VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

"Những chấn thương tâm lý hiện đại" trong cái nhìn của các bạn trẻ ở trang mạng Goodreads


  Cuốn Những chấn thương tâm lý hiện đại vốn đã được  Thời báo kinh tế Sài Gòn  cho in từ 2009  với số lượng 3000 bản. 
Tới đầu 2016, sách lại được Nhã Nam cho in lại 4000 bản.

 Lần này sách được nhiều bạn ở một số báo bình luận và tôi đã giới thiệu các bài ấy trên blog này, trong năm 2016.
Nay nhân có một người bạn chỉ dẫn , tôi mới biết hai năm qua các bạn trẻ ở trang mạng Goodreads  cũng có đọc sách này và cho nhiều ý kiến.  
Những bài viết  rất chân tình và thẳng thắn này khiến tôi khi đọc rất cảm động . 
Từ đường link,https://www.goodreads.com/book/show/18620575-nh-ng-ch-n-th-ng-t-m-l-hi-n-i
tôi trích lại  các nhận xét ấy ra đây, để các bạn khác có nhu cầu  có thể đọc thêm.
  
Tác phẩm thuộc thể loại phiếm luận. Đọc quyển này hình như vô tình ai cũng so sánh với Bức xúc không làm ta vô can vì tính chất phản biện xã hội và chỉ ra thói hư tật xấu của người Việt mình. Tuy nhiên, thẳng thắn là mình không khoái quyển này bằng quyển "Bức xúc ...". Những vấn đề cụ Vương Trí Nhàn đưa ra quả là rất đúng nhưng có vẻ như cụ chỉ vờn vờn phía bên ngoài hiện tượng mà chưa thẳng thắn nói về bản chất chính trị xã hội (ngoại trừ bản chất con người trong chiến tranh và bản chất nông dân của đa số dân thành thị hiện nay). Thêm điểm trừ cho bản đầy lỗi chính tả của Nhã Nam. Đọc sách xịn mà cứ như đi in ở đâu về ấy. Nhưng rút lại thì vẫn là một tác phẩm nên đọc.


Trong cuốn sách này, các vấn đề tâm lý, xã hội hiện nay chỉ được nhắc đến như là những hiện tượng xảy ra theo quy luật, chứ không phải là đối tượng chính để phân tích và mổ xẻ. Tác giả còn viện dẫn nhiều tình huống trong văn chương, tài liệu lịch sử của ta, của Tây, và của Tàu để chỉ ra rằng bản chất các hiện tượng ấy và cách ứng xử của con người xưa nay, dù ở phương Đông hay phương Tây, đều giống nhau đến lạ kỳ, và đều xuất phát từ một chân lý: phần xấu của con người sẽ bộc lộ bất cứ khi nào có điều kiện thuận lợi, giống như loài cỏ dại vậy. Đó là quy luật tâm lý tự nhiên, và trong lịch sử đã có nhiều minh chứng lặp đi lặp lại để thấy rằng quy luật đó là tất yếu, không thể khác được.
Tư tưởng chính mà cuốn sách muốn truyền tải có lẽ là, khi cảm thấy có sự liên quan giữa những vấn đề hôm nay với những gì đã xảy ra ngày hôm qua, chúng ta có thể có cái nhìn sáng rõ hơn đối với mọi việc xung quanh, nhẹ nhàng hơn trong việc chấp nhận mọi diễn biến của đời sống trước mắt, kể cả những việc "động trời". Hay như lời của triết gia Bertrand Russel mà tác giả trích dẫn ở trang 150: đọc sử để biết những ngu xuẩn của quá khứ, nhờ thế người ta có thể chịu đựng tốt hơn những ngu xuẩn của hiện tại.
Văn phong của tác giả điển hình cho lối tư duy của người phương Đông, nghĩa là theo hình trôn ốc, ý tứ nhẹ nhàng thâm thuý. Cảm giác khi đọc sách giống như đang ngồi trò chuyện cùng ông bên ấm trà chiều, trong một khu vườn nhỏ, bình yên, và thấy tâm trí mình như được khai mở.

Đọc qua vài mẩu thì mình định đánh 2*: Vấn đề cũ + con người cũ + cách viết cũ

Sau khi đọc xong thì thấy dịu lại: đây là những trăn trở của những người lớp trước, hoài niệm về quá khứ (cái gì ngày xưa cũng có vẻ tốt hơn), hiện tại thì ...chưa chấp nhận được (hầu như cái gì cũng xấu, bác Nhàn còn không chịu được tóc nhuộm)

Cách giải quyết thì chịu, chẳng ai nêu ra được, hoặc có thì toàn theo hướng duy tâm (giáo dục..) nên cũng chả có gì trách bác cả.

Có điểm thú vị là bác Nhàn hay trích sách xưa (nhất là 30-45)



- Một tập hợp những ghi chép rời rạc và đầy cảm tính của một cụ già. Nhưng mà đọc cũng được hihi.

- Không biết có phải vì cuốn Bức xúc không làm ta vô can bán chạy quá nên Nhã Nam mới xuất bản cuốn này không.

- Điểm trừ cho các lỗi chính tả/typo rất ẩu. Lâu lâu đọc lại có cái chữ "fl" trong đoạn văn, một vài chỗ thì bị sai dấu.


Một phiên bản "kính hiển vi" của Người Việt xấu xí, và một bản upgrade trên tầm so với Trên đường băng của Tony Buổi Sáng. Đọc cuốn sách cũng như là dịp mình ngồi lại với các thế hệ cha chú của mình, nghe họ nói về thời bao cấp, thời chiến tranh, trước Giải phóng sao, sau Giải phóng sao và những góc nhìn, phê phán của thế hệ trước với cả thế hệ cùng thời lẫn thế hệ hiện tại. Dù xác định đọc trên cương vị là một người trẻ đọc để biết thêm về xã hội tàn khốc qua kinh nghiệm của người đi trước kể lại, mình vẫn không tránh khỏi việc vướng vào những xung đột trong tư tưởng bởi khoảng cách quá lớn giữa hai thế hệ. Cụ thể hơn tí, là tác giả có đôi lần có ý phê phán thói hưởng thụ, sống nhanh sống vội của giới trẻ bây giờ, chỉ biết sống nay chả biết tới ngày mai v...v nhưng ở vị trí là một người bị ảnh hưởng nhiều bởi lối suy nghĩ "Sống vì hiện tại" nên khi đọc mình rất bứt rứt tỏ ý muốn mở miệng phản bác "Tụi cháu có cuộc sống riêng của tụi cháu, sao bác cứ phê phán tụi nhau thế"... Nhưng có một cái mình nhận ra sau đó không lâu, đó là : càng nhiều các quan điểm mà mình muốn phản bác bao nhiêu, thì đó là lúc mình nên xem lại chính quan điểm của mình có đang đi quá xa và làm lệch "cán cân" hay không. Cái gì quá cũng không tốt và đọc cuốn sách này chính là để những thằng hăm hai tuổi tưởng mình biết nhiều lắm, hiểu nhiều lắm, nghiệm nhiều lắm nên dừng mấy cái "lắm" đó lại và dần cân bằng lại trạng thái suy nghĩ, quan điểm, góc nhìn về các thứ, ít ra là các "chấn thương tâm lý hiện đại" được đề cập trong cuốn sách.

(+): Thích cuốn sách ở chỗ đây giống như là một tập hợp các stt phiếm luận, nghị luận xã hội của bác Vương Trí Nhàn nên mỗi chương chả dài quá 4 trang giấy, đọc veo cái là xong (tại mình bận nên mới kéo tới 10 ngày, chứ bình thường chắc chỉ bằng nửa số ngày đó). Bên cạnh đó, các vấn đề có điểm tương đồng được bố trí gần nhau nên một vấn đề ta có thể đọc được nhiều khía cạnh, các sự việc, hệ lụy liên quan một cách có hệ thống.

(-): Điểm cộng ở trên cũng đem lại bất lợi cho mình là khi đọc "cái veo" như vậy, vô tình mình nạp vô quá nhiều thông tin nhỏ vụn như vậy, tưởng là sẽ nhớ nhưng với thằng trí óc không giữ được lâu cho lắm thì rất dễ xảy ra hiện tượng trùng lặp thông tin hoặc nhiễu loạn, lẫn lộn thông tin, quan điểm được đưa ra trong sách. Nói chung là cần phải đọc kỹ, ngắt quãng để nghiền ngẫm rồi hẵng đọc tiếp


i like the author's writing style, his word choice and way of expression. it really impresses me how easily everyday occurrences can remind him of thought-provoking philosophies and burning issues we are facing nowadays. however, of course, reading this book annoys me greatly sometimes, largely due to the generation gap between the author and me. overall, this book is, in my opinion, intriguing and totally worth reading.


Tác giả thường nhìn nhận lối sống xưa thông qua trích dẫn văn chương của các Nhà văn lão làng, rồi đưa ra quan điểm của mình lối sống thời nay.
Tóm lược lại có thể kết luận nguyên nhân gây ra Những chấn thương tâm lý hiện đại: Chiến Tranh
"Chiến tranh cho phép làm tất cả miễn là chiến thắng" - thế rồi người ta bất chấp để làm mọi thứ trong thời bình để bù đắp lại những đau thương mất mát trong chiến tranh.

Với kinh nghiệm sống dồi dào và con mắt quan sát tinh tế, Vương Trí Nhàn đã làm tốt hơn nhiều những nhà phê phán vốn đã quá thừa thãi. Ông đưa ra khá nhiều phỏng đoán về nguyên nhân của những dịch chuyển lớn về tâm lý xã hội Việt Nam mấy chục năm sau đổi mới. Một vài trong số đó hoàn toàn xứng đáng làm luận đề cho các nghiên cứu khoa học chuyên sâu hơn.
Sách nên được đặt một tựa khác. Một cụm gì đó về thời sự dân sự VN, bối cảnh phố phường HN và thấp thoáng khí sắc TQ.

Nói thế nào nhỉ, những bài viết, những dẫn chứng ví dụ toàn của những năm hai nghìn linh mấy đổ về trước, nhưng hiện thực thì vẫn áp dụng với thời điểm năm 2016 hiện tại. Ngẫm mà thấy đau lòng, xã hội Việt, con người Hà Nội vẫn chẳng thay đổi, có chăng thì càng ngày càng trì trệ hơn, nhiều hiện tượng nhức nhối khác lại xuất hiện thêm.

Bản thân mình hiện nay vốn không có khả năng làm việc lớn để xã hội tốt đẹp lên, chỉ muốn giữ cho chính mình một không gian riêng, một lối sống tùy ý thích mà sống nhanh hay chậm. Cho dù bị xem như một đứa tự kỷ kỳ lạ cũng được, mình đã quen và dường như còn thích thú với nhận xét đó, mình không muốn bị dòng đời xô đẩy, cũng muốn tránh bị ảnh hưởng bới "tâm lý học đám đông".

Bác Nhàn trích dẫn nhiều tác phẩm cũ nên có cảm giác "hoài cổ". Với một người mới trong giới đọc sách như mình, thật sự đã học được khá nhiều.

Điểm trừ của tác phẩm: reference nhiều về Trung Quốc, hơi có xu hướng đề cao họ. Điểm tốt của Trung Quốc thì nên học, mình đồng ý, nhưng trong một tác phẩm đang bàn về phần chìm của xã hội Việt Nam lại đề cao phần nổi của xã hội Trung Quốc như vậy có phần gây phản cảm







Mới hơn Cũ hơn