Ai cũng nói buôn mà chẳng ai biết buôn
Hồi chưa có chủ trương bung ra làm ăn, nhiều cán bộ nhà nước thường nhìn sự buôn bán bằng con mắt tiếc rẻ.
Thấy một số người liều lĩnh làm công việc gọi là phe phẩy để rồi kiếm bộn tiền, ta nghĩ có khó gì đâu cái việc buôn ấy, ai buôn mà chẳng được.
Có biết đâu vài năm sau, mới thấy việc không dễ nhằn: lừa lọc móc ngoặc đánh quả... là một việc, còn buôn bán theo đúng nghĩa của nó lại khác hẳn.
Cái gọi là tư duy con buôn đang xâm nhập vào mọi hoạt động. Trong công việc nghiên cứu khoa học. Trong dạy và học. Trong mối quan hệ giữa người và người, kể cả trong tình yêu, tình bạn.
Trong một cuốn tờ điển Hán Hán tôi đọc được một định nghĩa. Phát hiện ra một nhu cầu. Tổ chức sản xuất và lưu thông hàng hoá, tạo nên sự liên kết giữa các ngành nghề, các địa phương -- đó là thương nghiệp (buôn bán).
Ở ta không ai nghĩ thế.
Các từ điển như Việt Nam từ điển của Hội khai trí tiến đức soạn năm 1931, hoặc Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên,--được coi như sách nhà nước in đi in lại từ nhiều năm nay -- thường chỉ định nghĩa buôn bán là mua vào bán ra hưởng chênh lệch. Và trong thực tế khi đi ra buôn bán với thiên hạ thì người mình thật sự là còn đang rất ngô ngọng.
Quan chức to nhỏ đều không có nghề
Một công việc khác tưởng ai cũng có thể làm được do đó không có người làm giỏi là việc phụ trách quản lý, nói nôm na là việc làm quan. Ở đây cũng có tình trạng tương tự như buôn bán. Tức là ai cũng thích làm, cũng tưởng mình thừa sức làm, trong khi chẳng mấy ai gọi là có nghề trong việc làm quan cả. Chỉ giỏi bảo nhau làm đại đi, còn như giá có ai hỏi làm như thế nào thì chưa chắc đã biết.
Mà không có nghề ở đây thì vừa làm khổ mình, vừa làm khổ người khác, cả cấp trên lẫn cấp dưới, nhất là cấp dưới và dân thường. Quan chức loại này chỉ biết cứa cổ những người dân mà họ cai trị bằng cái cưa cùn, hoặc những mẩu sắt rỉ mà họ nhặt được đâu đó.
Nghề càng tưởng dễ thì càng khó
Chuyện thời sự ở nông thôn hiện nay là đi xuất khẩu lao động. Một người bạn tôi có vợ làm phiên dịch cho một công ty Đài Loan kể :
--Chính tuyển người đi phục vụ trong các gia đình lại khó nhất.
Nghe mà thấy bất ngờ. Cũng tương tự như tôi đã bất ngờ khi nghe nói rằng một số tỉnh bắt đầu cử bà con nông dân đi các nước học nghề. Thì ra cũng như nhiểu người, mình hay chủ quan mà nghĩ rằng những việc như làm ruộng hoặc trông nom nhà cửa thì bất cứ ai cũng làm được. Trong khi ấy thì trong xã hội hiện đại, cái gì người ta cũng đưa lên thành bài bản và coi là nghề phải học.
Học xong chả biết làm gì
Ta thường hay nói môi trường đầu tư ở Việt Nam hấp dẫn mà một trong những lý do tạo nên sự hấp dẫn đó là vì người mình thông minh chịu khó, lại khéo léo, và có văn hoá, dễ tiếp nhận kỹ thuật nước ngoài. Nhưng bản tin của VTV1 sáng 10-3 -2003 đưa tin : Chỉ có 4% người Việt ra nước ngoài(xuất khẩu lao động) có tay nghề với nghĩa nghiêm chỉnh.
Cái sự thiếu người có nghề thật ra đâu phải chỉ đến ngày đưa người đi lao động nước ngoài mới biết. Mà lâu nay, mỗi năm hè tới, cả xã hội gần như rung động vì các kỳ thi đại học, thì lại là một dịp nhiều người chép miệng: thi cử căng thẳng nhưng rồi học xong chả biết làm gì. Thừa thầy thiếu thợ. Các trường gọi là đại học quá chật là vì các trường dạy nghề của ta quá yếu.
Giỏi kiếm ăn chứ không phải giỏi nghề
Ở chỗ riêng tư, nhiều người gần đây không giấu nổi ngạc nhiên: tiền nhiều quá, các cơ quan cũng như dân đều sẵn tiền, không có tiền làm việc lớn nhưng ăn uống chè chén rồi trợ cấp với biếu xén thì lu bù, lương thấp nhưng bổng lộc lại gấp mấy lương. Tương tự như vậy, trong khi cái phần con người nghề nghiệp mờ nhạt thì thay vào đấy ở nhiều người lại đang nổi lên cái phần con người kiếm sống. Nghĩa là xoay sở chạy chọt, tác động chỗ này dí điện chỗ kia. Thậm chí, cái tiêu chuẩn để một vị thủ trưởng được anh em yêu mến thời nay không phải là chuyên môn giỏi mà là chạy dự án giỏi, kiếm được nhiều tiền về chia cho nhân viên.
Sổ tay tôi có ghi được một câu nói của nhà văn Nga L. Leonov:
Khi nói tới con người, tôi cho rằng nói luôn tới nghề nghiệp là một điều cần thiết. Tổng quát mà nói tôi thích những người yêu tột độ một cái gì đó. Đối với tôi, việc đi sâu vào cách nhìn đời sống của họ thông qua nghề nghiệp mà họ gắn bó, là một chuyện rất thú vị. Nghề nghiệp chính là sợi dây xã hội nối kết con người với thời đại.
Tạm diễn cái ý trên đây của Leonov như sau: mỗi con người chúng ta phải được chuyên môn hoá. Phải có đóng góp cho xã hội trong một công việc cụ thể, và ta phải chăm chút học hỏi để cho cái công việc cụ thể đó trở thành công việc giỏi giang.
Trong thực tế, đây lại thường là chỗ yếu của con người VN hôm nay. Chiến tranh đã tạo cho xã hội ta một đội quân đông đảo những người vô nghề nghiệp và sau chiến tranh, tưởng rằng với sự học hành lớt phớt qua loa, chỉ cần có đủ thứ dũng cảm, ý chí,quyết tâm...như hồi nào, là thừa sức đi vào xã hội hiện đại.
Đã in trong Nhân nào quả ấy,2003
Hồi chưa có chủ trương bung ra làm ăn, nhiều cán bộ nhà nước thường nhìn sự buôn bán bằng con mắt tiếc rẻ.
Thấy một số người liều lĩnh làm công việc gọi là phe phẩy để rồi kiếm bộn tiền, ta nghĩ có khó gì đâu cái việc buôn ấy, ai buôn mà chẳng được.
Có biết đâu vài năm sau, mới thấy việc không dễ nhằn: lừa lọc móc ngoặc đánh quả... là một việc, còn buôn bán theo đúng nghĩa của nó lại khác hẳn.
Cái gọi là tư duy con buôn đang xâm nhập vào mọi hoạt động. Trong công việc nghiên cứu khoa học. Trong dạy và học. Trong mối quan hệ giữa người và người, kể cả trong tình yêu, tình bạn.
Trong một cuốn tờ điển Hán Hán tôi đọc được một định nghĩa. Phát hiện ra một nhu cầu. Tổ chức sản xuất và lưu thông hàng hoá, tạo nên sự liên kết giữa các ngành nghề, các địa phương -- đó là thương nghiệp (buôn bán).
Ở ta không ai nghĩ thế.
Các từ điển như Việt Nam từ điển của Hội khai trí tiến đức soạn năm 1931, hoặc Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên,--được coi như sách nhà nước in đi in lại từ nhiều năm nay -- thường chỉ định nghĩa buôn bán là mua vào bán ra hưởng chênh lệch. Và trong thực tế khi đi ra buôn bán với thiên hạ thì người mình thật sự là còn đang rất ngô ngọng.
Quan chức to nhỏ đều không có nghề
Một công việc khác tưởng ai cũng có thể làm được do đó không có người làm giỏi là việc phụ trách quản lý, nói nôm na là việc làm quan. Ở đây cũng có tình trạng tương tự như buôn bán. Tức là ai cũng thích làm, cũng tưởng mình thừa sức làm, trong khi chẳng mấy ai gọi là có nghề trong việc làm quan cả. Chỉ giỏi bảo nhau làm đại đi, còn như giá có ai hỏi làm như thế nào thì chưa chắc đã biết.
Mà không có nghề ở đây thì vừa làm khổ mình, vừa làm khổ người khác, cả cấp trên lẫn cấp dưới, nhất là cấp dưới và dân thường. Quan chức loại này chỉ biết cứa cổ những người dân mà họ cai trị bằng cái cưa cùn, hoặc những mẩu sắt rỉ mà họ nhặt được đâu đó.
Nghề càng tưởng dễ thì càng khó
Chuyện thời sự ở nông thôn hiện nay là đi xuất khẩu lao động. Một người bạn tôi có vợ làm phiên dịch cho một công ty Đài Loan kể :
--Chính tuyển người đi phục vụ trong các gia đình lại khó nhất.
Nghe mà thấy bất ngờ. Cũng tương tự như tôi đã bất ngờ khi nghe nói rằng một số tỉnh bắt đầu cử bà con nông dân đi các nước học nghề. Thì ra cũng như nhiểu người, mình hay chủ quan mà nghĩ rằng những việc như làm ruộng hoặc trông nom nhà cửa thì bất cứ ai cũng làm được. Trong khi ấy thì trong xã hội hiện đại, cái gì người ta cũng đưa lên thành bài bản và coi là nghề phải học.
Học xong chả biết làm gì
Ta thường hay nói môi trường đầu tư ở Việt Nam hấp dẫn mà một trong những lý do tạo nên sự hấp dẫn đó là vì người mình thông minh chịu khó, lại khéo léo, và có văn hoá, dễ tiếp nhận kỹ thuật nước ngoài. Nhưng bản tin của VTV1 sáng 10-3 -2003 đưa tin : Chỉ có 4% người Việt ra nước ngoài(xuất khẩu lao động) có tay nghề với nghĩa nghiêm chỉnh.
Cái sự thiếu người có nghề thật ra đâu phải chỉ đến ngày đưa người đi lao động nước ngoài mới biết. Mà lâu nay, mỗi năm hè tới, cả xã hội gần như rung động vì các kỳ thi đại học, thì lại là một dịp nhiều người chép miệng: thi cử căng thẳng nhưng rồi học xong chả biết làm gì. Thừa thầy thiếu thợ. Các trường gọi là đại học quá chật là vì các trường dạy nghề của ta quá yếu.
Giỏi kiếm ăn chứ không phải giỏi nghề
Ở chỗ riêng tư, nhiều người gần đây không giấu nổi ngạc nhiên: tiền nhiều quá, các cơ quan cũng như dân đều sẵn tiền, không có tiền làm việc lớn nhưng ăn uống chè chén rồi trợ cấp với biếu xén thì lu bù, lương thấp nhưng bổng lộc lại gấp mấy lương. Tương tự như vậy, trong khi cái phần con người nghề nghiệp mờ nhạt thì thay vào đấy ở nhiều người lại đang nổi lên cái phần con người kiếm sống. Nghĩa là xoay sở chạy chọt, tác động chỗ này dí điện chỗ kia. Thậm chí, cái tiêu chuẩn để một vị thủ trưởng được anh em yêu mến thời nay không phải là chuyên môn giỏi mà là chạy dự án giỏi, kiếm được nhiều tiền về chia cho nhân viên.
Sổ tay tôi có ghi được một câu nói của nhà văn Nga L. Leonov:
Khi nói tới con người, tôi cho rằng nói luôn tới nghề nghiệp là một điều cần thiết. Tổng quát mà nói tôi thích những người yêu tột độ một cái gì đó. Đối với tôi, việc đi sâu vào cách nhìn đời sống của họ thông qua nghề nghiệp mà họ gắn bó, là một chuyện rất thú vị. Nghề nghiệp chính là sợi dây xã hội nối kết con người với thời đại.
Tạm diễn cái ý trên đây của Leonov như sau: mỗi con người chúng ta phải được chuyên môn hoá. Phải có đóng góp cho xã hội trong một công việc cụ thể, và ta phải chăm chút học hỏi để cho cái công việc cụ thể đó trở thành công việc giỏi giang.
Trong thực tế, đây lại thường là chỗ yếu của con người VN hôm nay. Chiến tranh đã tạo cho xã hội ta một đội quân đông đảo những người vô nghề nghiệp và sau chiến tranh, tưởng rằng với sự học hành lớt phớt qua loa, chỉ cần có đủ thứ dũng cảm, ý chí,quyết tâm...như hồi nào, là thừa sức đi vào xã hội hiện đại.
Đã in trong Nhân nào quả ấy,2003