VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Mấy trích đoạn văn học viết về chiến tranh ...(II)

 Ngoài các tác giả trong nước, một số  sách sách giáo khoa quốc văn in ở Hà Nội trước 1954 và Sài Gòn trước 1975 còn đưa vào cho học sinh học những đoạn văn viết về chiến tranh  của các tác giả ngoại quốc.
Dưới đây là hai đoạn văn trích từ Năm chín ba (dưới đây chúng tôi theo bản gốc mà viết Năm 93) của Hugo.
Lưu ý là các đoạn này được đặt lẫn vào các mục của sách chứ không phải trong phần học về lịch sử văn học nước ngoài như thường thấy trong sách của học sinh cấp III Hà Nội.



KHÓI, LỬA

Trích
Giảng Văn phần Kim văn lớp Đệ Thất, Đệ Lục trung học
Hoàng Lê biên soạn
nhà in Văn Hồng Thịnh xuất bản,
 in lần thứ nhất – Hà Nội  1953
trang 94
Buổi chiều trên con đường về, hắn theo đường hẻm đến một trái đồi cao trơ trụi. Đứng trên đồi, có thể phóng tầm con mắt rất xa, và rất có thể trông rõ cả chân trời từ phía tây ra đến bờ bể.
Một luồng khói cuồn cuộn đã làm hắn chú ý.
Không có gì đẹp đẽ hơn một làn khói tỏa bay, và cũng không có gì ghê khiếp hơn làn khói ấy. Có những làn khói êm đềm và cũng có những làn khói nham hiểm. Một làn khói dầy hay mỏng, trắng hay đen, có những điểm khác nhau cần phải phân biệt, những điểm trái ngược giữa hòa bình hay chiến tranh, giữa tình huynh đệ hay sự oán cừu, giữa cái sống và cái chết. Một làn khói bay trên chòm cây có nghĩa là một việc gì du dương nhất thế giới và cũng có nghĩa là một vật kinh khủng nhất tựa như khói một vụ hỏa tai. Và tất cả hạnh phúc hay tất cả đau khổ của con người có khi ở trong làn khói tỏa bay trước gió.
Tức Mặc nhận thấy luồng khói đó mầu đen, đột nhiên pha lẫn ánh đỏ có hình bếp lửa lúc âm ỷ lúc cháy bùng, gần như tắt hẳn, và hình như phát nguồn từ thôn trại Bồ Đề.
Tức Mặc rảo bước thẳng về phía có khói. Hắn đã mệt lã, nhưng hắn muốn biết có chuyện gì xảy ra. Hắn đã tới ngọn đồi, dưới sườn là xóm trại.
Cả thôn xóm và trang trại không còn gì nữa.
Cả một đống nhà gianh tàn tạ đang cháy và đó là xóm Bồ Đề.
Cảnh tượng một nhà gianh đang cháy thật là đau lòng hơn cả tòa lâu đài cháy giở. Một mái nhà gianh bốc lửa thật thảm hại. Đó là hình ảnh sự tàn phá đè nặng xuống cảnh nghèo nàn, hình ảnh con cắt lăn xả vào xâu xé con dun, thật không cơ sự trái ngược nào se lòng hơn thế nữa.
Trước thảm cảnh ấy, hắn đứng nguyên như pho tượng, không nhúc nhích.
Victor Hugo
93

MỘT CẢNH CHIẾN TRƯỜNG
Trích Giảng Văn phần Kim văn lớp Đệ Thất, Đệ Lục trung học
Hoàng Lê biên soạn nhà in Văn Hồng Thịnh xuất bản,
 in lần thứ nhất – Hà Nội  1953 trang 159

Lúc làn sóng đầu tiên của quân xung phong tiến vào, tất cả chiến lũy lòe ánh chớp; người ta tưởng tượng như là sét nổ ngay dưới mặt đất.
Súng là của quân xung phong trả lời súng của quân phục kích. Tiếng nổ rền vang như sấm đáp lại lẫn nhau.
Binh khí chạm nhau loảng xoảng, gươm – giáo chém vào nhau, và những tiếng nổ xé trời gieo rắc cái chết khắp xung quanh.
Bó đuốc cắm trên tường soi sáng lờ mờ cảnh tượng kinh khủng ấy. Lúc đó, người ta không thể phân biệt được nữa; trong bóng tối đen chỉ thấy lòe tia lửa đỏ.
Người tiến vào đột nhiên bị điếc và mù, điếc vì tiếng súng vang tai, và mù vì khói súng dầy đặc.
Quân sĩ gục ngã trên chiến trường nằm lăn lóc giữa những đống đổ vỡ. Người ta bước lên trên các tử thi, người ta xéo lên vết thương, người ta nghiến lên các cánh tay, người ta đâm vào các cẳng chân gẫy làm bật ra những tiếng rú đau đớn, làm chân người bước trên bị những hàm răng của kẻ sắp chết cắn nát.
Thỉnh thoảng có những phút yên lặng kinh khủng hơn cả tiếng động.
Người ta đánh nhau, người ta nghe tiếng thở phì phì ghê rợn, tiếng nghiến răng ken két, tiếng rên rỉ, tiếng kêu vang rồi tiếng sấm sét lại bắt đầu.
Một suối máu do lỗ hổng chảy ra ngoài tràn lan trong bóng tối.
Ao máu tối tăm ấy hãy còn bốc hơi trên bãi cỏ.
Người ta cho rằng chính tòa thánh đã đổ máu, và chính tòa thánh khổng lồ kia đã bị thương.
Đêm xuống tối đen như mực không nhìn rõ mặt người. Trong rừng, ngoài đồng, xung quanh tòa thánh bị tấn công, không gian bao trùm trong yên lặng thê lương.
Victor Hugo
93

Trước 1954, khi học ở trường tiểu học Thụy Khuê, nơi thày giáo dạy lớp nhất là nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, tôi còn được học trong sách giáo khoa lúc đó một số bài thơ nói về những cảnh quê hương chiến tranh tàn phá và nỗi ao ước của con người được trở lại cảnh thanh bình.
Một bài trong đó, tôi quên mất tên và phần đầu chỉ nhớ mấy câu phần cuối :
Ôi quê hương đắm mình trong khói súng
Đến bao giờ lại sống phút thân yêu
Mái tranh hiền tha thiết biết bao nhiêu
Dòng sông mát yêu kiều bên bờ có
Ôi tha thiết ta thấy màu lửa đỏ
Bao trùm trời  thương nhớ ơi quê hương

  Dưới đây là một bài thơ viết về chiến tranh của một nhà thơ Việt Nam hôm nay. Bài Quà Tặng Trong Chiến Tranh của  Trần Mộng Tú này cũng có số phận tương tự như mấy đoạn văn trên. 
tôi được biết bản dịch bài thơ ra tiếng Anh mang tên The Gift in Wartime  được in vào American Literature textbook do nhà xuất bản sách giáo khoa lớn nhất ở Mỹ, Glencoe/Mc.Graw-Hill phát hành năm 1999, trong các chương về văn học Mỹ trong thời Nội Chiến Nam Bắc Mỹ.

 Quà Tặng Trong Chiến Tranh

Em tặng anh hoa hồng
Chôn trong lòng huyệt mới
Em tặng anh áo cưới
Phủ trên nấm mồ xanh

Anh tặng em bội tinh
Kèm với ngôi sao bạc
Chiếc hoa mai mầu vàng
Chưa đeo còn sáng bóng

Em tặng anh tuổi ngọc
Của những ngày yêu nhau
Đã chết ngay từ lúc
Em nhận được tin sầu

Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương

Em tặng anh mây vương
Mắt em ngày tháng hạ
Em tặng anh đông giá
Giữa tuổi xuân cuộc đời

Anh tặng môi không cười
Anh tặng tay không nắm
Anh tặng mắt không nhìn
Một hình hài bất động

Anh muôn vàn tạ lỗi
Xin hẹn em kiếp sau
Mảnh đạn này em giữ
Làm di vật tìm nhau.


Tháng 7/ 1969


Xin đặc biệt lưu ý đoạn thơ thứ tư
Anh tặng em mùi máu
Trên áo trận sa trường
Máu anh và máu địch
Xin em cùng xót thương

Đối với những người lớn lên ở Hà Nội trước 1975 như tôi thì lời trối trăng  của người con trai đã chết ở đây thực là một bất ngờ.  Hồi ấy, chúng tôi được giáo dục khác hẳn.
Mới hơn Cũ hơn