VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chung quanh sự học

KHÓ NHẤT LÀ BIẾT HỌC
Cao Xuân Dục (1843 1923 ) là một đại thần triều Nguyễn .Trong cuốn Nhân thế tu tri ( bản của Nxb Văn học 2001) tôi đọc được một câu quá hay bàn về sự học:
” Kẻ đi học qúy là ham học, quý hơn nữa là biết học”

Câu này vốn trích từ một cuốn sách Trung quốc mang tên Súc đức lục – tạm hiểu là Ghi chép về cách chứa đức -- tác giả Cao Xuân Dục chép lại.
Nhưng riêng cái việc không chỉ nói tới sự ham học mà bắt đầu quan tâm tới cách thức học và lưu ý tới hiệu quả chất lượng của việc học thì cũng đã cho thấy tác giả thật đã xứng đáng một vị đại thần đứng đầu ngành sử và giáo dục triều Nguyễn, một nhà văn hóa lớn thời cận đại.
Thời chúng ta hiện vẫn chưa thoát khỏi tình trạng bảo nhau cắm đầu học mà không biết đặt vấn đề tại sao cứ học ít lâu rồi bỏ, không thể học nổi lâu dài. Hiện tượng ham học hôm nay phổ biến vẫn là lửa rơm, chóng nổi rồi cũng chóng tàn. Cứ lo học cách này thì dân tộc không thể có những trí thức lớn mà mọi xã hội muốn phát triển vẫn đòi hỏi.
----
Một đoạn trong chương Dương hoá sách Luận ngữ (XVII.8) , ghi lời Khổng Tử:
Có nhân mà không học thành ngu
Có trí mà không học thành kiêu ngạo
Có tín mà không học thành tổn hại mình
Có trực ( ngay thẳng ) mà không học thành ngang ngạnh mất lòng người
Có dũng mà không học thành làm bậy
Có cương cường mà không học thành cuồng bạo
-----
NHỮNG KẺ VÔ HỌC
Ở cuốn Khuyến học của nhà khoa học Nhật Fukuzawa Yukichi, nxb Trẻ trang 32 có đoạn viết :
-- Tôi chắc rằng không ai đáng thương hại hơn là những người vô tri thức, những người không hiểu lẽ phải, và cũng không ai khó giao tiếp hơn những người ấy. Vì không có tri thức, không có năng lực tự thức tỉnh nên họ căm ghét oán giận những người giàu có chính đáng, đôi khi họ tập hợp thành bầu đoàn đi đánh cướp.
Bản thân họ được luật pháp bảo vệ, nhưng hễ cứ cảm thấy cho mình thì họ lại thản nhiên vi phạm, ngang nhiên phá luật.
Lại không có ít người, có được chút ít tài sản, tiền bạc thì chỉ lo tích trữ, cất giấu, không bao giờ suy nghĩ đầu tư cho con cháu học hành. Vì thế con cháu họ chỉ biết ăn chơi, lêu lổng, dốt nát và cứ thế tiêu pha tàn phá tài sản của ông cha mình.
---- 
TRƯƠNG TỬU –NGƯỜI BIẾT HỌC
Mấy năm trước, có lần một bạn trẻ bảo tôi chả thấy cái gì của  Trương Tửu có thể đọc được. May quá hôm ấy tôi vừa từ nhà anh Cao Tự Thanh về ở đó  tôi đọc được một đoạn  trong cuốn Trương Tửu – Mấy vấn đề văn học sử . Ông nói về việc học của mình

“Tôi là gì, tôi đã làm gì, tôi đã tập hợp tất cả những điều tôi đã nhìn, đã nghe, đã quan sát. Và tôi đã biết sử dụng những điều ấy. Những tác phẩm của tôi lấy chất dinh dưỡng từ nhiều người khác nhau, người ngu và người hiền, người khôn và người dại, những đầu thanh niên già lão, tất cả những ý nghĩ, những năng khiếu, những hy vọng và cách sống của họ đều cung cấp cho tôi. Thường thường những người khác gieo hạt và tôi gặt hái mùa màng. Sự nghiệp của tôi là sự nghiệp của một con người tập thể mang tên là Goeth.
Tất cả những gì ở ngoài ta và tôi có thể nói tất cả những cái ở trong ta nữa chỉ là nguyên tố. Ở trong đó, bản thân ta có một lực lượng sáng tạo, nó có thể xây dựng cái gì nên xây dựng, nó không cho ta yên ổn chừng nào mà ta chưa hình dung “cái nền xây dựng này” ở ngoài ta, hay trong ta, cách này hay cách khác” .
Tôi nói với anh bạn trẻ: -- Ít ra đó cũng là một người có cái vốn đọc khổng lồ. Từ đoạn văn trên tôi thích nhất cái ý "Những tác phẩm của tôi lấy chất dinh dưỡng từ nhiều người khác nhau, người ngu và người hiền, người khôn và người dại, những đầu thanh niên già lão, tất cả những ý nghĩ, những năng khiếu, những hy vọng và cách sống của họ đều cung cấp cho tôi."Thế mới gọi là môt người biết học.Cái sai của ông ấy – như ngày nay ta đánh giá - còn quý hơn vạn lần nhiều cái đúng hời hợt hiện nay. Qúy ở khả năng gợi ý của chúng.
----
 CÁI HAY KHÔNG THEO, THEO CÁI DỞ

  Nhân 65 năm ngành giáo dục, Tuổi trẻ  có bài viết kể là tháng 9-1945, khi lên báo cáo công việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Giaso dục lúc đó là Vũ Đình Hòe đã có nhiều ý kiến, trong đó có cái ý sau đây:
     Tôi nêu vấn đề cải cách giáo dục, đề nghị thay thế hẳn nền giáo dục vị học thuật (kiểu Pháp - đào tạo những bậc tài hoa) bằng nền giáo dục vị nhân sinh (kiểu Anh - Mỹ), đào tạo những nhà hành động, sớm phân chuyên ngành, phân từ rộng đến hẹp, sớm dạy nghề sát với yêu cầu xây dựng kinh tế và chú trọng dạy đạo làm người.

    Đọc mà thấy lạ quá. Ở miền Nam sau 1954, người ta mới làm được cái việc là thay đổi mô hình này, tức là từ đại học kiểu Pháp chuyển sang đại học kiểu Mỹ, từ đó đưa nền đại học trong nước nhập vào trào lưu hiện đại.
  Không ngờ là năm 1945, nhiều trí thức nước mình đã biết điều đó. Thế rồi kháng chiến. Thế rồi chúng ta có nền giáo dục đại học tạm bợ ở Việt Bắc. Sau 1954, nhân rộng ra cả miền Bắc. Sau 1975, thành mô hình của cả nước. Chẳng những không so được với Anh Mỹ mà so với Pháp xưa cũng thua xa. Như một đứa trẻ tiên thiên bất túc, có lớn mà chả bao giờ thành người. Như một đoàn tầu đã chật bánh rồi, không đổ, nhưng không bao giờ trở lại được con đường đáng lẽ phải đi.

----
NIỀM TỰ HÀO
CỦA NHIỀU TRÍ THỨC MIỀN NAM.
Bỗng nhiên tôi nhớ lại hai câu nói của hai nhà văn miền Nam, một già một trẻ trước 1975 .
Cả hai tôi ghi lại đã lâu, nhưng nay cuốn sổ thất lạc, nên không dẫn được nguyên văn chỉ ghi theo trí nhớ.
• Sau chiến tranh cả chúng ta lẫn những người cộng sản đều không nên sống nữa, vì chúng ta đã quá cực đoan.
•[Trong một cuộc tranh cãi nhỏ với báo chí Hà Nội]. Các anh đừng nên nghĩ chỉ các anh mới là người Việt Nam mà chúng tôi cũng là người Việt Nam.
Trong những năm qua, chúng tôi chỉ tự hào một điều: chúng tôi biết học.
Câu trên là của Võ Phiến mà chúng ta quen biết, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn.
Còn câu dưới là của Cao Huy Huy Khanh. Khoảng 1971-1973, với tư cách một cây bút trẻ, anh hay viết cho tờ "Khởi hành" của Viên Linh, hoặc "Vấn đề" của nhóm Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo.
Khoảng mười lăm năm trước, qua anh Tạ Nghi Lễ, tôi có liên lạc được với anh, và biết được rằng anh đang làm cho một tờ báo ở Sài Gòn.
Hồi 1976, vào Sài gòn đọc Khởi hành 1972-1974 tôi chú ý tới anh là qua mấy bài anh tổng kết về tiểu thuyết đương thời. Còn nay, anh tặng tôi một cuốn sưu tầm về một số kỷ lục Guiness ở Việt Nam.


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn