VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Võ Phiến: Cái tục tĩu trong văn hóa phẩm

Xem Lời giới thiệu loạt bài này
               đã đưa từ 5-5-2017

Giới cầm bút trong nước đòi tự do báo chí và  xuất bản, Nhà nước lăm lăm thủ luật 007 như một vũ khí, quyết giữ quyền cắt xén, đục đẽo.
Mỗi bên có một cách lo lắng về văn hóa khác nhau. Giới cầm bút lo cho cảnh tàn tạ của tư tưởng, của ngôn luận, của văn hóa. Lo rằng báo không nói được đầy đủ sự thực rồi sẽ không còn ra tờ báo nữa. Lo rằng sách mỗi ngày xuất bản mỗi ít, có lúc sẽ mất tích luôn ở xứ này. Giá sinh hoạt đắt đỏ, số người mua sách mua báo giảm sút nhanh chóng, số người có điều kiện đeo đuổi việc trước tác cũng giảm sút nhanh chóng; thế mà cái số ít ỏi tác phẩm được viết ra còn bị chận lại, vùi thây trong nghĩa địa phối hợp: rốt cuộc, sinh hoạt văn hóa quá đỗi tiêu điều. Đó là điều hết sức đáng ngại.



Giới cầm quyền cũng tỏ ra có nhiều lo lắng đối với văn hóa. Lo rằng không đục bỏ chỗ này e thuần phong mỹ tục bị đụng chạm một cái nặng nề mà xỉu đi chăng; lo lắng không cắt bỏ chỗ kia thì chính nghĩa quốc gia bị thương tổn mà lu mờ chăng; lo rằng không chận giữ cuốn sách nọ thì xã hội sẽ suy đồi vì nó chăng v.v...
Ít ra, giữa đôi bên cầm bút và cầm quyền đã có một chỗ gặp gõ. Cả đôi bên đều nhận định rằng văn hóa có tầm quan trọng lớn lao. Bên này thấy nó quan trọng vì những lợi ích của nó, vì vậy mà lo lắng khi sinh hoạt văn hóa gặp trắc trở. Bên kia thấy nó quan trọng vì.... những tai hại nó có thể gây ra. Bởi vậy không thể không tận lực kiểm soát sự sinh hoạt (dù là tiêu điều) của nó.
*
Trong các lý do được viện dẫn để duy trì chế độ cắt xén tác phẩm, lý do mạnh nhất là bảo về thuần phong mỹ tục, là giữ gìn cho nền văn hóa được lành mạnh, chống lại sự đồi trụy.
Nói cho đúng, đó không hắn là lý do “mạnh”, nhưng là lý do tiện dụng nhất. Hiến pháp có cho phép nhà nước hạn chế quyền ngôn luận trong những trường hợp tổn hại đến an ninh quốc gia. Nhưng mỗi người, mỗi đảng phái chính trị có quan niệm riêng về cái gì nói ra có hại hay không có hại cho an ninh quốc gia. Sự ngăn chặn phát biểu một chính kiến thường khi có thể gây tranh biện đến vô cùng.
Bảo rằng tác phẩm nọ, tờ báo kia bị cấm in, bị tịch thu vi một chính kiến, một tin tức xét ra có hại, như thế có chỗ bất tiện. Bởi vì dư luận có thể cho là bịt miệng đối lập, là độc tài v.v... Trong khi ấy, cứ ngang nhiên tuyên bố rằng ấn phẩm bị tịch thu vì dâm ô tục tĩu quá xá, sẽ không còn ai dám bênh vực nữa. Tác giả nạn nhân tha hồ đỏ mặt ngượng ngùng. Dư luận chỉ có thể tán thành nhà cầm quyền. Thật là tiện lợi.
Chẳng những tán thành, dư luận thường khi còn khuyến khích, còn đòi hỏi sự cấm đoán cái tục tĩu dâm ô thêm nữa. Đây đó, có những lời phàn nàn, trách móc: “Thời buổi này, phim ảnh, sách báo mỗi ngày mỗi điên loại. Kiểm duyệt dung túng dâm loạn. Thế này thì khốn khổ cho con em, thế này thì văn hóa xuống dốc mấy hồi”. v.v..
Trước những cổ võ, đòi hỏi ấy, người thợ đục càng tin tưởng vào sứ mệnh thiêng liêng của mình, càng hăng say tả xông hữu đột càn quét cái tục: Tục thờ cơ quan sinh dục ? Dâm loạn! - Đôi tình nhân dắt nhau vào phòng riêng ? Sắp bậy bạ đến nơi rồi: Cắt bỏ. - Phong tục nam nữ ăn chung ở lộn của một sắc dân thiểu số bên Phi Châu ? Nghiên cứu làm chi chuyện đồi bại vậy ? Lỡ trẻ xem đến có hại: Cắt bỏ ...
Lâu lâu nhìn lại thành tích của mình, người thợ đục nọ hớn hở khoe; “Ít ra, tôi đã làm cho văn hóa xứ này sạch sẽ hơn lên nhiều. Không ai có thể trách tôi về điều đó.”
Trong những thời kỳ xung đột gay cấn nhất giữa giới cầm bút và cầm quyền, trước những phản đối mạnh mẽ nhất đối với chế độ kiểm duyệt, người cầm kéo “chống dâm ô bảo vệ văn hóa lành mạnh” vẫn không chút áy náy. Người ấy vẫn tiếp tục nhiệm vụ cứu đời, đầy tự tin.
Không tự tin sao được, khi người ấy được lắm kẻ xem là một hi vọng, một chỗ nương cậy để cứu nguy văn hóa. Không có người cầm kéo ấy, các nhà đạo đức ưu thời mẫn thế đôi khi lúng túng khổ sở.
Như ông Jean Cau chẳng hạn.
Ở Pháp không có kiểm duyệt. Khi ông hàn lâm Maurice Druon lên làm bộ trưởng Văn hóa, ông ta có ý kiến đặt ra những hạn chế cho sự tục tĩu trên sân khấu và phim ảnh. Giới làm phim và diễn tuồng nổi lên chống đối ghê gớm. Ông Druon chào thua; rồi bây giờ M.Druon không còn điều khiển bộ Văn hóa nữa.
Trong lúc ấy, các tài tử điện ảnh và sân khấu mỗi ngày mỗi làm lộng, họ cởi áo và tụt váy kỹ quá. Nhà văn Jean Cau hoảng hồn. Nhưng ông ta biết kêu gọi ai bây giờ ? Nền văn hóa Pháp không mời vệ sĩ cầm kéo che chở, biết nhờ ai tiếp cứu ?
May thay ông Jean Cau là một người nhanh trí. Trong cơn quýnh quáng ông túm ngay lấy bà Francoise Giroud Bộ trưởng bộ Thân phận nữ giới.
Lập luận của ông ta đại khái như sau: Kìa, bà không thấy sao ? “thân phận” phụ nữ bị uy hiếp quá trời: người ta đưa ra ánh sáng đủ mọi bộ phận của phụ nữ thế kia, bà còn chờ đợi gì mà không can thiệp chớ hả ? Phim dâm ô chiếm 40% số thu của ngành điện ảnh; ngay các nữ tài tử “tiến bộ” nhất, các nhân vật trong Mặt trận giải phóng phụ nữ (M.L.F) luôn luôn hô hào cởi mở, bây giờ cũng than thở: Susan Anspach, JacquelineBisset, Madeleine Kahn v.v.. đều kêu rằng các nhà đạo diễn mỗi ngày mỗi ra lệnh cho ống kính lục soát thân xác họ kỹ quá, không chịu được; “thân phận” nữ giới lâm nguy rõ ràng, thấy chưa ?
Cũng may mà ở Pháp vừa ra đời cái cơ quan mới mẻ do bà F.Giroud đảm nhiệm. Nếu không có cơ quan kiểm duyệt, lại không có cả bộ Thân phận Nữ giới, chẳng biết nhà văn Jean Cau xoay xở ra làm sao, quýnh quáng đến bậc nào.
*
Sự thực cái tục tĩu dâm ô có đe doạ văn hóa đến thế chăng ? Giữa sự đe dọa cái tục và sự đe dọa của tước đoạt tự do, bên nào tai hại hơn ?
Những vấn đề cân nhắc như thế không giản dị. Muốn quyết định một hành động có trách nhiệm, có suy tính cẩn thận, nguyên Tổng Thống Hoa Kỳ Johnson đã nhờ đến một ủy ban nghiên cứu. Uỷ ban gồm nhiều thành phần: Khoa học gia, luật gia, triết gia, nhà giáo dục, tu sĩ, nhà đạo đức v.v... Bấy nhiêu hạng người cùng nhau tìm hiểu giúp ông Tổng Thống xem sách báo dâm ô có gây tai hại thực sự nào cho xã hội chăng ? Cuối cùng, họ phúc trình: Không!
Có thể rằng kết quả tìm tòi của Uỷ ban nọ không nên tận tín. Cũng có thể rằng những điều không gây hại trong hàn cảnh xã hội Hoa Kỳ rất có thể gây hại trong hoàn cảnh xã hội một nước Đông Phương v.v... Những chuyện ấy rồi chúng ta sẽ trở lại sau. Dù sao, phải nhận rằng ít khi người cầm quyền chịu xem xét vấn đề thận trọng, khách quan như ông Johnson trước khi quyết định “bảo vệ văn hóa”.
Còn nhớ năm 1969, khi phong trào Hippy xuất hiện, nhiều chính phủ nhận thấy đó là một đe dọa nguy hiểm đối với văn hóa. Tại Thái Lan, cũng có những vụ cấm thanh niên tóc dài nhập cảnh tại các phi trường, những vụ săn đuổi bắt bớ tóc dài tại các thành phố, lúc bấy giờ trên tờ  “Bangkok Post” số ra ngày 26-9-1969, đăng một lúc thư ngỏ của một người ký tên là Taem.
Thư như sau: “Thưa Ngài, Quốc hội không làm việc gì khác hơn là bàn về những cách ngăn cấm tóc dài của con trai và váy ngắn của con gái... Họ lên án và cấm đoán tất cả những gì chưa quen. Thế thực ra họ quen với cái gì ? Thưa, quen với thói xấu, quen với tội ác, quen với nạn tham nhũng, quen với những con đường tồi tệ, quen với đồng lương chết đói của hạng công chức thấp quèn với lề lối làm việc vô hiệu của guồng máy hành chánh, quen thói xấc láo với dân chúng, quen với những chương mục mật tại các ngân hàng Thụy Sĩ, quen cưới con gái vị thành niên, quen đi xe to tướng, quen tới sở lúc 11 giờ và ra về lúc 2 giờ chiều. Tất cả những cái đó cứ lờ đi, nhưng cấm ngay tóc dài nó làm nguy hại thanh niên, như thế có lẽ là tiện nhất. Hà, hà, hà !”

Tóc dài, bên Thái Lan, còn biện minh nổi cho một chủ trương cấm đoán hăng say, huống hồ là dâm ô ? Ở đời còn có gì nguy hiểm hơn, quan trọng hơn dâm ô ?
Mới hơn Cũ hơn