Dưới đây là một bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn trên trang mạng cá nhân của ông, theo đường link
https://www.nguyenvantuan.info/single-post/2019/02/.../doc-sach-nguoi-xua-canh-tinh
tôi xin phép được đưa lại để giới thiệu với bạn đọc.
Xin cảm ơn ông và xin lỗi đã không đưa được những hình ảnh có trong nguyên bản.
-----
"Người xưa cảnh tỉnh" (1) là một quyển sách
thuộc vào nhóm sách 'học làm người' thời nay. Nhưng học để tránh thói xấu (chứ
không học cái hay). Hai soạn giả Vương Trí Nhàn và Trần Văn Chánh mượn những lời
nhận xét của người xưa về những thói hư tật xấu để cảnh tỉnh người Việt ngày
nay. Đó là một cuốn sách không hẳn dễ đọc, nhưng khi đã đọc thì khó buông được,
bởi vì hình như người đọc có thể tìm thấy hình bóng mình hay những người chung
quanh trong từng câu chữ trong sách.
Những sách cảnh tỉnh, vạch ra những thói hư tật xấu của một dân tộc không phải là mới, nhưng mới với Việt Nam. Người Mĩ đã có "The Ugly American". Người Úc có "The Ugly Australian". Người Nhật cũng có một cuốn sách tương tự (do một đại sứ Nhật viết). Gần chúng ta hơn, người Hoa cũng đã có một cuốn sách như thế. Thật vậy, đúng 20 năm trước, tác giả Bá Dương (Bo Yang) đã làm cho cả thế giới và cộng đồng người Hoa xôn xao khi ông cho xuất bản cuốn sách 'Người Hoa Xấu Xí' (Xú Lậu Đích Trung Hoa Nhân). Trong sách, Bá Dương (người Hoa sống ở Đài Loan) liệt kê và phê phán không khoan nhượng những nét văn hóa, những thói quen, những hủ tục 'xấu xa' của người Hoa. Ông không có một chữ nào để viết về những nét văn hóa 'đẹp' của Trung Hoa. Cuốn sách được bán rất chạy, và trở thành đề tài bàn luận của hầu hết các tầng lớp xã hội, từ giới bình dân đến trí thức. Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh dưới tựa đề 'The Ugly Chinaman and the Crisis of Chinese Culture' (và đã tái bản 3 lần), được xem là 'cẩm nang' của người phương Tây để hiểu biết hơn người Hoa.
Những sách cảnh tỉnh, vạch ra những thói hư tật xấu của một dân tộc không phải là mới, nhưng mới với Việt Nam. Người Mĩ đã có "The Ugly American". Người Úc có "The Ugly Australian". Người Nhật cũng có một cuốn sách tương tự (do một đại sứ Nhật viết). Gần chúng ta hơn, người Hoa cũng đã có một cuốn sách như thế. Thật vậy, đúng 20 năm trước, tác giả Bá Dương (Bo Yang) đã làm cho cả thế giới và cộng đồng người Hoa xôn xao khi ông cho xuất bản cuốn sách 'Người Hoa Xấu Xí' (Xú Lậu Đích Trung Hoa Nhân). Trong sách, Bá Dương (người Hoa sống ở Đài Loan) liệt kê và phê phán không khoan nhượng những nét văn hóa, những thói quen, những hủ tục 'xấu xa' của người Hoa. Ông không có một chữ nào để viết về những nét văn hóa 'đẹp' của Trung Hoa. Cuốn sách được bán rất chạy, và trở thành đề tài bàn luận của hầu hết các tầng lớp xã hội, từ giới bình dân đến trí thức. Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh dưới tựa đề 'The Ugly Chinaman and the Crisis of Chinese Culture' (và đã tái bản 3 lần), được xem là 'cẩm nang' của người phương Tây để hiểu biết hơn người Hoa.
Nhưng người Việt thì chưa có một cuốn sách hoàn chỉnh
như những cuốn 'ugly' đề cập trên đây; có lẽ cuốn 'Người xưa cảnh tỉnh' là gần
nhứt. Tuy chưa có, nhưng các học giả Việt Nam trong quá khứ đã nhiều lần nói
lên những tính xấu của người Việt. Họ viết ra những điều đó trong nhiều dịp và
bối cảnh khác nhau, có khi rất cá nhân, nhưng nói chung là rất rải rác và rời rạc.
Chúng ta chưa có một tổng luận có hệ thống về thói xấu của người Việt.
Sách là một loại 'anthology' hay tập hợp những đoạn
văn của các học giả Việt viết về tính cách và thói quen của người Việt. Đó là
những học giả sống vào thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20 như Nguyễn Trường Tộ, Phan Kế
Bính, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Trọng Kim, Phan
Khôi, Nguyễn Văn Huyên, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Tất Tố, Ngô ĐứcKế, Đào Duy Anh,
Hoàng Đạo, Hoàng Cao Khải, Nguyễn Trọng Thuật, Phạm Quỳnh, Dương Bá Trạc, v.v.
Họ viết ra những nhận xét đó trong các bài báo và khảo luận văn hóa. Thời gian
họ viết ra trong những năm cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, khi nền báo chí học
thuật Việt Nam bắt đầu khởi sắc. Những nhận xét đó được viết bằng thể văn có
khi là học thuật, có khi là ngôn ngữ thô, nhưng nhiều khi là châm chọc.
Sách gồm 2 phần: phần đầu là sưu tập những câu nói của
các học giả, và phần hai là tổng luận. Phần I được sưu tập bởi tác giả Vương
Trí Nhàn (Hà Nội). Phần II được viết bởi tác giả Trần Văn Chánh (Sài Gòn). Phần
đầu, Vương Trí Nhàn có công sưu tập đến 260 câu nói của các học giả. Ông sắp xếp
các phát biểu đó dưới 13 tiểu mục: ăn ở, cư trú và mối liên hệ với thiên nhiên;
tệ nạn xã hội; dân trí và ý thức xã hội; giáo dục; giao lưu tiếp xúc; tìm tòi học
hỏi và tiếp nhận người nước ngoài; làm ăn buôn bán; nói năng, suy nghĩ, lễ
nghi, phong tục; quan hệ giữa người với người; tổ chức quản lí làng xã; tổng
quát về người Việt; trí thức quan lại; và văn hóa nghệ thuật và học thuật. Phần
tóm tắt có thể xem dưới đây (2). Như có thể thấy, đó là một danh sách dài những
thói hư tật xấu của người Việt.
Có thể xem cấu trúc quyển sách như là một tiểu luận
mang tính học thuật định tính. Phần đầu là những dữ liệu (hay nói 'chứng cứ'
cũng được), và phần hai là diễn giải những dữ liệu đó và đặt chúng vào bối cảnh
hiện tại. Do đó, đọc phần đầu thì có thể hơi nhàm vì dữ liệu (260 câu trích dẫn),
nhưng đọc phần hai thì thấy thú vị hơn vì người đọc sẽ hiểu những dữ liệu đó có
ý nghĩa gì, và biết được những cách nhìn của tác giả. Bài tổng luận (tác giả gọi
là 'tổng thuật') bắt đầu bằng một trường hợp liên quan đến một tiếp viên của
Vietnam Airlines bị tạm giam ở Nhật vì nghi ngờ xách lậu hàng ăn trộm về Việt
Nam, và tác giả Trần Văn Chánh bàn về những thói quen không mấy hay ho của người
Việt. Tác giả trích lại nhận xét của học giả Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử
Lược về người Việt: 'Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay
khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ
bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tin tông giáo nào
cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác.' Tác giả cho rằng nhận xét đó khá đúng với tâm
tánh của người Việt (dĩ nhiên là nói chung), dù nhiều người không muốn nhìn nhận
điều đó. Tác giả Vương Trí Nhàn đi đến nhận xét rằng 'Thói xấu lớn nhất của người
Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình.'
Cũng như sách của Bá Dương, quyển 'Người xưa cảnh tỉnh'
không có một lời nói nào tốt về người Việt, đơn giản vì đó không phải là mục
tiêu của sách. Mục tiêu là mượn lời nói của người xưa để cảnh tỉnh người Việt
thời nay. Người Việt thời nay, bên cạnh những nét văn hóa hay, còn có rất rất
nhiều thói quen và quán tính chỉ có thể mô tả bằng một cụm từ: khó hòa nhập với
thế giới văn minh.
Đó là những thói quen và quán tính mà tác giả Vương
Trí Nhàn và Trần Văn Chánh đề cập đến trong sách. Sách còn có những trích dẫn
mà nếu đối chiếu lại ngày nay cũng khá thời sự tính, như nền giáo dục giết chết
nhân cách (Đào Duy Anh) và nền giáo dục bị thương mại hóa (Thái Phỉ). Những
thói như loanh quanh chỉ những ăn uống (nhận xét của Phan Kế Bính), mê muội hưởng
lạc (Nguyễn Trường Tộ), mê tín gây lãng phí, ăn uống chơi bời bên cạnh nỗi đau
của người khác (Phan Kế Bính), thạo sử người hơn sử mình (Hoàng Cao Khải), học
đòi làm dáng sống sượng (Nguyễn Văn Vĩnh), chỉ biết học cái bề ngoài (Phạm Quỳnh),
hiếu danh đến mất tự trọng (Phạm Quỳnh), chỉ trích và châm chọc (Lương Đức Thiệp),
hay nghi ngờ và hại nhau trong công việc (Phan Bội Châu), khinh miệt cá nhân
(Hoài Thanh), mưu danh bằng cách hạ nhục kẻ khác (Hoa Bằng), v.v. tất cả đều dễ
dàng nhận ra trong xã hội ngày nay.
Một câu hỏi đặt ra là những thói xấu vừa đề cập có phải
là 'văn hóa'. Nếu lí giải rằng cái nền văn hóa Việt Nam là nguyên nhân của những
thói hư tật xấu đó có vẻ đơn giản hóa vấn đề, bởi vì người Việt ở nước ngoài có
vẻ có ít thói xấu như thế so với người trong nước, và ngay cả ở trong nước cũng
có sự khác biệt lớn về lề thói ứng xử giữa người miền Bắc và miền Nam trước
1975, hay sau và trước 1975. Tức là có một yếu tố khác, hơn là văn hóa, có thể
giải thích tại sao những cái mà tác giả gọi là 'thói hư tật xấu' của người Việt.
Tôi nghĩ rằng đó là thể chế chính trị - xã hội. Khi nói 'thể chế', tôi muốn nói
đến cái tiếng Anh gọi là 'institution', chứ không hẳn là chế độ chính trị.
Nhưng dĩ nhiên, có người sẽ nói chế độ đẻ ra thể chế văn hóa, nên người ta cũng
có lí do qui về chế độ.
Có nhiều nghiên cứu cho thấy người Á châu, kể cả người
Việt, ít tin tưởng vào người lạ hơn là người Âu châu. Có lẽ vì văn hóa Á Đông
phân biệt tương đối rạch ròi giữa Trong Nhóm và Ngoài Nhóm. Người Trong Nhóm dễ
tin hơn người Ngoài Nhóm. Và, có người chỉ ra rằng các tập đoàn kinh tế người
Hoa thường do người trong gia đình nắm quyền điều hành, còn các tập đoàn kinh tế
Âu Mĩ thì ít có 'thể chế gia đình trị' đó, và do đó có thể giải thích tại sao
nhiều tập đoàn kinh tế Á châu khó vươn ra 'biển lớn'. Riêng trường hợp Việt
Nam, mới có một cuộc điều tra xã hội cho thấy có khoảng 23% là người ta tin tưởng
lẫn nhau, và có đến 80% người trả lời sẵn sàng lợi dụng người khác để hưởng lợi
cho mình, nói lên một xã hội bị sứt mẻ niềm tin nghiêm trọng. Với một xã hội
như thế thì chúng ta khó kì vọng gì lành mạnh và tươi sáng cho tương lai, cũng
giống như bên Tàu, dù kinh tế có phát triển đây đó nhưng thế giới vẫn xem người
Hoa là một loại hạng hai.
'Người xưa cảnh tỉnh' có thể làm cho nhiều người cau
có, thậm chí giận dữ, bởi vì tác giả chỉ nêu lên những thói xấu của người Việt.
Nhưng nếu có những nhận xét giận dữ và phản ứng hằn học với quyển sách thì điều
đó chỉ thêm minh chứng về tính xấu của người Việt mà thôi. Tuy quyển sách chưa
phải là một quyển 'Người Việt Xấu Xí' (chứ chưa chắc 'xấu xa') như cuốn của Bá
Dương, vì tác giả chỉ 'mượn' người xưa, chứ chưa trực diện tấn công như Bá
Dương. Tuy nhiên, những lời của người xưa và lí giải trong sách cũng đáng để
chúng ta tham khảo.
Nhưng mục tiêu của tác giả là cảnh tỉnh người thời
nay. Cảnh tỉnh để tự sửa mình. Khi được hỏi người Việt nên bắt đầu từ đâu để tự
sửa mình, tác giả nghĩ đến giáo dục và luật pháp. Tôi nghĩ đó có lẽ cũng là câu
trả lời nhiều người nghĩ đến, nhưng chưa đủ. Giáo dục và luật pháp chịu sự chi
phối nặng nề của thể chế chính trị, cho nên tôi nghĩ cái gốc và cũng là nơi khởi
đầu chỉnh sửa chính là thể chế. Ngoài thể chế, tôi nghĩ vai trò của tôn giáo độc
lập cũng vô cùng quan trọng. Có rất nhiều nghiên cứu tâm lí xã hội ở phương Tây
cho thấy mối liên hệ dương tính giữa đạo đức xã hội, đạo đức cá nhân và mức độ
hoạt động độc lập của tôn giáo. Do đó, cảnh tỉnh là ở cấp độ cá nhân, dù rất
quan trọng, nhưng vẫn cần phải có sự tác động của 'hệ thống' thể chế và tôn
giáo.
'Người xưa cảnh tỉnh' cũng có thể ví như là một tấm
gương. Tấm gương đó có tác dụng phản chiếu để mỗi chúng ta nhìn thấy những tì vết
tâm lí của chính mình mỗi ngày. Tôi nghĩ cuốn sách xứng đáng có mặt trong tủ
sách của mỗi gia đình người Việt. Tác giả Bá Dương đã qua đời năm 2008, và trước
ngày qua đời ông nhận định rằng cuốn sách 'Người Trung Hoa Xấu Xí' của ông đã
giúp cho người Hoa tốt hơn. Chúng ta cũng hi vọng rằng quyền 'Người xưa cảnh tỉnh'
của hai tác giả Vương Trí Nhàn và Trần Văn Chánh cũng có tác động tích cực như
thế cho người Việt trong tương lai.
====
(1) Sách "Người xưa cảnh tỉnh: thói hư tật xấu của
người Việt trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỉ 20" của hai tác
giả Vương Trí Nhàn (sưu tầm) và Trần Văn Chánh (luận giải), do Nxb Tổng Hợp ấn
hành năm 2018. Sách dày 284 trang, khổ nhỏ, giá bán 90,000 đồng.