ĐỌC LẠI MỘT BÀI VIẾT
VỀ TRÍ THỨC
CỦA NGUYỄN MẠNH TƯỜNG
Bài viết sau đây đã được viết
ra 61 năm trước. Ngày nay đọc lại, trong
tôi vẫn còn nguyên sự khâm phục, và nhất là thấy lớp trí thức được đào tạo thời
Pháp thuộc tốt quá lẽ ra họ có thể đóng góp nhiều cho nước Việt Nam độc lập -- tương tự như người trí thức ở miền Nam trước 1975 có thể đóng góp cho công cuộc phát triển hậu chiến mà chúng ta đã bỏ qua.
Tuy
nhiên đọc đến đoạn cuối bài Vừa khóc vừa cười này đối chiếu với tình hình hiện nay thú thật trong tôi còn thoáng qua cái cảm giác rằng, nhà trí thức ở đây còn nhiều ấu trĩ. Ông
có ảo tưởng về khả năng thay đổi của nhà cầm quyền. Những người như ông đã
không thể bảo vệ được mình để có thể sau này còn tiếp tục lên tiếng về cả một
giai đoan lịch sử mà các ông đã trải qua.
Do chỗ phần cuối bài viết này
có nhắc tới một số chuyện về trí thức bên Trung quốc, tôi muốn nhớ tới một cái
nhìn toàn cảnh gần một trăm năm về vấn đề này mà tôi đã dẫn ra trong bài “Trí thức Trung quốc thế kỷ XX”.
VỪA KHÓC VỪA CƯỜI
Trong
một thiên anh hùng ca sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ XI, thi sĩ tường thuật
cuộc chiến đấu anh dũng của hai anh hùng Roland và Olivier, chống lại kẻ thù
chung. Hai bạn chí thân giết được nhiều địch, nhưng hai người đều bị thương cả.
Đặc biệt Olivier, máu chẩy nhiều, hoa cả mắt không nhận thấy gì nữa. Khi Roland
lại gần để giúp bạn, Olivier tưởng nhầm là kẻ thù, bổ mấy nhát dao xuống, may
không trúng đầu Roland. Anh này liền dịu dàng lên tiếng: “Tôi là Roland đấy mà.
Sao anh đánh tôi?”. Olivier xin lỗi bạn: “Mắt tôi hoa, không nhận ra anh nữa”.
*
Khi châu Âu chuyển từ chế độ phong kiến sang
chế độ tư sản, trong thế kỷ thứ XVI, Rabelais kể chuyện Badebec, vợ của
Gargantua, vừa sinh con xong thì từ trần: “Cái thắc mắc làm cho Gargantua rối
trí là hắn không biết nên khóc vì vợ vừa chết, hay nên cười vì con vừa sinh”.
*
Đến cuối thế kỷ thứ XVIII, khi Cách mạng 1789
sắp bùng nổ, Figaro, một nhân vật của Beaumarchais, sau khi kiểm điểm tình hình
của một xã hội đã thủ tiêu hết mọi tự do, kêu lên: “Tôi vội vàng cười khì để
tránh khỏi khóc oà”. Như thế không đúng. Phải khóc trên cái hiện thời để đón
cái ngày mai. Dù sao, người trí thức là người vừa khóc, vừa cười. Khóc vì các
sai lầm phải chứng kiến trong hiện tại, cười vì vui với cái mới đang đến. Khóc
vì đau khổ. Cười vì hy vọng. Khóc hôm nay để cười ngày mai. Trên quá trình từ
cái khóc đến cái cười diễn cuộc đấu tranh tư tưởng của người trí thức.
Người nào chỉ biết hoặc khóc thôi, hoặc cười
thôi, không phải là người trí thức.
Ta ân cần với người trí thức ưa khóc. Ta phải
chiếu cố, nâng đỡ người ta. Người ấy đau khổ vì các thắc mắc căn bản và sâu
sắc. Người ấy thành khẩn. Người ấy không phải là thù, người ấy là bạn. Ta phải
kiên trì, cố gắng đưa cái khóc của người ta biến thành cái cười.
Ta dè dặt, có khi ngần ngại, trước người trí
thức ham cười. Ta hoan nghênh cái cười chân thật, xuất phát từ đáy lòng, nẩy nở
trên các giọt lệ vừa khô. Nhưng ta khó chịu trước cái cười bình phong dùng để
che đậy các thắc mắc bản thân mà mình không muốn thù với mình. Ta ghét cái cười
dùng để mị trên, lừa dưới, câu các kẻ ngây thơ, biểu lộ một ý chí tôn sùng,
hòng củng cố một địa vị, hay mưu cầu một bổng lộc. Quần chúng cần đề cao cảnh
giác để khỏi mắc mưu cái cười ấy. Cấp lãnh đạo lại cần cảnh giác hơn nữa vì cái
cười nịnh hót nuôi dưỡng bệnh chủ quan mà cấp lãnh đạo thường mắc.
Cái cười nguy hại này không nhất thiết biểu
hiện bằng sự nhích môi. Nó có thể là linh hồn của một cử chỉ, nội dung của một
thái độ. Có người cười bằng cái đầu nó gật, cái lưỡi nó tán thành, ủng hộ.
Trong bao nhiêu “tả khuynh”, tôi nghe thấy vang tiếng cười ấy.
Tôi sợ người trí thức im lặng. Tôi nghi ngờ
người trí thức cười. Tôi thương người trí thức khóc. Tôi yêu người trí thức vừa
khóc, vừa cười, khóc hôm nay để cười ngày mai, “khóc lên tiếng cười”.
*
TIN vẫn hơn NGHI. Trong mười người ta tin, có
thể có một kẻ thù lẻn vào. Nhưng ta vẫn còn chín người bạn. Và chín người bạn
này sẽ giúp ta tìm ra kẻ thù ấy. Nếu ta nghi cả mười người, khi ta giơ tay,
chẳng ai bắt tay ta. Ta không có một người bạn nào cả.
Đồng ý rằng phải phân chia rõ rệt địch, ta.
Nhưng ta phải xác định thái độ của ta đối với địch. Địch mưu hại ta và thực sự
gây cho ta nhiều tổn thiệt. Nhưng ta chớ nên buộc cho nó trách nhiệm về các tai
hoạ căn nguyên ở sự dốt nát, sai lầm, chủ quan của ta. Theo danh từ khá phổ
biến “như thế không lợi”. Không lợi vì ta đề cao địch, tỏ vẻ sợ địch. Không lợi
nữa vì gán kết quả sai lầm của ta cho địch, ta không sửa chữa được gì, không
rút được bài học kinh nghiệm. Từ trước tới nay, ta chỉ đặt vấn đề: ai là địch,
ai là ta? Tôi đề nghị đặt thêm vấn đề: do địch làm, do ta phạm. Điểm trên đề
cao cảnh giác và cho phép ta đề phòng, hoặc đối phó. Điểm dưới nêu cao tinh
thần tự phê và giúp đỡ ta xây dựng.
Con thỏ sợ đến cả bóng của nó. Con sư tử bất
chấp mọi thú vật. Ta không phải là sư tử và cũng không muốn là sư tử. Nhưng
nhất định ta không phải là thỏ.
Kẻ thù số một của trí thức: bọn chụp mũ. Kẻ thù
số một của cấp lãnh đạo: các cán bộ chuyên môn “cười”, và bọn vỗ ngực, và cả
bọn chụp mũ nữa. Các cán bộ chuyên môn “cười”, dựa vào bọn vỗ ngực trong quần
chúng, ru ngủ cấp lãnh đạo. Bọn chụp mũ nham hiểm hơn: họ gây thành kiến giữa
lãnh đạo và quần chúng, họ vô tình hay hữu ý xuyên tạc các nguyện vọng chính
đáng, các yêu cầu hợp tình, hợp lý, hợp pháp của quần chúng. Họ là Iago xúc
xiểm Othello ghen vợ, ghét vợ, giết vợ. Bị bao vây chặt chẽ như vậy, tài nào
cấp lãnh đạo hiểu biết được sự thật của quần chúng?
Có một số người thấy phong trào quần chúng đòi
hỏi, ở Đảng lãnh đạo, một chính sách cho trí thức (với các tự do dân chủ và mối
quan hệ tốt giữa chính trị và chuyên môn) đã tỏ thái độ “khó chịu” và phản ứng
mạnh. Họ nhắm mắt, lắc đầu, chép miệng, thở dài. Không thực sự cầu thị, chưa
điều tra nghiên cứu, chẳng tìm hiểu sự thật, họ chỉ biết mang đao to, búa lớn
ra doạ nạt, họ là Don Quichotte cầm giáo tiến lên đâm cối xay, họ quên lý luận
Cách mạng họ đã học tập. Họ là nàng công chúa quên thời kỳ gặp Thạch Sanh trong
hang.
“Tích tịch tình tang…” Tiếng đàn của Thạch Sanh
có nhắc lại được kỷ niệm cũ không? “Hỡi tuyệt thế giai nhân mà tôi yêu với mối
tình vô hạn, nàng còn nhớ thuở đôi ta gặp nhau trong hang đá không? Đôi ta
quyết sống chết có nhau, với nhau. Vì vậy ta thắng kẻ thù, ta sống. Bây giờ
thời kỳ gian lao đã qua, nàng trở về dinh cơ huy hoàng, lên xe xuống ngựa. Nàng
lỡ lòng nào quên tình duyên cũ?”.
Tôi muốn thân ái hỏi các bạn đang chép miệng
thở dài: “Các bạn là những người Cách mạng. Thái độ của các bạn phản ứng, đối
phó (tôi không nói đàn áp) trước một phong trào quần chúng đông đảo, đòi hỏi,
trên lập trường Cách mạng, những quyền lợi chân chính, thái độ ấy, phân tích,
truy nguyên nó, ta thấy gì? Tôi run sợ trước kết luận tôi phải tiến tới. Tôi
ngừng bút. Tôi nhường lời cho tất cả người Cộng sản trên thế giới, trong đó có
các đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, có các bạn, để các người ấy nhận định về
thái độ nói trên, định danh cho nó, gọi nó bằng tên Cách mạng của nó. Để tránh
khỏi mang tiếng chụp mũ cho các bạn, tôi dành quyền phán định cho “giới có thẩm
quyền”.
Tôi chỉ xin nhắc lại rằng trong lịch sử cách
mạng Liên Xô và Trung Quốc, có khi giai đoạn kiến quốc tiến vào bước quyết
liệt, chính thể cách mạng không thể nào lãnh nhãn được vấn đề trí thức. Cuộc
đấu tranh của trí thức Việt Nam hiện thời xen vào khung khổ cách mạng, phối hợp
với phong trào trí thức trên toàn thế giới. Coi nhẹ nó là một sai lầm. Giải
quyết nó một cách hời hơt, nông cạn, với tinh thần của người nhớn cho kẹo trẻ
con để nó khỏi khóc, là một sai lầm nghiêm trọng. Đối phó với nó, chống lại nó…
tôi không tiếp tục vì tôi tin rằng không một chính thể cách mạng nào lại hành
động như vậy. Bằng chứng là báo Nhân dân trong số 30-9-56 vừa đăng bài của đồng
chí Lục Định Nhất đọc ngày 26-5-1956, với sự chậm trễ có 4 tháng thôi. Từ Bắc
Kinh tới Hà Nội, đường dài hơn năm nghìn cây số, tốc độ của sự thật như thế là
nhanh rồi. Còn báo cáo của đồng chí Chu Ân Lai in từ ngày 30-1-1956, tôi không
nhớ đăng báo Nhân dân ngày nào. Dù sao, các bạn thấy rõ là, Đảng Lao động Việt
Nam coi trọng vấn đề, như Trung Quốc từ đầu năm nay, như Liên Xô từ năm 1936.
Đảng lại còn phát động tinh thần dân chủ trong quần chúng trong các giới, các
cơ quan, và sở dĩ làm như vậy là để thắt chặt liên lạc với quần chúng, đi sát
với sự thật của quần chúng, trưng cầu ý nguyện của quầnchúng để xây dựng chính
sách, lãnh đạo có kết quả. Vậy tại sao các bạn lại chép miệng thở dài? lại
xuyên tạc ý nghĩa trọng đại, lịch sử của một phong trào quần chúng, mà chính
Đảng phát động? Thế các bạn đấu tranh cho ai, phục vụ cái gì? Chủ trương của
Đảng phát huy dân chủ là một sáng kiến mà toàn dân hoan nghênh. Hạt đã gieo, bây
giờ sắp đến lúc gặt hái. Cớ sao các bạn lại muốn truất quyền của Đảng gặt hái
cái mùa màng mà Đảng đã gieo hạt?
Nhưng tôi hiểu các bạn. Các bạn là những người
tốt. Chẳng qua các bạn chỉ nặng về một số thành kiến mà thôi. Tuy nhiên, các
bạn thật sự cầu thị: các bạn cho phép tôi tin như vậy. Phải không, các bạn?
4-10-56
( In lần đầu trên Giai Phẩm mùa thu – tập III – Minh Đức xuất bản, tr 22-25. Ở đây
tôi đưa lại theo bản của Văn hóa Nghệ An
. 2011)