Thời trung đại, văn học
Việt Nam chưa có tiểu thuyết; sự hình thành tiểu thuyết theo nghĩa
đúng đắn của khái niệm ấy chủ yếu diễn ra trong thế kỷ XX với những ảnh hưởng
rõ rệt của văn hóa phương Tây, tiểu thuyết phương Tây.
Đấy là nhận thức thường thấy ở nhiều người và là nhận định bao quát trong các cuốn văn học sử dạy ở nhà trường.
Muốn rõ thêm người ta còn nói rằng ảnh hưởng mới mẻ này là khía cạnh làm nên sự khác biệt giữa văn học Việt Nam thời trung đại và thời hiện đại.
Đấy là nhận thức thường thấy ở nhiều người và là nhận định bao quát trong các cuốn văn học sử dạy ở nhà trường.
Muốn rõ thêm người ta còn nói rằng ảnh hưởng mới mẻ này là khía cạnh làm nên sự khác biệt giữa văn học Việt Nam thời trung đại và thời hiện đại.
Để bổ sung cho một
nhận định một chiều như vậy, trong bài viết này chúng tôi muốn lưu ý: ảnh hưởng
nước ngoài trong thời hiện đại còn bao hàm cả sự có mặt và tác động của tiểu
thuyết Trung Quốc, hoặc nói theo một cách gọi vốn có trong lịch sử, là tiểu
thuyết Tàu. Văn hóa Trung Hoa là môi giới giúp chúng ta làm quen; là khoang
đệm; là điểm đến đầu tiên, trên con đường dài đến với văn hóa phương Tây (1).
Từ đây có thể rút ra một số quy luật tiếp nhận văn hóa nước ngoài của người
Việt, xem đó như một nhân tố thường xuyên tác động vào sự hình thành bản sắc
Việt trong lịch sử.
Từ 1939, Lưu Trọng
Lư từng khái quát “Xưa kia chúng ta là những người Tàu, gần đây chúng ta là
những người Tây, chưa có một lúc nào chúng ta là những người Việt Nam cả”.
(2) Trong cái vẻ như là bốc đồng, như tiếng kêu buột miệng của một nghệ sĩ, câu
nói vẫn có cái hạt nhân rất chính xác của nó. Quay sang tiểu thuyết, và trên
tinh thần làm rõ hơn một nhận định, chúng tôi mạn phép đề nghị một công thức
như sau: Xưa kia chúng ta định làm người Tàu mà dang dở không thành.
Lúc học theo phương Tây, chúng ta là”những người Tây theo kiểu Tàu”. Mãi
về sau cái chất phương Tây kia mới đậm nét hơn. Tới những năm ba mươi, đã có
thể nói chúng ta chẳng phải Tàu mà chẳng phải Tây. Ta là Việt Nam.
Nhưng cái chất Việt Nam này độc đáo không phải ở thành phần của nó mà
là cái phương thức, cái cách các thành phần đó kết hợp lại.
Chung quanh các
tiểu thuyết ra đời
ở Sài Gòn Lục tỉnh cuối
XIX đầu XX
Văn xuôi cổ Việt Nam đã
không phát triển mà văn xuôi dịch coi như không có. Lý do một phần là ở văn tự.
Lý do lớn hơn là ở trình độ tư duy tự sự của người Việt (3).
Thế nhưng từ khi
người Pháp đặt chế độ cai trị, một xã hội mang tính cách tư bản hình thành, thì
cái sự non nớt trì trệ ấy không thể tồn tại. Sự kiện còn ghi nhận được là việc
chủ bút người Pháp của tờ Nông cổ mín đàm cho in bản dịch Tam
quốc chí mới dịch ra tiếng Việt (1901). Để góp phần vào việc phổ biến
chữ quốc ngữ, ý định ban đầu là thế. Rồi một việc ngoài ý định đã tới, kéo theo
sự hoành hành quá đáng của tiểu thuyết Tàu.
Người Trung quốc
vốn có một quan niệm khá rộng rãi về hàng hóa, nói chung là về mọi sản phẩm mà
họ định làm.Trong văn học, bên cạnh các sáng tác cấp cao – trước tiên là thơ
--,có hẳn một một mảng văn chương thông thường gần đại chúng mà họ gọi là tục
văn học, chủ yếu là tiểu thuyết. Ở những vùng đất Đông Nam Á, nơi mà người Tàu
đến làm ăn sinh sống, loại văn học này càng nẩy nở, và lây sang cả bản địa. Một
người nước ngoài đến Sài Gòn năm 1822 có kể là nhà cửa ở đây khá sơ sài, không
có những nhà cao cửa rộng như bên Chợ Lớn (4). Sự chênh lệch đó chắc kéo dài
suốt thế kỷ XIX và nó là tình trạng thấy ở cả kinh tế, thương mại, văn hóa,
nghệ thuật. Theo Bằng Giang “nói một mình một chợ thì không đúng, nhưng truyện
Tàu nổi lên trong cái bối cảnh văn học còn nghèo nàn ở thập kỷ đầu thế kỷ XX
như một anh chàng khổng lồ”. (5)
Rồi Bằng Giang đưa ra
con số. Từ 1904 đến 1910, trong khi sách dịch của Tàu in ra tới 46 bản thì
không có một tiểu thuyết nào được viết bằng tiếng Việt (6). Từ sau 1910 thì
tình hình thay đổi. Và khoảng 1924 đến 1930, con số so sánh là 29 và 183. (7)
Chúng tôi chia sẻ
với cách giải thích của Bằng Giang: đây là một phản ứng tự nhiên.Tại sao là
người Việt Nam mà cứ dịch sách ca ngợi anh hùng của ai ở tận đâu
đâu, trong lúc anh hùng của đất nước ta bị quên lãng? Người ta nghĩ vậy và
người ta kéo nhau đi viết tiểu thuyết lấy đề tài là lịch sử Việt Nam.
Nhưng nên bổ sung là nhìn chung các tiểu thuyết lúc ấy, đều viết theo lối Tàu.
Cũng chương hồi. Cũng ân oán giang hồ. Cũng bốc đồng lịch sử. Thậm chí cả lối
văn nữa, một chút sơn đông mãi võ, một chút cải lương sướt mướt, ta
mô phỏng tuốt.
Còn cái truyền
thống của Thày Lazaro phiền, viết tiểu thuyết theo kiểu phương Tây,
thì không được tiếp tục.Tác phẩm chỉ tồn tại như một hòn đảo trơ trụi.
Hà Nội ba mươi năm ấy
Tình hình ở Sài Gòn Nam
Bộ nói trên cũng có nhiều nét lặp lại ở Hà Nội Hải Phòng đầu thế kỷ XX.
Có nhiều lý do cụ
thể để người ta dịch và đọc tiểu thuyết. Để học tiếng Việt; để tập tành trong
nghề báo chí xuất bản; để cho ra một xã hội hiện đại; mà cũng là để mua vui...
Nên nhớ là lúc ấy nghệ thuật nghe nhìn chưa có, và các phương tiện giải trí còn
rất đơn sơ.
Đọc lại mục lục
các sách lưu chiểu, không phải là không thể kể ra một số tiểu thuyết lúc ấy
được in theo kiểu phổ thông. Nhiều cuốn dựa theo một cuốn văn dịch. Về mặt chất
lượng, chúng có vẻ những bán thành phẩm hơn là tiểu thuyết thực thụ. Nói thẳng
ra rằng mình mô phỏng truyện nước ngoài lúc ấy không bị ai chê cười là đạo văn,
ngược lại còn được khen là khéo biết học thiên hạ.
Nhìn rộng ra cả
đời sống văn học, một thời gian dài, bộ phận dịch lấn lướt bộ phận sáng tác,
dịch là tất cả.
Thể lệ cuộc thi
thơ văn của Nam Phong 1-1918 có câu:”Tiểu thuyết phải (…) tự
đặt ra, không được dịch hoặc bắt chước truyện Tàu hay truyện Tây”. (8)
Nguyễn Công Hoan
viết trong Đời viết văn của tôi: “Về văn chương, như trong Đông dương
tạp chí, trừ văn vần là phần sáng tác, còn văn xuôi thì dịch từ sách Hán và
sách Pháp ra, những mẩu hay về văn chương, về tư tưởng, những ngụ ngôn, kịch
bản, truyện ngắn truyện dài. Truyện dài thì là những truyện ngôn tình, những
truyện trinh thám …” (9). “Tập Kiếp hồng nhan (1923) là cuốn
đầu tiên gồm toàn truyện sáng tác chứ không vừa soạn vừa dịch (như những sách
ra trước của những người khác –VTN)” (10).
Trong bộ Việt
Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ, phần IV viết về văn
học hiện đại, có một chương mang tên Sự thành hình của tiểu thuyết mới (11).
Sau khi “thích danh” tiểu thuyết và “biện biệt” sự khác nhau giữa truyện nôm và
tiểu thuyết, ông đi ngay vào Phong trào tiểu thuyết dịch. Rồi không
cần rào đón, Phạm Thế Ngũ nói “phong trào này bắt đầu bằng tiểu thuyết Tàu
trước”.
Đây chính là sự
thực cần làm rõ thêm.
Về số lượng, theo
Thanh Lãng, số truyện Tàu được dịch ra nhiều khiến cho người ta say mê đến nỗi
các học giả đương thời phải lên tiếng cảnh cáo nhiều lần ở trên Đông
Dương tạp chí (12).
Tại sao lại có
hiện tượng đó?
Những ảnh hưởng
Trung Hoa vốn âm thầm như những mạch nước ngầm, những con suối nhỏ ngày đêm xâm
nhập đời sống văn hóa người Việt. Cuối thế kỷ XIX, nhiều quan chức Việt khi đi
sứ Trung Hoa đã mang về những bộ tiểu thuyết, và các nhà nho của ta hồi đó
thường tiếp nhận chay, các cụ không dịch mà truyền tay đọc thẳng từ nguyên bản.
Nay nhân có việc dịch sách Tây—các sách học thuật-- thì tiểu thuyết Tàu như cái
kho đã tích lũy sẵn chỉ cần mở ra là có hàng, sự dịch được khởi động tức thì.
Nói cụ thể có nhà buôn đặt hàng là làm được ngay. Ngô Tất Tố đã mở đầu sự
nghiệp của mình bằng việc dịch Cẩm Hương Đình (1923).
Nếu có thể nói
rằng nhờ tiếp xúc với văn hóa Pháp, ta bảo nhau đọc và viết tiểu thuyết -- thì
cái mẫu cụ thể là tiểu thuyết Pháp, phải đợi một thời gian sau, chứ lúc này
người ta chưa thể làm theo. Vì mỹ cảm xa lạ. Vì kỹ thuật viết ta không quen,
không chừng là chưa thấy hay. Ngay dịch cũng không có người thạo tiếng. Những
người học ở trường thông ngôn ra cung cấp cho bộ máy cai trị không đủ. Chỉ một
Nguyễn Văn Vĩnh làm sao bao sân hết được. Một cách tự nhiên, người ta phải
trông vào phương bắc quen thuộc.
Từ văn học Tàu,
một cách hiểu về tiểu thuyết dần dần hình thành. Viết theo kiểu Tàu là một bước
đệm. Hơn thế nữa, nó là hướng đi duy nhất lúc ấy dễ mô phỏng, không cần có tay
nghề lắm cũng học theo được.
Trong mười mấy năm
tồn tại của mình, Nam Phong đã cho in 50 truyện dịch, trong đó
26 truyện dịch từ Pháp văn, 24 truyện dịch từ Hán văn (13).
Một nhà văn --
dịch giả mà các bộ văn học sử đã ghi nhận: Nguyễn Đỗ Mục. Ông nổi tiếng đến mức
Thanh Lãng viết: “những truyện dịch ở Tàu của Nguyễn Đỗ Mục và ở Pháp của
Nguyễn Văn Vĩnh gây hẳn trong phong trào dân chúng một phong trào say mê đọc và
viết tiểu thuyết... Truyện dịch của Nguyễn Đỗ Mục rồi đây sẽ gây hẳn một phong
trào tiểu thuyết rầm rộ” (14).
Một nhân tố nữa
khiến người ta cảm thấy không khí Tàu bao trùm tiểu thuyết lúc này là ngôn ngữ.
Nguyễn Công Hoan nhớ lại rằng văn tiểu thuyết thời bấy giờ là thứ văn biền
ngẫu, nhiều câu rất bay bướm, không phải lúc cũng bay bướm. Nước Tàu vốn nhiều
mặt hàng, chứ không phải chỉ có cái món nghiêm mặt giáo huấn, như một số người
lầm tưởng.
Ba loại tiểu
thuyết thông dụng.
Nhìn vào mối quan
hệ văn học Việt Nam Trung Hoa từ thế kỷ XIX về trước, đã thấy hình thành một
vài khuôn thước, nói nôm na là những vệt mòn: giữa thơ và văn thì người Việt lo
học thơ nhiều hơn. Riêng trong văn, Trung quốc đã có nhiều loại, người Việt có
máu mê sáng tác nhiều thế kỷ trước gần như không ai không biết những bộ tiểu
thuyết chương hồi, tiểu thuyết dã sử... song không học theo được. Cái mà ta ảnh
hưởng là tiểu thuyết tài tử giai nhân, từ đó làm ra thể truyện nôm.
Bước sang những
năm hai mươi, tình hình du nhập này cũng có những nét rất tế nhị, vừa do tình
hình bên Trung quốc, vừa do cách tiếp nhận của Việt Nam.
Theo các bộ sách
nghiên cứu về văn học Trung quốc cận đại, ngay khi đặt vấn đề tiếp nhận phương
Tây, các nhà duy tân, nhất là Lương Khải Siêu, đã nhấn mạnh tới vai trò giáo
dục của tiểu thuyết, xem đó là một phương tiện cứu quốc. Và tiểu thuyết
được hướng dẫn là phải đi vào các đề tài xã hội. Có điều loại này quá mới đối
với Trung quốc nên hơi khó. Cũng có người viết, nhưng không thành công; phải
mãi tới những năm ba mươi, thông qua nỗ lực của Ba Kim, Mao Thuẫn,Tiền Chung
Thư, Thẩm Tùng Văn.., lối tiểu thuyết ấy mới được khẳng định. Còn trong thực
tế, chiếm phần ưu thế trên văn đàn những năm hai mươi về trước là các loại tiểu
thuyết vốn có từ truyền thống, nay kéo dài, được cải tiến đôi chút, như tiểu
thuyết võ hiệp, hoặc tiểu thuyết uyên ương hồ điệp – “đó là một bước cải lương
trong tiểu thuyết Trung quốc, do đã kết hợp được dinh dưỡng của văn học nước
ngoài, kết hợp với truyền thống của văn học Trung quốc mà có” (15).
Khi vào Việt Nam,
những vang hưởng của các loại tiểu thuyết Trung Hoa trên bộc lộ thành ba loại
chính:
a/ nhánh võ hiệp-
dã sử, rõ nhất là trường hợp Nguyễn Tử Siêu với các bộ Trần Nguyên
chiến sử, Việt Thanh chiến sử, Vua Bố Cái, Lê Đại Hành.
b/ thông dụng hơn,
là những tiểu thuyết dựng lại những cảnh con người lưu lạc rồi ba chìm bảy nổi,
mãi mới có dịp đoàn viên.Ở Trung quốc nó có nhiều cái tên khác nhau tiểu
thuyết xã hội, tiểu thuyết hắc mạc (màn đen), tiểu thuyết
khiển trách, và ở Việt Nam, tôi tạm gọi nó là tiểu thuyết trường đời ---
tiền thân của tiểu thuyết hiện thực phê phán giai đoạn sau.
Tác giả Việt Nam theo
đuổi hướng viết này rõ nhất là Đặng Trần Phất với các tiểu thuyết Cuộc
tang thương, Cành hoa điểm tuyết.
Có một trường hợp,
mặc dù gần đây tác phẩm không được in lại, nhưng đương thời có ảnh hưởng lớn là Kim
Anh lệ sử, tác giả là Trọng Khiêm. Về nội dung, Kim Anh Lệ Sử gần
với những Cảnh thu di hận, Giọt nước cành dương; trong nguyên bản
bên cạnh tiêu đề, thấy có chua thêm ”tiểu thuyết về ẩn tình xã hội”.
c/ Còn loại mà
Phạm Quỳnh dùng lại thuật ngữ cổ điển là ngôn tình tiểu thuyết, thì
có lẽ tương đương với thể uyên ương hồ điệp vừa nói ở trên,
chúng tôi chưa có dịp đọc hết, song có cảm tưởng loại này không phát triển hoăc
có thì bị xã hội cảnh cáo nói là con đường tà dâm không nên theo; để bù lại, nó
lại có một kỳ tích mà hai loại trên không có. Đó là Tố Tâm của
Hoàng Ngọc Phách, cuốn sách gối đầu giường của lớp thanh niên trước 1930.
Trường hợp Tố
Tâm và Tuyết hồng lệ sử
Trong việc đưa
tiểu thuyết theo hướng Âu hóa, Tố Tâm (1925) là một cái mốc.
Về mặt ngôn ngữ thể loại, người ta nói nhiều tới chất tây của bút pháp tiểu
thuyết mà tác giả sử dụng. Hoàng Ngọc Phách đã rất thành tâm khi tự nhận rằng
với Tố Tâm, ông muốn ”tạo ra một tác phẩm khác hẳn tiểu thuyết
đã có”.
Khác như thế nào?
“Về hình thức chúng tôi xếp đặt theo những hình thức mới của Pháp, lối kể
chuyện tả cảnh, theo văn chương Pháp cả.Về tinh thần, chúng tôi đem vào những
tư tưởng mới, tâm lý nhân vật được phân tích theo phương pháp của các nhà tiểu
thuyết đương thời” (16).
Nhưng không phải
ngẫu nhiên, đọc nó, người ta nhớ ngay tới một cuốn tiểu thuyết Tàu nổi tiếng,
chắc là đã được truyền tay nhau đọc rất lâu trước khi bản dịch được công bố
trên Nam Phong. Đó là Tuyết hồng lệ sử.
Đây vốn là một
cuốn tiểu thuyết Trung quốc, in trên Tiểu thuyết tùng báo,
1914; tác giả Từ Trẩm Á lấy tự truyện của mình để viết, ban đầu dùng lối kể
thông thường và gọi là Ngọc lê hồn, sau cải biến thành một thứ tiểu
thuyết nhật ký lấy tên là Tuyết hồng lệ sử. In ra lần đầu ở Thượng
Hải (mảnh đất Trung quốc sớm tiếp xúc với Tây phương) và đến nay vẫn được coi
là một cuốn có ảnh hưởng trong lịch sử phát triển tiểu thuyết Trung quốc (17).
Nguyễn Hiến Lê cũng kể là đương thời ở Trung quốc, tên tuổi nó vang lên như
sấm. (18).
Riêng ở Việt Nam, Tuyết
hồng lệ sử là cả một thời đại của sách dịch.Trong Theo dòng,
Thạch Lam viết ”Ngày trước ta có rất ít tiểu thuyết, chỉ phỏng theo hay dịch
của Tầu. Rồi chúng ta bắt chước viết tiểu thuyết, từ quyển Cành hoa
điểm tuyết của Đặng Trần Phất đến quyển Tố Tâm của
Hoàng Ngọc phách, qua những tiểu thuyết dịch của Từ Trẩm Á như Tuyết
hồng lệ sử và Ngọc lê hồn; đó là thời kỳ tiểu thuyết
bắt đầu nẩy nở trong văn chương ta”(19).
Hồi tưởng lại hồi
còn đi học, Xuân Diệu kể ra toàn những bài thơ buồn của Tản Đà, Đoàn Như Khuê;
rồi ông tự thú:”Đồng thời, Tuyết Hồng lệ sử dịch của Từ Trẩm Á mê
lịm tôi trong những điệu ca từ thật là réo rắt tất cả quyển sách là một cuộc
nhặt hoa rơi chôn hoa rụng khóc hoa tàn”(20).
Tới 1965, nó còn được tái bản ở Sài Gòn.
Sự gần gũi giữa Tố
Tâm và Tuyết hồng lệ sử, theo Phạm Thế Ngũ, là ở mấy điểm:
Cũng những nhân vật tài tử và lãng mạn. Cũng một mối tình éo le. Thực ra còn
phải nói rõ hơn. Tình cảm Đạm Thủy và Tố Tâm cũng như Mộng Hà -- Lê Ảnh đều là
tình rất chân thành, nhưng trong hoàn cảnh bấy giờ là cái gì vượt ra ngoài lẽ
thường nên người trong cuộc sợ hãi lẩn tránh, mà tránh không nổi, kết cục đành
đầu hàng. Cuối Tuyết hồng lệ sử, Lê Ảnh ho lao mà chết. Cuối Tố
Tâm, nhân vật chính cũng có cái chết tương tự.
“Cái điệu sầu của thời
đại”đổ ra bi ai trong những trang Tuyết hồng lệ sử, mà Tố
Tâm ra sau chính như một tiếng họa”(21)
Thanh Lãng trích
dẫn mấy câu nhật ký Tố Tâm viết trước khi chết để rồi cảm khái”Thực là câu văn
đúng hệt như trong Tuyết Hồng lệ sử!”(22)
Nguyễn Vy Khanh,
một nhà nghiên cứu hiện sống ở hải ngoại, trong một bài viết về tiểu thuyết,
khi dừng lại ở đầu thế kỷ XX cũng viết”…bắt đầu xuất hiện những tiểu thuyết
luân lý ái tình như Cành hoa điểm tuyết (1921), Cuộc
tang thương (1923) của Đặng Trần Phất, Kim Anh lệ sử (1924)
của Trọng Khiêm và Tuyết hồng lệ sử của Từ Trẩm Á, do Mai Khê
dịch; sau đó đến biến cố Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách ra
mắt độc giả thanh niên tân học mà nội dung hình thức đã bị ảnh hưởng rõ
rệt của Tuyết hồng lệ sử (VTN nhấn mạnh), cộng với cái
lãng mạn thế kỷ XIX của Pháp nơi tác giả là một người tân học”(23)
Tại một cuộc hội
thảo về văn học so sánh 2001, Đặng Anh Đào ghi nhận:
“Ở Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, ta tìm thấy cả Từ Trẩm Á, lẫn Bernadin de Saint Pierre”.(24)
“Ở Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, ta tìm thấy cả Từ Trẩm Á, lẫn Bernadin de Saint Pierre”.(24)
Tại sao lại có sự
tiếp nhận đó? Cái lý sâu xa về phương diện tâm lý xã hội, là không khí thời
đại. Nói như Phạm Thế Ngũ, lúc ấy những người giàu tình cảm không khỏi thấy sự
trống rỗng ghê gớm trong lòng. Buồn nước mất, buồn nền nếp cũ đổ rơi, giá trị
cũ suy tàn. Buồn thất thời thất thế, buồn trơ trọi bơ vơ. Cái buồn ấy từ bậc
thức giả lan ra khắp xã hội. Người ta muốn quên, muốn được an ủi.
Lâu nay nhiều người chỉ thấy Tố Tâm gần
với Tuyết hồng lệ sử là ở hơi văn, là ở nguồn cảm thương toát
ra qua câu chữ, là ở cách hình dung về cuộc đời, cái điệu tâm hồn của một thời
đại dang dở, cái đó đã đành. Song, cần nói thêm rằng cuốn truyện Tàu kia sở dĩ
được học theo một cách tự nhiên và nhuần nhuyễn như vậy bởi nó gần như là một
mẫu mực về phương diện thể loại. Khi nói về tiểu thuyết uyên ương hồ điệp, các
tài liệu nghiên cứu như Đại cương lịch sử văn hóa Trung quốc, Khái
yếu lịch sử văn học Trung quốc đều ghi nhận loại này tuy là tiếp tục
dòng tiểu thuyết tài tử giai nhân thời Minh Thanh, song đã có cộng thêm những
ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, cụ thể là chủ nghĩa tình cảm trong văn học
Đức Pháp (loại như Nỗi đau khổ của chàng tuổi trẻ Werther của
W. Goethe). Nó cung cấp giải pháp tạm thời cho nhu cầu thay đổi tiểu thuyết, và
chuẩn bị cho sự triệt để hơn về sau.Chính ở chỗ này, nó đáp ứng khá tốt cái
điều mà những người viết văn Việt Nam như Hoàng Ngọc Phách muốn tìm.
Cho nên, trong khi tâm trí đang để cả ở phía trời Tây, ông lại đã đến với nó
một cách tự nhiên. Hình như với nhiều người chúng ta, và trên tất cả các lĩnh
vực, cái gì cũng đã có ở bên Tầu, kể cả việc học theo phương Tây, và chỉ cần
người ta nhanh mắt nhanh tay đưa về là thành công. Gặp phút xuất thần làm được
thứ tuyệt phẩm (như Tố Tâm trong văn chương) thì không gì bằng
rồi, còn nếu như trong khi làm vội, chất lượng có sút giảm, thì với người trong
nước cũng còn là mới mẻ chán!
Nhận xét tổng hợp
Chúng tôi đã có
lần thử nêu vài đặc điểm của quá trình văn hóa Việt tiếp nhận văn hóa nước
ngoài, chi phối cả trong thời trung đại lẫn thời hiện đại: Không có bài bản hợp
lý, thấy người ta làm thì bắt chước theo; gặp đâu hay đấy; thường khi cái ảnh
hưởng sâu sắc này nằm ngoài sự kiểm soát của lý trí người viết, tức là tiện thì
dùng, tiếp nhận đấy mà vẫn tưởng là mình chẳng tiếp nhận gì cả (25).
Đối với văn chương
đầu thế kỷ XX, điều này vẫn có khía cạnh đúng. Sự xuất hiện của hàng loạt tiểu
thuyết cũng như của Tố Tâm xác nhận tính chất tự phát của một
quá trình.
Nhưng hãy chú ý
một điều: hầu như đương thời, các cuốn tiểu thuyết in ra đều có kèm theo vài
lời bàn của tác giả về thể loại. Còn xét chung cả văn giới, sự có mặt của một
cuốn sách như Khảo về tiểu thuyết (1921) của Phạm Quỳnh là cả
một sự kiện mới mẻ.
Sự học hỏi trong
nghề viết cụ thể như vậy là được mở đầu bằng tiếp nhận tư duy tiểu thuyết. Thay
cho lối mò mẫm mạnh ai nấy làm như thời trung cổ, khi nghề cầm bút còn mang
nhiều chất một thứ nghề thủ công, giờ đây lý tính bắt đầu có mặt. Sự sáng tác
đã được xã hội hóa, người viết, người dịch,người nghiên cứu, người phê bình,
chia nhau mà làm, hào hứng tin cậy.
Đây là cách làm
chỉ thấy ở văn hóa phương Tây.
Rồi sự học hỏi sẽ
nên công. Từ sau 1932, chúng ta có một nền tiểu thuyết gần với phương Tây của
thế kỷ XIX. Trong sự khác nhau rõ rệt -- văn của Thạch Lam, Khái Hưng, Nguyễn
Công Hoan, Nam Cao,Nguyên Hồng …vẫn gợi nhớ A. Daudet, G.Maupassant hơn là bất
cứ một nhà văn Trung Hoa hiện đại nào (26).
Còn trong thời kỳ
mới hình thành tiểu thuyết,thì sự tiếp nhận này chưa thể nhuần nhụy hiệu quả.
Cái thấy rõ hơn là ảnh hưởng tới từ phương bắc.
Điều đáng nói là
chúng ta thường hay lảng tránh thứ ảnh hưởng này.
Đây là công thức
phổ biến được sử dụng khi nói về quan hệ văn hóa Việt Nam Trung Hoa, hầu như
trên tất cả các lĩnh vực:
a/ Tối đa:”văn
hóa ta chẳng kém gì văn hóa Tàu,chỉ kẻ bắc kẻ nam phân biệt”.
b/ Nếu không được
thì cố giữ lấy cái tối thiểu:”tất tần tật mọi thứ, ta tự nghĩ lấy
hết, chẳng học họ gì cả”.
c/ Riêng từ đầu
thế kỷ XX tới nay:”có học thì học hẳn vào phương Tây chứ Tầu thời nay cổ rồi”.
Mấy phương sách
trên đã đắp đổi cho nhau, tùy tình hình mà áp dụng.
Suốt trường kỳ
lịch sử, người Tầu thao túng nền kinh tế đô thị từ các phủ huyện tới Hà Nội Hải
Phòng và Sài Gòn lục tỉnh. Nhưng các sách nghiên cứu về kinh tế thường lờ đi
không nói hoặc có nói chỉ dăm dòng chiếu lệ. Cứ tưởng không nói tới tức là sự
vật không tồn tại.
Một bộ phận văn
hoá mà nước nào người ta cũng coi trọng là văn hóa hành chính, văn hóa cầm
quyền. Các nhân vật lịch sử có đóng góp vào việc canh tân đất nước như Lê Thánh
Tông Minh Mạng trước khi bắt tay vào việc đều cử người hoặc sang Tàu xin sách.
Không chỉ luật Gia Long”đồ”theo luật nhà Thanh, mà luật Hồng Đức cũng là được
biên soạn theo luật nhà Đường; nhưng những ai có trách nhiệm được biết điều này
đều chỉ thì thào với nhau chứ không nói với người khác.
Thì trong tiểu
thuyết --- cái việc học Tầu để nghĩ, học Tầu để làm, là một bước đệm trên đường
đến với tư duy tiểu thuyết phương Tây, có bị lảng tránh, cũng là dễ hiểu. Trung
Hoa vẫn là cái cửa chính để văn hóa Việt Nam ra với thế giới, mà ta
vừa sử dụng thoải mái, vừa dễ xí xóa coi như không có.
Xét tổng quát, văn
hóa Tầu là cái ta học theo khi còn quá non nớt; là yếu tố kích thích khiến ta
cố vươn tới khi có thể. Rồi là cái mà ta phải giã từ, khi đã trưởng thành --
cái thời điểm vàng son của sự trưởng thành ấy gói gọn trong khoảng 1932 -45.
Nhưng liệu có giã
từ được không khi, mặc cho hoàn cảnh lịch sử thay đổi, các yếu tố của nền văn
hóa láng giềng kia luôn luôn như đầu tướng giặc Phạm Nhan, chặt đầu này lại mọc
đầu khác?
Tiểu thuyết là một
trong những câu trả lời quá rõ ràng.
Điều cần nói thêm
là do tiếp nhận văn hóa nước ngoài theo kiểu thiếu sòng phẳng này, nên ở ta sự
tiến triển nghệ thuật thường dang dở, bản sắc không sao xác lập được rõ nét, mà
lâu dần rồi cái sự mờ nhạt kia lại trở thành một bản sắc ổn định./.
Chú thích
(1) Không phải là không có người xác định rằng bên cạnh ảnh hưởng phương Tây thì ảnh hưởng Trung
Hoa trong thế kỷ XX cũng rất lớn. Nhà nghiên cứu Phương
Lựu, trong bài viết ”Quan niệm văn học của Lương Khải Siêu”, in trong Tân
thư và xã hội Việt nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (tr 128) cho
rằng ”Do nhiều nguyên nhân về lịch sử địa lý và văn hóa, mối liên hệ về quan
niệm văn học giữa Việt Nam và Trung Hoa là liền mạch một cách tất yếu. Nhưng
dường như giới nghiên cứu mới chú ý các mối liên hệ thời cổ trung và hiện đại.
Đã đến lúc phải chú ý thêm mối liên hệ ấy trong thời cận đại”. Ý kiến này của
Phương Lựu không được ai để ý và bản thân ông, theo chỗ chúng tôi đọc được cũng
không tiếp tục.
(2) Lưu Trọng Lư (1939) ”Một nền văn chương
Việt Nam”, tạp chí Tao Đàn số 2 ra tháng 3-1939, bản in lại
năm 1998, tập I, tr 119
(3)Vương Trí Nhàn
(2004)”Vài nét về tư duy tự sự của người Việt” sách Tự sự học một số
vấn đề lý luận và lịch sử, NXB Đại học Sư phạm 2004, tr 156-170
(4)Người nước ngoài đây
là John Crawfurd, trưởng phái đoàn mà năm 1822, toàn quyền Anh ở Bengale gửi
qua Thái Lan và Việt Nam để thương thuyết.”Theo John Crawfurd ghi trong nhật
ký, thành phố này hồi đó gồm hai thị trấn, cái bây giờ gọi là Chợ Lớn thì hồi đó
gọi là Sài Gòn, cái bây giờ gọi là Sài Gòn thì hồi đó gọi là Bến Nghé (…) Nhà
cửa của thương gia Trung Hoa trông đồ sộ hơn nhà cửa của người Việt nhiều. Đang
khi John Crawfurd đi thơ thẩn trong thành phố, ba gia đình Trung Hoa loại khá
giả nhất đã ra cửa mời ông vào chơi. Bên trong những ngôi nhà của họ trông thật
rộng rãi đồ đạc rất nhiều và tiện nghi cũng đầy đủ”. Trên đây là lời lược thuật
của Patrick J. Honey giáo sư sử học người Anh chuyên về Việt Nam. Dẫn theo
Patrick J. Honey, Trương Ngọc Phú chú giải ”Việt Nam vào thế kỷ XIX qua hồi ức
của John White, John Crawfurd, George Gibson”; tập san Nghiên cứu Huế, do
Trung Tâm nghiên cứu Huế xuất bản, tập I. 1999, tr. 216
(5,6,7) Bằng Giang
(1992) Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865—1930 NXB Trẻ,TP HCM 1992
các trang 246, 245, 255
(8) Dẫn theo Phong Lê
(2006) ”Văn học trong đời sống báo chí -- xuất bản từ nửa sau thế kỷ XIX, đến
nửa đầu thế kỷ XX”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 8-2006
(9,10) Nguyễn Công
Hoan (1971) Đời viết văn của tôi Nxb Văn học các tr. 57, tr 81
(11) Phạm Thế Ngũ (1965) Việt Nam văn
học sử giản ước tân biên, ba tập, tập III,S. Quốc học tùng thư, tr. 318
(12) Thanh Lãng (không
rõ năm) Bảng lược đồ văn học Việt nam, quyển hạ (1862-1945) NXB
Trình Bày, Sài Gòn, tr 450
(13) Nguyễn Khắc Xuyên
(2002) Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong, NXB
Thuận Hóa, TT Văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, tr. 385-386
(14) Thanh Lãng Sđd, tr
526
(15) Vương Văn Anh (chủ
biên), Phạm Công Đạt dịch (2005) Văn học hiện đại Trung quốc nhìn từ
Thượng Hải NXB Văn học, tr. 173
(16) Theo Lê Thanh – Cuộc
phỏng vấn các nhà văn, Hà Nội 1943. Một phần cuộc phỏng vấn này được trích
trong Vương Trí Nhàn (biên soạn) Khảo về tiểu thuyết NXB Hội
nhà văn 1996, tr. 51
(17) Nhiều bộ lịch sử
văn học, nhiều tập từ điển văn học, được xuất bản ở Trung quốc đại lục cuối thế
kỷ XX , ở mức độ nặng nhẹ khác nhau đều có nói tới Tuyết hồng lệ sử. Mạng book.ndcnc.gov.cn/ DLib/product.asp? DocID =
9695 - 9k cho rằng tác phẩm “có một địa vị trọng yếu trong sự phát triển
hình thức tiểu thuyết” .
(18) Nguyễn Hiến Lê
(1969) Văn học Trung quốc hiện đại Tác giả tự xuất bản S.
1967, tr 134
(19) Thạch Lam
(1938)”Vài ý kiến về tiểu thuyết” xem Vương Trí Nhàn Khảo về tiểu
thuyết, sđd, tr 72
(20) Xuân Diệu (2001) Toàn
tập sáu tập, tập III, NXB Văn học, tr.176
(21) Phạm Thế Ngũ sđd,
tr 359
(22) Thanh Lãng sđd tr
526
(23)Xemhttp://www.hobieuchanh.com/pages/baiviet/NguyenVyKhanh/NVK_thekytieuthuyet01.htm
(24) Đặng Anh Đào Văn
học so sánh, lý luận và ứng dụng, NXB Khoa học xã hội 2001, (tr397)
(25)Vương Trí Nhàn “Quá
trình du nhập của một thể tài ‘“Nguyễn Công Hoan và thể tiểu thuyết”, in trong Nhà
văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ
XX cho tới 1945, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2005
(26) Trong bài này,
chúng tôi xét tiểu thuyết theo nghĩa hẹp, tiểu thuyết khác với truyện ngắn. Còn
như, nếu hiểu tư duy truyện ngắn cũng là một bộ phận của tư duy tiểu thuyết rồi
nhìn vào đời sống văn học thì thấy: những năm đầu thế kỷ XX cũng là thời kỳ ra
đời của một số truyện ngắn viết theo bút pháp Tây phương của Phạm Duy Tốn, mà
nổi nhất là Sống chết mặc bay (1918). Tức là trong lúc này một
kiểu ảnh hưởng khác hẳn đã hình thành, không thông qua con đường của văn hóa
Trung Hoa. Sự Âu hóa theo hướng mà Phạm Duy Tốn mở ra khá toàn diện: Một
là ở nội dung trực tiếp đi vào các vấn đề xã hội. Hai là cái
điệu tâm hồn con người không sướt mướt sầu thảm tìm cách lảng tránh thực tế. Ba
là lối văn gọn gàng linh hoạt. Cái mới của văn xuôi thế kỷ XX được
chuẩn bị từ Sống chết mặc bay sau này sẽ được hoàn thiện với
các sáng tác của các nhà văn sau 1930. Nhưng đây là một hướng
nghiên cứu tiểu thuyết mà trong bài này chúng tôi chưa có điều kiện theo đuổi.
In lần đầu trên Talawas