VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nhật ký Quảng Trị 1973 - kỳ 1

2/7
Từ Hà Nội vào Vinh- cảm giác của một ngày đi ô tô là cảm giác về một đất nước nghèo.
Quãng Tĩnh Gia, Quỳnh Lưu, cây không xanh lên được, lá không ra lá, ruộng không ra ruộng. Những ga xép, tốc mái, nham nhở. Mà dù có là những mái nhà mới lợp thì trông cũng heo hút, xa lạ.
Những người đi làm về, một anh bộ đội giả phép, một em bé vác một cái cày cao quá đầu người, tất cả đi trên cái con đường tàu hỏa heo hút, trông bơ vơ và xa vắng. Chỉ thấy đồng hoang. Chỉ thấy những lạch quét bùn. Chỉ thấy những mái nhà lẫn đi trong cây cỏ. Lại có chỗ, người ta đốt cỏ, đốt rạ trên ruộng, khói um trên một góc núi. Trên con đường 1, con đường mạch máu của dân tộc đây, sao mọi thứ không phồn thịnh, không trù phú. Tất cả rút ruột. Tất cả như đang chờ đợi một điều gì đó, dù chờ đợi gì thì không biết.

Cái điểm cuối của chuyến đi trong ngày, lại là Vinh, cái thành phố nhiều ô tô hơn người đi bộ, cái thành phố nhiều tính chất quân sự hơn tính chất dân sự, nhiều chiến tranh hơn hòa bình. Nhìn bến ô tô Vinh, không ra bến ô tô nữa. Vinh vẫn như cũ, chỉ là con đường để dẫn đến Bến Thủy.

... Đối với tôi, 6 năm về báo, thì năm năm đi vào con đường này. Nhớ nhất, chuyến đi năm ngoái, cứ mỗi khi đứng ở một ngã ba, rẽ vào một ngách đường bụi đỏ là lại giật mình: đó là nơi những ngày qua mình đã từng đặt chân tới. Lại qua những cái cầu. Đất nước chúng ta vừa qua, không có đâu tiền tuyến, hậu phương, nhưng có những cái cầu mà hễ bắt đầu chiến tranh, là mất ngay từ những ngày đầu! Cầu Cầm, cầu Bùng, bé nhỏ một cách vô nghĩa, quan trọng một cách vô nghĩa, chiến tranh một cách vô nghĩa và bây giờ hiện ra trong hòa bình cũng hết sức vô nghĩa.

.... Thật là kinh khủng, càng đi, tôi chỉ càng nhận ra những dấu vết của quá khứ, không sao nhận ra tương lai, không hình dung nổi từ cái thực tế hiện nay, tương lai sẽ bước ra như thế nào. Đò Lèn, nói thông cầu từ 18-5, mà hôm nay, vẫn phải đi cầu phao. Hàm Rồng cũng vậy. Cả hai cầu chỉ thấy nhiều cờ đỏ, chỉ thấy một thỏa mãn thời gian công thức, mà vẫn không có điều cần thiết: sự hồi phục. Một người hỏi, khi gần đến Vinh: "10 năm nữa, Vinh sẽ tái sinh ra sao" Làm gì có ngày hôm qua, mà tái sinh. Trên đường người sửa đường, người sửa cầu, mơn mơn cái xẻng cái cuốc, vẫn ba ngày kéo một tấm sắt, như người Vân Kiều chọc đất đốt rẫy – khi nhớ ra những người đó lại đầy ảo tưởng, lại rất thông minh, lại đang khao khát hạnh phúc, thì cứ thấy mai này rồi cũng đến thế. Những đứa trẻ đi học về, chẳng qua rồi cũng bước vào con đường của những người lớn.

... Ở Hàm Rồng một hình ảnh Djadja  cười. Đâu cũng thấy on vẫy tay, cười. Mệt quá, mọi người cần an ủi.

.. Ở nhà giao tế Vinh, người ta hay trồng đu đủ sát tường nhà. Và cái hình ảnh cuối cùng tôi nhớ hôm nay, một cây đu đủ bị kích thích, phải mọc với lên, mọc cao mãi để vượt lên nóc nhà. Và bây giờ nó là một cái cây cũng thân, cũng quả, cũng lá, lại được tiếng là kiên cường, nhưng lá thì lơ thơ, quả thì teo tóp. Sao mà nó dài thế, cả thân là một bộ ruột, cái phần chính mà nó phải có, quả và lá, lại rất còi cọc.

4/7

Qua phà Bến Thủy- Sao mà nhiều ô tô, và nhất là nhiều những người đi xe đạp, người đi bộ - Trong buổi sáng chờ phà, người ngồi đen cả cái bến lên xuống. Sau chiến tranh, mỗi người bao nhiêu việc: đi thăm gia đình, đi thăm người thân. Những cô gái làm giao thông trên đường, cũng uể oải cuốc, sửa đường, họ còn bận ngắm những người ra vào, ngắm một màu áo mới, ngắm những bóng dáng Hà Nội, rồi họ bận ngắm chính họ. Cho nên công việc thì nhiều, mà ai cũng uể oải trong khi đó thì đường xấu lại trơ ra cái xấu trong nắng. Nhiều việc quá, có những quãng đường bị bom đánh, trước chỉ lấp cho thành vệt để đi mấp ma mấp mô - nay lại phải cuốc lên, làm lại cho phẳng, trải nhựa. Thế đấy, hòa bình đáng lẽ  là sửa chữa lại chiến tranh, làm lại  những gì bị mất sau cuộc chiến tranh thì lại là tiếp nối chiến tranh ở tinh thần lười biếng bất cần của cuộc chiến.

Kỳ Anh này ngày xưa 2, 3 đồng 100 quả trứng vịt... Kỳ Anh này ngày xưa có nghề làm giò nổi tiếng... Bây giờ thì chẳng còn gì nữa. Bộ đội nhiều quá, thủy sản không cần gánh cá đi, họ đã đến lấy, rau thì bộ đội đứng kín quanh ao, rau không mọc kịp... Những vùng như Kỳ Anh này, muốn như năm 1962-63, còn chán sức.

Sao cái bệ phóng của cuộc chiến tranh, lại là cái mảnh đất khu 4 cằn cỗi này. Cằn cỗi nên mới rút ruột ra mà đánh, chịu, và cũng vui đón hòa bình. Đang những ngày nắng, người ta bảo là nắng chưa từng có ở Việt Nam, ở vùng Kỳ Anh, cây dãi nắng đứng cứ rúm lại, không lớn lên được. Và tôi nghĩ cả một dân tộc dãi nắng, dãi cát, hy sinh, vật lộn. Sự sống thấp xuống như cỏ, sự sống thu nhỏ lại như cát, sự sống ngọt ngào là những mạch nước ngầm trong cát chảy ngược chiều từ cồn cát, về phía tây, thành những cái mạch rất nhỏ, sự sống là những đám bụi vẩn lên, bám đặc những bụi tre còi cọ, những vạt cỏ ven đường chiến lược. Ai đó, nói người Việt Nam là những người hay nói - tôi nói người Việt Nam là những người ham sống một cách đáng sợ.



 Có những người luôn luôn đặt câu hỏi:
- Sao ở đây người ta không trồng cây.
- Sao cái cầu Hàm Rồng này không làm rộng cho xe đi 2 chiều.
- Sao cái Hà Tĩnh này không tập trung sức mà làm thuỷ lợi...
Có lúc tôi tưởng vì họ khách quan, họ xa lạ. Nhưng có lúc tôi lại thấy chính vì họ chủ quan, họ gắn bó với mảnh đất này quá đỗi, nên họ chỉ nghĩ được có vậy. Họ không cất đầu lên được.

5/7

Bắt đầu đi vào bên kia cầu Hiền Lương, một cánh đồng rộng, cỏ cháy lẫn với dây thép gai, những vệt đen lẫn với màu xanh bạc màu nhợt nhạt. Tôi không nhận ra một làng xóm, những cái nhà lờ vờ như những đảo hoang, như những tổ chim, như một cái gì lay lắt. Miền đầu giới tuyến, miền ranh giới giữa hai kẻ thù trong một dân tộc, miền đất thà người ta bỏ đi, thà không có người, không có cây cối, nhưng không nhường cho phía bên kia. Tôi đi gần nửa giờ đồng hồ xe con trên một vạt đất, mà chỉ nhận ra những hố bom, những vệt khói cỏ cháy (sao hôm nay tôi đi giữa nhiều đám khói nhỏ, như một dấu vết không rời của chiến tranh), tôi đi mà lòng tự nhiên buồn rười rượi. Lòng tôi hoang vắng như cánh đồng kia. Đâu có phải là tôi đang đi trên một miến đất lịch sử nào, tôi đang đi trong hiện tại, trong những bãi cỏ trơ ra của xe tăng hỏng trong những bãi vỏ đạn, ở ngay bên đường, những đống vỏ đạn chất thành đống, như nguồn gốc của tất cả những hoang vắng, nhưng rồi tự nó lại trở thành hoang vắng, lại trở thành bị quên lãng.

Please Select Embedded Mode For Blogger Comments

Mới hơn Cũ hơn