VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Chuyện quanh Hội nhà văn hồi trước 30-4-75 -- tiếp hai kỳ trước

Năm 1969, ông Chế Lan Viên rất khen bài của tôi về thơ trẻ. Ông bảo tôi làm đơn vào Hội, ông nói giữa đông anh em hẳn hoi. Đến hội nghị gần đây, ông nói toáng lên ông Vương Trí Nhàn cứ khái quát vung vít - rằng thơ hiện đại trần trụi đi. Thơ có cởi trần đâu. Thơ cũng mặc áo chứ.
Năm 1970, ông khen bài một bạn về lực lượng thơ trẻ, dù không đăng. Năm nay, cũng bài ấy, lúc thông qua bài. có bao nhiêu điểm, ông bác hết.

Ông Chế của chúng tôi là thế. Đầu năm 1972, ông  lại về làm Tổng biên tập Tác phẩm mới. Cái tạp chí này cũng khổ, thay đổi người phụ trách luôn. Ông Hoàng Trung Thông: mỗi số 5, 7 bài đọc sách vào. Ông Tô Hoài còn hăng hái. Còn ông Chế Lan Viên bây giờ khác hẳn: Ta không làm nhũng bài lý sự như tạp chí Văn học -- làm thế ta không bằng họ.
Chủ yếu bây giờ, ta đi vào những chuyện bếp núc trong văn chương.
...
Trong những khi thay đổi người phụ trách, phần phê bình là bị dày vò nhất. Bao giờ người ta cũng có những sự thay đổi chủ kiến.
Bằng Việt chuẩn bị thơ xong, đến lúc ông Chế Lan Viên về, lại phá đi.
Bằng Việt: có phải là báo của mình đâu mà mình lo.
Và trong văn nghệ, có chuyện cây đa cây đề thế này nữa. Là Nguyễn Huy Lư viết một bài về giới phê bình. Và viết được. Nhưng mấy ông thấy không nên để tên Lư. Lại gạ ông Như Phong nhưng ông ấy không nghe.
Bùi Bình Thi:
Ông Chế Lan viên có cái phẩm chất là phẩm chất tiêu diệt mọi người. Lão ấy nói xuôi nói ngược thế nào cũng được, nhưng mà có thể nói làm hại mọi người, lão ấy cũng không thương tiếc.
Người đã trồng lên, đánh đi bao nhiêu thứ.

Ông Tô Hoài thì được cái trong sự loanh quanh vẫn có chỗ thẳng, không bao giờ ông ấy xoa dịu ai hết. Bao giờ cũng nói đúng những điều mình nghĩ, không có thì thôi.
Nguyễn Đình Thi đén VNQĐ kể: Anh Tô Hoài rất biết điều. Những năm chiến tranh phá hoại, anh ấy biết anh ấy dát, anh ấy nói thẳng ở hội nghị, rồi anh ấy đi lên Tây Bắc, viết Miền Tây thôi.
Bên cạnh Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan đúng là một hào lý đáng ghét.
Vũ Cao: Giữa Nguyễn Đình Thi và Tô Hoài, nhiều chỗ khác nhau chứ không đâu. Tô Hoài có coi ai ra gì đâu? (ông ấy đi họp không nghe ai hết, nhưng nhờ ở nhà chuẩn bị rồi, cho nên có phải chủ trì, nói cũng đúng.)
Còn ông Nguyễn Đình Thi kể ông ấy quý nhiều người đấy. Nhưng ông ấy không khỏi có lúc tỏ ra là hình thức quá. Cái ấy không được, nhưng mà mình cũng biết vậy.
Qua vụ ông Nguyễn Đình Thi với một cô phát thanh thấy rõ ông ấy viết văn... y như ông ấy viết thơ tình. Tức cũng là đủ thứ tán tỉnh.
Nhưng mọi người chỉ thấy có chỗ dại, người thế mà lại đi viết những chuyện chính trị trong thư. Ngoài những đoạn nhớ vô cùng...các thứ, thì có cái ý
- Anh không đến em được, vì phải đi nghe ông Tố Hữu giảng đạo.
Nguyễn Khải: Bây giờ người rụt vòi lắm rồi. Họp thường vụ, toàn những người quen, mà có nói gì, thì cũng một điều anh Lành, hai anh Lành, không hề ho he gì, cái ông  Nguyễn Đình Thi này có cái tài là tài nghe những ông trên một cách rất cởi mở, cứ y như đang ngước lên mà nghe, dù ông ấy không nghe gì cả.

Có một loại nhân vật văn nghệ: những nhân vật ở miền Nam, gắn với cuộc chiến đấu miền Nam, cả ở ngoài này vào, cả ở trong kia.
Về lực lượng văn nghệ giải phóng.
Ở miền Bắc vào sớm nhất có Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành, Anh Đức...
Giờ đây, Nguyễn Ngọc Tấn chết (trước đó: không thèm chơi với ai, ở riêng một xó rừng, 2 lần định tự tử. Đau khổ với cái loại  Trần Độ, Văn Phác rất lâu. Chán. Bây giờ đề cao, cũng không coi ra gì..
Nguyên Ngọc trở lại những suy nghĩ của người kháng chiến chống Pháp.
Một nhân vật nổi tiếng một thời là Trần Đình Vân. Ông này là nhà báo cũ. Quyển Sống như anh ra đời, chẳng qua là do các ông trên lăng - xê lên. Bây giờ mới biết tên quyển sách là do Phạm Văn Đồng đặt cho.
Giờ đây, nói tới ông Trần Đình Vân, Nguyễn Khải hay kể đó là một người giỏi giả vờ, ra cái điều một người không quen nổi tiếng, xấu hổ ngượng ngùng, một cách không ra sao cả.
Người làm việc được, chỉ có Lê Khâm. Ông này lại lẫn đi, sau một hồi làm giám đốc Nxb Giải phóng. Quyển Má Bảy, trên góp ý kiến chữa chạy, cho nên không ra sao cả. Quyển Mẫn và tôi  khôn hơn. Nxb Giải phóng lên kiện Nxb Thanh Niên, ông Tố Hữu phải có ý kiến.
Ông Anh Đức viết Hòn đất. Tố Hữu: Hòn ngọc. Rồi làm um lên. Nhưng người ta quên cả. Giờ đây, ở trong kia, khu giải phóng bị quây chặt, không ai đi đâu cả. Anh Đức định viết một quyển 700 trang, không đủ thực tế để viết.
Những ngày gần đây, văn nghệ đang gọi dần ra. Khổ một cái, là văn nghệ không đi đâu được. Như cố vào Sài Gòn, vào không trốn cẩn thận, nó bắt đi lính nguỵ.
Cuối cùng, những ngày gần đây. Xuân Vũ hàng địch, lên đài.
Có một lớp trẻ Thu Bồn, Liên Nam, những gã muộn mằn từ kháng chiến chống Pháp, ra đây, rồi quay vào, và cũng chẳng làm gì nên hồn. Bây giờ quay ra dở dang, ngồi ở Hà Nội mà thắc mắc.
Nguyễn Khải: Việc gì phải đưa văn nghệ vào. Văn nghệ là ở cái nơi nào, nó sinh ra ở nơi ấy, Chứ còn như cấy vào, cũng chẳng bao giờ được cái gì.
Tôi dự định từ đã lâu, nhưng vẫn chưa sưu tầm được những tài liệu cần thiết về Nguyễn Khoa Điềm. Một mặt, thì cái tích lũy được trong thời gian ở ngoài này, đang phá những cái cũ của những người nằm vùng trong đó. Nhưng mặt khác, thì chính Điềm lại bị họ thuộc đi, bằng chứng là thơ của Điềm ngả sang kêu gào. Một thứ bi kịch trong con người, ví như Nguyên Ngọc. Cũng vẫn rất hiện đại trong những ý kiến của mình, nhưng có nhiều mặt, lại trở nên lạc hậu.
Từ trong mịt mùng rừng núi có người như Lê Văn Thảo bảo: Văn nghệ chúng ta cưỡng tự nhiên lắm. Chúng ta chưa hiểu gì về trí thức cả...

24/9
Những người văn nghệ sĩ luôn luôn là một thứ phong vũ biểu của thời cuộc với nghĩa họ rất  nhạy bén.
Liên xô, Trung quốc, người ta không ủng hộ mình như mình mong muốn, mà trên nói không tiện.
Thì lại thấy Chế Lan Viên có Hè 1972, bình luận. Lại thấy Nguyễn Tuân viết một bài ký gì đấy cũng chửi họ.
Chính Vũ Cao nói: Mình đọc cái đó, mà cũng buồn.
Xuân Quỳnh: Cụ có vẻ hí hửng, vì người ta chụp cái ảnh cụ đội mũ sắt, đăng lên trang nhất.
Cách làm của mình là thế, là làm cho những người có tâm huyết nhất, rồi cũng sinh ra hèn!
Lại những ngày học chính trị, những ngày kiểm điểm.
Bùi Bình Thi kể Tô Hoài bảo có nhiều vấn đề tôi không thấy thoải mái, tôi mà nhìn mọi người làm vừa lo.
Đấy một cái phía nghệ sĩ của ông Tô Hoài là ở chỗ ấy đấy. Là cái lão ấy không chấp nhận được những cái mới của CNXH. Là cái lão ấy toàn lo dựng lại những cái trước đó cả. Dựng lại Cải cách ruộng đất, dựng lại Dân chủ nhân dân. Nói chung, ba cái ông nhà văn rất khôn ngoan. Chỉ có những tay làm thơ là dại thôi. Cứ đi ca ngợi văng mạng cả lên.
Nhưng tình hình chính trị biến động, ngày càng có biến động lớn. Đã biết rằng những người làm văn nghệ cũng có thể do dốt nát mà lầm lỡ, tuy vậy, chúng tôi vẫn cứ thấy buồn cười. Như buồn cười nhớ lại bài thơ của Phạm Hổ: "Kính chào Ni – ki - ta sứ giả của hoà bình/ Mắt như bồ câu và áo như trời xanh"
Những ngày này, tôi đọc lại Những ngày nổi giận, và cũng thấy buồn cười cho cái ông Chế Lan Viên về những bài ca ngợi Trung quốc hồi đó "Các đồng chí là những người có lý. Các đồng chí là những người bảo vệ Mác-Lê".
Tôi cho rằng ở đây không thể lấy lý mà suy. Nhưng là người viết, người ta phải có cái mẫn cảm về những sự phải, trái, để đừng có làm liều. Mẫn cảm về một cái gì trung thực của đời sống. Về những điều tốt đẹp mà mọi người chỉ đoán nhận. Chính mẫn cảm đó làm cho người nghệ sĩ như là tiên tri được một số vấn đề lớn, và giải quyết đúng một số trường hợp cụ thể.
Khi viết, nhất là viết trong sự tuyên truyền hiện nay, sẽ có những điều người viết phải tạm xa lánh sự thực. Trong trường hợp đó, nên im lặng là hơn, im lặng chứ đừng nói ngược.

4/10
Nhưng mà ở đây còn những chuyện quan hệ nội bộ. Khi người ta rất giống nhau mà ở cạnh nhau, thì sụ bao dung là một nhu cầu có thật. Nhưng xét về tư cách, nhiều chuyện tồi tệ quá.
Báo Văn nghệ  tự nhiên đăng một bài đả bài thơ của Xuân Quỳnh Một vùng cửa sông . Phê phán nào là tình cảm tiểu tư sản, nào là lấy chuyện cỏ rả ra mà nói... vv... Bài đăng ở mục công chúng với văn nghệ - nhưng Xuân Quỳnh kể, do Phạm Hổ và Vũ Tú Nam bảo nhau viết.
Đăng xong, rất nhiều người phản ứng. Báo Nhân Dân họ cũng chửi. Còn như Đỗ Chu, Đỗ Chu đến tận toà soạn chửi cho một trận. Ở dưới quần chúng, lập tức có người ủng hộ toà soạn. Và người ta phải lấy cái đó, để làm luôn cái bùa hộ mệnh. Đấy, quần chúng phẩn ứng đối với bài của cô như vậy đấy -  Vũ Tú Nam là người lãnh đạo rất cổ nói vậy. Thường Xuân Quỳnh tin cậy, đưa cho ông xem một số bài thơ. Sau ông có thể nói là phản thùng, mang những bài thơ đó đọc trước chi bộ mà cứ nhơn nhơn như không.
Một hôm Xuân Quỳnh được ông Chế Lan Viên gọi vào. Họ làm cô ghê quá. Tôi thấy không ra sao cả.
Nhưng ít lâu sau thì Xuân Quỳnh nghe tin chính ông Chế Lan Viên là người bày mưu cho Phạm Hổ viết bài, và Chế Lan Viên còn cung cấp tài liệu cho Phạm Hổ, Vũ Tú Nam nữa.
Xuân Quỳnh: Tôi thấy cái ông ấy không ra sao cả. Lúc nào ông ấy cũng dặn tôi: "Cô phải cố, không có dính dáng gì đến những vấn đề chính trị cả" Ông ấy nói rất thật. Nhưng mình lại nghĩ khác, chính trị mình hiểu khác.
Chẳng những Chế Lan Viên mà những người khác cũng vậy. Chuyến đi đảo cuối 1970, Xuân Quỳnh đi với Đào Xuân Quý, Nguyễn Thành Long, một lần đi giặt, Xuân Quỳnh để nhật ký lại trên bàn trong đó có ghi một ít kỷ niệm về một bạn trai. Hai ông kia xé lấy. Về (Xuân Quỳnh  kể) tôi cứ run cả lên, mồ hôi ra ướt hết cả mấy lần áo ngoài... Vậy mà các ông ấy vẫn chối không. Sau các ông lấy đó làm tài liệu nộp lên cho ông Tế Hanh trưởng tiểu ban thơ.
Và người ta bảo rằng đó không phải chỉ là chuyện đối xử riêng với Xuân Quỳnh. Đó là chuyện của nhiều người khác.


Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn