VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ghi chép trong tuần ( 13-19/10/2014)

14-10
MỘT BÀI THƠ CHÍN ĐẸP
CỦA MỘT GIAI ĐOẠN VĂN HỌC PHỤC HƯNG
Nửa đầu tháng mười tôi ở Hà Nội. Thường hay nhớ lại một bài thơ của Tế Hanh mà nay đã quên cả tên:
Em lại về trong ngày hội lớn
Trong khi mùa lại đón thu sang
Thủy tinh trong suốt từng không khí
Rót mật bầy ong tải nắng vàng


Trời xanh êm soi nước xanh êm
Mây như lụa mỏng gió tơ mềm
Tiếng ai thầm gọi trong trăng sáng
Một ánh mong chờ gợn mắt em

--Anh lớn ơi hồi chưa Cách mạng
Mùa thu có đẹp thế này không?
-- Thu nay đẹp lắm ơi em nhỏ
Đời cũng như em má ửng hồng


Trong đời sống văn học Hà Nội 1945-75, giai đoạn 1958- 1964 là một giai đoạn có thể gọi là chín, thuần thục. Sau những bước trồi sụt từ 1957 về trước, nay đến lúc phục hưng. Phục hưng với nghĩa, về mức độ hoàn thiện, gợi cho người ta nhớ tới thời kỳ tiền chiến.
Về sau, mỗi khi cần nghĩ tới những điều tốt đẹp để động viên mình sống và viết, tôi thường nhớ lại những sáng tác hồi đó, cả thơ lẫn nhạc. Ví dụ bài hát như Bài ca hy vọng của Văn Ký. Ví dụ như bài thơ trên của Tế Hanh. Mỗi lần đọc lại, tôi cảm thấy như được sống trong một khung cảnh thanh sạch,cho phép mình một thứ mơ mộng phải chăng – tất cả cái ngây thơ hồi ấy sau bị chiến tranh tàn phá nên coi như mãi mãi phôi pha không bao giờ trở lại.
Tôi đã từng nói cái nhận xét về chất phục hưng của giai đoạn 58-64 theo nghĩa trên với Tế Hanh lúc ông còn khỏe. Là người đã sống những năm tháng huy hoàng của tiền chiến, Tế Hanh bảo là cũng thấy như tôi.


15-10
DANH NGÔN HIỆN ĐẠI
Từ điển danh ngôn thế giới do Lưu Văn Hy biên soạn bản của nhà Tổng hợp TP HCM 2006 có một ưu điểm, so với một số cuốn khác tôi đã đọc -- tác giả chọn được ra nhiều câu thú vị có liên quan đến đời sống chính trị hiện đại.
Một câu của nhà văn Mỹ Henry Brooks Adams (1838 – 1918)
Làm chính trị, trên thực tế, bất luận trong lĩnh vực nào, luôn luôn là việc tổ chức một cách có hệ thống lòng căm thù.(Tr 12)

Câu của tiểu thuyết gia Anh Elizabeth Gaskell (1810 -1865)
Nội dung cơ bản của loại chủ nghĩa ái quốc ấy là ghét bỏ mọi quốc gia khác (tr 129)

Câu sau đây liên quan tới Henry Reed nhà thơ Anh (1914-1986). Nghiên cứu về hồi ký của một viên tướng Mỹ thời kỳ nội chiến Nam Bắc, ông nhắc lại một câu của viên tướng đó:
Trong một cuộc nội chiến, một viên tướng cầm quân phải biết – bằng vào bản năng hơn là thực hành – phải biết chính xác khi nào ngả sang phe bên kia. (Tr 283)
Theo tôi hiểu ở đây người ta muốn nói, trong một cuộc nội chiến, không phải phe này hay phe kia chiến thắng mà hãy  nghĩ và hành động sao để cả dân tộc chiến thắng, nghĩa là tránh được chiến tranh, vãn hồi hòa bình, ở đó người ta bàn bạc với nhau về vận mệnh Tổ quốc.
Lòng trung thành với quốc gia phải đặt cao hơn lòng trung thành với phe phái mà mỗi người là một thành viên.

Nhìn vào các cuốn từ điển danh ngôn, phần bàn về nội dung chính trị, tôi nhận thấy không có tác giả người Việt. Ở cuốn này cũng vậy. Nhưng rồi tôi tự hỏi, nếu mình biên soạn mình biết chọn ra câu danh ngôn nào của Việt Nam bây giờ. Không có! Người mình không có những nhà chính trị có tư tưởng mà khi phát biểu ra, thiên hạ phải chịu rằng những tư tưởng này cũng đúng với trường hợp xứ họ.


16-10

KHI DỐI TRÁ, CON NGƯỜI ĐÃ BIẾN DẠNG
Ngoài việc viết báo, Trần Đĩnh còn là một dịch giả. Một trong những bản dịch tôi đã đọc của ông là cuốn Trương Nhung -- "Những con chim hồng hộc", nxb Phụ nữ, 2008

Đây là đoạn viết về Trương Nhung trong Wikipedia
Trương Nhung (Trung văn giản thể: 张戎; Trung văn phồn thể: 張戎; bính âm: Zhāng Róng; Wade–Giles: Chang Jung, Phát âm tiếng Trung: [tʂɑ́ŋ ɻʊ̌ŋ], tiếng Anh: Jung Chang, sinh 25 tháng 3, 1952) là một nhà văn quốc tịch Anh sinh tại Trung Quốc và hiện đang sống ở Luân Đôn. Bà nổi tiếng với cuốn truyện viết về gia đình mình
"Wild Swans" đã bán trên 10 triệu bản khắp thế giới nhưng bị cấm tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Cuốn tiểu sử Mao Trạch Đông dày 832 trang, "Mao: The Unknown Story", của bà viết cùng chồng là sử gia Anh Jon Halliday, đã được xuất bản tại Anh tháng 6 năm 2005.
Trương Nhung sinh ra tại Nghi Tân, Tứ Xuyên ngày 25 tháng 3 năm 1952. Cha mẹ bà là viên chức Đảng Cộng sản Trung Quốc và cha của bà là người đam mê văn chương. Từ khi còn nhỏ bà đã có tình yêu với việc đọc và viết, sáng tác thơ văn.
Là cán bộ Đảng, gia đình bà có cuộc sống tương đối tốt. Cha mẹ bà lao động cần cù và cha bà là một tuyên truyền viên có uy tín tại địa phương. Ông là "cán bộ cấp 10", có nghĩa rằng ông là một trong 20.000 cán bộ quan trọng bậc nhất của Trung Quốc. Đảng Cộng sản cấp cho gia đình bà một chỗ ở trong khu nhà có tường bao và được canh gác, một người giúp việc, một tài xế, cùng với một vú nuôi cho năm anh chị em của bà. Những đặc quyền này là phi thường tại Trung Quốc những năm 1950 còn rất nghèo khó.
Nhưng gia đình bà cũng đã tan nát vì cách mạng văn hóa, chỉ may mắn sống sót và có dịp làm ăn trở lại khi ra định cư ở nước ngoài


"Mao: The Unknown Story" từng được nhà báo Bùi Tín làm bản tóm tắt in nhiều kỳ trên mạng.
"Wild Swans" mà Trần Đĩnh dịch là "Những con chim hồng hộc", có khi còn được dịch là "Những con thiên nga dại".

Xin chép lại một đoạn Trương Nhung kể lại đời sống tinh thần của con người thời công xã nhân dân.
Mùa hè ấy, Trung quốc được gom lại thành những đơn vị mới, mỗi công xã có từ 2.000 đến 20.000 hộ. Một trong những nơi đi đầu của phong trào này là Tú Thủy ở tỉnh Hà Bắc và nó liền được Mao ca ngợi đánh bóng.
Để tỏ ra xứng đáng với sự quan tâm của Mao, đảng bộ địa phương tuyên bố sản lượng hạt cốc của họ tăng hơn trước mười lần.
Phần lớn dân chúng bị cuốn vào cái thế giới viển vông điên rồ này.
Nhiều người kể cả những nhà nông học và lãnh đạo cao cấp của Đảng nói họ đã chứng kiến các phép lạ này.
Những ai không ứng hợp kịp với các tuyên bố hoang đường của người khác thì bắt đầu nghi ngờ chính bản thân mình và tự phê bình là bảo thủ.
Dưới một nền độc tài như chế độ của Mao, nơi người ta giấu và chế biến thông tin, rất khó tìm thấy một người bình thường mà còn tin vào kinh nghiệm hay kiến thức của chính mình.
Lờ hiện thực đi rồi đơn giản đặt niềm tin vào Mao thì dễ sống. Ngừng lại để suy nghĩ hay ngờ vực thì có nghĩa là chuốc rắc rối vào người


Sau khi kể lại một cuộc đấu tố ngắn gọn trong thời kỳ này, tác giả bình luận tiếp:
Người dân đã học được cách bất chấp lý tính mà đi đóng kịch mần tuồng.
Ngôn ngữ của họ dần thoát ly hiện thực trách nhiệm và ý nghĩ thực của con người. Cả nước trượt vào lối nói nước đôi.
Người ta nói dối nói dá dẻo quẹo bởi vì chữ đã mất nghĩa và chẳng còn có ai coi lời người khác nói là nghiêm chỉnh nữa.
Sau đó bệnh dối trá lại được củng cố bởi quy chế quân ngũ hóa xã hội.
Khi cho tổ chức ra những công xã đầu tiên, Mao nói cái lợi chính của nó là giúp cho việc kiểm soát dân chúng dễ dàng, vì từ nay nông dân thôi sống riêng lẻ mà được đặt vào một hệ thống tổ chức chặt đến không ai cựa nổi.
Một cách quân ngũ hóa nữa là đặt ra các nhà ăn tập thể.


Trích từ "Những con chim hồng hộc"
bản dịch Trần Đĩnh,Tr203- 205


17/10
NHỮNG TAI HẠI DO KHÔNG NGHIÊN CỨU
VÀ GIẢNG DẠY NGHIÊM TÚC TIẾNG HÁN VIỆT
Trong buổi cà phê ở chỗ anh Dương Thụ thứ bảy 18-11 này, bọn tôi sẽ được nghe ông Hoàng Dũng nói về chủ đề:
"Ứng xử của tiếng Hán Việt trong tiếng Việt hiện đại"

Đọc lời dẫn thấy diễn giả viết:
Tiếng Hán Việt rất quan trọng, không chỉ vì tiếng Việt đã du nhập một số lượng lớn từ Hán Việt, mà còn vì chúng có vai trò đặc biệt, không thể thay thế, trong việc cấu tạo các thuật ngữ khoa học và các diễn ngôn quan phương. Tiếng Hán Việt hoạt động theo quy tắc nào? Đó có phải là biệt lệ so với các ngôn ngữ Sino-xenic (các ngôn ngữ có số lượng lớn từ vay mượn tiếng Hán như tiếng Nhật, tiếng Hàn) và rộng ra là sự vay mượn phổ quát xảy ra giữa các ngôn ngữ có quan hệ tiếp xúc hay không? Thái độ đúng đắn là đề cao khuynh hướng "giữ gìn sự trong sáng" (purism) hay tôn trọng hiện thực?
Đọc lời dẫn giải ấy, tôi hiểu đây là buổi nói về vai trò, về tầm hoạt động và ý nghĩa của tiếng Hán Việt.

Tôi đã viết ngay trong email cho người bạn trẻ Linh Thoại “tiếng Hán Việt quan trọng vì nó liên quan tới sự phát triển trí tuệ của cộng đồng và là phương tiện băt buộc để người Việt hội nhập với quốc tế. Điều đó đúng trong lịch sử lai càng đúng với xã hội hôm nay”

Trong lúc chuẩn bị để viết một bài kỹ lưỡng hơn, tôi tìm thấy đoạn ghi chép cũ ghi từ mấy năm trước:
Trong cuốn sách "Việt Nam và Pháp, bạn hay thù" tác giả Philippe Devillers, nxb Tổng hợp TPHCM , 2006 các trang 288-290 - có một đoạn kể lại những tính toán của người Pháp sau khi chiếm được các tỉnh miền Tây, cuối thế kỷ XIX , muốn xác định nền giáo dục ở các xứ bảo hộ để phục vụ cho nền cai trị của họ ra sao.
Lúc bấy giờ đô đốc Bonard còn phân vân không biết nên dạy cho người bản xứ là chữ Hán hay chữ Quốc ngữ. Nhưng các cha cố thì kiên quyết là dạy ngay chữ Quốc ngữ vì nó rất cần cho việc giảng đạo của họ mà lại học được nhanh.
Ở chỗ này, tôi thấy Bonard là một người rất sâu sắc. Ông ta bảo rằng đúng là học chữ Quốc ngữ thì nhanh biết chữ thật nhưng chỉ tạo ra những con vẹt; có điều do nhu cầu của việc bình định, ông ta vẫn đồng ý với việc dạy chữ Quốc ngữ.
Sau này, tôi có đọc được trong một cuốn sách của Nguyễn Văn Trung về chữ quốc ngữ, cuốn này vì in ra từ cuối 1974 đầu 1975 nên ít người biết. Ở đó Nguyễn Văn Trung có dẫn lại ý của một người Pháp nói rằng là từ sau khi việc dạy chữ Quốc ngữ được phổ biến thì mặt bằng đạo đức xã hội của các tỉnh miền Tây thời đó thấp hẳn xuống
.

Cái lạ ở đây là sự xuất hiện của nhóm từ "mặt bằng đạo đức".
Như vậy, ngôn ngữ không phải là một công cụ vô can? Ngôn ngữ có liên quan tới sự định hình đời sống tinh thần và trình độ làm người của các dân tôc?


Hôm nay giở lại cuốn sách của Philippe Devillers, thấy ở tr 289 có chép lại những lời giảng giải của một người Pháp là Luro về sự khác nhau giữa việc học chữ Hán và việc học chữ quốc ngữ:
Biết đọc và biết viết, trong tiếng Trung Hoa, có nghĩa là đã để vài năm ở tuổi thanh niên của mình dừng lại trên những cuốn sách đạo lý, lịch sử, đã nghiên cứu và thấu hiểu các cuốn sách đó. Như vậy là đã nhận được cả sự học vấn và sự giáo dục(…). Còn với hệ thống của chúng ta [với tiếng quốc ngữ mà chúng ta dạy] đứa trẻ ra khỏi trường mà chẳng có chút kiến thức về đạo lý tức là chẳng được giáo dục gì cả.

Tôi rất thích cái ý tưởng này bởi lẽ, ngược với ý kiến nhiều người quá tự hào về chữ quốc ngữ và việc dạy chữ quốc ngữ từ 1945 tới nay, tôi thấy việc bỏ qua không dạy tiếng Hán Việt – dạy một cách khoa học, cẩn trọng nghiêm túc – đã là cản trở cho sự phát triển của xã hội VN, nhất là khi ta bước sang thời hậu chiến.

19/10
Một câu ghi được từ cuốn Người Nhật của Pronikov & Ladanov, Nxb Tổng hợp TP HCM, tr 264

Kẻ nào đã dám cắn vào tay người đã cho hắn ăn, kẻ đó tất sẽ liếm ngay đế giày kẻ vừa chà đạp hắn.


Mới hơn Cũ hơn