VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Năm mươi năm sống trong giới văn chương

Lời dẫn 
  Mấy năm  1965-67, đang làm giáo viên văn hóa ở một đơn vị quanh Hà Nội , tôi đã có một vài bài viết in trên báo Văn nghệ, Tạp chí Văn Nghệ quân đội,  nên  từ tháng 3 1968,  được chuyển về công tác tại nhà số 4 Lý Nam Đế.
    Từ đấy tôi đã  sống cả cuộc đời công chức ( == cán bộ nhà nước) trong  nghề,  bao gồm hơn chục năm làm báo và gần ba chục năm  chuyển sang Hội nhà văn làm xuất bản.
Tuy tới 2007, tôi đã nghỉ hưu, nhưng hơn chục năm nay vẫn viết đều trên báo và trên mạng, nên có lý do  để nói rằng tôi đã sống trong giới văn chương được năm mươi năm.
Việc không bao giờ nhận lương nhà nước chỉ để viết ra những gì mà người trả lương  cho mình yêu cầu khiến tôi hành nghề như một thứ nghiệp dư nghĩa là thích cái gì thì viết, không thích cái gì thì không nhận.  Tùy sức khỏe. Tùy ham thích. Hoàn toàn tùy nghi, tùy tiện.
 Loại công chức như tôi lương đã không mấy, viết lách lại chẳng thêm được bao nhiêu, có lúc tôi đã tự hỏi  cái gì buộc mình phải lẽo đẽo theo nghề như vậy.  Hóa ra  tôi yên tâm để đổi lấy một chút tự do trong hành nghề và cảm thấy mình sòng phẳng với đời.   
Ví dụ, tôi biết nhiều đồng nghiệp của tôi được đọc được ca tụng chỉ vì họ đi dạy, những điều họ viết ra trở thành khuôn vàng thước ngọc cho người khác sử dụng.
Tôi thì không, người ta đọc tôi chỉ vì người ta muốn đọc thế thôi và tôi cảm thấy thích thú với mối quan hệ sòng phẳng đó. 
Cái chất “lông bông “ đó của tôi đã được một bạn đọc cảm nhận rất rõ. Ông viết trên một com-men rằng cứ tưởng tôi là một nhà văn tiền chiến.
Thú thực là tôi quá sung sướng khi nghe nhận xét đó, vâng không phải là một nhà văn tài năng, một cây bút “ có hạng “ gì cả mà chỉ là một thứ nhà văn biết sống trong nghề, coi việc viết là một nghề vừa  thực hiện ước mơ vừa kiếm sống cụ thể.
 Mà ở xứ ta thì chẳng cứ nghề văn nghề gì cũng khó sống lắm, người ta đua nhau  chuyển sang quan chức, kể cả quan chức trong văn chương.
Biết rằng như thế, nhưng lại biết mình không có năng lực quản lý nên khi “cờ đã đến tay” tôi vẫn từ chối. Khoảng những năm tám mươi, anh Bằng Việt khi đó mới chuyển sang Hội văn nghệ Hà Nội , có rủ tôi sang  bên đó, hứa sẽ cho tôi làm  phó Tổng biên tập tờ “Người Hà Nội”, tôi đã từ chối. 
Rồi cuối  những năm chín mươi, tôi cũng không dám nhận chân Phó Tổng biên tập nhà xuất bản Hội nhà văn —lần này do anh Nguyễn Kiên bảo.
Khi nghĩ về năm chục năm qua, tôi cảm thấy không có gì phải hối hận.  Không bao giờ tôi viết  vì  muốn đạt được những mục đích ngoài văn học.  Tôi săn sàng chấp nhận những thất bại khi lang thang sang những khu vực mới.  Thường xuyên tôi cảm thấy mình không bằng anh A ở điểm nay, anh B ở điểm kia, nhưng tôi tự an ủi rằng tôi đã tìm thấy mình và đã cố gắng thế là được rồi.

 Năm mươi năm qua nghĩ lại, tôi còn vui vì thật ra tôi được mọi người hiểu đúng. Các bài báo viết về tôi thường đã được tôi lại và  đăng rải rác  trên blog này nên  có lẽ không cần đưa lại. Hôm nay , tôi chỉ chọn ra hai bài, 
một của một nhà nghiên cứu có theo dõi về các nhà phê bình 
và hai là một bài phỏng vấn của một nhà báo tôi không quen và  chỉ gặp tôi một lần, tuy qua chín năm trời nhiều điều liên quan đến kế hoạch viết của tôi nay không  đúng nữa nhưng vào thời điểm năm 2009 thì cũng đã là một bài giới thiệu tạm đầy đủ.
Nhân đây xin gửi tới anh Thiện và anh Quân lời biết ơn của tôi.


I/
Nguyễn Ngọc Thiện 
VÀI NÉT VỀ VƯƠNG TRÍ NHÀN    http://edu.go.vn 
 Thứ tư 07/12/2011

Vương Trí Nhàn là nhà lý luận phê bình có đầu óc thực tế tôn trọng hiệu quả hữu dụng, thực dụng của bất cứ một hoạt động nào, cả sáng tác cũng như nghiên cứu, lý luận phê bình văn học.
Ông quê gốc xã Đông Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, sinh ngày 15/11/1942. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, vào học trường Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Ngữ văn, khóa 1961-1964. Ra trường, trong hoàn cảnh chiến tranh, ông vào quân đội theo chế độ nghĩa vụ quân sự và tại ngũ ngót 15 năm cho tới đầu 1979 mới chuyển ngành. Trong quân đội, lúc đầu ông dạy học sau làm báo, làm biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ 1968. Từ năm 1979 đến khi nghỉ hưu, hơn 20 năm ròng ông làm công tác biên tập sách lý luận phê bình ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Những công trình đã xuất bản của ông có thể xếp vào hai khu vực:

a- Sách khảo cứu biên soạn gồm: Sổ tay người viết truyện ngắn (1980); Một số nhà văn Việt Nam hôm nay với Hà Nội (1986); Những lời bàn về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945 (2000)…

Các cuốn sách này cho thấy ông triển khai việc giới thiệu, nghiên cứu về các thể loại sáng tác văn học và chân dung nhà văn một cách có bài bản. Đặc biệt các lời dẫn hoặc nghiên cứu tổng quan về thể loại truyên ngắn, tiểu thuyết đi sâu vào các phương diện bếp núc của nghề viết, về diện mạo, đội ngũ các nhà văn sáng tác về Hà Nội hôm nay... được viết một cách nhuần nhuyễn, sinh động và sáng rõ, là minh chứng về bản lĩnh tư duy học thuật của ông, sự quan tâm thường trực của ông đối với nghề viết và đội ngũ viết văn.

b- Mảng sách thứ hai, có năm quyển đưa ông vào hàng những nhà phê bình ăn khách. Đó là:

Bước đầu đến với văn học (Phê bình - tiểu luận, 1986); Những kiếp hoa dại (Chân dung và phiếm luận văn học, 1993); Cánh bướm và đóa hoa hướng dương (Tiểu luận - phê bình,1999); Buồn vui đời viết (Sổ tay văn học, 2000); Ngoài trời lại có trời (Tiểu luận phê bình về tác gia, tác phẩm văn học nước ngoài, 2003).

Các tập sách thuộc mảng này cho thấy cách nhìn riêng của ông đối với công việc viết văn, đời sống văn học, nhà văn trong và ngoài nước. Ông dường như xa lạ với lối lý tưởng hóa nghề văn, người viết văn. Với ông, viết văn chỉ là một nghề, bên cạnh những mục đích cao cả, đáp ứng nhu cầu xã hội hướng về Chân - Thiện - Mỹ, nâng cao nhận thức và làm giàu cho tâm hồn con người. Văn học cũng là một nghề như bao nghề khác, nó thỏa mãn nhu cầu tự biểu hiện của con người, nhằm mục đích thực tế về mưu sinh, tồn tại. Nhà văn tất nhiên là người có tài năng đặc biệt, xuất chúng trong sáng tạo những văn bản nghệ thuật bằng ngôn từ, nhưng mặt khác trong đời thường họ cũng có thân phận buồn vui, ứng xử hay dở như bao người. Với lối viết nhiều khi như tọc mạch, soi mói vào những mặt còn khuất lấp của toàn bộ quá trình văn học: đời sống xã hội - nhà văn - tác phẩm - công chúng... ông đưa ra những nhận xét hóm hỉnh, thông minh, bề ngoài như là nói chuyện phiếm, nhưng trong sâu xa của các ý kiến ấy, người đọc buộc phải đối mặt kể cả đối với những thực tế không thuận chiều, trái khoáy, nghịch cảnh... Nghĩa là văn chương cũng như đời thường thật là muôn mặt, phồn tạp, phiền phức, khôn dại , hay dở, thật khó lường.

Về phương diện lý luận, Vương Trí Nhàn xa lạ với lối trình bày lý luận chay. Từ sự quan sát tinh tường các hiện tượng lớn nhỏ thậm chí tế vi, khó nói, ông dần dần dẫn dắt người đọc cùng suy nghĩ với mình về những vấn đề, những khía cạnh có ý nghĩa lý luận đặt ra, nảy sinh từ đó. Lý luận với Vương Trí Nhàn phải được bật ra, chưng cất từ thực tiễn, từ Cây đời xanh tươi của đời sống văn chương, học thuật, từ lao động viết văn và niềm thích thú hay xa lạ với tác phẩm văn chương của công chúng.


Ghi chú của VTN  (25-7-2013)

Xin bổ sung vào bài viết trên:
1/ Một số cuốn sách của tôi sau khi in lần đầu từng được in lại:
--Sổ tay truyện ngắn in lại 2 lần
--Những lời bàn về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945 in lại 1 lần; và đây là tên in lần thứ hai, còn lần đầu có tên là Khảo về tiểu thuyết
--Những kiếp hoa dại in lại 3 lần
--Cánh bướm và đóa hoa hướng dương in lại 2 lần trong đó có một lần lấy tên là Nghiệp văn
-- Buồn vui đời viết in lại một lần
--Ngoài trời lại có trời , một lần

2/Ngoài ra còn bốn cuốn khác,thuộc loại quan trọng nhất với tôi
--Chuyện cũ văn chương(2001),
-- Cây bút đời người(2002), in lại một lần và được giải thưởng của cả Hội nhà văn Hà Nội và Hội nhà văn Việt Nam
-- Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX tới 1945 (2006).
-- Phê bình & tiểu luận gồm những bài lẻ,chưa đưa vào các tập nói trên

3/ Sau hết, tính đến 2013, tôi có hai tập phiếm luận Nhân nào quả ấy,2002 in lại 1 lần, và Những chấn thương tâm lý hiện đại, 2009


II/
 Nguyễn Văn Quân (thực hiện)Nguồn: CAND, 06/03/2009


Nhà nghiên cứu phê bình văn học Vương Trí Nhàn: 
Tôi chỉ sợ mình nhìn sai...

Chính thức thì ông làm biên tập ở NXB Hội Nhà văn, nhưng độc giả lại biết đến Vương Trí Nhàn với tư cách là một nhà nghiên cứu phê bình nhiều hơn. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, một loạt bài viết về "thói hư tật xấu", về văn hóa ứng xử của người Việt được ông cho đăng trên các báo, ít nhiều gây sự chú ý của dư luận. Ông từng bày tỏ quan điểm: "Tôi chỉ sợ mình nhìn sai chứ không sợ mình nhìn vào cái xấu"...

-Được biết, ban đầu ông cũng ôm mộng sáng tác, nhưng sau một thời gian, ông lại chuyển sang nghiên cứu và viết phê bình?

+ Đầu tiên tôi cũng thích sáng tác. Đặc biệt khi vào bộ đội, nhu cầu viết lách là rất lớn. Các cuộc thi thơ hay ca dao do các Sở Văn hóa tổ chức, tôi đều nhiệt tình tham gia, nhưng đến một thời điểm mới nhận ra rằng, về sáng tác, mình không thể nào bằng Nguyễn Khoa Điềm, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật... được. Trong một dịp, được cầm trên tay tập thơ "Sức mới", đọc thấy rất nhiều nhà thơ tên tuổi là bạn bè mình và đặc biệt, những cảm xúc của bạn trong tập thơ, mình đồng cảm được. Vậy là cầm bút bình một vài bài thơ trong đó. Bài viết được đăng trên báo Văn Nghệ năm 1965. Đó là bài viết phê bình đầu tiên của tôi.

- Nói như vậy nghĩa là ông đã may mắn, bởi, chỉ một thời gian ngắn, ông đã nhận ra mình, biết được thế mạnh và con đường đi của mình…

+ Đúng như anh nói. Tôi không mất quá nhiều thời gian để tìm đường đi. Đó cũng có thể gọi là may mắn được nhỉ. Vì đến giờ mình cũng đã có hơn 40 năm làm phê bình rồi.

- Hơn bốn mươi năm "làm dâu trăm họ", làm cách nào mà ông có thể theo nghề một cách bền bỉ và trường kỳ đến như vậy?

+ Ở dơn vị  về VNQĐ năm 1968, mặc dù cũng có một số bài viết được đăng báo nhưng tôi chưa có ý nghĩ theo nghiệp phê bình lý luận. Thậm chí, nhà thơ Vũ Cao, khi đó là Tổng biên tập Văn nghệ Quân đội bảo tôi: "Nhàn về đây làm phê bình được thì làm, không thì làm... kế toán".
Về Văn nghệ Quân đội tôi mới thực sự xác lập cho mình một ý thức viết chuyên nghiệp. Đầu tiên phải yêu công việc của mình. Tức là anh phải có "lửa" với nghề. Tôi nghĩ để có thể trường kỳ được là tôi đã "phả" được vào trong các bài phê bình chất văn học. Khi viết, tôi cảm tưởng như mình đang sáng tạo chứ không phải nghiên cứu dưới góc độ hàn lâm như nhiều nhà phê bình khác. Đó cũng là nét riêng của tôi. Nhưng nói thật là nhiều khi cũng buồn, bởi trong đời sống văn học, những nhà phê bình luôn bị coi như phận làm "lẽ", phận "ăn theo" nhà văn.

- Tôi lại nghĩ phê bình và các tác phẩm luôn luôn có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Nhưng nhìn vào đời sống văn nghệ thì thấy mối quan hệ này chưa thật tương xứng. Các nhà phê bình tên tuổi thì hình như ngày một ngại viết. Đa phần chỉ còn những cây bút không chuyên. Mà phần nhiều mới "bình", chứ chưa "phê"?

+ Ý kiến của anh không sai nhưng nếu nói sâu xa thì điều ấy chỉ đúng với thời đại ngày nay, tức là các sản phẩm văn học đã thành hàng hóa và ít nhiều cũng phải được các nhà phê bình gợi mở, mổ xẻ giúp người đọc. Trong lịch sử, văn học ra đời khi chưa có phê bình. Ví như Trung Quốc, có hàng nghìn nhà văn tên tuổi nhưng các nhà phê bình chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nước ta cũng vậy. Nên hiện vẫn tồn tại một nền phê bình chậm và chưa tương xứng.

- Vậy có một hướng giải quyết nào để gần hơn, tương xứng hơn giữa phê bình và sáng tác không, thưa ông?

+ Văn học phải phát triển hơn nữa. Báo chí và các ngành xã hội phải phát triển hơn nữa. Vừa làm vừa phải ngoái lại nhìn. Từ trước đến nay mình chỉ quen làm mà chưa quen nhìn.

- Vậy dưới con mắt của một nhà phê bình, ông nhận xét như thế nào về vị trí của văn chương Việt Nam so với thế giới?

+ Tôi xin khất câu trả lời này. Có một thực tế ở Việt Nam, học sinh phổ thông khi học văn, chỉ được nhà trường giảng dạy rất sâu về từng tác giả và tác phẩm nhưng ít khi có được một cái nhìn tổng thể. Chưa một ai khái quát được nền văn học nước nhà mà chỉ nói chung chung. Kiểu như, chúng ta có một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc... Đây là một vấn đề tôi cũng rất muốn tìm hiểu nên chưa thể trả lời bạn được. Tuy nhiên, việc làm này là công phu và không thể một sớm một chiều có lời giải.

- Khi đã có một cái tên, thậm chí giải thưởng Hội Nhà văn của ông cũng là một cuốn sách phê bình văn học (Cây bút đời người) nhưng rồi ông lại chuyển sang nghiên cứu văn hóa?

+ Văn học là một bộ phận của văn hóa. Hai phạm trù này rất gần nhau. Năm 1989 tôi đã có những bài viết về văn hóa và xem nó như một nhu cầu tự thân. Vừa rồi, Hội Nhà văn đặt tôi viết một cuốn sách "Nhìn văn học dưới góc độ văn hóa" qua đó mình càng có điều kiện để bước chân vào nghiên cứu văn hóa. Tất nhiên, thành công đến đâu thì tôi chưa dám khẳng định.

- Được biết, trước đây Giáo sư Trần Quốc Vượng đã có ý định làm cuốn sách "Thói hư tật xấu" nhưng rồi chưa kịp. Có phải ông muốn kế tiếp công việc còn dang dở của GS Vượng?

+ Việc này có lần tôi nói rồi. Từ khi cầm bút viết phê bình văn học, tôi phần lớn tập trung vào cái dở, cái chưa được của nhà văn cũng như tác phẩm. Có người bảo tôi là tà tâm, tầm thường nhưng tôi không sợ. Tôi chỉ sợ mình nhìn sai chứ không sợ mình nhìn vào cái xấu. Mà nhà văn, đầu tiên phải là một con người bình thường. Từ đó tôi mới có ý định đi tìm những "thói hư tật xấu" của người Việt.

- Nhưng nói chung, tâm lý người đời từ trước đến nay chỉ thích khen, chê là khó chịu, cho dù anh chê đúng. Với việc làm này của ông ít nhiều sẽ gây ra tranh luận?

+ Nhiều chứ. Sự phản ứng ấy là hoàn toàn hiểu được. Tôi nhớ có lần Nguyễn Minh Châu viết một truyện ngắn đưa cho Triệu Bôn xem, xem xong Triệu Bôn nói đại ý truyện không mới, chỉ ở mức thường. Vậy mà Nguyễn Minh Châu giận mãi. Đến một hôm hai người tắm chung một buồng, Triệu Bôn mới dám khẽ khàng hỏi: "Chẳng nhẽ tôi nói không đúng sao?". Lúc này Nguyễn Minh Châu mới nhăn mặt bảo: "Đúng nhưng mà vẫn...tức". Nói vậy để thấy rằng, một tên tuổi như anh Châu mà vẫn có những cảm giác ấy.

- Thì đến thi sĩ Tản Đà đầu thế kỷ 20 cũng bảo: "Dân hai lăm triệu ai người lớn/Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con..."…

+ Đấy, các cụ ngày trước rất tinh đấy nhé. Họ nhận thức được cả nhưng thay đổi thì chưa tìm được cách đi đúng hướng.

- Nhưng tôi được biết trong bài trả lời phỏng vấn một tờ báo điện tử cũng về chủ đề này, đến phút 24 ông đã nổi giận bỏ về và thề không bao giờ gặp người phóng viên kia nữa?

+ Giờ thì tôi không giận họ nữa. Tôi hiểu, nhiều khi họ cũng muốn có những cách làm, cách "gài" phát ngôn của nhân vật để bán được báo, được nhiều người đọc. Tôi bảo tôi không giận nữa vì chuyện cũng đã qua và... cũng chẳng biết giận ai. Khi phỏng vấn, phóng viên đó đã không dám xưng tên họ và khi đăng bài lại ký là "nhóm phóng viên". Thật lòng qua dịp đó cũng là cơ hội cho tôi học thêm về sự tha thứ

- Ở Trung Quốc cũng đã có hai cuốn sách rất nổi tiếng là "Người Trung Quốc xấu xí" và "Người Trung Quốc tự trào" họ lên án những tính xấu của dân tộc họ rất nặng nề và gay gắt, nhưng đó lại là những cuốc sách rất được đón nhận. Mà đúng ra, thấy được cái xấu, cái yếu của mình để rồi khắc chế nó mới thực sự là kẻ mạnh?

+ Thì rõ là thế. Ngày trước chúng ta phải có những sách lược và cách nhìn nhận mình cho phù hợp với nhiệm vụ thời đó nhưng giờ thì nên thay đổi. Xưa nay kẻ tự biết cười mình, biết tự trào mới là người giỏi.

- Vậy để có cơ hội "nhận ra mình", cơ bản chúng ta phải làm gì thưa ông?

+ Tôi cho rằng khả năng tự nhận thức của mỗi người là quan trọng nhất.

- Đọc Vương Trí Nhàn, tôi thấy cách làm của ông là phê bình văn học dưới góc nhìn văn hóa. Qua văn hóa để thấy văn học. Điều này không  giống như nhiều người khác?

+ Các nhà phê bình phần lớn là làm tự phát. Có nhà giáo viết sách là để học trò học và nể, có nhà nghiên cứu viết là để lấy học hàm học vị. Còn tôi, tôi mong muốn có dịp đi được đến tận cùng vấn đề một cách sâu, rộng. Các bài viết của tôi không dành cho học sinh đang theo học những giáo trình hiện nay. Nó dành cho người nào có thể chia sẻ ít nhiều trong đó…

- Và trong một số những bài viết, ông đã gợi mở được nhiều điều, hữu ích cho việc xây dựng và quy chuẩn những nét văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử. Nhưng cũng mạn phép để nói, sự nhìn nhận của ông có vẻ... tiêu cực và thiếu lạc quan quá. Kiểu như, bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng vậy. Có phải ông nghĩ: "Yêu nên cho roi cho vọt..."?

+ Không phải thế. Tôi chỉ muốn nói rằng, dù gì con người cũng phải tự nhận thức được mình và phải biết ước mơ. Nếu tôi không làm thì thể nào cũng có người khác làm. Nó là nhu cầu thực của cuộc sống…

- Dạo này ông đang viết gì?

+ Tôi dành thời gian tổ chức lại bản thảo "Văn học Việt Nam thế kỷ XX dưới góc nhìn văn hóa"... Mong muốn, còn làm được đến đâu lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố.


- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở này



Mới hơn Cũ hơn