VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Cạn nghĩ, ngắn hơi, dễ thỏa mãn

       Không chỉ tinh tế khi tả thức ăn mà trong Hà Nội băm sáu phố phường (in trên Ngày nay từ 1940), Thạch Lam còn khéo ghi nhận cái thói quen dễ dãi cẩu thả của người mình trong cách làm thức ăn. Như trong câu chuyện về  mấy bát mằn thắn. Trong khi bát mì của mấy chú khách (tức đám Hoa kiều ) đầy đặn thì người mình chỉ giỏi giả lễ bà chúa mường. Bát mằn thắn của các ông chủ người Việt có đủ cả rau thơm, xá xíu, đôi khi mấy miếng dồi và một phần chia tám quả trứng vịt, song mằn thắn bột thì thô, nhân là một tí thịt bạc nhạc, nước rất nhiều nhưng nhạt.
      Cho đến những năm cuối thế kỷ XX đầu XXI này nhiều người đi nước ngoài còn chứng kiến kiểu làm ăn tương tự.

      Như ở Paris, một  nhà báo kể với tôi là chả có cửa hàng ăn nào của người Việt đậu được lâu. Lúc mới khai trương cũng rôm rả. Nhưng chỉ một hai năm là chất lượng kém hẳn đi và người ăn bỏ hết sang các hiệu khác.  
      Người ta bắt gặp ở đây một quan niệm sống tầm thường dễ dãi, không bao giờ duy trì được sự liên tục có trước có sau tức không đạt tới một trình độ chuyên nghiệp ổn định.
      Một thói xấu khác của các nhà hàng buôn bán người mình được Thạch Lam ghi nhận là thói dễ thỏa mãn. Ông lấy ví dụ như mấy hiệu kẹo lạc kẹo vừng Cự Hương, Ngọc Anh. Lúc đầu còn chịu khó làm thật ngon để chiều khách, sau ngủ yên trên danh vọng.
      Hình như dân mình động giàu là ra mặt vênh váo và bắt đầu làm ăn chểnh mảng - tác giả Gió đầu mùa khái quát. Và ông hồn nhiên tự hỏi “Ồ, sao sự cố gắng ở nước này không được lâu bền nhỉ ! “.
     Người xưa có câu “Nhân bần trí đoản”, với nghĩa người nghèo hèn,kẻ hiểu biết nông cạn thì không còn đáng để ai đếm xỉa tới nữa.
      Không đâu thấy rõ sự ngắn hơi và dễ thỏa mãn như trong hoạt động của người làm nghệ thuật ở Việt Nam. Làng tranh Đông Hồ quê gốc tôi có nhiều nghệ nhân có tác phẩm để đời. Nhưng tên tuổi tác giả những bức tranh đó thì không ai biết. Đại khái đó là những ông thợ tài hoa nhưng cẩu thả, lúc vợ ốm con đau hoặc thua bạc cần tiền thì vẽ vội mấy bức mang bán cho các nhà giàu trong làng, và không có ý niệm gì về bản quyền trên tranh. Cũng giống như các cửa hàng kẹo bánh của Thach Lam “không biết rằng hàng của mình ngon hơn hàng khác “, các nghệ nhân đó cũng không thể nghĩ rằng lẽ ra tên tuổi mình có thể còn mãi với lịch sử mỹ thuật. Chính họ tước đi khả năng đó ở họ.
    Theo các nhà nghiên cứu văn hóa thời cổ văn xuôi Trung quốc chỉ có biền văn, chưa có tự sự. 
     Tự sự Trung quốc là học được từ Ấn Độ qua du nhập sách Phật. 
     Nhưng khi đã nắm được rồi thì người Trung Hoa đưa nghệ thuật này lên đến đỉnh điểm. Những bộ tiểu thuyết như Hồng lâu mộng Kim bình mai có độ dài và trình độ kết cấu không thua kém gì những thiên tự sự đồ sộ nhất của phương Tây.
   Trong khi đó các tác phẩm tự sự của người Việt chỉ theo dõi con người trong những khoảng thời gian ngắn. Không tìm đâu ra loại tác phẩm có khả năng bao quát cuộc sống nhân vật trong thời gian dài, dựng lại lịch sử cả mấy thế hệ như truyện Tàu. 
     Các cuốn tiểu thuyết hiện đại thường kém về kết cấu toàn cục. Cố lắm chỉ được vài chương đầu. Càng về cuối càng hỏng.
       Manh mún nhỏ lẻ không chỉ là cách làm ruộng đi buôn mà cũng là cách người Việt làm nghệ thuật. Chúng ta chỉ có những tác phẩm nhỏ nhỏ xinh xinh, chùa Một Cột chẳng hạn chỉ tồn tại như một ý niệm hơn là một công trình thực tế.
      Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng có lần bảo với tôi: Tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay của chùa Bút Tháp đẹp thật, nhưng lưng tượng thì chỉ được làm  dối dá cốt cho xong chuyện. 
      Trong truyện ngắn Đất xóm chùa ( in trên Văn Nghệ số 42 năm 1993), nhà văn Đoàn Lê để cho một nhân vật phát biểu tạt ngang : “Khốn nạn, cái vạt đất tí hin bị bỏ quên sau mấy lũy tre, mơ ước hào hoa nhất chỉ là nồi cơm Thạch Sanh cả làng ăn không hết, chuyện tinh tướng  bốc giời nhất cũng chỉ chuyện củ khoai to bằng cái đình …..Cứ ra cái điều !”     

TT&VH 10-7-07


Bổ sung

  Một số trích đoạn từ các phần Người xưa cảnh tỉnh , có liên quan tới chủ đề Cạn nghĩ ngắn hơi, dễ thỏa mãn

Những ham muốn tầm thường
      Đau đớn thay cho những người nước ta, trước mắt không bao giờ thấy lợi chung, trong óc không bao giờ có tư tưởng cao thượng, túi những chất đầy tham mà tham không mực, chẳng qua là nghiện hơi đồng (1); hố vẫn lấp đầy dục (2) mà dục kỳ cùng, chẳng qua là hầu xác thịt; kết quả đến nỗi hy sinh hết lương tâm thiện lý, mà làm nô lệ cho những món tư tình (...) Vợ vì sẵn của mà hoá vợ hèn, con vì sẵn của mà hoá nên con dại, tiền bạc hoá ra của phá nhà, ruộng vườn hoá ra mồ chôn sống...

(1)  lấy ý từ câu Kiều: “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê “
(2)  lòng ham muốn
Phan Bội Châu
 Cao đẳng quốc dân, 1928


Bỏ cũ theo mới một cách nông nổi
      Những người theo Nho học xưa nay thường hay trọng cái hình thức bề ngoài thái quá  để đến nỗi tinh thần sai lầm đi rất nhiều. Người mình lại cứ quen một mặt thuận thụ (1)  theo cái khuôn nhất định của tiền nhân để lại, việc phải trái hay dở thế nào cũng chỉ ở trong cái khuôn đó chứ không chệch ra ngoài được, sự phê bình phán đoán càng ngày càng hẹp lại, không biết còn có tư tưởng nào nữa.
    Đến nay thời cục đã biến đổi, khoa cử bỏ đi rồi, sự học cũ không phải là cái cầu ở con đường sĩ hoạn nữa, thì Kinh Truyện xếp lại một chỗ mà đạo thánh hiền cũng chẳng ai  nhắc đến.
     Sự bỏ cũ theo mới của ta hiện thời bây giờ không phải là không cần cấp, nhưng vì người mình nông nổi không suy nghĩ cho chín, chưa gì đã đem phá hoại đi, thành thử cái xấu cái dở của mình thì vị tất đã bỏ được, mà lại làm hỏng mất cái phần tinh tuý đã giữ cho xã hội ta được bền vững mấy nghìn năm.
      Cái tình trạng nước ta hôm nay là thế, khác nào như chiếc thuyền đi ra biển, không biết phương hướng nào mà đi cho phải.

(1) xuôi theo, tự nguyện chấp nhận
                                                                                                      Trần Trọng Kim
                                                                                                                         Nho giáo, 1930 




Dễ  dãi thô thiển thế nào cũng xong     
    Người An Nam vốn có cái thiên tính dễ đồng hóa(1), dễ am hiểu, dễ thu nạp lấy những cái khác lạ với mình, dễ đem những điều hay điều dở của người mà hóa (2) làm của mình; nhưng cái tài đồng hóa đó thường thường chỉ là cái khóe tinh (3), biết xem xét và bắt chước của người, chỉ phảng phất ở bề ngoài chứ không thấu triệt được đến chỗ căn để (4) chỗ tinh túy.
   Tỷ như thợ An Nam thì phóng chép tài lắm; những hình dáng kỳ đến đâu, những kiểu cách lạ đến đâu, họ cũng bắt chước được như hệt cả.
   Học trò ta học rất mau, nhớ cũng rất mau, nhưng chưa chắc đã hiểu thấu đã hóa được những cái người ta dạy mình.
   Một người trí não khô cạn, hay là vì không được tiêm nhiễm những cái tinh hoa của nòi giống mà thành ra khô cạn đi – một người như thế không thể không thể nào hiểu thấu được cái tinh thần của Tây phương. Có đồng hóa chỉ đồng hóa được cái bề ngoài, chỉ bắt chước được cái hình thức.
    Cái cách đồng hóa dễ dàng thô thiển đó thiết tưởng không phải là cái tính tốt, mà có thể cho là cái tính xấu được. Chưa chắc cái học tiếp thu được dễ dàng như vậy đã làm cho óc được khôn ra, người được chín ra chút nào.
   Đồng hóa một cách cấp tốc, một cách vô độ -- há chẳng phải là hại hơn lợi ?

(1)  tiếp nhận
(2)  biến cải
(3)   ngón nghề, mánh lới
(4)  gốc rễ, cơ bản
Phạm Quỳnh
Giải nghĩa đồng hóa, Nam phong, 1931

An nhàn lẫn với đê hèn nhục nhã
     Tinh thần thượng võ tuyệt nhiên không thấy trong lịch sử ta. Cái ước muốn cao nhất của người mình là sống một cuộc đời an nhàn, bình tĩnh, hưởng thú vị gió mát trăng thanh, cho dầu một đôi khi các thú vị đó không khỏi lẫn đê hèn, nhục nhã …
    Các văn sĩ ta xưa nay ngâm vịnh gì cũng ít khi ra khỏi những cảm giác những tình ý nhẹ nhàng, yếu đuối. Văn chương ta có thể nói là một thứ văn chương đàn bà.
    Các nhân vật trong tiểu thuyết trong thi ca ngày nay phần nhiều đều có vẻ ngây ngô. Những cử chỉ những ái tình của họ cũng có vẻ ngây ngô.
    Cái ưa thích này đã tỏ ra rằng dân tộc ta là một dân tộc già.

Hoài Thanh
Cần phải có một thứ văn chương mạnh mẽ hơn, Tiểu thuyết thứ bảy, 1935



Tình cảm nhợt nhạt
    Trong quyển  Le Francais par  les  textes  (1), tôi đọc được  một đoạn ký ức của văn sĩ Nga L. Tolstoi, nhắc lại cái tình mẹ đối với con và con đối với mẹ trong hồi còn thơ ấu. Một đoạn văn bình dị mà cảm động vô cùng.
   Rồi tôi cố tìm lại trong văn thơ ta một đoạn tương tự như vậy. Thì ra cái xứ vẫn nổi tiếng là hết sức tôn sùng đạo hiếu này lại không hề có một tác phẩm văn chương ca tụng tình cha con, mẹ con.
   Những bài ca Nhị thập tứ hiếu chỉ là những bài ca khuyến hiếu (2).Cho đến quyển Kim Vân Kiều cũng chỉ là một bài ca khuyến hiếu. Ở trong ấy chỉ có những điều bắt buộc của lễ nghi của luân lý mà không sao tìm thấy cái tình đối với song thân hồn nhiên, chất phác mà trời đã phú cho con người.
   Vì sao lại có sự lạ lùng vậy? Hay là cái tình cha con, mẹ con ở xứ mình quá ư bạc nhược, nên người ta phải mượn luân lý để ràng buộc lại?! 

     (1)Tiếng Pháp qua các bài khóa
     (2)Khuyên người ta phải có hiếu
                                                              
    Hoài Thanh
                           Về văn học xứ ta cũng còn là một đất hoang Sông Hương, 1938




          
                   

Mới hơn Cũ hơn