Tiếp theo năm chương đầu
bản phác thảo chân dung Xuân Quỳnh
đã đưa trên blog này 12-2016.
Chương VI này sẽ mở đầu phần tiếp ,
các chương VII,VIII, XIX
Không hiểu trong những
năm từ giã văn công chuyển sang làm văn, làm báo, Quỳnh có bao giờ nghĩ thế
không, chứ sự thực đời Quỳnh chính là như vậy - Con người này không tránh được
khổ.
Từ giã lớp học Quảng Bá,
Xuân Quỳnh được chuyển về báo Văn Nghệ. Nhưng những năm ấy, chân
biên tập viên của báo Văn Nghệ là một danh hiệu cao quý lắm,
ngay loại Xuân Trình, Ngô Văn Phú đã có viết lách chút ít, và đã tốt nghiệp đại
học Tổng hợp Hà Nội, khi được nhận về báo vẫn phải chịu cái chức
danh phóng viên tập sự. Thành thử người ta bảo với Quỳnh là chỉ tạm xếp ở đấy,
chờ bố trí công việc chính thức sau. Có thời gian (đâu đến gần một năm), vẫn
biên chế ở báo, Quỳnh được cử xuống công tác ở Huyện đoàn Gia Lâm, ngoại thành
Hà Nội. Ở đây, như Ngô Văn Phú kể, Quỳnh làm đủ thứ công việc tạp nhạp: xuống
xã vận động nông dân đóng thuế nông nghiệp có, có mở hội giao lương (làm nghĩa
vụ lương thực)... Đang quen lao động nghệ thuật, giờ phải làm những
việc chưa làm bao giờ, Quỳnh thường lúng túng như thợ vụng mất kim. Được cái
chịu khó bù lại! Gặp Quỳnh lúc phải lo có được ít biểu ngữ khẩu hiệu, biểu ngữ
trên tường, trên vải, trên nong nia, Ngô Văn Phú đùa:
- Dạo này chữ đã cứng và
đẹp lắm rồi hả? (Xưa nay Quỳnh vẫn có tiếng là chữ quá xấu, anh em vẫn bảo là
hệt như “rắc thuốc lào” trên giấy).
Quỳnh thú thực:
- Tôi kẻ có hoạ ma nó
xem! Lại nịnh mấy cậu thanh niên trong làng thôi. Họ đã quen tay, với lại cũng
nể mình nữa. Còn mình thì quét vôi và vác nong, vác nia.
Theo Quỳnh nhớ, sau đấy
đang công tác ở huyện thì Quỳnh được gọi về giữ thư viện cho báo Văn
nghệ. Lâu nay, việc này, do chị Loan (vợ chưa cưới của nhà văn Anh Đức) phụ
trách. Nay chị Loan được điều vào chiến trường, nên Quỳnh được gọi về thay.
Nhưng thay là thay tạm, chính lúc này, Quỳnh được “nói thầm” vào tai là tranh
thủ đi mà xin việc ở các cơ quan chung quanh, chứ không thể tìm một chỗ chắc
chắn ở tờ Văn Nghệ này đâu!
Đây là những ngày nhà
thơ thường nhớ lại với nhiều uất ức.
Quỳnh đã đi gõ cửa nhiều
nơi xin việc nhưng không đâu chịu nhận.
Chiếu cố giới tính, chỉ
có báo Phụ nữ là có vẻ mặn mà hơn một chút. Báo yêu cầu Quỳnh
xuống nông thôn một thời gian xem có viết được bài không đã. Thôi đã đến nước
này, thì còn từ nan chuyện gì nữa! Quỳnh nhận đi hai tháng xuống Tỉnh hội Phụ nữ
Vĩnh Phú, và ở đấy viết được bảy bài gửi về. Đã tưởng phen này, đậu lại ở Phụ
nữ, nhưng mừng hụt. Sau khi hỏi kỹ, biết Quỳnh đang có thai (con trai, sau
đặt tên là Tuấn Anh ), báo Phụ nữ lảng ngay.
Quỳnh lại quay về với
chân nằm chờ ở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
May sao lúc này, đã là
giữa năm 1965. Để có điều kiện triển khai cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá
hoại, một cách lâu dài, các cơ quan được lệnh mở rộng biên chế, tăng cường lực
lượng, nhất là lực lượng trẻ. Cùng lúc, báo Văn Nghệ có thêm
Tổng biên tập mới, là Hoàng Trung Thông (thay cho nhà thơ Bảo Định Giang đi
công tác khác). Vốn sẵn cảm tình với Chồi biếc, Hoàng Trung Thông
nhận tác giả của nó về làm ở tổ thơ của báo Văn Nghệ, một thứ biên
chế chính thức, mà lâu nay, Quỳnh ao ước mãi!
Thế là chấm dứt một giai
đoạn nhọc nhằn, cay đắng. Trong những tài liệu có tính chất hồi ức kỷ niệm, một
đôi khi chúng ta vẫn bắt gặp các nhà văn nhà thơ thử dừng lại và tìm cách lý
giải tại sao mình đến với văn học. Vì lòng yêu đời! Vì quá say mê với vẻ đẹp
của non sông đất nước, của tình người! Vì muốn nói lên tất cả những xúc động
sâu sắc thường đến trong cuộc sống hàng ngày! Những câu trả lời loại ấy rất
nhiều, và thực ra không phải là vô lý cả. Song có lẽ ít ai có câu trả lời độc
đáo như Xuân Quỳnh. Trong bản sơ yếu lý lịch, khai với Hội Nhà văn Việt Nam, đề
ngày 29-8-1982 ở mục Nguyên nhân bắt đầu hoạt động văn học, Xuân
Quỳnh ghi:
- Vì thích thú. Làm văn
học cảm thấy như mình được sống thêm một cuộc đời khác nữa.
- Vì uất ức khi mới vào
nghề bị xô đẩy, bị khinh rẻ, nên tôi quyết phải sống. Mà sống tức là phải viết.
Trong cái vẻ phổ biến
nghĩa là ai cũng có thể nghĩ thế, câu trả lời thứ nhất của Quỳnh thật ra đã rất
độc đáo. Viết văn là nghề của sự tự nguyện. Người ta có thể phân
công người này đi làm thợ mộc, người kia dạy học, nhưng ít ai nghĩ tới chuyện
phân một học sinh mới vào đời đi viết văn. Vậy trả lời “viết do thích thú,”
thật không ai cãi được, nhưng trong nghề ai mà chẳng trả lời được. Có điều
thích thú là thích thú thế nào? Những người quen biết Xuân Quỳnh đều biết, mặc
dù xa lạ với thói kiêu căng vô lối, nhưng Quỳnh rất tự hào với nghề nghiệp của
mình. “Như người khác không được yêu, mà mình được yêu. Như người khác chỉ biết
im lặng mà mình biết nói, và nói lên được thành tiếng”(*) Làm
văn học cảm thấy như mình được sống thêm một cuộc đời khác nữa,
chẳng qua là một cách nói khác của cái tinh thần đã trở đi trở lại trong tâm
trí Xuân Quỳnh, nó khiến cho Quỳnh lúc nào cũng thấy nghề là mới lúc nào cũng
háo hức với nó, hết lòng với nó, nếu như không được làm nghề, tức là không được
sống với nó thì coi như cả một sự thiệt thòi không gì đền bù cho được. Trong
một đoạn hồi ức ngắn về Xuân Quỳnh, Lại Nguyên Ân đã có cách lý giải
riêng về điều này. Sau khi nhận xét Xuân Quỳnh hay viết
về bản thân, Lại Nguyên Ân bảo “gần như chị đã trở thành nhân vật văn
học của chính thơ chị. Chị đam mê sống, đam mê yêu, đam mê trong thiên chức làm
vợ, làm mẹ - những nhân vật kia nói lên giúp. Mọi sự vẫn thế thôi nhưng đã là
sang một thế giới khác, dịu nhẹ hơn, có thể thêm màu vẻ cho cả khổ
đau lẫn hạnh phúc. Vẫn chỉ là mình và người yêu mình đấy thôi, nhưng đó đã như
là mơ ước của mình về mình và cho mình. Phải chăng đấy là cái cuộc đời khác
nữa, mà Xuân Quỳnh tìm thấy trong văn học, nơi thăng hoa và giải thoát độc đáo
cho tấn kịch của chị? Nói một cách giản dị, chính là sống trọn vẹn tấn kịch của
chính mình, ghi lại bằng thơ những động thái tâm hồn mình, chị trở thành nhà
thơ được công chúng thừa nhận. Có thể là chị không lưu ý lắm đến cái được gọi
là “hằng số nhân bản” mà các nhà khoa học thường nêu lên, nhưng hẳn là chị tin
rằng không có chuyện gì của cuộc đời một con người mà lại quá ư dị biệt, xa lạ
với cuộc đời những người khác” (*)
Đoạn văn của Lại Nguyên
Ân đã lý giải khá rõ cái ý “được sống thêm một cuộc đời khác nữa” mà Xuân Quỳnh
đã nói về việc làm thơ.
Nhưng còn cái ý thứ hai
- viết vì uất ức, vì khi mới vào nghề, bị xô đẩy và bị khinh rẻ.
Trước tiên, phải nhận là
ở đây Xuân Quỳnh dám nói lên một sự thực dù sự thực đó khá phũ phàng. Vào những
năm chúng tôi bước vào tuổi thanh niên, uất ức là thứ tình cảm chỉ
để dành cho những kẻ thù, còn giữa những người cùng nghề, nó là thứ tình cảm phải
được coi là không nên có,và không lành mạnh nữa, chắc chắn là còn có hại cho sự
sáng tạo. Nhưng hoá ra không phải vậy. Do quá uất ức vì bị thiến, mà Tư Mã
Thiên nhất quyết phải viết bằng được bộ Sử ký để đời. Lại như
nhà thơ Anh Byron, vì tướng người thấp bé và lại bị thọt nữa, ông
thường bị khinh rẻ, nên trong giọng thơ, ông cố tình làm cho mình trở nên cao
cả, hùng tráng. Lịch sử văn học đông tây kim cổ từng biết nhiều chuyện như vậy
và chắc chắn là trong cuộc sống đương đại, cũng nhiều cây bút đã đến với nghề
bằng sự uất ức, hơn nữa, sự căm thù. Song ít ai dám nói tuột ra, như Xuân Quỳnh
ở đây đã nói.
Thứ nữa, phải nhận giữa
những người làm nghề này, không phải chỉ có những sự nâng đỡ nhau, trân trọng
nhau như trên sách báo tài liệu vẫn viết, mà cũng đủ cả xô đẩy, chen lấn, bắt
nạt, khinh rẻ, làm tình làm tội nhau, như ở các nghề khác.
Phàm đã sống cả đời với
nghề văn chắc ai cũng công nhận rằng trong nghề này, số người được trải chiếu
hoa liên tục, đi đến đâu, kẻ khác rẽ ra đến đó, số ấy rất ít.
Nhớ lại những ngày mới
bước vào nghề, không ít thì nhiều, hầu như ai cũng có lúc tủi thân vì bị nghi
ngờ như cô con gái nọ đã than trong ca dao:
Trách cha trách mẹ nhà chàng
Cầm cân chẳng lựa là vàng hay thau
Thật vàng chẳng phải thau đâu
Mà đem ra thử cho đau lòng vàng
Tại sao chuyện này lại
hay xảy ra trong giới cầm bút, những người hành nghề sáng tạo, hơn nữa sự sáng
tạo rất cao đẹp là sự sáng tạo trong đơn độc?
- Trước tiên, không loại
trừ nhiều người đã xuất phát từ sự chân thành
và thiện chí. Nhìn một bạn trẻ, định sống lâu dài với văn chương,
các bậc lão làng thường dè dặt nghĩ: Nghề này vốn khó. Thiếu gì
người mới viết hiện ra đầy hứa hẹn, về sau khô cằn nhạt nhẽo. Rất phổ biến là
loại nhà văn tồn tại theo kiểu Trình Giao Kim trong Thuyết Đường,
nghĩa là được ba búa đầu “thần sầu quỷ khóc”, nhưng đến búa thứ tư là hơi sức
rã rời, và chỉ còn nước bỏ chạy.
Yêu nhau, thương nhau
không phải là cứ động viên nhau viết đại đi, rồi làm khổ cả đời người ta!
Có trách nhiệm với nhau
là phải bảo nhau rằng nghề này khó lắm, oan nghiệt lắm. Ở chỗ nào kia, anh còn
có thể dựa vào kinh nghiệm quen tay với lại lâu năm, ở đây thì không! Mươi bài
thơ trước viết hay, đến bài thứ mười một vẫn cứ dở như thường. Tay trắng lại
hoàn tay trắng!
Sự nghiêm khắc - và hơn
thế nữa, sự nghi ngờ, ngần ngại - vốn có cái lý của nó.
Cũng nên nhớ rằng mặc dù
làm một nghề độc đáo nhưng giới cầm bút cũng là những người đời như bất cứ ai.
Báo chí xuất bản không phải là không gian vô hạn. Họ dành chỗ cho anh, nghĩa là
tôi “mất đất”. Ai bị “tranh mất khách” mà chẳng đau lòng, nữa là cánh già, đã
quen được chiều chuộng? Vậy nhường nhịn nhau, dang tay ra đón chào nhau là
chuyện quá khó! Ai cũng một lượt thế thôi. Lúc tôi vào nghề bị các bậc đàn anh
đối xử thế nào, giờ sẽ xin đối xử với anh như vậy. Có chịu được thì chịu, nếu
không, xin mời đi nghề khác.
Sau
hết không nên quên một chuyện thông thường là sự khen chê thích và
không thích thường mang màu sắc cá nhân. Văn chương tự cổ vô bằng cứ.
Những tiêu chuẩn để đánh giá tác phẩm vừa rất chuẩn xác lại vừa rất co dãn.
Trước cùng một bài thơ, một cuốn truyện người này nắc nỏm tán tụng, người kia
khinh rẻ không thèm ngó ngàng cũng là chuyện thường. Có biết đâu rằng lối “bách
nhân bách khẩu” như vậy, vốn chả làm các bậc lão làng lay chuyển, lại để lại
những vết thương lòng đau đớn cho người mới đặt chân vào lĩnh vực văn học.
Xuân Quỳnh không còn
sống để kể cho hết những nổi niềm đau đớn khi mới vào nghề của mình. Nhưng có
thể tin chắc rằng, sự xô đẩy, sự khinh rẻ Quỳnh nói ở đây, là hoàn toàn có thật.
May mà nó đủ sức kích thích thêm sức sáng tạo của Quỳnh, chứ không làm nhà thơ
bủn rủn chân tay rồi chùn bước đầu hàng (đôi khi đã thấy ở những người khác ).
Ăn chịu với nghề, rồi ra cũng được nghề đền đáp xứng đáng - điều này
thấy rõ trong các sáng tác tuần tự xuất hiện của Xuân Quỳnh. Và nó cũng bộc lộ
rõ trong việc biên tập mà trên danh nghĩa, Quỳnh phải làm để nhận lương.
Có lẽ không nghề nào nhẹ
nhõm như nghề biên tập thơ: ngay từ hồi chống Mỹ, mỗi tháng, một tờ báo
như tờ Văn Nghệ nhận được hàng trăm bài lai cảo. Ngoài ra,
phần quan trọng là sáng tác của người trong giới, các tờ báo, nhà
xuất bản quen thuộc anh em tự động gửi tới. Từ đó, mà chọn ra mươi, mười lăm
bài đăng báo, hẳn không ai coi là khó.
Song chính vì có
cả một khoảng không rộng lớn bày ra trước mặt, nghề này lại đòi hỏi
người ta phải có một “con mắt xanh”, một sự sàng lọc tế nhị, và một
tấm lòng liên tài (liên đây trong chữ hán có bộ tâm một bên, chỉ “thương, thương xót” thương yêu quý mến các
tài năng, nhất là những người không gặp vận tốt). Người biên tập giỏi đôi khi
chỉ liếc qua bài thơ cũng có thể biết ngay là có đăng được hay không. Sự linh
cảm quan trọng không kém sự chi chút, cẩn trọng.
Cũng may, sự linh cảm ấy
ở Xuân Quỳnh có thừa, nên những người nhiều năm cùng làm biên tập viên ở báo Văn
Nghệ với Xuân Quỳnh như Ngô Văn Phú, Nguyễn Phan Hách, Trần Hoài
Dương, Võ Văn Trực…. đều khẳng định con mắt tinh đời của Quỳnh và
nhớ lại ngững ngày cộng tác cùng Quỳnh với nhiều tình cảm tốt đẹp.
Nhà văn Nguyễn Phan Hách
kể lại một chuyện vui vui.
- Khoảng 1966-67, bọn tôi đang công tác ở Ty văn hoá thì được
gọi lên TW. Lên để làm gì ? Để sẵn sàng thay thế những bậc đàn anh
nếu họ không làm được việc (sau này mới biết đấy là ý ông Tố Hữu, sẵn sàng trị những ai không tuân lệnh – VTN chú ). Lúc chọn thơ, không ai
bảo, cứ bài nào hăng hái chiến đấu thì chọn, tư tưởng là chính nghệ
thuật đứng sau. Bởi vậy tôi thấy rất lạ khi thấy một biên
tập viên khác là Xuân Quỳnh lại chỉ thích chọn những bài
về tình cảm gia đình trai gái, với lại phải hay mới được.
Bọn tôi rất hay cãi nhau về chuyện ấy. Sau nghĩ lại thấy hoá ra Quỳnh
nó đã đi trước mình nhiều.
Làm biên tập vậy
là được, nhưng để trở thành một nhà thơ, còn nhiều việc khác chờ đợi
Quỳnh; học hành để nâng cao tay nghề; đi thực tế để sống hết lòng với đời sống.
Và phải viết, trước tiên là viết!