VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Con người Thạch Lam


Bài này lúc đầu ở dạng tài liệu và lẽ ra phải có tiêu đề Một ít tài liệu về Thạch Lam (2) tiếp theo phần (1) đã đưa ngày 6-7-2016.
Nhưng trong quá trình làm việc, tôi thấy như thế không đủ; phải thêm vào các tài liệu “mộc” một ít suy nghĩ của mình. Những bài tôi viết về trước là nghiêng về tác phẩm nhà văn(xem Phụ lục). Nay muốn đưa ra cách hình dung ra con người Thạch Lam, tạm ghép lại như sau.


TỪ LỜI KỂ CỦA NGUYỄN ĐÌNH NGHI
Những nét vẽ phác đầu tiên về Thạch Lam, với tôi, đến từ đạo diễn sân khấu, con trai Thế Lữ:
- Thạch Lam lạ lắm, người to, khoẻ, khoẻ như Tây đen. Hồi ấy có cuộc thi đấu xảo (hội chợ triển lãm), ông Thạch Lam bóp còn hơn Tây cơ mà.
Nhưng đây là người rất là tinh tế và có một đời sống nội tâm sâu sắc.
Hàng ngày, ông đến làm việc ở toà soạn, thường là đi bộ hay xe tay. Mặc dù anh em có người như Hoàng Đạo nhà rất giàu -- Hoàng Đạo lấy vợ con quan, Thạch Lam vẫn chẳng chịu đến nhờ vả xin xỏ.
Sức kiềm chế của Thạch Lam có lẽ là thật lớn. Ông uống rượu khoẻ, càng uống, mặt càng nhợt đi, và khi say rồi, thì nằm gục xuống, chứ không nói nhảm.
Trong đời sống hàng ngày, Thạch Lam rất... coi thường phụ nữ. Hình như ông thấy họ không ra sao. Chỉ có thương hại, chứ không phải quí.
Chỉ có một người phụ nữ làm thay đổi ý nghĩ đó của Thạch Lam, đó là bà Lê Đình Quỳ.
Không rõ đầu đuôi thế nào, nhưng Thạch Lam lấy một người vợ là cô đầu. Ông cũng hút thuốc phiện nữa. Và bị lao nên chết sớm.
Trong trí nhớ của một người như Thế Lữ, Thạch Lam là một nhà văn rất chịu đọc. Ông thường viết những bài nhỏ ở báo, ký tên T.L, đôi khi chỉ là lối Qua báo chí nước ngoài mà sau này người ta sẽ tiếp tục.
Bố tôi (Thế Lữ) quý Thạch Lam lắm. Có lần lâu ngày mới gặp nhau, bố tôi đưa tay ra ôm, rồi vuốt má Thạch Lam cơ mà.


NHỮNG MÂU THUẪN GIỮA NỘI TÂM VÀ BỀ NGOÀI Ở THẠCH LAM
QUA BÀI VIẾT CỦA ĐỖ ĐỨC THU
Đỗ Đức Thu từng có tác phẩm đầu tay được giải thưởng khuyến khích của Tự Lực văn đoàn. Có tài liệu còn nói về sau ông gia nhập văn đoàn này viết nhiều truyện ngắn đăng trên báo Ngày Nay.
Mối quan hệ Thạch Lam với chung quanh do Đỗ Đức Thu phác họa (http://www.vannghesi.net/Articles/Mat%20Trai/Nha%20Van%20Thach%20Lam.html) gồm hai mặt. Bề ngoài tác giả Gió đầu mùa như có cái vẻ thu mình lại, ngay trong giới làm văn làm báo của mình ông cũng đơn độc và Đỗ Đức Thu đã dùng tới một chữ mà ngày nay ít dùng – quả giao; thành ngữ Hán Việt có câu cô độc cô quả là với nghĩa này.
Nhưng về mặt nội tâm đó lại là một hình ảnh khác, Thạch Lam hiện ra như một con người tha thiết với đời. Không giao du thì thôi, bạn bè với ai, Thạch Lam “nghe” được bạn cả trong im lặng.
...ngay khi còn sống, Thạch-Lam đã ít được người đồng thời biết tới, ngoài ra qua mấy tờ tạp chí hàng tuần, mang vào cuộc đời một tư tưởng của một nhà văn mới, một tâm hồn tha thiết với văn chương và đã định trước cuộc sống của mình bằng ngòi bút. Hình như Thạch Lam sống với văn chương, với sách vở báo chí nhiều hơn sống với người cùng thời. Những người biết Thạch Lam, cả đến các văn hữu một thời, đã gán cho Thạch Lam cái tiếng quả giao, và tỏ ý chê trách cái thái độ họ cho rằng Thạch Lam kiêu kỳ khủng khỉnh.
Sự thực không phải thế, Thạch-Lam rất giàu tình cảm, chỉ vì trường đời đã tạo cho Thạch Lam cái thái độ dè dặt, bắt Thạch Lam phải sống đời con ốc thu mình trong một vỏ kín bưng.
Vì cái tâm hồn phong phú, cái đời tâm tưởng dồi dào ấy, Thạch Lam đã có lần sống cởi mở với thế nhân, sống hoang toàng rộng rãi để chịu những thương tích làm giảm dần lòng tin tưởng ở người đời.
Tránh sao khỏi điều đó, khi một tâm hồn thanh tú -, một con tâm mà một hơi gió, một ánh trăng đều rung động nổi -- phải trực tiếp đụng chạm với những khắc nghiệt của cuộc đời thực tế.

...Thạch-Lam rất thận trọng trong việc giao du. Bè bạn có thể đếm trên bàn tay. Thỉnh thoảng mới có người lui tới cái nhà cạnh Tây Hồ. Khách phần nhiều yên lặng như chủ: đó là những người có thể ngồi im lặng hàng giờ cạnh khay chè đã đạt đến cái thuật “đối diện đàm tâm” của các bậc túc nho.


Với người đã vậy, còn với khung cảnh? Hà Nội của Thạch Lam hàng ngày thì là một thành phố mới thoát ra khỏi cái cốt cách một đô thị buôn bán nhỏ trung đại, nhiều ngõ ngách, nhiều ngôi nhà bé nhỏ và luôn có bóng dáng của những người Tầu.
Tuy vậy, đời sống Thạch-Lam không phải thu vào trong lớp nhà chật hẹp. Có thể nói chỗ ở của Thạch Lam là tất cả Hà-Nội, tất cả vùng thủ đô. Thạch Lam đã hiểu rõ cả cảnh lẫn người, đã mến yêu với mối tình tha thiết của người con dân yêu đất nước.
Ngày ngày sau công việc ở tòa báo, Thạch-Lam thường lang thang các phố, hoặc một mình hoặc với một vài người bạn. Họ im lặng đếm bước giữa cái đám người đông đúc mà tâm hồn thường đơn lẻ như đi trong sa mạc hoang vu. Thỉnh thoảng họ dừng chân ngắm một vài cửa hàng, hay một cảnh lạ mắt.
Mấy chữ “Bách thảo đường” ở đầu phố Hàng Đường, nét chữ đẹp như cắt, và cái biển“marchand de chinoiseries”[nhà buôn người Hoa] ở phố Hàng Bồ, đến nay vẫn còn, là những tác động đã cấu tạo nên cuốn Hà-Nội băm sáu phố phường, nhất là về đêm, khi đời sống dồn vào những căn nhà cửa đóng im ỉm, thành phố lặng lẽ dưới ánh điện lạnh lùng, chiếu mấy cảnh binh hoặc phu xe kéo, Thạch-Lam có cảm tưởng Hà-Nội là của mình và đã tạo nên các đoạn văn giá trị.
Thạch Lam thường lang thang cho tới hai ba giờ sáng rồi về trước chợ Đồng Xuân, xem họp những phiên “chợ xanh”. Đó là nông gia các vùng lân cận mang thực phẩm vào cung cấp cho thành phố. Rau đậu, bầu bí, hoa quả mới hái còn đẫm hơi sương, bầy la liệt đầy một khu trước chợ, đủ các màu xanh rờn dưới ánh đèn nhợt nhạt. Thạch Lam ngắm không chán mắt, ra uống cốc chè nóng pha đường ở “hàng nước cô Dần” lững thững trở về viết lên giấy những ý tưởng đã thai nghén trong ngày.

Sự đối lập “xanh vỏ đỏ lòng” giữa bề ngoài lặng lẽ và bề trong đằm thắm ở Thạch Lam mà Đỗ Đức Thu vừa miêu tả được cũng được nhà văn Thế Uyên ghi nhận. Tác giả Tiền đồn vốn là con một người chị gái của Thạch Lam, nên biết rõ tính cách người chú của mình. Cách Thạch Lam đối xử với người trong gia đình cũng là cách ông đối xử với văn giới.Trong cuốn Những người đã qua Thế Uyên kể:
“..một hôm chú đi vắng, tôi lẻn vào phòng lục chồng báo Tarzan ra xem trộm và bị bắt gặp. Hậu quả cuộc đột nhập này, theo lời mẹ tôi là chú yêu cầu bà “Từ giờ sang thăm tôi thì chị để chúng nó ở nhà”. Vì lời yêu cầu này, nên “chúng nó” gồm tôi và [Duy ]Lam thuộc lòng từng viên gạch sứt đường làng, từng ngõ ngách ngôi đình, nhưng không biết gì về bên trong cổng tre, kể cả khuôn mặt ông chú khó tính. Có một lần ông hỏi mẹ tôi và các cháu, và khi mẹ tôi trả lời chúng nó đang nghịch ngoài kia, ông trách, sao chị không cho chúng nó vào. Lần đó dĩ nhiên chúng tôi được vào, vào lần chót vì ông qua đời trong ngày vì bệnh lao.
Theo lời mẹ tôi và thím tôi Thạch Lam là một người khó tính và yếu ớt ,thích suy nghĩ và sống theo một nếp sống yên tĩnh. Hình ảnh rõ rệt nhất tôi xây dựng về ông là một người yếu đuối, mắt sâu, trầm tĩnh, ít nói, tâm hồn đa cảm và tế nhị.


QUAN NIỆM SỐNG NHÂN BẢN CỦA THẠCH LAM
QUA HỒI ỨC CỦA VŨ BẰNG
Nếu những người nói về Thạch Lam ở trên chỉ là bạn thì Vũ Bằng trong những lời ca ngợi của mình, ở vào cái thế để người ta tin hơn. Do say nghề làm báo, ông đã có lúc coi Tự lực văn đoàn như kẻ thù và tìm mọi cách để hạ nhục. Riêng Thạch Lam, Vũ Bằng vốn có ấn tượng “là một người lạnh lẽo, ít nói ít cười, mà đối với nhãn quan của tôi (tức VB) lúc bấy giờ một người như thế, là một người thâm hiểm “– thì cái chuyện nói tốt cho Thạch Lam là một chuyện khó. Thế mà ngòi bút đó đã có những phục thiện, nhận xét của ông về Thạch Lam không dừng ở tình cảm mà mang đậm chất trí tuệ.

...trong những lúc đi chơi la cà ban đêm với nhau ở ngoài đường, tôi thấy anh hay nói một câu đại khái là “Xét cho cùng ở đời ai cũng khổ, người khổ cách này, người khổ cách khác. Bí quyết là tìm cái vui trong cái khổ. Vì sống, chỉ sống thôi cũng đã quý lắm rồi. Người ta không bao giờ nên phí phạm cái sống, coi thường sự sống”.
Ngay lúc đó, nghe anh nói, tôi không mấy lưu ý, và tôi nghĩ rằng Dostoievsky đã nhiều lần nói lên cái tư tưởng đó rồi. Nhưng sau này khi anh mất đi, ngồi nghĩ ngợi thấm thía về câu nói đó, tôi thấy quả Thạch Lam là người yêu sự sống hơn cả ai ai.


Tổng kết lại, Vũ Bằng có lần phải thốt lên những lời sau đây, đủ hiểu Thạch Lam có sức chinh phục như thế nào.
“Trong nhóm Phong hóa Ngày nay, muốn nói đến một người tôn trọng nhân bản thực sự, một người yêu thương đồng bào xót xa từ tâm can tì phế thương ra thì, người ấy chính là Thạch Lam.”
Cũng như một đoạn bên dưới:
Về phương diện văn chương cũng như về phẩm cách ta phải nhận là, trong làng văn, Thạch Lam quả là một người độc đáo. Có tài lại khiêm nhường, người nhỏ mà lòng nhân ái lớn
Trong những câu này tôi muốn lưu ý kỹ hơn cả ở hai chữ nhân bản nhân ái. Một thứ danh xưng mà người ta chỉ dùng cho các nhà văn cổ điển.
Tôi muốn dừng lại ở đây, mời các bạn đọc kỹ bài của Vũ Bằng do Triệu Xuân sưu tầm với cái tên do chính Triệu Xuân đặt Quan hệ Thạch Lam và Vũ Bằng thời ấy(*) http://www.trieuxuan.info/?pg=tpdetail&catid=3&id=7329&fid=0 28-6-12 và ở thời điểm 7-2016 này còn được nhiều trang mạng đưa lại.
Nhưng trước khi dừng, không thể không nhắc tới một ý thiết cốt mà Vũ Bằng rút ra, sau những lần lang thang với Thạch Lam.

Tôi nhớ có một đêm cùng anh đi thơ thẩn ở đường Hàng Bông, Thợ Nhuộm trông sang nhà pha Hỏa Lò. Xa xa, có tiếng khóc tỉ tê vọng lại. Chúng tôi đi đến chỗ tiếng khóc đó xem sao thì thấy một đứa bé đeo một cái hộp thiếc ngồi co ro ở trong xó tối. Hỏi tại sao, thằng bé nói: “Cháu đi bán phá sa (đậu lạc rang), được hơn hai hào cả thảy, vừa định về nhà thì có đứa đến đánh cháu và cướp hết cả tiền của cháu” - “Nhà cháu ở đâu?” - “Nhà cháu xa lắm, ở tận đường Hàng Bột. Nhưng dù gần cháu cũng không dám về, vì cha cháu mất sớm, mẹ cháu đi lấy chồng, bố ghẻ cháu ác lắm, cháu mà về ông ấy giết cháu chết!”.
Móc trong túi còn hơn hai hào, Thạch Lam đưa cả cho thằng bé và ân cần bảo nó về ngay kẻo ở nhà mẹ đợi.
Đi một quãng đến Hội chợ, tôi nói với Thạch Lam: “Tôi ngờ thằng bé này nói láo. Hình như đã có một đêm đi hát ở Khâm Thiên về, tôi cũng thấy nó khóc và nói y như thế - và người bạn cùng đi với tôi bị lừa”
- “Vậy ư? Nhưng bị lừa hay không, theo tôi, cái đó không quan hệ lắm. Điều cần là mình làm một việc xét ra phải làm, theo ý của mình, còn người thụ hưởng việc phải đó muốn thực thi việc phải đó ra thế nào, tùy họ. Nghĩa là khi nào mình thấy việc gì phải làm thì cứ làm, kết quả ra sao không cần lắm. Rất có thể nhiều người cho tôi hành động như thế là “nối giáo cho giặc”, nói một cách khác là lòng tốt, ở vào trường hợp đó, không ích gì, hành động của tôi không giải quyết được vấn đề gì dứt khoát. Có thể quan niệm như thế là phải, nhưng tôi có quan niệm về sự sống của tôi. Đúng hay không, tôi không biết. Nhưng óc tôi nghĩ như thế, tôi cứ nói thực với anh như thế”.

Câu chuyện của Vũ Bằng cho thấy Thạch Lam đã vững vàng đến như thế nào trong quan niệm làm người của mình. Trong khi theo đuổi cái khao khát sự tận thiện tận mỹ của con người cổ điển, ông đã đạt tới cái bình tĩnh bao quát của con người hiện đại, với nghĩa chỉ lo hành động mà không đặt thêm quá nhiều ý nghĩa cho hành động ấy.
Ở chỗ này, có cảm tưởng Thạch Lam đã gặp nhà văn Nga Chekhov. trong hai bài viết về Thạch Lam, tôi đã dẫn ra hai đoạn văn các đồng nghiệp dùng để miêu tả Chekhov mà tôi thấy cũng đúng với Thạch Lam:
Ý nhị nhưng buồn rầu, tốt bụng nhưng lạnh lùng, vị kỷ nhưng nhạy cảm với nỗi đau khổ của con người, Chékhov cống hiến đời mình cho văn học và y học, làm say mê lòng người nhưng lòng mình lại buồn chán.
Trong sự khách quan kỳ diệu của ông, đứng trên tất cả mọi nỗi phiền muộn hay hân hoan, Chékhov đã thấu triệt và nhìn hết mọi sự vật. Ông có thể hiền từ quảng đại mà không yêu, ông có thể mẫn cảm và thân ái mà không quyến luyến, ông có thể là người gia ơn mà không mong sự trả ơn.
Đối với con người Việt Nam hôm nay thực dụng và luôn bị ám ảnh bởi những mục đích trần tục, thì cách nghĩ cách cư xử của Thạch Lam có vẻ khó hiểu. Nhưng kinh nghiệm riêng của tôi thì lại ngược lại. Trong cuộc đời cũng như trong văn chương, loại người tương tự như Thạch Lam không thiếu.

Để chúng ta có thể hiểu thêm, có một loại người như Thạch Lam, tôi trích thêm ở đây một đoạn từ FB Hà Huy Khoái 28-6-2016.
ÔNG NỘI (bài 1).
Ông Nội tôi sinh năm 1860. Cũng như Bà Nội, với tôi, ông là con người của ngày xưa, và của lịch sử nữa. Đỗ Đầu Xứ Nghệ Tĩnh năm 18 tuổi, tham gia Phong trào Cần Vương theo Cụ Phan Đình Phùng, rồi phiêu bạt trốn truy nã, rồi trở về quê dạy học. Cha tôi bảo Ông theo nghĩa quân, nhưng chẳng có võ nghệ gì, được bổ chức Tả Tướng quân. Nghe thì “oai” thế, nhưng với ngôn ngữ ngày nay thì là Thư ký của cụ Phan.
Cuộc đời Ông đúng là cuộc đời gian truân của “trai thời loạn”. Cố của tôi mất sớm. Cụ cũng đỗ đạt, làm quan, nhưng nghe nói không bỏ được cái tính “lãng tử”. Thường uống rượu ngâm thơ với bạn bè. Lại thích cưỡi trâu đi chơi (chẳng biết có phải vì bắt chước Lão Tử không nữa), rồi bị cảm, mất sớm. Vậy nên Ông tôi mồ côi cha từ năm 6 tuổi, mồ côi mẹ năm 12 tuổi, 15 tuổi đã phải dạy học kiếm ăn. Lại vào cái thời “sự học ngày nay đã chán rồi”, nên chuyện về Ông tôi mà cha tôi kể lại, nghe cứ như chuyện mấy Nhà Nho bất đắc chí trong sách Nguyễn Tuân hoặc Ngô Tất Tố. Tôi biết về Ông nội, một phần qua lời kể của Cha tôi, một phần qua bài “Thiếu niên cảnh thuật” Ông để lại trong Gia phả, kể về cuộc đòi mình.
Cứ như lời Cha tôi thì việc chính của các cụ bạn bè với Ông tôi là uống rượu, bình thơ. Thời đó, các cụ uống ít, mỗi người một cái chén “hạt mít”, chứ không dùng “cốc vại” như bây giờ. Thức nhắm chẳng có gì, may ra được mấy quả trám đen mà dân Hương Sơn quê tôi trồng khá nhiều. Đêm đêm các Cụ ra bờ sông, ngồi với mấy cô phường vải, đặt thơ cho các cô hát đối đáp. Bởi thế nên quê tôi mới nổi tiếng với những khúc hát phường vải, mà đa phần là do các cụ Nho học làm ra.
Là người có chữ trong làng, nên Ông tôi hay giúp người ta theo kiện khi bị mấy ông quan địa phương ức hiếp. Viết hộ họ đơn từ, bày cho họ lý lẽ. Nhiều khi phải cho họ tiền để theo kiện nữa. Có lần Ông giúp một người mà trong làng không ai ưa. Người ta bảo: “Ông giúp nó, nhưng rồi sau này nó đối với ông chẳng ra gì đâu”. Ông tôi cười:”Tôi biết chứ. Nhưng phàm là con người thì ai chẳng có cái xấu. Người ta tốt với mình thì quý quá rồi, còn người ta xấu với mình thì lẽ thường thôi, sao phải bận tâm. Bây giờ nó đáng được giúp, thì giúp thôi!”
.
Loại người này thuộc về một nền văn hóa hấp thu được cả những tinh hoa của phương Đông và phương Tây, cố nhiên là có bám chặt vào cái gốc biết điều vừa phải của văn minh làng xóm Việt Nam xưa. Còn nền văn hóa chúng ta ngày nay, thì nhiều phần ngược lại, mà sự cắt nghĩa thì hình như chúng ta không định làm.

PHỤ LỤC
Hai bài viết chính về Thạch Lam của tôi là
Thạch Lam cốt cách một trí thức mới
Thạch Lam tìm vào nội tâm tìm vào cảm giác
đã in trong cuốn Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa và
được GS Trần Hữu Dũng đưa lên mạng
http://www.viet-studies.info/VTNhan/VTNhan_Chuong7.htm
Ngoài ra còn các bài lẻ đã đưa trên blog của tôi
VƯƠNG-TRÍ-NHÀN: Cái đẹp trong văn Thạch Lam
VƯƠNG-TRÍ-NHÀN: Thạch Lam và phận nghèo của xứ sở
VƯƠNG-TRÍ-NHÀN: Thạch Lam và mối đồng cảm với người nước ...
VƯƠNG-TRÍ-NHÀN: Kỷ niệm 105 năm ngày sinh Thạch Lam ( phần II )
VƯƠNG-TRÍ-NHÀN: Kỷ niệm 105 năm ngày sinh Thạch Lam (phần I)
VƯƠNG-TRÍ-NHÀN: Các nhà văn làm báo tết



Mới hơn Cũ hơn