Hồi giữ mục phê bình trên Văn Nghệ quân đội, tôi thường mời chính các bạn sáng tác phát biểu về nghề nghiệp. Dưới đây là bài của Xuân Quỳnh trên một số VNQĐ, 1971. Một trong những dịp hiếm hoi nhà thơ thử viết tiểu luận.
Ý THỨC VÀ THỜI GIAN
Có
lần tôi làm quen với một thanh niên xung phong, anh cho tôi xem cuốn nhật ký
ghi lại từ hồi anh còn học lớp chín, lớp mười.
Trang đầu tập nhật ký có hai câu
thơ:
Lý tưởng ta chói lọi mặt trời
Ta tiến bước không bao giờ mệt mỏi.
Nhân
đó anh tâm sự với tôi: Bây giờ, sau khi đã trải qua những năm tháng gian khổ, mặc
dù chưa bao giờ tôi xa lý tưởng của một người thanh niên, nhưng trong quá trình
phấn đấu tới lý tưởng, tôi đã rút ra được nhiều bài học cụ thể khác với những
điều trước kia tôi nghĩ. Tôi hiểu ra rằng cái cóp thật với cái nghĩ ra nó khác
xa nhau.
Vì
trước kia, hồi còn nhỏ, tôi nghĩ rừng là màu xanh, là cây, là núi, là các loài
thú lạ. Đâu biết lại có cả ruồi vàng, muỗi, vắt, những cơn sốt rét và cả những
nỗi nhớ nhà nữa! Khi tôi nghĩ đến con đường thì đó là một vệt phẳng dài xa xôi
chứ làm sao biết hết được những cua gấp đột ngột, những vực thẳm đến chóng mặt!
Đến
bây giờ tôi mới hiểu rằng đi đến lý tưởng không phải lúc nào cũng như trong cuộc
duyệt binh, đi giữa đội ngũ điệp trùng dưới những lá cờ đang bay, rồi ca vang
lên, hét to lên đến vỡ lồng ngực những
khao khát của mình. Đi đến lý tưởng của chúng tôi bây giờ là những tảng đá, những
nhát cuốc, những đêm thông đường và cả những lúc vượt qua cơn sốt rét nữa. Đó
là con đường do chúng tôi tìm ra chứ không phải chúng tôi nghĩ ra.Tôi đã cảm
thông với anh thanh niên xung phong này bằng chính sự từng trải của bản thân
mình. Dẫu sống ở hai môi trường khác nhau, nhưng tôi cũng đã trải qua giai đoạn
tuổi trẻ như anh.
Những
năm mười lăm, mười sáu tuổi ấy, tôi cũng thấy mọi việc đều dễ dàng và đơn giản.
Xẻ núi mà đi, rẽ người mà đến. Dễ xúc động, người ta chưa buồn mình đã có thể
khóc, người ta chưa vui mình đã có thể cười rồi.
Nhớ
lại cái cảm giác của tuổi đó, trong một bài thơ tôi đã ghi lại những câu như thế
này:
…
Buổi lên núi đầu tiên gặp thác
Như gặp mình đang tuổi mình yêu
Hoa sửa thơm ngát cả buổi chiều
Hoa phượng nhuộm lên màu hồng của gió
Tuổi mười sáu ghi nhiều nhật ký
Về những làng, những phố, những tình
yêu…
Đối
với người làm thơ, những cảm xúc như thế thường là trút ra ở tập thơ đầu. Lẫn
trong những bài thơ gây cho người đọc cái cảm giác tươi mát, hồn nhiên đó (như
lời các bác và các anh chị lớp trước thường khen), chúng tôi lại không thiếu gì
những bài, những câu còn bắt chước, giả tạo.
Đến
tập thơ thứ hai, người viết đã đằm lại, tỉnh táo ra. Cho nên cũng có thể là viết
sẽ sâu xa hơn mà cũng có thể là khô cằn đi. Lúc bấy giờ người viết đã phải nghĩ
đến việc viết làm sao để có ích cho cuộc đời, chứ không phải là để phô trương với
cuộc đời nữa. Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình,
cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài lại
là đức hạnh.
Vì
vậy, sau tập thơ đầu, chúng tôi không còn tính đến sự xuất hiện nữa – vì đã xuất
hiện rồi – mà chúng tôi nghĩ đến sự cần cù lao động. Giác ngộ được điều này,
khi đi trên đường 20 tôi đã viết:
… Dù thơ em viết chửa hay hơn
Em đang tập làm thơ cho có ích
Như viên đá trải đường như nhát cuốc
Như tấm lòng em nhớ về anh…
Thường
thì các nhà thơ lớp trước hay nhận xét chúng tôi là tập thơ sau không được tươi
mát như tập thơ đầu. Tôi biết là do thời gian, do từng trải hơn, chúng tôi đã mất
đi cái tươi mát ban đầu, nhưng chúng tôi không tiếc, vì chúng tôi biết là mình
đang đi gần đến cái thật của cuộc đời, cái thật của mỗi người. Càng lớn khôn
chúng tôi càng thật là chúng tôi hơn trước.
Khi
còn trẻ quá, người ta dễ huyễn hoặc mình. Lấy câu thơ của người khác làm câu
thơ của mình, lấy lý tưởng trong sách làm lý tưởng của mình. Sống vay mượn nhiều
mà không biết.
Có
những bạn viết nghĩ lại thường hay tiếc “khi mới mười sáu, mười bẩy ấy, cảm xúc
mình dồi dào thế, nếu như bấy giờ cứ viết tràn đi thì chắc là đã có được nhiều
bài thơ hay”.
Tôi
xin trả lời bằng kinh nghiệm bản thân là nhiều thì có nhiều nhưng hay thì chưa
chắc đã hay. Vì cảm xúc bản năng khác xa với cảm xúc đã được gạn lọc. Mặc dầu cảm
xúc của anh dồi dào nhưng lại không có lựa chọn. Khi đó anh chưa đủ trình độ để
nâng những cảm xúc vui buồn đó lên thành cái gì, chưa đủ chữ nghĩa để diễn tả
nó một cách mạch lạc, chưa đủ tỉnh táo để phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Vậy
thì làm sao mà hay, mà sâu được!
Cho
nên muốn nói gì thì nói chứ cái gì cũng cần phải có thời gian. Thời gian và cả
ý thức về thời gian nữa. Mà cái ý thức về thời gian lại rất quan trọng. Thời
gian không có ý thức là thời gian vô nghĩa. Thời gian là trái cây mà ý thức
về thời gian là sức nóng của mặt trời. Sức nóng của mặt trời làm cho trái
cây chín, ngọt nhanh hơn. Nếu như anh có ý thức về thời gian, anh sẽ rút ngắn
được cái “tuổi thơ ngây vô ích”, nâng cao trình độ sống và kéo dài được cuộc sống
bằng tốc độ sống của anh…
Những
điều tôi viết đó mới chỉ là suy nghĩ.
Có
một số người trong chúng tôi có những suy nghĩ rất hay.
Nhưng
nếu chỉ suy nghĩ mà không hành động thì cũng vô ích. Từ cái nghĩ đến cái làm
còn cách xa nhau. Người chỉ nghĩ thôi giống như người ngồi tại chỗ, còn người vừa
nghĩ vừa làm giống như người đi. Đi như lôi, ngồi như buộc – các cụ ngày xưa đã
có câu như thế - người đi có thể không nghĩ được nhiều điều hay bằng người ngồi.
Nhưng cùng thời gian như thế, người đi sẽ vượt xa gười ngồi.
Ví
thử người ngồi một chỗ, dù có nghĩ đến bao nhiêu không gian khác nhau, nhưng
cái không gian anh thấy được vẫn chỉ là quanh cái chỗ anh ngồi thôi.
Còn
người đi thì luôn luôn có những không gian thay đổi để mà nhận thức, so sánh.
Do đó nhận thức phong phú hơn, chính xác hơn.
Ngay
cái suy nghĩ mà không thông qua hành động
thì cũng không thể biết hết được nó sai, đúng ở chỗ nào để mà sau đó có thể có những
suy nghĩ sâu xa. Người biết kết hợp suy nghĩ và hành động là người sống.
Người
sáng tác phải như vậy. Giá trị của người sáng tác là ở bài viết thông qua cuộc
sống và suy nghĩ của anh chứ không phải chỉ là ở những suy nghĩ hay.
Nhưng
chúng tôi còn sống và viết ít quá, chưa kể là trong số bài viết ít ỏi, đó lại
còn không hay nữa.
Mặt
khác chúng tôi còn chưa tin ở nhau và chưa tin vào chính bản thân mình. Có những
anh trong chúng tôi thường than vãn thơ ngày xưa hay bao nhiêu, người ta nhớ từng
câu từng chữ, còn thơ bây giờ chả ai nhớ được bài nào. Có lẽ chỉ còn hy vọng
vào lớp làm thơ tương lai thôi!
Vậy
thì anh, người đứng giữa quá khứ và tương lai, anh làm gì trong thời gian anh
đang sống? Hay thời gian chỉ để trôi đi vô ích trong lời anh than vãn?
Người
viết chúng ta có cái hạnh phúc là được phát biểu, được bầy tỏ tấm lòng mình đối
với cuộc đời. Nhưng nhiều khi chúng tôi đã bỏ qua đi mất cái hạnh phúc đó!