VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Võ Phiến : Đàm thoại về sách tiêu khiển

Xem Lời giới thiệu loạt bài này
               đã đưa từ 5-5-2017

Đàm thoại về sách tiêu khiển
Nhiều người bảo cảnh sinh hoạt văn nghệ ở ta hiện này thật tiêu điều, chẳng có gì đáng nói. Thực ra tiêu điều thì quả có, nhưng không phải vì vậy mà không có những chuyện ngộ nghĩnh đáng nói. Vấn đề sách kiếm hiệp trinh thám chẳng hạn.




Trước đây không lâu, loại ấy tràn ngập thị trường; trong tiệm sách, bên lề đường đâu đâu cũng thấy Kim Dung với những Cô Gái Đồ Long, Thiên long bát bộ, những Vi Tiểu Bảo, Kiều Phong v.v..., cũng gặp những điệp viên 007, những James Bond v.v.. Thế rồi, tặc một cái, loại sách ấy biết mất, không còn bóng dáng đâu nữa.
Hồi còn lừng lẫy, Kim Dung có tung hoành quá đáng: ông ta thành ra một món “thời trang”, các cô các cậu theo dõi từng tác phẩm, từng nhân vật của ông ta đã đành, các nhật báo, các nhà xuất bản “khai thác” ông ta đến nơi đến chốn đã đành mà chính khách, tướng lãnh thỉnh thoảng có dịp tuyên bố này nọ cũng viện dẫn “điển tích” trong Kim Dung ra để tỏ ra mình cũng văn nghệ như ai, rồi có những ký giả lấy tên nhân vật Kim Dung là bút hiệu, rồi lại có những nhà biên khảo suy tư về hiện tượng Kim Dung, giải thích ý nghĩa triết lý trong tác phẩm Kim Dung v.v..
Từ cảnh lẫy lừng ấy, Kim Dung xuống dốc êm ru. Bây giờ ông ta cơ hồ mất tích. Kim Dung đã chết cách nào ? Ai đã giết ông ta ? ám hại ông ta ?
Nếu chỉ là một trường hợp cá nhân thì không có gì đáng thắc mắc, tác giả nào mà lại chẳng có lúc hết thời. Viết mãi rồi cũng phải kiệt sức, phải cạn đề tài, phải bị độc giả và giới xuất bản bỏ rơi. Lên voi xuống chó, âu cũng là chuyện thường tình.
Nhưng đàng này Kim Dung không chết một mình. Bao nhiêu nhân vật nam nữ võ nghệ siêu quần bạt chúng của ông, cũng như bao nhiêu nhân vật thiên biến vạn hóa của Ian Fleming, của John Le Carré v.v.. đều bị thủ tiêu âm thầm ở xứ này trong vòng năm rưỡi nay.
Cái chết bí mật và tập thể ấy tất phải do một chủ trương: chủ trương cấm sách kiếm hiệp và trinh thám.
- Chủ trương của ai? Của chính phủ chăng? Do cơ quan nào, bộ nha nào? Công bố dưới hình thức đạo luật nào? Nghị định nào ?
- Không có luật lệ, nghị định nào cả. Không được công bố bao giờ cả. “Bí mật” mà. Tuy vậy vẫn là một chủ trương được thực thi nghiêm chỉnh, và có kết quả rõ ràng, như ai nấy đều thấy. Nói cho đúng, đó không hẳn là một chủ trương cấm sách, mà là chủ trương ngăn chặn việc xuất bản loại sách này.
*
Kiếm hiệp là của Tàu, trinh thám gián điệp có nguồn gốc từ bên Âu Mỹ; một bên Đông một bên Tây; một bên lấy thời xa xưa làm bối cảnh, một bên lấy thời hiện đại làm bối cảnh; một bên lấy cung kiếm phù pháp làm phương tiện, một bên lấy súng lục hãm thành, máy điện tử làm phương tiện; hai loại sản phẩm văn chương ấy có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, hai loại ấy có một điểm gặp nhau: là cùng thuộc thứ sách giải trí, không có ích lợi rõ rệt. Hai loại ấy đều nhằm đưa ra những trường hợp, những nhân vật ly kỳ quái dị, đưa ra những câu chuyện tưởng tượng bí hiểm, lắt léo, hai loại ấy không cốt mô tả xã hội, không cốt đào sâu tâm lý, không giáo dục ai được gì mà chỉ để cho độc giả mua vui “một vài trống canh” vậy thôi.
- Vì vậy mà nó bị cấm ?
- Đã bảo không hẳn là cấm.
- Không nên quá bận tâm về danh từ. Trong thực thế “cấm” hày “ngăn chặn xuất bản” đều như nhau. Đàng nào cũng làm cho nó không ra đời được.
- Nó là thứ sách để tiêu khiển, để giết thì giờ, nó vô ích... 
-- Người ta chỉ cấm cái tội lỗi, vô ích không phải là một tội lỗi. Có lẽ đó là lý do tại sao sự cấm đoán này không thành luật: khó mà công khai biện minh được.
- Biện minh cho việc cấm đoán cái vô ích là khó, nhưng biện minh cho cái vô ích e cũng không dễ! Lẽ nào cứ để cho những sản phẩm vô ích tràn ngập thì trường sách báo ?
- Chúng ta đang dùng một danh từ chưa được định nghĩa cẩn thận: “vô ích”. Chúng ta nói một cách độc đoán loại sách này vô ích loại sách nọ hữu ích, trong khi chưa thỏa thuận với nhau về vai trò của văn học nghệ thuật, về sự ích lợi của nó.
Mấy ai biết đến cùng cái “ích lợi” đích thực của các nghệ phẩm nói chung, của các tác phẩm văn chương nói riêng, là ở đâu ? Một bài Thu điếu” của cụ Yên Đổ, một bài thơ vịnh cái chổi chẳng hạn, nó ích lợi ra làm sao mà được quí chuộng ? Bộ Nghìn lẻ một đêm không phải là chuyện giả tưởng, huyền hoặc, để tiêu khiển sao? Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, xét về mặt ích lợi, khác với truyện Kim Dung ra làm sao ?
- Vấn đề quả thật mênh mông, có lẽ nên để dành cho một dịp khác. Hôm nay chúng ta không nói một vấn đề tổng quát (là sự ích lợi của văn chương) và chỉ nói về một loại sách.
- Về sự đối xử bất công đối với sách. Thật vậy, giả sử rằng sách kiếm hiệp và trinh thám quả thật hoàn toàn vô ích thì chẳng qua nó cũng vô ích như thuốc hút, như mạt chược, như đá gà v.v.. Lẽ nào sách tiêu khiển có thể vô ích hơn điếu thuốc thơm? Thuốc lá chẳng những vô ích, lại còn bị y học chứng mình là độc hại, thế mà hàng năm nhà nước tốn kém biết bao nhiêu ngoại tệ cho việc nhập cảng thuốc hút.
Mạt chược, mới vừa rồi được Tòa án tha bổng. Những ai phong lưu, sang trọng, giàu có tha hồ xoa mạt chược. Còn như người công chức tư chức, người lao động ít tiền túi, thỉnh thoảng muốn bỏ ra dăm ba chục đồng thuê một cuốn sách vô thưởng vô phạt để giải trí, tiêu sầu, thì không còn tìm ra sách tiêu khiển mới nữa. Cái tiêu khiển của kẻ nghèo, ít ra là của hạng trung lưu bị cấm. Trong khi ấy, những món như Cognac, Hennessy, Champagne v.v.. các thứ rượu đắt tiền, chắc chắn không có ích lợi nào to lớn hơn là sách kiếm hiệp, nhưng món ấy vẫn được nhà nước chi ngoại tệ rước vào để giới giàu tiêu sầu khiển muộn. Cho nên bảo rằng có sự bất công đối với sách.
Cùng là để tiêu khiển cả, mà cái mua vui cho ông thần khẩu, cho dạ dày được tự do, mua vui cho trí óc thì cấm đoán, vui mà có hại thì được tự do, vui mà vô hại thì bị cấm đoán.
- Cái ích lợi của văn chương chưa xét đến thì cái hại nên gác lại: chưa chắc là sách tiêu khiển, không có hại. Nhưng dù chưa đi sâu vào vấn đề lợi hại do nội dung nó gây ra, cũng có thể thấy ngay cái hại tiêu thụ giấy của nó.
Mới tháng vừa qua, có một tuần lễ nhà xuất bản Gallimard không lựa bản thảo nào có giá trị để in: đó là chuyện chưa hề xẩy ra từ khi nhà Gallimard ra đời đến nay. Chủ nhân lấy đó làm buồn chăng ?- Không, ông ta vui mừng: giấy mực đắt quá, càng bớt in càng tốt. Ấy, đối với tình trạng ở Pháp còn thế, huống hồ ở nước ta. Trước nạn khan hiếm giấy, chúng ta nên bớt tiêu khiển, để dành giấy cho các loại sách có ích lợi thiết thực, cho học sinh có tập rẻ giá mà học v.v...

- Chủ trương “cấm sách kiếm hiệp ở ta xuất hiện trước nạn khan giấy: do tiên tri chăng ? Dù sao, nếu cần tiết kiệm, nếu có cái gì cần phải nhường quyền ưu tiên cho sách học, cho tập học sinh v.v... có lẽ trước tiên nên nghĩ đến rượu, đến thuốc lá, đến giấy vàng mã thiên hạ đốt mỗi ngày hàng tấn khắp đó đây. Thử cấm đốt giấy, thử cấm nhập cảng rượu thuốc để tăng nhập cảng giấy xem. Lẽ nào khi cần nhịn thì chủ trương nhịn sách trước rồi mới nhịn rượu sau ?
Mới hơn Cũ hơn