Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) có lẽ là nhà văn thành công nhất trong việc tổ chức công việc cho cả cuộc đời. Số lượng trang viết dồi dào ở ông đi liền với khả năng tập trung vào những đề tài chọn lọc cùng là khả năng đi tới cùng của các dự định.
Khoảng trên chục năm trước khi mất, biết rằng thời cuộc thay đổi nên sự đọc của mọi người là rất khó khăn, ông chỉ tập trung vào việc làm sách. Ông vẫn viết đều, nhưng chỉ viết rồi để đấy, không cần tính chuyện xuất bản. Một người sống bằng nghề viết sách như ông thừa hiểu xuất bản nghĩa là phải chinh phục bạn đọc đương thời, tức phải thỏa hiệp, trong khi tác phẩm của ông là để dành cho bạn đọc về sau, mà không cần thỏa hiệp gì và thỏa hiệp với ai hết.
Khoảng trên chục năm trước khi mất, biết rằng thời cuộc thay đổi nên sự đọc của mọi người là rất khó khăn, ông chỉ tập trung vào việc làm sách. Ông vẫn viết đều, nhưng chỉ viết rồi để đấy, không cần tính chuyện xuất bản. Một người sống bằng nghề viết sách như ông thừa hiểu xuất bản nghĩa là phải chinh phục bạn đọc đương thời, tức phải thỏa hiệp, trong khi tác phẩm của ông là để dành cho bạn đọc về sau, mà không cần thỏa hiệp gì và thỏa hiệp với ai hết.
Ở vào cái tuổi cũng sắp phải kết thúc đời viết của mình, tôi mới nhận ra bài học trên và ngao ngán nhận ra mình quá nghiệp dư trong công việc, trước hết là lan man tùy tiện.
Thế nhưng "rằng quen mất nết đi rồi". Cứ đang việc này lại nhảy sang việc khác , rồi thỉnh thoảng nhìn lại việc cũ bỏ đở vừa thèm thuồng vừa tiếc nuối.Thạch Lam chỉ là một ví dụ.
Mỗi năm vào dịp tháng bảy, cùng với ngày sinh Nguyễn Tuân, tôi lại nhớ tới ngày sinh của Thạch Lam và theo thói quen, lại trở lại với những gì mình đã viết về ông, xót xa không biết bao giờ dựng được một cuốn sách hoàn chỉnh về tác giả mình tâm đắc. Việc duy nhất tôi có thể làm trong lúc này là nhìn lại để xem có gì nên giới thiệu với các lớp bạn đọc trẻ, hoặc trở lại với những gì mình có mà chưa có dịp trình làng. Cũng quan trọng không kém, là ham muốn lướt qua những gì thiên hạ mới viết, kể cả những cái các đồng nghiệp đã viết từ lâu mình không biết, nay mới được ai đó giới thiệu lại.
Thạch Lam qua nét vẽ Đinh Cường
Theo hướng đó, tôi đã tìm lại bài viết của Nguyễn Tường Giang để đưa vào blog này ngày 4-7.
Phần tài liệu về Thạch Lam tôi đưa tiếp hôm nay gồm có 1/hai bài báo nhỏ trên Ngày nay một về Andersen nhà văn và một nghề dịch, 2/ trích đoạn các bài viết của Vũ Bằng, Đỗ Đức Thu, Trương Chính về Thạch Lam. Cả hai bài trong mục 1/ in dưới đây đều do Thạch Lam viết theo tài liệu lấy từ báo Pháp đương thời. Hồi ấy, làm nhà văn nghĩa là người ta phải, qua sách báo Pháp, biết rành rẽ về văn học nước ngoài. Tôi còn đang muốn phác thảo lại cả nền văn học Việt Nam được làm theo mô hình Tây phương mà bây giờ chúng ta thường đọc và tựa vào để viết. Trong nền văn học tiền chiến huy hoàng đó, vai trò của Thạch Lam đến đâu, đấy là điều tôi muốn tìm hiểu.
Trong lưu trữ của tôi, còn có bản đánh máy phóng sự Một tháng ở nhà thương, hai cuốn tác giả viết cho thiếu nhi Hạt ngọc, Quyển sách, nhưng lâu nay tôi theo dõi không hết việc in lại sách của Thạch Lam nên không rõ có cần đưa lại trên mạng hay không.
Trong lưu trữ của tôi, còn có bản đánh máy phóng sự Một tháng ở nhà thương, hai cuốn tác giả viết cho thiếu nhi Hạt ngọc, Quyển sách, nhưng lâu nay tôi theo dõi không hết việc in lại sách của Thạch Lam nên không rõ có cần đưa lại trên mạng hay không.
NHÂN TÀI NƯỚC NGOÀI: ANDERSEN
Andersen là một nhà văn người Đan Mạch, nổi tiếng khắp hoàn cầu. Những tác phẩm của ông được toàn thể trong nước hoan nghênh. Có một điều đặc biệt là những truyện ông viết, toàn là những truyện cổ tích, truyện trẻ con, lưu hành trong dân gian Đan Mạch. Văn ông rất giản dị, đơn sơ và trong trẻo.
Trong (ở) nước ta, các truyện cổ tích hay cũng nhiều, mà chưa có nhà văn nào để ý đến.
Cách đúng một trăm ba mươi năm nay, ở Odensée là kinh đô xứ Fionie (Đan Mạch) có một người thợ đóng giầy tên là Andersen, nghèo khó đến nỗi không có tiền mua một chiếc giường để nằm và hôm cưới chàng, chàng đã phải cùng vợ mới nằm trên một tấm vải phủ áo quan cũ rách mà chàng đã mua được bằng một giá cực rẻ ở một nhà tầm tầm. Thế mà chính người khốn nạn ấy sinh được một người con đã làm vẻ vang cho nước Đan Mạch. Người con đó tên là Hans - Christian.
Ngay khi còn măng sữa, Hans - Christian đã mồ côi cha. Mẹ chàng thiếu cơm ăn. Christian tìm cách giúp đỡ mẹ. Chàng đi lang thang các cánh đồng để mót lúa. Bọn thợ gặt trước còn mắng chửi, sau dùng đến roi vọt đánh đuổi chàng. "Một đứa trẻ có chí khí không bao giờ ngã lòng". Chàng nhớ đến lời thánh dạy như vậy.
Hồi ấy, Christian chưa đầy mười hai tuổi. Cậu bé nghĩ cách đặt những câu hát để hát cho người nhà quê nghe. Cậu làm những câu hát giản dị quê mùa và đã cảm hoá được những người quê mùa cục mịch ấy khiến họ phải say mê. Vì thế cậu được đi mót lúa ở các cánh đồng. Không những thế, bọn thợ gặt còn bó cho cậu những lượm lúa nho nhỏ để cậu mang cho đỡ mệt. Nhưng cô gái nhỏ còn đèo thêm vào những túm hoa nội để mang về tặng mẹ cậu. Thế là cậu Christian thoát chết.
Nhưng cả những điều kể trên chỉ là những điều truyền tụng về đời nhà thi sĩ trẻ tuổi. Thực truyện ra còn đáng buồn hơn.
Vì bồ côi cha sớm, con người thợ đóng giầy nghèo khổ kia trước hết định đóng kịch độ thân. Chàng rời bỏ quê hương tìm đến Copenhague, trong túi chỉ có một món tiền nhỏ. Những ông chủ nhà hát chàng tìm đến đều không nhận chàng, vì thấy chàng gầy còm quá. Chàng xoay ra học hát. Mới bước đầu, đột nhiên chàng bị mất giọng. Sau cùng chàng nghĩ đến cách học nhảy. Lại một lần thất bại.
Xoay sở chán, chàng quay ra làm thơ. Những nhà văn đuợc đọc tập thơ đầu của chàng, mang lòng mến chàng và cho chàng vào trường theo học. Lớn hai mươi tuổi đầu, chàng phải ngồi cùng bàn với những trẻ mười hai tuổi. Ít lâu sau, chàng xuất bản tập thơ thứ nhất được hoan nghênh nhiệt liệt. Hoàng đế Đan Mạch giúp tiền chàng ăn học và chàng đi du lịch Âu châu.
Trong khi đi du lịch, chàng gặp nhà văn hào Lune; ông này kể cho chàng nghe những truyện đẹp đẽ mà chàng thuật lại cho độc giả nghe. Vì thế cuốn "Sách những hình ảnh không có hình ảnh" rất phổ thông trong dân chúng; những câu truyện thuật trong sách rất lanh lẹ, ý vị như ngụ ngôn của La Fontaine, sâu xa như truyện của Nodier, ngộ nghĩnh như văn của Hoffman, đã khiến chàng trở nên bất tử.
Người Đan Mạch Hans - Christian Andersen là một danh sĩ dị thường trong làng văn của tất cả các thời đại và của hết thảy mọi xứ.
Nguyên văn tiếng Pháp in trên Illustré
NGHỆ THUẬT DỊCH VĂN
Dịch văn nước ngoài là một nghệ thuật, cũng khó khăn và ích lợi như sáng tác. Khó khăn, bởi vì tất cả mọi người ai cũng biết những điều trở ngại mà người dịch gặp phải khi muốn dịch một áng văn ngoại quốc sang tiếng nước nhà; ích lợi, vì sự dịch làm giàu cái kho văn chương chung của nhân loại, và có thể làm hồi sinh lại được một nền văn chương bằng cách gia nhập những cái của quý của văn nước ngoài. Chúng tôi trích dịch dưới đây một vài đoạn trong bài "Nghệ thuật dịch văn" của Vladimir Weidlé. trong báo Nouvelles Littéraires.
*
Càng ngày người ta càng nhận biết những trở ngại mà người dịch phải vượt qua, những trách nhiệm nặng nề mà người dịch phải gánh lấy, và cái tính cách bấp bênh ở công việc của họ. Người ta lại càng ngày càng được nghe nói rằng, trong lý thuyết, thì dịch văn là một công việc không thể có được, tuy rằng một quan niệm như thế vẫn không có ảnh hưởng gì trong sự thực hành. Ông Levis May, người nước Anh dịch Anatole France, kể chuyện lại rằng một hôm ông phàn nàn với nhà danh sĩ về sự không thể dịch được. "Ông nói rất phải, nhà danh sĩ trả lời. Và nên nhận rằng, biết được cái chân lý ấy là điều kiện thứ nhất để thành công trong nghệ thuật dịch văn."
Nhưng mà, cái vấn đề dịch văn vẫn có, và người ta nhận thấy trong lúc tìm để giải thích thế nào là dịch "không sai lầm", dịch "đúng". Tất nhiên, công việc dịch rất giản dị trong trường hợp một tác phẩm khoa học, hay một tác phẩm có ích lợi thực hành; tất cả mọi người đều hiểu lúc ấy thế nào là dịch đúng. Nhưng sẽ không được như thế nữa trước một tác phẩm nghệ thuật. Ở đây, không còn một cái chuẩn đích hợp lẽ về giống nhau nữa. Dịch từng chữ một không đủ...
... Shelley đã nói: "Muốn chuyển tác phẩm của một thi sĩ ở tiếng nước này sang tiếng nước khác, cũng tựa như muốn ném một bông hoa tím vào lò để phân cái chất mùi thơm và màu sắc". Một bài thơ, tức là bài không thể dịch được, người ta chỉ có thể sáng tạo lại, theo hình ảnh và giống nguyên văn. Khi một chân thi sĩ dịch văn thơ của một chân thi sĩ khác, cái kết quả của công việc đó là của thi sĩ này cũng như của thi sĩ kia... thơ của Omar Khayyam đã "Anh hoá" dưới ngòi bút của Fitzgerald, nhà văn này có thể coi như là tác giả của chính thức của những bài "Rubaiyat" tiếng Anh. Cũng thế, một bài thơ Beaudelaire dịch bởi Stefan George sẽ thành một bài thơ của Stefan, mà vẫn không vì thế hết còn là một bài thơ của Beaudelaire...
Nhưng, nếu một bài thơ, mà cái gì cũng cốt ở lời văn, cái gì cũng là lời văn, chỉ có thể dịch được bằng một cách sáng tạo mới, những tác phẩm khác (như tiểu thuyết), có thể dịch được, bởi vì cái cốt yếu và những nguyên liệu xây dựng lên còn quan trọng hơn cái vỏ bọc bằng lời văn. Người ta lại nhận thấy, nếu bỏ không nói đến cái tính chất thuần ly tao, một điều lạ này: những nhà văn khó dịch nhất không phải là những đại văn hào nhất.
...
Công việc của người dịch văn là một công việc bạc bẽo, nhưng rất cần. Trong lịch sử của các nền văn chương, công việc đó có thể là một chức vụ to tát. Chúng ta có thể rất dễ dàng tin chắc như thế khi nghĩ đến Plutarque dịch ra tiếng Pháp bởi Amyot, Montaigne - bản dịch ra tiếng Anh của Fiorio, mà Shakespeare đã tìm nguồn cảm hứng... Sự quan trọng của công việc dịch không phải chỉ ở chỗ đứng môi giới làm cho một tác giả ngoại quốc được nhiều người đọc thưởng thức hơn, nhưng chính còn ở chỗ một tác phẩm chỉ nhờ vì dịch mà nhập vào một hoàn cảnh văn chương mới, và chỉ nhờ vì dịch mà có một ảnh hưởng dồi dào hơn. Không có những bản dịch - và dẫu ví dụ tiếng Anh phổ thông khắp hoàn cầu - Shakespear chỉ ở trên đảo của ông ta. Và không một ai trong chúng ta ở lục địa, sẽ nhớ rằng mình đã đọc ngày còn trẻ "những cuộc du kịch của Gulliver"... Không phải là một việc giống nhau, khi đọc một tác phẩm hay ở tiếng nước ngoài, dẫu cho ta biết rõ tiếng ấy, hay đọc ở tiếng mẹ đẻ. Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta có một sự hiểu biết rõ ràng hơn, nhưng chính là ở trường hợp sau mà chúng ta lấy làm hẳn của mình.
Văn chương là một món hàng mà hình dáng và hương vị thay đổi khi vượt qua một biên giới, và bởi lẽ đó, những sự trao đổi văn chương càng có nhiều kết quả nếu càng không giống những sự trao đổi về thương mại. Một bản dịch thật hay, hay chỉ nhận được, bao giờ cũng là một sự làm giàu của cái gia tài văn chương chung; Sự dịch văn đó cho chúng ta thấy những trạng thái chưa ai biết của nguyên văn, khai những nguồn ảnh hưởng mới, và có thể làm sống lại một nền văn chương bằng cách tiêm nhiễm cái sức mạnh của một tài năng ngoại quốc, nó sẽ sống ở đấy một đời sống mới... Sự hoạt động mạnh mẽ của các nhà dịch văn và các nhà xuất bản chúng ta thấy bây giờ, như vậy chỉ có thể rất ích lợi, nếu biết cẩn thận trong công việc, và cốt nhất là biết chọn lựa những tác phẩm và đừng nhầm lẫn những giá trị của một nền văn chương với những sản phẩm của một kỹ nghệ viết văn, làm việc cho một thị trường quốc tế...
Vladimir Weidlé
Thạch Lam trích dịch
(còn nữa)
(còn nữa)