VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Ba bài viết ngắn về Xuân Diệu

                                Khả năng tỏa sáng
   Hè 1939,  nhân cái chết của Tản Đà , Xuân Diệu từng viết đại ý: anh – tức Xuân Diệu  khi đó mới 23 tuổi – sẽ mang tiếng là người bội bạc nếu không nhắc lại những kỉ niệm thuở nhỏ từng yêu thơ Tản Đà ra sao.

 Những ngày này, khi Xuân Diệu nằm xuống, nhiều thế hệ nhà văn Việt Nam cũng sẽ nói như vậy: Chắc chắn chúng ta sẽ mang tiếng bội bạc, nếu không ghi nhận những đóng góp của Xuân Diệu trong cuộc đời văn học của mỗi người.
Chúng ta biết ơn một Xuân Diệu – nhà thơ. Bây giờ mà nói yêu thơ Xuân Diệu hồi Thơ Mới, nghe như cổ cổ thế nào ấy! Nhưng quả thật với lớp người ở lứa tuổi như tôi, chúng tôi đã vào nghề cùng với việc nhập tâm những bài thơ, nhiều câu thơ của Xuân Diệu , từ Huy hoàng trăng rộng nguy nga gió, từ Hoa bưởi thơm rồi đêm đã khuya ngày nào, tới những câu thơ anh mới viết một hai chục năm gần đây, loại như Vai anh khi để đầu em tựa, Cân cả buồn vui của cuộc đời. Mà những câu thơ như thế nhiều lắm.

Chúng ta biết ơn một Xuân Diệu -- nhà văn. Đối với riêng tôi, văn xuôi Xuân Diệu luôn luôn là một cái gì kì lạ, nếu không nói là một bí mật. Nó du dương đầy nhạc tính mà lại không sa vào biền ngẫu; nó dồn dập như hơi thở, bề ngoài có cái vẻ rối rắm không mạch lạc gì cả, mà rút lại vẫn trong sáng tự nhiên; nó rất gây ấn tượng.
Xuân Diệu đã dùng thứ văn xuôi tài ba đó để viết bút kí sau những chuyến đi. Nhưng chỗ đắc dụng nhất của văn xuôi Xuân Diệu phải kể là những bài viết về thơ Hồ Xuân Hương, Kiều, về ca dao Nam Trung Bộ. Bên cạnh Xuân Diệu giảng rất hay về Nadim Hikmét, P.Nêruda, A. Musset… có một Xuân Diệu chân thành cởi mở “trân trọng muôn vàn, muôn vàn trân trọng” khi nói về các bậc thầy làm nên di sản văn học dân tộc. Chúng ta sẽ bội bạc, nếu sau những bài đó của Xuân Diệu không tìm cách hiểu thêm và yêu thêm các nhà thơ cổ điển Việt Nam, như Xuân Diệu từng mong muốn.
Sau hết - thật ra, đối với một số người đây là điều đáng nói đầu tiên – chúng ta sẽ mang tiếng là bội bạc, nếu không nhắc tới con người tác giả Thơ Thơ, Riêng chung,Cầm tay… người từng để lại trong chúng ta một ấn tượng hết sức mạnh mẽ về khả năng làm việc, sức đọc, sức viết, về lòng yêu nghề và tinh thần không ngừng trau dồi nghề nghiệp. Chỉ cần một vài lần dự họp với Xuân Diệu là người ta không thể quên được anh với lối nói trực tiếp, nồng nhiệt, sẵn sàng bất bình phẫn nộ nếu chưa cột được mọi người vào những ý kiến gan ruột của mình. Chỉ cần một vài lần đến nhà đặt bài, lấy bài anh viết là người ta không thể quên được anh với nếp làm việc tỉ mỉ, kỹ lưỡng và một quan niệm sống thiết thực, luôn luôn chú trọng hiệu quả cụ thể.
Lòng Xuân Hương là lửa, tay Xuân Hương có điện”. Xuân Diệu đã viết về Bà chúa thơ Nôm như vậy. Bởi cái lửa, cái điện ấy luôn luôn thấy cháy lên, nhói lên ở chính anh, trong cái cách Xuân Diệu sống và viết. Có việc gì dính dáng đến văn học mà anh ngại ngần! Vâng, so với người khác, anh đã làm được rất nhiều, trước tác của anh bằng sự nghiệp vài ba người khác cộng lại. Nhưng lúc nào anh cũng lo để làm nữa, làm nữa.
Như hôn mãi ngàn năm không thỏa
Bởi yêu bờ lắm lắm bờ ơi!
Cái không thỏa, cái lắm lắm ấy, là hồn cốt của thơ anh, của con người anh mà không hề giấu giếm!
… Trong số những kỷ niệm làm việc với Xuân Diệu, tôi nhớ lần gặp anh trước cửa Hội Nhà Văn hơn một năm trước khi anh mất. Theo chủ trương của nhà xuất bản Tác phẩm mới nơi tôi công tác, tôi tìm cách gợi ý để Xuân Diệu viết hồi ký về cuộc đời mình. Dĩ nhiên là Xuân Diệu không nhận vì anh cho rằng còn lâu mới đến lúc ấy, trước mắt anh còn nhiều việc cần hơn và phải làm ngay. Chúng tôi nói lan man sang một ít chuyện khác và để trở lại với đề nghị viết hồi ký của mình, tôi buột miệng:
-        Tưởng như đã viết rất nhiều, nhưng còn bao nhiêu chỗ, chính Xuân Diệu chưa khai thác hết  mình!
Lần đầu tiên tôi thấy ở Xuân Diệu có một thoáng buồn, một chút như là chạnh lòng. Chẳng lẽ là như thế chăng, một người đã chịu viết như anh lại còn nhiều điều chưa viết?
Như thế chẳng là buồn lắm sao!
Một chút chạnh lòng hôm ấy ở Xuân Diệu – như bao nhiêu sự hứng khởi, sự bền bỉ ở anh bấy lâu, như bản thân công việc của Xuân Diệu xưa nay – truyền sang cho tôi, người đang nói chuyện với anh,  một lòng ham muốn khôn cùng: ham sống, ham viết, muốn dồn tất cả những gì đã sống lên trang viết.
Sự sống chẳng bao giờ chán nản: tôi nghĩ rằng ấy là một trong những câu thơ đáng khắc lên mộ một con người sống và làm việc không biết mệt mỏi này.
Và tôi xin nhắc lại: Chúng ta sẽ chịu tiếng là bội bạc nếu quên đi không ghi nhận sức tỏa sáng ấy của Xuân Diệu giữa mọi người. Có phải dễ dàng gì để lúc nào trong đời cũng gặp được một người như vậy!
19- 12- 1985
Bài viết cho  báo Văn Nghệ, ngày Xuân Diệu qua đời

                                   Xuân Diệu và Hà Nội    
Trong một bài tuỳ bút mang tên Việt Nam đại hội viết từ trước cách mạng, sau in lại vào tập Triều lên (1957), Xuân Diệu từng mượn lời miền Nam để ca ngợi miền Bắc. Trong tâm trí nhà thơ, Hà Nội phải đặt trên bối cảnh toàn miền đồng bằng Bắc Bộ, mới thật rõ cá tính.
- Thưa chị, trải bốn ngàn năm, chị lại càng tươi tốt hơn bao giờ. Chị vẫn trẻ mãi như thế. Mấy thời đại qua, sông Nhị Hà vẫn là một con sông trẻ... Núi Tản Viên tinh khiết như màu trời sắt lại, hồ Ba Bể trăng soi lánh lỏi, Vịnh Hạ Long rồng nổi mây sa, con sông Thương nước chảy đôi dòng. Nhưng huyền diệu nhất là mùa đông của chị. Ở tận miền Nam, em ao ước đến luôn: em cố tưởng tượng cái rét thế nào, cái sương gió thế nào. Những hôm mưa vừa mới tạnh, một trận gió lạnh bỗng xảy đến, đôi chút sương kỳ diệu phơ phất các tán cây, thành phố Sài Gòn của em nhớ thương Hà Nội hơn lúc nào hết. Từ khi đồng bào miền Bắc càng vào nhiều trong em thì những mùa mưa của em cũng như thêm gió thêm sương, thêm một vài luồng lạnh quí báu, hiếm hoi...”.
Đoạn văn diễn tả khá tinh tế những ấn tượng mà một người vốn quê khu Năm như Xuân Diệu “tiếp nhận” ở Hà Nội, ngạc nhiên về Hà Nội.
Bấy giờ là 1935, nhà thi sĩ trẻ mười chín tuổi đến Hà Nội để vừa học tú tài phần thứ nhất, vừa viết văn, viết báo. Với các bạn trẻ bây giờ, Xuân Diệu thường kể: Nếu từ nông thôn lên Quy Nhơn, ông đã thấy con người được cởi mở hơn, tâm trí phong phú hơn, thì với việc ra Hà Nội, những thay đổi lại càng như kỳ diệu.
Tôi được đi ra Hà Nội học tú tài phần thứ nhất ở trường Bưởi gần Hồ Tây. Hồ Tây lúc đó còn hoang vu hơn bây giờ nhiều, số người còn ít. Hồ Tây rất là rô-măng-tích. Có thể nói, khi ra Hà Nội, tôi có sự nẩy nở lần thứ hai... Đi vào những trại trồng hoa ở Ngọc Hà, xem những cây hoà đào ở Nhật Tân, đối với tôi vào tuổi 18, 19 như một sự bừng nở, như mùa xuân mới về”.
Nếu muốn tìm hiểu thiên nhiên đã ảnh hưởng đến tâm hồn một người viết văn như thế nào, thì trường hợp Xuân Diệu tiếp xúc với miền Bắc, trước tiên là Hà Nội, đã là một đề tài thú vị.
Trên phưong diện văn học, những ảnh hưởng này sẽ rõ rệt hơn, và những ngạc nhiên trong lòng Xuân Diệu sẽ còn trào lên mạnh mẽ hơn.
Ở Quy Nhơn ngày nào Xuân Diệu đã say mê thơ Tản Đà, khi nghe tin An nam tạp chí tục bản, cứ phải trốn trường ra phố thăm hỏi .
Nay Xuân Diệu được gặp Tản Đà giữa toà soạn một Ngày nay, nơi Xuân Diệu bước vào nghề làm báo hỏi không vui sao được .
 Quan trọng nhất, ở Hà Nội, Xuân Diệu quả quyết nhập bằng được vào Tự lực văn đoàn và trở thành một thành viên của cái văn đoàn lừng lẫy một thời này. 
Cùng làm Ngày nay có người bá chủ thi đàn đương thời là Thế Lữ. Tác giả Mấy vần thơ đã động viên Xuân Diệu viết, đã cho đăng một số bài của Thơ thơ trên Ngày nay, và khi Thơ thơ in ra, tự tay viết những trang đề tựa.
Các sách văn học sử về sau thường ghi Thế Lữ đã nhường ngôi bá chủ thi đàn cho nhà thơ mới chuyển từ Quy Nhơn ra Hà Nội.
Không phải ngẫu nhiên nhiều bài thơ của Xuân Diệu in báo rồi in lại trong Thơ thơ, bên cạnh đầu đề, có ghi thêm mấy chữ tặng một người nào đó: Chiều tặng Nguyễn Khắc Hiếu, Nhị Hồ tặng Thạch Lam, Xa cách tặng Đỗ Đức Thu, Vội vàng tặng Vũ Đình Liên v.v.. và v.v...
 Những chi tiết nho nhỏ ấy chỉ xác nhận một sự thực là Xuân Diệu đã sống tự nhiên hòa hợp trong vòng tay các đồng nghiệp, và do được sự động viên, cổ vũ của bè bạn, đồng nghiệp... mà ngòi bút có thêm cái hứng khởi của một người tìm ra chính mình.
Trường hợp của ông chỉ chứng tỏ cái quy luật chắc chắn là đúng với đời sống tiền chiến: Người ta chỉ trở thành nhà văn khi về với thủ đô, bản thân trở thành một bộ phận của đời sống văn học văn học thủ đô.  
Có lẽ cũng chỉ Hà Nội hồi ấy mới chấp nhận cái chất “tây” rõ rệt trong thơ Xuân Diệu và vừa chào đón nồng nhiệt vừa hướng cho nó thêm mềm mại  sâu sắc hơn.
Rồi cũng ở đây, sự nghiệp Xuân Diệu cơ bản hình thành. Thơ thơ in ra hai lần ở Hà Nội (1938-39), đã có tiếng vang tới mức, năm 1941, khi làm Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm đã ghi lại lần thứ nhất Thơ thơ được in ra, như một ngày tháng đáng  nhớ trong Biểu liệt kê các tác giả và tác phẩm theo thứ tự thời gian in ở cuối sách.
Tuy nhiên, cũng ở Hà Nội trước cách mạng, Xuân Diệu nhanh chóng đi tới sự chán ngán bế tắc.
Những trang văn xuôi của tác giả in trên Ngày nay, trước khi đưa vào Phấn thông vàng có một không khí  buồn buồn, ngùi ngùi, nó là trạng thái tâm hồn tác giả đồng thời lại cho chúng ta thấy một vài khía cạnh Hà Nội trước cách mạng mà ở người khác không thật rõ.
Nơi ở của một người bạn hiện ra dưới ngòi bút ông với vẻ đa dạng của cái buồn:
Tôi biết nói cái gì trước bây giờ? Cái gì cũng buồn như nhau. Con đường sắc xanh không rải nhựa, dãy phố lặng lẽ, gian nhà không chút đặc biệt của ông chủ, căn phòng không sáng sủa của bạn tôi... Mọi vật đều buồn một cách lưng chừng, xui lòng tôi không đủ cớ mà buồn nữa kia, phải chịu ngùi ngùi một cách vô lý”.
Và đây nữa, cái chất lưng chừng, vừa phải của một mảng đời thành phố, qua sự cảm nhận của Xuân Diệu:
“Đoạn đường chạy qua không đủ rộng để làm một đường phố, cũng không đủ hẹp để làm một ngõ hẻm. Đá không chịu lởm chởm, mà chỉ hơi gập ghềnh. Nhà không chịu xấu, không chịu tồi mà lại chưng một vẻ phong lưu nghèo nghèo một ít. Ánh sáng không chịu sáng, giữa hai dãy lầu khéo đứng để ngăn mặt trời, cả ngày chỉ là một buổi chiều dài. Ở chợ Hôm đang náo nhiệt bao nhiêu, thế mà vừa đi một trăm bước để vào con đường này, cuộc đời bỗng quạnh hiu, làm cho nhà cửa ngơ ngẩn”.
Có thể bảo rằng đây là một nét Hà Nội trước cách mạng rất hiếm người nhận ra, cái Hà Nội mờ mờ, nhạt nhạt, bùi ngùi như Xuân Diệu hay nói, cái Hà Nội giống như trong tranh Bùi Xuân Phái, trời đất không ra sáng, không ra tối, chỉ thấy nhà không thấy người, và những mái nhà thì tuy nhỏ nhoi, nhưng không cái nào giống cái nào.
Chính một thứ Hà Nội bùi ngùi như thế này đã quyết định những chuyển hướng trong cuộc đời và trong thơ Xuân Diệu...
Trong Những bước đường tư tưởng của tôi, ông kể:
Năm 1943-1944, ở trên cái gác Hàng Bông, tôi chạy buôn chợ đen thì không được, viết văn cứ nói mãi về cái buồn cũng hết chuyện... Tôi ngồi giở quần áo cũ ra và giữa một bóng chiều thu đông lạnh và héo xám như hoa khô”.
Trước khi về 61 Hàng Bông, cái gác vá áo nói trên, Xuân Diệu còn cùng với Huy Cận ở 40 Hàng Than. Trong ngôi nhà này Xuân Diệu và Huy Cận ở trên gác, còn người ở gác dưới là nhà thơ Lưu Trọng Lư.
Lưu Trọng Lư từ miền trung ra Hà Nội trước Xuân Diệu, bấy giờ đã sống bằng ngòi bút, ông nhận làm thuê cho Tiểu thuyết thứ bẩy, Phổ thông bán nguyệt san , và đặc biệt làm cho tờ Tao đàn, lương mỗi tháng sáu chục đồng.
Nhưng bao nhiêu màu sắc kỳ lạ của cuộc sống Hà Nội bấy giờ không làm cho thi sĩ yên tâm. Nhìn vào đời sống Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu thấy chẳng có gì bảo đảm.
 Chưa đầy ba mươi tuổi mà Xuân Diệu đã cảm thấy hết cái lạnh lẽo của kiếp sống con người. 
Huy Cận than: “Phố không cây, ôi sầu biết bao chừng” nghe còn mơ màng. 
Xuân Diệu nói rõ hơn: “Cơm áo không đùa với khách thơ”, thật là cụ thể.
Có lẽ là nghề viết không nuôi nổi người ta thật, nên mê văn chương, mê Hà Nội vậy, Xuân Diệu vẫn phải bỏ cả hai mà đi làm tham chính nhà đoan ở Mỹ Tho ba năm, khi Huy Cận đỗ kỹ sư canh nông nuôi được bạn rồi, hai người mới đoàn tụ.

Khi nghe tôi hỏi về những ấn tượng mà Hà Nội để lại trong tâm trí mình, Xuân Diệu ngước mắt lên thoáng nghĩ gì đó, rồi nói rằng sẽ có lúc mình viết về trời đất, nắng gió Hà Nội. Tuy nhiên, còn một điều ông đã nói ngay lúc đó. Hà Nội bây giờ là cái xưởng làm việc của ông, là nơi cung cấp cho ông đủ “nguyên vật liệu” để suy nghĩ, nghiên cứu, lại tạo không khí đủ ấm, đủ nóng để cái nụ của sự sáng tạo thành hoa, cái mầm trong hạt lớn lên thành cây. 
Ngoài ra, phải nói là từ sau cách mạng, Xuân Diệu sống giữa Hà Nội thấy đầm ấm hơn. Ông lại hay đến với Hồ Tây rất rô-măng-tích, như ông đã nghĩ, hơn bốn chục năm trước. Lại hay đến Trại trồng hoa Ngọc Hà, tới xem đào Nhật Tân... 
Trong khi đường trăng- đường thơ- đường tình yêu của Xuân Diệu lúc này mở rộng ra tới tận Láng “thơm bạc hà, canh giới” thì hàng ngày, Xuân Diệu vẫn sống bên phố phường nhà cửa, những con đường đậm bóng sấu Hà Nội, và viết, lao động, với một nhịp điệu  hối hả gấp gáp " Mau với chứ ! Vội vàng lên với chứ" của thời trẻ.

1984
Đã in trong Một số nhà văn VN hôm nay với Hà Nội, 1986   

             Toà ngang dãy dọc đồ sộ,
                                     nhưng sau đó sao đây?                                             
 
Nhân việc xuất bản toàn tập Xuân Diệu, 2001

                                              I
 Ý nghĩ đầu tiên của tôi khi nghe tin Toàn tập Xuân Diệu  được in ra là ở dưới suối vàng, nhà thơ chắc rất sung sướng.
  Còn nhớ những quyển sách đầu tiên của Xuân Diệu mà chúng tôi được đọc sau khi Hà Nội đươc tiếp quản (tháng 10/1954).
 Mặc dầu sách ra đời ngay trong lòng Việt Bắc kháng chiến nghĩa là được in trên giấy dó làm theo lối thủ công  chỗ dày chỗ mỏng không đều, mặt giấy nhiều khi còn lẫn cả một mẩu rơm -- như Xuân Diệu từng  tả khi nói về những số Văn nghệ đầu tiên; và mặc dầu đó chỉ là những tập thơ mỏng, song sau trang một đề tên sách, lật đến  trang  hai, bao giờ chúng tôi cũng tìm thấy một dấu hiệu riêng của Xuân Diệu: phải có cái mục Cùng một tác giả, ở đó nhà thơ trình với độc giả cho đến thời điểm ấy ông đã có bao nhiêu đầu sách.
     Sau này sách in đẹp hơn giấy trắng hơn thì việc liệt kê việc mình đã làm càng được Xuân Diệu xem trọng, và nhìn qua những cuốn sách ông soạn trong những năm cuối đời chúng tôi đôi khi phải bái phục chẳng riêng vì nội dung sách và khối lượng công việc - điều này thì tất nhiên rồi - mà  phục ngay ở cái cách ông tận tuỵ với mình, ghi chép bằng hết những gì đã viết.
      Từ  những trang Cùng một tác giả đó, trong lòng chúng tôi, Xuân Diệu  hiện ra như một người làm nghề chuyên nghiệp hơn ai hết.
     Trong khi nhiều nhà văn nhà thơ ở Việt Nam không thích nói nhiều về những gì mình đã làm, họ muốn tỏ ra khiêm tốn,  muốn chứng tỏ rằng mình nhìn đời một cách hư vô sao cũng được và cái chính là vì họ dừng lại ở  một quan niệm khá tài tử về  chuỵện cầm bút, thì Xuân Diệu không thế.
   Học theo Tản Đà hồi nào, ông có ý thức rằng mình có quyền tồn tại như một thi sĩ, mình là người có nghề đàng hoàng và trong nghề này ai chăm chỉ siêng năng hơn người đó đáng đươc kính trọng hơn.
   Có một câu nói Xuân Diệu hay nhắc lại với cánh chúng tôi - những người thường được mệnh danh là lực lượng trẻ trong những năm chống Mỹ  đại ý: các cậu còn trẻ quá các cậu hay phung phí sức lực. Còn mình ấy ư, Xuân Diệu này chỉ tồn tại nhờ biết dồn sức mạnh của năm ngón tay thành sức mạnh chung của một nắm đấm. 
   Và Xuân Diệu đã làm đúng như vậy. Điều mà ông sợ nhất là sự dang dở. Làm gì ông cũng muốn đào cùng tát cạn.
   Lại nhớ một câu thơ tự thuật của Xuân Diệu : Rất tồi toán pháp khá văn chương. Có thể là  điểm toán của ông khi đi học không cao, nhưng sự tính toán của ông cho đời mình thì chẳng xoàng tí nào cả.
 Khả năng nhìn xa trông rộng ; sự lịch lãm trong nghề; vốn hiểu biết phong phú; và thói quen lao động cật lực...bấy nhiêu yếu tố dồn cả lại làm nên một sự nghiệp mà ngày nay nhìn lại qua bộ toàn tập sáu cuốn mới in phải nói là một thứ toà ngang dãy dọc đồ sộ.
  Trong từng lúc từng chỗ có thể nói con người này là một thi sĩ bẩm sinh luôn  luôn mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.
  Nhưng nhìn chung cả một đời người thì lại có thể  nói là ông rất tỉnh. Ông tìm cách huy động tất cả những gì vốn có.
   Cũng tức là  ông đã tìm ra được cái cách hữu hiệu nhât để vắt kiệt sức lực của mình.
  Và ông muốn chung quanh ghi nhận cho ông cái nỗ lực ông đặt vào công việc.
 Ai đã từng có lần ngồi nghe Xuân Diệu nói chuyện thơ hẳn nhớ ông rất chú ý tạo không khí cho buổi trình diện của mình, phải thêm lọ hoa như thế này, phải đặt mi-cơ-rô như thế kia và sau những đoạn nói hay người nghe phải ủng hộ diễn giả bằng cách vỗ tay ra sao...
  Thành thử những hình thức tổng kết về một tác giả như làm tuyển tập làm toàn tập là nằm trong sự tính toán của ông.
Ông luôn ước ao một sự trình diện đầy đặn, một sự kỉểm kê chặt chẽ chính xác ngay về số lượng, tức những gì ông đã làm được mang bày hết và ông muốn có được cái hình thức tồn tại như nhiều nhà văn nhà thơ của thế kỷ này đã được hưởng.
   Đến bây giờ mới thấy đây
  Mà lòng đã chắc những ngày một hai
 Có thể mượn lại câu Kiều đó để diễn tả sự hoan hỉ mà Xuân Diệu dành cho toàn tập nếu như ông còn sống.

                                              II
   Thế nhưng sau khi đã thông cảm với niềm ao ước khôn nguôi của Xuân Diệu và mừng cho tác giả, có lẽ sẽ không có gì là quá nếu với tư cách bạn đọc, chúng ta thử nêu lên một ít điều ước ao thêm từ bộ sách sáu tập dày cộp này.
     Những ngày đầu 1945, trong một buổi nói chuyện với các bạn sinh viên lúc ấy, tác giả Thơ thơ có nêu một căn bệnh  mà theo ông là phổ biến ở dân mình, ấy là bệnh chuộng hình thức, làm cái gì cũng muốn làm thật to, sơn phết cho thật hào nhoáng.
   Ông gọi đó là bệnh voi nan (Toàn tập mới in, tập 3, trang 18).
  Vậy mà, hỡi ôi, với căn bệnh mà ông chế giễu đó, ông đâu có tìm được vắc-xin  miễn dịch !
   Ông từng có lý luận  cái rễ của cây cúc cũng có mùi hăng hắc, nói nôm na là những gì do ông viết ra vẫn có cái duyên riêng mà phi Xuân Diệu không ai viết được.
 Có điều, tôi nghĩ việc gì rồi cũng phải có chừng mực.
Mặc dù vẫn mang cái giọng riêng của Xuân Diệu, song những  bài viết loàng xoàng dưới cơ  so với tài năng của ông khi được đặt cạnh nhau, lại có cái phản tác dụng kỳ lạ.
Mấy chục năm trước đọc đã mệt mỏi, đến nay, lại càng khó ai kham nổi!
 Những nhận xét này có thể với cả những bài thơ yếu, lẫn những bài nói về  kinh nghiệm làm thơ cũng như bình thơ mà ở đó ngòi bút Xuân Diệu rơi vào dài dòng kể lể.
 Cầu cho vong linh ngưởi đã khuất tha cho kẻ hậu sinh và cũng xin đừng ai bắt bẻ tôi theo cái kiểu “Anh đã viết đươc như thế chưa mà anh chê ?!”.
  Tôi không muốn phải chứng kiến những phút yếu đuối kém cỏi của con người mà tôi hằng yêu kính dù tôi biết rằng bất cứ ai,  kể cả các thiên tài,  cũng có những phút như thế.
  Và tôi muốn đối xử với Xuân Diệu không phải như một người đã qua đời cách đây gần mười sáu năm, mà như một người đang sống và còn sống mãi trong lòng các thế hệ bạn đọc tương lai.
Nhưng đây là toàn tập cơ mà  -- có bạn sẽ nhắc.
Vâng, đồng ý với bạn : một dịp kiểm kê tất cả những gì Xuân Diệu đã viết  như thế này là một việc thiết yếu -- chẳng hạn, chính nhờ có toàn tập sáu tập hôm nay mà người ta  thấy rõ hơn  những điều lâu nay tôi mới thấy lờ mờ .
Với những ai làm công tác nghiên cứu văn học thì toàn tập này là rất cần với điều kiện là ngoài việc khảo chứng kỹ lưỡng đồng thời người biên soạn  phải tự sưu tầm lấy nhiều bài viết lẻ rải rác đây đó của Xuân Diệu trong đó có những bài  rất hay mà chưa từng được đưa vào tập sách nào.
 Còn đối với đa số bạn đoc, tôi cầu mong sớm có một người làm công việc gạn lọc để rút ra từ toàn bộ sáng tác của Xuân Diệu khoảng độ ngàn trang gì đấy mà toàn những trang tinh tuý bộc lộ hết cỡ tài năng của Xuân Diệu.
Theo chỗ tôi biết, mặc dù rất chủ quan và hay lo vun vén cho bản thân, nhưng Xuân Diệu cũng là người trọng lẽ phải  và biết phục thiện.
 Được thấy những  cuốn sách xứng đáng gọi là tinh tuyển của mình như vậy, nhà thơ sẽ có cái hào hứng như Từ Hải gặp Kiều và sau khi khen cho con mắt tinh đời, sẽ xem như một người tri kỷ.

    Vải nét về bộ toàn tập nói ở trên 
Toàn tập Xuân Diệu  (6 tập) in ra ở NXB Văn học, H.2001. Sách  do Nguyễn Bao  sưu tầm biên soạn và giới thiệu. Tổng cộng tới hơn 5.000 trang
Tập 1,1020 trang in lại toàn bộ thơ trong các tập  từ  Thơ thơ đến Thanh ca, nhưng do không chọn bài lẻ nên lại thiếu Thơ duyên, Hoa đêm, Hy mã lạp sơn
Tập 2, 784 trang gồm các tập văn xuôi Phấn thông vàng,Trường ca..
Tập 3, 1144 trang gồm Thanh niên với quốc văn,Tiếng thơ, Những bước đường tư tưởng của tôi…
 Tập 4, 844 trang gồm Đi trên đường lớn,Và cây đời mãi mãi xanh tươi, Mài sắt nên kim.
 Tập 5, 676 trang  gồm Công việc làm thơ và một  số tác phẩm lẻ  giới thiệu mấy nhà thơ Nadim Hikmet, Tagor, Tú Mỡ, Huy Cận...
 Tập 6, 896 trang, gồm các bài giới thiệu các nhà thơ cổ điển và  cận đại, từ Nguyễn Trãi tới Trần Tuấn Khải.



Bài đã inTT&VH,2001
Mới hơn Cũ hơn