Bài đã đưa trên blog này 24-12-2012
25/12
Trong nhiều
năm nay, mùa hè đối với tôi là mùa đi xa, là mùa của công việc, dự định. Còn
mùa đông, mùa rét, một ngọn đèn mờ, một trang giấy trắng, những điều phải làm,
và chao ôi, mùa của ao ước về những hạnh phúc gia đình, mùa của tình yêu và gợi
ý về tình yêu. Vì tôi đang sống trong một thành phố, tuy là trụ sở đầu não chỉ
huy của chiến tranh, song vẫn mang một nếp sống hòa bình. Chiến tranh tuy đã
vào đến những chốn sâu xa của đời sống, song vẫn chưa phải là chạm tới cái cốt
lõi cuối cùng
Nhớ phần
nhà chính ga Hàng Cỏ bị bom đánh đúng mấy hôm trước. Người đứng xem, sau bốn
ngày, còn đông. Những khẩu hiệu để bên cạnh ga đỏ vàng một cách lạc lõng.
Một khoảng
trống nứt ra ở cái nơi mà hôm qua nguyên lành. Ở đó, hôm qua, là một khung nhà.
Hôm nay, đưa mắt nhìn lên, không thấy cái khung nhà ấy nữa. Hôm nay, là những
đường viên lởm chởm, của một cái gì nứt ra, không thành hình gì cả.
Nhớ hôm đến
khu tập thể ngõ Lý Thường Kiệt. Người đang bới đồ đạc, vôi bụi bám vào mặt vào
mày, như là vừa từ đống bom đi ra. Một dây chuyền chuyển gạch vừa hình thành.
Người ta mang vôi, đổ từ đống này sang đống kia. Một căn gác vặn vỏ đỗ đổ dở
dang. Một cặp trung niên từ đó đi ra. Người đàn bà ăn mặc kiểu Hà Nội lịch sự.
Người đàn ông áo bộ đội, mũ giải phóng, cầm cái gậy, như người ta thường nói,
chiếc gậy Trường Sơn. Họ đi từ căn gác hai đang vặn vỏ đỗ lần xuống.
Tiếng
mấy cô học trò cấp 3:
- Nhà
cô Hằng đấy.
- Hết rồi
còn gì.
- Cô bảo
lúc đi chỉ người không.
- Giờ
đồ đạc mất hết. Khổ. Đúng, cô giáo có mang cái gì lành lặn đi đâu.
- Thì cũng
như chúng mình, toàn mang quần áo rách.
Buổi
sáng hôm nay Thiên chúa giáng sinh. Tôi xuống bệnh viện Bạch Mai. Dãy nhà lá
bên kia đường tơi tả. Bên này viện, căn nhà khoa tai mũi họng cũng sóng xoài.
Mặt đường từ cửa trở vào còn đầy bùn đất. Cái cửa sắt bị vặn vẹo, trở nên sắc
nhọn. Tôi đứng áp vào cái cửa để nhìn. Bên trong, nơi gian nhà đổ có mấy người
đứng một cái chiếu úp trên một cái gì đó. Lúc cái chiếu mở ra, thấy mấy cái áo
quan. Mấy bát cơm đơm có ngọn, trên có những nén hương. Nhưng mà áo quan người
ta chưa kịp đóng. Một lúc sau, mới thấy có người lấy búa ra, cầm búa gõ
vào áo quan. Nẹp những cái đinh cuối cùng vào đó.
Tôi đứng ở cái cửa thường trực. Những người đứng xem chỉ là số ít. Trong chốc
lát, bao nhiêu người ra vào. Nhân viên đến hỏi địa điểm sẽ sơ tán. Con nhân
viên đến chờ cha mẹ. Những người bộ đội đánh xe vào, một gã bộ đội nghênh ngênh
đôi ủng.
Một ô
tô chở công nhân đến thu dọn (nhiều người đã mặc áo mưa, mặc áo lao động, ngồi
sắp hàng trên xe, vẻ mặt lộ rõ họ sắp bắt tay vào một việc quan trọng lắm).
Ở cái đất nước này, chết chóc nghe đã trở thành bình thường. Những ngày từ sơ
tán về Hà Nội lần này, tôi thấy nhiều vành khăn tang, nhiều người khóc chồng
khóc con, mắt khóc sưng lên đi trên đường. Mấy trăm người? Mấy nghìn người cho
vừa? Không thể quen được...
Những nỗi khổ còn lại đổ lên vai những người sống, trong buổi chiều lễ giáng
sinh, tôi thấy ở khu vực An Dương là rõ hơn cả. Những nhà sập không gì thay thế
nổi. Nhưng ở bãi An Dương, đã thấy người ta đi trốn. Làm nhà, làm hầm ở giữa
bãi cát. Ghếch cái bếp ra bên cạnh. Những xô nước đục ngầu. Một người mẹ còn
trẻ giặt tã lót cho đứa con đầu lòng, phơi ra ngay trên những cây dâu bãi dâu
ngoài sông.
Có một Hà Nội không phải phố xá, Hà Nội dọc bờ sông. Hà Nội vốn là của lũ lụt
nay hóa thành Hà Nội của giặc phá. Lần đầu tiên, An Dương bị bom. Cả khu dân cư
như đứa con nhà nghèo, bị lột trần ra, người ngợm xám ngoét. Những mái nhà bật
tung lên, cát thì hất lên mái nhà. Nhìn ra bãi cát chỗ ngã ba sông, trước khi
đổ ra bãi giữa, tôi thấy hình ảnh một Hà Nội muốn lẫn đi trong cái bao la của
thiên nhiên -- không phải thứ bao la hùng tráng ta quen nghĩ mà là thứ bao la
nặng nề mờ đục. Chiến đấu, súng cũng vùi trong cát. Xe ô tô tải, xe xích tìm
một chỗ cuộn trong cát. Vài tốp người bỏ nhà khênh những tấm ván ra làm hầm tạm
bợ. Trong buổi chiều mùa đông, đất trời ảm đạm, cây dâu xanh trông tối sầm như
những cây khô lẫn vào màu đất, màu nước bạc cũng hóa tối xỉn. Thấy cuộc đời này
vẫn chuyển động, vẫn sinh sôi, mà lại nặng nề, chậm chạp, buồn tủi biến đi,
song mãi không sao nhập vào được cõi vô tận.
Tôi
không cầm được nước mắt, khi thấy một đứa bé đi theo mẹ ra hầm. Em bé gái độ 3
- 4 tuổi, cái áo đông xuân cũ của người nhớn mặc trùm kín đít em cầm cái chổi
lúa vừa đi, vừa nói với mẹ. “Con cầm chổi đi, như là con ra trường làm vệ sinh,
mẹ nhỉ.” Thế nghĩa là em còn nghĩ tới bao nhiêu điều tốt đẹp. Em còn nghĩ đến
ngày em đi học.
26/12
Tối hôm
qua, đi cùng với Tính trong một buổi tối vắng người. Và tôi tưởng tôi có thể đi
suốt cả tối, đi trong im lặng, đi trong niềm vui duy nhất: có một người cùng đi
với mình, thế là được rồi. Ngoài ra thì tôi không muốn nói gì nữa, và cũng gần
như không muốn nghe gì nữa. Hạnh phúc, mất mát tất cả đều là có thật. Hy vọng
ư? Nên lắm. Vô vọng ư? Tất nhiên thôi. Cuộc đời là mong manh, là thay đổi, là
bị vượt qua - tôi đã già đi, đã yếu đi. Tôi đã cảm thấy bất lực trong mọi ý
nghĩ. Nhưng rõ ràng, vẫn có đó, một đời sống, một hy vọng, một cái gì thành
nếp. Có những người đẹp, có những niềm vui (những niềm vui trong sạch thật sự
chứ không phải những niềm vui thật hèn)- những ngôi nhà rêu phong - nó là những
gì có thật. Còn con người, làm sao được? Nhưng tất cả những gì còn lại, đã là
minh chứng sự hiện hữu của con người. Và chúng ta, những người sống, là sống
cùng với tất cả những gì còn lại đó.
Ban đầu, chúng tôi đi vào khu phố mạn Quan Thánh, Hàng Bún.
Hàng Bún vắng, tối, sự vắng vẻ đáng yêu mọi ngày trở thành nỗi ghê sợ.
Tất cả các nhà người đều đã bỏ đi hết. Tưởng nhiều nhà là cái nhà hoang, xộc
vào, ở trong sẽ có ma. Chúng tôi không vào, chỉ ngước lên trời. Bầu trời Hà Nội
trong các ngõ vắng bị khuôn giữa những đường thẳng, bầu trời hình chữ nhật,
hình vuông, một thứ bầu trời giữa các nhà 2 tầng, 3 tầng. Đã có chỗ chúng tôi
thấy những bầu trời qua các mái ngói bị lật tung ra. Bầu trời thành từng ô,
từng ô. Nó cũng bị xé rách.
Đi vào phố Cửa Bắc, rồi chúng tôi đến gần nhà máy điện. Ban ngày, đã thấy hai
ống khói vặn vẹo. Ban đêm, người ta chứng kiến một bộ mặt của cái chết
kinh khủng hơn -- cái chết yên lặng. Cái nhà máy vốn ồn ào. Vắng những tiếng
tuyếc bin mọi khi, hôm nay nó như một nhà mồ. Tính bảo hình như nó phát ra cả
hơi lạnh nữa. Tính nhớ tới những cái bốt hồi kháng chiến chống Pháp. Đi qua
đấy, mẹ bảo qua đây phải im lặng không được ho. Không được khóc. Cái nhà máy
điện ấm nhất thành phố, nóng nhất thành phố, hôm nay như vậy. Không thấy cả
người lính CANDVT đứng gác mọi khi. Ở một vòm đá, như ở cái mũ chào mào thò ra,
còn ánh sáng, không chừng có ai còn ở trong đó.
Chúng tôi
đã đi quanh nhà máy. Trở lại phố Hàng Bún, đi quành phố hàng Than. Đường phố Hà
Nội mấy hôm nay sao trớ trêu, có quãng điện sáng y mọi ngày. Có quãng ngọn đèn
chỉ là một chấm đỏ y như những chấm hương. Và cả phố là một cái áo quan thật
dài. Những liên tưởng hơi tệ chăng? Nhưng chưa bao giờ Hà Nội biết đến chiến
tranh kinh khủng như vậy. Ở phố Hồng Phúc đã thấy người ta đào hầm ngay bên hè,
đất đắp cao lên, như một thứ hầm kiểu riêng của thành phố. Nhìn xuống dưới hầm,
một ngọn đèn dầu, mấy mặt người nhóa nhòa bên trong. Tính bảo như Quảng Trị.
Không hiểu
sao, trong những ngày này, tôi lại nghĩ nhiều đến tình nghĩa. Nghĩ đến các bạn
đồng nghiệp. Muốn đến mọi người để mà biết rằng họ không việc gì trong những
ngày bom đạn vừa qua. Khi gặp nhau chúng tôi ngồi im lặng. Không biết nói
chuyện gì. Không dám cười, không dám đùa dỡn nói xấu nhau -- như mọi khi vẫn
làm. Chỉ ngồi đấy, nghĩ rằng có nhau. Có cái cuộc đời buồn bã này.
Trên con đường
Yên Phụ, một đôi nam nữ sóng đôi bước chậm, điếu thuốc lá của người con trai đỏ
lên trong đêm. Ở phố Hàng Than chúng tôi thấy một đám cưới. 7g 30 tối, đám cưới
đã không còn khách nữa. Hai hàng ghế sạch bóng. Có lẽ chẳng có mấy khách, đèn
sáng, trên tường tấm vải đỏ dán chữ song hỉ thật trắng.
Hạnh phúc? Chưa
chắc. Nhưng vẫn là hạnh phúc. Lúc này, người ta vẫn phải cưới nhau, vì cái hạnh
phúc bao lâu nay chuẩn bị, bây giờ đã chín muồi, cuộc sống của cả đất nước trì
trệ, nhưng cuộc sống của mỗi người vẫn là phải vận động, và đó là một bi kịch.
27/12
Khi
một người đứng đắn nhất cũng đã phải kêu, thì không phải chuyện thường
Hữu
Mai:
-- Năm 72, ông ấy bị bao nhiêu chuyện bất ngờ. Nixon qua Trung
quốc, Liên Xô, nó làm được như thế, là một thứ bất ngờ. Đánh vào Quảng Trị, dân
không nổi dậy - bất ngờ. Quân ngụy trụ vững - bất ngờ nữa. Cuối cùng, là việc
nó đánh ra như thế này. Trong một năm, bị bao nhiêu chuyện bổ chửng cả ra thế,
hỏi còn nói gì được nữa.
Văn Thảo Nguyên kể ở trên một chuyến đò qua sông Hồng, dân chửi loại các ông
trên như Trần Duy Hưng:” Nó chỉ sướng cái thân nó. Nó có hầm có hố cẩn thận rồi
mà.”
Một
người cán bộ bực bội nói lại, cáu lắm, tưởng có thể vứt người kia xuống sông.
Đại
khái dân thắc mắc vậy mà người ta thì làm công tác tuyên truyền theo kiểu vậy.
Một lần, ông Cục phó của chúng tôi đến bảo: Nó đánh B52 thế này là mình càng có
dịp lập công. Còn trên đã dự kiến rồi, ta không chịu đi sơ tán, ta chết là tại
ta.
Khốn
khổ, lúc nào cũng nói là ta đã dự kiến rồi. Y như một người bị đánh hộc máu mũi
nói với thằng khốn nạn nó đánh mình biết mà, biết mà, biết là mày sẽ đánh hộc
máu mũi tao mà.
Nhiều cán
bộ nói một cách vô liêm sỉ: Bây giờ nó chỉ còn có cách đánh Hà Nội là cùng chứ
gì? Cứ dương dương tự đắc về một thứ thế cùng mà mình bị nó dồn vào như vậy.
Không
ai nghĩ đến dân chết. Rất nhiều dân chết.
Anh
em loại cơ quan tôi như bọn thì còn khá hơn. Có người nhớ tới chiến tranh thế
giới thứ 2. Nhật hoàng vì thương dân mới quyết định đầu hàng.(Theo công bố
trong tuần đầu Mỹ đã ném xuống một khối lượng bom bằng 2 lần số thuốc nổ quả
bom ném ở Hirôsima)
Lại
xoay sang tình hình chiến sự. Đài bên kia công bố họ đòi 5.000 quân kiểm soát.
Ta chỉ cho có 250, lại không có điện đài, phương tiện. Âm mưu là để giữ quyền
tiếp tục khống chế miền Nam.
- Ta nghĩ cạn lắm cơ. Nghĩ rằng mình có quyền ràng buộc nó vào một hiệp nghị.
Nghĩ rằng nó sẽ phải tôn trọng trong khi thực tế, nếu cần lúc nào nó cũng xé
toang những cái đó.
- Bây giờ
không thắng nổi nó lại còn tính chuyện thắng nó trong tương lai!
Và người ta
mở rộng ra:
- Phen này ta vào
Sài Gòn xem không một vụ chém giết kinh khủng chắc? Rồi đưa dân Sài Gòn đi,
chiếm nhà, có khi lại còn chiếm vợ con người ta nữa. Giá ký hiệp ước ngày 26/10
, mình không làm một cú tràn xương máu ấy à.
- Nghĩ cho
cùng cách mạng mấy chục năm nay, chỉ thấy phá chưa thấy xây gì. Hưng Yên, Nam
Định, Phủ Lý ngày xưa lúc thị xã nhỏ đẹp lắm... Phá thành phố, phá đình chùa,
phá cả những nền nếp cũ.
Mỗi ngày đài lại có những bình luận:
- Tai họa
Việt Nam cũng tựa tai họa của Ni ca ra goa.
- Kẻ thù
của loài người là vô vọng.
- Chiến
tranh hiện nay: chiến tranh tùy theo sự tức giận.
- E.
Kennedy: Người ta đã phải nghe quá nhiều lý do đã trở thành nhàm tai từ cả hai
phía, mưu chiến cũng như phản chiến.
28/12
Tôi đang
cùng mọi người ngồi trên khu sơ tán Hương Ngải để nhớ lại:
Tối 26/12,
bom dữ dội ném trúng khu Khâm Thiên. Nhà lá dạt xuống.
Tối
27, một B.52 rơi Bách Thảo.
Tiếp
tục họp được với nó, tưởng đã có thể xong. Có một hồi đã có nhận định bây giờ
sức mạnh của nó là không gì ngăn cản nổi. Nhưng rồi lại miệng khôn trôn
dại, lại vẫn ì ra, im, kệ. Thương nhất là dân. Hết đám này bới chưa xong,
lại đến đám kia.
Nhị Ca: Biết cách
làm ăn của mình rồi. Ngay thời thịnh trị, có mỗi cái máy mà toàn phu khuân tay,
phu thì đói làm ăn ra gì, chỉ thấy toàn khẩu hiệu.
Mỗi ngày của người ở sơ tán bây giờ là như thế này. Sáng đến gặp nhau, bàn nhau
“Hôm qua nghe ghê quá, nhất là mạn Hà Nội". Trưa ra đứng đường, chờ xem có
ai Hà Nội lên, hỏi tin tức. Tối, 6-7 giờ, ngồi nghe đài --nghe BBC mà
tiếng nhạc hiệu luôn luôn là niềm mong đợi đến mức ai đó có lúc buột miệng nói
đùa là thân yêu như quốc ca.
Nguyễn Khải: nghe nói bây giờ mình lại có lý luận về sức ép tối đa. Cố qua kỳ
sức ép tối đa này, rồi mới tính được mọi chuyện. Bây giờ mà nó lui, thì lại bảo
nó không thể chịu đựng được đòn phòng thủ của ta. Phương châm của ta là đánh
tiêu diệt cơ mà.
Nguyễn Minh Châu: Lúc cần thì ca ngợi Hà Nội ghê lắm. Lúc này thì hy sinh cả Hà
Nội cũng sẵn sàng.
Trong
những ngày đánh phá ác liệt chuyện gia đình vẫn điểm xuyết vào, nhẹ nhàng mà
xót xa.
Ng Khải:
--Lắm
lúc nghĩ mình cũng thấy buồn cười. Cả đời mình đóng vai một thứ nhà văn quân
đội, cũng đi chiến trường, cũng được tiếng là xông xáo. Thế mà động thấy xác
chết, là tôi cứ sa sẩm mặt mày, cứ buồn nôn thôi.
Trong năm nay, có một chuyện nhiều lần phiền muộn. Đứa con lớn xin đi bộ đội.
Tôi đã phải nói rất trang trọng: "Bố nhận là bố có lỗi, với con. Nhưng con
ạ, sao con không lo tiếp tục học cho giỏi đi ". "Con không muốn rèn
luyện dưới mái trường XHCN nữa. Bây giờ là lúc chiến tranh, con muốn rèn luyện
ngoài chiến trường.”
Nghĩa
là nó toàn dùng những chữ thật sáo cả. Thế nên mình cứ bấm bụng chịu, mình cũng
phải dùng những chữ sáo ngược lại. Khổ, ăn nói học theo văn chương ông Hồ
Phương cả. Cái loại này, đúng là đưa sang Trung quốc làm cách mạng văn hoá thì
đắt lắm đây.
... Bây giờ
mà viết một quyển sách, nói bố thì sợ chiến tranh con thì thích chiến tranh ,
toàn bộ hai bố con lý lẽ với nhau, suy nghĩ khác nhau thế nào. Viết độ 150
trang thôi, ra hết vấn đề rồi còn gì.
29/12
Tối 28,
bom tiếp tục ném Nhật Tân, Chèm...
Chiến tranh
đến như thế nào? Chiến tranh len vào mỗi cá nhân, ví dụ như tôi, thật ra cũng
không thiếu những phút hoảng loạn.
Nhưng
trước hết, chiến tranh là những dằn vặt liên tiếp. Chiến tranh là những phút
ngồi oán giận không biết gây ra từ nơi nào, và sẽ kết thúc ở nơi nào.
Trong chiến tranh, người ta sống bằng gì? Sống bằng hy vọng rằng nó sẽ qua đi.
Rồi lúc chán quá thì tự an ủi rằng chiến tranh có thể mang lại cho mình những
kinh nghiệm sống bổ ích. Cũng là một thứ A.Q.