VƯƠNG-TRÍ-NHÀN

Về tình trạng tha hóa ở con người hôm nay


 

       Hồi ký Đời viết văn của tôi của Nguyễn Công Hoan có đoạn viết:
      Trong các mục của  An Nam tạp chí mới chấn chỉnh,  có một mục đặt tên là Việt Nam nhị thập thế kỷ xã hội ba đào ký. Thấy cái tên khá dài dài, tôi hỏi, ông Tản Đà nói rằng  mục này đăng  những bài viết về những cảnh xuống của con người ( sdd , bản  in lần đầu của nxb Văn học 1971, tr 138 ).

      Trong chữ cảnh xuống, Tản Đà  và  Nguyễn Công Hoan đã nói về sự tha hóa của con người VN hiện đại.
     Từ sau 1945, hai chữ cảnh xuống ấy xa lạ với chúng ta. Xã hội quay cuồng trong niềm tin rằng mình chỉ có đi lên  mình sẽ trở thành những con người mới, khác hẳn con người cũ.
     Nhưng đến ngày hôm nay, có một cảm giác mơ hồ hình thành trong một số người. Là hình như người Việt đang trở nên xấu xí hơn bao giờ hết?
     Bọn  tôi vốn được đào tạo để sống theo cách nghĩ cách nói của Tố Hữu ( Người yêu người sống để yêu nhau ). Khi bắt gặp ở mình những ý nghĩ như thế, -- những ý nghĩ mà Tố Hữu và bộ máy của ông sẽ gọi là sa đọa -- chúng tôi e sợ mà tự cãi lại với mình, sao lại có thể như thế được.
      Nhưng rồi dần dần cái cảm giác ấy cứ lớn dậy trong lòng, gạt bỏ không nổi.
     Nói người Việt xấu xí là chỉ nói về một tình hình có thực và đã ổn định trong lịch sử.
     Nói con người đương đại đang tha hóa suy thoái, tức là nói tới một quá trình, người ta đang hỏng đi, bị làm hỏng  và tự làm hỏng mình luôn thể.
     Nếu muốn có một công trình nghiên cứu đầy đủ, một nhà xã hội học phải bắt tay khảo sát nhiều việc, từ định nghĩa về suy thoái tha hóa đến những mô tả những biểu hiện của tình trạng đi xuống đó với tất cả sự kỳ cục của nó. Phải tìm hiểu nguyên do của các biến đổi ấy, đặt nó trong sự chi phối của hoàn cảnh. Và nhất là phải nói tới việc chống cự tuyệt vọng của con người với nghĩa người ta không ai muốn hỏng đi xấu đi, nhưng trong xã hội hiện đại, khả năng chống cự của người tức khả năng đề kháng và  miễn dịch của chúng ta đã bị loại trừ.
      Nhưng việc đó cần có sự góp sức của nhiều người. Trong phạm vi sức lực hạn hẹp của mình, thời gian qua tôi có viết được một số phiếm luận dưới đây xin kính trình bạn đọc trong một loạt kỳ liên tiếp. 

  

 Bảy bước tới tha hóa


     Hồi nhỏ, cũng như một số bạn bè cùng tuổi, tôi là đứa trẻ đãng trí, hay đánh mất những thứ lặt vặt: khi cái khăn mùi xoa, cái mũ, khi quyển truyện hoặc cái bút chì. Thông thường bố mẹ ở nhà cho qua không mắng mỏ gì đáng kể.
      Nhưng đâu một hai lần, tôi nhớ không những bị đánh cho mấy roi cứ gọi là quắn đít, mà còn bị hỏi căn hỏi vặn:
Mẹ đã nhắc con giữ cẩn thân cơ mà.
Chạy nhảy thế nào mà đánh mất, kể lại xem nào.
Thử nhớ lại xem, con đánh rơi ở đâu? Con đã để ý đi tìm chưa?....
Đến bây giờ tôi cũng không nhớ lần ấy đánh mất cái gì, chỉ đoán chắc là mấy thử đắt tiền lắm, chứ không phải ba cái đồ vớ vẩn như mọi khi. Người ta chỉ phải suy nghĩ về sự mất mát khi cái bị đánh mất được coi là quan trọng.
Liên hệ tới chuyện ngày nay:
Niềm thiết tha với cái tốt cái đẹp vốn nằm trong tâm trí chúng ta từ thuở thiếu thời, khi đang còn cắp sách đến trường.
Mấy chục năm nay, Nhà nước cách mạng cũng luôn luôn kêu gọi mỗi thành viên của xã hội gắng trau dồi đạo đức. Câu nói của thầy Mạnh "Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” thường được nhắc nhở vì trong một hình thức cũ, ló lại diễn tả tốt nhất nội dung chủ yếu của đạo đức mới - sự vững vàng của nhân cách. Nhưng liệu có thể nói mỗi người chúng ta đã làm được điều chúng ta mong mỏi?

Giả sử bây giờ, ra giữa buổi họp, tôi bảo ông nọ bà kia là thoái hoá biến chất, mọi người sẽ cho tôi là có hiềm khích gì đó với họ, nên mới ăn nói sỗ sàng như vậy. Nếu tôi lại mạnh mồm khái quát rằng nay là lúc không ít người trong chúng ta đang hư hỏng đi, thì người ta sẽ bảo tôi là liều lĩnh vô căn cứ, là không có cái nhìn toàn cục, không thấy "mặt tốt là chủ yếu”.
Nhưng nhiều lúc ngồi một mình tỉnh táo, đối diện với lương tâm, hẳn nhiều người chúng ta phải công nhận là quanh mình số người hiền lành thánh thiện ngày một ít, số khôn ranh kiếm chác ngày một nhiều thêm. Và tự ta nữa, nghiêm khắc mà nói, ta cũng đang sống không phải như ta mong muốn. Ở đây không nói tới những tội lỗi đã thành danh mục quản lý của pháp luật, mà chỉ nói tới những thói xấu nho nhỏ những thói xấu vẫn bị coi là không đáng kể, và dễ bị bỏ qua: Xoay xỏa vụ lợi. Làm dở báo cáo hay qua loa vô trách nhiệm. Khéo léo tô vẽ mình trước cấp trên. Hùa theo đám đông, nói cho đám đông vừa lòng, chứ không dám nói sự thật.. Có phải là không ít thì nhiều, hàng ngày chúng ta đã để cho những thói xấu đó lộng hành? So với con người lý tưởng mà ta muốn noi theo, khi bước vào đời, thì thật ra ta đang xa dần, thậm chí có những phẩm chất tốt mà ta có từ lúc còn trẻ và cứ tưởng giữ được mãi, bây giờ đã bị đánh mất.
Nay không còn là lúc sợ ai lục vấn mình như cậu bé năm xưa nữa. Nhưng có lẽ, với tư cách người có học, sống nhiều bằng ý thức, cũng nên quan sát chính mình xem xem một quá trình tâm lý như thế nào đã xảy ra, khi ta tự đánh mất một phần tốt đẹp ở con người mình như vậy.

Dưới đây là một vài nhận xét tôi rút ra từ kinh nghiệm bản thân và qua quan sát những người gần gũi chung quanh:
1. Sự kiếm sống hàng ngày là một khái niệm lâu nay chúng ta hay lẩn tránh và nó chỉ tồn tại như một giá trị ẩn, không được mang ra tính toán công khai. Nhưng phải nhận nó vẫn là nhu cầu có thực, hàng ngày gây sức ép với mọi người. Có nhiều việc ta biết là trái đạo lý song vẫn phải làm, chẳng qua chỉ là nhằm kiếm thêm ít tiền bạc, để cùng với đồng lương còm cõi, duy trì sự sống của bản thân và gia đình.
2. Các thói xấu lấn lướt ta mỗi ngày một ít. Thời gian đầu ta thường vừa làm vừa tự nhủ: chỉ chấp nhận đầu hàng lần này nữa thôi, sau sẽ không bao giờ tái diễn! Nhưng càng về sau, sự dằn vặt càng thưa thớt đi. Đời sống hàng ngày mang lại bao nhiêu căng thẳng mệt mỏi, khiến cho mỗi người chỉ có cách trượt theo thói quen và tránh nhất là gây thêm cho mình những phiền phức.
3. Có một điều ta thường viện ra để an ủi, ấy là khi thử đưa mắt quan sát thấy không phải chỉ có riêng mình làm bậy, mà chung quanh, cả những người có uy danh hơn, có trách nhiệm hơn, cũng đâu có giữ được lý tưởng - "Hơi đâu gái goá lo việc triều đình" - đấy là lý lẽ của những cái đinh ốc bé nhỏ.
4. Khái quát hơn, quả thật có nhiều việc thấy trái với lương tâm ta vẫn cứ làm, vì xem ra chung quanh mình, mọi người đều hành động như vậy. Tức là trông cậy vào tính phổ biến của sự hư hỏng.
Mà cảm giác hùa theo đám đông ( ngày nay gọi là sống theo tập thể)  ăn vào ta rất nặng. Ta sợ trở thành đơn độc lại càng sợ mang tiếng là chơi trội, dám khác mọi người(!).
5. Người ta ai mà chẳng vừa sống vừa trông trước trông sau xem cách sống của mình được đánh giá ra sao, và được đền đáp ra sao. Đến lúc thấy bao nhiêu cố gắng của mình cũng vô ích, những người tốt như mình thường thua thiệt, còn những kẻ xấu cứ được đủ thứ và lại leo cao mãi lên thì đành ngán ngầm buông xuôi (Sau khi phát hiện điều này, một số sẽ dãy dựa cốt vớt lại ít quyền lợi mà họ cho rằng họ đáng được hưởng. Từ ấy trở đi, họ dám sống rất làn bạo).
6. Chắc chắn trong ta không bao giờ chết hẳn con người lý tưởng, con người tha thiết với sự nghiệp chung. Giả sử được xã hội dang tay dìu đỡ thì sau những lầm lỡ ban đầu, cũng dễ tu tỉnh trở lại. Nhưng mọi chuyện quá ì ạch. Có vẻ như điều mà xã hội mong đợi hơn cả ở các thành viên chỉ là những câu khẩu hiệu chung chung. Cái phần suy thoái trong ta chớp ngay lấy cơ hội thuận lợi đó. 
Nảy sinh tình trạng phân thân, sống một đằng, nói một nẻo và bởi lẽ, trước mặt bàn dân thiên hạ, giữa thanh thiên bạch nhật, ta vẫn luôn mồm nói điều tốt, nên càng yên tâm xoay xỏa kiếm chác trong bóng tối.
7. Đến lúc nào đó, ta chợt nhận ra "rằng quen mất nết đi rồi", có lẽ sẽ không bao giờ hoàn lương được. Sự lo sợ có tới (lo sợ chứ không phải hối hận) và để hóa giải, ta xoay sang cầu cúng, xin xỏ, hối lộ thánh thần. Mê tín chính là mắt xích cuối cùng của sự tự làm hỏng, nhờ cô mê tín, các khâu hoạt động khác có thể diễn ra một cách êm đẹp. Đại khái giống như một thứ bảo hiểm!

Khi một đứa trẻ đánh mất của quý gì đó, người ta phải căn vặn hỏi han xem quá trình đánh mất diễn ra như thế nào bởi nghĩ rằng qua đó, giúp cho nó biết tự giữ gìn của cải và từ nay trở đi không đánh mất nữa.
Quá trình tha hoá, quá trình tự đánh mất mình ở chúng ta có chỗ khác. Ai cũng chỉ sống một lần trên đời, cái gì mất đi thì vĩnh viễn không lấy lại được nữa.
Vậy cần gì phải mang bản thân ra mà tra khảo cho thêm rách việc?
Có thể có một số người đã nghĩ thế và họ có lý của họ. Nhưng trong bài báo này, tôi muốn để nghị một cách nghĩ khác: ít ra chúng ta cũng nên sòng phẳng với nhau. Sự đánh giá chính xác về bản thân nên được xem như một phần di sản của một lớp người đang sống để lại cho các lớp kế tiếp, và nếu như nhờ thế một phần, mà những người sau ta sống không giống ta, tức là ta đã trở nên hữu ích.

Đã in Nhân nào quả ấy 2004





Mới hơn Cũ hơn