VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Nên hiểu "cái nạn điển Tầu" như thế nào?

Văn nhân - tài đức và học vấn là tên gọi một bài viết của nhà giáo Phương Lựu (PL) trên báo Văn nghệ số 15 (13-4-2013). Đọc bài PL, bạn Trần Thị Phương Hoa (TTPH ) có bài trên mạng VHNA (3-6-2013), tỏ ý “thất vọng và buồn bã”. Cái cớ để tác giả ngán ngẩm với bài viết của PL nằm ở một nhận định bao trùm về tình hình nghiên cứu ở ta, theo đó, việc gì ta cũng đã làm và chỉ cần dựa vào mình mà làm rất tốt, can cớ chi phải trở lại với điển tích Trung Hoa. Theo tôi hiểu, những ý kiến trình bày ở đây không chỉ là ý riêng của tác giả Cái nạn điển Tầu mà còn là nhiều người khác.


Lý do chúng tôi viết bài này để có vài lời phản biện với TTPH là thế. Những ý kiến tóm tắt sẽ nêu là:

1/ học thuật VN hôm nay rất ít chú ý kinh điển, nói chung là ít chú ý tới các phương diện lịch sử và văn hóa cơ bản.
2/ tài đức và học vấn của các văn nhân lại càng là điều ít được nghiên cứu, nếu không nói là chạy theo những quan điểm sai lệch. Nhiều vấn đề quan trọng khác của học thuật cũng trong tình trạng như vậy.
3/ Trước mắt trong việc nghiên cứu các vấn đề này, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở phần tư liệu VN mà phải mở rộng ra các nền văn học khác. Tất cả phải được làm theo những chuẩn mực quốc tế. Mở đường hội nhập là cách thức duy nhất để cả sáng tác lẫn nghiên cứu ở ta có thể vượt thoát khỏi bãi lầy hiện tại.
4/ Trong khi chờ đợi những sự thay đổi, mọi sự vuốt ve o bế nhau đều có hại. Nhất là không được đổ lỗi cho những nhân tố đến từ bên ngoài. Cần thấy rằng nguyên nhân của tai họa, tóm lại, -- chính là ở sự không chịu học cũng như không biết học. Vốn kéo dài suốt từ thời các cụ xưa, căn bệnh này đến nay lại càng trở thành một thứ tử huyệt của nền học thuật chúng ta. Càng viện ra đủ lý do để không chịu học, chúng ta sẽ càng lún sâu vào bất lực và thoái hóa.

Một nền tảng học thuật quá mỏng quá yếu

Theo nghĩa thông thường, điển tức là phép tắc mẫu mực, kinh sách ngày xưa. Vậy nghe nói cái nạn điển Tầu cứ thấy kinh kinh, hình như các nhà nghiên cứu nhà mình nhiều người mải miết trở về với kinh sách ngày xưa đến mức quá quắt, đa thư loạn ngôn, và như vậy là đang trở nên giống như các cụ hủ nho xưa.
Với kinh nghiệm của một người cả đời sống trong giới những người cầm bút, tức những người gọi chung là văn nhân, tôi muốn nói tình hình chung của cả giới là hoàn toàn ngược lại với điều bạn TTPH vừa gợi ra.
Với giới sáng tác, chẳng hạn các bạn làm thơ, có một tình hình mà chưa bao giờ thấy trong quá khứ -- ở nhiều người, sự hiểu biết về lịch sử thơ ca trong và ngoài nước là một khoảng trắng.
Trong Thi nhân Việt Nam 1932-1941, khi xét chung về Thơ mới, Hoài Thanh đã chia ra xóm Thơ Đường, xóm các nhà thơ ảnh hưởng của thơ Pháp …và đó là cách xem xét đúng đắn.
Nhìn vào từng nhà thơ hồi ấy, người ta luôn luôn cảm thấy cái phần văn hóa thơ của các tác giả rất sâu, dày. Ngay một người như Nguyễn Bính, ông không chỉ thạo ca dao như người ta hay nói, mà còn thạo cả thơ Trung Hoa cổ nữa.
Còn với các nhà thơ trưởng thành từ sau 1945 ( ta hay gọi là lớp kháng chiến và lớp chống Mỹ), ta không sao phân nhóm họ theo ảnh hưởng văn hóa như Hoài Thanh đã làm. Họ cứ sáng tác như cây mạ được gieo  theo kiểu vung tay từng nắm và chen chúc mọc giữa đồng mà chẳng theo lớp lang mạch lạc nào hết. Và đó chẳng phải là một điều đáng tự hào gì, nếu không nói một dấu hiệu của tình trạng tự phát khiến họ không thể đi xa được.
Tình trạng này càng rõ nếu nhìn vào giới nghiên cứu.
Năm 1961, vào học khoa văn Đại học Sư phạm Vinh, khi học đến môn Lý luận văn học, tôi rất thích cuốn Sơ thảo nguyên lý văn học của Nguyễn Lương Ngọc. Ở đó, khi nói bất cứ vấn đề gì, tác giả đều dẫn cả cổ kim đông tây. Có mặt trong các trang sách của ông phải kể từ Platon, Aristote, Boileau, Plekhanov… đến Viên Mai ( tác giả Tùy viên thi thoại), Lưu Hiệp (tác giả Văn tâm điêu long).
Vả chăng, trong cách trình bầy, thấy Nguyễn Lương Ngọc đúng là có đọc thật chứ không phải nhắc cho thiên hạ biết là mình có đọc như nhiều nhà nghiên cứu hiện nay. Bài giảng của ông do đó mang tính gợi mở chứ không áp đặt.
Sở dĩ tôi phải mò mẫm đi tìm Sơ thảo nguyên lý văn học vì đến thời tôi học ( từ sau 1960), các thầy không dạy như thế nữa. Giáo trình tôi được học là một thứ mô phỏng của mấy cuốn lý luận của các trường đại học Liên xô hồi ấy. Mà mô phỏng với cái nghĩa rất thô thiển, trong nhiều trường hợp chỉ là hớt lấy cái phần thông tục nhất. Thứ nữa trong các sách này, thí dụ nêu lên minh họa không bao giờ là các hiện tượng văn học Hy La, văn học phương Tây cả cổ điển lẫn hiện đại. Mà chỉ nhắc hết Pavel của Gorki lại Pavel cua Ostrovski, để rồi chuyển rất nhanh sang phần áp dụng vào văn học VN đương thời, từ Việt Bắc,Gió lộng của Tố Hữu đến Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên hoặc Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi. Hóa ra mục đích của môn lý luận ở cái gọi là đại học của ta là thế, là lướt qua rất nhanh các vấn đề học thuật cơ bản, mà chỉ nhăm nhăm xem có gì tiện đem ra áp dụng để phục vụ cho việc chỉ đạo nền văn học đương thời. Hướng làm việc đó căn bản còn kéo dài cho tới hôm nay.

Về chuyện học của người Việt và các văn nhân Việt

Từ chuyện điển phạm, bạn TTPH mở rộng ra:
 "Về chữ học thì người Việt chả xa lạ gì. Các bậc văn nhân Việt xưa đa phần là người có học, thậm chí đỗ đạt rất cao như Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh, tương đương Tiến sĩ, Nguyễn Khuyến đỗ đầu kỳ thi Đình, đến như nhà thơ Tú Xương lãng tử cũng hết sức chăm chỉ chuyện đèn sách, dù chỉ đỗ đến Tú tài. Tấm gương học tập của các vị ấy đáng để con cháu tham khảo. Nó không chỉ là học tập, nó là ý chí, là nghị lực, quyết tâm, sự dũng cảm và dấn thân."
Những nhận định loại này đang khá phổ biến. Lúc còn là sinh viên mới ra trường, tức những năm mới vào đời, tôi cũng sẵn sàng tin như vậy. Nhưng càng ngày, đọc thêm về các nền văn hóa khác, càng thấy rằng người Việt cũng như văn nhân Việt,  do không có việc xuất bản sách vở mà cũng hạn chế trong giao lưu với văn học nước ngoài, nên cũng chẳng có gì nhiều để học.
Không ai phủ nhận là dẫu sao người xưa cũng còn chịu khó hơn bây giờ, hơn nhiều nhiều lần.
 Nhưng nên nhớ là trong các tài liệu giáo dục xưa, bao giờ cũng có cái ý nệ cổ tuân theo giáo điều và ít tinh thần khai phóng. Cả thơ văn lẫn môn sử được học tập và mang ra thi đều là thơ cổ Trung Hoa và Bắc sử. Với kinh sách Khổng Mạnh, các nhà nho xưa chỉ biết làm toát ước và dừng lại ở thời Hán Đường trở về trước. Trong lời mở đầu cuốn Người đời nên biết ( Nhân thế tu tri), Cao Xuân Dục (1843 - 1923) từng viết đại ý ham học không bằng biết học, theo tôi cũng là một thứ báo động về cách học của người xưa.

Chính ta lại tự hiểu ta quá ít

Đọc tới cái câu bạn TTPH viết Đề tài về văn nhân với tài đức và học vấn đâu phải là đề tài xa lạ gì với Việt Nam, với lịch sử văn hoá Việt Nam, tôi cũng muốn thầm kêu lên ngay, cái chuyện này không đơn giản chút nào hết. 
Ở ta, cái gì cũng có, cái gì cũng không, mờ mờ ảo ảo, và câu chuyện chúng ta đang nói cũng trong tình trạng như vậy.
Thật vậy, các cụ ta xưa – vì đây là chuyện lịch sử văn hóa nên phải trở về với các cụ-- cũng đôi khi bàn về tài đức, nhưng thông thường họ chỉ có một cách làm là dẫn dụ từ các tài liệu Trung Hoa. Sự phát triển của văn học Việt thời trung đại chưa đạt chuẩn mực đến mức có thể làm nền cho mọi khái quát lý luận. Cũng có một số ý kiến nêu ra trong cuốn Từ trong di sản … nhưng thử tước bỏ các điển phạm và các dẫn chứng Trung Hoa cổ đại xem, ý kiến mất ngay sức nặng.
Trong thời chiến tranh và những năm thánh hậu chiến nặng nề của chúng ta, các chuẩn mực cơ bản của văn nhân và trí thức lại càng ít được nói tới.
 Khi đánh giá các tác giả xưa, các nhà nghiên cứu thời nay thường chỉ nhấn mạnh xem sáng tác của họ có phục vụ cho công cuộc chống ngoại xâm không, hoặc họ đã đứng về phía nhân dân lao động đến đâu, với lớp quần chúng cơ bản đó họ có tỏ lòng thương xót không. 
 Còn cái chuyện tài năng của họ, học thức của họ, chỉ được nhắc qua loa.
Ở đây, như chúng ta biết có môt sự chỉ đạo từ cấp trên, các nhà quản lý tư tưởng. 
Và giới nghiên cứu đã rất hào hứng tuân theo. 
Bởi tất cả cùng hiểu nhấn mạnh đến tài năng đến học thức quá sẽ ngăn cản nhiệt tình sáng tạo của các nhà văn đương thời. Các nhà văn trẻ tuổi tôi thường được dạy dỗ là cứ mạnh dạn viết, viết theo những đơn đặt hàng của xã hội hôm nay là thả nào cũng có tác phẩm lớn.
Và cũng bởi -- về phía nhà nghiên cứu mà nói -- cứ viết thế rồi cũng giáo sư tiến sĩ cả một lượt thì tội gì tìm tòi thêm cho mệt, không chừng có khi lại còn bị  mắng mỏ thêm nữa, thiệt đơn thiệt kép.

Trong nghiên cứu không thể làm theo phương châm “ta về ta tắm ao ta”

Sau khi đã nói tài đức là chuyện đã được nghiên cứu ở VN, lẽ tự nhiên bạn TTPH trách PL cả bài tác giả chỉ đưa ra toàn điển tích của Tầu, từ đầu cho đến đuôi không một câu chữ nào đả động đến tài đức của văn nhân Việt.
Tôi không cho rằng bài viết của P L là  hay và có giá trị. Nhưng yêu cầu của TTPH cũng có cái gì đó không phải.
Trong khoa học nói chung, hoặc nói hẹp trong một bài viết, người ta hoàn toàn có thể sử dụng những tư liệu của mọi nền văn học trên thế giới, miễn  từ đó rút ra được những kết luận đúng. Nói rộng hơn, trong nghiên cứu văn học nói chung, có rộng thì mới có sâu.
Hãy trở về với văn học VN! Có cảm tưởng một cái ý lớn mà bạn TTPH nêu lên là vậy và nếu tôi không lầm thì cả các nhà lãnh đạo chỉ đạo lẫn một số nhà nghiên cứu trẻ hôm nay đều thích nói như vậy.
Dù chỉ làm nghiên cứu ở cái dạng nghiệp dư, tôi cũng sớm đi theo quan niệm khác. Để có thể hiểu được văn học một nước, chỉ có kiến thức riêng về "nó" là chưa đủ. Riêng với  văn học VN -- một nền văn học chịu nhiều ảnh hưởng nước ngoài, trong suốt các thời kỳ lịch sử -- lại càng chưa đủ. Con đường đến với văn học VN của một nhà nghiên cứu, lạ thay, là đi qua những mò mẫm khi đọc vào văn học các nước khác, tối thiểu là những nước từng có nhiều quan hệ với mình, như Trung Hoa và Pháp.
Trong cuộc đời làm nghiên cứu tay trái của mình, tôi thấy gần nhất với hai cây bút lớp trước mà tôi hay gọi là chị-- chị Đặng Thị Hạnh và chị Đặng Anh Đào. Cả hai đều xuất phát từ văn học nước ngoài, nhưng nhờ biết từ đó nâng lên thành một vốn văn hóa tổng quát, nên khi “tạt ngang” nhìn vào các hiện tượng văn học VN đương thời, thường đạt tới hiệu quả mà bọn chỉ đọc văn học nước ngoài qua các bản dịch như bọn tôi không bao giờ có được.

Cũng gọi là có thành tựu đấy, nhưng là ở mức độ nào?

Tổng hợp từ tất cả những gì đã nêu ở trên, TTPH cho rằng ở cả chính văn học lẫn khoa nghiên cứu văn học đã có bao nhiêu thành tựu mà những người đang làm việc trên lĩnh vực này muốn tiếp nối được còn là mệt.
   Ở Việt Nam, từ những năm 1930, tức là ngay khi làn sóng sử dụng quốc ngữ trong văn học thơ ca vừa nở rộ, các nhà phê bình Việt Nam cũng đã sớm phát hiện ra các văn tài Việt. Những đánh giá đó vẫn chưa hề mất đi giá trị của nó. Không hiểu sao tác giả Phương Lựu lại không nói gì tới tiêu chí đánh giá tài năng trong văn học Việt, điều mà độc giả rât mong mỏi được biết.

Rồi TTPH viết một đoạn, giống như một thứ trữ tình ngoài đề, đầy chất cảm thán:
Tôi đọc bài của tác giả Phương Lựu mà lòng buồn bã. Trong đó chỉ là những cái tên hết sức xa lạ với tôi, những cuốn sách chẳng nói với tôi điều gì mới mẻ, các nhận định cũng cũ kỹ xa xưa. Đâu rồi lịch sử của các văn nhân Việt Nam mà mỗi lời của họ với tôi mới là những lời vàng lời bạc, những lời mà họ đã chắt lọc được trên thực tế mà họ trải nghiệm ở chính quê hương này?
Chắc TTPH không ngờ lời than thở đó chỉ làm mát ruột một số nhà nghiên cứu hết thời đang phụ trách viện này viện khác hoặc từng được đủ thứ giải thưởng nọ kia, cũng như nó làm chỗ dựa cho khá nhiều nhà phê bình trẻ hiện nay vừa biếng lười, vừa thích sớm nổi tiếng. Việc tìm hiểu quá khứ văn học VN sẽ phải mở ra theo nhiều ngả đường khác và cần đến các học giả thứ thiệt đi vào nghề với một tâm thế khác.

Tại sao lại từ chối một công cụ tiện lợi

Trong bài của bạn TTPH còn có một số ý mà tôi muốn trao đổi thêm. Đó là, chẳng hạn, câu chuyện về cái tâm của nhà nghiên cứu, rồi mối quan hệ giữa đức và tâm. Nhưng thôi, dưới đây tôi xin dừng lại ở một vấn đề khá tế nhị. Nó chỉ chiếm rất ít chữ nghĩa, nhưng thực ra lại cộm lên đằng sau bài viết Cái nạn điển Tầu và thực tế là đang cộm lên trong giới học thuật nói chung.
Có lẽ TTPH đã không ác cảm với PL đến thế, tôi đoán, nếu như các điển cố mà PL nêu ra không phải là điển cố Trung Hoa.
Hiện có một số vấn đề nghiên cứu lý thuyết khá khó khăn với người Việt, như chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại,các trường phái lý thuyết phi macxit mà khi làm nghiên cứu, ta buộc phải trích dẫn của người nước ngoài. Thế nhưng nói về văn nhân thì can cớ gì lại toàn trích dẫn từ Trung Quốc?”
Vấn đề có ý nghĩa thời sự của nó.
Đúng là hiện nay trong giới nghiên cứu trẻ đang có sự chuyển hướng. Nếu các nhà nghiên cứu lớp trước, do sự quy định ngặt nghèo của hoàn cảnh, chỉ hướng về các nguồn lý luận Liên xô, Trung quốc thì hiện nay họ đọc thẳng sang tài liệu phương Tây.
Việc làm của PL hóa ra ngược dòng và là cái cớ khiến  TTPH trách cứ.
Nhưng theo tôi biết, hiện nay trong giới nghiên cứu văn học trẻ, cũng có nhiều bạn mới đi học từ Bắc Kinh Thượng Hải… về, và cái mà họ đi học ở bên ấy không phải chỉ là văn học Trung quốc mà còn là văn học phương Tây bao gồm cả các vấn đề lý luận và thực tiễn.
Là một người không đọc được thẳng các tài liệu gốc tiếng Anh tiếng Pháp, tôi vẫn dự đoán sự trung chuyển, đúng hơn là sự tiếp nhận phương Tây của giới nghiên cứu Trung quốc, là đáng tin cậy.
Tôi có một anh bạn làm khoa học kỹ thuật, từng đi học ở Nga và Đức về, tiếng Anh cũng sử dụng được, nhưng từ hồi về hưu, anh quay trở lại học tiếng Trung quốc để nhận làm lược thuật về các vấn đề khác nhau cho một số ngành khoa học kỹ thuật.
Làm thế nào ? Mươi năm trước năm nào anh cũng qua đó gọi là du lịch bụi. Đến thành phố nào anh cũng mò bằng được tới các hiệu sách. Mấy năm gần đây thì chỉ cần lên mạng cũng tìm được sách rồi.
Anh giải thích với tôi rằng nếu lên mạng để tìm các tài liệu đó bằng tiếng Anh thì giống như chui vào một cái rừng. Còn thông qua kênh của các trường đại học và nói chung là giới nghiên cứu TQ, anh tìm được tài liệu rất nhanh, bởi họ đã là những bộ lọc tốt lọc lựa cho mình mấy lần rồi.
Sau khi tìm được tài liệu tốt, họ lại biết tóm tắt đánh giá và có sáng kiến trong việc vận dụng vào thực tiễn, đỡ công cho mình bao nhiêu.
Tôi nghĩ rằng khoa học kỹ thuật đã vậy mà khoa học nhân văn cũng vậy. Bản thân tôi có liếc qua mấy cuốn lịch sử văn hóa Trung quốc, thấy lý luận văn hóa mà họ dựa vào đều là lý luận Anh Mỹ, chứ không phải các loại lý luận cổ lỗ của giới nghiên cứu chính thống Nga trước đây.
Tôi thành thật tin rằng các ngành nghiên cứu khoa học xã hội của Trung quốc hiện nay có sự từ giã quá khứ tức là cái phần di sản kéo dài từ hồi Diên An đến 1976, để tiến tới trình độ của khoa học xã hội thế kỷ XXI. Chắc chắn họ không có mốt học đòi làm dáng "ra cái điều hợp thời " và sự bảo thủ ăn sâu vào tận xương tủy như giới nghiên cứu nước mình.

Cái nạn …không chịu hiểu Tầu

Tôi hình dung là giữa chúng ta đang có một cuộc trao đổi thẳng thắn và có thiện chí. Nghe tôi nói tới đây, chắc bạn TTPH sẽ “lật con bài của mình”:
-- Không, tôi không nói văn hóa Trung Hoa như một phương tiện. Mà tôi nói cái phần văn hóa Trung Hoa cổ, nó đã để lại biết bao nhiêu tàn tích gây khổ gây hại cho dân mình. Chỉ tính từ sau 1945 đến nay, nó lại là cội nguồn của bao tai vạ. Thiếu gì việc để làm, nay ta trở lại với nó làm gì?
Cái ẩn ý này, có ở TTPH thì chắc cũng là điều tâm niệm của nhiều người. Đại thể ta thường thầm nói với nhau rằng mối quan hệ Việt Nam Trung Hoa -- cả trong lịch sử lẫn ngày hôm nay -- là một mối quan hệ kỳ cục. Ta nên quên đi hơn là nên nhắc lại.
Ta nghĩ vậy và ta cùng lúng túng, nhiều khi bề ngoài kiên quyết mà trong bụng cứ phân vân mãi. Phần tôi cũng vậy, mặc dầu biết rằng trước sau mình không thể lảng tránh nó, mà sao vẫn cứ muốn ngãng ra, vì trong bụng thầm nhủ rằng chẳng có cách nào tìm ra câu trả lời đúng đắn.
Đoạn độc thoại dưới đây sẽ hơi dài dòng một chút, nó là chứng cho sự lúng túng của tôi. Song tôi sẽ cố gắng để trước hết là tự hiểu và sau nữa là chia sẻ hiểu biết của mình với bạn TTPH, mong bạn bớt thời giờ đọc tiếp.

Bao nhiêu khó khăn đem đổ tại người
Điểm xuất phát của mọi suy nghĩ chúng ta ngày nay là những khó khăn của tình hình xã hội kéo dài trong lịch sử và lên đến cao điểm trong khoảng chục năm nay.
Tạp chí Bách Khoa số 73 ra ở Sài Gòn 1960, từng trích dẫn nhiều ý kiến sâu sắc của linh mục F. Parrel về Thanh niên Việt Nam hiện nay. Theo ông, ở họ trực giác lấn suy tưởng trừu tượng, chủ quan lấn khách quan … Tâm hồn ít xúc động về vật và người. Chiến tranh làm cho người ta không biết tới người khác. Họ phải tự động tạo ra mọi phương tiện tự vệ. Tâm hồn họ khô rắn lại vì đời sống bất trắc.
Và ông cho rằng hiện người Việt có khuynh hướng quy tất cả khó khăn cho yếu tố nước ngoài.
Tuy nhận định này đi ngược với tất cả những điều tôi được dạy dỗ từ trước, song thú thực tôi cứ bị nó ám mãi. Càng ngày tôi càng thấy nó là đúng.
Một trong những động lực của cuộc vận động lịch sử 60 năm qua là cảm hứng nước mất nhà tan. Thơ Tố Hữu nói rất xót xa “Thuở nô lệ thân ta nước mất – Cảnh cơ hàn trời đất tối tăm”. 
Hào hứng bao nhiêu là những ngày chính quyền về tay người mình. Ta tưởng chỉ cần không có mặt người nước ngoài ở đây là mọi sự sẽ giải quyết. 
Ta  không thể ngờ là từ sau 1975 đến nay, - hãy tạm chỉ tính khoảng thời gian không có chiến tranh -- mặc dù cờ đã đến tay song ta đâu phất nổi; cái chủ yếu trong điều kiện xưa đã thỏa mãn song đời sống chúng ta có ra sao, nếu không nói là ngày càng ngập sâu vào khốn khó hư hỏng.
Tôi cho rằng phải căn cứ vào cái tình hình có thực này để nghĩ lại về tất cả các lĩnh vực cuộc sống. Trong đó, một trong nhưng cái đáng nghĩ lại nhiều nhất, là mối quan hệ ta với nước ngoài.
Đúng là trong việc hình thành cuộc sống và văn hóa VN, các nhân tố Trung Hoa có vai trò mà đến nay ta chưa đánh giá hết được trong đó  cái phần tiêu cực, dở ,sai...rất lớn.
 Nhưng tiên trách kỷ hậu trách nhân, hãy nhận rằng cái đó là do ta không có khả năng chọn lọc mà tiếp nhận, chứ sao lại quy cái lỗi về phía tác động bên ngoài.
Trong số những nhận xét về người Việt và văn hóa Trung Hoa cổ, tôi nhớ cái ý của giáo sư Trần Đình Hượu. Ông bảo mặc dầu sống bên cạnh người Trung Hoa từ lâu, song chúng ta hiểu rất ít về Trung Hoa. Trong bộ môn Trung hoa học của thế giới, Việt Nam chẳng có đóng góp gì cả.
Tôi không còn ở tuổi có thể ao ước có ngày làm được việc nọ việc kia nữa, song xin thưa thật với bạn TTPH, thời gian khoảng hai chục năm gần đây, tôi để nhiều thời gian để đọc lại lịch sử cũng như văn hóa Trung Hoa, rồi nhìn lại sự tiếp nhận Trung Hoa ở xứ mình.
Ngoài cái ý căn bản như Trần Đình Hượu đã nói, tôi còn nhận ra có rất nhiều phen chúng ta hiểu sai về họ, hoặc là bắt chước cái phần ngớ ngẩn tầm thường đồi bại của họ, mà không thấy đâu là cái đúng cái hay cái vĩnh viễn giá trị để nhìn vào đó điều chỉnh mình cho phù hợp, như thể người Hàn quốc người Nhật Bản đã làm.
Trên cái mạch nghĩ đó, tôi thấy xa lạ với cách nghĩ hiện thời ở nhiều người như trên đã trình bày, cũng như không tán thành một số biện pháp vừa qua đã được sử dụng, nhất là tình trạng không giao lưu thường xuyên về sách vở thư tịch, không dạy chữ…
Đây tôi muốn nói cái tinh thần chủ đạo trong quan hệ, vì  một số việc có làm, nhưng chỉ là làm một cách hình thức, một cách chiếu lệ.
Cái chuyện không tổ chức dạy tốt chữ Hán cho lớp thanh niên đang bước vào cuộc sống, không hướng họ tìm hiểu văn hóa Trung Hoa ..., theo tôi, là một tai họa không những với người đương thời, mà chắc chắn còn để lại nhiều di lụy cho các đời sau.
Nếu cứ bực bội vì mọi việc không theo ý muốn nông nổi và thiển cận mình, rồi dằn dỗi, rồi  lăm lăm bảo nhau tiếp tục làm những việc dại dột, thì mọi việc của ngay chính mình sẽ ngày càng xấu đi. Tình hình kinh tế hiện nay đã cho thấy điều đó. Chửi hàng Tầu đến mấy thì hàng xấu hàng thừa hàng ế ẩm của họ vẫn ngày càng tràn vào VN và chỉ có buôn lậu là ngày một phát triển. Cả các món hàng tinh thần tư tưởng cũng vậy. Nếu biết học Tầu cho ra nhẽ, --vừa ham học vừa biết học như Cao Xuân Dục đã nói --, từ đó hiểu họ hiểu mình  rồi tìm ra đối sách thích đáng bao gồm bộ quy tắc ứng xử hợp lý, thì chắc chúng ta không rơi vào cái tình trạng phụ thuộc vào họ một cách toàn diện và nhục nhã như hiện nay.
Mới hơn Cũ hơn