VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Tiếng kêu thảng thốt cuối cùng của Nguyễn Minh Châu

Không có mặt trong cả Bến quê lẫn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, truyện ngắn Chợ tết lẻ loi đi giữa một số báo đến mức nhiều người không biết có nó.
Ai ngờ thiên truyện ngắn ngủi lại chứa đựng nỗi niềm tâm sự sâu sắc nhất Nguyễn Minh Châu muốn gửi tới bạn đọc.
Qua một phiên chợ Tết vùng quê xứ Nghệ, nhà văn đã phác họa ra cả tình trạng của xã hội Việt Nam sau chiến tranh: ngưng đọng và luẩn quẩn, cổ lỗ và bất lực, chán chường ngán ngẩm khi nghĩ về quá khứ song lại mơ hồ không biết rồi tương lai mình sẽ đi tới đâu.
Ấn tượng cuối cùng để lại trong đầu óc người đọc chính là câu hỏi thảng thốt khi ông hướng về lớp trẻ:
--“Kim, Kim, Kim, đời cháu mai ngày sẽ ra sao, nếu gắn chặt với những làng xóm quê nhà yêu dấu?”.
Tác phẩm in ra từ đầu xuân 1988.
Từ đó tới nay, tưởng là có nhiều thay đổi song xã hội Việt nam thật ra vẫn chưa tìm ra lối thoát.
 Tôi nghĩ rằng nhiều người đọc cũng như tôi sau khi đọc lại thiên truyện sẽ thấy mình có chung số phận với cô gái tên Kim ấy.
 Nghĩa là hôm nay đây câu hỏi nêu ra cho Kim cũng vẫn là  đang đặt ra với chính chúng ta.



Có một năm, khoảng đầu 1973-1974 gì đấy, đang giữa tháng chạp âm lịch, Nguyễn Minh Châu bị bệnh, phải đi viện và khi ông ra viện, thì đã xong tết. Mọi người ai cũng tỏ vẻ tiếc cho ông là mất một dịp vui, nhưng tôi nhớ là khi nghe vậy, Nguyễn Minh Châu chỉ cười, cái cười hiền lành tự tin vốn có. Rồi ông bảo:
- Thôi cũng tránh được ít ngày phải sống giữa một cơn điên!
Thoạt nghe câu nói có vẻ khinh bạc, nhưng những ai có biết Nguyễn Minh Châu hẳn còn nhớ thường ông sống hơi khó khăn trước những đám đông, cái việc ông ngại tết là có thật, và mỗi lần tết đến thường ông cứ vừa hoan hỉ vừa lúng túng thế nào đó, khiến mọi người có lúc buồn cười song lại nhiều phen thương cảm.
Lại đã có những lần, đúng vào dịp gần tết, Nguyễn Minh Châu về quê. Cái làng chài nơi ông đã lớn lên là thuộc huyện Quỳnh Lưu, cách Hà Nội hơn hai trăm cây số.
 Hồi ấy, bà cụ sinh ra ông còn sống và càng thương mẹ, ông lại càng thương quê, thương cái làng mà có lần ông nói với tôi một cách khái quát rằng, nó còn “thiên nhiên thiên bẩm”, nghĩa là còn hoang dã lắm.
Từ quê trở ra, hầu như bao giờ Nguyễn Minh Châu cũng buồn. Những ngày thường cái buồn đã nặng trĩu tâm hồn ông, huống chi những ngày giáp tết.
 Biết ông vừa đi xa về, nhưng bọn tôi cũng chỉ nói quấy quá ít chuyện vui vẻ mà không dám hỏi sâu thêm.
 Song, càng thấy Nguyễn Minh Châu xúc động, người ta càng tin món nợ viết về làng quê vẫn nung nấu trong ông và chờ ngày có dịp chứng kiến ông viết trực tiếp về quê hương.
Chợ tết là một dịp để Nguyễn Minh Châu trả món nợ đó. Thiên truyện in ra lần đầu trên tạp chí Văn nghệ quân đội số 2-1988.
Gần một năm sau, Nguyễn Minh Châu qua đời, ngày 27-1-1989.
Một cách ngẫu nhiên, Chợ tết có cái may mắn nằm trong số báo xuân cuối cùng mà Nguyễn Minh Châu tỉnh táo còn được nhìn thấy. Và sự trùng hợp đó càng cho phép tôi tin rằng đây là một thiên truyện được Nguyễn Minh Châu để tâm săn sóc kỹ lưỡng, nó giống như bản di chúc Nguyễn Minh Châu rút ra từ đời văn và đời làm người của mình.
***
Một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của Nguyễn Minh Châu trong những năm cuối đời là Khách ở quê ra.
Để tránh những sự công kích vô lối, có lần nhà văn hay lo xa đã phải tìm cách mang lại cho tác phẩm một nội dung thời sự bằng cách chua thêm vào bên cạnh đầu đề dòng chữ “Vài nét cốt cách của một người sản xuất nhỏ cổ sơ còn lại ở nông thôn phản ứng trước tập quán công nghiệp và đô thị”.
Tuy nhiên, ai cũng biết cảm hứng chi phối Khách ở quê ra  là cái phần bóng tối còn nặng nề, cái phần lạc hậu một thời gian dài còn bao trùm lên con người và cuộc sống nông thôn. Lớn lên trên  mảnh đất đã quá cằn cỗi, con người ta phải như cây rau dền gai thô tháp, chen cạnh, bám chặt vào cuộc sống thì mới sống nổi.
Một ấn tượng tương tự về nông thôn cũng có thể tìm thấy trong Chợ tết.
Nhếch nhác, bẩn thỉu, cái làng biển được nói tới ở đây lúc nào cũng tanh mùi cá, và con người thì quẩn quanh tù túng, lúc nào cũng bận bịu với cuộc mưu sinh, không sao ngẩng mặt lên được.
Đến một chiếc cầu qua chiếc lạch hẹp, “khéo lắm chỉ dài gấp đôi thân con bò” (lời Nguyễn Minh Châu trong nguyên văn) người ta cũng không bắc nổi, và muốn lên chợ, người ở xã bên cạnh chỉ có cách chen chúc trên một chiếc đò cũ nát, cọc cạch, để sang xã bên này.
Lạ một cái là chỗ nào cũng đầy người, mảnh đất lầy lội vào những ngày phiên chợ càng chạt những người là  người, đám đông vữa ra như một con sứa bầy nhầy nhũn nhẽo khiến cho lão Đất (một thứ cai chợ) muốn lập lại trật tự chỉ có cách dùng đến roi vọt. Chính ở điểm này, chúng ta thấy sự hợp thời của lão Đất cũng như trong Khách ở quê ra, đã thấy sự hợp thời của lão Khúng: nghĩa là càng cổ lỗ, đơn giản, dung tục, thì  càng được việc. Ở đây không có chỗ cho sự tinh tế.

***
Như Nguyễn Minh Châu có lần đã kể, sau khi viết Khách ở quê ra, ông còn chí thú định viết một truyện nữa, có thể tạm gọi là Khách ở tỉnh về.
Khi những mảnh sống tương phản được đặt cạnh nhau – Nguyễn Minh Châu giải thích – chúng làm tôn nhau lên và cho ta thấy rõ điều hàng ngày ta còn chưa thấy.
Tuy không được dày dặn như Khách ở quê ra, song Chợ tết chính là một thứ Khách ở tỉnh về mà Nguyễn Minh Châu đã dự định.
Cái làng biển được tả ở đây, là dưới con mắt Định, một người đang sống ở Hà Nội và có bà con họ hàng với lão Đất nói ở trên.
Mang cốt cách một viên chức, một “cán bộ thoát ly”, đời sống tinh thần của Định khá phong phú. Và cái chính là Định đã biết nhìn làng quê của mình bằng tầm mắt của người đi xa, biết rộng.
Bởi vậy, nét nổi bật của cái làng chài được miêu tả trong Chợ tết lại là vẻ trì trệ cũ kỹ của nó.
Phong cảnh hiện ra như từ muôn đời vẫn vậy, khiến Định luôn luôn ngạc nhiên: “mặc dù mặt đất bị xáo trộn , nhưng cuộc sống con người lại ngưng đọng, như một sự lặp lại”.
Thế còn con người trong làng? Một thiếu nữ mới nhớn, giống y như mẹ cô ta, ba mươi năm về trước. Một người kéo đò hơn năm mươi tuổi, cũng giống y như người kéo đò năm xưa, khiến Định ngạc nhiên, tưởng như ông ta không già không chết, sau hỏi ra mới biết đấy là con nối nghiệp bố.
Cho đến cả câu đối tết nữa, Định cũng chả buồn đọc, bởi tin chắc “câu đối tết năm nào chẳng viết những câu như mọi năm trước”.
Có thể là trong những ngày thường sự tù túng tẻ nhạt đã ngự trị, song đến những ngày tết, sự ngưng trệ này mới hiện lên như một ám ảnh.  Tâm trạng Định được phác hoạ như một trạng thái nước đôi, liên tục biến chuyển:
 “Một cái gì bao quanh Định, một không khí luôn luôn bao bọc Định, đấy là sự quen thuộc, một nếp sống quen thuộc đã có từ lâu đời và chả có gì bị phá vỡ đang phô diễn trong phiên chợ tết, ban đầu khiến Định say mê và rưng rưng cảm động, song sau đó, hình như chính nó lại làm Định đến phải phát mệt và sợ. Định tưởng mình cùng với cả một đám đông đang sôi sục đến chóng mặt trong một cái guồng quay đầy luẩn quẩn”.

***
Nhà văn hiện đại nổi tiếng Lỗ Tấn là một tài năng kiệt xuất với cái kích thước rộng lớn mà nước Trung Hoa hiện đại mang lại cho ông.
Tôi không có ý muốn đặt tài năng Nguyễn Minh Châu bên cạnh Lỗ Tấn, để làm một cuộc so sánh.
Tuy nhiên, đọc Chợ tết tôi cứ thầm nhớ lại Cố hương của nhà văn Trung Hoa mà sinh thời Nguyễn Minh Châu trong những câu chuyện với chúng tôi, thường tỏ ý khâm phục.
Cũng như trong Cố hương, đọc Chợ tết, ta có dịp sống lại những ý nghĩ của người con đi xa, về thăm quê cũ. Cũng vui buồn lẫn lộn xen lẫn bên nhau, và niềm vui gặp lại dù rộn ràng bao nhiêu cũng không đủ xoá hết ấn tượng về sự nghèo nàn tù túng đang vây bủa quê hương.
Sau hết, sự gần gũi giữa Chợ tết Cố hương là ở cái chất trữ tình như một làn sương mỏng thấp thoáng ẩn hiện sau những dòng chữ.
Nhân vật Nhuận Thổ trong Cố hương sau mấy chục năm gặp lại, cũng già đi, xấu xí tầm thường đi, như người đàn bà tên là Tề, mà Định gặp trong phiên chợ tết. Nhưng người con của Nhuận Thổ là Thuỷ Sinh cũng tươi tắn sinh động, như cô gái tên Kim, con gái mẹ Tề, coi sạp hàng sách quốc doanh hôm nay.
Kết truyện, trong khi Lỗ Tấn thiết tha tự nhủ “Chúng nó cần phải sống một cuộc đời mới, một cuộc đời mà chúng tôi chưa từng được sống”, thì Nguyễn Minh Châu, qua nhân vật Định, sau một hồi thảng thốt trước một thực tế luẩn quẩn, cũng gần như kêu lên: “Kim, Kim, Kim, đời cháu mai ngày sẽ ra sao, nếu gắn chặt với những làng xóm quê nhà yêu dấu?”.

Người ta thường nói nhà văn nên kín đáo giấu mình sau tác phẩm. Nhưng trong thực tế sáng tác, trước những khung cảnh xúc động, các nhà văn thường không ngại “xé rào” bước ra trò chuyện trực tiếp với người đọc. Lỗ Tấn đã làm như thế, rồi đến lượt Nguyễn Minh Châu, không hẹn mà nên, cũng làm như thế. Và điều nhân vật Định tự nhủ trong đầu cũng là điều chính nhà văn muốn nhắn nhủ với chúng ta qua Chợ tết. Nó là tiếng kêu thảng thốt cuối cùng của Nguyễn Minh Châu.


Bài in lần đầu trong Cánh bướm và đóa hướng dương 1999

Biết rằng bạn đọc không dễ tìm lại
thiên truyện này của Nguyễn Minh Châu,
chúng tôi đang nhờ đánh máy
và sẽ giới thiệu lại trên blog vào những ngày tới.



Mới hơn Cũ hơn