VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Evtoushenko và văn học phi chính thống xô viết ở Hà Nội trước sau 1975

Một sự kiện văn học được chú ý đầu tháng tư này là cái chết của nhà thơ Xô viết Evgeni Evtoushenko -- dưới đây viết tắt là E.E. – (1932 - 2017). Ông thuộc loại những tên tuổi Nga được biết nhiều nhất ở VN nhờ ở chỗ đại diện cho một xu thế trong văn học xô viết sau 1956, có nhiều tiếng vang ở Hà Nội một thời gian dài, nhất là trước 1975. Tôi ghi lại ở đây những lý do khiến năm ấy chúng tôi ngưỡng mộ E. E. và những bài học mà chúng tôi rút được từ trường hợp của ông.


Tuy đã biết tiếng Evtoushenko là một nhân vật thuộc cái trào lưu mới nẩy nở ở nước Nga những năm 60 trở đi, nhưng trước sau 1970, một số anh em trẻ bọn tôi, kể cả dân biết tiếng Nga, vẫn chưa được tiếp xúc với những tác phẩm quan trọng nhất của ông.Về con người ông, cái thực thì không mấy mà toàn là ít chuyện đồn thổi linh tinh.
Lý do, mối quan hệ giữa VN và Liên xô hồi ấy tương đối tế nhị, bề ngoài một đằng mà bên trong một nẻo, vừa tin cậy vừa nghi kỵ, vừa ra vẻ thân thiết vừa đề phòng nhau. Và trên hết cả trong khi mỗi bên vẫn giữ miếng của mình, thì sự lợi dụng lẫn nhau không bao giờ bị bỏ lỡ.

Từ khoảng 62 - 63, sự ngăn chặn chủ nghĩa xét lại được Hà Nội làm hết sức triệt để nên chúng tôi càng bí.

Tới 1972, khi theo chân bộ đội vào sống giữa Quảng Trị đổ nát ít ngày, tới những căn nhà chủ đã bỏ đi, tôi mới lục được số bán nguyệt san Văn ra 1-1-1968 chuyên về văn học Nga Sô, trong đó có đăng Tự truyện viết sớm, bản tiếng Việt của Vũ Đình Lưu, và mấy bài thơ của E.E. do Nguyễn Kim Phượng và Thạch Chương dịch.

Trong chùm thơ này, tôi sẽ lấy ra bài Những nỗi sợ hãi để giới thiệu với các bạn dưới đây.

Riêng bài Tự truyện viết sớm với chúng tôi lúc đó có chút gì giống như... một quả bom. Mấy trang in bài báo đó mang về được những bạn tôi như Lưu Quang Vũt, Trúc Thông ...vồ vập. Chúng tôi truyền tay nhau thật nhanh, có người còn đánh máy lại nữa. Bởi chúng tôi không chỉ muốn biết thành quả của lớp người gọi là trẻ lúc ấy, mà còn quan tâm tới các bước đường tư tưởng của họ, những băn khoăn dằn vặt và cả những lầm lỡ tai họa họ đã phải chịu khi tim cách chệch hướng tức là tìm cách vượt xa hơn cái giới hạn mà họ bị hạn chế.

Trước chiến tranh, sự tiếp nhận văn hóa Nga ở Hà Nội đã sớm trải qua một cuộc khủng hoảng.

Nguyên là sau giai đoạn hậu chiến đầy tăm tối, tới khoảng 1960 trở đi, xứ sở mà Stalin để lại có sự tan băng trên phương diện tư tưởng. Trong văn học, đầu tiên là sự hình thành các tác phẩm mới viết về chiến tranh, tiếp đó là những tác phẩm đặt lại toàn bộ các vấn đề về xã hội xô viết, trong đó đề cao các khái niệm nhân văn nhân bản. Mấy chữ phi chính thống tôi dùng ở đây với nghĩa nó không được nhà nước thích thú lắm, nhưng không đến nỗi đàn áp khốc liệt mà chỉ răn đe, ngoài ra còn tìm cách lợi dụng .

Xu thế chệch hướng này đặc biệt thấy rõ trong tâm lý lớp người lúc đó gọi là trẻ. Vốn được nhà nước đào tạo, trong họ vẫn âm ỉ rồi bùng phát một xu hướng nhân bản và khao khát vượt qua tấm màn sắt để gia nhập vào thế giới hiện đại.

Nhưng vào lúc đó, một xu hướng ngược lại đang chi phối Hà Nội. “Chúng ta cần phải kiên trì lý tưởng”. Cái câu quen thuộc ấy trong trường hợp này có nghĩa hãy trở nên khô héo đi, không được hướng về những chân trời xa xôi, không được bắt kịp cái sự sống run rẩy mà con người sau đại chiến thứ hai ở các phương trời khác đang cảm nhận. Ca ngợi hòa bình lúc này là cái tội.

Trước khi xuất hiện câu thơ của Chế Lan Viên đầy tự hào khi nói với những kẻ đầu hàng -- Hỡi những con thỏ hòa bình đang bình yên gặm cỏ -, giới nhà văn chúng đã được hướng dẫn là phải phê phán quyết liệt với những tác giả mới trong văn học xô viết.

Thế thì tại sao lại có việc mời E. E sang Hà Nội cuối 1971? Trong hoàn cảnh chiến tranh lạnh, nhà nước xô viết không dễ mà gạt bỏ hết mọi mầm mống thay đổi trong lòng xã hội mình. Đã thế họ còn khôn ngoan dùng luôn giới trẻ để tự quảng cáo cho cái gọi là sự cởi mở của mình, do đó là để mặc cả với Mỹ. Mà cái này thì VN đang cần, VN trong khi triệt để cấm chợ ngăn sông để dân tình chỉ một lòng theo đuổi chiến tranh, vẫn tìm mọi cách để -- nói như chữ nghĩa thời ấy -- là “tranh thủ sự đồng tình của nhân loại tiến bộ”, và cụ thể là lấy lòng người Nga đang cung cấp vũ khí hạng nặng. Thế là E. E. được bố trí sang thăm Hà Nội và đưa vào tận Vĩnh Linh.


Về những bê bối chung quanh chuyện E.E sang Hà Nội năm ấy, nhà văn Tô Hoài từng kể với tôi một chi tiết nhỏ. Noel 1971, E.E được Tô Hoài dẫn ra phố, hòa vào dòng người có mặt trước Nhà thờ Lớn Hà Nội. Không rõ được bộ phận tuyên huấn của ông Tố Hữu -- một trong những ông trùm khét tiếng vì kiên trì chống xét lại -- bố trí trước, hay người dân tự phát tỏ thái độ, chỉ biết một công dân thủ đô nào đó khi nhận ra một người Nga có mặt là E. E đã hô to :”Đả đảo tên xét lại“. Vốn đã được chuẩn bị từ trước, Tô Hoài nhìn E. E, cả hai chia sẻ một nụ cười thản nhiên. Hình như chi tiết này Tô Hoài có đưa vào trong Cát bụi chân ai, rồi có lần tái bản ông đã bị sức ép phải xóa đi, rồi ông già tinh quái có lần đã lấy lại, và đưa vào một lần in khác, nhưng sách của Tô Hoài thì tái bản bao nhiêu lần, tôi chịu không đủ sức kiểm tra lại nữa mà chắc cũng chả ai làm nổi.

-----

Ngày 1-4-2017, E.E qua đời thì mấy ngày sau 5-4, 6-4 , nhiều báo tiếng Việt đã đưa tin, dưới đây là một đoạn trên mạng Tin tức nước Nga (chắc là dựa trên các báo đối ngoại của Nga), có nhắc tới những ngày E. E. ở VN.

“Evgeni Evtushenko là một phần của toàn thể nhân loại, của tất cả mọi người trên trái đất này, không phân biệt màu da, tôn giáo hoặc ngôn ngữ. Ông từng đến hơn một trăm quốc gia, có mặt trong những nơi đau thương nhất của hành tinh chúng ta, trong thời điểm nóng bỏng nhất. Chẳng hạn, năm 1962 ông đã đến Cuba tại thời điểm khủng hoảng vịnh Caribe, khi quan hệ Xô-Mỹ đã trên bờ vực chiến tranh; ông cũng đã có mặt Việt Nam trong giai đoạn miền Bắc bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.

"Và đau đến nỗi dường như hiện giờ, tại đây chúng tôi bị ném bom" — ông viết trong một bài thơ của mình nhân chuyến đi Việt Nam. Sự mất mát đau thương của những người dân, cảnh góa bụa của những người phụ nữ, sự trưởng thành trước tuổi phi tự nhiên của trẻ em ... khiến ông phải chú ý quan tâm. "Và người dân gầy ốm, tong teo/ No nê tai vạ, tai vạ, tại vạ" — nhà thơ buồn bã kêu lên trong bài thơ của mình. Ông lên tiếng kêu gọi người Mỹ và nhân dân toàn thế giới: "Đủ rồi, bom đạn, bom đạn" (trong bài thơ Cơn mưa dài ‘).

Liên quan đến giới văn nghệ VN hồi đó ấn tượng nhất trong tôi là mẩu chuyện sau đây:

Trong xu thế chống xét lại ngự trị, nhà văn Ng Tuân đang bị coi là có vấn đề. Ông không công khai, nhưng gần như ai cũng biết rằng ông thích cái xu thế hòa bình của Liên xô lúc ấy hơn chủ trương đẩy mạnh chiến tranh của Trung quốc. Ông viết về chiến tranh theo cách của mình, tạo nên một cuộc thi đua săm soi dò xét những phản nghịch được ông phát biểu. “Trời vẫn xanh một màu xanh nghi ngại” ông Nguyễn đã viết như vậy trong một bài báo và cái câu văn rất Ng Tuân ấy bị đặt dấu hỏi bị coi là chung chung và mang màu sắc hoài nghi. “Trời vẫn xanh một màu xanh cảnh giác”, giới văn nghệ đọc trên báo cái câu đã được Ng Tuân chữa lại ấy, để rồi cùng luận ra rằng việc viết lách của mình cần chú ý những gì.

Nhưng những điều đó cũng đã đến tai những người làm ngoại giao, đến tai các nhà báo nước ngoài , kể cả E E . Nhà thơ trẻ càng khoái và khi đến Hà Nội, có ý tìm cách nắm bắt không khí dân tình Hà Nội, qua những dịp bù khú trực tiếp với loại nhân vật như ông Nguyễn.

Bên cạnh những bài thơ viết về đường số một, về tinh thần bất khuất hồn nhiên của người dân, E.E. còn có một bài thơ nói về cuộc đàm đạo với một nhà triết học ở Hà Nội — gọi Ng Tuân không tiện chỉ nói nhà triết học -- nó là một cách được ông sử dụng để ghi nhận một khía cạnh trong đời sống tư tưởng ở xã hội VN thời chiến.

E.E. muốn nói với đồng bào của mình và cả bạn đọc các phương trời khác rằng ở đây, ngay trong chiến ranh, những người tiên phong trong xã hội xô viết vẫn tìm được người đồng điệu. Điều đó cũng có nghĩa ở đây, vẫn còn một dòng tư tưởng muốn hội nhập với sự vận động chung của tư tưởng bên Nga bên Mỹ ngoài kia, và nghĩ xa mãi ra, nghĩ cả về chuyện hậu chiến sau này.

Tôi dự đoán những cuộc gặp gỡ với những người như Nguyễn Tuân trong chuyến đi ấy càng cho E. E . thấy rằng con đường mà họ lựa chọn là có ích không chỉ cho Liên xô mà còn cho giới trí thức ở các xã hội tương tự.

Sự có mặt của E.E năm ấy khiến những người làm văn nghệ Hà Nội càng thấy phe phi chính thống xô viết không phải là hèn nhát là đầu hàng, họ chỉ có cách chống Mỹ theo kiểu khác, và họ gắn liền với một tương lai đồng nghĩa với những giá trị văn hóa.

Xu thế này trong xã hội xô viết sẽ âm ỉ tồn tại rồi từ tốn bùng phát. Tới lúc ấy, cái mạch sau này sẽ làm nên cải tổ, bắt đầu là từ A. Tvardovski, với dòng thơ của nhóm tứ trụ (ngoài E.E. còn phải kể A.Voznhexinski, B. Akhmadulina, R. Rozhdestvensky) với các nhà văn xuôi như G. Baklanov, V. Rasputin, Ju.Trifonov các nhà nghiên cứu như Ju. Kariakin ...sẽ đỡ bị cấm đoán để trở nên thân thiết với giới văn nghệ Hà Nội hơn.
---

Số phân E. E. còn được chúng tôi theo đuổi tìm biết nhiều năm sau. Xu thế phi chính thống ở Nga sau này có những tên tuổi quyết liệt hơn và trong hoàn cảnh ấy, chúng tôi thấy phong trào này không thuần nhất, nhưng đông đảo nhất vẫn là những người như E. E.

Thực ra họ vẫn là con đẻ của xã hội xô viết.

Họ chỉ muốn đi xa hơn một chút, muốn tìm tới "một chủ nghĩa xã hội có khuôn mặt người". Chứ chuyển hẳn sang chủ nghĩa tư bản, thì họ không chấp nhận hoặc đơn giản hơn là không nghĩ tới.

Đây là cả một vấn đề mà tới đầu thế kỷ XXI này vẫn chưa giải quyết nổi.
Trong hoàn cảnh ấy thì câu chuyện nhân cách con người lại nổi lên.

Cả ở Nga lẫn phương Tây người ta đều cũng nhận ra cuối cùng E.E. vẫn đặc chất xô viết . Ông muốn thay đổi nhưng không hiểu thay đổi thế nào.

Cái chính là trước mắt, ông vẫn chỉ muốn khẳng định tên tuổi mình. Điểm này vừa là nhu cầu chính đáng -- ông có tài thật -- vừa là một trò ăn gian, ăn gian với hai nghĩa một là ông muốn có hơn cái mình đang có, và hai là những biện pháp ông sử dụng đôi khi lại chẳng khác gì những kẻ ông hằng chế giễu.

Bằng chứng thì người ta có thể tìm ngay ở thời gian ông còn trẻ. Tiểu luận Tự truyện viết sớm được E.E viết ở Pháp, khi ông cùng mấy nhà văn xô viết tới Paris và chỉ công bố sau khi E.E ở Pháp về một thời gian. Chung quanh bản tự bạch này có ít lùm xùm. Tình thực không rõ thế nào chỉ nghe nói Hội nhà văn Liên xô rất lấy làm phiền lòng. Bị kiểm điểm, tác giả chối không nhận và Hội nhà văn đòi phía Pháp chứng minh. Khi phía nhà Gallimard gửi bản thảo trả lại, thì phía Moskva công bố là bưu phẩm bị mất. Sau đó Hội nhà văn Liên xô và E. E . không nói gì nữa, ai muốn hiếu thế nào thì hiểu.

Phóng to sự kiện lên một chút, tôi nghĩ tớ trường hợp G. Galilé sau khi nhận trước tòa rằng Kinh thánh là đúng, ra ngoài lại tự lẩm bẩm trái đất vẫn quay. Nghe đơn đôc và cay đắng quá. Nhưng ở thời đại hiện nay mọi chuyện tầm thường hơn nhiều. Trước mắt E.E. là tấm gương của các nhà văn đàn anh như Ehrenburg. Cho đến đầu thế kỷ XXI này, ở Nga cũng như ở nước ngoài, trường hợp Ehrenburg vẫn gây ra chia rẽ trong các nhà nghiên cứu, người coi ông chỉ là tên chỉ điểm tay sai của Stalin, người khác ghi nhớ mãi những đóng góp của ông trong việc gìn giữ di sản của các nhà văn cấp tiến đương thời và duy trì mối quan hệ giữa văn học xô viết và văn học phương Tây. Và nhất là việc Ehrenburg, thông qua cuốn Băng tan, gọi ra sự thay đổi trong không gian tư tưởng xô viết. Học theo tác giả bộ hồi ký Con người năm tháng cuộc đời, chắc E.E. đã làm mọi việc đối phó với KGB rất gọn, tự nhiên. Các nhân vật gọi là phi chính thống ở Nga cư xử như vậy rất nhiều, số đi xa hơn, đến mức bị đẩy đi lưu vong, như I.Brodsky, A.Sinhiavski, Soljenitxưn ... số đó ít hơn hẳn.
---

Khi tiếp xúc với văn học xô viết, tôi tự đặt cho mình một nguyên tắc, không chỉ bằng lòng với sự định hướng và cách đánh giá của chính Moskva, mà phải xem nó được thế giới bên ngoài tiếp nhận ra sao. Ví dụ một cuốn sách được ban phát các thứ giải thưởng, nhưng không hề được dịch in ở Paris London thì hãy xem chừng đã. Ngược lại tôi vẫn thường dựa vào sự phát hiện của các nhà xuất bản bên Pháp bên Mỹ để định giá cũng như giải thích các tác phẩm, qua đó xác định hướng đi của các nhà văn. Cần nói thêm là ở giới sáng tác và bạn đọc Liên xô lúc đó cũng có một làn sóng ngầm như vậy, họ dùng con mắt người để hiểu mình và định hướng cho công việc của mình.

Lý do khiến bọn tôi chú ý tới E.E. ngoài chuyện ngay từ trẻ ông muốn tìm con đường độc lập, còn một lý do đơn giản hơn, nhưng lại cực kỳ quan trọng với người viết ở ta: từ trẻ ông và thế hệ ông đã sớm tìm cách vượt ra ranh giới của nước Nga để tồn tại như một nhà văn mà dù tầm cỡ thế nào vẫn có cái nghĩa mà mọi nơi mọi thời đều hiểu. Có thể là không làm được, nhưng phải nghĩ tới chuyện đó.

Nhớ hồi chiến tranh, cả Tế Hanh lẫn Nguyễn Minh Châu cùng than thở với tôi một điều giống nhau: các nhà văn ta ra nước ngoài chỉ được người ta gọi chung là nhà văn Việt Nam chứ họ có biết ai với ai đâu. Làm gì có tác phẩm?

Với người Nga thì không thể nói thế được. Ngay từ khi còn là người của vùng Irkutsk xa xôi, E.E đã nghĩ đến ngày ra với những thủ đô văn học lớn trên thế giới. Lớp người như E. E. năm ấy mở ra cho bọn tôi hiểu rằng không sớm thì muộn, chắc là lúc nào đó, VN cũng như thế, chỉ sợ lúc điều kiện đến, mình không đủ khả năng tận dụng cái sự mở ra bung ra của hoàn cảnh. Tình hình hiện nay xác định rằng tôi đoán không sai.

---
Mấy năm 1986-1989 khi tôi có dịp may được làm việc Moskva thì cũng là thời gian xã hội xô viết bước vào giai đoạn cuối trong công cuộc cải tổ, tiến tới tan vỡ. E. E. lúc này không còn đóng vai trò người phát ngôn những vấn đề mới nhất của xã hội nữa. Trên tờ báo có số lượng in lớn nhất lúc ấy, tờ Ognhek (Ngọn lửa nhỏ), ông thường xuyên có bài nhưng là các bài có liên quan tới lịch sử văn học. E.E. đóng vai trò của một người tổng kết tình hình sáng tác. Ông soạn bộ tuyển thơ Nga thế kỷ XX với những lời bình luận rất chuyên nghiệp. Sau này, khi được biết từ 1991, E.E. ký một hợp đồng giảng dạy với trường Đại học Oklahoma và sống với gia đình từ đó tại Hoa Kỳ, tôi hiểu rằng ông đã chọn cho mình một kết thúc phải chăng đúng như ông có thể có.



Những nỗi sợ hãi.

Bao nỗi sợ hãi ở nước Nga đang mất dần đi

Tựa bóng ma những năm tháng xa rồi.

Và chỉ còn, như những mụ già đây đó

Ngồi xin của bố thí nơi thềm một giáo đường



Nhưng tôi còn nhớ chúng giữa mãnh lực và quyền uy

Trước pháp đình hư nguỵ đang chiến thắng

Như bóng tối, niềm sợ hãi len lỏi khắp mọi chỗ

Và xâm nhập mọi sân nhà



Dần dần, chúng bắt mọi người làm tôi mọi

Và che giấu đi hết mọi điều

Chúng dạy ta la hét lúc đáng lẽ ta phải yên lặng

Và ngậm miệng lúc đáng lẽ ta cần phải la hét



Ngày nay thì tất cả đã xa rồi

Giờ cũng lạ lùng khi nhớ lại

Niềm sợ hãi âm thầm rằng mình bị tố giác

Niềm sợ hãi âm thầm khi có người gõ cửa



Còn nhớ chăng niềm sợ hãi khi nói với một người lạ

Người lạ là một chuyện -- nhưng còn khi nói với vợ ta

Và còn nhớ chăng niềm sợ hãi vô biên khi còn lại

Một mình -- với niềm im lặng sau lúc dàn kèn đồng đã ngưng tiếng



Chúng tôi không sợ xây cất trong bão tuyết

hoặc ra trận giữa những tiếng trái phá nổ

nhưng nhiều khi ta sợ đến chết

ngay cả khi nói chuyện một mình

Chúng tôi không hư hỏng hay lạc đường

Và nước Nga ngày nay đã chinh phục được những nỗi sợ của mình

làm cho kẻ thù càng thêm sợ hãi

- không hẳn là không có lý

Tôi ước rằng con người bị ám ảnh bởi

nỗi sợ lên án một người mà chẳng cần xét xử

nỗi sợ làm nhục tư tưởng bằng hư nguỵ

nỗi sợ tự tuyên dương mình bằng hư nguỵ

nỗi sợ lạnh nhạt với tha nhân khi có kẻ gặp khó khăn hay thất vọng

nỗi sợ tuyệt vọng không được an tâm

khi vẽ trên giá vẽ hay vạch màu đen trắng

và khi tôi viết những dòng này

Và đôi khi tôi còn vô cùng vội vã

Tôi chỉ còn một nỗi sợ


Nỗi sợ không còn được viết, với tất cả quyền uy của tôi.




Mới hơn Cũ hơn