Ngoài một số mẩu chuyện liên quan đến một vài tác phẩm bỏ dở, những cuốn sách đang đọc, chuyến đi
Tiệp ngắn ngủi..., những cuộc trò chuyện của tôi và Nguyễn Khải trong năm 1974
tập trung vào đợt tác giả viết một số tạp văn cho mục Nếp sống nếp nghĩ của báo Nhân
dân:
--những vấp váp Nguyễn Khải đã gặp cả từ hai phía, cả bộ máy quản lý văn hóa tư tưởng
đương thời, lẫn các nhà văn đồng nghiệp... và cách tác giả đối phó lại;
-- một số nhận thức Nguyễn Khải rút ra qua đợt viết này. Từ
đó là những suy nghĩ của ông về nghề văn nói chung – cái cách tồn tại của một
ngòi bút trong lòng xã hội đương thời và bước đi của ông mấy năm về sau.
Các đầu đề nhỏ trong bài là phần mới bổ sung khi tài liệu được
chỉnh lý
5/1
Hỏng hẳn và hỏng trên mọi phương diện
Một công việc chính gần đây là ngồi viết về linh mục.
- Thôi lại hỏng rồi. Nhân vật lên, nhưng cái thằng linh mục kia nó cứng
quá, nó lấn át cả tay thanh niên nhà mình. Phần mạnh của tác giả lại rơi vào
tay kia mất. Thế là hỏng, viết có phải để đấy đâu, viết phải in chứ.
Chính là viết được về những chuyện niềm tin lúc này thì mới ăn đấy.
Đọc Nghi ngờ của Frederic
Durenmatt. Cái ông này to lắm.
Mâu thuẫn trong kịch Các nhà vật lý
là mâu thuẫn giữa hiện đại và tương lai của nhân loại. Kịch kể một nhà vật
lý tìm ra một định luật, theo đó, toàn bộ khoa học bị đảo lộn. Anh ta phải tự dẫn
mình vào nhà thương điên để tìm ở đó một nơi ẩn náu!
Còn trong Nghi ngờ, một nhân vật phản diện theo nghĩa của ta, một
bác sĩ SS cũ, tuyên bố với một tay chánh mật thám:
-- Nhất định là giữa tôi, niềm tin ở chỗ không có gì đáng tin trên đời này,
và anh, niềm tin ở sự lý tưởng, nhất định là tôi tin chắc hơn anh. Nếu anh tin
hơn tôi, thì tôi chịu.
.. Các tác phẩm của mình, các cốt truyện thường dở lắm. Cốt truyện là gì -
là sự gặp nhau của các tình huống. Cái chính là cốt truyện của mình cứ y như một
chuyện nào đó, của đời sống, mà lại không nói được gì.
Còn như cái cốt truyện của văn học ấy à. Nó phải vừa đơn giản dễ hiểu vừa
có tính triết học. Bởi nó là sự thăng hoa của đời sống, sự đột nhập của đời sống
vào trong anh. Nó được nghĩ ra, chứ không phải sẵn có. Ở Việt Nam chỉ có cái Số
đỏ là một thứ cốt truyện văn học. Nó hơi có vẻ huyền hoặc, mà ai cũng hiểu
được. Chùa đàn của ông Tuân thì hơi quái đản.
Nhàn:
-- Các anh thường bảo văn học ta không có nhân vật, và hỏng về ngôn ngữ. Giờ
lại cả cốt truyện nữa cũng hỏng, thế thì còn gì?
- Hỏng tất. Nó đã hỏng về cơ bản,
thì tức là mọi thứ đều hỏng, làm sao mà có một thứ gì gọi là được... Hôm nọ, ngồi
nói chuyện với mấy ông bên Hội, tôi chỉ nghĩ mình hay nói rằng văn học mình chưa
hay, nhưng về căn bản nó là văn học mới.
Bây giờ thấy rằng cũng chẳng phải là nó mới nữa, bởi trước tiên, nó đã không phải
là văn học rồi.
Đọc Bên dòng lịch sử của Cao Văn Luận. Gặp Phan Hiền.
- Tôi mới hỏi Phan Hiền dạo này làm ăn thế nào? Vẫn làm chứ, ông Hiền nói.
Ông ấy giới thiệu với tôi quyển Praha 5 năm sau. Phải đọc, để hiểu con
người trí thức phía bên này. Dẫu sao, nó cũng là một cái mới. Mình nghĩ ra rồi,
có thể tổng kết cả cách tồn tại của anh trí thức trong chủ nghĩa xã hội. Gọi là
tự do, thì chả đâu có tự do cả. Chỉ còn cách chọn xem cái gì có thể làm đựoc
Còn sách miền Nam? Nguyễn Văn Trung cũng chỉ là một thứ trí thức nổi. Những Hoàng Trinh ngoài này thì lại càng vớ vẩn
rồi. Không nói sai hay đúng gì vội, chỉ nói dốt, dốt.
Trong tình hình Việt Nam hiện nay, có nghĩ được cái gì mới, cũng chỉ có thể
ở Hà Nội. Ở Sài Gòn không nghĩ được.
Nhân đấy kể lại một ý của Phan Hiền:
-- Tôi cũng chẳng hỏi, nhưng ông ấy nói trước. Ông ấy bảo mình đọc Chiến
sĩ của ông rồi. Viết như thế là được!
Rồi Khải nói thêm, xưa nay tôi vẫn
thích lời khen từ phía nghịch!
Câu cuối cùng:
-- Có những tình thế, không đáng gọi là thất thế, nhưng nó lại tước
đi khả năng người ta vượt qua thất thế, thì cũng là đáng sợ lắm.
2 -74
Thế nào là một con người tự do
Nói về Sartre (đọc quyển Biên niên đời Sartre)
- Ông này có lần tự nhận, trong trường hợp nào ông cũng là người chống mọi
áp bức bất công. Là một người lính gác cần mẫn trước những sự xâm phạm tự do
con người.
Và về căn bản, đó là một người khoẻ.
Khoẻ để tự do, và dùng hết cái khả năng của một người tự do có được.
Luôn luôn thay đổi, luôn luôn tìm cách làm sao cho phải. Không sợ mang tiếng.
Không sợ dư luận. Tất nhiên là trên đường đi có sai lầm, biết được rằng mình có quyền sai lầm, nhưng vẫn có ý thức tránh. Tìm
cách tránh để sau này còn sai lầm, thì không phải hối hận rằng mình đã mù quáng
mà đi tới.
Sartre sang Cuba, gặp Fidel. Fidel bảo cách mạng là gì,
cách mạng là cố gắng thoả mãn yêu cầu của mọi người.
Nếu người ta đòi
mặt trăng thì sao? Thì cũng phải thoả mãn.
Tôi không bao giờ lấy thế hệ này hy sinh cho thế hệ sau - Fidel nói tiếp.
Sartre còn bảo tôi thường bị kêu là không có bạn thân. Thực ra, chỉ bởi vì
tôi rất quý tình bạn. Một người như Fidel, tôi nghĩ có thể là bạn được.
--Có phải hiếm có một người vừa là
nhà triết học, vừa là nhà văn như Satrre?
-- Hiếm thật. Như ông Tolstoi, là nhà triết lý giả
và nhà văn thật.
-- Con người nhà văn ở Tolsstoi mạnh
hơn con người nhà triết lý chứ?
-- Không. Đó là nói theo cách cũ. Con người triết lý thì giả và con người nhà
văn thì thật mới là cách nói của ngày hôm nay.
25/2
Nhàn: Bây giờ tôi đang phải tính cho mình.
Khải: Ông tính thế nào thì tính, nhưng phải nhớ tính tới những chuyện tầm
thường cụ thể lắm. Không thể chỉ phiêu lưu được. Ví như phải xem vào năm tới,
cái đó đưa ra có hợp thời nữa không? Sớm quá cũng chết, mà muộn quá cũng chết.
- Thời nào cũng có cái khó của nó.
- Nhưng thời này khó hơn hết. Khó của thời trước ở chỗ người ta bắt mình theo nhưng còn cho mình nói ra. Thời này, người ta lại không cho mình nói nữa.
... Với lại, như các ông thì càng khó hơn chúng tôi. Người ta đã có lúc tin
chúng tôi, cho chúng tôi nói. Chúng tôi có một quá khứ. Ông Quang Thái có lần
bảo một thế hệ rực rỡ quá, thế hệ sau dễ bị ớm.
Bây giờ, ở ngoài đời, mỗi người có suy nghĩ đều sống bằng những gì gọi là
triết lý của riêng mình, tư tưởng của
riêng mình. Còn như cái việc ta gọi là
tư tưởng chung xã hội chủ nghĩa? Nó đi lang thang không nơi cư ngụ.
6/4
Về nước Tiệp và Hội nhà văn Tiệp
năm năm sau mùa xuân Praha
- Đi về chỉ thấy thấm thía một điều nhân dân ở đâu cũng thế cả. Họ lo làm lo ăn.
Thực ra, giữa mình với châu Âu, xa lạ
lắm, rất xa lạ. Mình man ri mọi rợ vô cùng. Người ta lo làm lo ăn. Vấn đề của
người ta là những vấn đề bình thường. Mà những vấn đề của mình (giả tạo?
VTN hỏi). Không. Không phải giả tạo, cũng là những vấn đề có thực, nhưng cứ là
những vấn đề không bình thường.
Mình có đi lại thăm thú cái gì bây giờ
thì cũng chỉ nên làm với dân Châu Á là đúng hơn cả. Nó còn giống như mình.
Ra nước ngoài, thấy người ta, dân thì sợ pháp
luật, chính phủ thì sợ dân. Tăng vài xu giá vé tàu điện thôi cũng phải nói với dân.
Ở một nước như nước Tiệp, sau biến động
năm 1968, tình hình vẫn rất tốt, kỷ luật sản xuất thì tuyệt vời, không một người
dân nào ra khỏi hợp tác xã. Công nghiệp
hóa nông nghiệp, máy móc đã giữ nông dân lại.
Người Tiệp lúc nào cũng lo làm ăn, đi
vội, ăn vội, xả thân ra mà làm. Người ta nói rằng ở Tiệp mà 60 mới cho về hưu thì chịu, chỉ có chết.
Bị vắt hết sức lực rồi. Một dân tộc như thế này ở phe nào cũng lợi.
Thanh niên của họ, cũng giống như
thanh niên mình, thích bàn về niềm tin, về hy vọng...
Còn như văn nghệ, sau 1968, mọi chuyện thay đổi cả.
Chả có quyển sách nào hay. Các nhà văn
nổi loạn cũ, cho đi tù hết. Ở bên ấy không có chính sách nhân sĩ như bên mình,
trợ cấp trợ kiếc gì cả. Cứ thẳng tay thôi.
Vào một gia đình, muốn tìm một quyển
sách cũ của Kundera, phải lách qua cái vỏ sách ở ngoài mới thấy ló ra.
Trò chuyện với một nhân viên văn phòng về chủ tịch Hội nhà
văn Tiệp bây giờ. Tôi ráo trước:
- Rất tiếc tôi không đọc được tiếng
Nga hay tiếng Tiệp, và sách Pháp đọc cũng ít, không được biết một tác phẩm nào của ông chủ tịch cả.
- Tôi cũng rất tiếc, tuy tôi là người
Tiệp mà tôi cũng chưa đọc tác phẩm nào của ông Ian Kozak.
- Nhưng ông ta là chủ tịch Hội Nhà văn
Tiệp cơ mà.
- Thì ông là người thông minh, ông sẽ
hiểu mọi điều cần hiểu chứ.
Ở Tiệp, bị khai trừ ra khỏi Hội Nhà văn, thì
không có quyền cầm bút nữa.
... Nhưng mà trước kia, phải nói họ
cũng sống sung sướng quá lắm. Câu lạc bộ đẹp không tưởng được, gần đây chính phủ
mới trả lại. Còn như có một quán cà phê ở trung tâm, nó là nơi hầu hết các văn
nhân nghệ sĩ lớn đã có mặt, anh ngồi vào đây, chỉ cần uống một tách cà phê nhỏ
là ngồi làm việc suốt ngày.
Vụ Sojenhítxin, đang bị làm căng lắm.
Heinríc Bell chỉ bao che cho Sojenhitxin thôi, mà sách không được in ở Tiệp nữa.
V. Minats, một nhân vật rất nổi tiếng
trước kia, trong vụ 1968, được coi như trung thực, bây giờ cũng phải viết một bài
về Sojenhitxin để nhiều báo Liên xô đăng
lại. Khi tôi hỏi rất khéo bà phiên dịch, bà ấy bảo, cho tôi nói thật nhé, ông
ta không nên viết bài ấy. Nhưng nói xong, bà ta dặn thêm, mong ông quên cho những
điều tôi đã nói.
Sở dĩ như vậy, là vì ngay Liên xô, vấn
đề Sojenhitxin cũng bị đẩy lên tới giới hạn. Không tay nào dám ho he gì hết.
Chỉ có nói những chuyện khác, ví dụ
ngay chuyện Tiệp, thì sang Liên xô nghe rất vui.
Vlats (cán bộ phiên dịch tiếng Việt của
Hội nhà văn Liên xô – VTN) bảo: Bây giờ,
ở Tiệp, các ông thường vụ thường lại tung tin đồn về nhau
- Theo mình, tay A này là một thiên
tài.
--Không, chính B mới là một nhân vật
quan trọng.
Tung tin mãi mà không dám viết, mặc dù đã có
công cụ xuất bản trong tay. Thật đúng là những nhà văn vô sản.
Ở Tiệp, những nhà trí thức vô sản bị
hy sinh trước chiến tranh cả rồi - Kiểu như J. Fuxích ấy. Chính những thứ như
Huntúcski là một thứ trí thức tư sản. Ông này từng làm đại sứ Tiệp ở Anh, trước
1968 ít lâu về làm chủ tịch Hội nhà văn, bây giờ lại sang Anh.
Đi đâu thì đi, về Liên xô vẫn thấy dễ
chịu. Bọn Vlats hắn nói rất vui. Ví dụ như ông Fedin - một thứ phượng hoàng làm
đồ giả đấy thôi. Hoặc như Aitmatov, chẳng qua ông này chịu đi cóp nhặt bên
ngoài Chính Rítkhiu lại chân phương, bên
ấy nó đang thích.
10/4
Cách làm việc với báo Nhân dân
Bắt đầu đợt viết tạp văn.
Trên đường từ Tiệp về, Khải đã viết nháp
một bài. Định đưa VNQĐ đăng, xong lại thôi. Giờ thì mỗi tuần một bài cho báo Nhân dân. Sau bài Nói về một người bạn trẻ khá hiền lành, và mấy bài khác, nay mới gửi
bài viết từ Tiệp.
Bài nửa truyện nửa tạp văn thì đúng hơn. Nói về
sự giả dối của một con người, khi đi với già, thì nói mình ủng hộ già, khi đi với
trẻ, thì lại ủng hộ trẻ.
Nhàn: Tại sao anh viết không ra ký không
ra truyện và có những chỗ lắp ghép lộ quá.
Khải: Căn bản tại vì những nhân
vật đó cũng tầm thường, nó không đáng để mình hư cấu hư véo thêm gì hết.
- Cái chính là bây giờ các ông ấy bật
đèn xanh cho rồi. Gặp cả Quang Đạm, cả sếp Hoàng Tùng. Nghe các ông bảo trên ủng hộ lắm. Tôi liền nói
ngay với ông Nguyễn Địch Dũng thế thì
tôi với ông lại phải cẩn thận.
Giá kể có Thép Mới ở nhà thì tốt nhất
hạng. Chứ ông Nguyễn Thành Lê khó khăn lắm. Đã có lúc, có tin trong Biên ủy có
người không đồng ý. Tức là cũng động đến họ, họ không bằng lòng.
Những khi đưa bài cho ông NgĐịch Dũng, tôi chỉ
đề nghị: Nói chung, không chữa thì tốt nhất. Vì khi viết, tôi đã tính cả rồi. Như
bài Chân dung một người ủng hộ lực lượng
trẻ thay ông B bằng đồng chí B, nghe
hơi đểu. Phải thế mới ăn.
Nếu chữa một vài chữ, tôi nhờ ông Địch Dũng
xem lại hộ, ông Lê ông ấy hay chữa chữ chính trị, mà mình phải thay bằng chữ văn học.
Nếu chữa nhiều nói tôi, tôi thay bài
khác.
Báo Nhân Dân nó to lắm, xưa
nay, nó cho ai viết người đó đã đủ sướng
rồi, mà chữa thì có ai được chừa.
Đọc đến câu trong bài vừa viết, tôi trót
nhận bài với báo Đảng, người ta đã thấy không được. Có ý kiến kênh kiệu
quá.
Tóm lại, mình không được xem lại trước
khi in. Mà có lảng vảng nghe ngóng cũng chỉ một chốc một nhát rồi biến ngay,
như thằng ăn cắp vậy. Ở đấy rất phiền.
11/4
Dạo này, tôi cũng không dám đi lại nhiều
với mấy ông Nguyễn Thành Long, Lê Phương nữa. Không có lại mang tiếng là tụ tập,
bàn bạc với nhau. Hôm nọ, vừa có ông nhăm nhe góp ý, tôi phải bảo cái này ông cứ
để mặc tôi.
Trong việc viết này, tôi biết tôi có lợi
thế nhiều. Một số người khác không thể viết được.
Có một người cũng có thể có cái giọng
day dứt ghê gớm, người đó là Chế Lan Viên.
Nhưng ông này vừa đang hét om lên như
thế, quay trở lại không kịp.
- Thế hóa ra anh đã chuẩn bị sẵn từ
trước.
- Cũng không phải chuẩn bị sẵn, chẳng
qua là bụng mình vốn như thế, nay được dịp xổ ra.
--Tạp văn cũng có ngón nghề của nó. Bí mật của việc mang những chuyện hàng ngày
vào văn chương ư? Vẫn chỉ có cách tự phê phán.
Nhưng loại này phải viết cẩn thận lắm.
Quá một tí thành gàn. Ông Sartre trong thư gửi Viện hàn lâm Thuỵ Điển nghe còn
hơi hâm hâm nữa là.
-- Để họ đăng được, tôi phải bỏ hết những chỗ
hơi chữ nghĩa. Ví dụ không dùng những chữ như thế hệ, đối thoại. Bỏ hết .
12/4
Viết là một cách thách thức kẻ khác
Ông Nguyễn Địch Dũng bảo ông không nói cụ thể ai, mà mọi người vẫn thấy nhức nhức.
Ông Chế Lan Viên dạo này chẳng thèm hỏi tôi nữa.
Là vì ông ấy ức tôi. Mình tìm được cái món bở, mình nổi tiếng, mình lại có thể
lên to hơn ông ấy.
Bài Chân dung một người ủng hộ lực lượng trẻ đánh thẳng vào ông ấy rồi còn gì.
Nay mai, tôi còn khối bài đụng đến ông
ấy nữa. Nhất định là trúng. Cái ông Chế này, ông ấy không thể viết như tôi, với
một lý do khả năng tự chế giễu mình của ông ấy rất kém.
Phải tranh thủ viết. Người ta đang mở
rộng cửa trong chốc lát. Lại nghị quyết 22. Mình có cái mũ chung: chống chủ
nghĩa cá nhân. Bảo với họ, tôi cũng thấy có nghị quyết rồi thì tôi mới viết .
Thả nào cũng có người bàn tán, đúng là một thằng cơ hội.
Thì lâu nay, mình mất thì giờ với bạn bè, bây giờ bạn bè phải làm tài liệu
cho mình chứ.
Như ông thủ trưởng có xe máy kia ( tức Hồ Phương -- VTN ), không được một
bài à.
Nói thế, hôm nào tôi phải xuống quân khu nghe ít chuyện. Mình có cái khung
rồi, bây giờ đi nhồi vào. Không có lại chỉ có tài liệu ở đây, sau khó nhìn mặt
nhau.
Sẽ có người bàn tán đấy. Trong tình hình hiện nay, cũng không phải viết được
nhiều đâu. Muốn mỗi tuần một bài cho báo Nhân Dân thì phải liên tiếp mở
rộng đề tài cơ.
14/4
Nghe nói về Quần đảo Gulag
-- Quả là lâu nay mình cũng hơi chán. Coi như là không viết được. Nói dối
nói giả có phải dễ đâu?
Nghe có tay Soljenhítxin này, lại còn thấy tin ở sức mạnh văn học
Nhị Ca:
-- Đọc Nguyễn Thành Vân, thấy vẫn ra văn chương minh họa chính trị, Một ông
cán bộ du kích vợ chết, con chết, có đứa con nữa cụt tay, vẫn xung phong công
tác. Hoặc là một truyện ngắn, một bà mẹ mua cá về, con đòi ăn. Mẹ bảo phải để
giành cho các chú chứ!
Nhị Ca nói tiếp, chả có thời nào người ngợm
như thời nay cả. Khải đúng thế đúng thế.
16/4
[ Chấp nhận trả giá]
Cái này, giới chính trị họ cũng nhạy cảm ra phết, họ biết ngay rằng đây
không phải chuyện riêng của giới văn nghệ. Như hôm nọ họp Bộ Tài chính, có cả ông Đặng Viết Châu và các giám đốc, họ mang ra đọc luôn...
Thế nhưng chính các ông ở giới văn nghệ lại cho rằng mình cơ hội, rằng mình
định đánh chác gì đây - ở các ông ấy, khả năng tự châm biếm kém lắm.
... Thôi, cùng lắm, người ta cũng chỉ nói tôi là có thói cơ hội, định bêu xấu
văn nghệ, hoặc là tự mình làm vật hy sinh để tiến thân.
- Tôi thấy thế này, viết bài Đối mặt, mình cũng đã nói được một số ý
mình. Mình có thể nói với một ít người đọc, rằng không phải mình không biết mọi
chuyện;chẳng qua người ta kìm kẹp, nên mình đành chịu.
... Sau khi đăng xong Đối mặt, tôi có thể bị người ta không đề bạt,
bị nghỉ viết một, hai năm, tôi cũng cam chịu.
Là vì chính tôi cũng đang muốn suy nghĩ kỹ về mình. Đã có lúc, tôi muốn phủ
nhận những gì mà mình đã có!
Cũng phải tin rằng người ta đang cần mình. Không phải là vì mình lừa được
người ta đâu, người ta biết cả. Nhưng người ta đang muốn thăm dò. Và mượn mình
thăm dò cho phải.
20/4
Những nguyên tắc phải giữ
Báo Nhân dân hẹn một tuần cho một bài.Viết cũng nhanh thôi. Lâu là ở khâu duyệt.
Khi bài đăng ra , tôi thấy họ không sửa chữa gì, thì tức là tin rằng mình
đã khớp vào đúng vấn đề lắm rồi.
... Cách viết của mình là như thế này này. Là lên vấn đề cho rõ. Là tự xác
định xem tư tưởng của mình, ý nghĩ của mình phóng đến chỗ nào thì vừa. Thế là
chính, chứ không phải rằng viết một vài câu cho nổi. Chỉ một vài câu, người ta
cắt cụt đi ngay, và đăng ra, người ta đánh chết tươi ngay.
Cũng do chỗ mình xác định giới hạn trong tư tưởng của mình là chính, nên bài
viết ra nó thành một thể thống nhất.
Không tính trước về đại thể, để họ
phải cắt , bài nó hỏng đi, không còn ra sao nữa.
Với lại có một cái này trong cách lãnh đạo văn nghệ hiện nay. Là các ông ấy
rất sợ những hình ảnh cụ thể. Rất sợ những biểu tượng theo kiểu văn nghệ về một
ông chủ tịch huyện, ông Đảng ủy viên.
- Sao với báo chí, họ lại cho phép nói những chuyện cụ thể?
- Vì bài báo có địa chỉ cụ thể. Còn như hình ảnh hiện lên trong truyện, lại
có một ý nghĩa tượng trưng, ý nghĩa khái quát theo kiểu văn nghệ, thì với họ lại
khó khăn hơn.
Làm sao những vấn đề chung, mình nói
ra, mà để người nào người ta cũng thấy được có người ta trong đó... Cái đó mới
cần.
Ví dụ như thế này, -- đây là lý thuyết của nu - vô - rô măng, nhưng mình thấy đúng. Là khi anh cho nhân vật một
cái tên, một hoàn cảnh cụ thể, thì người ta dễ cảm thấy rằng nó đơn giản là ai
đó, người ta vô can.
Nhưng anh chỉ gọi là K, là H, là X
... tức nó có một cái gì đó của cuộc đời, một người không thể không chú
ý được.
22/4
- Lại viết xong cái truyện ngắn Người
mơ mộng. Người luôn luôn dự định mà không làm được việc gì. Thì cả nước
mình mơ mộng chứ sao nữa. Ba mươi năm nay, bao nhiêu lời hứa. Những lời hứa
đáng lẽ chỉ có quyền nói trong những ngày trứng nước thì kéo lê cho mãi đến bây
giờ.
Đưa ngay cho Văn nghệ. Nếu nó
in được, tức là mình có thể tống ra một lô thứ nữa.
Kịch Đối mặt cho Tác phẩm mới
thì chắc ăn hơn. Các ông ấy bảo thôi ông to rồi, tự ông chịu lấy trách nhiệm.
- Đợt này viết, chỉ thích nhất là
không phải tả cảnh gì hết.
Bây giờ mà nghĩ viết tiểu thuyết thì
ngại lắm. Cái lõi rất mỏng, nói được rất ít, cứ phải uốn éo mãi.
6/5
Trở lại bài Tính dối trá
-- Bài này hùng hồn quá, vả lại nói về
sự vượt lên dối trá dễ dàng quá.
-- Có thế họ mới đăng cho tôi. Mình viết
họ không sửa tí nào, tức lại không ra sao rồi còn gì. Sau này, người viết văn học
sử người ta sẽ bảo đấy là những ý kiến của một người trong giai cấp thống trị,
đã bắt đầu nhìn thấy tất cả mọi chuyện, nhưng mới chỉ là nhìn thấy các hiện tượng,
mà không đủ sức lý giải các vấn đề.
...
Tôi cũng chỉ viết một vài bài nữa là
thôi. Viết nữa, một là động chạm hai là nói nhàm.
Trước mắt, người đọc người ta cũng hiểu
cho mình, hiểu rằng mình không được viết, chứ không phải mình không nhìn nhận
ra các vấn đề.
Nhưng đến khi người ta tất cả mọi người
đều viết rồi, thì mình lại không viết nữa. Lúc ấy, tôi lại quay trở về viết
tiểu thuyết. Lại viết về vấn đề ý thức chẳng hạn.
Về
các tác phẩm khác
Trở lại với thiên truyện vừa về một thanh niên
công giáo.
Châu: Sao không viết nốt quyển ấy?
Khải: Vì chính tôi, tôi cũng chưa tìm
cho nhân vật thanh niên của tôi lý lẽ cho chính xác, đầy đủ.
Nếu như cái anh thày tu kia bảo tôi, thế
người thanh niên ở anh chẳng phải là một tín đồ sao, thì tôi cũng chưa biết trả
lời thế nào.
VTNhàn và Ng M Châu:
-- Ở Khải, từ lúc nghĩ đến lúc viết rất nhanh. Khoảng
cách giữa nghĩ và viết không bao xa.
- Nhiều người nhớ tới ông ta như một sự thách thức.
Văn học là thế, là bao nhiêu chuyện hàng ngày, mang hết được vào văn học.
-- Đọc Người mơ mộng cứ thấy nhớ Nam Cao. Cũng một giọng cảm
thương của một người vốn khắc nghiệt. Hôm nọ gặp Phan Cự Đệ, ông ấy cũng bảo đôi khi trong Khải thấy cả Nam
Cao.
-- Có cái này, mà các ông phê bình có
thể nói này. Tức là ở ông Khải thấy rất rõ sự nhất trí giữa văn nghệ và chính
trị.
Biết bao nhiêu người đã làm, mà không
ai tìm cách phối hợp những mặt đó được. Những Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài cũng
không. Mà đến cánh nhà văn trẻ về sau này cũng không biết làm. Vẫn là tách rời chính trị và nghệ thuật. Toàn làm chính trị giả vờ, hoặc làm văn nghệ vớ vẩn.
--
Có phải so với họ lý tưởng ở Nguyễn Khải, thì trong sáng hơn, nhưng cách
sống lại khôn ngoan hơn, và vì thế mà Nguyễn Khải sống?
Nỗi
khao khát có mặt tức thì
Lê Phương: Nghĩ đi nghĩ lại, thấy mình
dốt quá, phải đi học thôi.
Khải: Thôi, cứ làm đi. Có học đến cả đời ông,
thì ông cũng không hiểu hết được xã hội cơ mà. Trong khi ấy, nếu cố gắng làm,
thì ông lại có thể làm được một ít công việc nào đấy.
...Vào một dịp khác:
-- Tôi không phải loại người ngồi viết
để đấy. Mình viết, có gì phải dùng luôn ngay bây giờ. Còn như đến khi có thể
dùng được thì sẽ viết nhanh lắm.
Nhàn: Chỉ lạ là lúc này, ai cũng kêu
bí, thì ông Khải lại viết được.
Châu: Không, lúc này là thời gian của
Khải chứ. Thời gian của những vấn đề phức
tạp.
7/5
Nhân chuyện ông phù thủy chữa được các
thứ bệnh trên đời.
- Mình cũng phải thấy rằng khả năng
con người là không có giới hạn, và cứ làm, có khi người ta lại làm được một việc
gì đó.
Thường
ai cũng bảo cá nhân mỗi người là
rất bé nhỏ. Nhưng qua loạt bài trên báo Nhân Dân của tôi chẳng hạn, tôi
có quyền tự hào rằng tôi đã làm được những việc mà cả ban tuyên huấn của ông Tố
Hữu cũng không làm được!
Nhân tôi nói một chuyện gì đấy về lịch
sử.
-- Đúng bao giờ những vấn đề lớn lao
cho lịch sử cũng hiện ra ở dạng bình thường nhất, không thể nào khác được.
10/5
Viết được một dạo, đã nghe khối người bàn ra
tán vào. Nhưng có ý này quan trọng do Nguyễn Thành Long nói này :
- Anh viết thế, không biết chừng lại
khuyến khích người ta sống theo cái lối sống đó. Tức là nâng cái tôi lên ở địa
vị quan trọng, không làm nó bị nhòe lẫn.
Bùi Bình Thi: Có một ông bất mãn, ông ấy dán tất cả
những bài Khải lại. Nhưng ông ấy lại kết luận thế này vẫn cứ là mị dân!
21/5
Tự
ý thức của một ngòi bút
Chúng tôi sống trong một thời gian mà người ta có ý thức quá nhiều trước khi làm việc.
Chúng tôi sống trong một thời gian hay
suy luận về nguyên nhân - kết quả, cá nhân - tập thể v.v...
Hơn ai hết cách nghĩ đó thấy rõ ở Nguyễn Khải. Với anh tất cả những cái đó đều
phải rành mạch.
Lại có thể nói khó có người nào trùng khít với
xã hội hiện nay, như Nguyễn Khải . Và trùng khít trên gần như đủ mọi phương
diện. Cả về những cái mạnh cái yếu của một nhà văn, một con người.
24/5
Nhiều người đang nói về sự giống nhau
giữa Nguyễn Khải và Nam Cao. Lý do: Nguyễn Khải thường có những phần tự
mình phê phán mình, tự mình nhận xét về mình.
Sự thực thì không phải thế. Cái phần
nói trên, chỉ là phần bề ngoài. Chỉ là nếp sống chung của những con người hiện
đại có một cái gì đời thường hơn, trong Nam Cao.
Ngược lại, có một cái gì đó chính trị
hơn, trong Nguyễn Khải.
Nam Cao thường lấy mình để hiểu mọi
người. Tôi ngờ rằng cái phần Nam Cao hiểu rằng " nó sẽ có sự liên quan tới những người khác" không bao nhiêu.
Thời đại Nam Cao chưa cho phép làm công
việc đó. Hoặc nếu tính đến cùng thì có thể nói trong thâm tâm, Nam Cao chưa
nghĩ tới công việc đó, một cách có ý thức đầy đủ.
3/6
-- Tôi chỉ thích thế là mở ra được một
cách viết mới. Ví như nhiều người cùng thấy rằng các bài của tôi đều có nói cạnh
mình một cái gì đấy. Thế là được rồi.
... Trong văn học, có cái này quan trọng. Tức là nhiều khi anh thấy anh khác nó mở ra một con đường mới, thế là mình nhụt
không dám viết nữa. Chính mình chán mình, vì mình thấy cách của mình vô ích.
Như tôi tin cái cách của tôi bây giờ. Tôi cho rằng khối người giật mình chứ.
Tất nhiên cũng được quyển sách hơn trăm trang rồi. Đến khi người ta phát hiện ra thì lại chuồn.
5/6
Những dư luận trái chiều
Lê Phương: Chúng ta chỉ đáng cắp cặp cho ông Khải. Đấy, lão vẫn sống vẫn đi lại bên cạnh chúng ta, mà đố ta biết lão là ai. Y như là người vừa đứng lồ lộ giữa đời, vừa có phép tàng hình.
Châu: Bây giờ nói chuyện với Khải rất
sợ. Không chừng là lão sẽ mang mình vào
bài của lão vậy.
Nhị Ca: Không, thằng Khải, óc nó hoạt đặc
biệt rồi, óc mình như chất keo, óc nó như nước, thay đổi luôn. Đấy, như chung
quanh ông Chưởng Cần. Lúc tin thì ông Khải thật tin. Phen này mà ông cụ chữa cho
nó khỏi hen, thì tôi cũng xin vái cụ.
Thế mà hôm sau, nghe Tuyên giáo phổ biến,
chính Khải tự nhận mới đầu nghe thì thấy áp chế, gượng gạo. Nhưng càng nghe,
càng thấy có lý.
Nó làm như thế này, rõ ràng là anh em
chửi: anh không nói gì về lãnh đạo cả, anh đổ tất cả tội xuống đầu quần chúng.
Nhưng nó không sợ, nó cứ làm. Thế là ghê chứ gì?
Nghiêm Đa Văn: Ông Nguyễn Khải bây giờ
như ông Chí Phèo. Không chửi được ai, thì mang mình với mang anh em ra chửi.
Nguyễn Hồng Phong: Đấy là sự cáo chung của một nhà văn.
Tô Hoài: Không biết chừng, Khải lại là
tay viết văn hay nhất miền Bắc bây giờ chứ tưởng?
Nhớ lời Khải nói hồi tháng trước:
-- Phải viết làm sao được nhanh, được
nhiều, cho người ta không kịp phản ứng với mình nữa.
Hoặc:
-- Loại này mà viết chậm, rồi thì chỉ
nghe dư luận thôi đã thấy sợ, dư luận đủ kiểu nó đã ăn mòn mình rồi
Khải: Cái chính là tình hình bây giờ.
Tôi cũng phải tự nhận là tôi khơi ra được một cái gì đó, trúng lắm. Sau này,
người ta có xét xử thì tôi cũng có thể nói là không phải là tôi không biết.
Nhưng tôi bị bó chân bó tay, không làm gì nổi.
Thư gửi về báo Nhân Dân rất nhiều. Cứ 5
thư thì 4 thư là của quần chúng, người ta cho rằng mình chưa nói hết mọi chuyện.
Đánh giá của phản phái. Dương Tường
gặp không nói gì. Còn ông Đỗ Đức Dục, ông ấy bảo: Tôi biết, bây giờ chỉ có ông
Khải, ông làm được trò này. Nhưng coi chừng, ông cũng làm một thứ van xì hơi ra
thôi (Người ta căm giận, người ta muốn nó cứ kín bưng đi, rồi vỡ ra luôn thể)
Như vậy, có thể là mình là một thứ cò mồi. Cấp trên dùng như Nga dùng Evtouchenko vậy.
14/6
Nghĩ về cả đời viết
Tôi cũng phải nhận là tôi nhiều ham hố, là tôi còn có khả năng sống ghê gớm lắm. Ví dụ như tôi viết thế này, xong, có ai bảo tôi kiểm điểm tôi lại vui vẻ nhận, tôi đăng báo cũng được, tôi sẽ viết khác. Sắp tới tôi viết về lăng Bác là viết khác chứ gì. Tôi sẽ làm bất cứ việc gì, để giữ được ngòi bút của mình, để lại viết tiếp.
Hoặc như về chuyện gia đình. Tôi với vợ
tôi bảo nhau khi thằng Huỳnh chết. Thế là qua một chặng đời. Bây giờ không nghĩ
lẩn mẩn nữa. Bây giờ hãy tính chuyện đẻ đứa nữa.
Có lúc ngồi nghĩ lẩn mẩn: Nếu có chuyện gì xảy ra,
tôi đi Hà Giang, Bắc Mục, vợ con tôi phiêu tán? Thì tôi sẽ lấy vợ khác. Tôi
không viết được- ai người ta cho tôi viết? Nhưng tôi sẽ chuẩn bị, chờ đợi, và nếu
tôi trở về, viết quyển sách khác, thì đó mới là quyển cuối cùng của tôi.
... Trong một đời người, phải dũng cảm
biết tự chôn mình đi. Có thể là một thằng hề, để người ta cười, có thể là người
ta chửi, nhưng cốt sao, không phải là một
cái xác, cốt sao vẫn sống. Tôi rất sợ phải nói chuyện với những cái xác. Khi
nhạt chuyện, là tôi chuồn ngay. Tôi chắc chắn tôi có thể uốn lượn được. Nếu được
dùng, tôi có thể đi với những ông chủ khác nhau, đằng nào tôi cũng viết.
Nhìn lại đời mình, có lẽ tôi là một thằng
hơi cơ hội, một thằng cái gì cũng đơn giản rõ ràng. Nhưng đấy là bản chất thực
của tôi, không phải tôi làm ra vậy. Bất cứ cái gì, tôi cũng không muốn nghĩ đến
mặt tĩnh, mà phải nghĩ đến mặt động của nó. Ví như giờ đây tôi viết thế, cũng vẫn
là chưa cạn, chưa hả đâu. Trong những ngày qua, cái chính là tôi
mong dò thử xem cái quyền lực tinh thần
của nhà văn đối với những người đọc của mình đến đâu. Nếu tình hình thay đổi
bình thường, mà thuận lợi, thì tôi sẽ có thể dốc hết sức làm một ít việc. Còn
có thể làm chứ?
17/6
Trêu vào đám đông
Sau bài Lối sống ở khoảng giữa, Duật đến cự nự:
--Dẫu sao cũng không nên làm thế. Còn
cần bạn bè với nhau. Đã có lúc ngồi ăn cơm ở nhà nhau.
Đỗ Chu bảo Duật:
-- Bây giờ lão ấy đang ghen ăn với
mày, nên lão ấy tuôn ra như thế.
Ng Khải:
-- Đáng lẽ ông ấy phải cám ơn mình mới
phải: Cám ơn vì mình đã nói cho ông ấy lẫn đi với mọi người. Hoặc ít ra cũng thấy
rằng không phải tự ông ấy đẩy mình đến
nông nỗi này.
... Nhưng thế này thì thôi. Tôi đã
nóng mặt lắm rồi. Tôi phải bảo dễ mình
ông là nhà thơ trẻ đã đi chiến trường chắc?
Tô Hoài : Sau gần 20 năm, bây giờ Khải mới lại tìm ra con người thực của mình.
Giá kể Khải không viết những Mùa lạc, mà viết thế này từ đầu, có khi lại
ăn.
Nguyễn Đình Thi: Có những người làm
như nói thật, mà hóa ra vẫn nói dối...
Đỗ Chu: Cái trò như ông Khải, thế giới
nó đã làm chán ra rồi. Nó phải có hàng pho tiểu thuyết, nó chỉ làm cái này thêm
vào. Còn như anh, anh chỉ có cái đó, lấy đó làm sự nghiệp chính của đời mình,
thì còn ra sao nữa.
Anh Ngọc: Tôi rất thích lối viết này của
ông Khải. Đến Lỗ Tấn ngày trước cũng bỏ hết mọi thứ văn chương, để đi viết tạp
văn. Mà viết cũng ác liệt thật. Bên tôi (báo QĐND -- VTN) cũng phải ngồi nghĩ một
lúc mới đoán được vấn đề tác giả nêu ra. Nhưng mà dính vào tác giả cụ thể gay
quá. Ai cũng bảo là Phạm Tiến Duật.
Khải kể:
--Ông Mai Ngữ gọi tôi, bảo nên thôi đi
thôi. Bạn bè kêu rất nhiều. Tôi cũng buồn. Chính bạn bè lại không ủng hộ mình.
Nói về họ là họ không chịu được. Họ chỉ muốn mình xỉa xói cấp trên cho sướng chứ
vẫn sợ trên lắm. Có biết đâu rằng trên cũng vậy. Chắc chắn, các bộ trưởng cũng
đồn thổi chứ. Và các ông Bộ chính trị với
nhau, có khi cũng sợ trách nhiệm chứ.
-- Thế mới biết trêu vào cấp trên còn
được. Trêu vào cái đám đông này, gay quá.
Vở kịch ông Xuân Trình, trên kêu là một
phần. Nhưng phần quan trọng là hàng trăm thư của những người trong nghề gửi lên
ông Hà Huy Giáp nói rằng Xuân Trình vốn có tiền án tiền sử trong việc viết phê
phán. Đến một người hỡi ôi như cái ông Vương Lan mà trước lúc chết, cũng còn viết
được mấy dòng, lúc lật ra, toàn là đề nghị thôi kịch ông Xuân Trình. Mà bên
khoa học, người ta lại càng gọt nhau tợn.
20/6
Một
cơn phẫn nộ được thổi bùng
Sau bài Chúng tôi chăm sóc những tài năng
- Khiếp, bằng trêu vào đám ong rồi. Người phản đối rầm rầm
- Chính ở ngoài, người ta lại hiểu hơn. Người ta hiểu rằng đó không phải
chuyện riêng của giới văn nghệ. Dương Minh Đấu bảo
nói về tài năng là biết tìm đề tài hay đấy. Như các ông ấy nghĩ thì tài năng là
do yêu cầu lịch sử. Nhưng nếu tài năng hợp lịch sử thì phải kéo nó lên chứ. Và
những tài năng hợp lịch sử nhất định sẽ tìm được điều kiện phát triển.
Hoặc, ghê gớm hơn, có tay nói đây là đòi tự do đây, đây là nói rằng chúng
ta khuôn người lại đây...
- Tôi buồn nhất là đám trẻ. Cánh già thì tôi lường được rồi. Tôi tưởng trẻ
phải ủng hộ tôi chứ. Đằng này...
--Duật: Khổng Tử nói đại bàng bắt mồi
ở xa, chỉ có loài rắn rết mới kiếm ăn quanh hang quanh tổ.
--Đỗ Chu: Đúng là rồ, sướng quá hóa
rồ. Hãy còn tin tưởng ở cách mạng quá, nên mới viết thế.
Cũng Đỗ Chu: Khải là một kẻ khôn nhất
trong những kẻ tiểu nhân.
-- Bằng Việt: Ông này muốn leo trèo gì không biết? Hàng ngày người ta thấy
ông ấy nói ra điều nọ điều kia, tưởng nói cho vui, hóa ra nghĩ thật.
Cũng Bằng Việt: Tại sao lại lôi hết mọi người
ra nói tàn nhẫn như thế. Tôi thật sự thất vọng về một nhân cách.
-- Hân: Thằng văn nghệ là một thằng khổ nhất, không bao
giờ nên đánh đập nó mới phải. Vì viết văn có sai, không ai bênh cho nó, không
có luật lệ nào để xét xử.
-- Thép Mới: Phải cái ông viết thiếu
đôn hậu. Trẻ không tha, già không thương.
-- Nguyễn Đình Thi: Viết cũng đúng
thôi, nhưng lúc này đưa ra, thấy văn nghệ đâm ra nát quá.
-- Hà Mậu Nhai: Viết cũng được nhưng hơi ác, méchant.
Tố Hữu khi nói chuyện với Nguyễn
Công Hoan:
-- Khải đúng là thằng xỏ lá
Chỉ riêng Lê Đức Thọ, nhân bài Khoảng giữa, có nói gỡ cho một câu:
-- Thằng Khải là thằng nào mà ăn nói cũng được đấy!
Tự vệ một cách nói lính tẩy
Chế Lan Viên bảo đọc thấy thằng trẻ xấu quá, như đoạn sau (tự gọt mình đi)
còn được, đoạn trước (nói Picátxô, Hình học...) thấy dở quá.
Khi thuật lại ý này của Chế Lan Viên, Ng
Khải bảo tôi, chính mình thấy trong đoạn trên, thằng trẻ lại còn có tư
cách.
Khải nói thêm:
- Chán nhất là các ông trẻ lại đi
chửi tôi. Ông Duật đi đập hết cửa này cửa khác là thế nào? Nhưng thế là đủ cho tôi
thấy các ông y như lớp già. Kể cũng có lợi
cho tôi thôi. Đâm ra dễ xử với nhau.Tự tôi có thể cho phép mình tàn nhẫn với
các ông chẳng hạn.
Một lúc sau còn day dứt:
-- Tôi đã có cách trị các ông rồi. Cả ông trẻ cũng như ông già. Người ta bảo
trẻ khác già nhưng thử nghĩ xem, một duộc cả.
Tôi phải tìm một cách nói lính tẩy
cho họ sợ.
Tôi bảo thế này còn là tô hồng rồi còn gì. Sao lại tô hồng? Già thì nịnh bợ,
trẻ thì phản động, đấy, nhận định chính thức là thế. Còn nặng bằng mấy ấy chứ.
Phản ứng của những người "nghiêm chỉnh"
--Thép Mới: Ông tỏ ra yếu về lý luận. Giải quyết các vấn đề hơi tùy tiện.Thứ
hai là đáng lẽ ta phải bàn nhau về chiến thuật mới phải.
--Nguyễn Đình Thi: Có ảo tưởng thì mới định dùng những quan điểm đạo đức để
giải quyết mọi chuyện.
--Tố Hữu: Trên cũng không tin, dưới cũng không tin, trẻ không tin, già
không tin, chính mình cũng không tin. Thì còn biết sống thế nào.
--Nguyễn Đăng Mạnh: Những vấn đề này còn mới quá, chưa thích hợp với số
đông.
--Vũ Minh ( đạo diễn sân khấu): Ông Khải suốt đời nói dối, đến lúc nói thật
thì lại bị đòn.
--Nguyễn Văn Hạnh: Đọc bài biết là
anh còn biết nhiều hơn anh viết nữa...
Nhưng thế là đủ rồi . Có nghĩa khi anh
nói cho sâu một điểm, thì người ta có thể ngầm biết là anh cũng hiểu được các mặt
khác, cả cái diện rộng.
Lâm Quang Ngọc : Đọc Đối mặt thấy
làm một người tốt khó quá, không ai có thể tốt được.
Đỗ Thân ( báo Quân đội): Đối mặt có cái chất tác động tinh thần.
Đòn âm. Hóa ra đánh vào các ông trên nhà mình đấy chứ. Bây giờ ông nào cũng
đang lo vào TW, nên cũng ngại.
4/12
Nửa năm sau nhìn lại.
-- Những ngày vừa qua, mọi người đối với
tôi dè dặt lắm. Họ hết sức tránh nói chyện với tôi. Họ cảm thấy mình trí trá
hay thế nào đó, không cùng cánh với họ.
Nhưng mà thân với ai thì thân, chứ đúng là không cùng cánh được. Tôi không
thích ai chịu trách nhiệm với mình và mình chịu trách nhiệm về ai. Tôi không
thích ngồi chén chú chén anh linh đình mãi rồi mới nói được một đôi câu quan trọng.
Như hôm nọ, ông Kiên ra chỗ tôi,
loanh quoanh mãi mới nói được cái câu: “Ông phải biết chứ, vừa rồi các ông bên
Hội cũng lên trên tố nhau ghê gớm lắm”. Ôi chuyện ấy thì ai mà chẳng biết.
Một loại nhà văn – những người biết làm chủ số phận
Đầu hàng để tiếp tục viết
Đầu hàng để tiếp tục viết
... Có những nhà văn lớn như kiểu Gide, như Aragon. Họ có những thói xấu rất
bình thường. Họ rất hay lầm lẫn, một đặc điểm của họ là họ hay lầm lẫn.
Gạt đi cái phần lầm lẫn ấy, mới thấy cái ngời sáng của tâm hồn họ.
Tôi biết tôi không phải cái loại nghệ
sĩ lớn như vậy. Tôi ít những thói xấu, trừ thói ích kỷ. Tôi không bị phụ nữ lôi
cuốn, một điều mà những người khác, thường có. Tôi lại có cái vẻ xi nich, là cái chất của những chính
khách.
Cũng có những nhà văn mà cuộc đời gắn với tác phẩm, làm tôn tác phẩm lên.
Đúng ra thì phải nói có cuộc đời họ, để
thiên hạ đối chiếu, thì tác phẩm của họ mới có ý nghĩa.
Nổi nhất trong số này là Hemingway. Có lẽ tôi cũng thuộc loại người đó
chăng?
- Qua những ngày này, tôi chỉ nghĩ rằng thế là tôi yên tâm với mọi người.
Ai như thế nào, kể cũng đã rõ. Tôi có thể tàn nhẫn, mà không e dè gì cả... Làm
như ông Nguyễn Khắc Viện ư? Quân tử tầu ư? Không được. Người ta đã làm được một
việc gì đó, thì mới tính chuyện kiểu ấy.
Còn như tôi. Tôi nghĩ bây giờ người ta bảo tôi kiểm điểm tôi sẽ kiểm điểm.
Rồi lúc khác, bảo tôi làm việc gì đấy, tôi cũng sẽ làm. Làm để không bao giờ hối
hận rằng hồi đó, mình đã không làm việc nọ việc kia. Đúng là phải quyết tâm tồn
tại.
... Thời đại này, chỉ có đừng hại người khác thôi. Còn làm như thế nào chẳng
được?
Dư âm kéo dài tới đầu 1975
6/1
Nghe thằng Chu bói toán mà thấy khỉ
quá. Một thằng như thế, không ngờ có lúc lại mắc vào chuyện như thế. Chả còn gì
viết nữa sao mà loay hoay đi làm những chuyện không đâu. Gọi đúng ra là bế tắc,
lại cũng là dấu hiệu của hỗn loạn.
- Với những tay nghiên cứu tử vi tôi
cũng đã phải nói thẳng với họ. Lâu nay
tôi chỉ tin vào khoa học gần là phần cảm
giác, linh tính của mình. Còn như khoa học xa, là việc của các anh.
Làm sao để thấy được là giữa khoa học gần với khoa học xa, không có gì
ngược với nhau.
... Nhưng mà nói thế thôi, theo tử vi bói toán sao được. Nghe họ nói thì thấy
họ cũng chẳng biết gì. Như họ bảo tôi lắm âm mưu, thế là tôi cũng hùa theo, trí
trá, gian dối, tôi nói luôn là tôi đủ cả. Hết chuyện.
Cái còn lại ở đây là xem họ nói gì về mình, họ muốn gì ở mình.
Họ thường bảo ở tôi mọi thứ tốt lắm. Có bao nhiêu sao tốt, tôi đều có cả. Hóa
tài, hóa quyền, hóa lộc. Có đủ tứ hóa liên
châu. Cho nên tai qua nạn khỏi cho nên ngày càng lên thôi. Chỉ có đường vợ
con không ra gì. Với lại họ khuyên mình nên ăn ở cho hiền lành, để phúc đức cho
con cháu. Ờ, thế thì chịu thày rồi. Cái đó bao giờ chả cần.
22/1
Nhàn:
-- Tôi vừa đọc lại cái bài Một thế hệ trong ba cuộc tấn công anh viết 1968. Khiếp, hồi ấy anh nói là cứ thẳng đuột
ra. Mỗi chúng ta là một cán bộ quân sự giỏi. Vì Đảng ta là người chỉ đạo chiến
tranh đầy mưu lược. Mỗi chúng ta là một cán bộ chính trị vững vàng, vì Đảng ta
nhìn xa thấy rộng vô cùng.
Khải:
--Tại hồi ấy, cứ tưởng là hốt được của nó ngay mà lại,
- Tôi đọc mà đâm khó chịu với cái sự đơn giản đó. Đúng là một thế hệ hãnh
tiến. Không những anh, mà là cả thế hệ, thế mới đáng sợ. Tôi có cảm tưởng đứng
bên các thế hệ đó, lớp sau chúng tôi thiệt quá, thật chẳng ra làm sao cả.
- Thì tôi đã kể chuyện hồi ấy đến ông Nguyễn Công Hoan, ông Đặng Thai Mai
tôi cũng gọi bằng anh tất. Làm tổ trưởng, bắt ông Tuân phải họp đến cùng. Phê
bình Sống mãi với thủ đô của ông Tưởng... Tóm lại là mặt lúc nào cũng hằm
hằm, chỉ biết có công việc, công việc, đến nỗi ở đây, ông Hoàng, ông Cao, ông Tịnh
cũng ngại. Vài năm gần đây các ông ấy mới nói, chứ thật hồi trước, các ông ấy
có coi ra làm sao.
Hôm nọ họp Thường vụ, tôi đi đúng giờ, mà đến nơi, đã thấy ông Hoài Thanh,
với ông Hoan ngồi đấy. Gớm, trời rét cứ tưởng các bác còn ngại chưa đến...
Ông Hoài Thanh nửa đùa nửa thật:
-- Thôi anh cứ gọi chúng tôi như trước, chứ thay bậc đổi ngôi làm gì cho
phiền.
... Nhớ lại ngày cũ, lắm lúc cũng thấy buồn cười. Hồi ấy, có ông đã nói gần
nói xa, không ai nắm tay từ tối đến sáng được đâu... Thế mà hồi ấy mình có biết
đâu.
- Chính trong vụ năm 1974 này người ta nhớ lại mình là cốt cán, người ta mới
ức. Thế tử con nhà nòi, gà nòi, xưa nay quen được chiều chuộng, ai cũng nói thế.
Thế mà bây giờ nói láo. Thế mà hùa theo bọn mất dạy ở đường. Thế thì còn ra làm
sao nữa.
25/1
Phản ứng trên phạm vi xã hội
Sau những bài phê phán của Trần Trọng Đăng Đàn, Vũ Đức Phúc in trên Tạp chí Văn học.
-- Tôi chả việc gì phải lên tiếng. Cứ để
cho họ nói quá lên, nói lên thì rồi chính những người quanh mình họ cũng phải
phản đối chứ chẳng đợi mình nói nữa.
Hồi trước, tôi nhận được bao nhiêu thư, ông biết đấy. Quần chúng người ta vẫn
cho là mình nói chưa đến nơi đến chốn, người ta vẫn cho là mình xoa dịu.
Như một thằng viết thư cho tôi, nó nói không phải người ta sinh ra đã nồng
nhiệt hay lãnh đạm - xã hội nó tạo cho người ta như vậy. Ai cho chúng tôi nồng
nhiệt?
Đấy, mình cũng đương chạm vào một phần trong con người họ.
Hoặc như là những tay ở phía bên kia.
Ông Đỗ Đức Dục hơi căm, ông ấy nghĩ rằng mình viết thế này là làm một cái
van xì, để cho chế độ này nó nhẹ đỡ hơn một tí.
Rồi ông Phạm Hồng Cư, ông ấy kể một đứa con ông ấy, tuần nào cũng từ
trường về nhà để đọc báo Nhân dân có bài Nguyễn Khải.
Dĩ nhiên là ông Cư không thể ủng hộ Ng Khải được, nhưng ông ta cũng cười cười
mà nói rằng ông này định dùng đạo đức để giải quyết mọi việc thì giải quyết sao
nổi.
Giá kể ở địa vị người khác, thì cứ đi nghe mọi chuyện, rồi về mà nghĩ ngợi,
cũng đã phát điên lên được rồi. Sợ hãi, lo lắng, thì thào, nghe ngóng. Day dứt,
hối hận,... tóm lại là chẳng còn làm được việc gì nữa.
Không, tôi cứ mặc kệ, ai bảo tôi cái gì tôi sẽ hay.
Đến nỗi có người nhận xét dạo này
mình trông còn béo híp ra cơ mà. Thế là tôi trả lời thì tôi cũng phải có quyền
nghỉ ngơi một thời gian chứ.
Có cái điều làm cho những ông Hữu Mai, Hồ Phương tức điên lên, tức là các
ông trên cùng cũng hỏi thăm tôi rất nhiều.
Ông Võ Nguyên Giáp hỏi ông Hữu Mai, -- Ng Khải nó có lo không?- Thưa anh rất lo – Ráng chịu
chứ biết làm thế nào!
Có lần ông Lê Quang Hòa ghé vào cơ quan, còn nói toang toác:
-- Nhà văn phải phục vụ chân lý. Cũng có thời gian, chân lý thuộc về Đảng.
Cũng có thời gian, tự mình phải suy nghĩ, tự mình phải trả lời.
Khải: Tôi phải tự nhận thế là tôi
cũng là người có một quyền lực nhất định, quyền lực về mặt tinh thần. Có quyền,
thích lắm chứ... Tôi đã thử sử dụng quyền
lực của mình.
Nhàn: Công nhận, công nhận như là giữa đám đông, tự nhiên anh là một người
có mặt. Như là giữa lúc mọi người im lặng, anh hét lên được một tiếng.
25/2
Tự làm nhòe mình đi
--Dạo này đi đâu, tôi cũng nói lại chuyện ông Tuân gặp tôi cho mọi người cùng nghe.
Hôm nọ, ông ấy bảo chưa bao giờ tôi bắt tay anh lại sướng như thế này.
Rồi ông ấy tuyên bố:
--Căn bản là thằng Khải nó vẫn thuộc
dòng nịnh thôi. Chỉ không biết nịnh nên mới sinh sự ra như vậy.
Đi đâu, tôi cũng phải nói lại cái câu ấy để cho mọi chuyện xuê xoa đi.
Rồi tôi lại bắn tin đến tai ông Hoàng Trung Thông. Ông phải cẩn thận mới được.
Khi cấp trên dùng tôi, thì ông cứ phanh áo ra mà đỡ. Nói thế để người ta nghĩ
chẳng qua mình cũng là một thứ tranh ăn với ông Hoàng Trung Thông mà thôi.
Đỗ Chu kể cũng tai quái. Có lần, thấy
ông Thông với Nguyễn Khải ở Hội nhà văn,
Chu gọi hai người lại:
- Ơ kìa anh Khải, sao anh trông thấy
anh Thông, anh lại toàn lẩn đi thế này.
Lại đang đồn nhau giai thoại về cuộc đối đáp giữa Ng Khải
và Hân.
Ông Khải rút thuốc mời Hân nhưng nghĩ Hân không hút lại thôi. Khải giải
thích:
- Thôi, không dám dây dưa với ông, nhỡ lại liên quan tới ông thì chết. Nghe
nói tạp chí Văn học cũng đang có bài đánh ông.
- Nhưng trong bài người ta đánh tôi, có nhiều điểm liên quan đến ông... Tức
là họ đánh chính phần tôi viết về ông.
Một hướng đồn thổi là người ta cho Nguyễn Khải làm thế
để chào hàng. Lo chạy vào TW chứ còn gì
nữa.
Trước khi viết những bài ở báo Nhân Dân, Khải không chỉ được gặp ông
Hoàng Tùng, mà còn gặp một ông to nữa. Ở nhà Nghiêm Đa Văn người ta bảo thế.
Khải tức lắm:
- Ờ, có thể, có thể. Tính tôi trí trá đã quen, cho nên tôi có gặp các ông
không biết, mà không gặp, các ông cũng làm sao biết được.
27/2
Thoăt tin thoắt nghi thoắt ẩn thoắt hiện
Tự nhiên Ng Khải và Xuân Sách lại tin tử vi.
Tử vi bảo Xuân Sách là người mưu lược,
tự mình không làm được việc gì, chỉ giúp cho người khác; rằng ông Sách không được
học hành đến nơi đến chốn, nhưng học giỏi, thi là đỗ; rằng ông Sách có bà vợ
không ra sao, con thì con giai còn khá, chứ con gái sẽ điên loạn, ghê gớm như Đặng
Thị Huệ.
Thế còn Khải? Người ta bảo ông là mệnh
vô chính diệu đắc tam không. Thế nào là mệnh
vô chính diệu. Loại ông này rất khó nắm bắt tính cách. Các then mối đều lỏng.
Con người như cái cửa hàng, trong khi các cửa hàng khác có biển hiệu, thì
ông Khải không có biển hiệu. Người hoàn toàn biến báo. Trong số những người mệnh
vô chính diệu, ở Việt Nam có trường hợp như cụ Hồ. Cụ cũng biến hóa khôn lường.
Về mặt văn nghiệp, ông Khải không có văn
xương, văn khuê, ông không thật nổi về văn nghiệp, nhưng văn nghiệp của ông
lại kết hợp với những hoạt động trong cuộc đời - tức ông lên to, vừa có quyền lực
cụ thể, vừa có quyền lực về tinh thần.
Người xem cho ông Khải trước là Hà Ân, sau là ông Hùng Văn, một tay rất giỏi.
Có lần bảo Khải.
-- Sao dạo này ông không viết nữa đi?
-- Những lúc này mà viết thì phải bất nhân.
-- Ông thuộc loại bất nhân chứ gì?
-- Sao ông biết ?
-- Những người nào móng tay ngắn, thì đều bất nhân.
Lão ta đi với ông Khải ở đường và bảo tôi xem ông Lành còn vượng lắm. Nghe
mà giật mình.
Trong khi đó, thì trong giới văn nghệ, không ai chịu được Ng Khải. Những
người như ông Bùi Hiển không chịu được Đối
mặt. Và những cậu như Định Nguyễn thì bảo nói chuyện với ông Khải rất sợ.
Lúc nào đó, ông ta có thể nói khác đi như chơi. Lại có người lạ thế chứ.
Hôm nay tôi đưa cho các ông ở tổ
sáng tác bài viết của Vũ Đức Phúc ở Tạp chí văn học. Đang ngồi chung ở đấy thì có người gọi Khải đi đâu.
Nguyễn Minh Châu nhân lúc Khải vắng măt:
- Thỉnh thoảng ông Khải cũng phải ăn đòn thế này, mới thông cảm. Nhớ cái hồi ông ấy ngồi viết Chiến sĩ,
người béo đỏ ra, nằm trên cái phản nhà ông Bô, giữa làng Hương Ngải. Thế mà lại
đang tả những gian khổ của thằng lính. Cũng phải có lúc này, ông ấy mới thông cảm
với mọi người được.
3/3
Cái thản nhiên
sau cùng
Thời buổi này, dễ nản lắm, mình có cố nhóm lửa lên, gặp người khác họ nói cho một câu, lại mất như chơi.
Tôi phải công nhận nghị lực của mình cũng khá. Chứ cứ như người khác, chỉ sợ
hãi, đi thanh minh, cũng đã không ra sao rồi.
Sau một ngày, ngồi nghĩ lại, phải kiểm tra xem mình có lúc nào lẩn thẩn
không? Lẩn thẩn là thích dò dẫm, nghe ngóng.
... Nhưng mà rồi cũng phải đi thôi. Đi một chuyến cho xa, cho dứt ra. Vì
mình vốn ngại đi, đi gần thì lại đến mò về mất.
Bây giờ mà đi mấy tỉnh đồng bằng, viết về nông nghiệp, khó lắm. Viết sắc sảo
thì không được, mà viết non quá mình không muốn. Đã bốc, thà bốc chiến tranh
cho xong..
... Người ta cũng dễ quên lắm. Người ta có bao nhiêu việc khác. Sang năm mà
không có gì mới đưa ra, thì không ai người ta còn nhắc tới mình nữa.
4/3
Ông Thép Mới tết vừa rồi lại dở dói viết thư cho tôi. Vừa rồi có gặp Trường
Chinh. Anh Năm có nói là Nguyễn Khải là nhà văn mà tôi rất thích. Quyển Hòa
Vang của đồng chí đó, tôi còn nhớ.
Tôi và đồng chí Lê Quang Đạo sẽ tìm cách
đưa Nguyễn Khải đi thực tế để trở lại không khí bình thường.
Nhàn: Có phải với anh thì không, chứ đối với ông Thép Mới , các ông trên vẫn
còn ghê lắm.
Khải: Đúng thế còn gì. Cho nên thỉnh
thoảng họ cứ thắc mắc vớ vẩn.
... Như có lần, ông Trần Đĩnh, ông Chính Yên cứ than phiền rằng vừa qua,
ông Hoàng Tùng để mặc thằng Khải thế
thành ra bọn này thấy phiền quá. Tôi mới bảo các ông có đánh tôi nữa, tôi cũng
chẳng nói gì, nữa là các ông không bênh tôi.
Cái ông Hoàng Tùng này đâu có phải
đáng tin, đối với bài Lê Khoan Hồng (một
bài nói rằng tết nhất không nên ăn uống, không nên đi thăm nhau gì cả) lúc đầu,
Hoàng Tùng rất khen, sau lại nói, viết thế là vớ vẩn.
Hôm nọ tôi gặp ô Xuân Diệu. Ông ấy bảo tôi thấy những bài Khải viết vừa rồi,
cũng đúng đấy, chứ không phải không đâu. Mình phải dũng cảm, nếu có phải lên
pháp trường, cũng phải cười mới được.
Tôi mới ỡm ờ:
- Không, tôi mà lên pháp trường, thì tôi khóc, chứ nhất định là không cười
rồi.
Thế là ông Diệu cứ ngớ ra.
Nhị Ca: Đúng đấy, loại Xuân Diệu khi cần nịnh, nó cũng nịnh ghê gớm chứ chẳng
vừa đâu.... Phải xi ních thế mới được.
Nhưng xem ra, ông nhiễm của tôi hơi nhiều đấy.
Khải : Ông nhiễm của tôi, chứ chẳng phải tôi nhiễm của ông.
Một lúc sau giải thích :
-- Ông Nhị Ca ông ấy xi ních,
nhưng là ở vị trí của ông ấy, chẳng làm được cái gì, ông ấy nói thế... Chứ cứ để
ông ấy nổi tiếng một chút xem, ông ấy có cuống cả lên không.
- Muốn nói gì thì nói, loạt bài vừa rồi cũng đã nhét vào đầu họ rất nhiều
chuyện. Nhất là chủ nghĩa hoài nghi của bài Đối mặt . Vũ Đức Phúc phải bảo
bài này tuyên truyền một thứ chủ nghĩa cá nhân tệ hại nhất.
Tôi đi nói chuyện ở một số nơi trong dịp kỷ niệm quân đội. Nói rất ngắn
thôi - cái chính trong những buổi đó, là người ta xem mặt mình thế nào, mình
nhìn mặt người ta thế nào, chỉ có thế là xong.
... Tôi cũng phải nhận là tôi cũng có quyền lực nhất định, quyền lực về mặt
tinh thần.
18/3
Hôm nọ, có ông bảo tôi:
-- Hồi thiên hạ đang chửi ông thì lúc nào cũng thấy ông có mặt ở Hội Nhà
văn, nói cười ha hả. Hồi này, mọi người ra tay cứu giúp ông, thì lại không thấy
mặt ông đâu cả. Không biết là thế nào.
Chính Yên cũng có mặt ở đấy:
-- Chúng nó đồn nhau. Hè năm ngoái đúng là Mùa hề đỏ lửa
- Thế ai là hề?
- Còn ai nữa.
...
- Nhưng mà đúng
là số ông này còn đang lên. Chứ những thằng Duật, thằng Phú, chỉ mới khóc dấm
khóc dúi mà bị đánh như thế, ông kêu ầm lên, thì lại chẳng việc gì.