VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Về thế hệ thư ba - ghi chép 1971 - 73 (kỳ 4 ): Nguyễn Khắc Phục


 Phục kể:

-- Tôi nói thực với ông, tôi ngoài này hưởng lương 105 một tháng. Lúc nhận giấy đi B, đến lúc lên học có hai ngày thôi. Nhưng tôi đã đi là đi. Tôi hay bảo thằng Điệp. Mình đi B là mình tốt hơn các ông khác rồi. Mấy hôm tôi sắp đi, ông Chế Lan Viên cứ gọi đến chơi. Tôi không đến. Hôm nọ ông ấy vừa gặp tôi đã  cho một câu “Thằng con mình vừa đi B ra xong vẫn khoẻ lắm”. Tức là đi B không sao cả, không có gì phải lo. Thế sao ông ấy không đi đi. Ông ấy gọi tôi hẹn đến thì một là lại nói chuyện,  rồi đăng cho tôi cái gì đó, rồi phủ dụ, rồi gửi thư  -- tôi không đến. Ông  ấy lại gửi thư qua những đứa khác. Tôi không nhận. Tôi bảo tôi không vào đấy. Tôi biết thừa rằng tôi không nhận thì đã có những đứa khác nhận rồi.


Nhàn: Tại sao không thấy ông nào ra tiễn bọn này nhỉ.

Khắc Phục: Tại vì các ông ấy ngượng đấy.

Nh: Bãi lầy  là chuyện đọc được, nhưng tôi chỉ không hiểu ông viết thế để làm gì thôi.

Ph: (đọc đoạn hai người dân chài) Anh có thể tốt nhưng anh không rõ ràng. Như thế không được, không có bản lĩnh

Nh: Ông đi, ông nghĩ về chúng tôi thế nào?

Ph: Tôi thương các ông ở lại. Vào trong kia khổ thì đáng khổ. Ở đây thì chúng ta không đáng khổ mà cứ làm khổ nhau mãi thôi.

Nh: Sao mà tôi chán các thứ văn chương hiện nay vậy. Tôi không thể đọc được những Mẫn và tôi những Gia đình má Bảy. Đi mà viết như thế thì đi làm gì. Ở ngoài này viết cũng được.

Ph:Tôi cũng công nhận là bây giờ phải đi, đi thì mới có vàng bảo đảm cho những điều anh viết. Tôi nói với thằng Lâm rồi đấy, mày có thể bỏ Hà Nội đi, mày xuống cảng, mày làm gì đấy cũng được. Nó chỉ sợ đi không được về. Tôi nghĩ cần gì về. Còn thằng Vũ cũng thế. Nó có thể xin đi được đấy, nhưng nó không đi. Phải công nhận nó sống không được đẹp lắm. Gia đình có phần níu mình, tôi mà phải sống như thế, tôi không chịu được.


 Tôi nghĩ nói chuyện với Phục tốt nhất là nói về đi và học, chẳng ai nói say sưa như thế, chẳng ai ham hiểu biết như thế (Phục khẽ  bảo cái này chỉ có tôi với ông biết với nhau, ông đừng nói với những đứa khác, nói ra nó chửi cho mình!)

Phục được nhận là một người rất ham đọc, đọc các sách về địa chất, về khảo cổ. Viết về biển, cứ ngồi chiếu bản đồ rồi tưởng tượng ra ( Ph:” Tôi chỉ đi với tàu của tôi, rồi tôi nghĩ ra thôi. Nhưng các ông ấy vẫn bảo tôi đừng viết, viết lộ những đường đi trên biển”)

Phục luôn luôn nói: Bây giờ tôi đi, tôi chỉ buồn là tôi còn biết ít quá, còn nhiều thứ cần biết quá. Phải sống  cho tích cực.

Phục là một người gần như không chịu bất cứ một sự ràng buộc nào. Ở Hải Phòng vẫn luôn luôn lên Hà Nội, luôn luôn có mặt trong các câu chuyện văn học chung quanh Hà Nội. Nhưng lại nhanh chóng chuồn, “tao không chịu được”.

Ngay ở tàu, Phục cũng là một người đi ở nhiều tàu, làm ở nhiều nơi, không bị một ràng buộc nào cả.

Đi B phen này, Phục chỉ ước sẽ được phân công làm tình báo ở nột nơi nào đó, nghiên cứu nó, rồi viết gửi ra.

Những ngày ở Quảng Bá, tự nhiên Phục nghĩ ra là sẽ viết truyện thiếu nhi. Nhờ Lưu Quang Vũ mượn hộ một ít sách lịch sử: Ngoại thương Việt Nam, Binh chế Việt Nam qua các thời đại. Rất say mê, hay kể lại  những chi tiết có thể dùng được.

Về văn học nước ngoài, đọc tiếng Pháp.  Camus, Eluard là những thứ mà Nguyễn Khắc Phục thích nhất.

Nhàn: Lúc này tôi chưa hiểu sao phương Tây coi  Maiakovski là một người cách tân vĩ đại của thế kỷ này không biết.

Phục nghĩ một ít lâu, rồi trả lời: Có lẽ đó là vì Maia cho ta thấy tất cả tính chất tàn bạo của cách mạng vô sản.

  Đến chỗ này thì tôi không chịu. Và trong tôi mơ hồ nảy sinh một cảm giác khác về con người Phục.

-- Phục cũng là một người muốn viết bằng tất cả kiến thức sẵn có của những người trước mình.

Nhưng sơ sơ đã thấy có những phần chắp vá,  giả tạo.

-- Về mặt  bạn bè, Nguyễn Khắc Phục là người thế nào?  Cũng nhố nhăng láo kiêu như Đỗ Chu, nhưng  có phần biết điều hơn. “Tôi rất ghét người khác bao dung mình, những người khác là ông bầu của mình. Mình có thể bị thiệt với bạn cũng được.”

Nói chung là Phục có cái gì không thuần nhất.Và đến với mọi người nhanh thì Phục cũng là một người bỏ chạy rất nhanh.

 Mấy năm 1967, 68, Phục thân với Thi Hoàng. Những ngày gần đây, kêu Thi Hoàng: “Tôi chán nó lắm. Nó chẳng đọc gì cả. Nó cứ chê mọi thứ, thì sống làm sao được “.

 Hồi mới đầu hay gặp Lâm Quang Ngọc, Bùi Bình Thi. Về sau Phục chịu không sao nói chuyện được với họ.

 Tôi thường tự hỏi tại sao Lưu Quang Vũ thân với Nguyễn Khắc Phục. Vũ vốn khinh bạc, nhưng có thể chiều chuộng Phục, đến thăm Phục rất nhiều. Phục cũng vậy, về đến Hà Nội là về nhà Lưu Quang Vũ.

Tại sao, hay chỉ là vì hai cặp có tài (Lưu Quang Vũ + Nguyễn Khắc Phục = Đỗ Chu + Phạm Tiến Duật)

Ngày Phục đi, Vũ làm thơ tặng, Vũ ra tiễn và khóc.

Trông Vũ khóc thảm thiết, tôi ngờ rằng chính là Vũ khóc cho Vũ nữa.
 Hai người có những phần gần nhau, rất đặc biệt. Hơn nữa, đó là hai khả năng của một kiểu tài năng. Vũ thừa biết rằng mình mà dám đi, thì mình còn làm được nhiều thứ hơn tất cả những người khác. Vũ bạc nhược nên không làm được mà thôi. Một người nghệ sĩ cũ khóc vì sự không hợp thời của mình, mà không sao thay đổi được. Vũ khóc cho chính Vũ, đúng vậy. Phục cũng phải nhận: Mỗi đứa đã có một phần của nhau rồi.

Phục ra đi, Vũ như mất một chỗ dựa về tinh thần của mình. Trong chúng tôi, có thể nhiều người hiểu Phục, nhưng không ai thông cảm và yêu, tin Lưu Quang Vũ như Nguyễn Khắc Phục.



Nhiều lúc tôi cũng lạ cho anh em bạn của tôi. Lưu Quang Vũ ở bộ đội về. Phạm Tiến Duật thì lăn lộn ở 559, Nguyễn Khắc Phục ở Hải Phòng lên. Nhưng cả hai người ấy, về Hà Nội là ríu rít với Lưu Quang Vũ. Tại sao? Phải đó là ý thức về người nghệ sĩ, lòng họ còn hướng về cái đẹp.

Có cảm tưởng như tôi không vào được với Lưu Quang Vũ và Nguyễn Khắc Phục. Tại sao thế? Tôi cũng không hiểu lắm.

 Thật bất ngờ, người giúp tôi mở khóa trong trường hợp này lại là Xuân Quỳnh.

Nhớ một lần tôi hỏi Phục có chú ý gì đến bà Quỳnh không? Phục gạt phắt đi không, tôi không chú ý gì cả

Trong lần nói chuyện tay ba, không biết lúc nào đó, Nguyễn Khắc Phục nhận xét: tôi thích cái bài thơ viết cho mình và các cô gái khác của bà đấy. Còn bài Trời trở rét thì yếu quá, bài ấy để cho bọn con gái 17, 18 nó làm thì hợp hơn.

 Nghe vậy, Xuân Quỳnh hơi đỏ mặt lên, nói cái gì đại ý thơ tình bây giờ cũng chỉ vơ vẩn thôi. Rồi khi Phục đi khỏi, Quỳnh nói với tôi:

- Ông ấy thì chả yêu ai cả, suốt đời không yêu ai đâu.

  Lại như ở Phục có cái phần tùy tiện và thực dụng nữa. Cios buổi Phục đến Phục cứ nói thao thao về bãi lầy, về nhưng chỗ còn đóng váng trong lòng người. Phục nói rất mạnh mẽ về người nọ người kia. Nhưng cuối buổi, bỗng Phục bảo làm sao gặp được bà Trang nhỉ. Hay là ông gọi điện hộ tôi với...  Để làm gì, để hỏi bài. Lúc xuống nhà dưới, Phục đi lùng sục vào các phòng chào người nọ, người kia. Tự nhiên tôi phải bảo  cái lối xã giao giả tạo này  chính là cái phần bãi lầy trong con người ông đấy. Ông có yêu quý ai đâu mà ông cứ làm .



  Vẫn về Phục -  Xuân Quỳnh:

--  Tay này cũng giống như tay Đỗ Chu, lạnh lắm, không thân với ai đâu, sau này cũng bằng ông Khải thôi, hoặc có thể hơn thế một tí.

 Cái này thì tôi biết rồi. Như là Xuân Quỳnh nghĩ mình là một thứ tiêu chuẩn của cuộc sống. Ai muốn yêu cuộc sống thì phải yêu mình.

 Nhưng về sau,  tôi phải chịu Quỳnh nói là phải.

Nhàn: Có lần ngồi trong thư viện, nghĩ về Phục, tôi giật mình chợt nhận ra mình không hiểu bạn. Tôi buồn.

Xuân Quỳnh: Ông không việc gì mà buồn cả, người như thế không bạn được. Như khi nghe ông ấy nói chuyện, Vũ nó khóc mà ông ấy không cảm động gì cả, ông ấy lại còn cười. “Tôi tiếc là tôi không khóc được” Người như thế thì lạnh quá. Hay đối với ông Nhàn chẳng hạn, thấy bạn mình không hiểu thì phải nói ngay, chứ mang ra giễu thì là thế nào?

Phục có bài thơ Tưởng tượng về một tình yêu. Xuân Quỳnh: Thơ hay đấy. Nhàn: Điều lạ là thơ Vũ bây giờ có hơi thơ Phục rất rõ. Xuân Quỳnh: Nhưng mà Phục nó trí thức hơn chứ. Hoàng Hưng: Ông Vũ khi viết chỉ  nghe ông Phục bịa ra những chuyện về biển. Như người thuỷ thủ chết thì mang vứt xuống biển. Làm gì có. Chính thơ Vũ về biển không bắt trúng chất về biển.



 Trong một buổi tào lao khác

Nhàn: Phục nó có câu hay quá “Sẽ có ngày mọi người nói hết ra mọi chuyện” .Không biết của nó hay của ai không biết.

Vũ: Của nó thôi, chứ Phục là thằng không thèm trích của người khác đâu.

Huân: Phục là người sống khôn hơn ông Chu. ông Chu dại, có gì nói ngay ra mồm. Ông Phục thì biết lấy lòng mọi người, nói cái gì cũng đo đắn, rất sợ mọi người hiểu nhầm về mình (Chính Phục cũng rất ít khi về nhà, cũng ngại gia đình chăm sóc, mẹ chăm sóc... không thích đâu! ) Nhưng khôn thế, trước sau rồi cũng lộ. Đối với con gái, Phục cũng ngạo mạn. Tưởng là người ta yêu mình, và mình chinh phục được người ta. Phục hay nói chuyện với cô Chiến một người cũng rất ngang - ngồi trong lớp, hai người cứ viết thư cho nhau, toàn xé phong bì ra viết thư, viết vào các đoạn chéo của phong bì, thế mới vui.

Hoàng Hưng: Nhưng Phục cũng hay cà khịa với mọi người, hay gây sự với mọi người, làm cho mọi người không bằng lòng... Phục rất thông minh, đọc chữ cũng hiểu ít thôi, nhưng đoán ra được nhiều. Nhưng cũng lại điệu, thích dùng chữ Pháp một cách không cần thiết.

Tôi hay kêu Vũ trong quan hệ với Lâm: Không thể có lối chơi không bình đẳng như thế được. Ai lại cứ một người nói, một người nghe; một người viết rất nhiều, một người không viết gì hết; mà đi đâu, ở Hà Nội hay đi các tỉnh khác, cũng đi với nhau.

 Phục tán thành: Giá kể chúng mình ai cũng làm được những điều tử tế thì hay biết mấy.

Nhưng Phục lại có một người bạn kiểu Lâm là  Trần Thông. Việc gì Phục cũng nhờ Trần Thông, khi ăn uống, khi chơi bời, rồi có lúc lại mặc kệ. “Trần Thông đang ăn cơm ở nhà mình nhưng mình bỏ đi chơi đấy chứ!”

Đấy cũng lại là một trường hợp, một lý do gần nhau của Phục và Vũ.





Mới hơn Cũ hơn