VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nguyễn Minh Châu 1968-1973 ( I)


Khi mới được chuyển về tạp chí Văn Nghệ quân đội, tôi thường có dịp trò chuyện với Nguyễn Minh Châu như một đồng nghiệp. Sau này khi ông đã nổi lên với Dấu chân người lính, sự thân thiết đó nhạt dần đi. Nhưng quả thật lúc đó, khoảng trước sau 1970, phải nhận là ông mến tôi, có chuyện gì cũng kể với tôi. Ấn tượng để lại trong tôi sau các buổi nói chuyện này sâu đậm tới mức tôi phải thường xuyên ghi chép trong một cuốn sổ riêng.

Dưới đây là những suy nghĩ của nhà văn về nhiều vấn đề nghề nghiệp mà tôi đã nghe và ghi được. Mỗi lần đọc lại, tôi vẫn hằng tin rằng ghi chép này không chỉ có ích cho những ai muốn hiểu về tác giả Dấu chân người lính mà còn là những gợi ý để cùng hiểu về một lớp người viết văn và một giai đoạn văn học.
Một trong những bài phát biểu nổi tiếng của Nguyễn Minh Châu trước khi qua đời là bài viết Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn học minh họa .
Theo tôi đó là một ý tưởng ông đã nghiền ngẫm từ lâu. Vậy mà khoảng đầu 2000, trong một hồi ức về Nguyễn Minh Châu, nhà văn Nguyễn Trung Thu có kể lại một chi tiết.
Đó là bên giường bệnh, nhà văn có mấy lời nói lại về bài này.
Anh tâm sự: “Ông ạ, tôi nói cả một giai đoạn văn nghệ minh hoạ và hãy đọc lời ai điếu nó là hồ đồ. Phải nói, dù còn nhiều cái cản trở sự sáng tạo, nhiều cái dở đấy, nhưng không ít tác phẩm văn học – nghệ thuật của ta bấy nay cũng được lắm, hay lắm, cũng thật lắm chứ!
Có minh họa đi chăng nữa mà được vậy thì cũng tốt chứ sao, không thể lờ quên nó được. Nói thế là bạc với đóng góp tâm huyết của anh em mình, kể cả của những người quản lý nữa – nhất là của anh em mình từng bỏ bao công lao, cả xương máu nữa làm ra nó”.
Tôi nghĩ rằng những lời lẽ này là đáng tin.

Nó làm chứng cho một tình thế có thật trong tâm lý những người viết văn.
Đó là mỗi chúng ta thường xuyên mâu thuẫn, có khi vừa nghĩ song lại phủ nhận ngay ý nghĩ của mình.
Thành thử khi xét cả thời gian dài, những nhà văn thân yêu thường hiện ra không phải chỉ có một mà qua nhiều hình ảnh khác nhau.
Với Nguyễn Minh Châu cũng vậy.
Dưới đây là hình ảnh ông qua những câu chuyện với tôi trước sau 1970, khoảng 1968-1973.


1968-72 –Thời gian viết DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH



Viết lách bao giờ cũng khó
(Đi Quảng Bình về) Giá kể gia đình mình ổn ổn thì mình ở luôn trong ấy mà viết cho xong. Lắm lúc nghĩ không nên trách thằng nhà văn Việt Nam bất cứ một điểm gì vì nó đã khổ quá. Nghe Bằng Việt bảo tình hình này truyện khó, thơ cũng khó, mình phải nói ngay: Tôi thì tôi cảm thấy thơ bao giờ cũng có cái khó của nó, nó có cái gì ma quái lắm.
Bây giờ người ta cho mình viết bằng cái quyển sách, mà mình muốn viết bằng được cái bàn này này. Cho nên, mình phải lựa mà viết cho hết. Nhưng cũng nhiều lúc phát chán.Tôi với ông Khải bàn nhau, bây giờ làm sao cho nó mùi là được.

Phải viết chiến tranh theo cách của mình
* Tôi định viết một cái gì như là bà mẹ và viên tướng. Anh lính và viên tướng cùng làm công việc quân sự cả. Nhưng người lính thì làm vì nhiệm vụ, ông tướng ngoài phần trách nhiệm lại có phần nghề nghiệp của ông ấy nữa, cho nên có lúc ông ấy quên cái phần vất vả của chiến tranh đi. Trong một trận chiến đấu, ví dụ bao giờ nó cũng có tính trước số thương vong, sau đó, trên cơ sở dự tính thế mà khớp lại xem mình dự tính tài đến mức nào. Có những ông tướng căng cả óc nghĩ về cái mức ấy. Bây giờ phải có một người mẹ người tốt dạy lại cho ông ta, thì ông mới hiểu được.
Ông tưởng tượng đoạn đối thoại ấy có ghê không?

Mấy chục năm nay, xã hội mình toàn những người đi buôn cả. Cứ tìm tiểu thương ở đâu, tiểu thương ở ngay trong tư tưởng anh ấy, diệt làm sao được. Mình đi bộ từ đây xuống Bờ Hồ, qua mỗi hè phố lại thấy bà bán ngồi chồm hỗm, hỏi anh có gì bán không. Tưởng tượng chính là những người từ trong những hố cá nhân tránh mảnh bom kia mọc lên đấy, nó có bị giết thì tự nó lại mọc lên một cái đầu.
Mình vào Quảng Bình, thấy kể chuyện người ta háo hức đón đoàn mặt trận miền Nam, kêu lên với nhau rằng sao đến miền Bắc mà đoàn lại không vào Quảng Bình, và giá có vào thì người ta sẽ tiếp đón linh đình lắm. Trong khi ấy thì những thằng lính ở đường 9 Khe Sanh ra mặt xanh nanh vàng, húp bát bún con con trả đồng bạc vẫn khen rẻ mà chẳng ai quan tâm cả. Chính bọn ấy mới là đại diện chân chính của miền Nam.
… Lại nghe nói đâu Trung ương có ý định bảo Hà Nội để lại một khu phố, để sau này, khách phương xa đến, làm nơi tham quan về những tội ác của địch. Mãi sau, một thằng nó phải bảo: Thôi, dân mình khổ đã nhiều rồi, cốt sao ông cho họ cái nhà họ ở đi cho chóng, còn làm gì mà phải xoay ra thế nữa.
… Người ta buôn bán ghê lắm, người ta buôn bán mọi thứ. Cả xã hội đi buôn. Nói thế mới gọi là vấn đề của văn học chứ!

Gửi gấm gì vào “Dấu chân người lính”?
* Tôi sẽ viết cho nó mùi, cho nó nhiều chuyện lắt léo một tí. Nhưng cái chính mình muốn viết là một thế hệ lớp trước và một thế hệ thanh niên bây giờ. Có một chương các ông cán bộ ở một trạm giao liên mới ngồi bàn về bọn con cái của mình, mình muốn dạy song nó chán nó chỉ muốn truồi ra khỏi bàn tay của mình như thế nào.
… Chính ra đây là quyển 2, quyển ở chiến trường. Còn quyển 1, một thằng về hậu phương mình lấy quân, nó mang tất cả không khí hậu phương, của Hà Nội, của công trường 800. Nếu 2 quyển này trót lọt thì mình sẽ có một nhát chổi quét thẳng từ Nam đến Bắc.
Không biết có hay hơn so với Cửa sông hay không, nhưng mà có cái chắc rằng các nhân vật của nó khác, vấn đề của nó khác.
Hôm qua 12 giờ đi ngủ, rồi đến 2 giờ lại lục cục dậy. Mình không sao ngủ được. Cảm thấy như bao nhiêu linh hồn lính nó ốp đồng vào ngòi bút mình vậy..

* Tôi viết về sự nhận thức, nhận ra nhau của hai thế hệ. Trong tình hình hiện nay, chỉ có thể thấy hai bên đều quý nhau, phục nhau, sợ nhau.
Nhưng mà nói chung là thế hệ mới sẽ làm cho thế hệ trước ngạc nhiên. Tôi phải để cho một ông cỡ cán bộ Trung đoàn làm thơ để cho nó sợ, không có nó cứ tưởng văn nghệ là linh binh. Nhưng chính nhà thơ này lại mê một tay chiến sĩ quá chừng, nhà thơ bỏ ông bố cán bộ trung đoàn để quay về với đứa con, theo nó đi khắp mặt trận.

… Chính trong lúc viết, mình có dịp kiểm điểm lại con người mình, sự từng trải của mình, học vấn của mình xem chỗ nào thiếu, chỗ nào tạm được.

Đưa những kinh nghiệm hàng ngày vào trang sách
* Người viết như kẻ làm công việc xả thân. Phải lấy tất cả các việc ra để tính toán, lo liệu lấy cho mình. Không có gì là bỏ đi, không có gì là thừa.
Lắm lúc tôi ngồi canh cháo cho con cũng nghĩ được những ý nghĩ hay đáo để, chỉ hiềm lúc khác mình lại quên biến đi mất. Ví dụ như mình nghĩ các thế hệ cứ tàn phá nhau, thế hệ con mình nó ra đời là nó phủi bố nó đi, mất bao nhiêu là sức lực của bọn mình. Thế rồi thế nào? Thế rồi mà đâu vẫn vào đấy.
* Tôi rỗi tôi sẽ ngồi viết cho ông những loại bài nghĩ về nghề. Mình là thằng không có lý luận gì hết, nhưng mình biết cách nói về những điều mình có sẵn, thế là được rồi.Tôi sẽ nói từ phong trào hiện nay, sẽ nảy sinh ra những thằng viết trẻ thế nào. Tôi sẽ nói rằng nhà văn cần phải biết khai thác hết những khu vực mình sẵn có, nó là những miếng đất hoang trong người mình. Làm gì phải đi cho lạ lẫm thêm. Mình đã viết về mình đâu?
Tôi thích gửi vào văn chương những cảm xúc trong con người mình. Một lần, tôi đưa mấy đứa con đi xem, rồi lại quay về nhà. Bóng mình đổ vào bóng cái cây đằng trước rồi cứ xa dần đi. Tôi lại ngồi tôi ghi ngay được một đoạn Mình nghĩ về những người tốt, họ tản mát khắp nơi, có phải bao giờ cũng gặp nhau đâu.

Theo Quang Thọ(họa sĩ) thì ở NM Châu có cái khả năng kích thích người khác nói thực. “Trông thấy cái mặt thằng này, là lại không làm sao mà giấu được mọi ý nghĩ thực của mình”.
Có lần NMChâu nói với Quang Thọ:
– Lắm lúc muốn chết mẹ nó đi, vợ con gia đình nheo nhóc, thân mình cứ như thân con lừa con trâu kéo cày giả nợ. Nhưng rồi lại nghĩ thả nào trong quyển sách sắp tới, cũng phải tương vào một ít đoạn nói về nỗi khổ của con người để báo thù mới được.
… Tôi sẽ cố gắng bằng mọi cách, đưa ra những đoạn quan trọng, ví dụ như đoạn thằng Lữ này nó qua sông Bến Hải như thế nào, thằng này nó nghĩ về miền Nam, về đất nước như thế nào! Bằng cách nào cũng phải đưa vào chứ.

Nhàn: Nhân vật Khuê thì nhiều người viết được. Nhân vật Lữ của anh là hoàn toàn của anh, là một sự nhận thức của người nghệ sĩ trước cuộc đời.
Châu: Đúng thế, ở cuối sách, mình sẽ viết về một đám bộ đội. Họ ngồi hát những điệu hát của quê hương, thằng Hà Bắc, đứa Nam Định. Và Nhẫn với thằng Khuê đi qua, nó sẽ quát cho một hồi, bắt tất cả bọn kia im. Không phải những loại như thằng Lữ, hay lão Nghi, Kinh làm nên cuộc đời mới, mà là những thằng Khuê, thằng Nhẫn kia.

Đi tìm khái quát
Châu: Mình chỉ sợ những thứ mà mình viết, nó không được người dân thường miền Nam chấp nhận, nó không đúng là những vấn đề của mìền Nam!
Nhàn: Thì tôi vẫn nghĩ chính ông nói vấn đề của miền Bắc chứ có phải miền Nam đâu. Chúng ta biết gì về miền Nam mà viết.
– Tôi vừa đưa cho thằng Thiều đọc một đoạn, có một ông già ở Khe Sanh lên thăm con, gọi nó về. Đây là đoạn đối thoại rất quan trọng. Thằng Thiều nó bảo: Lại bịa rồi.
-- Bây giờ truyện của mình quá nhiều chỗ thực mà lại không đủ phần bịa. – Cái phần bịa ấy, nó là phần quan trọng để đóng góp vào cuộc đời của những người viết truyện và những trang sách.

* Xong cái này, tôi viết cái sau, phải chơi cái lối là làm sẵn kế hoạch ra mà viết mới được.
Tôi rất yêu cái khu 800 của tôi, vì nó như chợ phiên, lúc nào ngoài kia tròng trành có gì, thì nó lại lập tức có ảnh hưởng trở vào khu trong này của mình. Hồi kỷ niệm Lê nin thì toàn chiếu phim Lê nin, Lê nin ngồi Lê nin đứng, Lê nin ăn bánh mì với Krúpxkai a — con bé con nhà mình thấy thế cứ nhoài người ra đòi ăn. Bây giờ thì lúc nào cũng phim: Cuộc chiến đấu đang tiếp diễn.
Chủ đề của văn học mình bây giờ là gì? Là lòng yêu nước.
Mà thực ra, cái chủ đề ấy cũng đã cổ lắm rồi.
Thế giới bây giờ nó sang chủ đề khác rồi (Nhiều lần NMChâu nói rằng văn học mình chả có chủ nghĩa gì cả, chỉ có chủ nghĩa lớn nhất là tuyên truyền).

Đối diện với chính mình
Lên tận nhà NMChâu ở công trường 800, tôi có cái sung sướng được là người vào tận trong bếp núc, ngồi đọc ít bản thảo Dấu chân người lính. NM Châu vừa muốn cho xem, vừa ngại nên cứ quay đi viết.Thỉnh thoảng lại đánh trống lảng:
-- Mình vừa đọc một ít kịch Arbuzov do Đặng Qúy Quyền cho mượn. Ngồi tính bây giờ ở nước mình, có thể phỏng theo cái kiểu Liên Xô ấy, dựng một câu chuyện giữa hai vợ chồng. Đôi vợ chồng này gặp nhau, yêu nhau từ hồi Điện Biên, đấy là một cảnh. Cảnh thứ hai, là một cảnh nào đó trong hoà bình. Và một cảnh thứ ba, là một cảnh gặp lại tặng ở già, ở Trường Sơn. Như thế thì hay quá còn gì nữa.

Tôi đọc sang những trang tình yêu. NM Châu theo dõi rồi hỏi đọc có chuế quá không, mình cũng là thằng dốt về tình yêu thôi.Tôi bảo không, cũng đọc được. Cũng có những câu gợi đến sự suy nghĩ của tôi. Hai nhân vật Lữ và cô Hiền này cũng hay hay.
Thế là Nguyễn Minh Châu sổ ra:
– Giá kể chỉ cho tôi viết về hai tay này thôi, từ lúc nó quen nhau từ ở nhà, đến lúc nó đi trên đường, thì cũng đã được nhiều lắm rồi.
– Đúng thế, văn chương bây giờ chẳng được nói cái gì cho nó kỹ cả mà cứ phớt phớt thế nào ấy, cả lớn cả bé, cả trẻ cả già như thế thì làm sao mà hay được.
– Viết độ hai đứa thôi, thì phải viết vào tận củ tỉ của người ta rồi còn gì nữa.
Rất nhiều lần, NM Châu lặp đi lặp lại:
– Tôi không tin thứ văn học mà cứ cười hô hố lên, văn học bao giờ nó cũng phải là một cái gì phẫn uất cơ. Tôi với ông chẳng đã bàn nhau là thơ thằng Duật cũng vừa phải thôi là gì?
– Các ông bây giờ son rỗi rảnh rang, nên ngồi nghĩ kỹ được.Bọn chúng tôi mải lo kiếm tiền nuôi vợ nuôi con, nên đằng nào cũng phải viết thôi. Nhưng tôi tin rằng, nếu tôi rỗi rãi ra, cho tôi đi vào những mảnh đất mới, cứ đi dọc sông Hồng này, ra cái bến ga kia, thả nào tôi cũng viết được cái gì, không biết nó là thể loại gì, nhưng nhất định là có đóng góp.
… Mình chán viết về đánh nhau lắm rồi. Nó không phải là cái chất của mình. Sắp tới, tôi đi xem có bọn làm khoa học nào, nó kể cho mình, khéo mình có thể viết được cái gì đó. Viết về những cuộc tranh luận của bọn ấy, nghe có vẻ trí thức hơn, mà thật sự là mình cảm thấy ngòi bút có vẻ phóng túng hơn.

Hoài nghi và tin tưởng
Một buổi trưa, lên nhà ông chơi, Nguyễn Minh Châu bảo ta đi ra đường một tí đi. Chúng tôi nói về rất nhiều người khác nhau.
– Những người như ông Hữu Mai, ông Tào Mạt, cả như Quang Thọ nữa, anh nào nó cũng có một niềm tin rất ghê, những chỗ rất thiêng liêng. Nó sống được bằng ngòi bút là ở đó. Bọn học sinh nông thôn như thằng Duật, thằng Chu có lẽ cũng vậy. Ông là người Hà Nội, ông tiếp xúc với sách báo sớm, ông còn có thể có được cái đầu óc hoài nghi, chứ họ thì không biết. Nhưng không hiểu sao, mình cũng vậy, có một tối Nguyễn Khải ngồi nói chuyện với mình, Khải đã định khoác áo đi mưa quay về mấy lượt, rồi lại phải ở lại, suốt từ 7 giờ đến 10 giờ. Về sau tay ấy phải nói tôi công nhận ông là người hoài nghi tới cùng cực, mà cũng có lòng tin thật ghê gớm, tôi chịu đấy.

Nhân đọc bài thơ Bãi cỏ bên kia bờ sông của Xuân Quỳnh:
-- Bây giờ bà ấy phải thêm cái phần cuối vào. Phải tả là bãi cỏ ấy có lúc như bị chìm ngập, nhưng sau lại mọc lên những mầm cỏ mới và cứ xanh rờn mãi đi.

Những thoáng tự hào
Buổi sáng ra cổng 4 LNĐ gặp ngay NMChâu :
- Mình đạp xe từ nhà đến đây cũng đã mệt, chỉ thấy thích là đường nhiều con gái đẹp quá chừng. Tôi đéo tin ông tướng ông tá nào cứu được nước mình, nhưng tất cả bọn con gái đẹp ấy lại cứu được đấy.
Tôi viết lại gần xong rồi. Cũng có những chương mình thích lắm.Tôi thấy ghê nhất là mình cứ hiện lên đằng sau các trang sách, không sao giấu được. Tôi cho là ai viết văn cũng có thể để lên đầu mấy chữ thân tặng tôi vào quyển sách của mình.

Nhàn(nghe đọc một đoạn trong Dấu chân người lính): Cứ viết thế này thì có thể viết miên man được mãi đấy!
Châu: Không, cũng chỉ viết được một ít thôi, tốn vốn liếng lắm. Văn chương mà cứ ra ông ổng thì sao gọi là văn chương được — để cho bọn khác nó viết.

Văn chương là gồm những giọng điệu khác nhau
* Bấy giờ mình đừng có khinh ai. Có những điểm mình không nói, thế là mình không nói thôi, người ta cũng thế. Sau này, không chừng tình hình sẽ khác đi. Như thằng Vũ nhé, bây giờ cái phản ứng nó bề ngoài có phần nhảm, nhưng bề trong có cái đúng của nó chứ! Sau này, ai biết Đỗ Chu sẽ viết thế nào. Biết đâu những thằng thơ mộng ấy, sau nó lại viết về những cái thật là dữ dội trong lòng người.
— Đọc Vòng tay học trò (của Nguyễn Thị Hoàng) thấy văn chương nó viết nhuyễn thật. Không phải là uốn éo đâu mà với nội dung ấy thì phải viết kiểu ấy, nó mới nói hết được cái phức tạp của con người bây giờ. Có một đoạn, Nguyễn Thị Hoàng tả cô Trâm này với tay Minh ra gieo đỗ, nói về sức sống trong lòng đất. Tôi thấy mình cũng gặp nó ở chỗ ấy, trong một đoạn tôi viết Xiêm đi lấy thóc và tự hỏi tại sao không lấy gạo mà lại lấy thóc?…
… Đọc những tay này, tự nhiên dậy lên một thứ thâm thù: Mình cũng phải viết được cái gì để làm cho nó khiếp về mình mới được.
– Tôi thấy bây giờ đời sống nó căng lắm, lúc nào cũng phải đặt vấn đề là nhận thức. Các nhân vật của tôi cũng đều là nhân vật nhận thức cả.
Tôi thấy ở nước mình, nghề văn chương bao giờ nó cũng mang sẵn cái yếu tố nhảm. Như thằng Duật nhảm kiểu Duật, thằng Chu nhảm kiểu Chu, mà mình có kiểu nhảm của mình. Người ta chỉ quan niệm thằng viết như một thằng làm trò, một anh nặn bột, chứ làm gì có yếu tố xã hội. Nhưng biết đâu rằng văn chương phải có những cái khác ở đằng sau câu và chữ. Ở nước mình, ngay những người như ông Tố Hữu, người ta có chia nhà cho ông ta thì cũng chia cho cái nhà có con phượng con công trên mái, chứ không đơn giản mà mô đéc như các nhà kia.
… Ông Khải hay nói tới sự từng trải, nhưng lại rất ít từng trải. Dạo này nghe nói ông ấy viết về pháo, tôi không tin. Dạo trước ông ấy có đi đâu một tí, thế mới nhân ra thành Ra đảo được. Bây giờ nghe kể thì làm sao nói được về rừng. Chính Khải cũng đã bảo mình viết quen tay đi mà lại.
Tôi cho rằng những thằng như thằng Triệu Bôn, thằng Duật thì khen thế cũng chưa đủ, cứ phải khen nữa. Chứ làm sao, ông Xuân Sách viết nhảm thế thì không ai phê bình, mà ông Triệu Bôn nó viết thế thì nói nọ nói này (Nhàn: Vì mình quan niệm ông Xuân Sách như một cái gì đã thành, mà ông Triệu Bôn thì còn thay đổi được).

Thoáng tâm sự riêng
Ngày tết đầu 1971, tôi (VTN) trở lại Quảng Bình. Về, ông Châu kéo vào đọc bài thơ về cái chết của con mèo, ý chính là tôi thấy cái chết con mèo, tôi lại nhớ mẹ tôi ở nhà.
— Thằng Chu ở đây, tôi không dám đọc. Nhưng mà có lúc mình buồn quá, mình đâm ra như thể phát cuồng lên, không làm được gì nữa. Có lúc tôi buồn ghê lắm. Suy ra trên đời này, vui chỉ ở chỗ cắn răng mà làm mọi điều.
Người ta cũng có lúc phải biết buồn. Buồn được cũng không phải là dễ đâu nhé.
Tôi viết xong mấy chương đầu, loanh quanh đến mấy tháng không biết viết thế nào nữa. Mình không hiểu nên bắt đầu cho nó đánh ở đâu, xong ở đâu. Mãi rồi mới nghĩ: thôi chỉ cho nó vây áp Tà Cơn thôi. Bận sau, tôi cũng đến cạch không dám viết kiểu này nữa. Viết toàn những thứ mình không biết gì cả, đi mình không đi, hỏi mình không hỏi – cái đơn vị mà tôi viết đây, đâu có 7, 8 ngày — mình nghĩ cũng liều thật. Thế này là tôi đã phải huy động tôi rất nhiều rồi đấy.

* Lắm lúc viết, thấy nên tự khen rằng mình viết khá, những thằng khác không đáng xách dép cho mình. (Nhớ có lần NMChâu đã viết trong một tiểu luận “Hãy tha thứ cho người viết những lúc bốc đồng khoác lác“).

Hiện thực cuộc đời là vô tận, thì không bao giờ hết chủ đề cho văn học. Ăn nhau chỉ ở cách làm việc của mỗi người.
* Tôi định viết một đoạn kết thế này: Cuối chương Hiền và cô bạn gái đi dọc bờ suối bắt cá. Những con cá suối chết khô ở suối, họ nướng ăn. Rồi họ nói chuyện về hạnh phúc, về tương lai. Khi họ bắt được một quả vả, trông rất ngon, bửa ra, thì bên trong toàn những muỗi là muỗi cả. Đêm, đoàn văn công ở một bờ này suối, tốp cán bộ của ông Kinh thì ở bên kia suối. Những suối đá. Trăng sáng quá, không ai ngủ được, ông Kinh đi dạo bên này suối. Hiền đi bên kia, nhưng không sao gặp nhau được.
Tất cả đều có ý nghĩa tượng trưng cả đấy !
* Tôi bắt tay vào quyển mới cũng được, nhưng chỉ sợ mỗi một điểm là nó dễ trùng với Cửa sông lắm. Trùng thì mình không thấy thích nữa!

Tôi đang đọc quyển Hoàng Văn Thụ của ông Tô Hoài. Ông này viết khôn lắm, chỗ nào cũng có cái hay. Nhưng đó là một lối văn để tả những chuyện bông đùa, hay những chuyện phong tục, chứ không phải là lối văn để tả những chuyện cách mạng. Nó thiếu những cái sục sôi cuồn cuộn bên trong.
-Nhàn: Ông Tô Hoài viết như người đi bộ ấy, lúc nào cũng chậm rãi vô cùng, đọc thì thấy mệt, chẳng biết bao giờ thì hết. Văn ông ấy tĩnh lắm!
Châu: Ông này giỏi tránh dùng những chữ sáo. Nhưng lại không bắt được cái hồn bên trong. Cho nên nó vẫn không được gì hết!
Nhàn: Người viết nên tránh tạo ra lắt léo.
Châu: Nhưng mà kết cấu cũng quan trọng lắm. Nó như là cái tài xếp đặt cái nọ bên cái kia. Đọc truyện của người khác, bao giờ tôi cũng tưởng tượng xem nó có hình gì? Như truyện Ráng đỏ của Đỗ Chu có hình tròn. Còn chuyện trong Vòm trời quen thuộc cũng của Chu thì chưa ra hình gì cả. Nó như hình con giun con dế vậy.

Vừa viết vừa nhìn chung quanh
… Không thể phá kết cấu được đâu. Cái Vòm trời quen thuộc, nhiều chỗ Chu nó tả nhân vật như tiểu thuyết, rồi nó lại không tiếp tục nữa, cũng là không được.
Nghĩ thế, nhưng chính tôi thì lại đã có lúc làm thế.Trong Dấu chân người lính, lúc đầu có nhân vật Thái Văn sau tôi bỏ bố nó đi, không cho nó phát triển. Mình nghĩ: không giống như tiểu thuyết cổ điển, rất dễ bị phê bình. Nhưng mình thấy ở đoạn trên thế là được một việc rồi.
Tôi bây giờ đang phân vân, đứng giữa hai ngả đường xem viết truyện hay ký. Giá bây giờ viết được bút ký thật hay cũng thích. Ví như không có nhân vật gì cả, chỉ có năm phần. Phần một tôi nói về 5 gia đình trong khu nhà tôi. Phần thứ hai nói về một cái xe chạy từ 559 ra đây, đến Hà Nội, thả lính xuống mỗi anh về một nơi. Phần thứ ba tả cái trạm 66. Nhưng viết thế, không đâu nó in. Viết giống các tiểu thuyết cổ điển, như tiểu thuyết Nga, thì lại vừa với trình độ người đọc bây giờ.
Với tôi viết ký thì bộc lộ được chỗ mạnh của mình, là cái phần nghĩ, sau khi bố trí sự kiện.
(Một lúc khác) Khi mà viết cái Hà Nội, tôi toàn đưa tài liệu thôi. Vì cái phần không khí, mình làm được, mình không sợ.

Giữa các đồng nghiệp
Những người già và những người trẻ khác nhau thế nào? Tôi chỉ cảm thấy tuy cũng thuộc lớp trước, nhưng ông Châu vẫn trẻ, không phải là chỉ hay cười đùa đâu, mà là bao dung được lớp sau.Với những tay như Vũ, ông cũng chịu được. Lưu Quang Vũ: Nguyễn Minh Châu là cái ông lớp trước duy nhất mà bọn trẻ không nói xấu, mà còn muốn đến gặp.
Nhưng NMChâu cũng già lắm. Gu cổ điển. Hay kêu cái sự lươm tươm của Khải. Hay khen những thứ trong vắt lấp lánh của Đỗ Chu. Không chịu được Lỗ Tấn cho là nó là kiểu cùng đường. Không thích những người xông vào nói trực tiếp trong truyện. Ví dụ như Nguyễn Minh Châu không sao chịu được Nguyễn Khắc Phục.
(Viết bài điểm sách cuốn bút ký Cửa Thép của Nguyễn Khoa Điềm): Thằng này tả giỏi lắm, nó có cái thứ tự như những yếu lĩnh xạ kích vậy. Tôi viết tôi toàn trích những câu hay thôi (vừa trích vừa chữa!) Để dạy cho những thằng như thằng Nhị Ca nó biết rằng phải viết phê bình như thế nào!
Viết về cái nghĩ khó lắm. Viết như ông Nguyễn Trung Thành đã đành là cải lương quá. Ngay viết như Nguyễn Thi cũng không ra sao! Nhân dân họ nghĩ ngổn ngang hơn nhiều cơ.

Dưới con mắt của mọi người
Tào Mạt Nguyễn Đăng Thục:
-- Vốn của Nguyễn Minh Châu về văn học cổ không nhiều lắm đâu, cho nên văn viết không được cô đọng lắm (Nguyễn Minh Châu: Tôi cũng công nhận thế).Cái tư tưởng hoài nghi ở Nguyễn Minh Châu hơi nặng, tôi đã phải bảo mãi.
Nhị Ca (đọc Quê người lính):
-- Ông Châu khi nào nói về những bi kịch trong gia đình thì rất giỏi. Nhưng khi nào mở rộng ra, nói về những vấn đề xã hội, thì lại không được
Mai Ngữ:
-- Ông Châu viết hồi trước còn ngu ngơ lắm cơ. Đưa sang Văn học tập truyện ngắn mang sang từ hồi hoà bình, nó có in cho đâu. Chính chiến tranh đã nâng ông Châu với ông Thiều lên đấy chứ.
Khải:
-- Ngay sau khi in Cửa sông, mới đây thôi, nó còn không muốn in truyện ngắn cơ mà. Căn bản đối với một người viết là việc tuyên truyền. Hồi Cửa sông nhớ, tôi đến tôi xem xong, tôi cứ giục: Tội gì mà không viết thêm. Rồi tôi ra ngoài tôi quảng cáo cho.
Có lần, tôi túm lấy ông Như Phong, nghĩa là trước NMChâu bọn chúng tôi cứ xê ra hết, xê ra hết tôi bảo vậy. Như Phong mới dặn về giữ lấy rồi thả nào cũng đưa cho tay ấy cơ mà.
… Văn của Nguyễn Minh Châu rất chông chênh, có những chữ những đoạn mà lỏng tay một chút thì thành cải lương ngay, ví dụ như cái Mảnh trăng cuối rừng đấy. Ở nhà này, Hồ Phương là người văn đã có mặt (những cái như kiểu Hoa cúc vàng đấy). Hữu Mai viết lộn xuôi lộn ngược, khi ra vẻ chính trị, khi ra vẻ trữ tình, nhưng vẫn không có nét mặt riêng.Xuân Thiều là người cố hết sức, nhưng Hồ Phương chưa cố. May ra, sau cái Dấu chân người lính này, Nguyễn Minh Châu cũng có nét mặt.
Vẫn Nguyễn Khải:
- Khi ông Ngọc ông ấy cho ra mấy cái truyện ngắn về sau in vào Rẻo cao thì tôi không sợ nữa. Pồn viết sau khi đọc Người nhạc sĩ mù của Korolenco. Mạch nước ngầm lấy cảm hứng từ Ổ gà của Tendriakov.
Tay Kiên mấy năm nay nhiều chỗ hơi cằn rồi.
Bây giờ đợi Châu xem sao. Có một cái là ông ấy phát triển rất hợp quy luật đấy. Cho nên đối với tôi bây giờ không phải Hội nhà văn, mà chính là cái nhà 4 Lý Nam Đế này với lại bọn trẻ các ông mới là quan trọng.

Khải: Từ Mảnh trăng cuối rừng, tôi bắt đầu nghi ngờ ông Châu. Lại tả cảnh, lại làm duyên. Cái Phi vừa rồi cũng thế. Cửa sông chủ yếu viết về một cái gì chung (ý thức độc lập tự do). Hồi ấy, đó là một vấn đề người ta băn khoăn. Bây giờ khác.
Nghiêm chỉnh mà nói NMChâu bây giờ phải nhanh chóng bỏ qua cái bản năng và lo cho mình một cái quan niệm về xã hội. Anh không thể cứ đùa mãi như thế được. Anh phải có hướng. Nếu không, có thể từng mảng từng mảng anh giỏi, anh xôn xao, nhưng lúc lắp vào, anh lại lắp ra một cái gì giống mọi người hoặc nếu lắp theo kiểu của anh, thì lại hỏng.

Chất liệu chiến tranh
* Những vấn đề ở bãi tha ma Mỹ ở Tà Cơn với lại ở những đơn vị trinh sát, thích lắm.
Nói cho cùng thì Nguyễn Thi nó đi, nó cũng mới viết về chị Út, về nhân dân. Còn những mảng thật là lính chưa ai viết. Chất lính nó có một cái gì dữ dội. Chất lính ở đường 9 nó lại có một cái gì đó lộn mù lên – Cứ viết riêng về thằng lính đã đủ thích lắm rồi. Nhưng mà có những chỗ phạm huý, toàn phạm huý cả.
Ở cái Đuờng 9 Khe Sanh ấy, mình với nó như là anh anh cắn nhau, ngoạm vào nhau một miếng rổi lại bỏ ra rời ra…

–(với Mai Ngữ):Viết chiến tranh phá hoại mà cứ phải bắn súng lên, bắn súng xuống thì chán lắm rồi. Trong chiến tranh phá hoại bao giờ cũng phải thêm những chuyện nội bộ nữa vào thì mới thích.
Hồi ấy tôi viết Cửa sông cũng cứ vừa viết vừa nghĩ, viết đến đâu nghĩ tiếp đến đó. Sau này tôi mới nghĩ ra cái kết như thế.
Có một hồi thằng Chu còn bị các ông ấy bịp, chạy theo vấn đề nọ, vấn đề kia. Tôi chẳng cần những chuyện ấy. Thằng viết phải để cho vấn đề nó nhuốm vào trong truyện. Cứ viết đi rồi tự nó những vấn đề nó sẽ nổi dậy
– Đúng là tôi muốn viết những gì có tính chất bền vững lâu bền. Như viết về chiến tranh, hãy viết về những bà cụ bán hàng, những bữa cơm người ông tiễn đưa cháu.

Giữa văn chương và thực tế
( NMC đi nói chuyện với CAND vũ trang) Tôi có khuyên mấy thằng là việc gì phải đi đâu, các ông cứ nói cho kỹ cái nơi đang sống. Như viết về đồn biên phòng, về cửa Ba Lạt chẳng hạn
– Như thế là tiểu thuyết phong tục rồi.
– Thì văn chương mình bây giờ cũng chỉ ăn ở cái phong tục
-Chu nó giỏi nhất vẫn là về những chủ đề hậu phương
-Cái phần văn học nhất, xưa nay, cũng là về hậu phương chứ là gì?

(Nói về lụt)
Khải: Thế là mình dự đoán về lòng người về thiên nhiên đều sai cả, trái quẻ cả.
Châu: Cái phần trái quy luật ấy chính lại là quy luật.
(nói về thơ Duật Những cánh rừng không dân). Những đoạn như đoạn lục bát nó hay đấy, nhưng cũng là cũ, nó là cái giai đoạn ông Tố Hữu ông ấy viết rồi. Phần đầu của Duật nó mới hơn. Tôi vẫn ưa cái gì khái quát.
Khải: Ông Duật kêu lên những câu hỏi nhân loại mà thấy như ghép ở đâu vào. Bây giờ những kiểu viết sát sàn sạt vào thực tế, có khi lại không thực tế. Còn lối viết như của Đỗ Chu trong Ráng đỏ, nó có vẻ như không liên quan đến hiện thực, nhưng lại hiện thực…..Dấu chân người lính có những chỗ rất là thích, cảm thấy người viết nói hết được mình đấy.

Châu: Nhiều vấn đề chỉ không nói nữa thôi, chứ mình đã chuẩn bị cho đầy đủ rồi.
Tôi ngồi tôi đọc mấy cái truyện của bọn miền Nam: một người trước khâm phục kháng chiến nhưng cuộc sống trôi nổi vẫn ở vùng tạm bị chiếm. Sau những ngày đất nước chia cắt, bây giờ nghĩ về những người lính giải phóng, thấy hình như không gặp được ý nghĩ của họ, tức là chợt thấy cánh giải phóng đó là không sao hiểu nổi.
… Mấy thằng nó viết dung dị quá, và mình chợt thấy sợ hãi. Khéo nó sẽ có những cái còn lại với lịch sử. Mà những cái mình viết hôm nay, chẳng còn gì cả.
Có những khu vực mà nếu tôi viết, mình sẽ thấy còn lại – ví dụ như tiểu đoàn cao xạ Nguyễn Viết Xuân, ví dụ như Hà Nội, như những chuyện thuộc về những cái ngàn năm của đất nước mà ông vẫn nói với tôi bấy lâu. Còn như những chuyện hôm nay, mình phải coi chừng. Hôm nọ tôi đi Vĩnh Linh, tôi có cảm tưởng rất hiểu khu vực sông Hiền Lương, nhưng đến hôm nay, nghĩ lại, thì tôi lại cảm thấy đó là cái phần mà mình không nên động tới, dù thế nào thì mình cũng không nên động tới.

Tồn tại cách nào?
* Người viết bây giờ cứ phải một câu trung, một câu nịnh một câu nói giống mọi người thì mới được một câu nói khác mọi người.
Cứ bảo cánh miền Bắc mình viết giỏi. Miền Nam nó viết, câu chữ của nó chỉnh lắm.
Bây giờ thì mình chỉ viết kiếm tiền. Chả làm danh nhân danh tướng gì. Danh nhân đã hàng đống đầy đường ngoài kia. Hoặc là bây giờ mình chỉ phục cái loại nó cứ dai nhằng nhằng.
Tôi viết cái Dấu chân người lính này có cái gì quyết liệt lắm. Các nhân vật của tôi đều đang đi tìm đi tìm mình, kể cả những nhân vật đã chững tuổi.

Hôm nọ tôi đi xem gặp lại Nghiêm Kinh (nguyên mẫu của nhân vật Kinh trong Dấu chân người lính-- VTN chú), thì lại chán quá. Hoá ra nhân vật trong văn học bao giờ cũng là phần tưởng tượng ra, chứ không phải là phần có thật trong đời. Thực ra, tôi chỉ nói chuyện với ông ta có một lúc, vào khoảng từ 7 giờ đến 8 giờ tối, nói những chuyện đâu đâu ấy, rồi thôi. Lính nó nói về ông ta cũng toàn những chuyện không đâu vào đâu)
Viết của mình bây giờ, nó giống nhau, nó đều như là ký cả. Nhưng thật ra ký viết rất khó. Ký phải bố cục thế nào đó lớp lang chừng mực, tả những cái đáng tả, viết những cái đáng viết… Vì thế cho nên viết tiểu thuyết có cái dễ của nó. Mỗi tiểu thuyết có cái khung truyện,tức tự nó, tự số phận của nhân vật có vấn đề của nó rồi. Ví dụ như tôi nghe chuyện một thằng lính về phép xong, đến Hà Nội thì bị mất cắp, chỉ còn cái ba lô, ngồi vườn hoa tính chuyện quay về đơn vị thế nào đây. Thế mà không hay à?

Những chỗ chênh vênh mới là chỗ khó
Nhàn: Cái tên Ký sự giữa hai bờ đất hay đấy.
Châu: Tôi định viết về những người viết văn đến cái mảnh đất Hiền Lương này, nhưng mà không viết được.
Nhàn – Viết cứ lung tung như thế mà lại hay
Châu – Cũng phải tài giỏi lắm mới lung tung được, chứ có phải bỡn!
Tôi tự hỏi không hiểu sao, ngay từ hồi đọc cái truyện Người về đồng cói của thằng Lựu, tôi đã không thích. Sau mới hiểu ra: tại vì trong truyện ấy, nó nói về một nhân vật cứ làm lung tung cả lên. Thực ra, không nhân vật nào có thể làm lung tung như thế được.
Truyện của chúng ta bây giờ hoặc là công thức, hoặc là bắt chước nước ngoài. Nhưng cái ấy của thằng Lựu vừa công thức, vừa bắt chước nước ngoài, thì mình chịu làm sao nổi được. Trong truyện ấy của nó, chỉ có mấy đoạn nói về cói là ra văn học.
Trong Dấu chân người lính ngoài cái phần viết như mọi người, về lòng yêu nước và lòng dũng cảm, thì còn có cái phần này, tôi muốn viết về sự xao động của cả một thế hệ trong cuộc chống Mỹ cứu nước.
Nhân vật chính, kể ra chỉ được thằng Lữ. Tôi ngồi tôi viết mấy đoạn về tay chính trị viên văn công, rồi bọn văn chương. Mình nghĩ: không biết mình viết cái phần này làm gì nhỉ? Không biết dựa vào đâu để viết những ý nghĩ ấy? Nhưng sau tôi nghĩ ra: đó chính là một phần những quan niệm của thằng Lữ.
Quyển sách đến gần 500 trang. Mình viết ra nó cứ dai như đỉa. Lạ thế không biết! Mình không ăn ở sự sâu sắc, chính là ăn ở cái phần dai như đỉa ấy.

Sự đa dạng của chiến tranh
–(với Quang Thọ) Mình vẫn cay cái món Hà Nội, nói chiến tranh là cần, nói mọi thứ là cần, nhưng vẫn cần phải tìm cái chiến tranh, cái mặt trận ngay trên một khuôn mặt thằng lính bây giờ, trên khuôn mặt một người dân bây giờ. Mình nhớ nhất là cái năm 1967, trong cái mùa hè nắng cứ dựng lên, mặt người nào cũng được phát tán không khí, mặt người nào cũng rực cả lên. Tại sao chúng mình không nói được những cái đó nhỉ?
Phải bình tĩnh mà sống, là một thằng viết, phải bình tĩnh sống với những ngày hôm nay, cái cuộc sống hôm nay không thể nào khác được. Những cái lạ, anh không biết, nhưng có khi những cái chung quanh mình, anh cũng không biết.
Còn như bây giờ cho tôi mà đi vào nhà máy nào đấy được ít ngày, tôi cũng viết được. Căn bản là phần mình.
Không có nhà văn riêng của đề tài nào cả. Càng những thứ lạ, lại càng dễ viết.

Quang Thọ:Đã đành là thế rồi. Một khuôn mặt không vẽ được. Mà đến cái nắng trên trận địa càng không vẽ được, thế mới ức chứ.
Nguyễn Minh Châu: Ông Nguyễn Thi toàn viết về phụ nữ mới lại trẻ con. Tôi cho cái đó không giỏi. Cái giỏi chính là phải nói về những người đàn ông cơ
(Sau khi nói về gầy lửa) Cái khó ở đời là một mình nhen lên được một ngọn lửa giữa đêm đông, khi niềm vui và sự ấm áp đã có thì khắc có người tới bên mình, chẳng phải đợi
– Cái chết bao giờ cũng có hình thù và mỗi người ngã xuống đều có một câu chuyện.

Phải biết thỏa hiệp
Nhàn: Tôi thấy cái kết cấu Dấu chân người lính của anh làm hỏng cái xu thế toát ra từ những mảng sống trong truyện của anh. (Tôi không muốn nói rõ hơn: cái kết cấu ấy có vẻ “nịnh đời “ quá)
Châu: Sự thực là từ khi tôi viết dở quyển Dấu chân người lính này, cũng như khi tôi viết xong, nhiều ông ở tổ sáng tác đều có ý lo cho tôi, không khéo tôi viết đã càn, lại hung, làm các ông cháy thành vạ lây thì khổ. Cho nên chính tôi cũng sợ. Cái chất láo nó đã có sẵn trong con người mình rồi, đến lúc nào đó tự nhiên nó bột phát. Nhìn vào cái phần cuối. Giải phóng rồi thằng Lữ thì chết, cô Xiểm lại trở về với thằng chồng cũ. Mọi thứ đều vữa ra. Giá kể đào kỹ vào không hay à ?
Nhưng mà thôi, văn chương bây giờ nhảm nhí quá. Lắm lúc mình nghĩ may lắm thì văn chương bây giờ làm được cái phần việc như Tự lực văn đoàn ngày xưa nó làm, tức là làm trong sáng tiếng nói, làm đẹp thêm cho tiếng nói.

Tiêu chuẩn để xét một nhà văn, với Nguyễn Minh Châu, là ngôn ngữ.
Nói về Nhị Ca: Cái thằng ấy đặt câu không nên.
Nói về Xuân Thiều: Thằng ấy hay mang vào văn học những chữ của tiếng nói hàng ngày, ví như tiếng ông bà ông vải… Còn như ông Nguyễn Tuân, ông này làm cho tiếng nói nhiều khi trở nên mách qué.
Trong một lúc tự thả lỏng:
–Trên mà giao cho mình làm một bộ từ điển mình sẽ bỏ hết những từ chính trị trong văn chương.


Ghi trong chuyến đi Vĩnh Linh
* Những xu hướng chính trị đang xô đẩy chính kiến và tình cảm của con người, nhưng chưa đến lúc nói đến những xung khắc về chính kiến, văn học hôm nay hãy nói đến những giằng xé về tình cảm, chỉ làm được việc như vậy đã khó.
Con người là vật tượng trưng của sự bất lực, hay nói đúng hơn, sự bất lực của mọi nỗ lực của con người, và đừng nên buồn vì điều đó. Cái quan trọng là không bao giờ nên để rơi mất những khát vọng và hy vọng. Chủ đề của tất cả những sự kiện mà tôi đang sống chính là sự thất bại của những khát vọng. Dần dần con người còn tiến đến thực dụng.
Viết về chiến tranh từ xưa đến nay, vẫn là giải quyết cái này. Giết người? Giải thích con người giết người. Anh giết một người: Anh là ai — con người bị giết là ai?Lòng căm thù, động cơ của sự giết người là một phạm trù của tình cảm hay phạm trù lý tính?
Cái nguy hiểm của chủ nghĩa tình cảm ở chỗ nó như một đám lửa. Vẻ đùng đùng bề ngoài che lấp mất cái gì đó sâu bên trong, cái gì đó đang khiến cho ngọn lửa bốc cháy. Nhà văn cần đề cao lý trí trong tác phẩm.

Những cái muốn viết
4 LNĐ một buổi tối mùa đông 1972, tôi và NMChâu đi ra phố
-- Sau này, tôi chỉ muốn viết về những cái chết, những chuyện bất đắc kỳ tử, cũng như những cái chết trong chiến tranh — muốn viết về một cái gì như là gió ông cụt ở Vinh, cái gió nó xoáy người, xoáy cả đồ vật.
Những linh hồn chết theo cơn gió xoáy đó đi tìm đầu hồn của mình. Nó lật tung cả cái nhà của tỉnh uỷ Nghệ An lên để tìm.

… Chính tôi, tôi cũng sợ cho cái lung tung của tôi. Chính cái thành phố Hà Nội tôi cũng cảm thấy lạ.( Đỗ Chu nói đùa: Chắc là ông Châu mà sang Liên Xô thì thấy nhiều chuyện lạ lắm. Mường đi Tràng An mà lại)
Sau này, hoà bình, tôi sẽ tha hồ đi và viết bút ký . Còn đi nước ngoài, thì chỉ có đi Lào.
Bây giờ người ta phải viết tiểu thuyết thôi, tiểu thuyết thì còn có chỗ trốn. Còn như bút ký, người viết cứ phải trần ra trước mặt mọi người. Viết tiểu thuyết như làm một thứ búp bê, cho nó đứng ra trò chuyện với mọi người. Còn như viết bút ký, tức là anh lôi người ta đến trước cửa nhà anh, anh phải đứng ra dàn xếp mọi chuyện. Cái đó khó lắm. Nhưng mà nếu tình hình yên yên, với lại nếu được viết một cách rộng rãi xem, thì tôi sẽ đi, tôi viết ký.
Trong những ngày này, tôi chỉ muốn viết về cái gì đẹp. Tôi cảm thấy tôi cũng khá nhạy cảm về những chuyện này, thế thôi

*Cái tập mới này của tôi – Lửa từ những ngôi nhà –– sẽ viết về những chuyện vơ vẩn trong chiến tranh, sẽ làm cho người ta cảm thấy chiến tranh len vào khắp mọi chuyện, khắp mọi con người. Chiến tranh là cả một vấn đề xã hội chứ không phải chỉ là công việc của mấy ông lính
Nếu có ai đặt, có thể mỗi ngày tôi viết được một truyện ngắn. Sẽ viết truyện ngắn Người đóng vai nói về Huy Du và vợ. Vợ học nước ngoài về, ông ta phải nhuộm tóc, sửa quần áo làm cho người trẻ lại — cứ phải đóng một vai khác mình như vậy.
Viết truyện ngắn Những vụ tự sát không tiếng súng. Một người ngày nào cũng nghĩ chuyện thành một người gì đó khác mình — Phải quan tâm tiêu diệt thằng người cũ trong mình. Nhưng ngày mai, lại con người cũ trở lại.
… Tôi nhớ tôi đọc một cái kịch gì đó — hình như Caragula — của Camus, viết về một bạo chúa giết cả người yêu của mình. Tức là con người ta cũng ma quái lắm.

Châu: Nhà văn mình lắm lúc chả biết viết cái gì. Sau chiến tranh, có viết về sự chán ghét, sự ghê tởm, thì người ta cũng đã viết đủ rồi.
Nhàn: Hãy viết về sự man rợ.
Châu: Thế mà cũng đòi lên Xã hội chủ nghĩa!

Người và nghề
* Nếu tôi viết cho ông một bài lý luận bây giờ, tôi sẽ viết sự mệt mỏi của nền văn nghệ tuyên truyền.Tôi cũng có thể viết cho ông một số bài về nghệ thuật tôi thích.
Đọc Evtuchenco. Nó viết điên thật đấy nhưng mà hay. Cả Việt Nam chả có người nào có được tư cách như chính tay này. Tất cả cái Hội nhà văn của mình.
–Thực ra mình cũng cố gắng làm sao để viết ra cho nó in được, in hết quyển nọ đến quyển kia, thế là thích rồi. Tình hình này thì khó làm những cái hay. Với lại có lúc đột xuất quá, thì cũng có lúc chìm đi. Như Phạm Tiến Duật, rồi cũng có lúc chán chứ. Tôi sợ lúc lên quá, rồi lúc lại xuống quá.
– Xong quyển Dấu chân người lính này, quyển sau tôi phải nghĩ kiểu viết cho nhanh hơn. Tức là làm một kế hoạch tỉ mỉ một chút !
… Dạo này, nhà xuất bản Văn học nghe cũng đã thiếu bản thảo thì phải. Thằng Huy Phương đang bảo tôi mang bản thảo sang. Thế mới biết mình viết đứng đắn thì cũng không thiếu gì nơi dùng, những thằng viết được ở mình có mấy?
… (Đùa): Cố viết lấy mấy quyển đầu, cho nó có cái tên; những quyển sau, thả nào cũng in được thôi. Nhà văn là một người làm bạc giả, đưa bạc giả cho cuộc đời, rồi lại thu về bạc thật, là những đồng tiền.

Về các đồng nghiệp
* Những câu văn của ông Tuân, ông Tô Hoài, có cái gì nó không hợp với thời đại lắm — mặc dầu nó đã rất cố gắng vặn vẹo trong đó.
Dạo này tôi chỉ toàn ngủ. Viết căng quá ròi, cứ phồng căng cả lên, như cái bánh đa nướng ấy, mệt lắm rồi, muốn viết thật buông thả, thật thoải mái xem như thế nào.
Xem quyển Đời viết văn của tôi, thấy ông Hoan ông ấy giỏi lắm. Ví dụ như ông ấy nói rằng từ bé tôi chẳng coi chuyện gì là quan trọng cả. Mình cũng nghĩ thế, nhưng mình không nói được thế. Hay là một chương trong cuốn Bước đường viết văn cũng vậy. Ông Nguyên Hồng ông ấy tả cái nghèo thì nhất.
Xuân Thiều lúc nào cũng như một thằng trung nông. Xuân Sách giống như một thứ dầu nhờn. Còn những lão ở ngoài kia, tôi cũng chẳng kính trọng lão nào cả.
(Nhân nghe ông Thanh Tịnh kể chuyện) Ông này bốc phét ghê lắm. Họ cũng không còn sống chết gì với nghề nghiệp này, không còn sức sống gì nữa. Cả ông Nguyễn Tuân ngoài kia cũng thế. Lão Tô Hoài thì viết ở lời mở đầu Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ: Tất cả đều là sự thật(!!!). Cả cái hội nhà văn của mình như một lũ chó hục đầu vào chậu cơm duy nhất đó.
Từ trước tới nay tôi cũng không bao giờ bị cay cái gì. Sự thực tôi cũng chưa thấy tay nào nó viết vượt lên mình cả. Còn như trao đổi nghề nghiệp cũng chán. Chỉ có lão Khải nói tạm nghe được còn những lão khác, có bao giờ nói được cái gì ra hồn đâu. Những loại Hồ Phương, Hữu Mai, Hải Hồ, Xuân Sách chưa phải là nhà văn, viết văn không ra hồn (Ccus âu của Xuân Sách cứ cảm thấy không được chững chạc. Còn câu của ông Hải Hồ thì lại rất chênh vênh)

Về thơ Lưu Quang Vũ
Mấy ngày trước gặp Vũ, Nguyễn Minh Châu: Cái xô bồ cũng có phần đơn điệu.
Hôm nay lại bảo:
Thằng này đúng là thằng tài hoa thôi, nhưng nghĩ lại thì cũng thấy nó nói lung tung không đâu vào đâu
Thơ căn bản là hình ảnh, nhưng mà cứ làm xiếc vậy thôi, rút lại thì chính hình ảnh không đủ.Tôi thấy nghe nó đọc cũng mệt, đọc bằng mắt còn mệt nhiều. Đọc bằng mắt phải dàn mặt với từng chữ một Cứ thế này mà đọc 3000 câu thì chán lắm.
… Vũ sao lại so sánh với Evtuchenco được. Thằng kia nó thực sự cầu thị hơn chứ. Vũ không thực sự cầu thị lắm.

Tôi thấy văn thơ các ông ấy( Đỗ Chu Lưu Quang Vũ), đặt ra vấn đề này: Tức là người ta sống thật với văn chương như thế nào. Vì nếu người viết nói dối, cái nói dối này tiếp cái nói dối khác, rồi cuối cùng thì người đọc cũng biết. Phải sòng phẳng với văn chương lắm. Cái sòng phẳng ấy, cũng tức là cái chân thật. Ông phải tự hào rằng nhiều cái ông không bằng chúng nó, nhưng cái phần ấy, ông lại hơn chúng nó. Hay như tôi chẳng hạn. Tôi thấy rất nhiều người thích tôi, cả những tay bên báo QĐND nó cũng thích tôi, có lẽ là ở cái phần ấy có cái phần ấy thì đôi khi, mình có nói lếu nói láo một chút, người ta vẫn có thể nghe được.
Ở nhà này, những ông Phương, thằng Sách, cả ông Khải nữa, đều thiếu cái đó. Ông Thiều có cái đó, nhưng lại thiếu tầm cỡ.

(còn tiếp)
Mới hơn Cũ hơn