VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Văn học Việt Nam tìm kiếm bạn đọc trong nước không xong, lại tính chuyện chinh phục thế giới

Trong khi tụt xuống mức thấp nhất của chất lượng thì chúng ta lại mơ tưởng hão huyền tới những đỉnh cao vinh quang nhất  - đấy là ý nghĩ của tôi, khi nhận ra một hướng vận động của văn học hiện thời.
Để chứng minh cho tình trạng tồi tệ của đời sống sáng tác, trong phần phụ lục dưới đây, tôi sẽ giới thiệu lại một bài báo được viết từ hai năm trước trên báo TT & VH mà có lẽ ít ai để ý.
 Bài viết có cái giọng riêng của mình. Cái giọng ấy có thể người này thích người kia không chấp nhận, cái đó không sao. Cái chính là bài viết đã nêu gợi ý rằng thơ ca của chúng ta văn học của chúng ta chỉ đang ở dạng văn hóa dân gian trong một thời điểm suy đồi, tức là một thứ thang bậc thấp của các nền văn học hiện đại. Và mọi cố gắng tô son điểm phấn cho mình chỉ khiến chúng ta thêm phần nhếch nhác. Sự bế tắc càng thấy rõ hơn ở ngay cái chỗ ta tưởng ta tìm ra lối thoát.
Đáng lẽ phải hiểu ra tình trạng thực tế của mình, thì hơn bao giờ hết chúng ta lại “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây", nằm suông tán phét, mơ màng những chuyện xa vời mà có mọc cánh ta cũng không làm nổi.
Tôi nhớ những cây bút trong thế hệ của tôi. Năm tháng chiến tranh đã nuôi dưỡng mọi mơ ước của họ. Trở về, họ muốn làm lại tất cả. Trong cuộc sống riêng, họ sẽ có gia đình có hạnh phúc. Về chuyên môn, họ sẽ trở thành nhà văn lớn, tác phẩm của họ sẽ trở nên sánh ngang vai với các bậc thầy trong quá khứ và nhất là được dịch ra tiếng nước ngoài…
Lịch sử văn học bốn mươi năm qua diễn tiến theo một mũi tên đi xuống. Chúng ta không thể làm lại đời mình, khi thiếu những phẩm chất cơ bản của nghề nghiệp.
Chỉ có mơ ước ở mỗi con người là không chịu chấm dứt và trong khi hiểu rằng nó ngày càng xa vời thì chúng ta, giống như người nông dân tính chuyện ăn đất của Ngô Tất Tố, lại cố tạo ra những gía trị giả để tạm yên lòng.
Tôi muốn nói tới những công việc được gọi là đưa văn học VN ra thế giới được nhiều người lo tính gần đây.
 Trong các cuộc hòa đàm giữa các bên tham gia, nhiều khi người ta nghe bên A. tố bên B là muốn dùng hội nghị để giành những chiến thắng không đạt được trên chiến trường.
Nay với các nhà văn cũng vậy.
Tất cả các số liệu thống kê đều chỉ ra rằng, nay là lúc nhà văn VN đương thời đang thất bại trong việc tìm kiếm bạn đọc trong nước.
Vậy mà với những thứ ấy, người ta lại tính chuyện xuất ra thế giới.
Có thể có người sẽ đặt câu hỏi:
-- Nhỡ tác phẩm của tôi quá cao, trong nước không có ai hiểu nổi, tôi sẽ ra với thế giới trước rồi quay về tìm kiếm bạn đọc nội địa sau thì sao?
Tôi biết nhiều người nói câu này chỉ là trong cơn hăng máu nói bừa và bảo rằng thử cãi cho vui thôi. 
Nhưng tôi cũng xin trả lời một cách nghiêm chỉnh rằng trình độ văn chương một nước không bao giờ vượt quá trình độ mọi hoạt động chính trị kinh tế của nước đó.

Cũng có thể bác bỏ các ảo tưởng nói trên bằng cách nhìn sang các ngành nghệ thuật khác.

Từ Paris, hoạ sĩ Trần Trọng Vũ có một nhận xét khái quát về tình trạng của hội hoạ VN . Những nhận xét ấy được hoạ sĩ Trịnh Cung hưởng ứng. Ông cắt nghĩa tại sao mình lai đồng tình với Trần Trọng Vũ qua bài trả lời phỏng vấn ngắn in trên TT&VH số ra 16-5-2003.
 Theo Trần Trọng Vũ và Trịnh Cung, chưa bao giờ tranh VN có mặt trong hệ thống các gallery chuyên nghiệp; và người mua tranh VN thường chỉ là khách du lịch.
 Nói gần nói xa chẳng qua nói thật, cái nhận xét trên chỉ có một nghĩa đơn giản: chúng ta đang có một nền hội hoạ thuộc loại chầu rìa.
Đại khái cũng giống như trong bóng đá, chỉ khác là trong bóng đá người ta có hệ thống xếp loại rõ ràng còn trong nghệ thuật thì chưa.

Trên đây là một đoạn trích trong một bài báo đã cũ của tôi mang tên
Trông người lại nghĩ đến ta http://vuongtrinhan.blogspot.com/2009/07/trong-nguoi-lai-nghi-en-ta.html
Nhắc lại nó ở đây, người viết chỉ lưu ý thêm: sở dĩ các ngành như hội họa và một môn thể thao như bóng đá có thể chấp nhận tình trạng lạc hậu của mình so với thế giới vì người hoạt động trong các ngành đó có sự cọ xát thường xuyên và sòng phẳng với thế giới.
Còn bên văn học, người ta lại hay lòe nhau bằng những cái gọi là tính tư tưởng tính dân tộc nên dễ ảo tưởng.... Sự hiểu biết của phần đông người viết văn trong nước về văn học thế giới thường đơn giản và sai lệch, được mấy ông có ngoại ngữ giới thiệu cho cái gì thì biết cái ấy. Mà các ông gọi là nhà văn biết ngoại ngữ kia, cũng đâu có phải là những trung gian đáng tin cậy.

Tóm lại, đứng ở góc độ khách quan sẽ thấy những người làm văn chương chúng ta hiện nay thường hiện ra như những kẻ chẳng tri kỷ tri bỉ, biết mình biết người gì hết. 
Bị hư danh chi phối, ta dễ dàng tìm mọi cách để lừa nhau, người nọ lừa người kia và mỗi người tự lừa mình.
Tất cả chỉ bắt đầu bằng việc không xác định được trình độ thực của mình và chỉ thích đo mình bằng thước đo riêng chứ không phải bằng thước đo của thế giới.

Trong khi đang mê muội trong cơn tự nhận thức, lẽ tự nhiên là chúng ta  bỏ qua mọi ý kiến nhận xét có vẻ trái tai, mà bài viết dưới đây là một ví dụ.

Phụ lục

Tao Đàn cóc nhái ngày Xuân
Trần Hoàng Nhân

Như mọi năm, Xuân đến là vương quốc Đầm Lầy tổ chức Lễ hội Tao Đàn ở khắp các tỉnh thành. Có một địa phương từ cấp xã đến cấp tỉnh đều có ngày thơ riêng, đỉnh cao là ngày thơ trong đêm trăng tròn tháng Giêng trên một đỉnh núi. Câu lạc bộ thơ các cấp đều hồ hởi phấn khởi trong tháng Giêng này. Một số nhà thơ chạy show đọc thơ mệt nghỉ trong suốt mấy ngày.
Chất lượng thơ của Lễ hội Tao Đàn Đầm Lầy chưa biết hay dở thế nào, nhưng chắc chắn là thơ “chuẩn không cần chỉnh”. 
Ngày trước các cụ thơ rằng: “Con mèo con chuột có lông/Cây tre có mắt nồi đồng có quai”.
 Ngày nay, một số thi sĩ trong Đầm Lầy có thơ tả cảnh quê hương, rằng: “Quê tui có một dòng sông/Mùa hè nước cạn mùa đông nước đầy/Cầm cần câu cá trên tay/Cá bơi dưới nước chim bay trên trời”. Hoặc: “Chị tui lớn tuổi hơn tui/Mẹ tui còn lớn hơn tui rất nhiều/Ngoài đồng có một cánh diều/Diều mà có gió thì diều nó bay”…

Năm nay (cũng như các năm nọ), Tao Đàn Đầm Lầy quyết định ngoài cờ xí trống chiêng còn có các phần trình diễn thơ, múa thơ, đánh quyền thơ và nhảy hip-hop thơ… cho sinh động để khán giả bớt buồn ngủ. Cư dân trong Đầm Lầy đa phần là nòng nọc cụt đuôi nên mọi sự diễn ra ở Lễ hội Tao Đàn đều ngẩn tò te không biết gì. 
Chỉ biết rằng năm nào cũng vậy, bộ phận truyền thông của lễ hội phát trên đài, trên báo rằng: Tao Đàn năm nay nhất định thành công tốt lành, rằng bạn bè thế giới tròn xoe mắt mà kính phục chúng ta, rằng thơ ca đã đu theo các chùm bóng bay lên trời khiến Thượng đế cũng động lòng mà thương cho giống loài cóc nhái của Đầm Lầy nhà mình.

Nhớ năm ngoái, một vị ếch gần già (chứ chưa lẩm cẩm) nằm trong Ban tổ chức Lễ hội Tao Đàn tuyên bố sẽ xây dựng Đầm Lầy thành một cường quốc thơ ca của thế giới! Nghe xong, rất nhiều cư dân nòng nọc của Đầm Lầy sung sướng như mơ. Bởi các vương quốc khác họ trở thành cường quốc nhờ dân họ tiền nhiều, nhờ tên lửa hạt nhân, nhờ thủy quân hiện đại… Đầm Lầy ta không có các phương tiện trên thì ta có thơ thể hiện tâm hồn mơ mộng và tinh thần yêu chuộng hòa bình. Nếu vương quốc nào trên Trái đất này cũng chạy đua thành cường quốc thơ thì chiến tranh không thể nào xảy ra, mà nếu có xảy ra vì chạy đua… thơ thì chắc cũng chẳng có ai bị thương và ngày tận thế càng không có cơ hội.

Ở Đầm Lầy, gần như ai cũng biết làm thơ. Chính vì nhà nhà làm thơ, người người mần thơ với một lực lượng hùng hậu được trang bị “thơ tận răng” như thế, Đầm Lầy xứng đáng là cường quốc thơ chứ còn gì nữa! Một số vị giáo sư cóc, tiến sĩ nhái, nhà phê bình ễnh ương ăn lương của quốc vương còn viện dẫn truyền thống thơ ca qua mấy mùa mưa của Đầm Lầy trong các cuộc hội thảo thơ, hội nghị ca. Dù nước trong đầm lầy lúc đầy lúc cạn nhưng thơ ở vương quốc này chưa bao giờ vơi. Toàn là những lý do chân chính đáng để Đầm Lầy trở thành cường quốc thơ ca thế giới.

Một số khác nhờ có đọc báo Tuổi trẻ Cười, nên ra sức phản đối dự án cường quốc thơ này. Họ phản đối vì mới trước Tết Quý Tỵ đây thôi, tầng lớp thợ thuyền là nòng cốt làm ra sản phẩm phục vụ chúng sinh của Đầm Lầy có nơi chỉ được thưởng Tết bằng cân bột ngọt, đường và tờ lịch treo tường có em gái mặc bikini… dòm cho đỡ tủi. Mới năm ngoái thôi, kẹt xe vẫn còn là vấn đề nan giải của lãnh đạo các thành phố lớn trong Đầm Lầy, là hình ảnh kỳ dị trong mắt người nước ngoài có văn minh và là nỗi khốn khổ cho hàng chục triệu dân đen nòng nọc thành thị. Còn môi trường sống thì ngày càng tệ, ô nhiễm từ cọng rau muống đến nguồn nước mưa… Vậy thì trở thành cường quốc thơ để làm gì? Chưa kể, mấy ông bà thi sĩ ễnh ương kêu to nhất trong Đầm Lầy này xưa nay chỉ có giải “nô-đùa” chứ có cái giải “nô-ben” nào đâu mà dám ngẩng mặt với các vương quốc khác về tài thơ của mình mà đòi làm cường quốc!

Cuộc tranh cãi ở vương quốc Đầm Lầy lọt tai một lão người. Lão người này dựng chòi thơ sinh sống lâu năm trên Đầm Lầy. Lão nhủ thầm trong bụng: “Cái xứ cóc nhái Đầm Lầy chúng mày mà cũng đòi cường quốc Tao Đàn à. Ở xứ loài người bọn ta, đi đâu cũng thấy “thi phú” (tức là… thu phí), vậy mà có dám nhận cường quốc thơ ca đâu?
Để khỏi phải nhức lỗ nhĩ vì bọn cóc nhái cãi nhau, lão người, thay vì quăng một mẻ lưới quét sạch bọn cóc nhái hay mần thơ trong Đầm Lầy, quyết định thay bằng kế hiểm độc hơn: làm ngay một bài thơ tên là Tao Đàn cóc nhái rồi thuê bọn người chuyên in lậu photo hàng vạn bản với giá rẻ hơn tảo độc ném xuống Đầm Lầy. 
Lão cười bí hiểm: Phen này, vương quốc Đầm Lầy cóc nhái chúng mày sẽ bị ô nhiễm thơ của tao mà tuyệt chủng!
Bài thơ của lão người có gì mà đòi tiêu diệt cả một giống loài cóc nhái yêu thơ ca? Bài thơ đó của lão người như thế này, được ghi lại từ một nhà thơ dân gian quá cố tên là Lê Trung Dị – vốn là cư dân nòng nọc cụt đuôi trong Đầm Lầy – sau cuộc tuyệt diệt của lão người, Lê Trung Dị thoát kiếp ễnh ương đầu thai thành giống người, chép lại rằng:
Kỳ quá không mưa cóc vẫn ra
Duyên đâu cóc nhái họp chung nhà
Cóc già chễm chệ ngồi chong mắt
Cóc trẻ lăng xăng đọc diễn ca
Cóc thị, cóc quê bò lếch thếch
Cóc sông, cóc núi đứng khề khà
Cùng nhau xướng họa nghe con cót
Cường quốc thơ mơ dữ vậy ta.


Bài viết này vốn in ở Thể thao & Văn hóa cuối tuần số đầu xuân  2013. Nay tôi chỉ tìm được nó trên mạng qua địa chỉ sau http://lethieunhoncom.blogspot.com/2013/02/tao-coc-nhai-ngay-xuan.html




Mới hơn Cũ hơn