Trong cuộc đấu tranh cho tự do báo chí và xuất bản, chắc chắn ít ai nghĩ
đến chuyện nới rộng chút tự do cho cái tục, cho các vấn đề sinh lí. Những người
tranh đấu là những người đứng đắn, nếu để dây vào chuyện lăng nhăng ấy, không
khéo mất cả sự đứng đắn. Tranh đấu cho cả những
mông và đùi, những hôn hít đụng chạm nam nữ v.v... nữa sao ? Nhảm quá.
Không được đâu: để cho những thứ đó dính líu vào, nó sẽ làm hỏng cả chính nghĩa
của cuộc tranh đấu.
Thành thử, rất có thể những người đòi tự do ngôn luận cũng lại hăng hái lên
án cái tục: Gì chứ cái đó thì phải cấm. Đồng ý. Các chính kiến phải được phép
giãi bày tự do, các tin tức kinh tế, quân sự, chính trị phải được phép phản ảnh
trung thực, bình luận tự do v.v... nhưng
chuyện thương luân bại lý, đồi phong bại tục, thì nên thẳng tay trừ khử. Này !
Chính quyền phải chịu trách nhiệm về tinh thần của lớp con trẻ thơ dại đấy nhè:
Cứ buông thả cho văn hóa phẩm đồi trụy tràn ngập, đầu độc tuổi thơ thì coi
chừng, lại đấu tranh nữa đấy!
Bên này kết tội, bên kia
lên án, cái tục bị trừng trị thẳng tay, tiêu diệt đến nơi đến chốn. Đục bỏ bằng
thích.
Và đó cũng là một tai hại
cho văn hóa.
*
Thật vậy, nhiều chuyện lố
bịch đã xảy ra xung quanh vụ săn đuổi cái tục: Một giải Nobel Văn chương, một
nhà văn lão thành khả kính của Đông phương mà bài diễn văn đọc tại lễ nhận giải
thưởng ở Thụy Điển thấm nhuần tinh thần thiện đạo, tác phẩm của một nhà văn như
thế sau khi lưu hành khắp thế giới bỗng bị cấm cửa tại Việt Nam vì dâm loạn !
Một tập biên khảo về phong tục tín ngưỡng của dân chài, sau khi được cấp một
giải thưởng văn học trong nước, lại bị cấm xuất bản vì nội dung biên khảo là
một tín ngưỡng tục tĩu.
Những chuyện vui có thực
kiểu ấy nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Săn đuổi cái tục như thế thì rốt cuộc
nạn nhân không phải là cái tục mà là cả nền văn học, không phải chỉ có cái tục
bị khốn khổ mà cả nền văn hóa bị xác xơ. Đại khái như cái trò Mc Carthy săn bắt
cộng sản bên Mỹ độ nào.
*
Một cái rắc rối cho người
chiến sĩ bảo vệ thuần phong mỹ tục trong văn chương, đó là một tiêu chuẩn để
làm việc.
Trước một tấm hình, một bức
vẽ, có thể qui định hở hang đến đâu thì dung thứ được, quá giới hạn nào thì
phải tốp lại. Cái tục trong hình ảnh có thể miễn cưỡng xác định bằng tiểu chuẩn
cơ thể học: “Đến đầu gối thì tốt lắm. Hở lên tấc nữa, cũng chấp nhận được. Một
tấc trên nữa là vùng ... phi quân sự: Đừng lai vãng đến. Con trên nữa là cấm
địa... Xuống đến rốn, thế là tốt. Xuống một tấc nữa: phải hết sức thận trọng.
Dưới mức ấy thì tối bất khả. Đó là mồ chôn đạo đức: cấm khai thác”.
Dĩ nhiên tranh và ảnh mỹ
thuật xứ nào thời nào cũng cần khai thác trọn ven “tòa thiên nhiên” tuyệt mỹ,
nếu không thế nghệ thuật chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng trong trường hợp xét thấy
phải cấm đoán, thì người thừa hành còn có thể nhận được huấn lệnh minh bạch,
căn cứ trên những tiêu chuẩn cụ thể, đại khái như trên.
Còn như trong tác phẩm văn
chương, lấy gì qui định cái tục? Lập một danh sách những danh từ cấm dùng
chăng? Liệt kê một số cảnh tượng tiêu biểu cấm trình bày, mô tả chăng? Nêu
lên một số bộ phận cơ thể cấm đề cập đến, cấm gọi bằng tên thật chăng? - Chưa
nghe nói ở xứ nào thuần phong mỹ tục áp dụng một chính sách phòng vệ kỳ cục như
vậy.
Trong một bài tham luận
chống chế độ kiểm duyệt ở Nga Xô, nhà văn A.Soljenitsyne nói đến thứ căn cứ
quái gở dùng để xác định cái dâm ô tục tĩu: đó là sự cả thẹn của người kiểm
duyệt viên.
- Tả cảnh tình tự gì mà kỹ
vậy ? Kỳ thấy mồ !
- Cúng ... lậy gì lạ vậy?
Kỳ thấy mồ !
Hễ “kỳ thấy mồ” thì đục bỏ.
Hễ người ấy đọc mà thấy nhột nhạt, mà đỏ mặt tía tai lên, là đục bỏ. Hễ đọc mà
tự dưng cảm thấy hứng tình lên, thì có thẻ đọc kỹ lại dăm bảy lần, đọc một
mình, lặng lẽ, để “thưởng thức”, rồi... đục bỏ.
Và ấy mới chính thị là một
lối làm việc, một lối các định cái tục... kỳ thấy mồ.
Kỳ và vô lý, vì hoàn toàn chủ quan. Mô tả một cảnh tình tự, tác giả chỉ cốt
trình bày trung thực một khía cạnh tâm lý trong sự gần gũi, chỉ cốt tìm tòi
khám phá về con người, nhưng người nhân viên nọ không chịu chú ý đến những khám phá tâm lý mà chỉ chú ý đến sự gần gũi
nam nữ, rồi đỏ mặt lên như gấc thì biết làm thế nào ? Nghiên cứu một phong tục
thờ cúng sinh thực khí, tác giả chỉ cốt tìm hiểu ghi nhận cho đầy đủ một khía
cạnh tín ngưỡng của dân tộc, ghi chép tường tận những hình thức nghi tiết sắp
tiêu tàn, mất tích trên đất nước v.v... những người nhân viên nọ không chịu
thấy tín ngưỡng, thấy lễ nghi, mà chỉ để hết tâm hồn vào vụ sinh thực khí, rồi
đỏ mặt, thì biết làm thế nào ?
Một nhà phân tâm học chẳng hạn sẽ có thể cắt nghĩa cho chúng cả về cái tính
cách bệnh hoạn của những con người quá nhạy cảm, đặc biệt nhạy cảm về những gì
liên quan đến tình dục. Nhưng ai cắt nghĩa cho chúng ta hiểu nổi tại sao văn
học lại phải gánh chịu hậu quả của sự bệnh hoạn cá nhân ấy?
Công cuộc bảo vệ đạo đức phải là một việc làm lành mạnh do những người lành
mạnh, sự săn đuổi cái tục phải có những căn cứ minh bạch và hợp lý.
*
Chuyện sinh lý có lẽ không nên xét theo xúc cảm cá nhân, cũng không nên xét
một cách máy móc.
Cá nhân có vô vàn thái độ phản ứng khác nhau, không ai có thể đem cái chủ
quan của mình ra để bắt thiên hạ tuân theo. Mặt khác, ngoài đời cũng như trong
tác phẩm nghệ thuật, một lối phán xét máy móc đối với chuyện sinh lý sẽ đưa đến
kết quả ngô nghê.
Trong một bồn nước ở phòng tắm bên Nhật, cha con, vợ chồng, trai gái có thể
hoàn toàn khỏa thân tắm chung mà không dâm ô; ở ngoài đường phố, một chiếc áo
quá hở quá mỏng lại là dâm ô. Trên trang sách y học, một bức hình sinh thực khí
choáng đầy trang không dâm ô; trong cuốn tiểu thuyết, một sự mô tả để mức nào
đó có thể coi là dâm ô.
Có lẽ tiêu chuẩn để phán xét là sự cần thiết, là dụng ý.
Trong sách y học, sự trình bày cơ quan sinh lý là cần thiết; vậy không dâm
ô. Cũng trong sách y học sự trình bày ấy nhắm dụng ý giáo dục: vậy không dâm ô.
Trong sách nghiên cứu về phong tục, về tín ngưỡng, về tâm lý v.v... bất cứ ở
đâu, khi sự xuất hiện của cơ quan và hoạt động sinh lý thấy cần thiết, khi sự
trình bày có dụng ý đứng đắn, thì nó có quyền xuất hiện và được trình bày đầy
đủ, đến cùng mức độ cần thiết.
Trong trường hợp ngược lại, khi không thấy có sự cần thiết, khi việc trình
bày chỉ có dụng ý khích dục vì lý do thương mại, thì nên cấm đoán.
Như thế, có thể chấp nhận ở tác phẩm này những mô tả thực tỉ mỉ hàng chục trang về chuyện
sinh lý, mà không thể chấp nhận ở tác phẩm khác một đôi dòng, đôi ba câu nham
nhở.
Thiết tưởng cũng cần minh định: Gọi là dụng ý đứng đắn không phải chỉ có
dụng ý giáo dục, khoa học mà thôi. Các dụng ý về mỹ thuật, về triết học lắm khi
bị ngộ nhận. Một bức vẽ khỏa thân thể hiện được nét đẹp thân xác là một dụng ý
đứng đắn. Những tác phẩm ác liệt của H. Miller, của D.E. Lawrence... chất chứa
đầy những chuyện dục tình nẩy lửa cũng lại hàm dựng ý đứng đắn không kém -- còn gì
đứng đắn hơn sự khám phá về những bí mật cùng thẳm của con người? Nếu có người
đọc nào chỉ tìm thấy ở những khám phá ấy
một sự khiêu khích dâm dục thì... mặc họ chứ ! Nếu chỉ vì những người cả thẹn
thì Freud đã bị hy sinh từ lâu rồi.
Nhưng làm thế nào phân biệt một chuyện sinh lý có dụng ý tốt với một chuyện
sinh lý có dụng ý xấu trong tác phẩm nghệ thuật: đó cũng là một cái rắc rối. Dù
sao sự phân biệt này chỉ đòi hỏi một trình độ, chớ không đến nỗi phó thác cho
những ước định vu vơ, chủ quan...