũng lắm công phu - Nguyễn Du.

Trong khi ấy, thì trong các ngôn ngữ phương Tây, và trong cách hiểu của họ, chơi thường được xem như một công việc nghiêm túc.
Trẻ con chơi là một cách để học sống, học suy nghĩ.
Ở những người thành đạt, "chất trẻ con" hôm qua mãi mãi vẫn còn trong họ ngay cả khi họ đã trở thành người lớn.
Trong việc nhìn đời, trong việc ứng xử, họ luôn luôn tìm cách khẳng định tự do của mình, sự có mặt của mình, và muốn thoát ra khỏi mọi lề thói quen thuộc.
Đã có cả một lý thuyết, mang tên lý thuyết trò chơi ra đời, trong đó quan niệm chơi là tìm ra những quyết định mới trong môi trường của những điều kiện đã quy định; trò chơi ở đây không đối lập với sự nghiêm túc, mà chỉ đối lập với những đầu óc đơn giản, khô cứng.
Một điều chắc chắn nữa: các cuộc chơi thường không tẻ nhạt, mà bao giờ cũng hứa hẹn một sự thú vị, khiến cho người trong cuộc tìm thấy ở đây một sự thúc đẩy lớn nhiều khi giúp họ vượt hẳn lên so với sức lực vốn có.

CHƠI  VỚI VIÊN MAI TRONG TÙY VIÊN THI THOẠI
Có lẽ vì chơi có nhiều ý nghĩa đến vậy, nên chẳng những ở phương Tây mà ngay ở phương Đông, không phải chỉ con người hiện đại, mà cả con người thời xưa cũng không xa lạ với nó.
Trong “Tuỳ viên thi thoại” Viên Mai  (1716-1797)  từng viết: "hễ làm người thì quý thẳng mà làm thơ văn thì quý cong" là với ý này.
Thánh Thán  (1608-1661) còn nói rõ hơn: Trước khi rao to lên rằng bình luận “Mái Tây” chỉ vì "muốn làm duyên với người đời sau", ông cũng để một đoạn trong lời tựa nói về sự hấp dẫn của trò chơi.
Ông bảo, sở dĩ cho in vở “Mái Tây” chẳng qua là để đỡ buồn" trong lúc không có cách gì chơi", đành thử "tuỳ ý tự tìm cách chơi thế mà thôi" Ông hoàn toàn có ý thức về những phóng túng trong hành động can thiệp quá sâu vào tác phẩm. "Không phải tôi soạn ra, tôi ngâm chơi. Không phải tôi ngâm lên, tôi nghe chơi. Không phải tôi nghe xong, tôi khoa chân nhảy chơi, giang tay múa chơi".
Khi cái việc gọi bằng trò chơi ở đây bao gồm cả sự đau đớn, cả nước mắt ("Nào có phải tôi tha thiết khóc người xưa, đó lại là một cách chơi của tôi"), liệu ai còn dám nói Thánh Thán đã dễ dãi trong hành động của mình?
Không, ông đã đặt vào đây tất cả tâm huyết làm người, cũng như tài năng và bản lĩnh của một nghệ sĩ lớn!

CHƠI TRONG CÔNG VIỆC PHÊ BÌNH VĂN HỌC
Về phần mình, không phải ngay từ đầu tôi đã có biết tới các lý thuyết và những lời ca ngợi có liên quan đến trò chơi nói trên, quả thực trong tôi lúc ấy chỉ có một nhu cầu tha thiết là cố làm cho những trang viết của mình thoát khỏi sự tẻ nhạt.
Và rồi những tìm tòi nho nhỏ cứ đến một cách tự phát. Chẳng hạn một lần, tôi chợt nghĩ ra một cách viết vui vui là tiến hành những cuộc phỏng vấn tưởng tượng đối với Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tản Đà, Xuân Diệu, Nam Cao v.v… để qua bài viết, hình ảnh họ có dịp hiện lên một cách sinh động; sau mới nghĩ rằng đó chẳng qua cũng là một trò ngẫu hứng, tuỳ sức mà có thể tiến hành trong một phạm vi thích hợp.
 Từ những thể nghiệm về viết đối thoại, tôi nhận ra một điều: các bài viết phê bình thường có một giọng đều đều từ đầu đến cuối, nhất là nhiều khi lại là giọng giáo huấn, nên dễ tẻ.
Đồng thời với việc cố tránh để không ra vẻ dạy đời (điều này nằm trong quan niệm sâu xa sẵn có ở con người mình, chứ không phải giả vờ mà được), tôi cũng thích thú tìm cách tạo ra trong bài phê bình những giọng khác nhau, có khi vừa trình bày điều đã nghĩ, vừa thử đứng tách ra bác lại những suy nghĩ ấy.
Về mặt hình thức, tôi ao ước các bài viết và nhất là các quyển sách trở nên một thứ nhạc nhiều bè, có đoạn dùng con số thống kê, có đoạn lý luận chặt chẽ, có đoạn tự cho phép mình lui tới một chút, để ngả sang giọng trữ tình (chắc chắn là phải rất hạn chế, vì dễ trở thành bi luỵ theo kiểu cải lương!)
Tôi thành thực tin rằng, nếu trong muôn một, người viết phê bình trong công trình của mình lại tạo ra được một cảm giác hội hè, thì đó là cả một điều thú vị, không những cho bạn đọc, mà còn cho chính tác giả nữa.
Trên nguyên tắc, khi nói rằng phê bình nên thuộc về văn học trước khi thuộc về khoa học, chúng ta đã giả định một sự thông thoáng, nhẹ nhõm dễ hấp thụ của các bài viết.
Huống chi là với bạn đọc nước ta, mà trong thưởng thức thường ngại những sự tư biện và cố ý tránh xa các lối nói nặng nề, thì mọi cố gắng làm cho bài phê bình hoạt hơn vui hơn bao giờ cũng nên khuyến khích.
Chẳng những tìm cách viết từng bài cho hay mà trong cách tồn tại trong nghề nói chung, người ta cũng nên tìm cách thoát ra khỏi những lối mòn, và ở đây, ý thức về trò chơi cũng có thể đúng vai trò hướng dẫn. Mặc dù còn đang non yếu song công tác phê bình ở ta, nhiều lúc đã có tình trạng cát cứ, ai nghiên cứu tìm hiểu khu vực nào thì, nhân danh chuyên sâu, tìm cách biến lĩnh vực mình quản lý thành một thứ độc quyền.
 Không phải là tôi phản đối chuyên sâu, song có một việc tôi rất thích và nếu ai đó có làm cũng ngấm ngầm ủng hộ, ấy là chen ngang vào đề tài của người khác, đưa vào đó những ý kiến mới, cách nhìn mới.
 Nếu đã chuẩn bị cẩn thận, tôi dám làm thế mà nghĩ là nên làm thế, bởi trong sáng tạo, những yếu tố lạ nhiều khi lại có vai trò kích thích rất đáng kể.
Hoặc trong phê bình, nhiều người thường chọn tác phẩm hay, hoặc tác giả sắc sảo để viết.
 Tôi chưa thể nghiệm bao nhiêu, song dự đoán thực ra việc viết về những quyển sách dở, những đời văn nhợt nhạt cũng rất thú vị, miễn là ở đó, bằng kinh nghiệm riêng, mình chỉ ra được cả những biểu hiện phong phú, lẫn sức bền, sức bám trụ kỳ lạ của cái nhạt trong một người viết bình thường.
 Đã gọi là trò chơi, thì những sáng kiến nhỏ bé lặt vặt thường khi rất cần, cốt sao ta biết mang lại cho chúng một chút ý nghĩa .
Và hiệu quả của trò chơi thì lại phụ thuộc phần lớn vào nội lực của người trong cuộc - ở đây là những người làm nghề viết văn.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn