VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Quản lý Hà Nội sau 10-1954 -- một cách hiểu về dân chủ quá dung tục

Trong các nhận xét của  Nguyễn Huy Tưởng mà tôi đã nêu ở bài trước Những thay đổi  đã đến với  Hà Nội từ sau 1954:Tính nghiệp dư trong quản lý, thì cái nhận xét có liên quan đến nhân sự “con sen trở thành đại biểu khu phố”có lẽ là quan trọng nhất.
Nó đề cập tới nhân tố hàng đầu khiến cho Hà Nội từ một thành phố thanh lịch văn minh trở thành một thành phố nham nhở nhếch nhác, một thành phố tầm thường và đi đầu trong việc học đòi ăn chơi như chúng tôi đã nói.
    Người ta có thể bảo sự tức giận của Nguyễn Huy Tưởng là hoàn toàn có lý nếu đứng trên bình diện cảm tính – nghĩa là một người có lương tri bình thường cũng dễ cảm thấy.
     Nhưng điều này cũng đúng nếu dùng đầu óc để suy đoán và truy tìm lại sách vở kim cổ để có chỗ dựa.

    Những cảnh báo đã có từ …  triết học Hy lạp cổ đại
     Hai chữ con sen mà Nguyễn Huy Tưởng đã dùng có thể được hiểu là những người không có trình độ hiểu biết, những người mà ở Hà Nội sau 1954 được gọi là dân nghèo thành thị, hoặc một chữ sang hơn, nhân dân lao động.
    Trong ý tưởng của tác giả Sống mãi với Thủ đô, lớp người này mãi mãi chỉ là người cần được hướng dẫn giáo dục lãnh đạo; nếu được sử dụng vào việc quản lý họ sẽ trở thành một thứ nghiệp dư xoàng xĩnh.
    Nhưng việc đề cao nhân dân lao động, đưa họ vào hàng ngũ những người cầm quyền , thật ra lại là một nguyên tắc bao trùm của xã hội hôm nay.
   Ý chúng tôi muốn nói tới thể chế dân chủ mà chúng ta tự hào.
    Trong cái vẻ cụ thể của nội dung khái niệm chứ không phải chữ nghĩa bề ngoài, nguyên tắc dân chủ ở ta bao gồm cả hai khía cạnh:
   Một là tổ chức những cuộc bầu cứ phổ thông đầu phiếu một cách hình thức.
   Và hai là đưa những người thuộc về nhân dân lao động vào bộ máy quản lý.
 
   Tôi thuộc vào thế hệ học sinh trung học ở Hà Nội sau 1954, nên cố nhiên không biết triết lý Hy La là gì. Thỉnh thoảng có thấy nói lướt qua thì nghe như ở đó toàn bàn về những điều trừu tượng duy tâm duy vật chả có gì thiết thực.
     Lớn lên đi làm báo làm xuất bản, cố nhiên không bao giờ có dịp quay về, và giờ đây, lại càng không đủ trình độ để đọc vào nguyên bản.
     Chỉ còn có cách đọc qua trung gian.
     May mà loại sách này ở miền Nam trước kia không thiếu.
     Điều thú vị tôi phát hiện ra là mấy ông như Platon lại nói nhiều ý dính ngay đến điều chúng ta đang quan tâm.



     Trong cuốn Câu chuyện triết học của Will Durant, bản dịch của Trí Hải và Bửu Đích, in ra, tức tái bản, ở nxb Văn hóa thông tin 2008, ở các trang 29-30, người ta có thể đọc được những lời dẫn giải sau:
 Về sự tham gia của đám đông vào việc quản lý xã hội
   Khi chính thể dân chủ đến, kẻ nghèo chiến thắng đối thủ của họ, tàn sát một số, trục xuất một số, và cho tất cả mọi người tự do bình đẳng.
    Nhưng chính thể dân chủ tự phá hủy vì [ bề ngoài]  quá dân chủ.
    Họ -- đây muốn chỉ những người đề xuất chính thể dân chủ -- muốn rằng tất cả mọi người đều có quyền tham gia chính phủ và ấn định đường lối quốc gia.
     Sau khi bảo rằng mới xem qua thì việc bầu cử phổ thông – tức là cho tất cả mọi người tham gia vào việc lựa chọn các thành viên của bộ máy quyền lực --, là một lý tưởng quá ư tốt đẹp, W. Durant cài ngay vào đấy cái ý của Platon cảnh báo rằng thực ra việc đó vô cùng nguy hiểm. Vì dân chúng không được giáo dục để có thể  lựa chọn người tài giỏi ra cầm quyền và tìm ra đường lối thích hợp nhất.
     “Dân chúng không có kiến thức, họ chỉ lặp lại những điều nhà cầm quyền nói với họ”.
       Phát triển ý của Platon, Durant cũng đi guốc vào bụng các nhà chính trị khi chỉ rõ cái chiến thuật xoàng xĩnh: muốn ủng hộ hoặc đả phá một học thuyết, chỉ cần soạn những vở kịch [hiểu theo nghĩa rộng những tác phẩm văn nghệ] trong đó những học thuyết kia được đem ra chỉ trích hoặc cổ võ, rồi trình bày  trước công chúng.
      Thế là tha hồ dắt mũi họ.
….
     Tổng kết về chuyện bầu bán,  W. Durant viết:
     Dân chúng rất ưa những lời nịnh hót; những kẻ khôn ngoan và vô liêm sỉ, tự gán cho mình cái nhãn hiệu bảo vệ dân chúng [nói lên tiếng nói dân chúng] thường được mở ra cả cơ hội lớn để nắm quyền lực tối cao.

    Chính  Platon đã tỏ ra kinh ngạc về sự điên rồ khi giao cho  quần chúng [đang còn là đám đông những kẻ chưa trưởng thành] trọng trách chọn người cầm giềng mối quốc gia.


Về sự có mặt của một vài đại biểu đám đông trong bộ máy quyền lực     
    Đây mới là chỗ liên quan tới những con sen của Nguyễn Huy Tưởng.
   Theo W. Durant, Platon phàn nàn rằng đối với một việc nhỏ như việc đóng giày, may quần áo, người ta còn phải lựa chọn những người thợ chuyên môn, tại sao trong lĩnh vực chính trị là một lĩnh vực có tầm ảnh hưởng rộng lớn, người ta có thể tin rằng bất cứ kẻ nào chiếm được nhiều phiếu [hậu quả của việc được bảo kê hoặc giỏi tiếp thị trước công chúng] đều biết cách trị nước an dân.
    Khi chúng ta bị bệnh, chúng ta không kiếm những thày thuốc đẹp trai hoặc những thày thuốc dẻo mồm khoe khoang mà mời bằng được những y sĩ lành nghề  đã trải qua nhiều năm đèn sách và học tập.
     Thế thì tại sao khi quốc gia lâm nguy chúng ta không tìm tới  những người khôn ngoan nhất đức hạnh nhất?

  
    Rút lại, theo W.Durant, ý của Platon là:
    Để cho dân chúng cầm quyền không khác gì để cho con thuyền quốc gia lướt trong vùng bão tố, miệng lưỡi bọn chính trị gia càng làm mặt nước nổi sóng và có thể lật ngược cả hướng đi của con thuyền.
    Không chóng thì chầy, một chính thể như vậy sẽ rơi vào con đường độc tài.
   
  Tìm ra mọi phương pháp để loại bỏ bọn bất tài và bịp bợm ra khỏi bộ máy quyền lực. 
   Chọn lựa cho được những kẻ tài cao đức trọng.
   Đó là vấn đề chính của triết lý chính trị.

Trở lại với chuyện Hà Nội

      Dưới dạng đối thoại, chúng ta sẽ bàn tiếp về câu chuyện “những con sen trở thành đại biểu khu phố“, ở khía cạnh sự có mặt của nhân dân lao động trong việc quản lý các thành phố hiện đại.

  --Nguyễn Huy Tưởng chỉ nói về một hai trường hợp cá biệt. Anh đẩy lên quá đáng và đưa ra những khái quát non.
 -- Không đúng. Sau 30-4, vừa vào Sài Gòn mấy ngày, Nguyễn  Khải đã kể với tôi một chuyện đang bàn ở gia đình ông. Bà chị họ của ông than phiền nhiều lần rằng giải phóng sao mà kỳ quá, sao mấy ông mới vào lại đưa con bé giúp việc nhà bà ra làm tổ trưởng dân phố, nó có biết gì đâu.… 

-- Sau đó, họ đã đi học, đã có bằng cấp.
-- Đi học Bổ túc công nông, năm lên ba lớp chứ gì? Rồi thời nay là lấy bằng tiến sĩ bằng cách cho người đi học thuê chứ gì?

-- Thế tức là anh cho rằng nhân dân lao động không thể tham gia vào việc quản lý thành phố? Cũng như Hà Nội thứ thiệt phải là người đã sinh sống ở đây nhiều đời chứ không thể là dân các tỉnh đổ về?
-- Không đúng. Bất cứ ai nghiên cứu lịch sử Hà Nội cũng biết rằng ngày trước 1945, Hà Nội luôn luôn được bổ sung bằng dân nhập cư. Nhưng đó là những người ưu tú của các địa phương, những người thợ giỏi, những người buôn bán giỏi, những học trò xuất sắc từng đỗ đạt có thứ hạng cao trong các cuộc thi nghiêm chỉnh.
Tôi không đặt vấn đề xuất thân của con người. Tôi chỉ muốn đánh giá con người bằng 
nhân cách và trình độ nghề nghiệp của họ. Quản lý xã hội hay nói như chúng ta hay nói làm chính trị  cũng là nghề nghiệp. Ở đây không có chỗ cho đám người nghiệp dư.

       Xin nói rõ hơn về cái ý cuối cùng này.
     Thời xưa ấy, cái loại người tay nghề loàng xoàng, những kẻ lười biếng và dốt nát không bao giờ tìm được chỗ đứng ở Hà Nội.
     Cũng tương tự như vậy, cách tổ chức bộ máy quan lại của Trung Hoa với Việt Nam xưa là sử dụng những cuộc thi để tuyển chọn nhân tài.
     Xưa còn có lối cấm đoán không cho con nhà hạ lưu đi thi.
    Sau cái lệ ấy đã bỏ.
    Người ta bình đẳng với nhau trước các kỳ thi, và khi đã qua khảo hạch, tức là người ta đã trở thành kẻ trí thức, sống theo lễ nghĩa biết ăn biết ở. Người ta không còn là dân “chân đất mắt toét” “ ba xoa hai đập”, giống như số đông những anh cốt cán trong cải cách, lấy việc hận thù ghen ghét những người ưu tú, tố điêu và nịnh bợ làm đường tiến thân.
   Đấy là nói chung về chỗ khác nhau giữa việc tuyển lựa quan chức thời nay và thời xưa, bao gồm cả thời phong kiến lẫn thời Pháp thuộc.

   Riêng với quan chức Hà Nội, thì ngay từ thời xưa, người ta phải có hiểu biết thế nào là đô thị, và người đô thị, vai trò của các thành thị trong sự phát triển kinh tế và văn hóa của quốc gia xứ sở. Chỉ đến thời đại ta mới có những người làm dân thường ở đô  thị không xong, đã nhẩy lên làm quan chức, hành hạ người khác.


Mới hơn Cũ hơn