VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nguyễn Minh Châu 1968-73 ( II)



Đơn độc
*Tôi thấy sống ở đây, người nào rồi cũng có chỗ không hợp mình, rồi cũng chán. Thằng Sách tẩn mẩn và ti tiện quá — lúc nào cũng lắng nghe theo đuổi tọc mạch một chuyện gì đấy. Ông Khải trắng trợn. Không phải là lưu manh hư hỏng gì, nhưng mà cứ có phần trắng trợn, tôi ghê ghê. Ông Mai muốn lôi tôi vào rất nhiều chuyện mà tôi xa lạ; ông ấy cứ giới thiệu cho mình gặp người nọ người kia. Còn thằng Thiều thích đủ mọi thứ, thấy người ta làm sao thì làm vậy. Nói chuyện với nó cũng nhạt, chẳng bốc được chuyện gì. Còn như ông, sao mà ông phiền muộn sớm thế, cái tuổi của ông đáng nhẽ phải đang là tuổi đàn đúm, thì nó mới là trẻ (Một lần khác: ông nên nhớ rằng không có gì thích bằng tuổi trẻ. Tuổi già bao giờ cũng có cái lố bịch của nó. Ông có mà không biết dùng.)


… Tôi chẳng biết xếp mình vào đâu cả ; không biết như thế nào, nhưng tôi, tôi nhận thấy cách sống của tôi đang là cách sống của một nghệ sĩ đấy. Trước những vấn đề thời sự những vấn đề của đời sống hàng ngày sự phản ứng của mình như thế là vừa phải.
Tôi cho về căn bản đời sống là phải ít yêu cầu thôi. Mình tự lượng sức mình, mình không giúp ai được chút gì, thì mình cũng đừng đòi hỏi ở ai một tí gì cả.
… Suy cho cùng, đối với thằng viết, chỉ có viết là thích nhất.

Ảo tưởng
*Tôi định viết hơn 100 truyện thật ngắn trong đó có một cái truyện như thế này: Chuyện con người ta như một hòn đá buộc vào đâu đấy, rồi quay quay lên. Cứ quay cuồng như thế là sống. Giữ lại, để hòn đá chạm đầu kia của sợi dây là chết.
Tức là con người ta luôn luôn phải khác mình, luôn luôn phải sống bằng những ảo ảnh do mình tạo ra. Như hôm nọ ông Tào Mạt sang chỗ tạp chí chơi, nói về triết học, nói về đường lối văn nghệ, nói mọi chuyện, gì cũng biết, nhưng lại cứ sống thế, và dù viết không nên câu nào cả. Như ông Huy Du ở đây tưởng là mình trẻ trai. Như ông Xuân Sách tưởng mình mắng được mọi người một cách khôn khéo, tức là mình hơn được mọi người…. Đây, ảo tưởng, cái mà ông Sartre ông ấy cũng đã nói trong Những chữ, nhưng mà nói không rõ. Ảo tưởng luôn luôn là có thể — nếu không có thể, lại không thành ra sự đời! Cả mình nữa, mình cũng ảo tưởng chứ. Những khi mình viết, trong con người mình phải bốc lên cái chất tín đồ… Nhưng mà mình chỉ hơn mọi người là lúc khác mình lại tỉnh, cho nên ngay trong phần ảo tuởng, cũng vẫn có cái chất thật của mình, và mình tồn tại ở chỗ ấy.

Châu: Tôi chỉ cần viết xong truyện này, với cái truyện gió ông cụt, tức là có thể nhắm mắt bỏ bút được rồi.
Nhàn: Nói đến hết như thế, anh không làm cho mọi người buồn sao?
— Buồn cũng phải nói. Thà làm cho người ta buồn, hơn là làm cho người ta vui một cách giả tạo thế này.
– Lắm lúc tôi cảm thấy không biết tin vào gì nữa. Tôi cảm thấy sống quá xa mọi người bình thường, mà sống như họ, tức là phải xoay sở, chạy vạy, thì tôi không sống nổi.
-- Thế anh trông tôi xem, tôi sống có nổi không?
— Để tôi nói tiếp. Tôi khó sống lắm.Đời sống có quá nhiều chuyện mập mờ. Tôi không đủ trí khôn để tin vào mọi điều, phân biệt điều sai và điều đúng.
– Hãy tin vào cái đầu của mình.
– Nhà văn các anh, các anh sống bằng tài năng. Nhưng những người bình thường nhất không biết họ sống bằng cái gì?
– Họ sống bằng sự hồn nhiên, bằng thói quen, bằng những ảo ảnh nữa. Trong những ngày này, ông ra phố xem, đời sống vẫn vận động ghê lắm. Người ta đi dọc đường, mấy ông thợ gõ tôn cứ choang choang, và ở đường Bưởi, xe ô tô xếp liền nhau, quay đầu một hướng, chỉ chờ Hòa bình là đi. Đúng như cái câu thơ của ông Chế Lan Viên vậy, cái chết đã chết rồi, cái sống bận đi lên
– Suy cho cùng, nó là cái sức sống của dân tộc mình. Nếu không thì trong bom đạn thế này, người ta trụ sao nổi.
-- Nhưng mà những ngày này, tội vạ gì mà viết (!) đi xem mọi người cho thích. Tôi thấy ông Hữu Mai, chồng bản thảo cứ dầy mãi lên một cách đáng sợ. Hôm nọ tay Tuấn (NXB Thanh Niên) lại mời tôi ăn cơm… Phải nhận là nó rất tốt, nó giúp mình đủ thứ — Nhưng mà nghe nó ngồi, nó nói, nó tưởng tượng mình viết thế nào, thì tôi cứ ghê sợ cả người. Dây với những NXB Thanh Niên, Quân Đội này, người viết mình cũng dễ mất tư cách lắm. Không phải nó nạt nộ mình đâu, nhưng mà trong cách hiểu, nó cứ khính khinh mình như thế nào ấy, họ coi mình là kém chính trị cần được hướng dẫn chu đáo. Bây giờ nó còn bảo mình viết như Cửa sông, viết những truyện lùa con em người ta ra chiến trường, thì viết làm sao được nữa? Cái hồi ấy viết, chính là nó có cái không khí khác.

Các khu vực đề tài
*Ông Chính Hữu vỗ vai bảo tôi đi viết về 559 đi. Hôm nọ, ông ấy đã bảo tôi một lần rồi. Quả là bây giờ, viết về 559 là phải. Coi như viết về cái xương sống của cuộc chiến tranh nay rồi. Tôi mà vào, chắc ông Đổng Sĩ Nguyên quý thôi. Nhưng tôi đã nghĩ rồi, vẫn chưa phải lúc viết đâu, vào làm gì. Chính sách của người ta như thế. Tôi đang viết cái Hà Nội kia, mấy hôm đi đâu, mở mồm nói ra cái gì, cũng đều oóc-giơ. Nghĩ đưa cái gì mới, thì oóc-giơ… Cho nên, mình cũng hơi ảo tưởng đấy. Cái quyển Hà Nội này, mấy chương Hà Nội vừa rồi, thế là phải tháo tung ra viết lại mất.
Sắp tới, có 3 khu vực mà các ông ấy cho viết. Viết về cuộc đấu tranh chính trị trong Sài Gòn, có ông Khải. Tổng kết cuộc chiến tranh chống Mỹ, viết riêng về 559 như kiểu không quân trong Vùng trời, ông Mai giỏi. Và một kiểu nữa, viết về chủ nghĩa xã hội như mấy năm vừa rồi, ông Khải đã viết hồi 59-60. Có lẽ tôi đành sang viết về loại thứ ba này thôi. Nhà văn mà gác bút như ông Kim Lân thì cũng không nên. Viết về những chuyện lớn bị kiểm soát chặt chẽ hơn nhưng lại có cái thú của nó: nó mới là văn học.
Thôi, tôi cứ chọn lối viết cách người đọc– cũng là người thường– độ nửa bước chân thôi, mà cũng là cách lãnh đạo độ nửa bước chân thôi.

Dấu ấn riêng trong mỗi đề tài

* Lẽ dĩ nhiên, để nay mai xem tình hình như thế nào. Nếu như tình hình là các ông ấy kiểm điểm lại những ngày này, các ông ấy có một cái gì như là tự phê phán về những năm chống Mỹ cứu nước, thì mình cũng có thể viết được chứ. Khi ấy, tôi sẽ là người đầu tiên, vác ba lô vào nằm trong Trường Sơn sau chiến thắng.
* Một người viết như ông Khải, tính lại đến nay đã hơn một chục quyển sách, nhưng thử hỏi ông ta còn lại được cái gì, viết được cái gì trong nông thôn chúng ta trong những năm vừa qua.
Viết bề sâu nông thôn, Khải đọ làm sao được với những Kim Lân, Nam Cao.
Cái chết của Khải, nhiều khi lại ở sự dứt khoát quá, minh bạch quá. Tức là sự một chiều, nghĩ rất rõ ràng. Không bao giờ ở ông Khải đọc thấy một cái gì đó, thuộc về những tâm sự ẩn kín của một người viết. (Nhàn đế vào: ông Khải không có cáí mà ta gọi là hai tầng hai mặt - trong cái vui có cái buồn, trong cái hy vọng có cái thất vọng).
Còn như Đỗ Chu, tôi thấy một nhà văn mà ở lại văn học với chỉ một quyển sách như thế, là nên mà cũng không nên. Một nhà văn phải ở lại văn học với cả sự hiểu biết của mình,với cả trừng trải của mình. Đỗ Chu khi viết Trong tầm súng, thực ra là có dịp để nhìn lại mình lắm chứ, nhìn lại cả một lớp thanh niên như mình đã chiến đấu ở Hà Nội. Thế mà sao Đỗ Chu viết không nên !
* Tôi tính, lắm khi viết tiểu thuyết phải như tôi, chui vào một xó nào đó ngồi đối mặt chỉ mình với mình thôi, thì mới viết được.
Nhưng làm báo, làm báo phải xuống dưới Hà Nội. Cứ ở cái xó Hương Ngải (địa điểm sơ tán) đó, rồi được toàn những thứ như rơm rác cả.

Hải Phòng nạn nhân chiến tranh
*Tôi đi Hải Phòng chỉ chưa đầy hai ngày, nhưng giá kể cho tôi viết thoả thuê, tôi có thể viết được cái gì đó về cuộc chiến tranh phá hoại. Thành phố như đã chết. Con sông Hạ Lý không chảy, mặt sông không còn dầu mỡ.
Thằng em tôi nó cứ reo lên. Nó đón tôi, nhưng nó lại nhạt nhẽo với tôi.
Tôi vào Hải Phòng, để mà cứu những đứa con khỏi trở thành nạn nhân. Cả Hải Phòng đã là nạn nhân.
Nhưng tôi lại bỏ Hải phòng tôi đi, tôi đạp xe suốt bốn tiếng ngoài đường, không vào nhà ai. Tôi không muốn vào Hải Phòng, cái thành phố tôi đã lấy vợ, có những đứa con, tôi không muốn thấy nó trong cái vẻ thành phố chết chóc.

Phần tiềm thức của tài năng
*Những nhà văn cái loại như Hữu Mai, như Hồ Phương, các ông ấy thiếu một sức chứa, nó chứa sẵn trong người. Các ông ấy lấy được tài liệu bao nhiêu thì viết bấy nhiêu, lấy được cái gì viết cái ấy.Tôi thì khác. Có những chuyện rất vớ vẩn, tự nhiên mình gặp, thế là cả kinh nghiệm cũ của mình nổi dậy. Có những chi tiết đến đó tự mình, mình phải bịa nó ra, không hiểu làm sao mà bịa nó ra, nhưng phải thế mới được. Có những chỗ mình tô rất đậm, và có những chỗ mình bỏ qua đi. Đấy là cái phần tiềm thức của tài năng. Viết thì phải lý trí lắm, lý trí phân tích cả xã hội. Nhưng viết lại phải có phần buột ra tự phát vụt ra những cái gì đó, như là ngẫu nhiên bắt được và không giải thích được.

* ( Nghe VTN kể chuyện Tiếng động ban trưa của Dương Nghiễm Mậu) Tôi công nhận có những giây phút như thế, những khung cảnh như thế, những con người mà mình phải bắt lấy cái hồn.
Không nói Hữu Mai, Hồ Phương, ngay ví dụ như ở Đỗ Chu, hay cả cái dòng văn Thạch Lam nữa, cách cảm cách nghĩ kiểu Thạch Lam, đều là bám vào cái thực trần tục phổ biến.

* Nhìn bao quát cả cuộc đời những thằng viết, có thể rút được kinh nghiệm rất nhiều. Như Nguyễn Kiên, tôi thấy nó lắp bắp quá, nhiều tác phẩm viết nhảm quá.
Tôi đọc Chuyến xe ra, và tôi bắt gặp ông Nguyễn Kiên như một ông chủ nhiệm trong hợp tác xã của mình. Chuyện trong nội bộ hợp tác thì thạo, cái gì anh cũng biết. Người cũng vừa khắc nghiệt, vừa hiền hậu, ông ấy nói cái gì, mình biết cái phần ấy ông ấy biết thật. Nhưng ngoài ra, thì không thấy ông ấy hiểu rộng thêm được gì nữa.
Nhưng Nguyễn Kiên còn có gì đó chắc thiệt hơn Đỗ Chu.
Tôi yêu nhà văn nào nói được một cái gì khác ở cái quen thuộc,cái phần mà tôi không nhìn ra. Những ông như Hữu Mai, không biết làm thế. Nhiều khi lại không còn có cả cái có duyên của câu văn nữa.

Châu: Nguyễn Kiên cũng có những lúc viết lắp bắp, mấy năm gần đây là lắp bắp.
Nhàn: Lắp bắp tức là thế nào ?
Châu: Là viết ra những quyển sách, mà giá kể không có, người ta vẫn thấy anh là chính anh.

Cái gì là văn học

* Hôm nọ ông nói đúng đấy. Sức mạnh dân tộc mình nó ở sự chịu đựng. Tôi nghĩ bây giờ viết về hoàn cảnh của một người đàn bà mà bất cứ tai vạ gì cũng chịu được. Thế nào cũng ra ngày hôm nay, ra cuộc chiến tranh kểu VN.
… Sau Nguyên Hồng, cũng chưa ai viết được một cái gì nên hồn. Chính Hải Phòng là một thành phố có cá tính. Về đấy, để vài ba năm viết vài quyển, cũng khối chuyện viết. Không chừng còn hơn viết về nông thôn.
-- Nhàn: Có lần qua vùng Phố Nối, một điểm bán nem, tôi thấy vẫn có những cụ già ngồi thái nem trạo cho thật mềm thật săn. Có lẽ do thói quen và lòng yêu nghề mà ông cụ trụ được. Bây giờ, người viết văn là một trong số người thợ thủ công loại ấy. Dù làm cho nhà nước, làm cho mậu dịch ta cũng phải giữ lấy lương thiện.

*Châu: Lắm lúc tôi nghĩ tôi cứ thấy sợ. Giả sử, những lớp người sau, họ đọc đến văn học bây giờ, thì có khi, cái bộ phận văn học hiện thực miền Nam lại có ý nghĩa hơn là những gì miền Bắc mình làm từ bảy năm nay.
Nhiều khi người viết mình ở ngoài này, cứ muốn khôn hơn thời đại, cứ muốn ra cái điều ý thức, còn cái phần hiện thực chẳng bao nhiêu. Chính văn một người như Đỗ Chu là thứ văn rất ít chi tiết.
Thì chi tiết lại cũng chính là tư tưởng. Tư tưởng đã không có, thì chi tiết chỉ là trò vớ vẩn. Cái quan trọng vẫn là thực tế, như ông Lỗ Tấn đấy. Mà thực tế đó phải là cái thâm nhập vào cá nhân mỗi người thành sự thực của riêng hắn. Tiểu thuyết làm được việc ấy. Tiểu thuyết, nếu tôi được viết, sẽ có một nhân vật thế này. Hắn có mười căn buồng tư tưởng khác nhau. Ở mỗi căn buồng hắn là một người khác.
*Nói thế thôi thứ tiểu thuyết lại là một thể rất điêu toa. Ký mới thực.
Tiểu thuyết của mình thì vụ thực quá. Ký của mình thì lại quay ra hư cấu, và ít chất thực. Nó cũng phản ánh tình trạng chung của mình: cái gì cũng lem nhem, trật trạo.

Sự khác biệt thường xuyên

Trước lúc có ý thức, Nguyễn Minh Châu đã có cái gì gần như bản năng. Khi cái ý thức kia có vị trí của nó rồi, anh sẽ đi rất xa. Có thể rồi ông Châu cũng lên đến cái cỡ như ông Khải , hoặc xa hơn chăng?
Khải: Công nhận là ông Châu viết lý luận đã có cách viết riêng.
Xuân Sách: Nguyễn Minh Châu lý luận tạo ra được những bất ngờ, bất ngờ trong cách nhìn nhận, đánh giá mọi thứ, bất ngờ trong ý kiến. Nói cứ như vào tận gan ruột người ta.

Châu: Ông Hải Hồ làm thủ tướng thì hàng ngày, từng công dân, phải đến trình diện, báo cáo thủ tướng tôi đi đái.
Xuân Thiều: Còn ông Nguyễn Minh Châu mà là thủ tướng thì treo một cái bảng trước cửa, không tiếp ai hết.

Bao giờ Nguyễn Minh Châu cũng có một thái độ rõ rệt với những thứ không phải văn chương. Ví dụ như nói về ông Khánh Vân báo Quân đội Nhân dân, Nguyễn Minh Châu lập tức nhăn mặt lại. Cái ông Khánh Vân ấy ! Ví dụ như nói về thơ, nghe Ngô Văn Phú khẳng định chúng ta phái phấn đấu để thơ có cái chất riêng của thơ bộ đội, Nguyễn Minh Châu nói ngay không có cái gì là cái riêng của thơ bộ đội cả.

Dưới mắt mọi người
Nhị Ca: Nguyễn Minh Châu có năng khiếu, nhưng vẫn là anh làm ăn không hợp thời, loay hoay ngồi viết, rồi cũng chả đâu vào đâu.Thằng Hữu Mai nó viết văn rất khô, nhưng nhiều khi nó vẫn đặt vấn đề, đặt ra một cách mạnh mẽ lắm.
Tại sao trong thái độ, Nguyễn Minh Châu có phần như “bênh” Đỗ Chu, như rộng rãi hơn đối với Đỗ Chu.Có phải vì Nguyễn Minh Châu vẫn thấy những chuyện gọi là quan điểm với lại tư tưởng, chả có gì quan trọng mà chỉ cần tài năng?

Theo Nguyễn Khải, hình như Nguyễn Minh Châu đang bước vào một thứ văn chương khác, cách nói khác, song vẫn chưa đến được chỗ mộc, khoẻ, vạm vỡ.
Xuân Sách công nhận chỗ mạnh của Nguyễn Minh Châu là ở những ý nghĩ bột phát bất ngờ, những điều lung tung không đâu vào đâu cả. Sách bảo còn mình thì đã có ý thức từ sớm, cái gì hơi là lạ đã ngăn chặn được, cho nên ngay trong cách nói, đã đánh mất hẳn cái phần hồn nhiên ấy đi.

Cũng Xuân Sách: Chính là Nguyễn Minh Châu ăn ở cái hồn nhiên, không sợ cái gì ( còn mình – Xuân Sách nói – mình luôn luôn cảm thấy một cái gì đó, mà không với tới được)
Bùi Bình Thi: (Chắc là ý nhiều người bên Hội nhà văn): Văn Nguyễn Minh Châu không có sắc thái, không có cái vẻ riêng biệt của một ngòi bút. Nguyễn Khải viết có vóc vạc hơn.

Độ chênh giữa nhà tư tưởng và người nghệ sĩ
Nguyễn Minh Châu viết rất mạch lạc, trong khi nói rất lung tung. Nguyễn Minh Châu thật có phong thái một người viết tiểu thuyết, những tiểu thuyết dài, tự nó đòi hỏi một người từ tốn không vội vã.
Cái thứ hai đối với Nguyễn Minh Châu: Gần như để mắt vào cái gì, cũng nói nó lên một cách rất là văn học. Ở đây, có một bí mật nào đấy, mà tôi nhìn không ra.
Trong cách nhìn nhận về con người, Nguyễn Minh Châu nhiều khi cũng tự tin đến định kiến. Với ông, những loại như Đỗ Chu, đáng mặt viết văn lắm. Còn những loại như Lê Lựu — cái người ấy chỉ là thứ đất thó, nặn thế nào ra thế ấy, không thể nào ra văn chương được.

Khải: Dấu chân người lính đúng là mang lại một bước tiến mới cho văn xuôi mình đấy. Tác giả thì rõ là một nghệ sĩ, cái chất hình tượng trong văn xuôi của Châu rõ lắm, đọc văn cứ như là sờ thấy được khung cảnh nhân vật.
Nhàn: Tôi cũng đã thấy nhiều người tả cảnh, nhưng như ông Tuân, ông Tô Hoài tả, thì có nhiều chỗ tả như người lần mò trên một thây chết vậy. Cứ dẫn giải từng li từng tí một. Còn nếu Nguyễn Minh Châu tả, bao giờ cũng có cái sống của nó, người nghệ sĩ có cái vui buồn xốc nổi cuốn theo sự yêu thích đối với cảnh vật.
Nhưng mà về mặt nhân vật, thấy Nguyễn Minh Châu dừng lại ở bản năng nhân vật quá nhiều, mà thiếu từ đó viết một khái quát gì đó. Nói là không đặt ra một vấn đề tư tưởng gì đó trong tác phẩm, có lẽ ở chỗ này. Cuộc sống là thế nào thì cứ kệ nó, rồi nó sẽ tới.
Khải: Tức là ở Nguyễn Minh Châu thiếu đi một nhà tư tưởng, tuy rằng nhà nghệ sĩ, đã là rất đậm nét.

Tự kể về mình
Tôi thuở trước, tính cũng ngơ ngơ thế này này. Năm ấy vào Đảng, — vào từ hồi đi học chuyên khoa, — là vì ở với mấy cậu nó cũng tốt. Học xong Lục quân về 320, làm thằng trung đội phó. Sau một lão cán bộ trên về thấy tôi hay vẽ vẽ trên báo tường, mới lấy lên, chuyên môn đi vẽ bản đồ. Năm ấy tôi hơn 20 tuổi. Có lần, ngồi chung mấy thằng với nhau, mỗi thằng phải nói sau này mình sẽ làm một nghề gì đấy. Tôi bảo sau này tôi sẽ viết văn. Ai cũng buồn cười.
Ở Khu bốn ra Việt Bắc, rồi lại về đồng bằng, đúng là tôi có bị choáng một tí thật. Tôi có ghi lại một đoạn nhật ký khi vào những thành phố nữa, sau đánh mất mất.
Tôi, ai người ta cũng bảo là sống không có tình cảm. Tôi đóng quân ở đâu, lúc đi khỏi, người ta ít nhớ lắm.
Tôi viết cái gì cũng như là bắt được chứ lúc đầu chả định viết thế. Cái Cửa sông cứ dài mãi chứ lúc đầu chỉ là truyện ngắn. Viết Dấu chân người lính, chính là quá trình tôi khám phá ra hiểu biết của tôi về thằng lính. Viết cái gì bao giờ cũng là một sự nhận thức về cái đó thật.

* Quá trình viết cũng là một quá trình thưởng thức. Tôi không hay đọc lại những cái đã viết từ lâu, nhưng viết chương này, hay phải đọc lại chương trước. Sự viết đồng thời là một sự thưởng thức. Vì thế sự viết là một hứng thú.
Chính cái việc viết, nó làm cho mình cảm thấy mình không đủ. Viết cái này, lại nghĩ ra viết cái khác.
Sự viết, giống như là một sự phát ra một cái gì đó. Nhưng nó cũng lại là sự tích điện, là sự nạp vào trong mình một cái gì đó, ngay trong cái lúc anh phóng anh phát.

* Tôi thấy nhiều lúc viết cũng là một quá trình nhiều mặt lắm. Về những vấn đề tư tưởng, mình phải tính toán cho kỹ. Nhưng mình cũng phải chọn được truyện. Tư tưởng như là cái hồn, hồn phải tìm cho được cái xác, thì mới thể hiện được hết điều định nói. Có lúc, có hồn trước, đi tìm xác. Có lúc, từ cái xác cụ thể, mình lại phải lôi lên rút ra cái hồn.

* Viết được cái chất hình tượng như tôi, không phải là dễ đâu. Nhưng chính viết mãi như thế, mình cũng thấy chán. Tôi định bao giờ rỗi rãi, mình viết cái gì với một bút pháp xám. Tức là không khí tư tưởng, con người, câu cú trong đó, nó không phải cứ trơn tuột đi, không phải cứ toe toét màu hồng, không phải nó cứ tươi nở, mà phải là hơi lổm chổm, bứt rứt, nó nửa vời, mà nó lại sâu đậm.

Nhàn: Ở ta, không ai đi theo lối hiện thực hư ảo, ma quái.

Châu: Hiện thực xã hội chủ nghĩa thì làm sao mà xoay sở thế được. Cái chết của văn học mình là văn học phải tuyên truyền. Bây giờ, tay nào mà đi vào thứ hiện thực ấy, là mở ra một hướng mới trong văn học đấy.

( còn tiếp)
Mới hơn Cũ hơn