VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Trí thức Trung Quốc thế kỷ XX


Dưới tên gọi Mô hình Trung Quốc thành công như thế sao không ai bắt chước?! bản dịch  bài viết của hai tác giả Châu Hữu Quang và Mã Quốc Xuyên từ nguồn Trung Quốc vừa được trang mạng Tạp chí Văn hóa Nghệ An  đưa lại ngày 26-1- 2017
Đầu đề bài viết cho thấy nhiệt tình của tác giả hướng về sự phát triển của Trung Quốc hiện nay.
Nhưng theo tôi, cuộc phỏng vấn này đã gợi ra bức tranh toàn cảnh về trí thức Trung Quốc thế kỷ XX và cả trí thức Trung Quốc sau 1976  mà chúng ta ít biết, nên đã làm việc tóm lược cho bản thân và giới thiệu sau đây.
Tôi ghi lại đường link của bài viết để bạn nào muốn đọc trực tiếp có thể tiếp cận dễ dàng.

https://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/mo-hinh-trung-quoc-thanh-cong-nhu-the-sao-khong-ai-bat-chuoc

Về phần mình khi lược trích lại bài viết, tôi tự cho phép tước bỏ các ý mà tôi cho là không quan trọng và có đảo lại trình tự một đoạn vấn đáp trong phần cuối, sau đó có thêm phần bình luận ngắn. Các tiểu đề in chữ đậm là của người tóm lược.

1/ Vai trò trí thức Trung quốc trong lịch sử. Lý do trí thức theo Mao
Hỏi: Cụ sinh năm 1906, từng trải qua Phong trào Ngũ Tứ. Phong trào này có ảnh hưởng rất lớn tới giới trí thức, và đã có ảnh hưởng gì tới cụ?
Đáp: Không phải là Phong trào Ngũ Tứ ảnh hưởng tới giới trí thức mà giới trí thức đã ảnh hưởng tới Phong trào này. Giới trí thức có đóng góp lớn nhất vào Phong trào Ngũ Tứ. Phong trào đó không bỗng dưng xuất hiện mà hình thành từng bước. Bắt đầu từ cuộc Chiến tranh Thuốc phiện trở đi, hết cuộc xâm lược này đến cuộc xâm lược khác nhằm vào Trung Quốc, gây ra sự phẫn nộ của nhân dân, thức tỉnh ý thức cứu nước. Về kinh tế, có phong trào Dương Vụ, gây mầm mống cho nền công nghiệp trong thời gian Thế chiến lần thứ nhất. Về chính trị, có cuộc Duy Tân 100 ngày của Khang Hữu Vi, cuộc Cách mạng Tân Hợi của Tôn Trung Sơn, lật đổ đế chế, thành lập Dân Quốc.

Hỏi: Trước và sau Phong trào Ngũ Tứ, trào lưu tư tưởng cấp tiến truyền vào TQ, nhất là những năm 30-40, nhiều nhà trí thức ngả về phía tả. Cụ cho rằng đâu là nguyên nhân của sự chuyển hướng đó, có những bài học lịch sử nào đáng được tổng kết ?
Đáp: Mọi người đều phản đối sự chuyên chế của Quốc Dân Đảng. Đảng Cộng sản TQ thì truyên truyền đòi dân chủ. Thế là giới trí thức chuyển hướng về phía tả.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, Chu Ân Lai thường nói Đảng CS chúng tôi chủ trương dân chủ, Mao Trạch Đông nói rõ ĐCS phải đi con đường dân chủ. Hồi ấy mọi người tưởng thật.

Bình luận
Lịch sử Trung Quốc hiên nay chỉ được giảng dạy rất sơ sài ở Việt Nam. Ở các bài giảng mà một người đã học qua Đại học sư phạm văn như tôi được học,-- rồi sau này vào đời, dù có đọc thêm ít nhiều song chỉ là cái mạch ấy nối dài và coi là chính thống -- thì cái phần Trung Quốc tiếp thu văn hóa phương Tây rất ít được nói tới, lịch sử Trung quốc thế kỷ XX, rút lại chỉ là lịch sử chuyển đổi từ nhà Mãn Thanh qua Dân quốc rồi đến thời Cộng hòa nhân dân, bao nhiêu biến chuyển dẫn đến ngày hôm nay đều là do công nông tạo nên. Lịch sử tư tưởng cũng vậy, sự phát triển của tư tưởng Mác Lê được coi là trung tâm lấn lướt tất cả bao trùm tất cả. Còn người trí thức bị đẩy vào bóng tối, gần như không có vai trò gì trong lịch sử.
Trong câu trả lời trên, với tư cách người có dịp sống và trực tiếp tham gia vào các sự kiện đã qua, Châu Hữu Quang nói rõ, mọi biến chuyển lịch sử  ở Trung quốc đều  có sự tham gia có tính chất quyết định của các phần tử trí thức.
Lịch sử TQ thế kỷ XX vận động theo cái quy luật chung tức là các dân tộc phương Đông chuyển mình sang thế giới hiện đại, mà một trong những xu thế chủ yếu là dân chủ hóa.
Đảng của Mao sở dĩ thành công cũng là vì nắm lấy ngọn cờ dân chủ đó. Sau khi nhắc lại mấy chi tiết liên quan đến chuyện này -- nào Chu Ân Lai mở tọa đàm về dân chủ, Mao Trạch Đông nói rõ ĐCS phải đi con đường dân chủ -- tác giả chỉ có một câu bỏ nhỏ. “Hồi ấy mọi người tưởng thật”, song đủ cho thấy Đảng đã cố ý lừa dối người trí thức như thế nào. Sự lừa dối này đánh vào tâm lý khao khát dân chủ của người trí thức.

2/  Mao đã tiêu diệt trí thức
Hỏi: Sau ngày lập quốc, Mao Trạch Đông đề xuất phải cải tạo các nhà trí thức cũ ?
Đáp: Hồi ấy Mao Trạch Đông «ngả về phía» [nguyên văn Nhất biên đảo] Liên Xô, nơi giới trí thức bị phủ nhận, Trung Quốc cũng phủ nhận giới trí thức. Danh nghĩa là cải tạo, thực tế là tiêu diệt.

Hỏi:Vì sao sau năm 1949 giới trí thức gặp nhiều nỗi gian truân như vậy ? Là một nhà trí thức đi ra từ thời đại đó, cụ đánh giá ra sao về đoạn lịch sử ấy ?
Đáp: Gần đây các học giả trong ĐCSTQ nói nỗi gian truân của giới trí thức Trung Quốc là do nước Nga đưa đến. Các học giả lịch sử cho rằng Liên Xô là vùng sai lầm lịch sử của nước Nga ; “Nhất biên đảo (ngả về một bên)” là sai lầm lịch sử của TQ [ngả về Liên Xô]. Muốn tiến bộ thì trước tiên phải rút ra khỏi vùng sai lầm.

Bình luận
Trong phạm vi một bài phỏng vấn công khai, cả người phỏng vấn lẫn người được phỏng vấn đều phải dùng cách nói lấp lửng. Trong thực tế, sau khi đã lợi dụng sự ủng hộ của trí thức giành chính quyền tới khi có quốc gia trong tay, Mao có chính sách khác hẳn. Mọi đóng góp của trí thức bị lờ đi. Người trí thức nào công khai tỏ ý trung thành với Mao mới được ghi công, còn người nào giữ nguyên tư tưởng của mình đành chìm trong bóng tối, cũng không có chỗ để phát biểu chính kiến.
Người phỏng vấn chỉ dùng khái niệm cải tạo, người được phỏng vấn đẩy đi xa hơn, gọi thẳng là tiêu diệt, Đảng tiêu diệt trí thức. Nhưng cái ý này được đặt lẫn vào đoạn văn và đổ cho lý do là tại ảnh hưởng của Liên xô, rồi sau đó sẽ đặt vấn đề phải thoát khỏi ảnh hưởng đó thì mới tiến bộ được. Kín đáo nhưng ai đọc cũng hiểu.

3/ Trung Quốc đang ở giai đoạn nào của lịch sử?
Hỏi:Gần đây có sự đánh giá tương đối cao về những năm 80 thế kỷ XX, có người nói đây là «Cuộc khai sáng lần thứ hai» sau Phong trào Ngũ Tứ. Cụ đánh giá như thế nào về «Thập niên 80» ?
Đáp:Cải cách mở cửa thì tốt hơn thời đại Mao Trạch Đông. Nhưng kinh tế đã được cải cách mà chính trị thì chưa cải cách. Các học giả nước ngoài nghiên cứu vấn đề này nói : Cơ cấu xã hội TQ đã đạt được tới tình trạng thời Duy tân Minh Trị, nửa phong kiến, nửa tư bản. TQ muốn đuổi kịp Nhật còn phải đi một chặng đường rất dài nữa.

Bình luận
Đoạn này có lẽ không phải diễn giải gì thêm. Nó đã đặt sự phát triển của Trung Quốc trong tiến trình lịch sử và “gọi sự vật bằng tên của nó”. Luôn tiện tác giả cũng cũng vô hiệu hóa khái niệm “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc” đang lưu hành.

4/ Hiện trạng của giới trí thức Trung Quốc
Hỏi:Giới trí thức Trung Quốc những năm gần đây có hình ảnh tổng thể không tốt đẹp. Thậm chí có người phê bình các nhà trí thức hiện nay, nhất là trí thức ở các trường đại học và cơ quan nghiên cứu, rằng họ đã bị quyền lực và lợi ích “mua chuộc rồi”. Cụ có đồng ý với nhận xét ấy không?
Đáp:Theo tôi họ chưa bị mua chuộc. Ít nhất là phần lớn họ chưa bị mua chuộc. Họ không dám nói thật lòng, không phải là họ thích nói dối, mà là họ « dám nổi giận mà không dám nói». Nếu có một ngày người nói không có tội thì họ sẽ thổ lộ những lời nói thật lòng.
Hỏi: Trong những lời phê bình, người trí thức trong các cơ quan giáo dục bị phê bình nhiều hơn cả. Theo cụ, ngành giáo dục Trung Quốc có những vấn đề tồn tại nào?
Đáp: Cải cách mở cửa đã đưa khoa học tự nhiên vào Trung Quốc nhưng chưa đưa khoa học xã hội vào, trừ kinh tế học là một ngoại lệ. Nếu mở cửa tiếp, đưa khoa học xã hội vào, kể cả giáo dục học, thì tình hình sẽ thay đổi.

Bình luận
Muốn hiểu được tình hình trí thức Trung Quốc thời nay, trước tiên phải trở lại với sự phát triển của giới này trong quá khứ nhất là trong lịch sử hiện đại.
Do chữ Trung Quốc không thể học vẹt như chữ quốc ngữ ở ta, nên những người có trình độ đại học bao giờ cũng phải là do thực chất chứ không thể à uôm như người tốt nghiệp Đại học Việt Nam.
Trung Quốc vốn có truyền thống giao lưu tiếp xúc với nước ngoài từ lâu, việc dạy ngoại ngữ làm rất tốt từ các bậc học, khi đã được liệt vào hạng trí thức thì đồng thời, ở mức nào đó, người ta cũng đã đạt tới trình độ quốc tế.
Còn ngày nay?
Chúng tôi không đọc được tài liệu nào chi tiết về tình trạng trí thức Trung Quốc sau 1949, chỉ biết rằng bộ phận này, trong hoàn cảnh không thuận lợi, bị uốn nắn, bị cải tạo, bị mua chuộc, song do truyền thống cũ có vẻ như họ vẫn đứng vững vẫn phát triển ổn định và có tính độc lập cao .
Anh Phương Lựu (Bùi Văn Ba) là một sinh viên Việt Nam được cử đi học Trung Quốc sau cuộc kháng chiến chống Pháp, có lần kể với tôi rằng ở các trường đại học Trung Quốc, việc giữ một sinh viên giỏi ở lại trường không do đảng ủy hoặc chi bộ bàn bạc quyết định mà quyền này trong tay các giáo sư. Suy ra tính chuyên môn ở Đại học được đề cao và tính chuyên môn này đã đánh bật yêu cầu về hồng thực chất là yêu cầu phục vụ chính trị trực tiếp. Chuyên môn theo đúng nghĩa của nó đảm bảo cho trí thức vẫn là chính họ .
Trên thế giới này đâu đâu người ta cũng nói tới trí thức như những người hướng dẫn nhân dân. Trí thức cổ Trung Quốc khi ra làm quan cũng tâm niệm vậy và điều đó còn đến ngày nay.
Một nhà văn đồng tời là nhà nghiên cứu nổi tiếng là Phùng Ký Tái – tác giả Gót sen ba tấc đã dịch ra tiếng Việt - có lần nói rằng trí thức có ý thức về tính cách ưu tú dạy bảo nhà cầm quyền và hướng dẫn nhân dân.
Sự kiện Thiên An Môn là do sinh viên khởi xướng mà lực lượng đàn áp “cuộc khởi nghĩa“ chính đáng này là do những người lính của Quân đoàn 27 thực hiện, quân đoàn này gồm toàn những người mù chữ.
Ở mức cao hơn, tính tự trị của các trường Đại học cũng là điều có thể khẳng định và có thể kéo dài tới ngày nay. Tự trị là giới đại học như một thực thể độc lập - một không gian chừng nào đó tách khỏi không gian xã hội - có quyền tìm tòi thể nghiệm những tư tưởng mới, những suy nghĩ mới.
Thỉnh thoảng báo chí phương Tây có rò rỉ ra một vài tin về các đại học Trung quốc. Có nhiều cuốn sách kể cả sách khoa học xã hội có cách nghĩ cách viết mới mẻ – mà cũng là phủ nhận tư tưởng bảo thủ chính thống – được in trong nhà trường nhưng không được phát hành ra ngoài. Có vẻ như có nhiều nhân vật trong giới trí thức bị xã hội từ chối nhưng vẫn sống được ở các cơ sở Đại học. Trước khi lưu vong, Lưu Hiểu Ba đã sống như thế. Đằng sau Lưu Hiểu Ba đã xuất đầu lộ diện, hiện ở các trung tâm lớn như Bắc Kinh Thượng Hải loạt trí thức khác chưa có dịp bộc lộ. Họ không lên tiếng cãi cọ lèm bèm. Họ chuyển nhiệt tình chuyên môn của họ vào công tác nghiên cứu. Đọc một cuốn Trung quốc văn hóa sử  được coi là công trình nghiên cứu xuất sắc của giới đại học Trung quốc, tôi thấy những luận điểm mà người ta dựa vào chủ yếu là văn hóa học và xã hội học Mỹ, chứ không phải các tài liệu Mác Lê dù là trong nước hay xuất xứ từ Nga – điều này tôi đã nói tới trong một bài viết về nghiên cứu văn hóa
(http://vuongtrinhan.blogspot.com/2016/03/nghien-cuu-van-hoa-co-rong-thi-moi-co.html ).
Khoa học xã hội Trung Quốc sau 1976 đã khác đi rất xa so với chính nó trước 1976, có nhiều điểm là hoàn toàn ngược lại. Ở khía cạnh chuyên môn này, tôi hiểu tiềm năng của trí thức Trung Quốc rất lớn, nên thấy tin ở các nhận định nói trên của Châu Hữu Quang.

5/ Trí thức phục vụ xã hội thế nào? Nên hiểu sao lòng yêu nước của trí thức?
Hỏi Người trí thức nên quan tâm những vấn đề gì ? Nên có tinh thần như thế nào?
Đáp: Phải có thể suy nghĩ độc lập, phải hiểu lịch sử và sự tiến triển của toàn cầu hóa. Độc lập hành động, tự do tự tại, tự hiểu biết, tạo dựng nhân cách độc lập của mình.
Hỏi : Người trí thức nên giữ mối quan hệ như thế nào với chính trị ?
Đáp: Trong thời đại toàn cầu hóa, chính trị học đã trở thành một khoa học, công tác chính trị đã trở thành công tác quản lý khoa học, tách khỏi tôn giáo và giáo điều.
Hỏi:  Người trí thức Trung Quốc khác người trí thức nước ngoài ở những điểm nào?
Đáp: Nếu được hưởng nền giáo dục như người trí thức các nước tiên tiến đã hưởng thì người trí thức TQ sẽ không có những khác biệt cơ bản nào với người trí thức nước ngoài. Tri thức không có biên giới, người trí thức cũng không có biên giới.

Bình luận
Do những mục đích thực dụng, nhà cầm quyền Trung quốc thích khai thác mặt mạnh của trí thức nhưng lại ngại tinh thần tự do của họ. Tinh thần độc lập của trí thức bị thù ghét. Người ta đưa ra lý thuyết “kiến thức không biên giới nhưng người trí thức nào cũng có một tổ quốc và phải phục vụ tổ quốc mình”. Từ đó dẫn tới kết luận “Yêu nước tức là yêu cái chính thể đương thời, phục vụ một cách trực tiếp chính thể đương thời.”
Phần sau trong bài trả lời của Châu Hữu Quang tập trung vào làm rõ quan niệm khoa học về trí thức có nhiều chỗ khác với quan niệm chính thống. Để biện minh cho tính độc lập và nhu cầu tự suy nghĩ của mình, tác giả nêu ra cái ý về toàn cầu hóa, là điều mà về kinh tế nhà cầm quyền Trung Quốc đã chấp nhận, và đẩy nó lên, thành trạng thái toàn cầu hóa về tất cả các mặt khác. Riêng chuyện người trí thức không bị bó buộc vào biên giới quốc gia của mình là một luận điểm có sức gợi ý. Nó yêu cầu người trí thức không tự bằng lòng với cái chuẩn tầm thường của trong nước mà tìm cách tự nâng mình lên tầm quốc tế, với niềm tin rằng phục vụ sự phát triển chuẩn mực để đưa quốc gia vào quỹ đạo quốc tế mới là yêu nước thực sự. Luận điểm này có khả năng làm lung lay lý lẽ cuối cùng của những người muốn kìm hãm không cho trí thức trở thành chính mình.
Đây là cái ý cuối cùng trong bài viết mà tôi rất tâm đắc:
Hỏi Là một người già trăm tuổi từng chứng kiến sự đổi thay của lịch sử, đề nghị cụ nói một câu với tầng lớp thanh niên Trung Quốc.
Đáp: Được thôi. «Trong thời đại toàn cầu hóa, phải từ thế giới nhìn Trung Quốc, chớ nên từ Trung Quốc nhìn thế giới.»
Thật đúng là tâm thế của người trí thức: Không đề nghị hành động mà chỉ đề nghị hướng suy nghĩ để tìm tới quan điểm, cách nhìn mới mẻ, hiện đại, có khả năng hướng dẫn hành động .

Về Châu Hữu Quang, xin xem thêm bài viết cũng trên Văn hóa Nghệ An
Một trí thức Trung Quốc có nhân cách hoàn mỹ
https://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/mot-tri-thuc-trung-quoc-co-nhan-cach-hoan-my



Mới hơn Cũ hơn