VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chuyện quanh Hội nhà văn hồi trước 30-4-75 -- kỳ 4


Cuối năm 1972, Hội nhà văn đang có một chuyện quan trọng: Giải thưởng văn học 17 năm (1955-72). Việc này việc của triều đình. Khi không thì mọi người đồn đại chuẩn bị mãi chả làm được. Khi quyết làm thì làm vèo vèo một lúc là xong. Và có nhiều cái rất là mô đéc: Ví như không tính các lãnh tụ cùng là các tập hồi ký, các tập thơ của họ. Đại khái là một cuộc du hí rất vui vẻ: Rồi sẽ nhiều người được giải thưởng.
Xuân Sách: Giải có thể có những tác phẩm dở, nhưng không bỏ qua những tác phẩm hay.

Một buổi tối, ông Khải ngồi bảo những người chung quanh xướng hộ những tác phẩm văn xuôi lên, nhờ tính hộ: à, còn ông Lê Khâm nữa, tay này gần nghìn trang ghê  lắm - Thơ trẻ được Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật. Xuân Quỳnh hơn Bằng Việt chứ. Cả Hội nhà văn bảo hơn - Văn xuôi thì Phù sa. Đúng là một tập truyện có nét mặt đấy, còn hơn nhiều tập khác. Và lại cần kết luận thẳng thắn một chút: những năm qua thật không nhiều màu sắc và không có những tác giả trội lên, như hồi 30-45 thật. 17 năm. Tính từ 1954, văn chương của mình trên chuyển hơi chậm thật. Những tác phẩm được, thì cũng là những tác phẩm tài hoa, mà không phải là một tác phẩm có sức lay động.
Rất ít khi, những người ở tạp chí VNQĐ ngồi bàn về thơ. Không hiểu vì sao, có lẽ vì thơ tạp chí không hay.
Chỉ vui là bàn về thơ của những người khác, ví dụ như những người ở ngoài tạp chí, ở hội nhà văn.
Một buổi tối, chúng tôi nghĩ đến Ánh sáng và phù sa, đúng là sự thức tỉnh của một thiên tài. Trong các ông tiền chiên, Chế Lan Viên là người duy nhất hồi sinh  -- Nguyễn Khải nói.
Nhị Ca: Xuân Diệu chết mà xem, bao nhiêu thơ của ông ta hôm nay cũng in lại hết...
Nguyễn Khải kể: Hôm nọ Tế Hanh bảo tôi ông bao nhiêu quyển, 11 quyển hả? Tôi từ đâu đến giờ cũng được 11 quyển. Nếu hoà bình, tôi sẽ có một tập mới tinh.
Tình yêu, sự tự hào nghề nghiệp. Bao giờ ở những người viết vẫn còn cái đó, họ vẫn viết được.
Khải lại về ông Tuân
- Cái ông ghê thật. Có buổi ông ấy ngồi hỏi rất kỹ thằng Phan Hồng Giang về cái nghĩa địa Novodêvit ở Mạc Tư Khoa, ông ấy hỏi kỹ chuyện người con gái ở Hà Nội, chuyên môn đi đào những mả người mới chết lấy đồ đạc. Văn chương mà đến thế, thì chắc ma quái lắm.
Đọc lại, thấy những thứ văn chương cụ Tố cứ nhạt phèo đi. Không có tư tưởng. Còn xem văn chương ông Tuân xem!
(Nhàn) Đọc văn Nguyễn Tuân như vào một ngôi  đền cổ  như đi thăm viếng một dấu tich thời gian. Những thứ như được khắc trên đá rồi, không sao quên được.

Ng Khải: Tháng 11/72 này mấy vị đầu trò đang lo làm tuyển tập cá nhân. Chủ yếu là các ông trước cách mạng. Và không phải ai cũng tuyển. Sau cách mạng chỉ có tôi và Hoàng Trung Thông.
Như thế đủ hiểu cuộc cách mạng mình như thế nào. 25 năm sau cách mạng, những tài năng chủ yếu vẫn là những người viết trước cách mạng. Thống trị Hội đoàn, thao túng cả một nền văn học cũng họ.
Còn như trong xã hội. Rặt một thứ quan niệm phong kiến, lối cư xử phong kiến thống trị mượn màu cái mới đè nặng lên cả cái mới.
Một người nghiên cứu ở Sài Gòn cho rằng sáng  tác của  Nguyễn Tuân là không đứt đoạn. Cái quán xuyến trong ông vẫn là chủ nghĩa tự do. Một chút gì pha – na -- tích thấy trong Sông Đà (tả nhà Đèo Văn Long)... Chỗ nào ông bàn về chính trị, thì đều không có khí sắc.
Một điều chắc chắn: Cuộc đời những người thế hệ trước chuyển sang là nhiều màu sắc hơn cuộc đời lớp thanh niên hiện nay.

Xét kỹ hiện tượng Chế Lan Viên  
- Nhân danh suy nghĩ, trí tuệ để khuyên người ta đừng suy nghĩ, nói theo cấp trên.
- Nhân danh những cái lớn lao Đảng, Tổ quốc, nhân dân để mưu cầu những quyền lợi thấp hèn.
Đó là một loại cấp dưới đầy tài năng, nhưng bởi vậy, lại trở nên một loại công cụ  lợi hại.
 Khải: Cái ông Chế nói bao giờ tôi cũng thích nghe.
Bàn về giải thưởng, có người nói cũng chẳng đâu vào đâu. Chế cho luôn một câu
- Ừ thì chẳng đâu vào đâu. Nhưng cũng được cái lời bàn. Được dịp nói cho thoả thích. Thế mà không được à. Như câu thơ của ông Xuân Diệu: Chính là đường vào chùa Hương còn đẹp hơn chùa Hương nữa.Thế là mọi người phải nghe ngay.Đúng ông ấy nêu lên cái sức mạnh này: sức mạnh của trí tuệ. Cái vốn tri thức của tay ấy ghê lắm. Cho nên, mình vẫn thích nghe. Bây giờ thơ thì tôi thích đọc Chế Lan Viên mà văn thích nghe cụ Tuân.
Lói nói ông Tuân có một cái gì đó rất hoạt (Ông ấy đọc ghê lắm. Hồi ký Khơ – rút - xốp mà làm gì. Đã có hồi ký của Kít - xing - giơ kia kìa).
Nói chuyện với ông Tuân, lắm lúc vẫn cảm thấy mình khờ khạo. Mình nghĩ chậm. Ông ấy hoạt lắm.


22/11
Tôi ghi lại đây mấy nhận xét của Nguyễn Minh Châu khi đọc lại Sông Đà
- đọc Sông Đà thấy đúng là ông Tuân thật. Ông này ông ấy giỏi viết về cái gì về nghệ thuật, về thời bình, những cái gì về thanh sắc.
- ông ấy viết được về Tây Bắc, vì Tây Bắc đẹp, Tây Bắc là một hiện tượng nghệ thuật. Ngay viết về đường, ông ấy cũng lấy tiêu chuẩn một cái gì đã hình thành mà xét
- ông Tuân viết về Sông tuyến không ăn đâu. Sông tuyến lại là vấn đề chính trị.
Viết về chống Mỹ cũng không ăn.
- những lão như lão này là thuộc những đề tài sang trọng, những đề tài đã chín mùi đi rồi. Mấy năm chiến tranh, ông ấy không viết được, là tội của chính trị. Những người như ông ấy bây giờ hiếm lắm.
- tôi ngồi tôi đọc cái Xoè. Văn chương toàn câu rất dài, không có những đại danh từ. Viết thế dễ thành khoa trương. Bọn miền Nam bây giờ viết thế, lại cỏ giả, nhịu, ông này ông ấy không nhịu đâu. Cho nên đừng ai có bắt chước văn ông ấy mà chết.
- ra ông Tuân nhất vẫn là cái Sông Đà. Cái đó nó mang tâm sự của ông ấy sau cuộc đấu tranh chống nhân văn, lại gặp cảnh đẹp mỹ lệ của Tây Bắc nữa. Ông đã mang cả cuộc đời ông vào đấy. Đọc những câu: Đoạn Sông Đà chảy giữa hai bờ hoang sơ. Từ những đời Lý đời Lê đến giờ sông Đà vẫn như vậy -- lắm lúc mình cứ thấy rờn rợn.
Ông Tuân ông ấy viết, mà cứ như là đang nói chuyện với thần tiên, với những người khác. Mình chỉ còn là một  là phàm tục đứng nghe.
- Nhưng cũng có nhiều chỗ một trang văn chương lại một trang về Đảng. Những chỗ ông ấy cũng bốc!
- Đọc văn Nguyễn Tuân luôn luôn cảm thấy hình thức đứng ra thách thức với nội dung. Luôn luôn cảm thấy ông ấy viết rất đặc biệt, mình không thể nào bắt chước nổi. Trong cái câu mà mình viết, thường vẫn là có những chữ, mà mình có thể sửa chữa, thay đổi đi được.

4/12
 Lại nói về chuyện giải thưởng 15 năm.
Khải: phen này cũng là lúc, để mình có thể học tập về lâu về dài được. Không phải là chuyện đùa đâu. Người ta cũng có ý thức về công việc của người ta lắm. Ví dụ như có tập văn xuôi của ông Quang Dũng chẳng hạn. Phen này không biết chừng được giải đấy. Nhiều ông sách ra sách vào tới tấp như ông Tô Hoài, bây giờ người ta đang lưỡng lự, chẳng biết chọn quyển nào cả. Ông Hồ Phương, tổ trưởng tổ văn ư - mo phú hết. Trong khi đó, một cái thằng lơ láo ở đâu nó cắp chiếu đến, như Nguyễn Minh Châu, thì 2 quyển sách của nó lại cứ lù lù ra đấy, chẳng ai gạt được.
- Chính tôi nhiều lúc tôi còn "mặt trận" hơn ai hết. Chứ các ông ấy làm việc đúng là các ông ngự sử! Nxb Văn học nó cậy có uy tín nhất, đưa ra một bản đề nghị. Nguyễn Huy Tưởng - Không, chỉ biểu dương Sống mãi với thủ đô. Tô Hoài không, chỉ biểu dương Miền Tây. Nguyễn Đình Thi chỉ có Vỡ bờ tập 1, mà cũng còn phân vân giữa giải thưởngvà biểu dương. Còn như Nguyễn Tuân: Sông Đà - biểu dương.
- Nguyễn Tuân phải xem lại thế nào chứ? Nguyễn Khải nói.
- Thế nào thì thế, cứ trông ở tác phẩm, ông ấy cậy ông ấy là nhà văn lớn, ông ấy mang cả sổ tay của ông ấy ra, văn chương toàn tài liệu nghe báo cáo cả. Có phải là cứ thế mà thành văn chương đâu.
   Về Nguyễn Công Hoan, tôi đưa ra Hỗn canh Hỗn cư. Các ông ấy cười. Chỉ viết tên Nguyễn Công Hoan, rồi để một dấu hỏi to tướng ở đấy, để cho ban chung khảo. Phen này là bương hết. Hồ Phương Kan Lịch không, may ra cái Cỏ non còn có tính chất văn học. Nguyễn Ngọc Tấn, những truyện ngắn viết hồi ở ngoài này vứt đi cả. Người chết, người đi chiến trường, những cái ấy để ra ngoài hết. Đây chỉ xét về mặt văn học. Những truyện của ông Tấn, toàn li - rích (trữ tình) như thế cả, đứng sao được. Nguyễn Kiên, Trong làng với Đồng tháng 5 ư, sổ tất. Bà Vũ Thị Thường còn giả hơn ông Nguyễn Kiên nữa kia,  nhưng là nhà văn nữ duy nhất được nói tới. Huy Cận có quyển Đất nở hoa, nhưng chả ai biết nói thế nào thêm nữa, vì nó cũng chỉ đến vậy mà thôi.
Mỗi Nxb giới thiệu một ít sách đến cho Ban giải thưởng. Hôm qua đi họp, thì nhắc đến Nxb Lao động. Trước đây, ông Nguyên Hồng đã tuyên bố: thôi, tôi là người đầu têu cái nền văn chương công nhân đó, tôi đề nghị thôi thôi.
Nhưng vẫn phải đọc.
Thế mới biết, chính là nhiều tay ngự sử văn học ở ngoài này.
Tôi – VTN - nói một cái ý  đại khái là các ông nhà văn cũng chỉ loay hoay làm theo cấp trên.
- Không, ông đừng nói thế. Đúng là có nhiều mặt, các ông ấy cũng bạc nhược. Nhưng cũng có rất nhiều mặt, các ông ấy rất ghê chứ không vừa đâu. Đây ông xem, như quyển Quang Dũng: Chính mồm ông Chế Lan Viên nói ra với tôi, chứ không phải ai.
... Buồn cười, hôm nọ, có ông mới bảo: Bây giờ hỏi lại cấp trên xem có phải là có thể đặt các quyển Hồi ký cách mạng ra ngoài không.
Ông Chế Lan Viên cho ngay một câu: Thôi, thôi, cái gì mà cấp trên đã nói rồi, thì ta cứ thế mà làm. Đừng hỏi lại nữa. Hỏi lại, trên lại thay đổi ý kiến, có phải mình phiền không. Mà ai bảo đảm rằng ý kiến trên không thay đổi?

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn