Dạo này đi đâu cũng thấy dân tình bàn tán về hành xử của đám nhà giàu trọc phú vừa rồi, mang việc đấu giá làm từ thiện ra đùa cợt. Đùa cợt trên sự cùng cực của người nghèo.
Đấy, đám người giàu có, tức những người năng động thành đạt những người ưu tú của xã hội ta là thế đấy!
Lại nhớ gần đây một người Đức đã viết trên mạng về “người Việt xấu xí’.
Ông ta bảo hình như nhiều người Việt hiện nay cũng biết mình hư hỏng nhưng lại có lối đổ thừa cho hoàn cảnh.
Tức là bảo rằng tại chúng tôi nghèo quá nên chúng tôi mới hư hỏng thế này, còn nếu giàu có lên thì chúng tôi sẽ tử tế ngay.
Còn theo kinh nghiệm của người Đức, và nhiều cộng đồng khác, con người phải tử tế thì mới có được sự giàu có chắc chắn.
Có vẻ như các vụ việc gần đây cho thấy người Đức kia nói đúng.
Sự giàu có hiện nay của một số người ở VN chỉ là sự giàu có giả tạo. Họ vẫn chưa thành người.
Tại sao người dân tha hóa vậy? Câu trả lời có thể là:
-- đi qua chiến tranh người ta sống cảm giác kẻ sống sót, không thấy cuộc đời có ý nghĩa gì ngoài sự hưởng thụ.
-- chiến tranh không đào tạo người ta thành người lao động bình thường, trước cuộc mưu sinh ngày nay, mỗi người hoàn toàn bất lực.
Nên nhớ là dưới bom đạn, ảo tưởng lại được nuôi nấng, và đến nay khi ảo tưởng đó tiêu tan, thì con người ta như con trâu đứt mũi, thả mình phiêu lưu trong sự hư hỏng.
Các nguyên nhân khác:
Nguyên nhân căn cốt cộng đồng. Ngay từ hồi chiến tranh, tôi nhớ một người như nhà văn Đỗ Chu đã có lúc trầm ngâm nói với tôi rằng đọc lại sách vở xưa, bên cạnh rất, rất nhiều tự hào, nhiều khi chợt thấy dân mình có quá nhiều tính chất của một đám đông lêu lổng(?!).
Có đúng thế không ? Không đúng hẳn, cũng đúng một phần?
Nghe chuyện lừa lọc thời nay, luôn luôn tôi nhớ đến Ba Giai Tú Xuất.
Không hiểu sao truyện này không được nổi tiếng bằng Trạng Quỳnh ? Có lẽ vì thiếu chữ trạng là cái chữ dân ta rất khoái? Mà có lẽ có cái việc là Trạng Quỳnh chửi vua quan và sứ Tầu để rồi giải thích mọi sự hư hỏng của mình là do phải đối phó với họ -- trong khi Ba Giai Tú Xuất chỉ nói cái việc người ta trở thành lưu manh bịp bợm và lừa lọc nhau …một cách hồn nhiên và đầy hào hứng ra sao.