Có lần, Xuân Quỳnh nói vu vơ về chuyện người làm thơ, và gia đình đại ý tôi thấy các ông làm thơ về con đều chán cả. Khô khan lắm. Nhường thơ về con cho bọn đàn bà chúng tôi thôi.
Hôm nay Quỳnh tiếp, nói tổng quát về đời mình:
-- Tôi cảm thấy tôi sống thế thôi, đời tôi có nhiều sai lầm, nhưng không sao khác được. Nếu tôi trở lại những ngày cũ, tôi cũng lại đi theo con đường đã đi.
Những lúc rối ren nhất, tôi thường có những quyết định dứt khoát. Mà toàn quyết định đúng. Như ông Phương chẳng hạn, cái gì ông ấy cũng tính toán cả, nhưng ông lại tính sai là thường ( Nhiều lần Phương bảo với tôi công nhận phản ứng của Quỳnh trong quan hệ gia đình thường rất chính xác).
Quỳnh nói tiếp, tôi cảm thấy là tôi thái quá, nhưng thực ra phải thế thôi. Phải cực đoan, phải sống cho hết mình. Cũng như nhiều người trước đây đã đi qua đoạn đường ấy mà họ không nhận biết gì hơn, mình phải sống sao để mình đi qua chỗ nào là mình không thể nào quên được, phải để lại một thứ dấu vết gì đó trên đó.
Phải sống cho hết mình, ông Phương sống không hết, ông Bằng không, Lưu Quang Vũ sống hết nhưng là hết trong những cái vơ vẩn thôi. Chả ai sống cho hết cả.
Tôi đề ra phương châm sống của mình: Phải biết tận dụng tất cả những thứ sẵn có, phải sống hết những vốn liếng có thể của mình và của mọi người. Thứ hai là phải sống cho thật, và bắt mọi người sống cho thật. Tôi tưởng tượng nếu vì một lý do gì đó, tôi phải đứng trước mọi người cãi nhau với họ, thì tôi nói tuột hết mọi thứ. Tôi sẽ lôi mọi chuyện trong mọi gia đình ra, tôi nói hết cho mà xem.
Hôm nọ ông Phạm Hổ ông ấy bảo sao cô với Ngọc Tú lúc nào cũng thầm thì nói chuyện với nhau như vậy. Nói xấu mọi người chắc? Tôi bảo đúng thế, tại vì thiên hạ nhiều người xấu quá, cho nên chúng tôi mới phải nói xấu vậy. Chứ còn nếu mọi người bớt xấu đi, thì tôi sẽ bớt nói chuyện riêng đi thôi.
Tôi cảm thấy đời mình bây giờ, chả có gì là của mình cả, không nhà cửa, không đồ đạc, chả còn gì, lúc nào cũng sẵn sàng mất, bạn bè cũng mất...
Sống bây giờ phải vội, chả bao giờ có dịp trở lại những nơi mình đã đi qua cả. Đọc sách thì cũng phải đọc cẩn thận, chẳng có thời giờ đâu mà đọc lại nữa.
Quỳnh nói về tôi:
- Ông Nhàn phải làm cho mình rõ ràng hơn nữa đi. Đọc các bài của ông, thấy ông nghĩ không rõ ràng, cứ lượn mãi, lượn mãi, lắm chỗ tưởng như sắp nói được rồi thì lại lảng mất.. Tôi công nhận nói lý không giống sáng tác, nhưng phải rõ, nói chung phải nói khác cái cách của ông hôm nay.
Cách viết của ông bây giờ mới, nhưng bạn bè đọc nhiều, cũng thấy quen thôi, lại thấy có những công thức mới, những điều lặp đi lặp lại, những chữ dùng nhiều lần như "tràn trề", "đắm đuối", đọc khó chịu lắm.
Nguồn gốc của cách ví ấy có lẽ là ở cách sống. Ông Nhàn cũng thông minh, tỉnh táo, nhưng chưa biết làm rõ cái thật của mình , mà cái thật ấy cũng chưa được ông sống sâu sắc, nên chưa gợi ra những cảm giác thật ở người nghe.
- Phải thay đổi đi, cả khi năm nay nghĩ thì phải mấy năm sau mới có thể thay đổi được. Mình phải tính trước. Chứ để đến khi người đọc chán mình nốt, thì không kịp thay đổi nữa.
- Tôi thấy mình có thể vô học, nhưng dần dần mình sẽ học được. Chỉ phải cái lúc nào tôi cũng bồn chồn, đọc sách cũng chẳng yên.
- Tôi đọc thơ nước ngoài ông dịch, thơ đủ các nước, tôi thấy rồi nó cũng có những công thức của nó, chứ không có gì đặc biệt lắm đâu. Cách viết lung tung, cách viết kéo dài được, không khép thành tứ như của mình.
- Tôi thấy bạn bè mình chán thật nghĩ thế là mình sống hết mọi thứ rồi đấy, tôi tưởng mình không muốn sống nữa. Nhưng rồi lắm lúc tôi lại thấy mình vẫn còn nguyên mọi thứ, mình lại còn tuổi trẻ, mình có thể làm được việc.
- Tôi với ông Nhàn cũng lạ. Mới đầu tôi cho ông Hồng vệ binh. Nhưng một lần, tôi đang đánh bóng với Ngọc Tú thì ông đến, ông hỏi ông Khái Vinh, không thấy ông Khái Vinh ông cứ đứng đấy. Tôi trông và tôi nghĩ ông này cũng nhân hậu, hiền lành, không có gì ác. Bây giờ tôi nhớ lại, tôi thấy nói chuyện với ông Nhàn cũng không có gì phải khó khăn lắm, không bao giờ phải cố cả. Có thể nói chuyện được nhiều thứ. Nói chuyện với ông Bằng ngay từ những ngày đầu, tôi cảm thấy bên cạnh cái phần ông ấy bổ sung cho mình, có cả những phần khác nhau mà không thể nào vượt qua được. Ông Nhàn có lẽ cũng giống tôi là cũng chẳng sướng đâu, cũng khổ thôi.
Nhàn: Tôi có thể chỉ bạn với bà về một khía cạnh nào đó như tôi vẫn nói. Bây giờ tôi hiểu, là tôi sẽ bè bạn với bà ở khía cạnh trong sáng và nghị lực của mỗi người, còn cái phần say mê và quyết liệt của bà, thì tôi chịu (Xuân Quỳnh: Có lẽ là như thế). Chỉ có một điều tôi buồn là cái gốc tất cả mọi thứ trong con người bà là tình yêu, mà cái phần ấy bà lại không kể với tôi bao giờ, cho nên cuối cùng vẫn không hiểu được bà gì hết
Xuân Quỳnh: Tôi thấy tôi hiểu ông hơn là ông hiểu tôi. Nên như cái gì tôi không nói thì thôi cái gì tôi nói được thì tôi nói chứ không nói dối. Trong đời tôi, tôi nói dối nhiều chứ!
Nhàn: Có tay nó bảo tôi, ông Nhàn chỉ sống được với những người tốt, không khéo lại dễ bị lừa
Xuân Quỳnh: Nói thế thôi, chứ ai lại nỡ lừa ông Nhàn.
Nhàn: Trong chuyện gia đình, mình phải bớt yêu cầu đi để mà lo việc.
Xuân Quỳnh: Không, phải yêu cầu cao chứ, không thì sống làm sao được.
Nhàn: Không, đây là nói không nên yêu cầu về nhu cầu vật chất.
Quỳnh: À thế thì đúng quá. Vừa rồi tôi gặp con Thuý Quỳnh. Bây giờ nó ghê lắm rồi, lương cao, buôn bán, gửi nhà nước hơn 4000, hôm nọ một người bạn vào ăn cắp 2000. Nhưng mà sống thế thì tôi cũng chịu, tôi không sống được, và có lẽ tôi chẳng có bạn, nhiều bạn như bây giờ.
Nhàn: Tôi chỉ thích bạn với những người nào có cái gì ngang trái, khốn khổ, như thế họ vừa nói chuyện với mình, họ vừa dễ thông cảm với mình. Nhiều đám bằng tuổi mình muốn sống khác, nhưng không có hiểu biết nên không chơi được.
Xuân Quỳnh: Trong tình yêu cũng thế đấy, anh cho họ được yêu tự do nhưng anh không cho nó một hiểu biết đến nơi đến chốn, thì làm sao nó sử dụng quyền tự do ấy cho chính đáng được.
Nhàn: Người cũ nhiều lắm.
Xuân Quỳnh : Như ông Tuấn nhà tôi là một người rất cũ. Mình thì thay đổi mà ông ấy chả thay đổi gì cả. Có lần tôi bảo: Anh chẳng hiểu gì em cả, anh chẳng nắm được gì ở em cả. Ông ấy cũng không nói lại gì được, nhưng sau có lẽ ông ấy lảng tránh đi luôn không bao giờ bận tâm tới nó nữa.
Tôi nghe ông ấy kể là có một tay vợ chồng ly dị. Tôi bảo: nếu sau này em với anh ly dị thì anh tha hồ, muốn lấy gì thì lấy, em không ràng buộc gì anh cả.
Mình nói ly dị ông ấy sửng sốt hẳn lên.
Nhàn: Đúng thế, chúng mình nói chuyện với nhau, cứ toàn là trần trụi cả nó quen đi rồi. Hôm qua, tôi nói chuyện với một cô gái xong, tôi hơi hối hận. Nói thẳng quá không được. Có nhiều điểm mình đối xử với họ như với bạn bè mình thì không được. Tôi cảm thấy có những mặt tôi thông minh có những mặt tôi rất điếc, nhất là các mặt tổ chức đời sống .
Xuân Quỳnh: Về những điều ấy, có lẽ ông không muốn biết thôi. Còn tôi là một người phụ nữ, tôi có thể hiểu biết toàn diện. (Tôi khâu vá khá lắm, tôi không muốn khâu đấy thôi chứ) Tôi cảm thấy tôi có thể làm chủ những trang trại lớn, làm làm nhẹ thênh đi, chứ không nặng nhọc đâu.
Tôi rất lạ là ông Vũ Quần Phuơng là người đàn ông mà chuyên môn phải cho con ăn sữa đêm mới đi chợ. Mua bán thì bà Hường rất xoàng. Tôi không thế đâu. Ông Tuấn ông ấy mua mỗi thứ mất cả một buổi sáng, tôi mỗi buổi sáng phải đi mua được vài ba thứ.
Xuân Quỳnh bỏ nhỏ một câu: Vũ Quần Phương ngày xưa thì có thể làm chủ hiệu buôn đấy.
Nhàn: Không, ông ấy chỉ dám buôn nhỏ thôi. Thằng Vũ mới là thằng bạt mạng mới buôn to được.
Nhàn nói tiếp: ông Vũ Quần Phương nói chuyện với ông ấy ở ngoài đường thì khác, vào trong nhà là ông ấy sịch màn xuống, sang một cách khác ngay.
Xuân Quỳnh: Tôi thì tôi không giấu được. Tôi mà đã điên lên, thì tôi không còn biết gì nữa, tôi không sao giấu nổi.
Nhàn: Tính tôi rất chóng chán, có mê ai nữa, cũng chỉ thích được độ vài ba năm rồi lại thôi.
Xuân Quỳnh: Có lẽ ông tỉnh táo quá, cho nên ông chết. Tôi thì cũng tỉnh mà cũng mê, tôi thấy mình cũng chán, nhưng đời mỗi người sống được độ ba bốn năm cho hết mình thì cũng đã đủ. Như ông vẫn nói, hạnh phúc làm gì có, được những người như bà Hường, bà Vượng là tốt lắm rồi. Nhưng cũng không có cách nào cả. Tôi thấy có lẽ mình cứ phải làm, bây giờ mình còn trẻ, may ra mình có thể tìm được hạnh phúc một phần nào.
Như ông nói hôm nọ, cái nghèo là cái không thể tha thứ được. Người ta tốt thì dễ lắm nhưng hay thì mới khó. Nếu ông chỉ tốt, thì tôi không chơi với ông đâu. Tốt là một phẩm chất, mà sau khi đã có những phẩm chất khác, thì nó mới nhân mọi thứ lên.
Nhưng người tốt mà già thì cũng khổ lắm. Như ông Nam bên này, cụ ấy ù ờ, có hiểu gì bọn này đâu. Vừa rồi, ông Xuân Trình đi, chi đoàn báo Văn Nghệ họp chia tay, cụ ấy còn giáo huấn ông Trình nữa, ông Trình đấy mới bảo: “Anh đừng khuyên tôi nhiều. Tôi bây giờ có chính kiến của tôi, nếu cần tôi có thể làm chính trị nữa. Viết lách thì lẩm cẩm. Người ta lẩm cẩm vì người ta không làm việc thôi mà.”
Nhưng mà có những ông trẻ như ông Trần Hoài Dương cũng già. Thằng ấy là một thằng nó ngồi với bọn trẻ thì hiền, nhưng khi vào họp xem, báo cáo đủ thứ. Có ông ông ấy mới bảo ông Dương hiền như con mèo ấy. Tôi bảo đúng rồi, ác như chó thì bị người ta ăn thịt, mèo thì được người ta để yên.
Ở báo, có những tay như tay Bội, nó nịnh lắm. Lúc ăn, nó cũng báo cáo. Tôi bảo khổ lắm anh Bội ơi, lúc làm việc anh báo cáo đủ rồi, bây giờ ăn anh cũng báo cáo, thì chúng tôi theo sao kịp được.
Lại một hôm họp phê bình góp ý kiến nhau. Tôi phê bình ông Hoài Thanh bác thế nào ấy, bọn trẻ cháu khó gần lắm. Còn ông Bội thì khẩn cầu rằng anh Hoài Thanh cứ đi nói chuyện ở đâu ấy, anh chẳng bồi dưỡng thêm cho anh em gì cả.
... Tôi thấy các ông già không đáng quý trọng như bạn bè mình, chính là bè bạn mình quý hơn chứ, có tư cách hơn chứ.
Về chuyện gia đình nhà cửa, lôi thôi lắm, bè bạn lôi thôi lắm. Như tôi với Thanh Nhàn rất xa nhau, còn tôi với Ngọc Tú thì tuy gần nhất đấy cũng không nói hết được với nhau.
Tú nó có cái gì ác hơn tôi. Không bao dung như tôi đâu. Có khi nó lại còn buông lỏng mình nữa.
Giá kể cho Ngọc Tú với Xuân Trình lấy nhau thì hay quá rồi, nhưng mà người ta sống quen trong điều kiện hiện nay, như kiểu Ngọc Tú với ông Chánh, thì người ta có những thói quen mà người ta không bỏ được nữa đâu. Khổ thế.
Về chuyện gia đình tôi, tôi vẫn luôn luông nghĩ và làm thế nào cho phải. Ông Tuấn ông ấy tốt quá, cái tốt ấy lại là một cách ràng buộc tôi. Nhưng tôi tự nghĩ. Như thế nào là mình tốt với anh ấy. Mình giải phóng cho ông ấy thì hơn. hay là mình cứ giả tốt với ông ấy thế này thì hơn. Tôi nghĩ nếu mà ông ấy giải phóng cho tôi, thì tôi còn kính trọng, còn giúp đỡ ông ấy rất nhiều nữa. Như ở nước ngoài, khi mà nó không yêu nhau, cảm thấy người kia không yêu mình, thì tự ái đến mấy, nó cũng phải thôi.
Mấy hôm phải học chính trị, tôi chán quá . Những tay ấy nó rất ngu dốt, nó lại cứ đi giảng cho mình. Nào là không phải chỉ sáng tác, mà còn đi giúp đỡ quần chúng. Nào là bây giờ phải chia ra, những người sáng tác riêng, người làm biên tập riêng. Tôi thấy thế là vớ vẩn. Không phải xưa nay mình vẫn làm song song đấy thôi. Chán thật. Do sự xúi bẩy của bọn này mà đi đâu có chết, cũng thiệt. Tôi nghĩ sao trước kia tôi không sang làm cái việc kỹ thuật khác. Tôi chán đến nỗi giá kể lúc bấy giờ tôi có súng, tôi có thể bắn luôn cái lão đang giảng cho lão ấy chết luôn đỡ bực.
Nhàn: Không phải thế... Đi đâu cũng thế, mình không làm việc gì khác cả... Mình phải tự làm lấy thôi.
Xuân Quỳnh Biết đi là việc của người viết mà , lắm lúc đi cũng khổ. Có lần, tôi đứng trước một dải cát ở Vĩnh Linh, tôi thấy mình y như người đi đầy vậy.
Các ông ấy đang tiễn nhau đi Vĩnh Linh đấy. Nào là phát mì chính, phát phiếu. Tôi mới kêu lên năm ngoái tôi cùng đi, đi một mình, tôi làm gì có phiếu, có ai đưa tiễn.
Chính mình còn đi tích cực hơn cả họ nhiều. Lắm người vào Vĩnh Linh, nhưng có ra chỗ gần sông đâu, chỉ loanh quanh ở phần trên, tức là mạn Vĩnh Chấp thôi.
Mình vào Quảng Bình một tí, nhưng mình còn hiểu Quảng Bình hơn cả những tay ở đấy bao nhiêu lâu nay rồi.
Nhớ Trần Nhật Thu có lần kể với tôi :
Ông Bí thư Vĩnh Linh phải công nhận rằng trong các o vào đấy, Xuân Quỳnh là một người dám đi dám xông xáo đối với thực tế hơn hẳn nhiều anh con trai.