7/7
Sao tôi vẫn không sẵn sàng ở với một vùng rừng núi. Giá có phải chọn thì tôi không ưu tiên lựa chọn nó. Rừng núi Cam Lộ tôi đứng hôm nay, phơi ra cái mênh mông một vùng lì lợm. Rừng núi có che tầm mắt người ta thì mới là hợp lý. Người ta có thể quên nó đi. Người ta không bị nó vây ép - trả nó cho hư lãng là chuyện dễ hiểu. Đằng này đồi đất rộng rãi quá, đồi không cao, nhưng đồi nọ đồi kia liên tiếp và đằng sau nó là núi trùng điệp, đằng sau nó là hiểm trở và những hiểm trở ấy kéo dài vô hạn. Ở ngoài kia, nghe nói có đén mấy F ở Quảng Trị thấy đã nhiều, nhưng vào vùng rừng núi này, thấy không thấm thía gì.
Tôi trở lại nhiều vùng mà năm ngoái đã đi qua, một thứ không khí chinh chiến mà
tôi đã từng cảm thấy nay càng dày đặc. "Hoặc là rất nhiều hoặc không là gì
cả" - Cái rất nhiều lại đã thuộc về hôm qua, hôm nay đây, mọi con đường đều
vắng vẻ, một chiếc xe Zép lùi lũi trên đường, mà đường đất thì miên man vô tận,
đường trải dài, những con đường kéo lê đi trên mặt đất, rồi lúc sau ra đến
đường 9 thì đến những chiếc xe tải cũng bị nuốt đi... Đất mênh mông thế, mà lại
cằn cỗi.... Mấy người lính trên xe cứ xuýt xoa: Đúng, thấm thía lời chính uỷ
Quân khu “mảnh đất mà hôm nay chúng ta đứng, đã bao nhiêu đồng chí hy sinh,
chúng ta vừa là người gieo hạt, vừa là người hái quả" Nhưng tôi lại cứ
nghĩ sang một mạch khác, tôi nhớ câu thơ
của Evtouchenko: Như thế thì có đáng không, có đáng không?
Mấy chuyện mới nghe
Người lính Sài Gòn thích những kỷ
niệm, thích những gì đáng nhớ của quá khứ (bao thuốc lá).
Còn lính ta, lại tỏ ra bất cần.
Người lính giải phóng hay tỏ ra đàn
anh, trịch thượng.
Vận động chung, ta làm không sắc
bén bằng vận động riêng 1, 2 người
- Lính ta hay xù lông tranh cãi,
rất nhạy bén trong việc phải đấu tranh. Người lính bên kia sẵn sàng làm cái
việc theo ý mình. Họ không có ý thức: có bị lợi dụng hay không?
- ở L Q, trưa hè ngủ, nóng thế mà
lính ta vẫn phải đắp chăn. Nếu không dạy, đầy những cát phủ lên người.
- Lính ta hay đấu lý với lính Sài
Gòn (có đêm, nằm tranh cãi đến 2g sáng) Người bên kia dân thành phố, không dùng chữ nghĩa
chính trị, nhưng vẫn nói ra ý nào ra ý ấy. Và ai là Sài Gòn chính cống dễ nói
chuyện hơn.
Hẹn giờ có khi sai hẹn – họ theo
giờ Sài Gòn, ta theo giờ Hà Nội.
Một cán bộ C bảo giá năm 1954, chỉ
bảo 10 năm sau mới thống nhất đất nước, đã không ai tin.
Hồi ấy chỉ nghĩ 1, 2 năm.
Nhưng bây giờ thì lại càng không ai
trả lời được là bao giờ thì thống nhất. Bao giờ? Được một mảnh đất như Quảng
Trị này, mất 13 năm, được cả trong kia, cứ thế nhân lên, bao nhiêu không biết.
Hồi trước, cứ nghĩ đời mình sẽ thấy
chủ nghĩa cộng sản. Bây giờ, đời mình có thấy thống nhất không, cũng không dám
chắc.
Chỉ cần nhìn qua một gia đình người dân Quảng Trị, đã cảm
thấy một cách sống người ta quen từ mấy chục năm nay. Người đàn bà chưa đến 30
đã 4 con, ngực phơi phóng dãi dề sau lần áo, người mặc áo ny lông, cả người như
dúng nước. Nhưng nét mặt và dáng điệu thì như trẻ con. Tóc cắt ngắn, nét mặt cứ
tưng tưng lên, hay cười, một nụ cười rất ít trí tuệ, nhưng lại cởi mở. Chị ta
đi lại trong nhà huỳnh huỵch, quát con, mắng con, một cách rất là không có ý
tứ, như người đàn bà miền Bắc, người đàn
bà của một xã hội có ý thức như trại lính. Phải cái, người ta sống quen bằng hàng
hoá mua nơi khác về, rau không biết trồng, có vặt ít ngọn rau dền thì cũng vặt
tiệt mọi thứ. Và thế mà người ta đã lớn lên trong những năm chiến tranh, riêng
năm 1972 ra Vĩnh Linh vài tháng, lại trở vào sinh sống.
Tôi
rất xúc động trước những bằng chứng rõ ràng về lòng dũng cảm, tính kiên trì và
sự đau khổ của nhân dân Việt Nam. Và trước hết, tôi rất xúc động trước sức mạnh
sinh tồn của họ. Sức mạnh này dường
như bắt nguồn từ sự kết hợp trí thông minh, tài mưu lược và lòng tự hào. M.
MacCarthy
Đọc những dòng trên tôi muốn nhớ
hai chữ sinh tồn. Người phụ nữ Quảng Trị đây cũng sinh tồn, dù lay lứt,
đến không còn cảm giác đau đớn nữa.
Đây đa số vợ lính cả. Nhưng không nên hỏi.
Hỏi họ đâm lúng túng ra.
Không, bây giờ họ cũng không còn ngượng nữa rồi.
... Chúng ta thì chúng ta luôn luôn đau khổ vì những gì là tai tiếng, danh
dự, chúng ta ràng buộc nhau cũng là vì thế nữa. Còn họ phớt hết. Nhưng cả hai
bên, cũng lại đều là những cách sinh tồn khác nhau.
Nhiều gia đình nơi đây lợp nhà bằng những thứ tôn vá víu, miếng cũ, miếng
mới. Ống lựu phóng đựng nước. Và trước cửa, nơi hàng giọt ranh, là hàng nắp
những ống phóng đó, để thành dãy cho khỏi giột.
Kiến trúc nhà cửa ở Quảng Trị khá thực dụng dù theo tinh thần hiện đại.
Nhưng khi người ta làm miếu thờ, thì tường vàng vôi xanh, màu sắc sặc sỡ đường
nét rối rắm, rõ ra không ai hiểu được mình thờ cái gì cả, không thuộc, chỉ thấy
cần phải dựa cậy, nên thờ vậy thôi.
Một người dân kể trước Cam Thanh đây có 5 lớp học, nhưng có 2 thày giáo,
dạy từ 7g rưỡi đến 10 rưỡi, trẻ đi học ít, con cái chỉ học qua loa rồi còn về
đi làm. Vấn đề đi học ở đây không được như miền Bắc.
Có chuyện đó, có chuyện học hành. Và có cái gì mà cách mạng mang lại: tự do
đi lại, tự do đi học. Cách mạng trong thời buổi hiện nay ở Quảng Trị, người ta
biến báo với những phương tiện hiện đại, nhưng dường như mọi chuyện vẫn là theo
nền nếp như cũ. Cách mạng giải phóng những gì đơn giản nhất, nhưng lại không
dẫn đến được những gì cần thiết. Cách mạng mở đường cho số đông, nhưng không sử
dụng được số ít, cái số ít có tài năng, không mâu thuẫn với số đông mà chính là
phần đột xuất nhất của số đông.
Chợ Quảng Trị: Chợ Cùa, bộ đội chờ xe cho dân đi chợ. Dân chỉ kêu hàng đắt
quá: đường trước kia 0,7, nay 2đ3, mì chính 6đ, trước 2 đ. Rau, họ ăn cả cây
hoa mười giờ (nhai ròn ròn) Bộ đội anh nuôi chen bật cả dân đi, sau phải lùa bộ
đội đi, cho dân mua.
Tín kể về chuyện cố trụ ở cái thành cũ
Hồi ấy, đứng bên này sông nhìn sang, khu thành trông hơi ghê rợn. Không
phải chiến tranh ồn ã đâu, lại vắng lặng mới sợ. Vài tiếng súng đì đẹt. Địch
bắn lên một thứ pháo hiệu, ánh áng nhờ nhờ, vừa rơi vừa kêu vít vít, như
một thứ tiếng vịt kêu. Lại nữa, dọc bờ sông, mấy cây phượng bị bom lân tinh,
đêm cứ cháy lên thứ ánh sáng ma quái, cả thân là một vệt lửa lom đom, càng trên
ngọn càng đậm, nhưng vẫn là lom đom... Bộ đội tập trung qua sông. Địch quen
đánh vào chập tối, và gần sáng, nên bộ đội thường vượt vào khuya, các cậu lính
rất dại, có cậu còn chưa bắn viên AK nào, đến đây là bơi qua sông - bơi trong
pháo bắn. Anh nào biết anh ấy, có khi đang bơi thấy thằng khác kêu ối, cũng mặc
kệ. Khối thằng chết oan. Thường cả đại đội sang, mỗi thằng chui vào một chỗ
nấp, đến hàng tuần sau đại đội mới tập họp được. Rồi cũng lên thành cả. Trên
ấy, chỉ toàn có ăn lương khô, nước rất thiếu, cậu nào có việc về phía sau, lúc
lên lấy được bi đông nước sông Thạch Hãn là quý lắm. Tôi không ra thành, chỉ
vào hầm tỉnh trưởng, trong đó phía giữa là đội phẩu, ban chỉ huy ở phía trong.
Tôi vào, cũng ra chất quân sự lắm, một góc rất hẹp, có một căn hầm trên có 1
bản đồ, ông thủ trưởng mặc quần đùi, mắc cái võng bên cạnh, ngồi đấy, còn có C
trưởng trinh sát, ông E trưởng ngồi đấy, mà liên lạc với cấp trên, và chỉ huy
các tiểu đoàn. Chúng tôi là dân thông tin, nên cũng nghe được ít lệnh trong máy
- Và đây là ngày cuối cùng: ông Thơ báo cáo về sư trưởng, nói rằng 11 lính của
nó đã vào chốt, ta không làm sao mà đẩy ra được. Ông Du bảo: cứ yên chí. Tôi
cho pháo bắn, xua lính nó ra. Nhưng làm gì có nhiều pháo, hồi cấp bắn một vài
viên, chứ bắn nhiều phải được lệnh của Mặt Trận. Rồi tôi thấy súng nổ mạnh về
phía thành cổ một cách khác.
Thường có cả hướng súng bắn thẳng sang phía này, xưa nay chưa từng có. Lính
ta bỏ ra, lính T7 địch sang tiếp, nhưng không kịp. Nghe đâu hồi ấy, lính bỏ mất
nhiều súng quá, K33 nó cũng vứt, chỉ có AK là nó giữ. Thì đến ăn uống, nó cũng
chỉ toàn có lương khô. Cơm nắm vài hôm mới được một thuyền cao su chở sang, nếu
gặp phải từ trường thì cũng vứt. Sau khi rút khỏi thành, lính thở phào: Còn
thành, còn chết. Có lần sập 1 hầm ở gần dinh tỉnh trưởng, nghe tiếng kêu 2 cậu
chạy ra cứu, tan xác ngay. Không ai dám cứu nữa. Thương binh, C trưởng phải áp
lệnh, lính mới ra lấy. Càng nhiều thằng trẻ vào, càng nhiều thằng bị, mất thêm
thằng khác đi làm thương binh tử sĩ.
Rút ra ngoài, phải học chính trị. Trên
hỏi: Rút Quảng Trị là ta thắng hay thua nó. Chúng tôi tranh luận mãi. Trên bảo
thắng, nhiều thằng nhất định bảo thua.
Một lá thư
Trong những lần tiếp xúc với các anh, hình dáng và ngôn ngữ của các anh, đã
ghi lại trong lòng em, cảm mến sâu sắc... các anh đã dành cho em sự dìu dắt và
thương mến của một người anh đối với một người em thật nhiều.
Hơn 20 năm chiến tranh, người người đều mong muốn thanh bình để khỏi phải
thấy cảnh nhà cháy, bom rơi, chồng vợ chia lìa, huynh đệ tương tàn... Em mong
một ngày nào đó thanh bình để đi thăm Hà Nội với 36 phố phường, thăm cầu Hạ
Long, thắm biển Đồ Sơn. Ngày đó các anh và em tha hồ nói chuyện sẽ không còn
ngăn cách bởi hàng rào kẽm gai sắc lạnh.
Mến các anh, thiệt nhiều nhưng không nói được trong những lần nói chuyện.
Giờ thì em sắp xa các anh, chỉ gửi tâm tư vào trang giấy này để các anh hiểu
thôi. Viết ít mong các anh hiểu nhiều.
Cầu chúc gia đình các anh mạnh giỏi, em cũng thế để kỳ mai xum họp.
Sông Thạch Hãn ngày........
Có thể viết gì về cái tình thế hoà hợp hiện nay, hoà hợp ở trên đầu tuyến.
Tôi nhớ lời Nguyễn Minh Châu: "Căng quá, mình chỉ lên một ngày"... Tôi
tụ nhủ như một thanh niên, như một người lính ở đây trong những lúc này, tôi sẽ
viết gì. Chúng tôi ở Quảng Trị có được triển khai ra chăng - Tự hào với
thằng lính địch nhưng đau xót với tình thế chung. Hôm qua có một phần nào của sự
nghèo đói kiêu hãnh, bây giờ là
một sự thất bại cay đắng- kiêu hãnh.
Một ỷ rút từ phim Lửa trong hồ
Việt Nam và Mỹ là 2 xã hội phát triển theo 2 kiểu khác hẳn nhau.
Người Việt Nam thường chú ý tới lịch sử, chú ý tới truyền thống, tới ý
nghĩa.
Khi nghĩ tới thống nhất, người ta không nghĩ tới sự sống chung của
nhiều quan niệm, nhiều phe phái, mà là sự nhất trí quy về một mối. Người Việt
Nam thường không chú ý tới sự phong phú, mà nặng về khía cạnh đồng nhất trong
các sự vật.