VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ba bài viết ngắn về Tô Hoài

                                     
   
 Ở các nhà trường hồi tôi đi học người ta thường đưa ra một luật lệ của sự sáng tác: hãy xây dựng điển hình. Về một giai cấp, một tầng lớp, một con người hãy cố tìm ra  một hình ảnh duy nhất. Như tạo ra một bức ảnh thờ vậy.
 Nhưng về sau đọc rộng ra, tôi thấy có một thứ lý luận khác và tôi rất thích, tôi cho là nó phát huy hết sức mạnh của người viết. Để hiểu về một con quạ, văn chương cần đưa ra 11 hình ảnh khác nhau, và bạn đọc sẽ từ đó hình dung ra hình ảnh thứ 12, đó là con quạ của họ.
  Trong phê bình cũng vậy. Với mỗi nhà văn, người phê bình có thể đưa ra nhiều hình ảnh khác nhau, và tổng hợp lại bạn đọc sẽ tìm thấy hình ảnh nhà văn của mình.
  Về Tô Hoài, tôi đã viết hai bài  tổng hợp, một là Tô Hoài và những nghiêm chỉnh của kiếp phù du, in trong Cây bút đời người, 2002 và hai là bài ghi chép Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần, đã in trong tạp chí Nhà văn, 2009.
  Cả hai bài trên, cùng với một loạt bài khác, đã đưa vào blog này.( xem trang mặt của blog, mục Chân dung nhà văn)
Nhưng trong quá trình làm việc, tôi còn một số bài khác, ít được đọc hơn, xin giới thiệu dưới đây.

                         
                          CON MẮT TÔ HOÀI  BÓNG DÁNG NGUYỄN TUÂN

Khi được mời viết hồi ký, không ít nhà văn ở ta thích trả lời: Khi nào già tôi sẽ viết. Nhưng trong phần lớn trường hợp, họ không giữ được lời hứa. Hoặc giả, theo nghĩa đen, không đủ sức thực hiện ý định. Hoặc giả theo nghĩa rộng, già cả, cũ kỹ đi, chỉ sợ người ta quên, nên khi viết ra sức tô vẽ cho mình. Những thiên tự thuật kiểu đó đánh mất đi gần hết giá trị chúng có thể có.
Về phần mình, Tô Hoài quan niệm hơi khác. Ông viết hồi ký từ khi còn rất trẻ. Cuốn Cỏ dại ra đời năm 1944 khi ông mới 24 tuổi.
Bước sang tuổi năm mươi, ông công bố Tự truyện (in báo từ 1971, in thành sách 1978, từ đó về sau nhiều lần tái bản ). Nay ở tuổi bảy mươi, ông lại có Cát bụi,  chân ai. Sống đến đâu, viết đến đó - dường như ông muốn nói vậy. Và các cuốn hồi ký của ông chỉ tự nó trần trần đối diện với bạn đọc, người viết ra nó không cần nhân danh tuổi già, nhân danh năm tháng, kinh nghiệm để... “bắt nạt” ai cả.

Một cách nhìn, một cách viết
Thông thường ở ta hồi ký được hiểu là những cuốn sách người viết tự kể về đời mình. Có nói về những người khác cũng là nhân tiện mà nói, nói tạt ngang cho đậm câu chuyện. Hồi ký của Đặng Thai Mai hay Những năm tháng ấy  của Vũ Ngọc Phan. Từ bến sông Thuơng của Anh Thơ hay Bốn mươi năm nói láo của Vũ Bằng v.v đều chung một kiểu viết như vậy. Cho tới Tự truyện Tô Hoài cũng không ra ngoài thông lệ vốn có.
Chỉ tới Cát bụi, chân ai, nhà văn mới tạo cho thể tài một sự xô đẩy nho nhỏ. Khi còn trích in trên báo, người ta tưởng đây là loại hồi ký với nhiều chân dung liên tục xuất hiện, trong đó, mỗi người bạn từng đi lại thân quen với tác giả được ông dành riêng một chương: Nguyễn Bính, Nguyên Hồng, Xuân Diệu. Nhưng đọc cả quyển mới vỡ nhẽ ra Tô Hoài viết về Nguyễn Tuân là chính, chẳng qua học theo A. Malraux (trong Phản hồi ký) ông cũng gặp đâu viết đấy, nên ngòi bút mới đôi khi sa đà viết thêm về những người khác ít trang. Vẫn là hồi ký - chân dung, nhưng Cát bụi chân ai là bức tranh truyền thần khuôn mặt Nguyễn Tuân, như Tô Hoài được biết, một thứ Nguyễn Tuân nhìn gần ở khoảng cách rất gần, không bị tô vẽ, bị thiêng liêng hoá, có điều không vì thế mà mất đi vẻ khả ái và nhất là những nét đáng thông cảm.

Chỗ giống người của  "kẻ khác  người"
Tuy luôn luôn không quên điểm xuyết đôi nét về con người Nguyễn Tuân giai đoạn tiền chiến, thậm chí đi ngược lại mãi về một thời rất xa, khi Nguyễn Tuân cùng một người bạn định trốn qua Xiêm theo đường Campuchia rồi bị bắt, nhưng trên nét lớn, Cát bụi chân ai là để nói về cuộc đời dấn thân của Nguyễn Tuân như Tô Hoài biết từ sau 1945 tới nay. Đường đời sự nghiệp khác nhau, tâm tính càng không giống nhau, vậy mà giữa hai người đã có chung bao kỷ niệm. Hồi kháng chiến chín năm ở chiến khu sống chung trong một cơ quan đầm ấm, thân mật. Lần theo bộ đội vượt sông đánh đồn. Những năm tháng sau hoà bình 1954, đời sống văn nghệ Hà Nội ngổn ngang bao chuyện. Dăm chuyến đi dài lên các tỉnh miền núi phía bắc những năm chống Mỹ hào hứng, lý thú cũng có, mà giá lạnh đơn độc cũng có. Ai người quen nghĩ Nguyễn Tuân khinh bạc, ích kỷ nghênh ngang tự thị sẽ tìm thấy ở đây, qua những chi tiết rất thật, những giây phút Nguyễn Tuân cũng rất nồng nàn quý trọng tình nghĩa, cũng chi chút trong từng việc nhỏ của đời sống gia đình và của sinh hoạt văn nghệ. Hơn thế nữa, Nguyễn Tuân cũng yếu đuối, cũng làm dáng, điệu bộ, và cũng biết sợ như bất cứ ai. Cái tài của Tô Hoài trong cuốn hồi ký này là ở chỗ phác ra rõ rệt những nét độc đáo trong tính cách Nguyễn Tuân - một câu tiêu biểu “Ô hay, người ta ra người ta thì phải là người ta đã chứ” (tr. 7) - song vẫn cho thấy tác giả Vang bóng một thời thực ra rất gần với chúng ta, với tất cả những phiền luỵ tầm thường, những hy vọng dang dở, những trái khoáy vô lý... của kiếp người. Đã bước trong đời thì hỡi ai kia, chân người rồi cũng lẫn trong cát bụi như mọi chúng sinh mà thôi, nhất định là thế, không thể nào khác, không phải vì thế chúng tôi xa lạ, ngược lại, cát bụi khiến chúng tôi thêm gần gũi với người biết mấy!

Niềm cảm khái cuối cùng
Nhưng dẫu sao, Cát bụi chân ai vẫn là một cuốn hồi ký. Dù bóng dáng của Nguyễn Tuân có trùm lên cả quyển sách, thì cạnh đấy, vẫn hiện lên mồn một cái bóng dáng chính của người viết, một Tô Hoài lịch lãm, ý nhị, bắt vở hết các bậc đàn anh, biết thóp đủ mọi chuyện, khinh bạc, đáo để, song cũng lại biết thiết tha với từng chi tiết trong cuộc sống hàng ngày, lại càng tha thiết trước một chén rượu quý, mấy câu tâm sự bâng quơ, những lá thư cảm động. Công bằng với Nguyễn Tuân cũng tức là Tô Hoài có được công bằng với giới văn nghệ. Dẫu sao, những người này cũng đã có mặt trong suốt cuộc đời tác giả, cùng ông chia sẻ vui buồn, và suy cho cùng, giá mà chẳng tốt hơn, thì họ cũng chẳng xấu hơn những người khác. Với sự chính xác của một thứ bộ nhớ điện tử, đầu óc Tô Hoài thường khi nhớ lại vặt vãnh đủ chuyện. Ngòi bút ông sau những khoáng đạt chơi vơi với những cảnh tượng hùng vĩ ở miền núi, lại thản nhiên, thủng thẳng, mà vẫn không kém sinh động, quay về dựng lại những phút vắng lặng trong câu chuyện mấy bạn tri kỷ, giữa một hàng quán xô bồ của chốn thị thành.
Còn như cảm hứng cuối cùng về cuộc đời? Ở cuối chương Một chặng đường (in trong Tự truyện) Tô Hoài viết: “Trên sóng cát cuộc đời, mình đã từng sống cái kiếp phong trần, vào đâu nên đấy, của con phù du”. Ở cuối Cát bụi chân ai lại vẫn cái giọng mệt mỏi và biết điều ấy “Tôi ngồi lại đây trông vào mịt mùng nhìn thấy xa lắc xa lơ một thời đã qua. Âu cũng là cái nhộn nhạo được khấy dộng chốc lát”. Tiếp đó là cái hình ảnh có sức khơi gợi: “Bãi tắm Cát Cò. Hai bên vách đá thẫm đen, không có bóng người. Con kỳ đà đủng đỉnh bò ra giữa đường hầm, bạnh mang, rướn chân nhìn quanh rồi lại nép vào mép những tảng đá... Vết chân người lẫn chân con kỳ đà in vân vân trên cát”. Một chút hư vô bàng bạc ở đây chỉ làm rõ thêm ấn tượng đã toát ra từ cả cuốn sách, ấy là dù hay dù dở thì tác giả cũng đã viết nó bằng sự thành thực và toàn bộ kinh nghiệm sống của mình, nên chi, nó đáng được đối xử một cách trân trọng và cả độ lượng nữa.

In trên Thể thao và văn hóa , 1993





                                                  MỘT NHÀ VĂN HÀ NỘI

 Không kể thời gian kháng chiến chống Pháp và không kể những đợt đi công tác ngắn ngày, thì từ nhỏ đến giờ, Tô Hoài luôn luôn sống ở Thủ đô. Tính đến đầu 1985, ông từng viết 43 cuốn sách về Hà Nội. Ngoài sáng tác văn học, có lúc ông còn trực tiếp làm công tác đường phố. Hiện Tô Hoài đang là chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội.
 Những chi tiết ấy nhiều người đã biết, cũng như phần lớn chúng ta đã biết hai chữ Tô Hoài là do Tô LịchHoài Đức ghép lại. Một người như Tô Hoài mà có viết nhiều về Hà Nội là chuyện đương nhiên! Giữa Thủ đô và một đời như đời văn của Tô Hoài, quả là có một mối quan hệ đặc biệt.
 Tô Hoài hay kể: ông đến với nghề văn một cách rất giản dị, và bước đầu vào nghề, không thấy có gì mới lạ hơn, so với những nghề khác, như nghề bán giày ở một đại lý cho hãng Bata hay nghề dạy trẻ học mà bạn bè ông thường làm. Đại khái một lần, đi phủ hộ đê, thấy cảnh canh đê, “trống giục trống dồn”, “người lớn và trẻ con rúc ráy bên vệ cỏ” Tô Hoài liền viết truyện Nước lên gửi đăng ở Hà Nội tân văn của Vũ Ngọc Phan.
 Nếu có thể nói vào nghề, có nghĩa là viết truyện in ra được trả tiền cẩn thận thì Tô Hoài vào nghề bằng truyện ấy. Có điều, khi đến với nó, ông vẫn có được sự bình thản, không cuống lên vì hoang tưởng, không quá choáng ngợp.
  Ở đây, có những lý do thuộc về cá tính riêng của Tô Hoài. Nhưng một phần quan trọng khác cũng là  do hoàn cảnh. Ông lớn lên và đi học ở quê ngoại vùng Nghĩa Đô. Từ nhỏ, không những đã quen với Kiều, ca dao, mà còn quen với Tứ dân văn uyển, Văn đàn bảo giám, và các loại truyện dịch Chinh đông Chinh tây, Tam hạ nam đường... Dù là gia đình chỉ làm nghề thủ công, nhưng bước vào tuổi thanh niên, Tô Hoài cảm thấy không có gì xa lạ với mọi tờ báo ở Hà Nội, và Sài Gòn lúc ấy: Nước non, Cậu ấm, Mới, Tiểu thuyết thứ năm, Tiểu thuyết thứ bảy.
 Mới hai mươi mốt tuổi, ông đã viết câu chuyện nổi tiếng về chú Dế Mèn, trong đó cảnh bờ sông Tô Lịch với những vườn nhãn, ao chuôm, con gà ri, đôi chuột bạch... là những khung cảnh gần với ông  ở làng Nghĩa Đô của ông. Cả tư tưởng của một chàng thanh niên mới lớn lên, thích sống độc lập lại cũng thích phiêu lưu như ông diễn tả trong Dế mèn... đều là tư tưởng bao trùm trong nhiều thanh niên thời kỳ 1940-41.
 Tô Hoài lại sớm viết hồi ký. Trong tập Cỏ dại in ra từ 1944, ông lấy chuyện gia đình, họ hàng mình để kể. Gần đây (1978), Tô Hoài có tập Tự truyện, kể lại những bước đường tư tưởng của mình khi mới đến với nghề văn.
 Óc quan sát tinh tế và tỉ mỉ đã giúp cho Tô Hoài nhớ và ghi được nhiều chi tiết về cuộc sống ở Hà Nội. Ông đính chính hộ nhiều người những cái nhầm lẫn, vì như nhiều người cứ nghĩ chung quanh Hồ Gươm: nhiều liễu, hoá ra bây giờ còn mỗi một cây, v.v. Ông lại giúp cho chúng ta tự tìm hiểu thêm về những địa điểm trong sinh hoạt thành phố (chẳng hạn, tại sao gọi là Vườn hoa canh nông?). Rồi, nguồn gốc  nem cuốn ở đâu? Nghề làm giấy ở Bưởi đòi hỏi người thợ thủ công trước đây phải khéo léo, vất vả thế nào?
Xét về thời gian lịch sử, ta thấy Hà Nội đã được Tô Hoài theo dõi liên tục, từ khi Pháp mới sang (Quê nhà) cho tới những năm ba mươi, bốn mươi và kết thúc bằng Cách mạng tháng Tám (Mười năm). Đó là phần ngoại thành, vùng Nghĩa Đô, Bưởi và quá lên vùng Cầu Giấy, Từ Liêm, Hoài Đức, Tô Hoài rất quen.
 Về nội thành, những xóm rác ven hồ Bảy Mẫu cũ, đầu hoà bình lập lại được ông phác qua trong Những ngõ phố và một số nét sinh hoạt Hà Nội hồi đánh B52 được ông vẽ nên trong Người đường phố (cả hai tiểu thuyết đều được in ra 1980).
 Viết về ngoại thành, ngòi bút ông lui tới một cách thoải mái đã đành. Ngay viết về nội thành, Tô Hoài vẫn rất ung dung. Ông không hay tả Hà Nội nhà cao cửa rộng. Trước cách mạng, khu nội thành được ông miêu tả như một nơi không thiếu gì chuyện nhảm nhí, nơi có nhiều nhân vật rất kỳ cục, nào me tây, nào nặc nô hiệu cầm đồ, đủ thứ. Từ 1954 đến nay, bà con hàng phố sống với nhau gần gũi, đầm ấm như người trong một gia đình. Thành phố nhấp nhô những dãy nhà một tầng thấp, bên trong mỗi nhà xanh lên những giàn hoa lý, cây cảnh, cây, cây hoa mộc trong chậu.
 Thành phố với những mái lợp phi-brô xi măng trắng, hay những miếng giấy dầu đen nhoáng, cạnh cửa sổ vải hoa treo dò phong lan tai trâu xanh dày... Đấy là Tô Hoài trực tiếp tả. Một đoạn khác (trong Người đường phố) ông còn để cho một nhân vật nói thẳng:
- Kẻ chợ mà đủ phố Hàng Bừa, Hàng Bún, Hàng Mụn, Lò Rèn... tức là cái gốc nhà quê rõ rồi.
 Cái gốc nhà quê này của Hà Nội không làm cho nhân vật khó chịu. Trái lại, họ nói thế, dễ dàng thấy gần với Hà Nội hơn, cái Hà Nội là của mình, và cùng với tác giả, tìm ra vẻ đẹp của phố xá.
Nhân vật chính trong bút ký Nhớ quê của Tô Hoài là một thanh niên Hà Nội đứng vào đội quân Nam tiến, và nghĩ trong lúc này: “Chúng ta còn ở Hà Nội làm gì?”
Trong tiểu thuyết Những ngõ phố, người đọc lại bắt gặp một trường hợp khác, một gái nhảy của Hà Nội cũ, nay đi tham gia xây dựng các công trường ở miền Tây Tổ quốc, và nghĩ rằng phải đi xa, cái tình của mình với Hà Nội mới trọn vẹn.
Bản thân Tô Hoài cũng vậy. Chúng ta đã nói bao giờ “hộ khẩu chính” của ông cũng là Thủ đô, nhưng từ trước cách mạng ông đã có nhiêu chuyến giang hồ vặt, đi khá xa, tận Huế, Sài Gòn. Bây giờ, ông còn bay đi xa hơn. Ngoài Hà Nội, ông còn một vùng quê nữa để viết là các tỉnh miền núi Tây Bắc, Việt Bắc. Hai cái chất thật đối lập nhau, Hà Nội và núi rừng. Nhưng với Tô Hoài, hai nơi đó đều gần gũi tự nhiên, như đâu cũng là quê ông. Thành thử lại có thể nói về phương diện nữa của chất Hà Nội trong Tô Hoài: Khả năng thích ứng mạnh mẽ. Có cảm tưởng đi đâu ngòi bút ông cũng hoạt động được. Tô Hoài thật đã giống như bao nhiêu người có thời gian ở Hà Nội rồi, thì đi đâu cũng khéo gây dựng cơ nghiệp, sắp xếp nhà cửa, khiến cho cuộc sống mình được nên cơ ngũ, gia đình mình trở thành có nền nếp.
Bao nhiêu người Hà Nội, sau những năm kháng chiến ở lại Việt Bắc, hay Nam Định, Thanh Hoá đã sống như thế. Lại bao nhiêu gia đình ngoại thành Hà Nội, đi xây dựng miền núi, những năm sau 1954, đã sống như thế.
Chúng ta vừa nói Tô Hoài đến với nghề một cách bình thản. Nhưng sau khi đã có một quan niệm sòng phẳng thế rồi, nghề văn ở Tô Hoài lại được nhìn nhận khá tỉ mỉ. Nói đây là chuyện để cả đời người ta làm, cũng không phải quá đáng. Từ chuyện lẩn mẩn người ta ăn, người ta mặc thế nào, đến chuyện suy nghĩ tư tưởng một thời... đều phải lắng nghe, để mắt tới. Lúc nào cũng lo tích luỹ, nhặt nhạnh. Và viết, viết rất đều tay, không chờ cảm hứng, không viết theo những cơn nóng lạnh bất thần. Chẳng hạn ai đã làm nghề văn đều biết, gọi chung là viết, nhưng công việc rải ra đủ thứ, người chuyên viết ngắn, người chuyên viết dài, người chỉ sáng tác cho người lớn đọc, người thâm canh ở khu vực viết cho thiếu nhi. Thậm chí, nói đến cùng, cũng phải thấy là trong nghề người ta hay có thành kiến: Việc này người mới vào nghề mới đáng làm, người lâu năm trong nghề không nên làm. Việc này dở, việc kia mới sang trọng v.v...
Tô Hoài không thế, ông viết đủ thứ, miễn thấy cần làm là làm, không chọn việc. Đấy chính là một đặc điểm của ngòi bút Tô Hoài, nó khiến cho nhiều người nhìn ông phải khâm phục.
Nói cho đúng ra, trong cái việc mà chúng ta gọi một cách quy ước là “làm nghề” chăm chỉ, thành thạo, ở Tô Hoài không phải chỉ có sự đều tay, sự chuyên cần, mà còn có cái mau mắn duyên dáng, nó khiến cho ông cả khi viết những tiểu thuyết dài lẫn những bài báo ngắn đều có được cái giọng riêng. Những khi phải tả Hà Nội, Tô Hoài vừa có cái  kỹ lưỡng từ trong nói ra, lại có cái tươi mới như vừa gặp vừa thấy.
Sở dĩ như vậy, theo tôi, một phần do trước sau Tô Hoài vẫn giữ được cái hóm, cái nghịch cần thiết cho những “Người ven thành” luôn luôn phải đi lên thành phố để làm đủ các loại việc, rồi ít ngày sau, lại bỏ đấy, bắt sang những công việc khác, mà lúc nào cũng giữ được cái thế của người đứng ngoài, đứng hơi xa một chút, để nhận xét cho thấu đáo, lên thành phố, những người này phải rất hoạt bát để bán được hàng, tìm được việc, mà lại khỏi bị những người hàng phố lừa. Và lên đấy phải nghe ngóng, tích luỹ, phải có nhiều điều tai nghe mắt thấy, để về còn kể cho bà con hàng xóm, hoặc con cháu trong nhà. Bởi vậy, nên cái chân dung thành phố do những con người này vẽ nên bao giờ cũng tươi mới, giàu chi tiết, kích thích sự tò mò của người khác.
Trong cuốn Nguời đường phố  trên kia đã nhắc (cũng như trong nhiều tập sách khác, trong đó có Chuyện cũ Hà Nội) Tô Hoài kể ra một số vùng ngoại ô  với những nghề nghiệp cha truyền con nối, lên làm ăn ở thành phố. Cổ Nhuế, thợ may, hàng thầu; Thủ Lệ, giặt là; Lai Xá, thợ ảnh; Thanh Nhàn, cắt tóc; Thuỵ Khuê, xôi lúa, quà vặt v.v... và v.v... Quả ngoại ô Hà Nội là một “thế giới” phong phú. Trong “thế giới” đó, cũng có sự phân công lao động rất tỉ mỉ, khiến cho từng người làm nghề trở thành những người nghệ sĩ tài hoa và hết lòng với nghề, được mọi người kính trọng. Từ các làng xóm chung quanh nội thành, người đi viết văn, viết báo xưa nay không phải ít, nếu kể ra các vùng quê mới cắt từ Bắc Ninh, Hưng Yên, Sơn Tây, Hà Đông để nhập vào Hà Nội, thì số tác giả của Thủ đô thật là nhiều. Song có lẽ chỉ có Tô Hoài là mang được cái chất riêng của vùng đất mà mình đã từ đó trưởng thành. Và giữ được cái chất đó, trong suốt cuộc đời cầm bút.
Đã in trong Một số nhà văn VN hôm nay với Hà Nội 1986                              



                                         MỘT CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ          

                                                              I

    Nhiều nhà văn Việt Nam  hiện đại sống và làm việc gần như trong suốt thế kỷ XX, có thể nói là cuộc đời của họ vắt ngang cả một thế kỷ văn chương: Nguyễn Công Hoan 1903 -1977, Tú Mỡ 1900 -1976, Hoài Thanh 1909 – 1982, Nguyễn Tuân 1910 -1987, Xuân Diệu 1916 – 1985...
    So với những nhà văn ấy, Tô Hoài (sinh năm 1920) xuất hiện trên văn đàn có phần muộn hơn,  nhưng ngay từ những năm bốn mươi, ông vẫn kịp viết ra hàng loạt tác phẩm như Dế mèn phiêu lưu ký, Quê người, Cỏ dại... khiến cho các nhà nghiên cứu văn học  không thể không nhắc nhở đến tên tuổi ông mỗi khi nhắc đến  cái thuở gọi là văn học tiền chiến.
   Từ sau 1945,  mạch sáng tác của ông giữ được liên tục, dù giữa núi rừng Việt Bắc hay hoà bình trở về Hà Nội, sách ông vẫn in ra đều đều. Cho tới những năm chín mươi, tức là  khi đã ngoài bảy mươi,  ngoài số  sách cũ  được tái bản, Tô Hoài còn cho in các tập hồi ký Cát bụi chân ai, Chiều chiều.
   Sự có mặt của  những cuốn hồi ký này,cùng là vô số bài báo  mà ông vẫn viết   cũng như các hoạt động xã hôi mà ông tham gia khiến cho người ta cảm thấy Tô Hoài luôn luôn hiện diện  và là một tiếng nói một bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn học đương thời.
    Vào những ngày này, Tô Hoài đã qua cái tuổi mà dân gian gọi là thượng thọ. Trong vẻ bình thản của tuổi già, ông vẫn gắng viết và dành nhiều thì giờ hơn cho việc suy nghĩ chiêm nghiệm  đời sống.

                                                             II

    Nghĩ tới Tô Hoài, người ta nhớ ngay tới  một vùng đất mà ngay từ khi mới đến với nghề văn ông  đã trở đi trở lại với nó, đã viết  về  mọi mặt sinh hoạt  ở đó  kỹ càng tỉ mỉ. Đó là vùng đất phía bắc thành phố mạn gần chợ Bưởi, với mấy làng nghề như Yên Thái  làm giấy, Trích Sài Bái Ân nổi tiếng trong  nghề dệt lĩnh...
 Với Tô Hoài, làng Nghĩa Đô tuy chỉ là quê mẹ  song  đấy là nơi ông lớn lên. Ngôi nhà của ông ngoại. Những cây hồng bì dậu  cúc tần. Tiếng kẽo kẹt của khung cửi bên hàng xóm, tiếng rao xa xôi của bà bán kẹo mạch nha...Tất cả những cái đó  làm  nên một  tuổi thơ đầy ấn tượng  mà mỗi lần có dịp về quê ông  hai ông bà  ( bà Tô Hoài cũng là người  làng ) thường cùng nhau ôn lại với những cảm giác vui buồn lẫn lộn.
  Từ thưở nào đến giờ những làng xóm này những cuộc đời này chưa một lần  được miêu tả trong văn học. Thời xưa, người ta chỉ biết đến những câu ca dao hoặc một ít truyện nôm ở đó con người soi mãi mới thấy bóng mình. Chỉ từ đầu thế kỷ XX, với việc xã hội   sống theo nếp hiện đại, và chữ quốc ngữ  được dạy thay cho chữ nho, sách báo quốc ngữ trở nên  phổ biến,  thì mọi mặt đời sống mới bắt đầu  được chụp hình lại được khắc hoạ như  vốn có trong thực tế. Truyện ngắn truyện dài của  Tô Hoài cũng như nhiều tác phẩm  của các nhà văn đương thời đã trở thành những tài liệu xã hội học có giá trị.
    Điều Tô Hoài có thể tự hào là khung cảnh quê hương qua những trang viết của ông đã trở thành bất tử.

[ Hình ảnh trên phim—Tô Hoài bên một bức tường đá ong
 ....   Cũ kỹ xù xì nhưng  chắc chắn, những bức tường như thế này như tượng trưng cho cuộc sống trầm tĩnh mà lắm nỗi đa đoan của cả một vùng quê ngoại thành. Cả cuộc đời một nhà văn tưởng như tìm mãi viết mãi mà không bao giờ nói hết được những bí mật chất chứa trong đó.


                                                               III

       Bên cạnh các làng xóm ngoại thành  Hà Nội, nếu cần nói tới  một vùng đất nữa trở thành đề tài thường xuyên trong các trang sách của  Tô Hoài  thì đó là vùng  miền núi Tây Bắc Việt Bắc. Chúng ta biết rằng ngay từ trước 1945 nhà văn này đã có chân trong  văn hoá cứu quốc, một tổ chức  thành viên của  Mặt trận Việt minh chuẩn bị cho  Cách mạng tháng tám. Những năm tháng ngay sau Cách mạng, Tô Hoài trở thành  phóng viên của báo Cứu quốc và khi nổ ra cuộc toàn quốc kháng chiến ông đã cùng với anh em trong toà soan  di chuyễn cơ quan lên Bắc Cạn lo ra báo tiếp tục.
    Có thể nói việc viết về miền núi sớm được Tô Hoài đảm nhận xem như  một công tác được Cách mạng giao phó.
     Nhưng đứng ở góc độ một nhà văn thì  viết về miền núi cũng là một công việc mà  Tô Hoài  sớm tìm thấy niềm hứng thú. Khi đã xác định cho mình cái lẽ sống lâu dài với trang sách, cầm bút như một nghề nghiệp, ông muốn chứng tỏ rằng ở đâu mình cũng viết được. Ai đó từng nói lý do tồn tại của một ngòi bút nhiều khi chỉ đơn giản  là ở chỗ  ngòi bút ấy lạ hoá đời sống tức  biết nhìn chung quanh bằng cai nhìn mới mẻ như người ta mới trông thấy lần đầu,và Tô Hoài chính là một minh chứng cho nhận xét này. Càng đến với những vùng đất lạ, lòng  ham sống ham để ý quan sát ở ông càng được huy động một cách ráo riết. Tấm vải thô hiện  dần lên bên  khung cửi thân yêu mà người phụ nữ miền núi đang ngồi dệt.  Chiếc mõ trâu ngẫu nhiên  cầm trên tay. Những bước chân uyển chuyển   trong một đêm xoè.  Niềm  say sưa  mà mọi người cùng chia sẻ khi ngồi trước  vò rượu cần...Tất cả, tất cả  đều là những đối tượng được trí nhớ ông ghi nhớ cẩn thận để sẽ có lúc, bằng sự sinh động của ngôn ngữ, diễn tả chúng trên trang giấy.
    Khi bước chân trên những con đường vắng vẻ của đồi núi  hay từ khung cửa nhìn ra làng bản xa xăm, trong tâm trí ông thức dạy bao suy nghĩ về cuộc sống tự nhiên của con người. Nếu trước đây  từ cuộc sống của người thợ dệt trong Quê người, Xóm giếng đên cuộc sống của mấy  chú ngan con gà trống ri đôi chuột bạch trong O chuột -- ông đã phác hoạ người và cảnh vùng quê Nghĩa Đô   với đủ vẻ tiêu điều tan nát thì nay qua những Triệu Văn Khìn,Vừ A Dính, Kim Đồng,cô Ính, anh Sạ,vợ chồng A Phủ... ông tìm thấy và muốn làm lây truyền sang bạn đọc những khao khát  cháy bỏng trong con người  một thời : tháo gỡ hết mọi ách áp  bức,  làm lại cuộc đời.


                                                             IV

     Mặc dù bị hạn chế bởi bút pháp ước lệ và tượng trưng của văn học trung đại  phương Đông song trong các thế kỷ trước, Thăng Long Hà Nội đã được nói tới trong tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng : Phạm Đình Hổ có Vũ trung tuỳ bút,Hải Thượng Lãn ông Lê  Hữu Trác có Ký sự lên kinh, cả Nguyễn Du cũng có bài thơ nổi tiếng nói về người gảy đàn ở đất Thăng Long.
    Bươc sang thế kỷ XX, Hà Nội càng hay được nói tới  một cách trực tiếp và nhiều vẻ.Qua những trang sách của Thạch Lam  Nguyễn Tuân Vũ Bằng chúng ta được biết có một Hà Nội tài hoa lịch lãm  cũng như qua Nguyễn Huy Tưởng chúng ta sống lại nhiều giây phút hào hùng của Thủ đô lịch sử. Tô Hoài đóng góp ở cái phần khác. Hà Nội trong ông hiện ra với tất cả cái vẻ bình thường của một nơi kẻ chợ, tuy không phải vì thế mà mất đi vẻ thơ mộng đáng yêu. 
    Ta cũng không nên quên rằng làng quê Tô Hoài là một vùng có truyền thống văn hoá lâu đời. Trên những trang sách của ông, Hà Nội  có hiện ra với nhiều đình chùa hội hè, những phong tục độc đáo và thú vị,  những chợ búa cầu quán  rêu phong... thì cũng là điều dễ hiểu.
      Hà Nội  vừa cổ kính vừa năng động, qua một thế kỷ Hà Nội từng hiện ra với hàng trăm bộ mặt khác nhau và ngòi bút Tô Hoài như cũng bươn bả để tìm cách theo kịp cuộc sống vùn vụt thay đổi của thành phố. Trước sau riêng về Hà Nội ông  đã có tới cả chục tập sách. Và nếu như có dịp đặt chúng bên  nhau người ta sẽ nhận ra một nét đặc  biệt trong  tình yêu của nhà văn này với vùng đất  thân yêu của mình : ông đã để tâm tìm hiểu suy nghĩ không chỉ về Hà Nội hôm nay mà cả Hà Nội trong nhiều giai đoạn   lịch sử.
   Hà Nội thời người Pháp mới sang và những người dân ở các làng xóm ven thị tập hợp nhau lại để chống xâm lược : Quê nhà
   Hà Nội thời Pháp thuộc  đời sống ổn định mà cũng là đang tàn lụi : Quê người
   Hà Nội  những năm chuẩn bị Cách mạng tháng tám : Mười năm
   Hà Nội những năm sau hoà bình 1954 : Những ngõ phố,người đường phố
   Hà Nội thời chống Mỹ : Chiều chiều
   Hà Nội những năm từ sau 1985: các truyện ngăn như Tình tình gió bay, Người một mình...
   Tưởng như còn viết ông còn khơi ra được những tầng đất trầm tích nằm sâu trong lòng Hà Nội.


                                                             V

     Sự lịch lãm từng trải vốn là một yêu cầu có tính chất sinh tử  thường được đặt ra với mọi người viết văn và Tô Hoài rât hiểu điều này.
     Trong giới cầm bút thời nay ông nổi tiếng là một người đi nhiều.
     Lúc trẻ đã ham đi, về già vẫn ham hố muốn đi, ông từng để lại dấu chân  trên đủ mọi miền đất nước.
     Để rồi, sau những chuyến đi ấy ông lại trở về với thành phố thân yêu của mình.
      Hai ba chục năm trước, thuở Tô Hoài còn gọi là trẻ, và vỉa hè Hà Nội còn rộng rãi đủ chỗ cho người đi lại,Tô Hoài ( cũng như Nguyễn Tuân đã quá cố ) thường  thích đi bộ. Trầm tĩnh và tự nhiên, con người ông như lẫn đi giữa dòng người xuôi ngược.
     Trong lòng Hà Nội, Tô Hoài sống với gia đình bè bạn. Cũng trong lòng Hà Nội, Tô Hoài trở về với cái giới sáng tác mà ông tự xem như một thành viên tích cực. Nhà văn này  thuộc diện chơi rộng, bạn chuyện của ông thuộc đủ các ngành nghệ thuật khác nhau.
    Không có gì lạ nếu như  trong số  đồng nghiệp, người này thích văn ông người kia chê ông  nhiều phen sa vào vụn vặt tầm thường,  một người khác nữa không phục  ông ở cái sự làm hàng, ai đặt cái gì cũng  viết  và cho rằng như thế có hại cho văn chương... Nhưng hầu như ai cũng phải công nhận đây là một ngòi bút tân tuỵ, một người sống trong nghề tự nhiên, như con cá bơi trong nước, hơn  nữa lại  có  quan niệm  riêng và tự tin sống theo cái cách mà mình đã chọn.     
       Khi ngồi với nhau, nhiều nhà văn ở ta thích khoe rằng mình viết  theo cảm hứng và ngầm  tỏ ý chê bai những ai chăm chỉ cần cù. Từ cách làm việc của  Tô Hoài --- người  vốn lớn lên ở một làng  làm nghề  dệt --- người ta thấy toát ra một điều : làm được  người thợ thủ công trên trang giấy  cũng thú vị  lắm. Vả chăng cùng với sự viết, Tô Hoài thường còn tự nguyện  khoác lên mình đủ  thứ chức vụ trong Hội nhà văn cũng như có mặt trong nhiều hoạt động xã hội khác. Vả chăng trong lúc ấy Tô Hoài vẫn chơi  vẫn  hưởng thụ chẳng kém một ai. Đúng hơn có lẽ nên nói  ở nhà văn này có cả một quan niệm rộng rãi về sự làm người, và ông đủ sức sống hết mình theo cái quan niệm mà ông tin tưởng.

                                                               VI

     Trong hơn sáu mươi năm miệt mài sáng tạo, Tô Hoài bao giờ cũng dành một phần công sức và tâm huyết viết cho thiếu nhi. Ông đã viết loại sách này  từ khi mới mười tám đôi mươi vừa bước vào nghề ( Dế mèn phiêu lưu ký, Võ sĩ bọ ngựa ), khi làm phóng viên báo Cứu quốc và theo bộ đội vào giải phóng Tây bắc ( Hoa sơn,  Chiếc xe bí mật ), khi về Hà Nội trong nhiều năm đảm nhận công việc phó tổng thư ký Hội nhà văn ( Đảo hoang, Nhà Chử ) và khi đã sang tuổi tám mươi ( một trăm truyện cổ tích ).
     Có thể nhìn vào mảng sách viết cho thiếu nhi này để thấy một quan niệm nghề nghiệp của Tô Hoài : Ông không chê những việc  nhỏ nhặt. Từng là tác giả của những bộ sách vài trăm trang song ông vẫn sẵn sàng đứng tên sau những tập sách mỏng mười lăm hai chục trang hoặc sẵn sàng viết lời cho những cuốn truyện tranh mỏng mảnh.
      Thời trung đại,trong tâm trí những người cầm bút ở ta, viết cho thiếu nhi chưa thành một đầu việc. Bộ phận văn học này chỉ ra đời trong lòng xã hội hiện đại nghĩa là từ đầu thế kỷ XX trở đi, để rồi nhanh chóng  thu hút được  đóng góp  dù ít dù nhiều nhưng đã là có của nhiều cây bút hàng đầu trong  văn học  Việt Nam...Trong đội ngũ khá đông đảo này, Tô Hoài  thuộc loại viết nhiều nhất  và trong một số trường hợp đã đạt tới trình độ có thể nói là bất tử như trường hợp cuốn Dế mèn phiêu lưu ký  đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhà văn thường nhắc lại với bạn đọc nhỏ tuổi cũng như con cháu trong nhà : ở đây viết về giống vật mà thực ra là ông viết về con người với những mơ ước lành mạnh và sự học hỏi thường xuyên trên đường đời. Dế  mèn sống mãi vì những tư tưởng nhân bản mà tác giả muốn thấm nhuần trong lòng mỗi bạn đọc ít tuổi cũng như nhiều tuổi.

 
   
                                                     VII

   Những người có dịp cùng làm việc với  Tô Hoài đều biết rằng nhà văn này thường có một vẻ ngoài  chậm rải, từ tốn. Tuy không đưa nghề chơi lên trình độ một  công việc thiêng liêng như Nguyễn Tuân, song cũng có những lúc ông trầm ngâm bên một chén ruợu hoặc nhẩn nha bên một lồng chim...Cả những  lúc trở về tập bản thảo hoặc  đánh bạn với những bộ sách dày cộp  ông vẫn có vẻ thản nhiên như không.
      Ây thế  nhưng đó là cái vẻ bề ngoài. Trên một  trăm năm mươi đầu sách đã in và hàng ngàn bài báo đã viết  làm chứng cho năng suất làm việc ghê gớm của ông. Lại  như  bạn bầu với sách vở, cái việc nhiều người cầm bút thời nay ngại ngần thì ông không bao giờ sao nhãng, trong giới nhiều người đã biết rằng đây là một trong số ít nhà văn thượng vàng hạ cám cái gì cũng đọc. Ham đi ham sống thế nào thì sự đọc của Tô Hoài cũng quyết liệt như vậy. Đọc đến đâu tiêu hoá ngay  đến đấy. Ông thường nhận viết các bài điểm sách ngắn để ghi nhận luôn những điều đã thu hoạch được cùng những nhận xét khi đọc.


                                                             VIII

    Nhìn  cái vẻ chăm chú  của Tô Hoài khi tập theo  những động tác thể dục cũng như  khi lắng nghe một bản tin,  người ta không khỏi kinh ngạc không ngờ  một người đã ngoài tám mươi mà còn dẻo dai bền bỉ làm sao !  Song Tô Hoài là  thế. Từ những trang viết thuở mười tám đôi mươi, nhà văn này  đã có một giọng văn khá già dặn,  ngược lại đến nay sau hơn sáu chục năm làm nghề, ông vẫn khiến cho người ta kính phục bởi trong chừng mực nào đó còn giữ được khả năng ngạc nhiên cùng là cái nhìn mới mẻ và tươi tắn  của tuổi trẻ. Trong ông hội tụ  những phẩm chất khác nhau đôi khi là trái ngược nhau : say mê đấy mà cũng  tỉnh táo ngay đấy, tinh nhanh đáo để trong nhận xét song lại cũng rộng rãi trong cách nhìn người. Bắt tay vào việc, ông  vừa biết làm vừa biết nghỉ,  biết học người khác nhưng biết giữ lấy cách làm riêng của mình. Không coi việc gì là thường nhưng lại không xem việc gì quá quan trọng, lối nhìn ấy đã thành một bản năng quy định cách cư xử của ông. Bên cạnh sự thiết thực rất trần tục, ông lại thường giữ được  một thoáng hư vô nó khiến cho mọi việc với ông có được cái nhẹ nhõm và mau mắn nhiều người thấy thèm mà không học nổi. Trong chừng mực nào đó có thể  mạnh dạn khái qúat rằng cách sống cách nghĩ của những kiểu người như Tô Hoài  mang trong mình nó cả những cái hay cái dở mà cuộc sống khắc nghiệt đã bồi đắp nên cho mỗi người dân khắp   vùng đồng bằng Bắc bộ mà họ  sinh sống.   

                                                     
                                                              IX
  
    Ở ta, viết văn chỉ mới được coi là một nghề nghiệp từ đầu thế kỷ XX,tuy nhiên những người  có cách hiểu đúng về nghề và thực sự là đã làm nghề trọn vẹn bền bỉ chưa phải là nhiều. Trong bối cảnh đó một sự hết lòng với nghề như Tô Hoài thật đáng ghi nhận. Luôn luôn ông có  ý thức đặt cả đời mình vào  việc cầm bút. Hoạt động của ông bao trùm  trên một phạm vi  rộng rãi,  như người ta thường nói, mọi việc trong nghề từ A đến Z ông đều trải qua và có cách giải quyết của mình.  Quen biết nhiều  từng trải lắm quả thật có thể nói  ông đã trở thành mộ cuốn từ điển sống của nghề văn. Qua các  tác phẩm  đã in của ông,mãi mãi người ta còn tìm thấy hình ảnh  con người  một thời, với tất cả những lo toan hàng ngày, sự phấn đấu của chúng ta cùng là những khó khăn những hạn chế   hoàn cảnh đã đặt ra  mà không ai trong chúng ta vượt qua nổi.Thời gian sẽ sàng lọc để chọn ra những gì tinh hoa Tô Hoài đã viết từ đó làm giàu thêm cho văn học Việt Nam. Điều có thể chắc là các thế hệ sau trong khi giải quyết những vấn đề đặt ra trong việc làm người và làm nghề  của mình, khi cần tìm hiểu lại quá khứ  có thể trở lại với những tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... thì cũng có thể  đọc lại  Tô Hoài và đấy là điều chính tác giả của những Dế mèn phiêu lưu ký, Miền Tây, Cát bụi chân ai,  Chiều chiều... cũng hằng ao ước.

 Lời thuyết minh cho phim chân dung Tô Hoài -- Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, 2002


Mới hơn Cũ hơn