Lời dẫn
Bài viết này nay đã có phần lạc hậu, nó được viết từ chẵn 20 năm trước, khi hiểu biết của tôi còn hạn chế, không khí học thuật còn theo một chiều đơn giản. Điều đáng nói nhất là cái tiêu đề ở trên quá to, mà những nhiệm vụ tôi nêu lên thì chưa được giải quyết. Nhưng tới nay tôi vẫn chưa làm được gì hơn, vậy cứ xin trình nó ra đây, để các bạn đang đi vào vấn đề này có thêm tài liệu tham khảo
Thơ Nguyễn Đình Thi
và dư luận quanh thơ Nguyễn Đình Thi
những năm kháng chiến chống Pháp
Do những yêu cầu
thiết thực mà cuộc chiến đấu của dân tộc ta chống ngoại xâm lúc đó đòi hỏi, nền
văn học Việt Nam sau những năm Cách mạng và suốt cuộc kháng chiến chống Pháp
nói chung đặt ưu tiên nỗ lực của mình cho việc tìm tòi về nội dung chính trị xã
hội. Còn hình thức, quả thật không ai bận tâm, nếu không kể đến cái bận tâm lớn
nhất là – theo chữ của một tài liệu chính trị -- "hình thức ấy phải rộng
rãi và quần chúng".
Cũng có thể có những người quan niệm rằng
những cố gắng làm cho văn học trở nên đại chúng là cả một công cuộc tìm tòi lớn
lao, và các nhà văn nhà thơ, đã có được những thành tựu nức lòng.
Tuy nhiên trong
bài này, chúng tôi muốn nói đến một hướng tìm tòi khác, tìm tòi theo sự vận
động nội tại của thơ.
Công cuộc tìm tòi
này, sau 1945, trên đại thể không được nảy nở tự nhiên, phần thì hoàn cảnh
kháng chiến gian khổ không cho phép; phần thì do sự cắt đứt gần như mọi liên hệ
với đời sống văn hoá văn nghệ thế giới, nó không được sự hà hơi tiếp sức cần
thiết.
Nhưng chính bởi vậy bản thân sự tồn tại những
hiện tượng tìm tòi như thế này đã là một điều - mà ngày nay chúng ta phải trân
trọng.
Vì sao mà giữa rừng núi bịt bùng, ngay khi cái
chết, sự đói khát, bệnh tật, đặt ra hàng ngày, người ta vẫn không quên được
những Mallarmé, Eluard, Aragon, và vẫn sẵn sàng hướng thơ mới theo cái xu hướng
mà người khác cho là cao đạo cầu kỳ?
Vì sao mà một
người có những nhận thức xã hội kịp thời và rất hợp thời như Nguyễn Đình Thi, lại có những bài thơ đi
ngược lại ngay các chính kiến được công nhận của mình, và âm thầm tìm tòi trong
đau đớn, trong cô độc .
Ở đây chúng ta
phải nói tới tính cách bức thiết của sự tìm tòi nó là cả một sự thúc bách nội
tâm, sự thúc bách này mãnh liệt đến mức đau đớn mấy người ta cũng phải làm thơ
theo cái cách người ta hiểu. Như dưới dây chúng tôi sẽ trình bày những tìm tòi
của Nguyễn Đình Thi những năm kháng chiến ấy không có được "sự thân
tình" ủng hộ ( thân tình là chữ của Tô Ngọc Vân trong bài viết về tranh
tuyên truyền và hội họa) về sau nó không được tiếp tục.
Tuy nhiên, việc
trở lại với nó, là hết sức cần thiết, không chỉ vì đến nay những ảnh hưởng của
nó còn thấp thoáng mà quan trọng hơn bởi đó cũng là số phận chung của nhiều tìm
tòi về hình thức sau 1945 nói chung. Ngày nay, muốn đi xa hơn, chúng ta phải
biết chia sẻ với những đớn đau, nuối tiếc, và tìm cách rút kinh nghiệm ngay
trong thành công và thất bại của người đi trước.
*
Trong đời sống văn
học những năm sau cách mạng (và cả cho tới những năm tần đây) Nguyễn Đình Thi
là một trong những "ngọn cờ" có sức lôi cuốn và tập hợp.
Ông vừa là nhà lý
luận, vừa là người sáng tác. Về lý luận, ông đã bàn tới nhiều vấn đề quan trọng
nhất là ông đã nói rõ mối quan hệ giữa văn nghệ và hiện thực từ đó xác định nội
dung nền văn học mới. Nhưng với tư cách là nhà lý luận hàng đầu hồi ấy ông
không quên để mắt tới hình thức, một thứ gì giống như phong cách thời đại,
mà theo ông những người làm văn nghệ phải hướng tới. Ông viết:
"Ta học được ở anh binh nhì lời nói khoẻ
mạnh, hồn nhiên của một cuộc đời làm lụng, chiến đấu không ngừng. Câu văn của
anh quấn lấy cuộc sống, anh sáng tác tự nhiên như anh thở hàng ngày (…). Ta học
được một nghệ thuật phối hợp bản năng với ý thức, mộc mạc xù xì không tỉa gọt
mài dũa (…). Một nghệ thuật còn ròng ròng sự sống, một nghệ thuật chân đứng
vững trên mặt đất tưới đẫm mồ hôi và khét thuốc súng. Một cái đẹp khoẻ, không
khéo léo phấn son, mà mộc mạc tươi như vừa mới nảy lên từ một bàn tay hoá công
nào, một nghệ thuật vui sống, vui chiến đấu, vui làm lụng, đó là con đường mà
văn thơ anh binh nhì đã bước lên. Đó cũng là con đường đi của tất cả văn nghệ
thời đại". (Vài ý nghĩ về văn nghệ bộ đội, 1949).
Song đến khi
Nguyễn Đình Thi làm thơ, người ta lại bắt gặp một con người hơi khác, một số
chỗ như là đi ngược lý luận của ông.
Thơ Nguyễn Đình
Thi chạm đến hầu hết vấn đề trong thơ những năm đầu kháng chiến, từ chuyện xúc
cảm, chuyện quan hệ giữa nhà thơ và đời sống tâm thế của nhà thơ, trước hiện
thực, tới chuyện tạo ra sự liên tục của bài thơ, quan hệ giữa câu và bài,
chuyện vần, chuyện chấm câu, v.v….
Thơ Nguyễn Đình
Thi đã trở thành một hiện tượng của thơ kháng chiến tới mức mà trong đợt tranh
luận mấy ngày liền ở Việt Bắc cuối tháng 9-1949 bên cạnh hội hoạ, kịch, nó đã
được dành riêng một buổi.
Tại cuộc tranh
luận này, sự đối lập giữa Nguyễn Đình Thi nhà lý luận với Nguyễn Đình
Thi nhà thơ được mọi người soi rọi đến nơi, đến chốn.
+ Nguyễn Đình Thi
bảo văn nghệ (văn nghệ bộ đội mà cũng là văn nghệ thời đại) phải vui, nhưng thơ
ông lại buồn.
+ Ông nhấn mạnh
tính chất tự nhiên của hình thức, nhưng so với thơ dân gian thơ cổ điển và cả
thơ mới nữa, thơ ông có nhiều cái lạ "câu thơ dài ngắn không đều"
"trúc trắc khó ngâm" "đầu Ngô mình Sở" (chữ của Xuân Diệu).
+Ông bảo văn nghệ
phải hướng về mọi người nhưng thơ ông toàn là "những điều chỉ có riêng
mình anh rung cảm " (chữ của Thế Lữ) "quý phái cao đạo" (cũng
chữ Thế Lữ). Ông bảo thơ hay phải mộc mạc xù xì, nhưng thơ ông lại đúc quá, gần
với thơ kín mít (Xuân Trường).
Nguyễn Đình Thi
phản bác ra sao. Ông nhận là ông có buồn và so với mọi người, mình đang đi một
con đường khác. Khác là ở chỗ trong khi thơ mọi người nói tâm tình, thì thơ ông
"là cảm xúc, là tai nghe mắt thấy mũi ngửi tay sờ cảm thế nào nói thế
ấy". Theo ông hình thức thơ nên như là nói thường;
"Tôi mong đi tới những câu thơ như lời nói
thường mà đến một độ cảm xúc mãnh liệt. Nếu cần nói một hơi dài, dùng những câu
dài. Nếu hơi ngắn, nói ngắn. Nnững hình ảnh thơ mới bây giờ tôi tưởng tượng nó
cần phải khoẻ, gân guốc xù xì, chất phác, chung đúc, tự nhiên. Những bài thơ cũ cùng một nhịp đều đều, tôi
không thể chịu được (V.T.N. gạch dưới). Bài thơ chất phác kia tác
động vào tâm hồn ta hơn".
Đáp lại cái ý
chung của nhiều người là muốn thơ đi vào những con đường quen thuộc kiểu
"bình cũ rượu mới", Nguyễn Đình Thi nói rất hùng hồn, và cả quyết như
dao chém xuống đá:
"Người dùng những điệu đều đặn mà nói được
nội dung mới, phải là thiên tài. Hình thức cũ để tả nội dung cũ. Nội dung mới
tự nó sẽ tìm đến hình thức mới"
Nhưng rồi mọi việc
diễn ra như thế nào?
Chủ tịch đoàn kết
luận thơ Nguyễn Đình Thi không hay. Tố Hữu bảo "Những lúc thấy cần làm việc tôi thấy ghét thơ anh Thi ghê lắm, vì tôi
thù ghét cái cá nhân nó lại trở về với tôi". Và Tố Hữu truy tìm nguyên
nhân: thơ Nguyễn Đình Thi "chưa nói
hay là nói ngược cuộc sống của quần chúng".
Hội nghị tranh
luận không có kết luận chính thức về hình thức thơ Nguyễn Đình Thi. Nhưng những
lối phê phán của các bậc đàn anh thì thật gay gắt (Thế Lữ cho thơ Nguyễn Đình
Thi nguy hiểm, có thể xô đẩy người ta, và Thanh Tịnh cũng đồng ý, cho là cứ như
Nguyễn Đình Thi thì thành loạn thơ). Cộng với những định hướng nội dung, cuộc
thảo luận này trên thực tế, đã bác bỏ những tìm tòi của nhà thơ trẻ.
Sau cuộc tranh
luận, Nguyễn Đình Thi - sửa lại một số bài của mình. Như bài Không nói.
Bản in trên tạp chí Văn Nghệ 1948 nguyên văn như thế này:
Dừng
chân trong mưa bay
Ướt
đẫm mái tóc
Em
em nhìn đi đâu
Môi
em đôi mắt
Còn
ôm đây
Nhìn
em nữa
Phút
giây
Chiều
mờ gió hút
Bắt
tay
Đồng
chí
Em
Bóng
nhỏ
Đường lầy
Năm 1956, khi thơ kháng chiến chống Pháp của
Nguyễn Đình Thi được in vào thành tập Người chiến sĩ, bài thơ này không
được chọn.
Qua năm 1960, Người
chiến sĩ được tái bản. Không nói được lấy lại và mặc dù vẫn đề là 18-2-1948,
Nhã Nam, nhưng dài hơn, có vần hơn và quan trọng nhất là có một nội dung cụ
thể lịch sử hơn:
Dừng
chân trong mưa bay
Liếp
nhà ai ánh lửa
Yên
lặng đứng trước nhau
Em
em nhìn đi đâu
Em
sao em không nói
Mưa
rơi ướt mái đầu
Mỗi
đứa một khăn gói
Ngày
nào lần gặp sau
Ngập
ngừng không dám hỏi
Chuyến
này chắc lại lâu
Đoàn
thể gọi
Chiều
mờ gió hút
Nào đồng chí - bắt tay
Em
Bóng
nhỏ
Đường lầy
Một bài rất hay,
và rất quan trọng, như bài Đường núi cho đến 1960, vẫn chưa được tuyển
lại. Gần đây, năm 1994, trong tập Thơ Nguyễn Đình Thi chúng tôi có tìm
thấy Đường núi, nhưng trong đó câu thơ Ta nghe ta hát một mình bị
thay bằng Đâu đây tiếng suối rì rào,
câu Tiếng hát ai lênh đênh cũng bị thay bằng Tiếng hát ai trên nương.
Ngoài ra, năm
1953, Nguyễn Đình Thi viết Mẹ con đồng chí Chanh một bài thơ kể chuyện,
có cái giọng như truyện nôm.
Theo mục lục 35 năm NXB Văn Học thì tới
1955, Mẹ con đồng chí Chanh đã
được in tới lần thứ 6, một kỷ lục mà chưa một tác phẩm nào của Nguyễn Đình Thi
có nổi.
Ngày nay nhìn lại
thơ Nguyễn Đình Thi hồi ấy và cuộc tranh luận chung quanh thơ ông, chúng ta
thấy gì?
1/ Theo tôi,
Nguyễn Đình Thi đã xuất phát từ một luận điểm đúng "hình thức cũ không
đủ nữa. Thời đại mới phải tìm đến hình thức mới".
2/ So với Thơ
mới, thơ Nguyễn Đình Thi là một bước tiến hiểu theo nghĩa là có đóng góp và
việc biểu hiện con người cá nhân trong thơ. Câu Ta nghe ta hát một mình
mang trong nó cả cái thần thái của thơ Nguyễn Đình Thi và cũng đúng với sự phát
triển của thơ, của văn học, đó là ngày càng đi sâu vào nội tâm, vào cái thế
giới bên trong vô cùng vô tận của mỗi cá nhân.
Nhìn cả quá trình
lịch sử những biến chuyển trước sau Thơ mới và đối chiếu với cái trình
tự cổ điển của sự phát triển thơ phương Tây thế kỷ XX, chúng ta thấy nếu thơ
Xuân Diệu, Huy Cận là lãng mạn, pha chút trừu tượng, thơ Chế Lan
Viên, Hàn Mặc Tử có những nét của thơ siêu thực, thì thơ Nguyễn Đình Thi
có thể xếp vào khu vực thơ ấn tượng
chủ nghĩa, những bài Không nói,
Đường núi… đã minh chứng cho điều này.
Vậy là sau sự thất
bại của nhóm Xuân Thu Nhã tập và
những tìm tòi đơn độc, thậm chí bị bỉ báng của Hàn Mặc Tử (Xuân Diệu đã có
những lời nặng nề bậc nhất với Hàn Mặc Tử), thơ Việt Nam vẫn tiến theo đúng
những quy luật của sự phát triển hình thức trong thơ nói chung.
3/ Có điều do yêu
cầu của kháng chiến, sự tìm tòi này không được chấp nhận. Bảo rằng thơ Nguyễn
Đình Thi xa lạ với quần chúng là đúng. Và nên nhớ rằng sự phát triển của thơ
cách mạng ở các nước thường bao giờ cũng theo hướng là đi vào đại chúng.
Tuy nhiên, đáng lẽ
chỉ coi hướng đi vào đại chúng là một những hướng đi nên có, thậm chí chưa chắc
đã là hướng có triển vọng nhất, thì chúng ta lại coi đó là tất cả, và mọi cái
không đại chúng là sai ("Ngày nay nghệ thuật phải là bình dân hoặc không
phải là nghệ thuật" – A. Gide kể lại rằng ở Liên Xô năm ba mươi của thế kỷ
XX người ta nghĩ vậy). Vì thế, mới nảy ra hiện tượng tự từ bỏ, mà ở trên chúng
ta đã nói.
Tác giả câu thơ Ta
nghe ta hát một mình đã tự nhận "Không thể quay vào mình thôi mà tìm
được" (phát biểu trong cuộc thảo luận).
Từ đó về sau trong những bài mới làm người ta
bắt gặp một sự thoả hiệp: ông không từ bỏ những tìm tòi đã có nhưng cũng không
đẩy nó đi xa hơn như đáng lẽ phải có. Nói chung là ông pha loãng thơ mình ra và làm cho nó gần
với thơ mọi người hơn.
Sở dĩ chúng tôi
dừng lại hơi kỹ về trường hợp Nguyễn Đình Thi, vì trong kháng chiến Nguyễn
Đình Thi nhà thơ nổi lên hơn cả trong con người Nguyễn Đình Thi nghệ sĩ
đa tài và thơ ông được mang ra thảo luận trong hội nghị tranh luận Việt
Bắc.
Tuy nhiên, Nguyễn
Đình Thi không phải là trường hợp duy nhất có sự tìm tòi. Nhiều người khác cũng
không muốn dừng lại ở Thơ mới nhất là cái âm điệu đều đặn của nó, và âm
thầm tìm tới một thứ thơ, bề ngoài thấy hoặc cuồn cuộn, sôi sục hơn hoặc
"lục cục lào cào" gần văn xuôi, gần với vẻ sôi động của đời sống hơn.
Thơ Hoàng Nguyên (Nhớ),
thơ Trần Mai Ninh (Nhớ máu, Tình sông núi ) là những bài thơ phá cách,
so với Thơ mới, và dường như có đáp ứng được nhu cầu thời đại nên một số
người truyền tụng, đến nay vẫn là những cái đỉnh sừng sững trong văn học.
Song trong hoàn
cảnh kháng chiến không phải mọi người ai cũng nghĩ thế. Tạp chí Văn Nghệ
mới in Nhớ máu trong số ra 3-1948, thì đến cuối năm ấy, cũng ở tạp chí
này trong mục ý kiến bạn đọc có đăng một lá thư ký tên Nguyễn Văn Tô.
Thư viết:
"Bài thơ Nhớ máu của Trần Mai Ninh nếu nói rằng nó lạ, tôi xin chịu là
lạ. Anh Ninh có nhiều cảm xúc cũng khá mới mẻ. Cách dàn xếp và ý nghĩa cũng
khác khuôn sáo tầm thường cũ.
Nhưng tôi không hiểu tác giả định tìm âm điệu ra sao.
Tôi đọc suốt bài thơ chỉ thấy âm điệu lúc lắc, nghẹn ngào. Ngâm lên, có lẽ là
những câu văn xuôi đọc liên tiếp. Tai ác nhất là có nhữn âm những vần đọc lên
nghe thành một nhạc điệu bất bình thường mà có khi quá đậm nữa. Tôi chịu chưa
tìm thấy cái hay của nó (…). Chữ anh Ninh dùng thật giản dị, nhưng hỏi một độc
giả như tầm bọn trí thức nước mình liệu có rung cảm với những rung cảm của anh
Mai Ninh không? Đã thế lại còn hạng độc giả khác nữa. Nhiều chỗ anh Ninh dùng
tôi thấy sống sượng chối tai Tròn một
củ… Cả một đàn chó ghẻ… sủa lau nhau.
Theo ý tôi, vẫn biết đổi chiều cho thi nghệ là cần,
nhưng dù sao thơ cũng ít nhất phải có âm điệu. Âm điệu cần thiết nhiều lắm"
Điều ngẫu nhiên
xảy ra, là khi những lá thư loại này xuất hiện, Trần Mai Ninh đã qua đời. Chứ
nếu còn sống, chắc ông cũng nản mà từ bỏ cái hình thức ông vừa dò tìm.
Mới đây, đọc lại
tạp chí Văn Nghệ ra hồi kháng chiến chống Pháp, chúng tôi còn được biết
hồi ấy, trên tập san Sông Đà, một nhóm các nhà thơ đầu quân đã cho khai
sinh một thứ thơ lạ. Chẳn hạn bài Đêm 27 trình bày như sau:
Châu
Mường La
đốt
đuốc
TRÔNG (chữ hoa viết đậm)
Bao
nhiêu hồi trống
Đêm
Muôn
tiếng hô
đó
là đêm
MƯỜNG
LA KHỞI NGHĨA(chữ hoa viết nhạt)
Không
có đêm nào như đêm này
12
GIỜ( chữ hoa viết đậm)
Chúng
ta
đánh Mường La
Nhưng lần này,
không phải quần chúng mà chính một người trong giới sáng tác lên tiếng. Sau khi
chép lại bài thơ này, người bình luận báo Văn Nghệ là Ân Phú ( mà ai cũng biết là
Xuân Diệu) chú thích thêm: "Đó là theo cái lối xếp thơ của các ông thi sĩ
tượng trưng bên Pháp, vài bài thơ của Stéphanel Mallarmé chẳng hạn. Bài thơ bấy
giờ đâm ra lấy cái hay cái đẹp ở sự sắp xếp chữ của mình". Chỉ mấy câu mát
mẻ như vậy, cũng đã nói lên thái độ mà người trong cuộc phải hiểu: nên thôi tìm
tòi kiểu ấy đi, nó lạc lõng với kháng chiến lắm. Quả nhiên, về sau, những bài
thơ thuần tuý hình thức như thế này dứt hẳn.
Đoạn kết
Sẽ là thật không
đúng, là phi thực tế, phi lịch sử, nếu ai đó nói rằng, từ sau 1945, trong nền
văn học Việt Nam chống Pháp chống Mỹ (ở đây là thơ) không có những tìm tòi về
hình thức.
Tuy nhiên, số phận
những tìm tòi ấy là như thế nào? Trường hợp Nguyễn Đình Thi và một số người
khác trong kháng chiến còn đó, như một bằng chứng. Sự thật là nó rất ít được
ủng hộ. Căn bản nó là một đứa con nhà nghèo. Trong tình cảnh ấy mà lại đòi ăn
mặc đàng hoàng như mọi con nhà sang trọng khác. Không được! Các ông anh bà chị
lên tiếng phản đối. Lâu ngày mặc nhiên hình thành như một thứ luật lệ riêng ngự
trị trong gia đình: không tìm tòi gì cả. Cốt viết cho dễ hiểu cái đã.
Sau kháng chiến
chống Pháp một số nhà thơ lại tiếp tục có những tìm tòi theo hướng tương tự như
Nguyễn Đình Thi hoặc nói chung là muốn vượt ra ngoài Thơ mới một cách rõ rệt. Song phần lớn những người có
cái thiên hướng cao đẹp ấy xa gần đều có dính dáng một chút tới nhóm Nhân
văn Giai phẩm. Những bận tâm về
chính trị-xã hội ở những cây bút Lê Đạt, Hoàng Cầm, Văn Cao… lúc ấy được chú ý nhiều
lần hơn so với những bận tâm của họ về
nghệ thuật, bởi thế hình thức thơ họ không bị (hay được) đặt thành vấn đề và
đương thời không có cuộc bàn luận nào riêng về hình thức cả. Song, đến lúc họ
bị tạm nghỉ viết một thời gian, thì những hình thức của thơ họ, tự nó cũng bị
hiểu ngầm là không nên tiếp tục. Sự tìm tòi một lần nữa lại tan biến đi một
cách rất tự nhiên.
Tiếp đó, là cuộc
chiến đấu chống Mỹ, lúc này, nền thơ Việt Nam không còn gì liên hệ với sự phát
triển chính thường của thơ thế giới (chủ yếu là thơ phương Tây). Một lớp trẻ
làm thơ xuất hiện không bụng dạ nào và cũng không tìm đâu ra thì giờ để lo chuyện hình thức. Bởi thế, xét trên đại
thể, thơ Việt Nam sau 1945 vẫn là Thơ mới. Mấy chữ về căn bản ở
đây ngụ ý chúng ta chỉ có những cải tiến nho nhỏ. Những cải tiến ấy không đủ tạo ra những đảo
lộn lớn lao tách biệt hẳn với hình thức thơ trước 1945, như thơ 1932-1945 đã
khác với thơ cổ điển.
Cuộc khảo sát về
sự phản ứng của các nhà thơ và dư luận đương thời với thơ Nguyễn Đình Thi và
một số người khác nói trong bài này, nói chung là sự khảo sát về số phận những
tìm tòi hình thức trong thơ, càng chứng minh cho luận điểm bao quát chúng tôi
đã trình bày. Mà việc giải thích tình trạng đó ra sao cũng chưa được ai làm nên
tình trạng trì trệ của thơ ngày càng rõ
rệt.
Tham luận tại một cuộc hội thảo ở Hà Nội 1995